Video (27) Phương Pháp Niệm Tâm Tiếp Theo – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (27) Phương Pháp Niệm Tâm tiếp theo – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Phương Pháp Niệm Tâm tiếp theo – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Ngày 31/05/2007, tại Như Lai Thiền Viện, California.

Theo chú giải, có 8 tâm có căn tham gọi là sarāga citta (tâm ái dục), 2 tâm có gốc sân sadosa citta, và tất cả các tâm bất thiện có gốc si gọi là samoha citta. Những hành giả thời xưa, khi được giải thích về tâm đến chừng đó là đủ để họ hiểu được niệm tâm. 

Hành giả không thể ghi nhận được tất cả cùng một lúc 8 tâm vương có gốc tham, cũng như cùng 1 lúc ghi nhận được các tâm có gốc sân và si. Hành giả hiểu được sự liên hệ giữa các tâm vương và tâm sở qua thiền tập. Theo sự chỉ dạy của cố Hòa Thượng Mahasi, Ngài dùng loại ngôn ngữ thường dùng hàng ngày để giải thích về tâm, nhưng theo Vi Diệu Pháp, phân tích 8 tâm có gốc tham, 2 tâm có gốc sân và 2 tâm có gốc si. Nhưng đấy chỉ là lý thuyết, còn trong thực hành khi quán sát tâm hành giả không cần phải nhớ 8 loại, hay 2 loại như trong sách vở. Theo lý thuyết, cần phải nhớ bao nhiêu tâm, nhưng thực hành niệm tâm thì không phải theo cách như vậy, sutamayañāṇa là kiến thức thu thập từ sách vở. Suy nghĩ, tưởng tượng về tâm không phải là thực hành niệm tâm (cittānupassanā). Hành giả trực tiếp hành Thiền Minh Sát khi phát triển được tuệ giác phân biệt danh sắc sẽ có khả năng niệm tâm. Abhiññāta gồm abhi và ñāta, abhi có nghĩa trí tuệ phi thường, ñāta là sự vật thuộc chân đế. Các tâm tục thế và các tâm khác liên hệ được hiểu bằng trí tuệ phi thường (abhiññāta). Trí tuệ phi thường này hình thành như thế nào? Trí tuệ phi thường này hình thành trong thiền tập khi hành giả niệm vào đề mục sinh khởi trong hiện tại. Khi hành giả niệm vào sự phồng xẹp, hành giả hiểu được bản chất thật sự của yếu tố gió qua sự căng, dãn, chuyển động. Biết được bản chất của hiện tượng là loại trí tuệ phi thường. Từ đứng sang ngồi, nếu hành giả niệm cẩn thận sẽ thấy có hàng loạt tác ý và chuyển động sinh khởi trong lúc hành giả hạ người xuống. Khi niệm đúng lúc có sự hạ người, hành giả hiểu được 1 cách biện biệt danh và sắc, tác ý ngồi là danh, chuyển động ngồi là sắc, sự hiểu biết này được xem là loại trí tuệ phi thường. Tiếp tục tu tập, hành giả phát triển được sự hiểu biết về nhân quả, về vô thường – khổ – vô ngã. Hành giả sẽ không còn tin vào hồn và hiểu thế nào là đặc tướng chung sāmaññalakkhaṇā, hành giả thấy sự sinh diệt và cuối cùng chứng đắc Đạo, Quả. Bắt đầu từ sự phân biệt được danh, sắc cho đến thực chứng Đạo, Quả, tất cả được xem là trí tuệ phi thường. Trí tuệ này có được từ sự thực chứng cá nhân. Đó là sự hiểu biết sự vật như là, những sự hiểu biết này là sự thật, sự hiểu biết này vượt xa sự hiểu biết qua sách vở và hiểu biết qua suy tư cintāmayañāna. Sự hiểu này cũng tạo nên từ Thiền Minh Sát, sự hiểu biết này cũng vượt cao hơn sự hiểu biết qua sự chứng đắc thiền trong Thiền Chỉ. Sự hiểu biết trong Thiền Minh Sát hay còn gọi Minh Sát Tuệ hình thành bắt đầu từ sự hiểu biết về danh, sắc đến sự hiểu biết về Đạo, Quả. Minh Sát Tuệ vượt xa sự hiểu biết qua sách vở, qua suy nghĩ hay qua sự chứng đắc các tầng thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới trong Thiền Chỉ. Tại sao Minh Sát Tuệ được coi là phi thường? Vì đó là trí tuệ hiểu biết bản chất thật sự của chân đế. Thiền Chỉ không cho hành giả sự hiểu biết về chân đế. Muốn có sự hiểu biết phi thường, hành giả phải giữ chánh niệm liên tục không ngừng giây nào, hành giả phải thấy giá trị của Pháp hành, hành giả phải tu tập một cách tinh cần để hành giả hiểu được sự thật tuyệt đối, hiểu được chân đế. Minh Sát Tuệ vượt xa sự hiểu biết qua sách vở, suy tư hay qua Thiền Chỉ. Hành giả đừng nên thỏa mãn với sự hiểu biết qua sách vở, suy tư hay chứng đắc các tầng thiền. Hành giả nên niệm vào đề mục ngay lúc đề mục sinh khởi trong hiện tại. Khi hành giả có tham ái, hãy niệm ngay vào tham ái; khi hành giả có sân hận, hãy niệm ngay vào sự sân hận; khi hành giả si mê, hãy niệm ngay vào sự si mê; bất kỳ 3 loại tâm này xuất hiện hành giả hãy ghi nhận ngay lập tức để sự ghi nhận có hiệu quả. Hành giả đừng suy nghĩ, đánh giá đây là tâm thiện, hay sân, hay tham, hay si, nhưng hãy ghi nhận ngay lập tức khi hành giả biết mình đang dính mắc, hành giả niệm “dính mắc, dính mắc”, khi ham muốn, niệm “ham muốn, ham muốn”, khi thèm khát, niệm “thèm khát, thèm khát”, khi giận, niệm “giận, giận”, khi bất mãn, niệm “bất mãn, bất mãn”. 

Khi hành giả không niệm vào đề mục bằng sự hướng tâm và tinh cần, tâm không được giữ an trụ trên đề mục, tâm vuột khỏi đề mục, quán sát sẽ phát sinh phân vân, hoài nghi là tâm có gốc si mê (samoha citta), các tâm có gốc si mê sinh khởi khi chánh niệm không có mặt. Nếu hành giả thực hành cẩn thận, đúng phương pháp, hành giả niệm phồng xẹp bằng sự hướng tâm và tinh tấn sẽ phát triển được chánh niệm. Và ngay cả lúc tâm rời khỏi đề mục, hành giả lập tức biết ngay mình không có theo dõi được đề mục. Khi dở-bước-đạp hành giả hãy chú tâm chặt chẽ vào sự dở-bước-đạp, và khi tâm phóng đi khỏi sự dở-bước-đạp hành giả sẽ nhận biết được ngay mình không giữ được tâm trong sự dở-bước-đạp. Thất bại trong sự ghi nhận đề mục, để tâm ghi nhận vuột mất đề mục là hành giả có tâm thuộc gốc si (samoha citta). Khi hành giả ghi nhận đề mục ngay lúc sinh khởi, hành giả hiểu được bản chất thật sự của đề mục, biết được bản chất thật sự của đề mục nhờ hành giả niệm một cách hiệu quả, hành giả có tâm vắng bóng si mê (vītamoha citta).

Kệ ngôn: “bất kỳ tâm gì đang sinh khởi trong hiện tại, hành giả phải niệm ngay để thấy được bản chất của tâm, và như vậy hành giả quán tâm (Cittānupassanā)”. 

Tham, sân, si là căn bất thiện. Khi tâm thiện xuất hiện thì không có tâm bất thiện. Khi thâm, sân, si vắng bóng thì tâm sẽ trong sạch. Khi hành giả niệm liên tục vào các đề mục đang sinh khởi sẽ làm chánh niệm phát triển, chánh niệm phát triển giúp tâm ghi nhận giáp mặt trực tiếp với đề mục liên tục hình thành sát-na định. Khi sát-na định phát triển mạnh mẽ tham, sân, si không thể sinh khởi. Khi có chánh niệm chặt chẽ với đề mục, hành giả thấy được bản chất thật sự của đề mục. Hành giả hiểu được vì lúc ấy tham, sân, si vắng bóng, nhờ vậy hành giả có sự hiểu biết sâu sắc về giáo pháp (12:04) dhammābhisamaya vốn không phải là điều dễ nhận ra. Nhưng khi thoát khỏi ảnh hưởng của tham, sân, si thì bản chất thâm sâu của giáo pháp được thấy một cách dễ dàng và rành mạch (12:25) supākata. Dù giáo pháp có thâm sâu, nhưng khi tham, sân, si vắng bóng thì giáo pháp trở nên rõ ràng và dễ hiểu. Muốn hiểu giáo pháp rõ ràng và rành mạch, hành giả phải niệm vào đề mục bằng sự hướng tâm và nỗ lực tinh cần. Tâm lúc ấy hoàn toàn vắng bóng tham, sân, si.

Kệ ngôn: “giải thoát khỏi trạng thái đối nghịch”.

Muốn giải thoát khỏi bất thiện tâm tham, sân, si hành giả cần phải tu tập đúng phương pháp. Nếu không tu tập đúng phương pháp, tâm sẽ bị lấm nhơ vì các tâm bất thiện. Khi có sự hướng tâm hoàn toàn vào đề mục, dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng không phát sinh. Khi tâm chánh niệm gắn chặt vào đề mục, hành giả hiểu được sự thật nên không còn si mê. Ngay khoảnh khắc hiểu được bản chất thực sự của đề mục, tâm hành giả lúc đó hoàn toàn vắng bóng tham, sân, si, tâm trong sạch hoàn toàn. Thoát khỏi các tâm bất thiện để có sự trong sạch, thiện lành, là kết quả từ sự học và nghe phương pháp tu tập đúng đắn.

Hàng ngày, hành giả nên lắng nghe một cách cẩn thận sự chỉ dạy về việc tu tập. Khi hành giả vào trình pháp, hành giả cũng phải lắng nghe cẩn thận lời chỉ dẫn của thiền sư, và làm theo sự hướng dẫn một cách cẩn trọng. Muốn vậy, hành giả cần có sự tin tưởng nơi thiền sư, có niềm tin nơi pháp hành, có sự hiểu biết về lợi lạc đem lại từ kết quả thực hành.

Kệ ngôn: “lắng nghe cẩn thận sự hướng dẫn cùng với niềm tin nơi Đức Phật là người chỉ đường, cũng như với niềm tin nơi pháp hành”.

Do đó, nếu hoài nghi nơi pháp hành thì sự tu tập không có hiệu quả. Nếu hoài nghi nơi lợi lạc của pháp hành, phân vân không biết pháp hành này có thật sự đem lại lợi lạc hay không. Làm như vậy, hành giả chỉ phí thì giờ vô ích, tâm hành giả bây giờ đang có si mê. Nếu hành giả có niềm tin nơi pháp hành, nơi lợi lạc của pháp hành, và thực hành đúng phương pháp, thì hành giả sẽ đạt tiến bộ nhanh chóng. Hành giả có thể đạt tiến bộ trong vòng vài ngày nếu hành giả tu tập đúng theo phương pháp chỉ dẫn. 

Đức Phật là người đặt ra phương pháp tu tập để phát triển tâm và trí tuệ, thiền sư chỉ là người thay mặt Đức Phật chỉ dẫn lại cho hành giả. Hành giả phải có niềm tin nơi Thiền Tứ Niệm Xứ, tin rằng sẽ đem lại sự trong sạch cho tâm… Có niềm tin nơi Đức Phật, nơi giáo pháp sẽ tạo nên quyết tâm có được lợi lạc, quyết tâm giải thoát khỏi bất thiện tâm tham, sân, si. Nếu có được sự quyết tâm như vậy, hành giả sẽ vận dụng tinh tấn vào việc tu tập. Khi niệm vào đề mục, hành giả niệm bằng nỗ lực tinh cần, hành giả can đảm chịu đựng được những sự đau nhức, hành giả can đảm chấp nhận cuộc sống ăn ít, ngủ ít, hành giả đem hết nỗ lực tinh cần để không mất chánh niệm. Khi hành giả tinh tấn, tâm hành giả sẽ trở nên năng động, tỉnh táo, luôn luôn sẵn sàng ghi nhận đề mục một cách kịp thời bằng sự hướng tâm và tinh tấn. Nếu không niệm được đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn, tâm sẽ trở nên co rút, thụ động, hành giả cảm thấy dãi đãi, muốn bỏ cuộc (samkhitta-citta), tâm co rút, hành giả muốn tu tập một cách thoải mái, cảm thấy mệt mỏi không muốn cố gắng nữa, hành giả thích thú hưởng thụ sự ngủ nghỉ (middhasukha). Hành giả không có sự quyết tâm, tâm hành giả co rút, biếng nhác xâm nhập tâm, biếng nhác – loại tâm (samkhitta-citta), hành giả sơ cơ thường hay bị loại tâm co rút này. Hành giả hãy niệm ngay lập tức khi chúng sinh khởi nơi tâm. 

Có hành giả có niềm tin nơi pháp Tứ Niệm Xứ, thế nhưng hành giả lại quá phấn chấn, khi quán sát đề mục có quá nhiều tinh tấn nên nhắm trật đề mục, tâm nằm xa đề mục, gọi là (19:32), và tâm suy nghĩ liên tục, tưởng tượng gọi là vikkhitta. Có khi có quá nhiều tinh tấn, tâm trở nên bất an, tán loạn, trong trường hợp này hành giả cần có sự suy tư manasikāra để điều chỉnh tạo sự quân bình nơi tâm, sao cho tâm ghi nhận bắt kịp đề mục, với sự vận dụng tinh tấn vừa đúng, khi ấy tâm có thể bám chặt được với đề mục. Khi hành giả có sự bất an, phóng dật nơi tâm, hành giả hãy ghi nhận kịp thời. Thực hành như vậy là niệm tâm cittānupassanā. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app