Videos 1. Hướng Dẫn Hành Thiền | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Hướng Dẫn Hành Thiền Vipassanā

(Thiền Sư Zatila – tại Thiền Viện Phước Sơn – Mùa Thu 2015)

Hôm nay là ngày 30 tháng 11 năm 2015, ngày khai giảng khóa tu 14 ngày tại thiền viện Phước Sơn. Thiền sư muốn hướng dẫn thiền sinh ngồi thiền, đi kinh hành và thực hành chánh niệm, tỉnh giác trong hoạt động hằng ngày.

Trong bài kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta), Đức Phật dạy về bốn niệm xứ thật ngắn gọn trong trong phần Udesa. Và rồi Ngài giảng giải bốn niệm xứ: quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp một cách chi tiết hơn. Hiểu cách hành thiền ngắn gọn, thiền sinh đã có thể hành thiền. Nếu không hiểu cách hành thiền ngắn gọn này, thiền sư sẽ giảng về bốn niệm xứ một cách chi tiết trong các bài pháp sau.

Hômg nay, chúng ta sẽ nghe phần Đại Niệm Xứ một cách ngắn gọn.

Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya, yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā.

Đức Phật đã giảng như vậy. Trong đoạn này: 

Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo: Này chư tỳ khưu, đây là con đường duy nhất (tức là bốn niêm xứ là con đường duy nhất).

sattānaṃ visuddhiyā: Để thanh lọc tâm chúng sinh 

sokaparidevānaṃ samatikkamāya: Để vượt khỏi sự buồn khổ, khóc than

dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya: Để diệt trừ khổ thân, khổ tâm

ñāyassa adhigamāya: Để thành tựu chánh đạo

nibbānassa sacchikiriyāya: Và chứng ngộ Niết bàn

yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā: Đó là bốn niệm xứ

Vậy, bốn niệm xứ là con đường duy nhất, là cách thức duy nhất, không có một con đường nào khác, cách thức nào khác, nếu chúng ta muốn thanh lọc tâm, chấm dứt khóc than, buồn khổ, muốn chấm dứt khổ thân, khổ tâm, muốn thành tựu chánh đạo và muốn chứng ngộ Niết bàn.

Vậy, để có được bảy lợi lạc này, thiền sinh cần phải thực hành bốn niệm xứ, không có cách nào khác, không có pháp môn nào khác.

Và Đức phật nói tiếp: “Katame cattāro?” – “Thế nào là bốn?”

“Idha, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ”

“Ở đây, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu sống quán thân trong thân, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm để loại trừ tham ái và sân hận trong đời”. 

Vào lúc có tinh tấn, tỉnh giác và chánh niệm, lúc đó ta có thể loại trừ tham ái, sân hận trong tâm. Đức Phật hướng dẫn một cách ngắn gọn như vậy. Ngài không nói về chánh niệm khi ngồi thiền, khi đi kinh hành hay trong những hoạt động hằng ngày. 

Mà nơi đây, Ngài chỉ nói về pháp quán thân. Quán thân có nghĩa là quán sát toàn thân. Khi ngồi, chúng ta quán sát phồng xẹp là quán thân. Khi đi kinh hành, chúng ta quan sát dở, bước, đạp, đứng là quán thân. Chúng ta quán sát những hoạt động xảy ra khi ngồi xuống, khi đứng lên, khi ăn, khi nhai, khi nuốt, khi cởi giày, khi mang giày, khi co tay, duỗi tay, co chân, duỗi chân v.v.. là thiền sinh quán sát toàn thân trong mọi thời, mọi lúc, trừ khi đi ngủ.

Vì sao phải hết sức tinh tấn quán sát thân như vây? Ở đây, chúng ta có chữ ātāpī là sự tinh tấn ngoại hạng. Chúng ta phải hết sức tinh tấn, phải có loại tinh tấn ngoại hạng ātāpī bởi vì tâm luôn vọng động, phóng chạy, suy nghĩ. Nếu chúng ta không có cố gắng tinh tấn mạnh thì sẽ không thấy những gì trong thân.

Và chúng ta cần phải có sự tỉnh giác Sampajāna là hay biết có tâm vọng động hay không, tâm có chánh niệm hay không. Nếu không có tỉnh giác, không hay biết được tâm đang vọng động hay không vọng động, vào lúc đó, cho dù di chuyển thân chậm cũng không hay biết gì xảy ra nơi thân tâm này. Ở đây, thiền sư nói rằng thiền sinh cần phải hiểu rõ làm chậm khác với chánh niệm. Có khi thiền sinh có thói quen làm chậm mà không có chánh niệm gì cả. Nhưng có những thiền sinh ăn chậm, đi chậm trong chánh niệm. 

Nếu thiền sinh chỉ làm chậm vì thói quen mà không có chánh niệm thì không được. Cho nên thiền sinh cần chánh niệm, tỉnh giác, biết những gì xảy ra trong hiện tại. Cần tinh tấn, nỗ lực thực hành chánh niệm, tỉnh giác. Khi có tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, ta có thể loại trừ tham ái, sân hận, buồn phiền đang sinh khởi trong hiện tại một cách tạm thời.

Bây giờ, Đức Phật dạy về cách quán thọ. 

vedanāsu vedanānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ

Ở đây, vị tỳ khưu sống quán thọ trong các cảm thọ, tin cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ái và sân hận trong đời.

Vedanā là các cảm thọ. Nó có thể là thọ hỷ (sukha) khi chúng ta cảm giác thoải mái, dễ chịu, khoan khoái. Nó có thể là thọ khổ (dukkha) khi ta cảm thấy khó chịu. Và nó có thể là thọ xả (upekhā) khi ta có cảm giác không hỷ cũng không khổ. Như vậy, vedanā là các cảm thọ gồm những cảm thọ tốt lẫn cảm thọ xấu. Và thiền sinh cần quán sát các cảm thọ này khi chúng sinh khởi, dù nó là thọ hỷ, thọ khổ hay thọ xả.

“ātāpī sampajāno satimā” có nghĩa là chuyên cần, tỉnh giá và chánh niệm. Thiền sinh cần nỗ lực quán sát cảm thọ khi nó sinh khởi với sự tỉnh giác và chánh niệm. Nếu không cố gắng quan sát các cảm thọ, không quan sát với chánh niệm, tỉnh giác, sự thỏa thích, bám níu sẽ sinh khởi khi chúng ta kinh nghiệm thọ hỷ vào lúc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái; và sự bực bội sinh khởi khi chúng ta kinh nghiệm thọ khổ vào lúc chúng ta khó thở, đau, ngứa, đổ mồ hôi v.v.. Và nếu không có tỉnh giác, chánh niệm, hay biết khi thọ khổ sinh khởi thì có khi chúng ta lại muốn bỏ thiền. Vì không tỉnh giác, chánh niệm với cảm thọ, mà ta sinh tâm thích-ghét. Vậy, hãy tinh tấn, nỗ lực quán sát cảm thọ, dù là cảm thọ gì đi nữa. Nhờ tinh tấn,chánh niệm, tỉnh giác như vậy, ta không bám níu vào thọ hỷ, ta không chán ghét thọ khổ. Cho nên, tham và sân không sinh khởi. Do vậy, Đức Phật dạy chúng ta cần quán thọ với tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm để loại trừ tham ái, sân hận. 

Và Đức Phật dạy chúng ta quán tâm. 

Citte cittānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ

Có 89 loại tâm tất cả. Nhưng khi hành thiền, thiền sinh thường thấy tâm tham, tâm sân, và đôi khi thấy tâm thiện, như là sự hoan hỷ với việc cúng dường, giữ giới của mình. Dù là tâm thiện hay tâm bất thiện, dù là sự hoan hỷ với giới đức của mình, hoan hỷ với việc làm phước của mình, hay tham ái, sân hận sinh khởi, thiền sinh cần quan sát với sự tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác. Không tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác trong khi thiền thì sân hận sẽ phát sinh vì chúng ta không có thấy được đề mục. Rồi thiền sinh sẽ nghĩ rằng đến đây hành thiền nhưng không thiền được gì vì tâm vọng động, muốn an tịnh mà không được. Cho nên giận dỗi, bực bội. Thiền sinh cần hiểu rõ là khi hành thiền, ta không thể lựa chọn đề mục mà chỉ quan sát cái gì sinh khởi. Bởi vì ta không điều khiển được cái gì theo ý ta muốn. 

Trong khi hành thiền, ta có thể thấy nhiều loại tâm như là sân, giận, bực, vọng động, suy nghĩ, phóng tâm, hoan hỷ, buồn ngủ, tâm mù mờ, không rõ ràng, hay tâm tỉnh táo. Nếu không có chánh niệm thì kinh nghiệm sự hoan hỷ ta sẽ thích; kinh nghiệm những khó khăn ta sẽ bực bội, không vui và chán nản. Hành thiền là chấp nhận và quan sát để mục gì sinh khởi trong khi ngồi, trong khi đi kinh hành để tham ái và sân hận không phát sinh.

Và rồi Đức Phật cũng dạy chúng ta quán các pháp.

Dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ. 

Tỳ khưu quán pháp trong các pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ái, sân hận trong đời. 

Dhamma là các pháp sinh khởi trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ. Khi ngồi, chúng ta có thể thấy hình ảnh ở trong tâm, khi đi kinh hành có thể nghe nhiều âm thanh, như là âm thanh của người này, người nọ nói, của chim hót v.v…Khi ngồi thiền, ta có thể nghe tiếng động hay nghe pháp thoại. 

Khi ngồi thiền, vào lúc thấy gì ở bên ngoài hay trong tâm, vào lúc nghe gì ở bên ngoài hay trong tâm, chúng ta đừng mở mắt xem cái gì xảy ra. Mở mắt xem cái gì xảy ra là mất chánh niệm. Cho nên, khi thiền sinh thấy gì, nghe gì chỉ cần ghi nhận là thấy… thấy… thấy, hay nghe…nghe… nghe. Khi ghi nhận thấy vào lúc thấy, ghi nhận nghe vào lúc nghe, ghi nhận ngửi vào lúc ngửi, ghi nhận nếm vào lúc nếm vị ăn, ghi nhận sự xúc chạm khi có sự xúc chạm qua thân v.v.. thì chúng ta sẽ không bám níu, thích hình ảnh sinh khởi trong tâm, hay những hình ảnh, cảnh tượng bên ngoài và ta cũng không sợ những hình ảnh hay là những âm thanh vào lúc nó sinh khởi. Và do vậỵ, tham ái và sân hận không sinh khởi. Đức Phật đã dạy hành thiền bốn niệm xứ một cách ngắn gọn như vậy. 

Khi hiểu rõ được cách thức hành thiền thì thiền sinh có thể quan sát thân trong mọi thời, mọi lúc; quan sát thọ trong mọi thời, mọi lúc; quan sát tâm trong mọi thời, mọi lúc; và quan sát pháp trong mọi thời, mọi lúc. Khi ngồi thiền, thiền sinh quan sát đề mục chính là hơi thở, hay phồng-xẹp, tức là thiền sinh đang quán thân. Và khi ngồi thiền quán sát cái tâm vọng động, suy nghĩ là quán tâm. Khi quan sát các cảm thọ, khó chịu, bực bội, dễ chịu v.v.. là quan sát thọ. Và khi chánh niệm hay biết vào lúc thấy, nghe v.v.. là quan sát pháp. Như vậy, trong khi hành thiền, thiền sinh đang thực hành bốn niệm xứ: quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp.

Hôm nay, khi ngồi thiền, thiền sinh cần quan sát đề mục chính là phồng và xẹp nơi bụng. Vào lúc có những suy nghĩ, phóng tâm, vọng tưởng sinh khởi, thiền sinh cần quan sát những suy nghĩ này. Khi đi kinh hành, thiền sinh quan sát dỡ, bước, đạp và đứng. Biết cách hành thiền như vậy và hành thiền như vậy, thiền sinh sẽ có được rất nhiều chánh niệm. Bằng không, dù mang tiếng là hành thiền minh sát, thiền sinh không có được chánh niệm gì cả. Như vậy, hiểu cách hành thiền và làm theo cách hành thiền là một điều rất quan trọng để thiết lập chánh niệm. 

Khi nhắm mắt, mở mắt, khi dỡ tay, khi đãnh lễ Đức Phật, khi mang dép mà chúng ta không có chánh niệm thì cũng không sao. Nhưng chúng ta cần hay biết là mình vừa thất niệm, hay biết mình vừa mất chánh niệm. Hay biết mình vừa mất chánh niệm như vậy, chánh niệm sẽ dần dần trở nên mạnh mẽ hơn. Không biết mình thất niệm, mình quên và cũng không quan tâm là mình vừa thất niệm hay quên thì thiền sinh không thể tiến bộ trong khi hành thiền. Khi làm được như vậy, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm hay biết thì chánh niệm sẽ sinh khởi và việc thiền tập càng lúc càng trở nên dễ dàng. Thiền sinh cần nhớ rõ là ta không thể lựa chọn đề mục. Ta không điều khiển được cái gì và cũng không nên mong chờ sự an tịnh. Thiền sinh chỉ quan sát những gì sinh khởi dù đó là tốt, xấu thiền sinh vẫn hay biết sự phóng tâm. Chỉ khi quan sát và ghi nhận được như vậy thì việc thiền tập sẽ tiến bộ.

Bây giờ ngài thiền sư muốn chúng ta ngồi thiền với sư 30 phút. Thiền sinh ngồi xếp bằng. Để hai tay lên nhau. Thân giữ thẳng. Mắt nhắm. Thở một cách bình thường, tức là không cố gắng thở mạnh hay thở dài. Khi thở vào, bụng phồng lên. Thiền sinh quan sát tiến trình phồng và ghi nhận thầm là phồng…phồng. Khi thở ra, bụng xẹp xuống. Thiền sinh quan sát tiến trình xẹp và ghi nhậ xẹp… xẹp.

Ngồi thiền, thiền sinh cần quan sát phồng-xẹp và niệm thầm phồng…xẹp để có được sự định tâm và chánh niệm. Nếu cảm thấy khó khăn, cản trở khi niệm thầm phồng-xẹp thì thiền sinh không cần niệm thầm phồng-xẹp. Điều chính là thiền sinh cần quan sát được tiến trình phồng-xẹp. 

Trong khi ngồi thiền, nếu có suy nghĩ, thiền sinh ghi nhận suy nghĩ… suy nghĩ. Có khi suy nghĩ xẹp quá nhanh thì thiền sinh chỉ cần hay biết mà vẫn tiếp tục quan sát phồng-xẹp. Có khi suy nghĩ kép dài và bị cuốn theo đó thì khi hay biết, thiền sinh cần ghi nhận suy nghĩ… suy nghĩ. Khi suy nghĩ ngừng thì quan sát phồng-xẹp. Nếu suy nghĩ sinh khởi quá thường xuyên, thiền sinh đừng để ý đến nó mà tiếp tục chánh niệm quan sát phồng-xẹp. Nhưng có khi suy nghĩ quá nhiều và không có kiểm soát được nữa trong một thời gian dài thì thiền sinh cần quán sát những suy nghĩ này; khi không còn suy nghĩ: trở về với phồng-xẹp. Như vậy, tùy trường hợp, mà thiền sinh có thể chọn quan sát phồng-xẹp hay suy nghĩ vào lúc suy nghĩ sinh khởi. 

Trong khi quan sát phồng-xẹp, thiền sinh sẽ kinh nghiệm sự ngứa, mệt, đau, nhức, khó chịu, cứng, nóng v.v.. Khi những điều này phát sinh, thiền sinh cần quan sát. Và khi nó giảm hết thì thiền sinh trở về quan sát phồng-xẹp. Thiền sinh cũng có thể kinh nghiệm sự nhẹ nhàn, thoải mái hãy quan sát sự nhẹ nhàn, thoải mái nếu nó trở nên nổi bật. Khi nó giảm hay mất đi, thiền sinh trở về quan sát phồng-xẹp. Một khi thiền sinh quan sát phồng-xẹp được tốt thì dù biết có sự nhẹ nhàn, thoải mái hay sự đổ mồ hôi v.v.., thiền sinh vẫn tiếp tục quan sát phồng-xẹp, đừng để ý tới các đề mục này. Nếu có thấy hay nghe gì, thiền sinh ghi nhận rồi trở về phồng-xẹp. Khi quan sát phồng-xẹp được tốt thì dầu có thấy gì, nghe gì thiền sinh không cần để ý đến mà tiếp tục quan sát phồng-xẹp. 

Như vậy, công thức chính trong khi hành thiền là thiền sinh cần bám sát theo phồng-xẹp, quan sát kỹ phồng-xẹp và quan sát phồng-xẹp càng nhiều càng tốt. Chỉ khi có những đề mục khác quá nổi bật như là ngứa, đau, suy nghĩ thì thiền sinh mới ngừng quan sát phồng-xẹp và quan sát những đề mục này. Rồi khi những đề mục này mất đi thì trở lại quan sát phồng, quan sát xẹp. Nhưng nếu chánh niệm mạnh, theo dõi được phồng-xẹp tốt thì thiền sinh cứ tiếp tục theo dõi phồng-xẹp mà không cần để ý đến các đề mục phụ trong suốt thời gian ngồi thiền. 

Bây giờ, thiền sinh từ từ mở mắt ra. Từ từ mở mắt ra. 

Ngài vừa chỉ cách thức ngồi thiền. Bây giờ, ngài chỉ thiền sinh cách đi kinh hành. Khi đi kinh hành, thiền sinh nắm hai tay lại, để phía trước bụng hay sau lưng. Trước khi bắt đầu đi, thiền sinh đứng và quan sát tư thế đứng toàn thân; niệm thầm là đứng… đứng….đứng. Trong khi đứng, nếu có suy nghĩ, thiền sinh cần hay biết suy nghĩ…suy nghĩ…suy nghĩ… Khoảng 20 phút đầu, thiền sinh có thể đi kinh hành; niệm phải khi chân phải chạm đất và niệm trái khi chân trái chạm đất. Đến cuối đường kinh hành, đừng gấp gáp xoay người mà thiền sinh cần quan sát tư thế đứng của mình và niệm thầm đứng… đứng… đứng… trong vài giây hay vài phút nếu cần. Sau đó, thiền sinh xoay người, niệm thầm xoay… xoay… xoay…, chú ý quan sát chuyển động xoay của toàn thân. Sau đó, đứng, niệm thầm đứng… đứng… đứng… trong vài giây hay vài phút nếu cần. 

Và 20 phút sau, thiền sinh đi kinh hành. Niệm dỡ khi chân dỡ và niệm đạp khi chân chạm sàn. Như vậy, một bước chân bây giờ có hai tiến trình là dỡ và đạp mà thiền sinh cần quan sát. Đến cuối đường kinh hành thì thiền sinh đứng lại. Niệm thầm “đứng… đứng… đứng…” trong vài giây hay vài phút. Rồi xoay người, niệm thầm “xoay… xoay… xoay…” hay biết toàn thân đang xoay. Rồi đứng lại niệm thầm “đứng… đứng… đứng…”

Khi đi kinh hành, nếu có phóng tâm, suy nghĩ, nếu chúng chỉ thoáng qua thì chỉ hay biết và tiếp tục quan sát dỡ, đạp. Chỉ khi phóng tâm, suy nghĩ quá nhiều, không ngừng làm cho mình không thể tập trung vào chuyển động của chân, thiền sinh mới đứng lại quan sát và niệm thầm suy nghĩ… suy nghĩ… suy nghĩ… Thiền sư nói rằng khi niệm dỡ, bước, đạp, chúng ta quan sát chuyển động nơi chân. Khi niệm thầm đứng… đứng… đứng…, chúng ta quan sát toàn thân, tư thế đứng của thân. Khi từ tư thế đúng chuyển sang tư thế ngồi, hay từ tư thế ngồi chuyển sang tư thế đứng, thiền sinh quan sát toàn thân.

Khoảng 20 phút sau cùng, thiền sinh đi kinh hành. Niệm dỡ khi chân dỡ lên, bước khi chân bước tới trước và đạp khi chân đạp xuống. Và đến cuối đường kinh hành, thiền sinh đứng lại niệm thầm “đứng… đứng… đứng…” trong vài giây hay vài phút. Rồi bắt đầu xoay. Quan sát chuyển động xoay của thân. Niệm thầm “xoay… xoay… xoay…”

Vì sao chúng ta cần quan sát thân kỹ đến như vậy? Vì khi không hành thiền, ta làm nhanh và không chánh niệm. Ta co, duỗi tay, chân nhanh; đóng, mở cửa vội vã rất thường xuyên, không hay biết mình đang làm gì và vừa làm gì. Trong khi thiền, ta làm chậm với chánh niệm và hay biết. Khi mở cửa, có tác ý và sự hay biết. Khi tay chạm vào nắm cửa, ta hay biết. Khi nắm nắm cửa, ta hay biết. Khi xoay, ta hay biết. Khi đẩy cửa, ta hay biết. Và khi hạ tay xuống, ta hay biết. Khi lấy thức ăn và nước, chúng ta cũng cần làm chậm trong chánh niệm, hay biết. Muốn lấy nước, ta phải hay biết tác ý này. Rồi khi đưa tay ra lấy nước, khi đưa ly lên, khi nuốt nước, ta cũng cần phải hay biết. Vào lúc mang dép, khi đưa chân tới và xỏ vào dép, ta cũng hay biết. Như vậy, ta cần tỉnh giác, hay biết mọi hoạt động của thân đang diễn ra. 

Khi đi ăn, vào lúc đi, ta niệm phải, trái. Khi lấy mâm, muỗng hay nĩa ta phải hay biết. Ta hay biết vào lúc mình lấy thức ăn, đi đến bàn ăn, để thức ăn lên bàn. Kéo ghế và ngồi xuống. Thiền sinh cần ngồi xuống ghế với chánh niệm. Rồi hay biết khi lấy muỗng, khi múc thức ăn, khi đưa thức ăn vào miệng, khi nhai, khi nuốt. Trong khi nhai, chúng ta đừng di chuyển tay mà chú tâm vào sự nhai của mình. Nhai, nuốt xong thì mới lấy thức ăn thêm nữa.

Như vậy, trong từng cử động một, thiền sinh cần làm chậm trong chánh niệm. Và khi làm được như vậy, chúng ta sẽ có rất nhiều chánh niệm.

Từ tư thế đứng sang tư thế ngồi, thiền sinh ghi nhận tác ý muốn ngồi. Rồi hay biết khi hạ người từ từ xuống. Hay biết khi mông chạm sàn. Ngồi xuống rồi, nếu muốn gỡ kiếng đeo mắt thì ta đưa tay lên, chạm kiếng, gỡ kiếng ra, đưa kiếng xuống, để lên sàn và đưa tay trở lại chỗ cũ. Ta cần phải làm chậm với sự hay biết. Nếu muốn đeo kiếng vào, cũng cần phải hay biết tác ý này. Rồi cầm kiếng đưa lên, đeo vào, hạ tay xuống, đặt lại vị trí cũ cũng phải cần làm trong sự hay biết chánh niệm. Vào lúc đãnh lễ Đức Phật, đưa tay lên chậm trong chánh niệm, hay biết. Và trong khi lạy, từ từ khom người xuống, hạ người xuống đến khi tay chạm đất. Ta làm chậm với sự hay biết. Quán sát những cảm giác trong thân, trong tay khi ta chắp tay lạy, khi tay chạm sàn. Khi đưa người lên, thiền sinh quan sát những cảm giác trong thân khi thân dần dần nâng lên và người dần dần thẳng. Khi muốn đứng dậy, thiền sinh từ từ chậm rãi đưa thân lên, chánh niệm hay biết những gì sinh khởi từ tư thế ngồi sang tư thế đứng như là những cảm giác trong thân, sự nặng, nhẹ v.v.. 

Trong hoạt động hằng ngày, đứng lên, ngồi xuống, co tay, dỡ chân, di chuyển thân ta cần làm hết sức chánh niệm để hay biết những gì sinh khởi trong thân này. Trong khi hành thiền, thiền sinh cần nhắm mắt, ngậm miệng – thiền sư nói như vậy. Nhắm mắt ở đây có nghĩa là nhìn phía trước mà không nhìn ngó đó-đây khi đi về cốc, khi đến thiền đường, khi đến phòng ăn. Ngậm miệng là không nói chuyện. Nếu nhìn, ngó, nếu nói chuyện thì tâm sẽ vọng động, phóng đó đây, cho nên rất khó thực hành chánh niệm vào lúc ngồi thiền hay đi kinh hành bởi vì thiền sinh còn sơ cơ, chưa có đủ chánh niệm. 

Nếu làm theo được chỉ dẫn, nếu không nhìn ngó đó đây, không nói chuyện thì trong hai tuần thiền sinh có thể hiểu được pháp hành minh sát này. Không làm theo chỉ dẫn, thiền sinh chỉ có đức tin đến đây nhưng không có được sự định tâm và chánh niệm nên chán hành thiền, chán việc đi kinh hành. Rồi sự buồn ngủ, suy nghĩ sẽ sinh khởi. Vậy chúng ta nên thực hành chánh niệm theo như hướng dẫn; nên canh gác thân, tâm, chỉ cần nhìn trước vài feet mà không cần nhìn ngó đó đây. Không nói chuyện và chánh niệm trong hoạt động hằng ngày thì việc thiền tập sẽ càng lúc càng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. 

Hôm nay, thiền sư đã hướng dẫn cách ngồi thiền, đi kinh hành và những hoạt động hằng ngày theo lời dạy của Đức Phật một cách ngắn gọn trong bài kinh Đại Niệm Xứ. Nếu thiền sinh vẫn chưa hiểu rõ cách thiền thì thiền sư sẽ tiếp tục giảng thêm vào các bài pháp sau. Pháp thoại là để hỗ trợ cho việc tu tập. Nhưng các thiền sinh cần ra sức tu tập như được hướng dẫn. 

Và ngài thiền sư chấm dứt bài giảng hôm nay ở đây.

(Bản text do Trọng Phi đánh máy)

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app