Videos 6. Quán Thọ | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Quán Thọ

(Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015)

Chúng ta đã nghe trọn phần quán thân mà Đức Phật đã giảng trong bài kinh Đại Niệm Xứ bao gồm quán hơi thở liên quan đến việc ngồi thiền, chánh niệm trong các oai nghi đi đứng nằm ngồi, tỉnh giác trong những hoạt động hằng ngày, quán 32 phần cơ thể ô trược dơ bẩn, quán tứ đại đất nước lửa gió, quán 12 yếu tố gồm 6 nội căn và 6 ngoại cảnh, vào lúc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ và quán xác chết. 

Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật giảng cách quan sát các cảm thọ trong phần quán thọ (Pali: 0:38), trong bài kinh Đại Niệm Xứ. 

Thiền sư nói rằng đây là lần thứ 4 ngài đến Việt Nam hướng dẫn khóa thiền, lần thứ 1 thì khóa thiền ở đây kéo dài 10 ngày, lần thứ 2 là 40 ngày, lần thứ 3 là 1 tháng. Lần này vì không có thời gian nên thiền sư chỉ có thể hướng dẫn hành thiền trong 14 ngày mà thôi. Năm nay ngài thấy khóa thiền được tổ chức khá chu đáo so với các năm trước, thiền sinh ở cả 2 phòng thiền đều hành thiền thật là nghiêm túc và hành thiền tốt hơn, bài trình pháp của thiền sinh cũng rõ ràng hơn. Thời xưa Đức Phật chọn giảng kinh Đại Niệm Xứ cho người dân xứ Kuru vì họ thực hành chánh niệm tốt, tương tự như vậy thiền sư quyết định giảng bài kinh Đại Niệm Xứ cho các thiền sinh nơi đây vì việc hành thiền của thiền sinh khá tốt, và ngài tin rằng thiền sinh có thể hiểu được bài kinh Đại Niệm Xứ này. 

Trong phần quán thọ, Đức Phật nói: (Pali, 1:40) “ và này các tỳ khưu, thế nào là vị tỳ khưu sống quán thọ trong thọ”, (Pali, 1:53) kinh nghiệm thọ lạc, tức là cảm giác hài lòng, vị tỳ khưu hay biết thọ lạc đang xảy ra, kinh nghiệm thọ khổ, tức là cảm giác không hài lòng, vị tỳ khưu hay biết thọ khổ đang xảy ra trong tôi, kinh nghiệm thọ xả, tức là cảm giác không có hài lòng, cũng chẳng có phải là không hài lòng, vị tỳ khưu hay biết thọ xả đang sinh khởi trong tôi. 

Khi hành thiền minh sát thiền sinh xếp bằng và ngồi trong 1 tiếng, trong giai đoạn đầu thiền sinh thường kinh nghiệm thọ khổ, những khó chịu, đổ mồ hôi, căng cứng, ngộp thở, đau, tê, nhức, nhức đầu, ngứa, v.v…vào lúc kinh nghiệm thọ khổ thiền sinh cần ghi nhận khó chịu, căng cứng, đau, tê, nhức hay mệt, khi việc hành thiền tiến triển thiền sinh kinh nghiệm những thọ hỷ, sự nhẹ nhàng nơi thân, thân tâm an tịnh, không đau, không buồn ngủ và kinh nghiệm những điều này thiền sinh cần ghi nhận nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, an tịnh an tịnh, thoải mái thoải mái, v.v …và tiếp tục hành thiền  thiền sinh sẽ kinh nghiệm loại thọ xả, không khổ cũng không hỷ, vậy khi kinh nghiệm thọ khổ thiền sinh cần hay biết thọ khổ đang sinh khởi, kinh nghiệm thọ hỷ thiền sinh cần hay  biết thọ hỷ đang sinh khởi, và kinh nghiệm thọ xả thiền  sinh cần hay biết thọ xả đang sinh khởi.

Vì không biết nên thiền sinh không quan sát được thọ hỷ, do vậy tham ái phát sinh, làm cho thiền sinh muốn được hưởng cảm giác thoải mái này, và rất sợ cảm giác này mất đi. Vì không biết là nên quan sát thọ khổ cho nên khi thọ khổ sinh khởi, sân hận phát sinh, thiền sinh không muốn quan sát cái đau mà muốn có được thọ hỷ. 

Thiền sinh cần hiểu rằng mục đích của việc hành thiền minh sát là thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã và kinh nghiệm được Niết bàn. Và khi kinh nghiệm thọ hỷ như những sự nhẹ nhàng an lạc thì đây chỉ là một kinh nghiệm hành thiền chứ không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng ta, xin nhắc lại thông điệp này rằng khi kinh nghiệm thọ hỷ như sự nhẹ nhàng an lạc thì đây chỉ là một kinh nghiệm thiền chứ không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. 

Do vậy tự hào về kinh nghiệm này, mong ước có được sự thoải mái an tịnh là không đúng đắn. Nếu không quan sát kỹ kinh nghiệm này thì kinh nghiệm này cứ phát sinh trong từng giờ, từng ngày và nhiều ngày. Và do vậy ta không tiến bộ trong việc tu tập, thấy đề mục cứ lập đi lập lại, cứ như thế không có gì khác là chúng ta không tiến bộ trong việc hành thiền. Như vậy khi kinh nghiệm trong sự thoải mái, an lạc, nhẹ nhàng hay vui thích, thiền sinh nên quan sát kỹ càng để thấy những cảm giác này liên tục thay đổi. 

Theo chú giải khi kinh nghiệm thọ hỷ, hay đối tượng hài lòng thì tham ái, dính mắc vào thọ hỷ sẽ sinh khởi, cho nên bất cứ cái gì sinh khởi cho dù là thoải mái hay khó chịu, chúng ta cần phải quan sát thật kỹ càng rồi trở về quan sát phồng xẹp, làm được như vậy thì tham ái sẽ không thể sinh khởi trong tâm. 

Khi hành thiền minh sát thiền sinh không tránh khỏi thọ khổ, vậy khi kinh nghiệm thọ khổ, vào lúc đau, nóng, khó chịu, ngứa, mệt, v.v…chúng ta hãy quan sát những thọ khổ này, người ta thường thích cảm giác thoải mái, thích thọ hỷ, và không thích cảm giác khó chịu, không thích thọ khổ, cho nên trong khi hành thiền, người ta chán ghét, trốn tránh thọ khổ và bám níu vào thọ hỷ, nhưng thọ khổ cũng là một đối tượng trong việc hành thiền, nếu chúng ta không quan sát được thọ khổ thì làm sao chúng ta loại trừ được tham ái, sân hận.

Đức Phật đã dạy rằng nơi 5 uẩn này, nơi thân tâm này đau khổ phát sinh, Đức Phật đã dạy sự thật về bản chất khổ biểu hiện nơi thân tâm, nơi 5 uẩn này. Đức Phật đã dạy thân tâm 5 uẩn này là một khối đau  khổ. Trong đời thường ta không thấy được bản chất đau khổ này vì ta luôn thay đổi tư thế, khi có cảm giác khó chịu ta đã thay đổi tư thế rồi, không có dịp nhìn thấy rõ sự khổ trong thân trong tâm này. 

Khi tiến bộ trong việc hành thiền, thiền sinh thấy rằng cái khổ có mặt trong từng sát na, không có chỗ nào trong thân này mà không có đau khổ cả, thiền sinh thấy cái khổ sinh khởi trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thiền sinh thấy khổ khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Do vậy nếu kinh nghiệm thọ khổ mà bỏ về thì thiền sinh sẽ không thấy Pháp, không hiểu lời Đức Phật dạy. Do vậy khi thiền sinh hành thiền minh sát, khổ là một đề mục đừng chán ghét nó, khi thấy khổ ta có thể hiểu được sự thật cao thượng về khổ, ta hiểu được khổ đế, nên khi kinh nghiệm đau đớn ta hãy chấp nhận và ghi nhận nó để sân hận bực bội không phát sinh. Tiếp tục hành thiền thiền sinh nhận ra thọ xả, khi kinh nghiệm thọ hỷ, do có sự an lạc thoải mái thì tham ái sinh khởi, khi kinh nghiệm thọ khổ do đau nhức, khó chịu thì sân hận bực bội sinh khởi, và thọ xả là một cảm thọ không thuộc thọ hỷ, cũng không thuộc thọ khổ. Nếu chúng ta không cẩn thận quan sát thọ xả này, si mê sẽ phát sinh vào lúc ta không thấy rõ đề mục, ta không hay biết rõ cái gì đang xảy ra. Chẳng hạn như trong lúc ngồi thiền, chúng ta ngủ gục, trong vài giây mà không hay biết hay thân nghiêng, trong vài giây ta không hay biết là do có sự mê mờ, si mê trong thọ xả. Như vậy khi thọ xả sinh khởi chúng ta hãy quan sát để si mê không có cơ hội sinh khởi.

Và rồi Đức Phật dạy tiếp (Pali, 8:16): khi kinh nghiệm thọ lạc sinh khởi với tham ái, vị tỳ khưu hay biết thọ lạc đang xảy ra, khi kinh nghiệm thọ lạc không sinh khởi với tham ái, tỳ khưu hay biết thọ lạc không sinh khởi với tham ái đang xảy ra, khi kinh nghiệm thọ khổ sinh khởi với tham ái, tỳ khưu hay biết thọ khổ sinh khởi với tham ái đang xảy ra, khi kinh nghiệm thọ khổ không sinh khởi với tham ái, tỳ khưu hay biết thọ khổ không sinh khởi với tham ái đang xảy ra, khi kinh nghiệm thọ xả sinh khởi với tham ái dục trần tỳ khưu hay biết thọ xả đang xảy ra, khi kinh nghiệm thọ xả không sinh khởi với tham ái dục trần, tỳ khưu hay biết thọ xả đang xảy ra.

Thọ lạc sinh khởi với tham ái phát sinh khi chúng ta có được loại hạnh phúc tục thế, như là có được của cải, ăn ngon mặc đẹp, có nhà mới, có lương cao, và khi loại vui mừng này, khi thọ lạc này phát sinh thiền sinh cần ghi nhận. Thọ lạc cũng có thể phát sinh liên quan đến Tam bảo, vào lúc chúng ta kinh nghiệm hạnh phúc siêu thế như là thấy Đức Phật, thấy chư Tăng, khi xuất gia, khi hành thiền. Như vậy khi thọ lạc này sinh khởi thiền sinh cần ghi nhận, thọ khổ phát sinh với tham ái sẽ sinh khởi khi có sự buồn khổ liên quan đến đời thường như là khi ta không ưa ai đó, khi ta mất việc, khi vợ hay chồng phản bội, khi công việc kinh doanh ế ẩm, khi nhà cửa hư hỏng vì động đất, v.v…như vậy khi những thọ khổ này phát sinh, thiền sinh cần ghi nhận thọ khổ liên quan đến Tam bảo phát sinh. 

Khi chúng ta đến hành thiền mà cảm thấy không tiến bộ, nghĩ rằng sao hành thiền mấy năm mà sao chẳng tiến bộ gì cả, hay khi không được phép xuất gia dù rất muốn, không được phép đi dự khóa thiền dù rất muốn. Có khi thọ xả phát sinh trong đời, dù chúng ta mất mát cái gì đó trong đời, dù thất bại trong đời mà không có buồn khổ, mà có khi thọ xả phát sinh trong đạo, khi chúng ta chấp nhận, bình thản quan sát đề mục mà không thích ghét. Do vậy Đức Phật đã nói đến thọ lạc, tục thế và siêu thế, cũng như thọ khổ tục thế siêu thế và thọ xả tục thế, siêu thế như thế. 

Vì sao mà Đức Phật dạy chúng ta quan sát cảm thọ, vì nếu không biết cảm thọ gì đang sinh khởi, nếu không biết là có sự đau buồn và tâm không quân bình thì ta không thể nào thấy ô nhiễm đang phát sinh, do vậy ta không thể nào làm cho đời mình hạnh phúc hơn được. Không ghi nhận khi buồn thì buồn sẽ kéo dài rồi ta khóc, không thấy ô nhiễm sân hận thì ta sẽ khổ dài dài, không ghi nhận được sự thoải mái vui vẻ, tâm này trở nên chao động. Như vậy trong tâm khi buồn vui sinh khởi liên tục thì tâm vọng động không an tịnh. Khi thấy thức ăn ta thích thèm, ô nhiễm đang sinh khởi, ta không thích không ưa thì ô nhiễm cũng sinh khởi. Như vậy hay biết thích sinh khởi trong tôi, bực giận sinh khởi trong tôi sẽ làm cho tâm an tịnh hơn, làm cho ta hạnh phúc hơn. Có những người thường xuyên thích và giận những điều rất nhỏ nhặt cho nên họ rất là đau khổ, sư cũng nói rằng trong Phật giáo thì Tăng Ni theo hệ phái Theravada khi được dâng thức ăn chay, có khi sinh lòng giận bực, và Tăng Ni theo hệ phái Mahayana khi được dâng thức ăn mặn thì sinh lòng giận bực. Như vậy là cực đoan, chúng ta cần đi trên con đường trung đạo, ta có thể chọn ăn chay hay ăn mặn nhưng trong những hoàn cảnh không thể ăn chay hay ăn mặn như ý muốn thì chúng ta hãy chấp nhận. 

Khi thiền sư đến Bangladesh là một xứ nghèo có rất ít người theo đạo Phật, chùa nghèo nên không cúng dường được thức ăn cho tất cả chư Tăng, cho nên dân làng đến đây dâng thức ăn, và họ dâng ngài thiền sư thức ăn mặn, sư vẫn chấp nhận và ăn mà không cảm thấy ghê, không cảm thấy giận và không cảm thấy thích ghét gì cả. Vậy khi chúng ta hiểu được giáo pháp thì ta sẽ không có khen chê, không thích ghét chùa tốt hay chùa xấu, thức ăn ngon hay dở, người tốt hay người xấu, v.v…nên cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, an lạc và hạnh phúc hơn. 

(Pali, 13:53) “vị ấy thiết lập chánh niệm chặt chẽ trên các cảm thọ mà mình kinh nghiệm và hiểu rằng các cảm thọ mà người khác kinh nghiệm cũng tương tự như vậy, vì thế nên nói rằng vị ấy chánh niệm trên các cảm thọ nơi người, vì ấy chánh niệm trên các cảm thọ nơi mình và nơi người như thế, vị ấy cũng hiểu được nguyên nhân và sự sinh khởi của các cảm thọ nơi mình, nguyên nhân và sự biến mất của các cảm thọ nơi mình, vị ấy hiểu được nguyên nhân cùng với sự sinh và diệt của các cảm thọ, vị tỳ khưu chánh niệm hay biết rằng chỉ có cảm thọ sinh khởi như thế, loại hiểu biết này chỉ có được khi chánh niệm lớn mạnh và các tầng tuệ minh sát tăng trưởng, để rồi vị tỳ khưu một mực xa rời tham ái và tà kiến. Không còn bám níu vào ngũ uẩn này, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu sống quán thọ trong thọ như thế” 

Thiền sư giải thích là không phải lúc nào thọ khổ cũng phát sinh, và khi thọ khổ phát sinh thì nó sẽ biến mất, như vậy dù chúng ta kinh nghiệm thọ khổ, thọ hỷ hay thọ xả, chúng luôn luôn thay đổi và sinh diệt, quan sát như vậy thiền sinh thấy rằng chỉ có cảm thọ chứ không còn có tôi bệnh, tôi khó chịu hay tôi hạnh phúc gì cả. 

Do vậy, Đức Phật dạy rằng quán sát và ghi nhận cảm thọ để thích ghét không sinh khởi, để hiểu chỉ có các cảm thọ sinh và diệt mà thôi. Có thiền sinh cần máy lạnh, quạt máy hay cần phải đóng cửa mới hành thiền được, có thiền sinh có thể ngồi thiền 2, 3 giờ nhưng không thể chịu nổi khi nghe tiếng ồn. Cho nên thiền sinh gây gổ với nhau vì họ muốn hưởng sự hỷ lạc yên tĩnh. Nhưng thiền sinh cần hiểu rõ là hành thiền là hay biết những gì đang xảy ra và chấp nhận những gì đang xảy ra để buông bỏ, để không còn tham ái, làm được như vậy thì thiền sinh có thể ngồi thiền một mình, ngồi trong đám đông hay ngồi thiền ở bất kì nơi đâu. Ngài thiền sư kết thúc bài pháp thoại hôm nay ở đây.

(Bản text do Đinh Huế đánh máy)

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app