Nội Dung Chính
Videos 2. 6 Điều Cần Từ Bỏ | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015
6 Điều Cần Từ Bỏ
(Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015)
Hôm nay là ngày thứ hai trong khóa thiền 14 ngày tại Thiền viện Phước Sơn, thiền sư muốn giảng bài kinh (Pali, 0:10).
Bài kinh này do chính đức Phật giảng, sư nói rằng thời nay các chư Tăng thường là chỉ trích ra một hay vài câu Pali cho nên là Phật tử không có cơ hội nghe trọn vẹn bài kinh, cho nên thiền sư có ý đọc bài kinh bằng tiếng Pali, thiền sinh có thể không hiểu Pali nhưng vẫn có thể lắng nghe được những lời lẽ của chính Đức Phật nói cách đây 2500 năm tại xứ Ấn Độ.
Trong suốt 45 năm giảng pháp Đức Phật thường nói về pháp hành thiền, giải thích bằng nhiều cách khác nhau để giúp thiền sinh hiểu rõ cách thức tu tập, như một doanh nhân cần hiểu cách làm ăn để đạt đến thành công, thiền sinh cũng cần biết cách hành thiền thì mới tiến bộ trong pháp hành.
Bài kinh ( Pali,0:57) là những hướng dẫn hành thiền để thiền sinh theo đó tu tập và tiến bộ trong việc tu tập của mình.
(Pali,1:03) “này chư tùy khưu nếu muốn thiền mà không từ bỏ sáu điều sau thì việc thiền tập quan sát thân sẽ không có tiến bộ (Pali, 1:17). Sáu điều đó là gì, ( Pali,1:21), sáu điều đó là tham làm, thích nói, thích ngủ, thích giao tiếp, không canh gác các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và thích ăn, thường ăn uống. Nếu không từ bỏ sáu điều này thì thiền sinh sẽ không thể nào quan sát thân này được”.
Như vậy điều mà chúng ta không nên làm đầu tiên là tham làm thích làm, trong khi hành thiền, thiền sinh quan sát thân một cách liên tục trong mọi thời, mọi lúc nhưng nếu thiền sinh thích làm nhiều thứ như trong đời thường, thiền sinh vội vã, gấp gáp, hối hả, di chuyển nhanh. Nếu thiền sinh tham việc, thích làm thì không thể nào quán sát thân này được.
Đức Phật nói rõ thích làm khác với những gì cần làm. Làm những việc cần làm là chúng ta dọn dẹp phòng ốc, chánh điện, giặt giũ và thích làm là làm những cái không cần thiết như là trồng hoa, trồng cây kiểng dù đang trong khóa tu. Nếu không bỏ tính thích làm như vậy ta không thể nào quán sát thân một cách cẩn thận vào lúc đi, đứng, ngồi,v.v… cho nên nó cản trở, nó làm cho chúng ta không tiến bộ trong việc hành thiền. Ở nhà chúng ta phải tự đi chợ, nấu ăn dọn dẹp, giờ đây tại Thiền viện Phước Sơn mọi thứ đã có sẵn cho thiền sinh. Chư tăng, ban tổ chức, nhà bếp, thiện nguyện viên và thí chủ tổ chức khóa thiền, đi chợ, nấu ăn, dọn thức ăn lên và dọn rửa. Nhờ vậy, thiền sinh có cơ hội thực hành chánh niệm, cho nên không cần làm gì ngoại trừ việc hành thiền. Vậy khi nghe tiếng chuông thiền sinh nên đến thiền đường, thiền sinh nên chánh niệm quan sát thân này khi đi, khi đứng, khi ăn,v.v… thiền sinh chỉ gói gọn làm những gì cần làm như là dọn dẹp phòng ốc, giặt giũ,v.v… và đừng làm những gì không cần thiết. Do vậy, Đức Phật nói rằng nếu không từ bỏ thói tham việc thích làm thì ta sẽ không quán sát được thân và mất cơ hội thực hành chánh niệm.
Và điều thứ hai thiền sinh tránh làm là thích nói. Trong cuộc sống hằng ngày người ta thích nói chuyện, người ta nói chuyện ở quán cafe, ở nhà, nói chuyện qua điện thoại. Nếu ở một mình người ta cảm thấy chán rồi muốn nói nhưng khi hành thiền nếu chúng ta cứ nói chuyện thì ta sẽ mất chánh niệm, nói chuyện 5 phút ta mất chánh niệm 5 phút, nói chuyện 20 phút ta mất chánh niệm 20 phút và nó làm cho chúng ta bị phóng tâm trong khi ngồi thiền và khi đi kinh hành. Thiền viện này đã chuẩn bị cho thiền sinh phòng ốc, chỗ ở và có khi để hai thiền sinh ở chung một phòng và trong phòng nếu chúng ta cứ nói chuyện với nhau thì những vọng tưởng, suy nghĩ phát sinh, cho nên khi ngồi vọng tưởng, khi đi kinh hành tâm cũng vọng tưởng, suy nghĩ. Do vậy nếu không từ bỏ thói quen thích nói chuyện thì rất khó tiến bộ trong việc thực hành chánh niệm vào lúc ngồi, vào lúc đi kinh hành. Dĩ nhiên khi cần hỏi gì thì chúng ta nên hỏi những người có trách nhiệm để được giúp đỡ và đừng hỏi những người khác về kinh nghiệm hành thiền, cũng như đừng chia sẻ kinh nghiệm hành thiền với người khác. Diệu Pháp nhắc lại là mình đừng có hỏi người khác về kinh nghiệm hành thiền và đừng có chia sẻ kinh nghiệm hành thiền với những người khác, nếu có thắc mắc thiền sinh cần đến hỏi thiền sư trong lúc trình pháp, thiền sinh không nên nói chuyện trong chánh điện, trên đường đi, v.v… bằng không suy nghĩ và vọng tâm cứ liên tục sinh khởi, ta không có chánh niệm được và rồi thiền sinh sẽ chán và muốn bỏ về sớm. Cho nên, thích nói chuyện là một cản trở trong việc tu tập, vậy thiền sinh cần tránh nói chuyện khi không cần thiết, thiền sinh cần tự hứa với nhau là không nói chuyện nếu ở chung phòng.
Sư kể một câu chuyện là vào thời Đức Phật có ba vị sư hành thiền ở trong rừng tên là (Pali,5:28). Một ngày nọ Đức Phật đến hỏi các chư Tăng là sống với nhau ra sao. Các chư Tăng trả lời chúng con sống với từ tâm qua thân, khẩu và ý, dù có ba thân khác nhau nhưng chúng con có cùng một tâm, đó là chúng con hiểu nhau nên không có sự gây gổ và sống thuận hòa.
Và Đức Phật hỏi sao làm được như vậy? Các vị trả lời chúng con hành thiền liên tục cả ngày, chúng con cùng nhau đi bát, khi về rồi thì mạnh ai nấy ăn rồi tự động rửa bát, chỉ khi cần chúng con mới gọi nhau, ngoài ra thì tất cả đều chìm vào việc hành thiền, thỏa thích trong việc hành thiền. Như vậy, chúng ta hãy bắt chước ba tỳ kheo này từ bỏ nói chuyện và tập trung quán sát thân.
Câu chuyện thứ hai là có 60 tỳ khưu hỏi Đức Phật cách thức hành thiền và sau khi được chỉ dẫn các vị đến ( Pali, 6:25) ở gần làng (Pali, 6:27) để hành thiền. Buổi sáng 60 tỳ khưu cũng đến làng khất thực và về ăn rồi sau đó mỗi sư tìm một nơi ngồi thiền, hai sư không hề ở chung với nhau cùng một nơi. Một ngày nọ (Pali, 6:41) đã đến khu rừng này mà chẳng nghe gì cũng chẳng thấy ai, bà thắc mắc có đến 60 sư đến làng đi bát mà họ ở đâu. Vào lúc đó, có một sư đến và nói rằng nếu muốn đến gặp chư Tăng thì vị sư này sẽ gọi kẻng và sau khi sư gõ kẻng các sư đến, mỗi sư đến từ một hướng và ( Pali,7:02) hỏi rằng các sư có giận nhau không, các sư có gây gổ nhau không, con người rất thích nói chuyện thường nói chuyện còn các sư thì sao? Và các sư trả lời rằng chúng tôi rất bận bịu với việc thiền tập, chúng tôi phải quan sát thân tâm này cho nên không có nói chuyện, chỉ khi cần chúng tôi cùng nhau đến gặp trưởng lão và vì hành thiền như vậy mà các sư trở thành A La Hán và (Pali,7:30) cũng hành thiền là trở hành A Na Hàm.
Điều thứ ba mà thiền sinh không nên làm đó là thích ngủ. Trong đời có người không thích ngủ nhiều nhưng có người rất là thích ngủ và thường ngủ. Trong khóa thiền, thiền sinh chỉ cần ngủ 5 tiếng là đủ. Khi đến thiền đường nếu buồn ngủ thiền sinh đừng có đi về phòng ngủ. Thiền sinh đừng ngủ tùy thích mà hãy quan sát sự buồn ngủ, hãy quan sát cái tâm không tỉnh táo này và cố gắng quan sát đề mục trong khi ngồi, trong khi đi kinh hành và trong những hoạt động hằng ngày. Nếu chúng ta ngủ nhiều trong thiền đường và đi về phòng ngủ ta không thể nào quán sát được đề mục chính, cũng không quán sát được cái buồn ngủ. Khi tâm trở nên mê mờ không tỉnh táo, khi dã dượi và cần nỗ lực hành thiền hơn và khi có sự tinh tấn thì tâm tỉnh táo trở lại, thiền sinh đừng lo là tôi không ngủ được nên tôi sẽ mệt mỏi, sẽ bệnh hoạn,v.v… bởi vì ngủ 5 tiếng đã đủ rồi, vậy thiền sinh cần từ bỏ thói quen ngủ nhiều nếu muốn tiến bộ trong thiền tập.
Điều thứ tư, thiền sinh không nên làm là thích xã giao. Trong đời chúng ta thường chào hỏi nhau. Khi gặp nhau chúng ta hỏi bạn ở đâu, bạn làm gì, bạn có gia đình chưa hay bạn độc thân, bạn có bao nhiêu anh em, chị em, v.v… nhưng trong khi hành thiền chúng ta cần phát triển chánh niệm, quan sát thân tâm. Có những thiền sinh gặp nhau thì hỏi nhau là bạn ở đâu, bạn thiền bao lâu rồi, bạn đến Miến Điện chưa, đến Thái Lan chưa, bạn hành theo phương pháp gì, bạn tu gieo duyên được bao nhiêu năm, bạn có kinh nghiệm thiền gì,v.v… Khi nói với nhau nhiều nhau như vậy, khi biết nhiều thứ thì chúng ta được cái gì. Có khi nói chuyện với nhau nhiều thì sinh ra giận rồi không ưa thích nhau và phiền toái phát sinh. Như vậy, chúng ta nên tránh nói chuyện, tránh làm phiền người khác. Dĩ nhiên thiền sinh có thể chào hỏi nhau khi khóa thiền kết thúc nhưng trong thời gian tu tập không phải là lúc thiền sinh nói chuyện hay xã giao.
Và điều thứ năm thiền sinh nên tránh làm là không canh gác các căn. Nếu chúng ta canh gác các căn thì chúng ta sẽ không nhìn ngó đó đây. Còn trong đời chúng ta muốn thấy, muốn nghe gì đó tùy thích. Trong đời có người thích thấy hoa, thích thấy người khác ăn mặc đẹp, thích nghe cái này cái nọ. Ở trong đời người ta muốn đi nhanh, đi chậm hay là chạy tùy ý, nghĩa là trong đời người ta không cần canh gác các căn, nhưng khi hành thiền, thiền sinh cần nhìn xuống mà không nhìn ngó đó đây. Vì nếu chúng ta cứ nhìn ngó đó đây thì chúng ta thấy quá nhiều thứ và thấy quá nhiều thứ chúng ta mất chánh niệm trên đường đi, mất chánh niệm trong thiền đường. Do vậy chúng ta không thể tập trung quan sát được những gì sinh khởi trung thân, trong tâm này. Khi không có chánh niệm, thấy hoa thì thích nhìn rồi thích ngửi, khi không chánh niệm ta đi đứng rất là nhanh, khi không chánh niệm ta thích nghe chuyện này, chuyện nọ. Vì vậy, khi không chánh niệm ta không thể nào canh gác được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này. Và nếu chúng ta lơ là trong 1 phút thì chúng ta không chánh niệm trong 1 phút, chúng ta mất chánh niệm trong 1 phút, nếu chúng ta lơ là trong nhiều phút chúng ta mất chánh niệm trong nhiều phút, không có cơ hội quan sát thân tâm này. Do vậy không thể nào tiến bộ trong pháp hành, không thể nào hưởng được hạnh phúc trong pháp hành dù rất muốn hưởng được hạnh phúc đó.
Và điều thứ sáu thiền sinh không nên làm đó là thích ăn, thích ăn uống vặt. Vậy thiền sinh cần ăn uống vừa đủ là ăn sáng và ăn trưa mà thôi. Trong đời người ta thích ăn cái này cái nọ, thích uống cái này cái nọ rất nhiều lần và khi thích thì người ta ăn người uống. Nhưng khi chúng ta hành thiền, ăn 2 bữa là đủ để có năng lượng hành thiền. Nếu thiền sinh muốn ăn và khi thích thì đi về phòng ăn thì thiền sinh phải sửa soạn, phải nấu ăn, v.v… mất rất nhiều nhiều thời gian và không có giờ để tu tập. Như vậy, nếu thích ăn, nếu thèm ăn vặt thì thiền sinh cần phải hay biết và quan sát sự tham thích này. Không từ bỏ được sáu điều trên tức là tham làm, thích nói, thích ngủ, thích giao tiếp, không canh gác các căn và thích ăn uống thì chúng ta không thể nào tiến bộ trong tu tập được.
Đức Phật qua bài kinh này đã chỉ ra cách thức tu tập, rằng từ bỏ sáu điều kể trên thiền sinh sẽ tiến bộ trong việc hành thiền, sẽ đạt được mục tiêu cao thượng mà mình hằng ấp ủ, ao ước là thấy pháp là hiểu được lời Phật giảng một cách rõ ràng và sâu sắc.
Vậy thiền sinh nên trong từng phút giây sống trong chánh niệm, sống với chánh niệm, quan sát thân tâm, làm chậm rãi, đừng nấu ăn hay ăn uống gì thêm. Khi hành thiền, thiền sinh cần nhìn xuống, ăn vừa đủ, không ngủ nhiều, làm được như vậy chúng ta sẽ hiểu được rất nhiều pháp dù chỉ trong 2 tuần tu tập. Cho dù thiền sinh hành phương pháp gì đi nữa ,đây là hướng dẫn căn bản mà thiền sinh cần thực hành, bằng không chúng ta có hành thiền nhiều năm, nhiều tháng, hành thiền bằng nhiều những phương pháp khác nhau nhưng vẫn phân vân không biết cách tu tập rõ ràng.
Khi làm theo hướng dẫn này, khi biết cách gìn giữ chánh niệm đúng theo Đức Phật chỉ dẫn thì ta sẽ tiến bộ trong việc hành thiền dù trong 10 ngày hay trong 2 tuần. Và sau khi khóa thiền chấm dứt chúng ta cảm thấy rất là vui, rất có tự tin và hiểu rõ là mình có tiến bộ trong việc thiền tập. Một khi thiền sinh hiểu cách hành thiền và tiến bộ rồi thì không cần phải đi Miến Điện cũng không cần phải tìm thầy dạy thêm nữa mà có thể tự mình tu tập. Và sư giảng xong bài kinh ( Pali, 13:26) ở đây.
Thiền sư nói rằng ngày mai chúng ta có trình pháp và khi trình pháp thì thiền sinh cho thiền sư biết kinh nghiệm hành thiền của mình, dù đó là tốt hay xấu. Khi ngồi thiền, thiền sinh cần quan sát đề mục chính là phồng xẹp và có cái gì sinh khởi sau đó thì chúng ta cần phải ghi nhận. Nếu mà đau ngứa phát sinh chúng ta cần quán sát để xem nó tăng giảm ra sao, nếu có suy nghĩ thì cứ cho thiền sư biết, Ngài sẽ sửa đổi khi cần thiết.
Thiền sư nói rằng trong khóa thiền này có rất nhiều thiền sinh cho nên là Ngài rất bận bịu với việc trình pháp, giảng pháp rồi tiếp khách,v.v… Do vậy nên Ngài nói rằng sư cô Diệu Hiếu và Diệu Pháp sẽ là phụ tá của Ngài. Cả hai sư cô này vừa có kinh nghiệm hành thiền, vừa biết tiếng Pali và rành tiếng Việt cho nên có thể dành thời gian giúp đỡ cho thiền sinh khi cần. Như vậy Ngài kết thúc bài pháp thoại hôm nay ở đây.
(Bản text do Trân Phan đánh máy)
BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA