Videos 11. 12 Căn | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

12 Căn

(Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015)

Hôm nay là ngày thứ 11 trong khóa thiền 14 ngày được tổ chức tại Thiền viện Phước Sơn. Sư tiếp tục giảng về quán thân trong phần 12 căn (Pali,0:15)

Trong phần này Đức Phật giảng về các căn mà tiếng Pali gọi là (Pali, 0:28), (Pali, 0:28) gồm có 12 loại. Thứ nhất là 6 nội căn và thứ 2 là 6 ngoại cảnh. Như vậy chúng ta có 6 nội căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tương ứng với 6 ngoại cảnh là cảnh sắc, âm thanh, hương, vị nếm, sự xúc chạm qua thân và những suy nghĩ. Như vậy khi 6 nội căn tiếp xúc với ngoại cảnh vào lúc chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ, chúng ta cần có chánh niệm tỉnh giác hay biết, và Đức Phật giảng về điều này trong phần này.

(Pali,1:11) “tỳ khưu chú tâm quan sát danh pháp và sắc pháp, đó là 6 nội căn và 6 ngoại cảnh (Pali,1:41), và này các tỳ khưu, thế nào là tỳ khưu quán pháp trong pháp liên quan đến 6 nội căn và 6 ngoại cảnh”. Như vậy Đức Phật giảng cho chúng ta cách thức thế nào, khi chúng ta quán cái gì sinh khởi vào lúc chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. 

(Pali, 2:12) thực hành như Như Lai chỉ dẫn, tỳ khưu hay biết mắt, hay biết cảnh trần và hay biết các trói buộc sinh khởi, dầu có mắt và cảnh trần này, do sự tiếp xúc của mắt và cảnh trần này, tỳ khưu hay biết các trói buộc, sư mở ngoặc trói buộc có nghĩa là ô nhiễm. Tỳ khưu hay biết các trói buộc chưa sinh khởi nay sinh khởi, hay biết các trói buộc sinh khởi rồi bị loại trừ, và rằng các trói buộc đã bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. Như vậy vào lúc chúng ta thấy gì, thì mắt tiếp xúc với lại cảnh hay hình ảnh đó, và nếu chúng ta không kịp chánh niệm thì thích sẽ sinh khởi, và thích này là một dạng tham ái, một dạng ô nhiễm, chúng ta thích được nhìn ngắm hình ảnh đó, món vật đó, và khi thấy gì chúng ta có thể không thích, và khi không thích thì bực, sân sinh khởi, như vậy sân hận cũng là một loại ô nhiễm sinh khởi trong tâm. Do vậy vào lúc thấy gì chúng ta có thể sinh khởi lòng tham, sân, ngã mạn, ganh tỵ, v.v… Do vậy khi chúng ta chánh niệm vào lúc thấy, thì chúng ta có thể thấy rõ những ô nhiễm trong tâm như là tham ái, sân, bực bội, ngã mạn, ganh tỵ vào lúc thấy hình ảnh đó. 

Trước khi dịch phần giảng của sư, Diệu Pháp xin giới thiệu các thiền sinh về chữ trói buộc (Pali,4:24), chữ (Pali,4:27) tiếng Việt dịch là thần thúc và chúng ta cũng có thể dịch là trói buộc. Như vậy có 10 loại trói buộc hay thần thúc, hay nói một cách khác nó đồng nghĩa với ô nhiễm trong tâm, gồm tham muốn, dục lạc, tức là tham muốn khi chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, rồi sự tham ái muốn tái sinh, sân hận, ngã mạn, tà kiến, chấp thủ những lễ nghi và nghi thức sai lầm, hoài nghi, ganh tỵ, keo kiệt và vô minh. Như vậy có 10 loại trói buộc được mô tả trong Phật pháp, và sư đang nói về loại tham muốn và sư cũng nói sơ với chúng ta vừa qua về sự sân hận, ngã mạn, v.v…như vậy nói chung đây là những ô nhiễm trong tâm.

Và bây giờ Diệu Pháp xin được dịch phần của thiền sư mới vừa giảng.

Khi chúng ta thấy rằng mình thấy gì mà thích sinh khởi hay là bực bội sinh khởi, hay ngã mạn ganh tỵ sinh khởi, là chúng ta thấy rõ được những trói buộc hay những ô nhiễm đang phát sinh trong tâm của mình. Và trong khi ngồi, khi đi kinh hành, hay trong những hoạt động hằng ngày, chúng ta cần chánh niệm liên tục, hay biết những ô nhiễm hay những trói buộc này sinh khởi nếu nó sinh khởi, làm được như vậy chúng ta mới tiến bộ được trong pháp hành. Không những khi ngồi thiền, đi kinh hành và hoạt động hằng ngày như đã được học, mà vào lúc chúng ta thấy, nghe, v.v…chúng ta cũng phải thực hành chánh niệm, hay biết, và nhờ thực hành chánh niệm, hay biết, nếu những trói buộc, những ô nhiễm này sinh khởi trong tâm, chúng ta cũng phát hiện ra là nó sinh khởi trong tâm. 

Trong khi hành thiền, nếu thiền sinh có chánh niệm thì vào lúc thấy thức ăn, thiền sinh sẽ thấy rõ sự thích muốn thức ăn hay là sự không thích, không muốn thức ăn đó, và những điều này chúng ta cần phải hay biết. Khi chúng ta thấy hoa hay thấy quần áo đẹp thì chúng ta khởi tâm thích hay là không thích, chúng ta cũng cần phải hay biết, hay biết rằng trước kia sự tham thích không sinh khởi, bây giờ nó sinh khởi. Như vậy nếu chúng ta chánh niệm được như vậy vào lúc thấy thì chúng ta nhận ra ô nhiễm đang có mặt trong tâm mình, và một khi nhận ra ô nhiễm có mặt trong tâm mình thì ô nhiễm này biến mất, không còn. Cho nên khi thấy đối tượng, đối tượng có thể là thức ăn, đối tượng có thể là quần áo, đối tượng có thể là xe cộ, hay người đàn ông, người đàn bà. Khi thấy đối tượng như vậy chúng ta cần phải nhận ra ô nhiễm nếu nó sinh khởi trong tâm của chúng ta. Và khi nhận ra được ô nhiễm trên thì nó sẽ biến mất, đây là cách thức thực hành mà Đức Phật muốn chúng ta làm. 

Nếu không chánh niệm vào lúc thấy gì, thì thích, ghét sẽ sinh khởi, và đối tượng đó, hình ảnh đó lưu lại trong tâm của chúng ta, và rồi dù sự thấy đã qua, không còn nữa, có thể chúng ta thấy cái đó cách đây 2 ngày, 2 năm, 20 năm, nhưng mà đôi khi chúng ta vẫn thấy lại những hình ảnh này. Chẳng hạn như chúng ta xem một bộ phim 20 năm về trước, nhưng 20 năm sau chúng ta vẫn có thể nhớ lại diễn viên nào trong bộ phim đó, ăn mặc ra sao và những cảm xúc thích ghét trong bộ phim đó. Hoặc chúng ta khi có người thân mất như là mẹ, cha, con cái, thì vì vào lúc nhìn thấy người thân mình mất mà không có chánh niệm, cho nên hình ảnh này lưu lại trong tâm, và chúng ta có thể nhớ lại xác chết của người thân, rồi buồn, sợ hãi sinh khởi. 

Vào lúc thấy nếu chúng ta chánh niệm, ghi nhận thấy thấy thấy và hay biết những cảm xúc, sự thích, ghét, v.v…thì hình ảnh này không có cơ hội lưu lại trong tâm của chúng ta. Và do vậy nó sẽ không quay lại trong ký ức, hành hạ chúng ta. Diệu Pháp nhắc lại là vào lúc chúng ta thấy và ghi nhận thấy thấy thấy, vào lúc đó chúng ta có thể hay biết sự thích ghét, v.v…sinh khởi trong tâm thì hình ảnh này không lưu lại, không có cơ hội lưu lại trong tâm thức của chúng ta, rồi quay lại hành hạ chúng ta về sau.

(Pali,8:49) tỳ khưu hay biết mũi, tức là nội căn, hay biết mùi hương là ngoại cảnh, và hay biết các trói buộc, ô nhiễm sinh khởi do sự tiếp xúc của tai và âm thanh. Tỳ khưu cũng hay biết các trói buộc, ô nhiễm chưa sinh khởi giờ sinh khởi, hay biết các trói buộc, ô nhiễm sinh khởi rồi bị loại trừ, và rằng các trói buộc đã bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. Như vậy trong trường hợp này, vì có tai và có âm thanh nên có sự nghe, và vì có tai, có âm thanh nên có sự nghe, và chúng ta không chánh niệm vào lúc đó cho nên những trói buộc, ô nhiễm sinh khởi, do vậy khi nghe gì chúng ta phải ghi nhận là nghe nghe nghe, và nếu có ô nhiễm sinh khởi chúng ta phải quan sát ngay, khi quan sát kịp thời như vậy thì ô nhiễm biến mất và sẽ không trở lại nữa. 

Một lần nữa Diệu Pháp nhắc lại phần đầu là chúng ta có tai, có âm thanh nên có sự nghe, và nếu chúng ta không chánh niệm vào lúc nghe thì những ô nhiễm sẽ sinh khởi, do vậy khi nghe chúng ta cần phải ghi nhận lập tức là nghe nghe nghe, và quan sát những ô nhiễm, nếu nó sinh khởi. Kịp thời làm như vậy thì những ô nhiễm này sẽ không trở lại nữa.

Một khi chúng ta có chánh niệm và sự định tâm mạnh mẽ, thì khi chúng ta nghe cái gì, chẳng hạn như nghe tiếng người, nghe âm nhạc, nghe pháp thoại, nghe tiếng chó sủa, v.v…chúng ta có thể ghi nhận được âm thanh mà không có sự thích ghét gì cả. Có thiền sinh hành thiền và không muốn nghe những gì xung quanh cho nên nhét bông gòn vào lỗ tai, nhưng làm như vậy không giải quyết được vấn đề. Khi nghe chúng ta cần niệm thầm là nghe nghe nghe hay  biết có sự nghe, và nếu có sự bực bội sinh khởi, chúng ta phải ghi nhận ngay, nếu có sự thích thú sinh khởi chúng ta cần phải ghi nhận ngay. 

Một khi chúng ta có chánh niệm mạnh mẽ thì nghe chỉ là nghe mà thôi, chúng ta không cần biết âm thanh đó là gì, cho dù đó là âm thanh êm ái ngọt ngào hay là âm thanh thô thiển, thì chúng ta đều có thể ghi nhận được mà không khởi sinh những ô nhiễm trong tâm của mình. Bằng không khi chúng ta nghe lời ngọt ngào hay nghe ai nói rằng tôi sẽ cho bạn thật nhiều tiền thì chúng ta vui, còn khi nghe ai nói tôi muốn mượn tiền của bạn thì chúng ta bực bội không vui, do vậy dù đó là âm thanh gì chúng ta cần phải ghi nhận một cách cẩn thận, thì khi đó âm thanh biến mất và nếu ô nhiễm sinh khởi nó cũng biến mất không còn. 

(Pali,12:07) tỳ khưu hay biết mũi, hay biết mùi hương, và hay biết những trói buộc, ô nhiễm sinh khởi do sự tiếp xúc của mũi và mùi hương, tỳ khưu cũng hay biết các trói buộc, ô nhiễm chưa sinh khởi nay sinh khởi, hay biết các trói buộc, ô nhiễm sinh khởi rồi bị loại trừ, và rằng các trói buộc, ô nhiễm đã bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. 

Ngài giải thích rằng khi có mũi, và khi có mùi, thì sẽ có sự hay biết ghi nhận, và nếu chúng ta không chánh niệm kịp thời thì ô nhiễm lập tức sinh khởi, chúng ta phát hiện ra đây là mùi hôi, thì bực bội phát sinh, đây là mùi thơn, thích thú phát sinh, chúng ta phát hiện ra đây là mùi thức ăn, đây là mùi của con thú, xác chết, v.v..thì như vậy tham ái hay sân hận cứ liên tục sinh khởi. Do vậy vào lúc chúng ta ngửi thấy gì thì chúng ta phải ghi nhận ngay là ngửi, ngửi, ngửi, và nếu ô nhiễm phát sinh chúng ta phải lập tức ghi nhận ngay, làm được như vậy thì ô nhiễm không sinh khởi trong tâm nữa. 

Khi đến nhà ăn, chúng ta sẽ ngửi được mùi thức ăn, và nếu đây là mùi thức ăn thơm thì thích và muốn ăn nhiều, nhưng mùi thức ăn mà không thơm thì bực bội và thậm chí có người sẽ bị ói. Như vậy vào lúc chúng ta ngửi mùi thì thiền sinh phải lập tức ghi nhận ngay là mùi, mùi, mùi. Như vậy với chánh niệm ghi nhận kịp thời thì chúng ta có thể chấp nhận mùi đó cho dù nó là gì mà không khởi tâm thích hay ghét.

Do vậy làm được điều này chúng ta sẽ rất lợi lạc trong cuộc đời của mình, nếu không biết ghi nhận như vậy thì những ô nhiễm thích ghét cứ sinh khởi trong tâm chúng ta và hành hạ chúng ta. 

(Pali,14:35) tỳ khưu hay biết lưỡi, hay biết vị nếm, và hay biết các trói buộc ô nhiễm sinh khởi từ lưỡi và vị nếm. Tỳ khưu cũng hay  biết các trói buộc ô nhiễm chưa sinh khởi nay sinh khởi, hay biết các trói buộc sinh khởi rồi bị loại trừ, và rằng các trói buộc bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. Thiền sư giải thích là khi chúng ta ăn, thì lưỡi sẽ thâu nhận vị nếm,  và nếu không kịp thời chánh niệm thì chúng ta sẽ thích hay ghét thức ăn, khi thích thì ăn nhanh rồi muốn ăn thêm, khi ghét thì bực bội và không muốn ăn, như vậy nhờ thực hành chánh niệm vào lúc nếm thức ăn mà chúng ta không khởi tâm thích ghét, chúng ta loại trừ được ô nhiễm.  

Khi có chánh niệm thì thức ăn gì ta cũng có thể ăn được cả, dù thức ăn là mặn, ngọt, chua hay cay chúng ta đều ăn được và ăn với tốc độ như nhau. Ở đây thiền sư giải thích là khi mình thấy thức ăn mà mình thích thì thường thường mình ăn vội vã, ăn nhanh và nhiều khi mình nuốt rất nhiều, còn khi thấy thức ăn không thích thì ngao ngán và ngậm không muốn ăn. Như vậy khi có chánh niệm thì thức ăn dù ngon hay dở chúng ta cũng có thể ăn được với tốc độ như nhau. 

Và chúng ta nên nhớ rằng mình ăn vì cơ thể cần, mình ăn vì mình nuôi cơ thể này, cho nên chỉ cần đưa thức ăn vào miệng rồi nhai và nuốt được rồi, và chúng ta cũng nên cẩn thận ghi nhận vị của thức ăn để đừng có thích ghét. Tăng và Ni sống dựa vào thức ăn của người khác, và khi đi bát thì nhận thức ăn của nhiều nhà, cho nên nếu không chánh niệm sẽ chán thức ăn hay là thích thú với thức ăn. Do vậy chúng ta cần phải chánh niệm khi ăn, để chúng ta có thể ăn dù là thức ăn gì mà không khởi khởi lòng ô nhiễm, tham hay sân nơi đó.

(Pali,17:12) tỳ khưu hay  biết thân, hay biết sự xúc chạm và hay biết các trói buộc, ô nhiễm sinh khởi từ sự tiếp xúc của thân và đối tượng qua thân. Tỳ khưu cũng hay biết các trói buộc ô nhiễm chưa sinh khởi nay sinh khởi, hay biết các trói buộc sinh khởi rồi nay loại trừ và rằng biết các trói buộc đã bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. 

Qua thân chúng ta kinh nghiệm được sự xúc chạm, có thể đó là sự xúc chạm mềm mại, êm dịu, khi chúng ta chạm vào gối mềm, hay khi gió lùa qua tai mình, hoặc là khi ai sờ nắm tay mình, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm sự xúc chạm thô cứng và chúng ta có thể kinh nghiệm thời tiết nóng, xúc chạm với da của mình và sự bực bội phát sinh, chúng ta kinh nghiệm sự mát mẻ ở ngoài, xúc chạm vào da mình và có cảm giác thích thú. 

Như vậy rõ ràng nếu không có chánh niệm thì ô nhiễm cứ liên tục sinh khởi hết cái này đến cái khác, do vậy chúng ta cần có chánh niệm, hay biết ngay những ô nhiễm đang sinh khởi, dù sự xúc chạm là gì, và nếu chúng ta thật sự chánh niệm thì cho dù sự xúc chạm là gì đi nữa, đến một giai đoạn ô nhiễm cũng không sinh khởi. 

(Pali,19:03) tỳ khưu hay biết tâm hay là ý căn và hay biết các đối tượng của tâm, và hay biết những trói buộc, ô nhiễm sinh khởi từ ý căn và các đối tượng của tâm. Tỳ khưu cũng hay biết các trói buộc ô nhiễm chưa khởi nay sinh khởi, hay biết các trói buộc ô nhiễm sinh khởi rồi bị loại trừ, và rằng những trói buộc ô nhiễm đã bị loại trừ sẽ không còn sinh khởi nữa. 

Ý căn ở đây là tâm, và đối tượng của nó có thể là nhiều thứ, chẳng hạn như hình ảnh phát sinh ở trong tâm của mình. Diệu Pháp xin nhắc là nếu hình ảnh, âm thanh ở bên ngoài thì nó không phải là những đối tượng sinh khởi trong tâm. Nhưng những hình ảnh chúng ta nhớ lại hay âm thanh chúng ta nhớ lại và những sự tưởng tượng nó là những điều thuộc về tâm, và nó là đối tượng của ý căn này. 

Thiền sư giải thích rằng dù nằm và nhắm mắt nhưng quá khứ vẫn có thể hiện về, những hình ảnh của người nào đó sinh khởi trong tâm của chúng ta cùng với sự thích và ghét. Rồi mặc dù chúng ta nằm đó nhưng âm thanh có thể sinh khởi trong tâm cùng với sự thích, ghét, v.v…và dù chúng ta nằm đó nhắm mắt nhưng sự tưởng tượng vẫn có thể sinh khởi trong tâm và đồng thời với sự thích và ghét, v.v…

Nếu như chúng ta đã thấy một xác chết trong một tai nạn xe cộ, một năm hay mười năm qua, khi nhắm mắt có khi chúng ta vẫn còn thấy hình ảnh này, và hình ảnh sinh khởi trong tâm này làm cho chúng ta sợ hãi, thậm chí không ngủ được. Chúng ta cần hiểu là hình ảnh sinh khởi trong tâm là chúng ta thấy cái đã qua rồi, và do vậy khi nhìn thấy lại chúng ta chỉ cần ghi nhận hình ảnh đó cộng với cảm giác sợ hãi, thì nó sẽ mất đi, không có một ai đến, không có một con ma nào đến để hành hạ và dọa chúng ta cả. Và nếu không chánh niệm thì khi nghe một âm thanh nào đó về đêm, ta có thể tưởng tượng ma và sinh ra rất là sợ hãi. Như vậy những hình ảnh trong tâm, âm thanh trong tâm và những sự tưởng tượng trong tâm này chính là đối tượng của ý căn. 

Khi không có chánh niệm, khi chúng ta nghe bài nhạc hay nó có thể quay lại trong tâm của mình và chúng ta lại thích. Như vậy sự sợ hãi và sự thích thú sinh khởi bởi vì chúng ta thiếu chánh niệm trong khi thấy, trong khi nghe, trong khi ngửi, nếm, xúc chạm và trong khi suy nghĩ. Những hình ảnh trong tâm, âm thanh trong tâm, những sự tưởng tượng, suy diễn trong tâm đều là đối tượng của tâm. Và do vậy khi chúng ta thấy những đối tượng này thì chúng ta cần phải biết quan sát để ô nhiễm không sinh khởi. 

(Pali,22:38) “vị ấy thiết lập chánh niệm chặt chẽ trên danh pháp và sắc pháp mà mình kinh nghiệm và hiểu rằng danh pháp và sắc pháp mà người khác kinh nghiệm cũng như vậy, vì thế nên hiểu rằng vị ấy cũng chánh niệm trên danh pháp, tức là tâm và sắc pháp, tức là những gì sinh khởi nơi thân, nơi người. Vị ấy chánh niệm trên danh pháp và sắc pháp nơi mình, và nơi người. Vị ấy cũng hiểu được nguyên nhân và sự sinh khởi của các pháp nơi mình, nguyên nhân và sự diệt tận của danh pháp và sắc pháp nơi mình, vị ấy hiểu được nguyên nhân cùng với sự sinh và diệt của danh pháp và sắc pháp, để rồi vị tỳ khưu chánh niệm hay biết rằng chỉ có các pháp mà thôi. Loại hiểu biết này chỉ có được khi chánh niệm lớn mạnh và các tầng tuệ minh sát tăng trưởng, để rồi vị tỳ khưu một mực xa rời tham ái và tà kiến, không còn bám víu vào ngũ uẩn thủ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu sống quán pháp trong pháp như thế”

Thiền sư nói rằng chúng ta chánh niệm vào lúc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ là chúng ta chánh niệm nơi sáu nội căn, và sáu ngoại cảnh. Diệu Pháp nhắc lại 6 nội căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và 6 ngoại cảnh là hình ảnh, âm thanh, mùi, vị nếm, sự xúc chạm qua thân và những đối tượng của tâm. 

Nếu chúng ta chánh niệm được như vậy nơi 6 nội căn và 6 ngoại cảnh thì khi ô nhiễm sinh khởi chúng ta sẽ ghi nhận được ngay và nó sẽ bị loại trừ. Nếu chánh niệm này mạnh thì ô nhiễm không thể nào sinh khởi được vào lúc này. Do vậy chúng ta cần phát triển chánh niệm, thực hành chánh niệm một cách cẩn thận để loại trừ những ô nhiễm trong tâm.

Bải giảng của Đức Phật về cách thức thực hành chánh niệm quả thật là sâu sắc và chi tiết và bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Ngài dạy chúng ta chánh niệm ở 4 xứ Thân Thọ Tâm Pháp. Ngài dạy chúng ta chánh niệm trong mỗi cử động, trong mọi tư thế, ngài dạy chúng ta thực hành chánh niệm nơi 32 thể ô trược của thân, ngài dạy chúng ta thực hành chánh niệm nơi tứ đại đất, nước, gió, lửa. Ngài dạy chúng ta quan sát thực hành chánh niệm với các tử thi. Ngài dạy chúng ta thực hành chánh niệm ở 6 nội căn và 6 ngoại cảnh, v.v…như vậy nếu chúng ta có thể thực hành chánh niệm như thế, trọn vẹn như thế thì chúng ta biết rõ những gì sinh khởi trong thân tâm này, chúng ta biết rõ ô nhiễm sinh khởi trong thân tâm hay không, và biết rõ là ô nhiễm bị loại trừ hay không. 

Như vậy thì chúng ta sẽ có sự chấp nhận hơn và sự bình thản, an lạc hơn trong tâm, nhờ đó từ tâm sinh khởi và chúng ta  nếm được sự hạnh phúc. Như vậy nếu biết cách thực hành chánh niệm vào mọi nơi mọi lúc, khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, nếu biết cách thực hành chánh niệm trọn đời thì chúng ta có thể loại trừ được ô nhiễm trong tâm, tạm thời dẫn đến vĩnh viễn và chúng ta sẽ kinh nghiệm được những hạnh phúc an lạc. Như vậy biết cách thực hành chánh niệm và thực hành chánh niệm thực sự đem lại rất nhiều lợi ích cho cuộc đời của chúng ta. Và ngài kết thúc bài pháp thoại ở đây.

(Bản text do Đinh Huế đánh máy)

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app