Videos 4. Quán Thân – Những Hoạt Động Hàng Ngày | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Quán Thân – Những Hoạt Động Hàng Ngày

(Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015)

Hôm nay là ngày thứ 4 trong khóa thiền 14 ngày tại Thiền viện Phước Sơn. Thiền sư tiếp tục nói về quán thân, liên quan đến sự tỉnh giác hay biết trong những hoạt động hằng ngày. Nghe Đức Phật giảng đoạn kinh liên quan đến hoạt động hằng ngày trong phần (Pali, 0:18), thiền sinh sẽ biết cách thực hành chánh niệm trong khi ngồi, và thực hành chánh niệm trong mọi thời, mọi lúc. 

(Pali, 0:27) lại nữa này các tỳ khưu, khi đi tỳ khưu hay biết mình đang đi, khi đứng tỳ khưu hay biết mình đang đứng, khi ngồi tỳ khưu hay biết mình đang ngồi, khi nằm tỳ khưu hay biết mình đang nằm, dù là cử động gì hay bất kỳ trong tư thế nào, tỳ khưu luôn hay biết như thế ấy. 

Lời dạy có vẻ đơn giản, biết mình đang đi, đang đứng, đang ngồi nhưng trong thực tế luôn tỉnh thức hay biết mình đang làm gì là điều không dễ dàng vì tâm thường suy nghĩ, vọng động, nghĩ đến điều này điều nọ. Khi đi tâm suy nghĩ, khi đứng tâm này suy nghĩ, khi ngồi tâm này suy nghĩ, khi nằm tâm cũng suy nghĩ. Như vậy tâm không ở trong thân này, tâm không ở trong những hoạt động của thân này mà cứ liên tục phóng chạy, vậy chúng ta cần nhiều tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác mới có thể hay biết những gì phát sinh trong thân, trong mọi tư thế, trong mọi lúc. 

Thiền sư nói rằng thực hành chánh niệm khác với suy nghĩ, khi có chánh niệm thiền sinh sẽ hay biết là mình đang đi, đang đứng, đang ngồi, khi đi thiền sinh hay biết phải trái, nhưng có khi thiền sinh cố tìm tác ý muốn đi, tác ý muốn đứng, có khi thiền sinh suy nghĩ là phải đứng ra sao, thân có thẳng không, phải ngồi thiền ra sao, thân phải như thế nào, v.v…suy nghĩ như vậy là không đúng, thiền là hay biết những gì xảy ra, hay biết thân đang di chuyển, phải trái, hay biết khi thân đứng, thân ngồi, và không có suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, theo dõi cẩn thận phồng xẹp và những chuyển động nơi thân thì thiền sinh phát triển chánh niệm, theo dõi sít sao phồng xẹp và những chuyển động nơi thân, thiền sinh sẽ biết khi nào mình có chánh niệm và khi nào không có chánh niệm. 

Vào lúc đầu dù có cố gắng theo dõi, quan sát đề mục chính và những chuyển động nơi thân nhưng suy nghĩ cứ phát sinh, khi có chánh niệm mạnh thì sẽ không còn suy nghĩ nữa, mà tâm ghi nhận bám theo phồng xẹp, bám theo hoạt động nơi thân, cho nên thiền sinh hay biết rõ ràng những gì sinh khởi trong khi quán sát phồng xẹp, trong khi đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, v.v…và khi có chánh niệm mạnh, thì dù muốn suy nghĩ, dù cố tình suy nghĩ, suy nghĩ cũng không khởi sinh. 

(Pali, 3:12) vị ấy thiết lập chánh niệm chặt chẽ trên sắc uẩn của chính mình hay nói một cách khác là thân thể của mình. Vị ấy hiểu rằng sắc uẩn của người khác cũng tương tự như vậy, vì thế nên nói rằng vị ấy cũng chánh niệm trên sắc uẩn nơi người, vị ấy chánh niệm trên sắc uẩn nơi mình và nơi người, vị ấy cũng hiểu được nguyên nhân và sự sinh khởi của sắc uẩn nơi thân mình, nguyên nhân và sự diệt tận của sắc uẩn nơi thân mình. Vị ấy hiểu được nguyên nhân cùng với sự sinh và diệt của sắc uẩn nơi thân, để rồi tỳ khưu chánh niệm hay biết rằng chỉ có sắc uẩn mà thôi, loại hiểu  biết này chỉ có được khi chánh niệm lớn mạnh và các tầng tuệ minh sát tăng trưởng. từ đó vị tỳ khưu một mực xa rời tham ái và tà kiến, không còn bám níu vào ngũ uẩn thủ. 

Khi có chánh niệm thiền sinh thấy được sự sinh và diệt trong thân, trong mọi tư thế, thiền sinh thấy chỉ có hoạt động của tâm và thân, tức là chỉ có sự đi và tâm hay biết, chỉ có sự đứng và tâm hay biết, chỉ có sự ngồi và tâm hay biết, chỉ có sự nằm và tâm hay biết. Thiền sinh thấy chẳng có ai đi, chẳng có ai đứng, chẳng có ai ngồi, mà chỉ có hoạt động của thân tâm trong sự đi, đứng, trong khi thấy, nghe, v.v…Thiền sinh thấy những hoạt động thân tâm sinh khởi liên tục, có mất sinh diệt, và có được tuệ minh sát này, tiếp tục hành thiền thì không còn tham ái nơi thân tâm, thậm chí đến mức thiền sinh có thể kinh nghiệm được thánh đạo, thánh quả, Niết bàn. Đức Phật đã dạy chúng ta chánh niệm trong mọi cử động, tư thế như thế. 

Và rồi Đức Phật tiếp tục dạy cách thức thực hành tỉnh giác hay biết trong mọi hoạt động hằng ngày, trong phần (Pali, 5:42) như sau:

(Pali, 5:46) tỉnh giác có nghĩa là tỉnh táo, hay biết rõ ràng những gì diễn ra trong thân tâm này, hay biết mình đang đi tới, hay biết mình đang đi lui, v.v… Không tinh tấn chánh niệm thì thiền sinh không hay biết tâm muốn đi tới và thân đi tới, tâm muốn đi lui và thân đi lui. Khi chánh niệm ta sẽ có được sự tỉnh giác, hay biết rõ ràng này, và khi có sự tỉnh giác thì ta tỉnh táo hay biết rõ ràng, ý muốn đi tới, thân đi tới, ý muốn mở mắt, nhìn thẳng, mắt mở nhìn thẳng, ý muốn nhìn nghiêng, mắt nhìn nghiêng, ý muốn co tay, tay co, ý muốn duỗi chân, chân duỗi. Không chánh niệm tỉnh giác thiền sinh muốn nhìn ngó đó đây và nhìn ngó đó đây mà không hay biết là mình đang nhìn ngó đó đây hay mình vừa nhìn ngó đó đây. 

Khi đi đến thiền đường thiền sinh cần hay biết sự di chuyển tới trước, chánh niệm ghi nhận phải trái, nếu không chánh niệm thiền sinh sẽ nhìn ngó người khác trong thiền đường, và tâm suy nghĩ vọng động rằng người này ngồi kiểu chi kỳ lạ, người kia ngồi thiền mà mở miệng, người nọ ngồi thiền mà sao thân lắc lư, v.v…đây là loại thiền sinh không có chánh niệm. Vậy thiền sinh nên chánh niệm tỉnh giác hay biết những gì sinh khởi trong thân tâm của mình mà đừng nhìn ngó đó đây khi không cần thiết. Dĩ nhiên nếu ai gọi và cần quay nhìn, thiền sinh có thể làm trong chánh niệm tỉnh giác. Thiền sinh nên thực hành chánh niệm tỉnh giác hay biết trên đường đến thiền đường, tỉnh giác hay biết trong phòng ăn, trong khi đi, đứng, co duỗi như đã được Đức Phật dạy. 

Trong ngày chúng ta co duỗi tay chân không biết bao nhiêu lần mà không hề hay biết, nên thiền sinh cần chánh niệm hay biết mình đang co tay, đang duỗi tay, thiền sinh nên co tay duỗi tay trong chánh niệm và quan sát sự co duỗi này. Làm được như vậy thiền sinh thấy ý muốn co tay và tay dần dần co, ý muốn duỗi tay, tay dần dần duỗi, ý muốn đóng cửa tay giơ lên đóng cửa,v.v…

Với chánh niệm tỉnh giác thiền sinh tự động hay biết những hoạt động nơi thân tâm dù không cần làm chậm, thiền sinh hay biết những hoạt động khi nghiêng đầu, khi xoay người, khi vấn y, khi ôm bát, khi mặc áo,v.v…Khi ăn khi uống, khi nhai, khi nuốt, thiền sinh cần chánh niệm hay biết mình lấy muỗng, lấy thức ăn, đưa thức ăn vào miệng, nhai, nuốt, nuốt, nhai, v.v…khi dùng nhà vệ sinh, khi tiêu tiểu thiền sinh cũng nên thực hành chánh niệm tỉnh giác, hay biết những hoạt động của thân, khi đi, đứng, ngồi, khi đi ngủ, khi thức giấc, khi nói chuyện, khi yên lặng, thiền sinh cũng nên thực hành chánh niệm tỉnh giác hay biết những hoạt động của thân như vậy. Do vậy Đức Phật dạy rằng: “lại nữa này các tỳ khưu, tỳ khưu tỉnh giác khi đi tới, đi lui, tỉnh giác khi nhìn thẳng hay nhìn nghiêng, tỉnh giác khi co duỗi tay chân, tỉnh giác khi vấn y tăng già lê hay các y khác, tỉnh giác khi mang bát, ăn, uống, nhai, nếm, tỉnh giác khi đại tiện, tiểu tiện, tỉnh giác khi đi, đứng, ngồi, đi ngủ, thức giấc, khi nói chuyện, khi yên lặng. 

Thiền sinh tự hỏi làm sao có thể chánh niệm tỉnh giác trong mọi hoạt động như vậy, thì đến tuệ sinh diệt (Pali, 9:58) hay đến tuệ diệt (Pali, 10:00). Thiền sinh có thể thực hành tỉnh giác trong mọi hoạt động một cách dễ dàng mà không cần nhiều cố gắng, thiền sinh có thể thực hành chánh niệm khi ngồi thiền, khi đi kinh hành một cách dễ dàng mà không cần nhiều cố gắng như trước. Chưa đến tuệ sinh diệt hay chưa đến tuệ diệt thiền sinh vẫn gặp nhiều khó khăn, không thực sự chánh niệm khi ngồi thiền, khi đi kinh hành và trong hoạt động hằng ngày, và dù thiền sinh có thể ngồi thiền 1 đến 2 giờ nhưng khi chấm dứt ngồi thiền, khi đứng dậy thì thiền sinh không giữ được chánh niệm nữa. 

Khi chưa đến tuệ sinh diệt thì chánh niệm không đủ mạnh nên dù thiền sinh có thể chánh niệm chậm rãi trong khóa tu, nhưng khi về nhà hay chùa thì không chánh niệm được nữa. Khi đến tuệ sinh diệt, thiền sinh có sự chánh niệm mạnh mẽ nên khi về nhà thiền sinh vẫn có thể tiếp tục chánh niệm hay biết khi ngồi và trong những hoạt động hằng ngày. Có người hỏi rằng, có thiền sinh hành thiền lâu ở Miến Điện nhưng khi họ trở về chẳng thấy có thay đổi gì, chẳng thấy người này khác gì với những người khác, với thiền sư thì việc hành thiền ở Miến trong một năm hay mười năm là không quan trọng, dù hành thiền chỉ vài tháng nhưng hành thiền thật kỹ lưỡng và chánh niệm thì đây mới là điều đáng quý.

Sư kể rằng có một tỳ khưu ni Việt Nam đến thiền viện của Sư hành thiền chỉ một đến hai tháng và sư cô đã có được tuệ diệt, và sư tin chắc rằng khi về chùa, sư cô này vẫn duy trì được chánh niệm tỉnh giác vì đã có được tuệ minh sát là tuệ diệt mạnh mẽ. Vậy việc đến Miến hành thiền bao lâu không quan trọng  và đến trung tâm nào hành thiền cũng không quan trọng, điều quan trọng là thiền sinh hành thiền đúng theo phương pháp và có được tuệ sinh diệt hay tuệ diệt. 

Vậy để đạt đến tuệ sinh diệt hay tuệ diệt điều đó có dễ dàng không? Câu trả lời là tùy người. Trước hết thiền sinh cần hiểu biết rõ ràng cách thực hành tinh tấn phát triển chánh niệm, khi được như vậy và làm theo như vậy thiền sinh sẽ có được tuệ sinh diệt hay tuệ diệt. Vậy không có chỗ nào là không có thánh nhân. Vì sao nói không có chỗ nào là không có thánh nhân? Khi đến tuệ sinh diệt hay đến tuệ diệt thì ở đâu người này cũng hành thiền được hết, và dù ở đâu, làm gì, dù đang nấu ăn, đang dọn dẹp, đang rửa bát, đang cưa cây người này cũng kinh nghiệm sự sinh diệt hay sự diệt thật rõ ràng. Do vậy cho nên nói rằng người này có thể trở thành thánh nhân vào bất cứ lúc nào, nơi đâu, cho nên chú giải nói rằng không có chỗ nào không có thánh nhân. 

Tại thiền viện Phước Sơn này nếu cẩn thận phát triển chánh niệm khi ngồi thiền, khi đi kinh hành, nếu cẩn thận canh giữ các căn, không tham làm, tham nói,  không xã giao, không tham ăn, thì dù hai tuần thiền sinh vẫn có thể hiểu được bản chất vô thường, khổ, vô ngã nơi thân tâm và có được tuệ sinh diệt. Vậy thời gian không là vấn đề mà chất lượng tu tập mới quyết định sự tiến bộ trong tu tập, nếu chúng ta hiểu cách hành thiền đúng đắn và làm theo hướng dẫn thật nghiêm túc thì chúng ta sẽ có chánh niệm. Thiền sinh đừng mong cầu gì cả mà cứ làm theo hướng dẫn, thì sự tu tập của mình sẽ càng lúc trở nên dễ dàng hơn. Một lần nữa thiền sinh cần phải hiểu rõ cách hành thiền, bởi vì nếu không hiểu rõ cách hành thiền, nếu cứ thắc mắc phải hành thiền như thế nào thì thiền sinh sẽ mất thời gian và không phát triển được chánh niệm. 

Sư kể rằng vào thời Đức Phật ở Ấn Độ có lần vị đạo sĩ (Pali, 13:51) thuộc tôn giáo khác đã đến gặp Đại đức Xá Lợi Phất, và ông hỏi rằng “cái gì khó làm nhất trong Phật giáo?”, ngài Xá Lợi Phất trả lời “xuất gia trở thành tỳ khưu, tỳ khưu ni là điều khó làm nhất”. Và thiền sư nói rằng để xuất gia chúng ta phải từ bỏ mái tóc, cạo đầu, rồi từ bỏ rất nhiều thứ như gia đình, cần phải ăn ít, ngủ ít, v.v…cho nên việc xuất gia là điều khó nhất. Và vị đạo sĩ này hỏi “sau khi xuất gia cái gì khó làm nhất?”, Đại đức trả lời “ thực sự hạnh phúc trong đời sống xuất gia là điều khó nhất”, “vậy khi họ thực sự hạnh phúc rồi thì cái gì là khó nhất đối với họ?”,  “việc hành thiền Tứ Niệm Xứ, quán thân thọ tâm pháp là khó nhất.”, “khi Tăng Ni hành thiền minh sát rồi thì việc kinh nghiệm Niết bàn có khó hay không?” vị đạo sĩ hỏi như vậy, ngài Xá Lợi Phất trả lời là “không khó.” Chúng ta nên hiểu là đối với ngài Xá Lợi Phất việc trở thành thánh nhân, kinh nghiệm Niết bàn là điều không khó. 

Vào thời Đức Phật có những Tăng Ni gặp Đức Phật hành thiền minh sát và nhanh chóng kinh nghiệm Niết bàn như trường hợp của ngài Xá Lợi Phật, nhưng cũng có những Tăng Ni gặp Đức Phật rồi, hành thiền minh sát nhưng vẫn không có nhanh chóng kinh nghiệm Niết bàn. Như vậy việc hành thiền minh sát, kinh nghiệm được đạo quả Niết bàn, trở thành thánh Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A la Hán là tùy vào sự tu tập của mỗi người. Để đạt được thánh đạo, thánh quả, kinh nghiệm Niết bàn thì thiền sinh cần phải có sự tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác trong khi ngồi, khi đi kinh hành và trong các hoạt động khác. Làm được như vậy thiền sinh có thể từ bỏ tham ái nơi mình, rồi nơi người và kinh nghiệm loại hạnh phúc buông bỏ. Ngài kết thúc bài pháp thoại hôm nay ở đây. 

(Bản text do Đinh Huế đánh máy)

 

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app