Video (1) 2 Loại Kẻ Thù – 4 Loại Hiểm Nguy – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (1) 2 Loại Kẻ Thù – 4 Loại Hiểm Nguy – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

2 LOẠI KẺ THÙ – 4 LOẠI HIỂM NGUY – THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ – KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

(Bài giảng ngày 05/05/2007 tại Như Lai thiền viện, California – chuyển audio sang text Vũ Thái Bình)

Hôm nay là ngày 05/05/2007, sáng nay Sư cả mới giảng pháp nhân dịp khai giảng khóa thiền tích cực 44 ngày được mở tại Như Lai thiền viện, San Jose, California.

Hôm nay Sư cả sẽ nói về cách dùng quả Pháp bảo. Sư cả rất vui khi có được cơ hội để nói về đề tài này, và mong sao tất cả hành giả đều có được quà Pháp bảo và biết cách sử dụng món quà này. Sư cả cũng mong các hành giả, hãy dùng quà Pháp bảo này một cách quý trọng. 

Các món quà thông thường, thường được giữ mà không dùng, hoặc lâu lâu mới được dùng, và sau đó để mặc cho bụi bặm bám đầy và không thể dùng được nữa. Hoặc sau khi dùng một thời gian thì trở nên hư hỏng. Nhưng trái lại, với quà Pháp bảo, càng dùng nhiều càng trở nên sạch sẽ, sáng ngời và càng tốt hơn nữa. Nếu dùng đúng phương pháp, người sử dụng món quà Pháp bảo trở nên điêu luyện và làm gia tăng phẩm giá cá nhân một cách lạ thường. 

Có câu nói: “văn hóa thật sự là tinh hoa thật sự của con người”. Thế nào là văn hóa thật sự, là tinh hoa thật sự? Văn hóa thật sự là gì? Thế nào là văn hóa thật, là văn hóa giả? 

Đêm nay Sư cả sẽ giảng về tại sao văn hóa thật sự được xem là tinh hoa thật sự của con người. Chữ văn hóa được phiên dịch nhiều cách, tùy theo ngôn ngữ khác nhau. 

Trong lĩnh vực giáo Pháp, văn hóa có nghĩa khả năng tự kiểm soát sao cho không hại hay làm hại tổn thương người khác về cả 2 mặt: vật chất và tinh thần. Cá nhân cần phải tự kiểm soát để không đi quá xa đưa đến sự cư xử sai trái. Cá nhân phải tự kiểm soát sao cho không có sự cư xử sai trái qua thân – khẩu – ý, vì những sai trái này rất đáng bị khinh khi. Đức Phật dạy con người tu tập để có được sự ghê sợ và hổ thẹn về sự cư xử sai trái qua thân – khẩu – ý. Nhờ biết hổ thẹn và ghê sợ nên không dám làm điều sai trái. Cá nhân tránh được sự sai trái qua thân – khẩu – ý nhờ cá nhân biết tự kiểm soát. Nếu biết kiểm soát và giữ gìn sẽ biết kiểm soát và giữ gìn không để thân – khẩu – ý sai trái. Do vậy làm cho sự cư xử của cá nhân qua thân – khẩu – ý được trong sạch. Có văn hóa, được thuần thục, dịu dàng và dễ mến. Nhờ biết kiểm soát và gìn giữ thân – khẩu – ý không bị sai trái, nên không những cá nhân được lợi lạc mà người khác cũng được lợi lạc do không bị tổn thương. 

Do đó tự kiểm soát là cách ngăn ngừa và bảo vệ người khác không bị tổn thương về tinh thần và vật chất. Đó là tại sao sự giữ gìn không làm điều sai trái để trở thành người có thân – khẩu – ý được thuần thục, có văn hóa, dịu dàng và dễ mến, là tinh hoa thật sự của con người và là những gì cần thiết cho mọi tôn giáo hay mọi chủng tộc. 

Mọi người đều có phiền não nơi tâm, ai cũng mong muốn cho gia đình và người thân được an vui và hạnh phúc. Là sự mong muốn có thể phát xuất từ tâm từ ái, hay từ sự tham lam, sân hận. Sự mong muốn này có thể do lòng tham, mong cho chính cá nhân hay cho gia đình và người thân, nhưng lòng tham này không làm hại cho ai thì không phải là điều quá xấu. Và người ta thường thấy lòng tham bởi ý muốn này không phải là điều tội lỗi hay là sự phạm tội. Người ta thường tha thứ cho loại mong muốn hay sự tham lam không gây nguy hại cho người khác. Tuy nhiên nếu cá nhân ích kỷ, chỉ tìm những gì có lợi không chỉ cho chính mình mà còn cho gia đình mình, rồi cho quốc gia mình thì sự tham lam này trở nên quá độ. Loại tham lam quá độ này đến mức nào đó sẽ làm cho cá nhân đi đến chỗ có sự cư xử thái quá, trở nên mất kiểm soát, và không còn là một con người thực sự nữa. Người này trở nên làm hại cho những người khác về tinh thần lẫn vật chất. Do đó cũng vì ích kỷ nên cá nhân sẽ phải chịu đau khổ. Vì cá nhân nuông chiều theo tâm tham quá độ và lòng ích kỷ nên cá nhân có sự cư xử sai trái, cá nhân trở nên muốn chiếm đoạt những gì của người khác bằng vũ lực, hay các phương tiện bất hợp pháp. Ngoài ra cũng do tham lam quá độ nên cá nhân phạm tà hạnh, dối trá, vận dụng mọi cách để được danh lợi, hay dùng các chất say để làm vui, cá nhân trở nên bị chế ngự bởi tham lam và sân hận. Trong thế gian có những sự tham lam quá độ chế ngự con người như vậy, vì thiếu kiểm soát nên cá nhân làm hại người khác, do sự cư xử sai trái của mình, cá nhân có sự thô bạo, thiếu văn hóa trong sự cư xử với người khác. Do đó không tự kiểm soát, cá nhân làm hại người khác, và biết tự kiểm soát, cá nhân bảo vệ được người khác. 

Người ta cũng thường nói, nếu cá nhân thoát khỏi kẻ thù thì cũng thoát khỏi hiểm nguy, điều này có nghĩa gián tiếp là, nếu không thoát khỏi kẻ thù, sẽ không thoát khỏi hiểm nguy. 

Có 2 loại kẻ thù, kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài. Kẻ thù bên trong là sự bất thiện và các phiền não. Kẻ thù bên ngoài là người thù. Người ta có thể đôi lúc gặp người thù, nhưng lại thường xuyên gặp kẻ thù bên trong, đó là các phiền não tham – sân. Những kẻ thù này tạo nên mọi rắc rối bên trong con người. Nếu nuông chiều theo tham – sân, cá nhân sẽ không thoát khỏi kẻ thù bên trong và sẽ gặp những hiểm nguy đáng sợ. Những hiểm nguy đáng sợ này là sự tự chê trách hay tự phê phán, hoặc bị chê trách, phê phán bởi bậc trí nhân. Loại hiểm nguy đáng sợ khác là sự trừng phạt của luật pháp hay chính quyền, và do có tác ý xấu, nên có sự cư xử sai trái, cá nhân sẽ bị tái sinh vào các cảnh giới thấp kém. Tái sinh vào cảnh giới thấp kém là điều hiểm nguy, đáng sợ hãi. 

Tóm lại, có 4 loại hiểm nguy đáng sợ. Thứ nhất, tự mình chê trách. Thứ 2, bị người khác chê trách. Thứ 3, bị trừng phạt. Thứ 4, bị tái sanh vào cảnh giới thấp kém. 

Cái gì là nguyên nhân? Đó là bởi vì cá nhân không thoát khỏi kẻ thù, nên không thoát khỏi hiểm nguy. Mọi người đều mong muốn thoát khỏi sự sợ hãi, ai cũng muốn sống bình an. Nếu muốn bình an, phải thoát khỏi kẻ thù bên trong, và do vậy thoát khỏi hiểm nguy. Do đó, có nhân có quả, rất hợp lý. Vì lẽ đó, ai cũng mong muốn thoát khỏi kẻ thù, thoát khỏi hiểm nguy, ai cũng muốn có bình an nơi thân tâm. Bao lâu chưa thoát được kẻ thù bên trong là phiền não, cá nhân còn gặp các hiểm nguy đáng sợ.

Đức Phật dạy chúng sanh nếu muốn giải thoát khỏi kẻ thù bên trong, cá nhân cần phải diệt tận các hình thức quá độ của phiền não. Do tham lam quá độ, cá nhân cướp giật tài sản của người khác, tà hạnh với những phụ nữ còn vị thành niên, hay với những người đã có gia đình. Người làm những điều này nghĩ rằng thỏa mãn những điều mình muốn, có vẻ như thành công nhưng thực sự cá nhân bị đánh bại bởi kẻ thù bên trong là phiền não. Cũng có vẻ như người này được những gì họ muốn, nhưng thật sự cá nhân bị kẻ thù bên trong lấy mất tất cả, do đó phạm vào các sự cư xử sai trái, sẽ làm cho sự cư xử cá nhân trở nên không trong sạch, thô bạo, và cá nhân sẽ không sống trong sự bình an. Đây là những kết quả xấu đem lại từ sự tham lam quá độ. Nếu chỉ thích làm cho danh lợi, cho chính mình thì cá nhân sẽ thiếu tâm từ ái, vì không nghĩ đến lợi lạc của người khác. Nếu chỉ nghĩ đến lợi lạc cho phe nhóm, sẽ không để ý đến lợi lạc của người khác, không cần biết nguời khác có đau khổ hay không. Cá nhân trở nên thiếu tâm từ và trở nên ích kỉ. Những người như vậy rất ích kỷ, họ chỉ biết lợi cho cá nhân hay cho phe nhóm, gia đình, do vậy không có sự nhẫn nhục hay tha thứ khi giao tiếp với người khác. Do không nhẫn nhục, tha thứ nên làm cho người khác tổn thương, cá nhân trở nên không còn tâm bi mẫn, thiếu tâm từ trở nên giận dữ, thiếu tâm bi trở nên độc ác. Và nếu nuông chiều theo lòng tham quá độ cá nhân sẽ hành hạ làm tổn thương người khác. Cá nhân sẽ trở nên ghen tị, có ác ý hay dối trá để được lợi, bằng cách này cá nhân có sự cư xử sai trái vì không tự kiểm soát được mình, do vậy làm hại người khác và như vậy có thể nói, văn hóa của cá nhân trở nên hư hại. 

Tóm lại, nếu cá nhân biết tự kiểm soát thì sẽ không có sự cư xử sai trái. Và do vậy bảo vệ không làm người khác bị hại. Và đây là văn hóa thật sự, là tinh hoa thật sự cho con người. 

Nếu không chỉ nghĩ đến lợi lạc cho cá nhân, cho phe nhóm, cá nhân sẽ thoát khỏi tham lam quá độ, do vậy mà nghĩ đến lợi lạc và an vui cho người khác. Cá nhân vì đó mà phát triển được tâm từ, mong muốn cho người khác được an vui, hạnh phúc. Do vậy cá nhân phát triển được các tâm thiện. Qua đó sẽ có nhẫn nhục, tha thứ và biết nghĩ đến người khác. Và đây là văn hóa thật sự, là tinh hoa thật sự của con người. 

Do đó, tham lam quá độ không tốt, và sân hận quá độ cũng không tốt. Nếu không có sân hận, cá nhân sẽ phát triển được tâm từ và tâm bi. Có được tâm từ và bi, thoát khỏi sân hận, cá nhân được xem là tự thắng mình, và do vậy nên không làm hại người khác. Bằng cách này, cá nhân loại bỏ được các ô nhiễm nơi tâm, cá nhân sẽ có tri tuệ, không còn si mê quá độ. Cá nhân hiểu được rất rõ ràng những gì có lợi, hay không có lợi, những gì có hại hoặc hiểu những gì thích nghi hay không thích nghi. Nhờ có trí tuệ và biết suy xét cá nhân thu thúc dễ dàng, không làm điều sai trái, và do đó cá nhân sẽ tận dụng cơ hội và thời gian để làm điều thiện lành. Hiện tại, hành giả phải phấn đấu càng nhiều càng tốt để có cơ hội tu tập nhằm thành đạt loại văn hóa thật sự, để có được tinh hoa thật sự cho đời người. 

Càng tu tập tinh cần càng đảm bảo 100% cho hành giả được loại văn hóa thật sự. Đức Phật đã dạy hơn 2600 năm qua cách thức từ bỏ sự cư xử sai trái và cách thức thực hiện sự cư xử tốt đẹp có văn hóa. Lời Đức Phật dạy 2600 năm qua vẫn còn được dùng đến hôm nay. Do đó, nếu hành giả có khả năng áp dụng lời Phật dạy một cách hiệu quả thì hành giả sẽ có được văn hóa thật sự và hành giả có được đức tin cùng sự tự tin nhiều hơn nữa. 

Nhờ tu tập nên có được văn hóa làm cho đời cá nhân thăng tiến. Nhờ biết được qua kinh nghiệm rằng giáo Pháp có khả năng làm cho đời người được thăng tiến, có được văn hóa thật sự nên hành giả sẽ có đức tin và sự tự tin nơi sự tu tập.

Do đó, Sư cả khuyên các hành giả trong suốt 44 ngày hay 6 tuần lễ tới. Nếu hành giả ứng dụng được lời Phật dạy một cách chính xác, Sư cả bảo đảm hành giả có được văn hóa thật sự. 

Thời pháp đến đây đã mãn. Ngày mai Sư cả sẽ giải thích về phương pháp tu tập và làm thế nào ứng dụng giáo pháp. Và qua sự ứng dụng giáo pháp một cách hiệu quả hành giả sẽ có văn hóa thật sự, hay có tinh hoa thật sự. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app