Videos 13. Tứ Diệu Đế | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Tứ Diệu Đế

Hôm nay là ngày thứ 13 trong khóa thiền 14 ngày được tổ chức tại thiền viện Phước Sơn. Thiền sư sẽ giảng cho chúng ta nghe về Tứ Diệu Đế, bốn sự thật cao thượng thuộc bài kinh Đại Niệm Xứ. Hôm qua chúng ta đã nghe về Thất Giác Chi, tức bảy yếu tố đưa đến giác ngộ gồm có: Niệm giác chi, Trạch Pháp giác chi, Tinh Tấn giác chi, Hỉ giác chi, Khinh An giác chi, Định giác chi và Xả giác chi. Khi thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã và càng lúc bản chất này càng được thấy rõ hơn thì thiền sinh có được lần lượt các tầng tuệ minh sát. Có 10 tuệ minh sát:

      Thứ nhất là vô thường, khổ, vô ngã [Pali, 0:46 ~Sayana sana yana] khi thiền sinh thấy đối tượng dần dần mất đi

      Thứ hai là tuệ Sinh diệt (udayabbaya ñāa) khi thấy các đối tượng sinh diệt ở tốc độ nhanh hơn

      Thứ ba là tuệ Diệt (bhanga ñāa) khi thiền sinh thấy các pháp tan biến, diệt đi ở tốc độ cực nhanh

      Thứ tư là tuệ Sợ hãi (bhaya ñāa) sau khi thiền sinh kinh nghiệm sự tan biến cực nhanh của các pháp

      Thứ năm là tuệ Khổ (ādīnava ñāa) vào lúc này thiền sinh không còn thích các pháp luôn thay đổi sinh diệt

      Thứ sáu là tuệ Chán nản (nibbidā ñāa)

      Thứ bảy là tuệ muốn giải thoát (muccitukamyatā ñāa)

      Thứ tám là tuệ quán sát lại (paisakhā ñāa)

      Thứ chín là tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā ñāṇa) khi năm lực là tính – tấn – niệm – định và tuệ đủ mạnh và cân bằng

      Thứ mười là tuệ thuận thứ (anuloma ñāṇa) đến tuệ thuận thứ thì thiền sinh có tuệ chuyển tánh (gotrabhū ñāa) và sau đó kinh nghiệm niết bàn.

Khi thất giác chi sinh khởi, khi các tầng tuệ minh sát tiến triển, khi năm lực tính – tấn – niệm – định – tuệ cân bằng thì thiền sinh kinh nghiệm tuệ xả hành và rồi đạt thánh đạo, thánh quả. Hiểu được bốn diệu đế – bốn sự thật cao thượng là thiền sinh kinh nghiệm niết bàn. Kinh nghiệm niết bàn là hiểu được bốn diệu đế.

Đức Phật nói [Pali, 2:24]

Lại nữa, này các tỳ khưu, tỳ khưu quán sát thân liên quan đến bốn diệu đế, bốn sự thật cao thượng. Vì sao nói bốn sự thật cao thượng? Khi kinh nghiệm niết bàn thì tỳ khưu hay là thiền sinh trở thành thánh nhân và thấy rõ bốn sự thật. Dù là Tu-đà-hoàn không loại trừ được tất cả ô nhiễm nhưng người này đã hiểu được sự thật về khổ, hiểu năm uẩn là khổ, hiểu tham ái là nguyên nhân của khổ cho nên vị này chỉ còn tái sinh nhiều nhất là 7 lần nữa mà thôi. Phàm nhân cũng thấy khổ và khi thấy khổ thì họ than thở, họ không muốn tái sinh, nhưng khi có hạnh phúc, tức là có tiền của, họ quên bản chất đau khổ trong đời. Nhưng với các vị thánh nhân thực hành bát chánh đạo đã nếm được hương vị niết bàn, các vị này hiểu rõ là sự chấm dứt sự sinh khởi của tâm vào vật chất mới là hạnh phúc thực sự. Các vị thấy rằng Thấy – Nghe liên tục là khổ, tham ái là nguyên nhân của khổ, các vị thấy rõ sự ngừng nghỉ không sinh khởi của các pháp mới chính là hạnh phúc thật sự. Vậy nên nói rằng các vị hiểu rõ bốn sự thật: các vị hiểu sự thật của khổ trong những thay đổi sinh diệt; các vị hiểu sự thật về nguyên nhân của đau khổ là tham ái; các vị hiểu sự chấm dứt khổ là sự ngừng nghỉ không sinh khởi của các pháp và các vị này hiểu con đường đưa đến chấm dứt khổ là bát chánh đạo. Thánh nhân hiểu rõ bốn sự thật này, phàm nhân thì khi hiểu, lúc không và sự hiểu biết không rõ ràng. Do vậy đức Phật dùng chữ Bốn Sự Thật Cao Thượng [Pali, 4:18] – tức là Sự thật được các bậc cao thượng, các bậc thánh nhân kinh nghiệm, hiểu rõ.

Đức Phật lại nói tiếp: [Pali, 4:32]

Và này các tỳ khưu, thế nào là vị tỳ khưu quán pháp trong pháp liên quan đến tứ diệu đế, đến bốn sự thật cao thượng [Pali, 4:45] Tỳ khưu hiểu nó như đúng như nó là vậy rằng đây là khổ. Tỳ khưu hiểu nó như đúng như nó là vậy rằng đây là nguyên nhân gây đưa đến đau khổ. Tỳ khưu hiểu nó như đúng như nó là vậy rằng đây là sự chấm dứt khổ. Tỳ khưu hiểu nó như đúng như nó là vậy rằng đây là con đường đưa đến sự chấm dứt Khổ.

Khi tỳ khưu hay thiền sinh phát triển được năng lực là Tính – Tấn – Niệm – Định và Tuệ, khi năng lực này mạnh và cân bằng thì thiền sinh sẽ kinh nghiệm niết bàn. Kinh nghiệm niết bàn là kinh nghiệm sự ngừng nghỉ của tâm và vật chất và khi đó thiền sinh hiểu rằng sự ngưng nghỉ, sự không sinh khởi chính là hạnh phúc. Năm Uẩn có mặt và liên tục sinh diệt là đau khổ. Kinh nghiệm niết bàn các vị thánh nhân hiểu rằng niết bàn là sự chấm dứt khổ, năm uẩn là khổ, tham ái nơi năm uẩn là nguyên nhân gây ra đau khổ và bát chánh đạo là con đường, là cách thức để chấm dứt khổ. Do vậy nên nói rằng khi kinh nghiệm niết bàn, các bậc thánh nhân hiểu được bốn sự thật cao thượng.

Và rồi đức Phật dạy về Khổ đế, sự thật cao thượng về khổ [Pali, 6:14] Này chư tỳ khưu, thế nào là chân lý cao thượng về sự khổ Dukkha Ariya Sacca: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ. Buồn bả, than khóc, khổ thân, khổ tâm và buồn phiền là khổ, gần gũi người mình không thương hay những thứ mà mình không thích là khổ, xa cách người mình thương hay những thứ mà mình thích là khổ, không có được cái mình muốn là khổ. Tóm lại bám níu vào ngũ uẩn này là khổ.

Và đức Phật dạy tiếp [Pali, 7:14] Này tỳ khưu thế nào là sinh? Là sự ra đời của mỗi chúng sinh trong khắp các cõi bao gồm mọi hình thức thụ thai, tái sinh và ra đời. Sinh là biểu hiện của các uẩn, sự ra đời của các căn. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là sinh. Chúng sinh ở trong bào thai vài tuần hay vài tháng rồi tại đó mắt phát sinh, tai phát sinh, mũi lưỡi thân phát sinh, tâm thức phát sinh. Rồi khi ra đời, với năm uẩn này, một cuộc sống mới bắt đầu. Đứa bé mở mắt rồi khóc, rồi ăn, rồi lớn lên, biết giận hờn. Từ 1 tuổi, nó được 30 tuổi, rồi 60 tuổi v.v Như vậy Sinh là khổ.

Này chư tỳ khưu, thế nào là già? Là sự lão hóa của tất cả các loại chúng sinh ở bất kỳ cảnh giới nào, sự yếu ớt, lụm khụm, răng gãy, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đến ngày tàn. Các cơ quan dần già hư hoại. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là già. Khi già ta không thể cử động được như trẻ, không tự lo cho mình được dầu là tỷ phú cũng không tránh khỏi. Do vậy già là khổ.

Này chư tỳ khưu, thế nào là chết? Là sự chấm dứt, biến mất của, chúng sinh ở bất kỳ cảnh giới nào. Chết là sự biến mất, là cái chết, là sự chấm dứt của tuổi thọ, sự ngừng nghỉ của các uẩn, là bỏ đi thân này, là mạng căn hủy hoại. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là chết. Khi các cơ quan lão hóa và già nua thì cái chết sẽ đến. Có người cái chết đến sớm hơn, họ chết vì tai nạn xe cộ, vì bệnh, vì chiến tranh, vì đói v.v Như vậy vì sinh ra, vì ra đời, vì có cuộc sống mà ta trải qua già và chết.

Và thiền sư kể một câu chuyện vừa xảy ra là hôm qua Sư cô Diệu Hiếu đến gấp gáp gõ cửa phòng sư vào lúc 1 giờ kém 10 phút buổi trưa và báo tin rằng 1 tỳ khưu ở thiền viện của ngài vừa mất. Vị này rất khỏe mạnh, đột nhiên bị cao máu, đứt mạch máu và qua đời ở Mandalay. Vị này trông coi trường học do thiền viện tài trợ. Trước khi sư đến Việt Nam, vị này vẫn là một người khỏe mạnh nhưng giờ đã không còn sống nữa.

Và đức Phật dạy tiếp, này chư tỳ khưu, thế nào là buồn bã? Khi ai đó bị mất mát thiệt hại gì, hay bị xui rủi, tâm này rồi sẽ bị đau đớn, phiền muộn, kinh nghiệm những đau khổ bên trong, những than khóc bên trong. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là buồn bã. Chúng ta biết rất rõ là khi mình mất hãng xưởng, mất người thân hay khi bệnh, buồn bã phát sinh như vậy.

Này chư tỳ khưu, thế nào là than khóc? Khi ai đó bị mất mát, thiệt hại gì, hay gặp xui rủi, tâm này rồi sẽ bị đau đớn, phiền muộn, than vãn khóc than, gào thét. Khóc than gào thét cùng cực hay trong tâm trạng thái khóc than gào thét sinh khởi. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là than khóc.

Này chư tỳ khưu thế nào là khổ thân (Dukkha)? Là đau đớn khó chịu nơi thân hay cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với đối tượng nào đó qua thân, này chư tỳ khưu, như thế gọi là khổ thân. Vậy khi chúng ta bị bệnh, ăn không được, chúng ta không đi được, không nói được, không có thể tự đi vệ sinh, hay là khi nằm ở bệnh viện hoặc khi đến bệnh viện thấy rất nhiều người bệnh thì chúng ta hiểu về khổ thân này rất rõ.

Này chư tỳ khưu, thế nào là khổ tâm (Domanasa) là đau đớn khó chịu nơi tâm, là cảm giác khó chịu khi có suy nghĩ, nhớ tưởng nào đó khó chịu trong tâm. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là khổ tâm. Người ta khổ tâm vì chồng, vì vợ, vì bệnh, vì làm ăn thua lỗ. Và buồn bã như vậy người ta không ăn được, không ngủ được, thậm chí bị trầm cảm. Do vậy con người có rất nhiều loại khổ tâm.

Này chư tỳ khưu, thế nào là buồn phiền (Upayasa)? Khi ai đó bị mất mát thiệt hại gì hay gặp xui rủi, tâm này rồi sẽ bị đau đớn phiền muộn, thất vọng, chán chường, bị hành hạ cùng cực bởi những đau đớn, phiền muộn. Này chư tỳ khưu, như thế gọi là phiền muộn. Vậy phiền muộn (Upayasa) là loại khổ tâm nhiều, nhiều đến mức người ta có thể tự tử. Khi một người giàu có tự nhiên mất của cải và trở nên nghèo khổ, khi vợ chồng không thuận thảo, thầy trò không thuận thảo hay láng giềng không thuận thảo thì buồn phiền này phát sinh.

Này chư tỳ khưu, thế nào là khổ do gần gũi người mình không thương hay những thứ mà mình không thích? Bất cứ nơi đâu hay khi nào người ta cảm thấy khó chịu, không ưa, không thích một hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm hay suy nghĩ nào. Bất cứ nơi đâu hay khi nào người ta thấy có ai đó mong muốn mình bị nguy hiểm, xui rủi, thất bại thì khi phải tiếp xúc, gặp gỡ, kết hợp với những đối tượng như vậy người này kinh nghiệm khổ do gần gũi người mình không thương hay những thứ mà mình không thích. Khi phải gặp người vợ hay người chồng hằng ngày mà mình không còn ưa nhau, khi thầy trò, khi láng giềng không thuận thì chúng ta hiểu rõ được kinh nghiệm này.

Và rồi đức Phật lại nói tiếp, này chư tỳ khưu, thế nào là khổ do xa cách người mình thương hay những thứ mà mình thích. Bất kỳ nơi đâu hay khi nào người ta gặp một hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm hay suy nghĩ nào mà mình thích. Bất kỳ nơi đâu hay khi nào, người ta thấy có ai đó như cha mẹ, anh chị, bạn bè thân quyến, mong muốn mình được may mắn thuận lợi, an toàn thì khi phải cách xa, không gặp, không tiếp xúc những đối tượng như vậy người này kinh nghiệm khổ do xa cách người mình thương hay những thứ mà mình ưa thích. Như vậy loại đau khổ này phát sinh khi mà mình phải xa rời những người như chị em của mình, bạn mình, vợ hay chồng, hay hàng xóm vì một lý do nào đó.

Và đức Phật lại dạy tiếp, này chư tỳ khưu thế nào là không có được cái mình muốn là khổ? Này chư tỳ khưu, có những chúng sinh phải tái sinh, ao ước rằng ước gì ta không phải tái sinh, mong sao ta không phải tái sinh. Và vì cái mà họ ao ước không thành hiện thực cho nên đau khổ phát sinh. Và này chư tỳ khưu, có những chúng sinh bị hành hạ bởi già nua, ao ước rằng ước gì ta không già, mong sao ta không bị lão hóa. Có những chúng sinh bị hành hạ bởi bệnh tật ao ước rằng, ước gì ta không bệnh, mong sao ta không bị bệnh tật hành hạ. Có những chúng sinh bị hành hạ bởi buồn bã, than khóc, khổ thân, khổ tâm và phiền muộn, ao ước rằng ước gì ta không bị hành hạ bởi buồn bã, than khóc, khổ thân, khổ tâm và phiền muộn hành hạ. Và vì cái mà họ ao ước không thành hiện thực nên đau khổ phát sinh. Ai cũng ước muốn có hạnh phúc nhưng có khi ao ước này không thành. Người ta ước có được người chồng tốt nhưng lại gặp một người rượu chè, không lo cho gia đình. Người ta ước làm ăn thuận lợi mà không được người ta cũng khổ. Người ta có được học hành mà không học hành được thì người ta cũng khổ. Như vậy đây là đau khổ vì không được cái mà mình muốn.

Và đức Phật dạy tiếp rằng, này chư tỳ khưu, vì sao nói tóm lại bám víu vào năm uẩn là khổ, tham đắm vào sắc ấm này là khổ, tham đắm vào thọ uẩn này là khổ, tham đắm vào tưởng uẩn này là khổ, tham đắm vào hành uẩn này là khổ, tham đắm vào thức uẩn này là khổ. Tóm lại, tham đắm vào năm uẩn này là khổ. Này các tỳ khưu, đây là sự thật cao thượng về sự khổ. Khi kinh nghiệm niết bàn, vị thánh nhân hiểu chân lý cao thượng về sự khổ. Dù thánh tu đà hoàn chưa loại trừ tất cả ô nhiễm trong tâm nhưng vị này hiểu rõ rằng bản chất khổ trong đời. Người đời không hiểu rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã nên vẫn còn mãi mê tìm vui trong đời. Bác sĩ, y tá trong bệnh viện phải thấy những người bệnh và người chết cả ngày. Những người làm trong nhà quàng, nhà xác thấy người chết hằng ngày nhưng họ vẫn không thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã trong đời, vẫn tìm kiếm hạnh phúc trong đời. Các vị thánh nhân không đến bệnh viện hay nhà xác, các vị chỉ hành thiền, nhưng các vị thấy rõ bản chất khổ và không điều khiển được trong chính thân tâm của mình. Các vị hiểu người giàu có hay nổi tiếng đều khổ vì già, bệnh tật, chết vì họ phải từ bỏ thân này. Chỉ khi kinh nghiệm niết bàn, hiểu loại hạnh phúc cao thượng lớn lao đúng nghĩa thì người này mới hiểu rõ được rằng thú vui trong đời không phải là hạnh phúc thực sự cho nên chỉ có thánh nhân mới thực sự hiểu sự thực về khổ.

Hôm nay chúng ta lắng nghe sự thật về khổ và ngày mai thiền sư sẽ giảng cho chúng ta nghe về nguyên nhân của sự khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Ngài kết thúc bài pháp thoại hôm nay ở đây.

(Bản text do Phạm Lê Khoa đánh máy)

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app