Video (18) 5 Yếu Tố Giúp Thực Hành Thiền Tốt Đẹp – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (18) 5 Yếu Tố Giúp Thực Hành Thiền Tốt Đẹp – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

5 YẾU TỐ GIÚP THỰC HÀNH THIỀN TỐT ĐẸP – THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ – KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

22/05/2007 tại Như Lai Thiền Viện, California

Hôm qua, Sư Cả giải thích muốn niệm được đề mục như phồng xẹp, hành giả phải hướng tâm đến đề mục và dùng tinh tấn sao cho tâm nằm trên đề mục. Trong sinh hoạt hàng ngày, hành giả hãy làm chậm lại, dù hành giả mạnh khỏe nhưng hãy làm như 1 người bệnh yếu ớt. Nếu hành giả thực hành chính xác theo như sự hướng dẫn, hành giả sẽ đạt tiến bộ trong vòng vài ngày, hành giả sẽ phát triển được niệm, định, tuệ. Muốn có được thân, khẩu, ý của một người có văn hóa, cần phải có 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất: hành giả phải nghe cẩn thận lời chỉ dẫn phương pháp hành thiền, hiểu được phương pháp hành thiền rất là quan trọng, vì nó giúp hành giả áp dụng những gì đã nghe vào việc thực hành, đó là tại sao hành giả phải nghe hướng dẫn cách hành thiền trước khi thực sự tu tập. Nguyên nhân thứ nhì, hành giả phải niệm một cách đúng lúc, chính xác và hiệu quả. Hành giả hãy đặt ưu tiên cho việc hình thành 2 nguyên nhân này để giúp đạt được kết quả là hành giả có thân, khẩu, ý của một người có văn hóa. Thiếu 1 trong 2 nguyên nhân này sẽ không tạo được kết quả mong muốn. Do đó, muốn đạt thân, khẩu, ý của một người có văn hóa, hành giả phải nghe cẩn thận và thực hành theo lời chỉ dẫn. Nếu không như vậy, Sư Cả không đảm bảo gì cho hành giả. 

Làm bất cứ chuyện gì, học hành hay làm ăn, người ta phải biết được lợi ích công việc đang làm. Nhờ hiểu biết sự lợi ích nên ý chí làm việc mạnh mẽ. Nếu không hiểu được lợi ích của công việc đang làm, ý chí làm việc sẽ rất yếu. Tương tự, nếu hành giả hiểu được lợi ích của sự hành thiền, hành giả sẽ có ý muốn hành thiền rất mạnh. Nếu không, hành giả có ý muốn hành thiền rất yếu. Điều quan trọng là hành giả cần có sự tự tin và niềm tin nơi Pháp hành. Nếu chỉ suy nghĩ, phân tích, suy tư, đúng sai, có lợi hay không có lợi, hành giả chỉ phí thì giờ vô ích.

Sau khi nghe sự hướng dẫn cách hành thiền, hãy thực hành đúng theo như được chỉ dẫn. Nếu không niệm đề mục kịp thời sẽ làm hành giả phân vân và hoài nghi. Nếu hành giả thuộc loại người chỉ chấp nhận sau khi suy tư, tìm tòi thì không thể nào giúp hành giả được.

Vào thời Đức Phật, có một vì Bà-la-môn luôn có sự hoài nghi, không tin tưởng và không chấp nhận bất kỳ đạo nào. Đối với người Bà-la-môn này, Đức Phật nói rằng chính Ngài cũng không thể giúp được cho người này nếu cá nhân thuộc loại người hoài nghi, phê phán. Vì lẽ đó, hành giả đừng đánh giá hay phê phán pháp Thiền Tứ Niệm Xứ, chỉ ghi nhận, niệm ngay vào đề mục. Bổn phận của hành giả, không gì khác hơn ngoài việc niệm vào đề mục. Bổn phận duy nhất của hành giả là niệm vào đề mục ngay lúc hiện tại bằng sự hướng tâm và tinh tấn. Nếu thất bại, không niệm kịp thời hành giả sẽ bị si mê, thất niệm 1 phút, hành giả si mê 60 lần, thất niệm 1 giờ, hành giả sẽ bị si mê 3600 lần. Si mê sẽ chồng chất lớp lớp trong tâm hành giả, hành giả sẽ bị vướng kẹt trong sự si mê cực độ gọi là sammoha. Bằng sự tu thiền, hành giả giữ gìn được thân, khẩu, ý. Bằng sự giữ giới tròn đầy, hành giả trở nên 1 con người thật sự, nhờ vậy tâm hành giả trở nên an tịnh, không còn bị dao động. Tâm hành giả an tịnh, nên hành giả có được tâm của 1 con người thật sự. Với tâm an tịnh, trong sạch, hành giả phát triển trí tuệ không bị tà kiến. Muốn thế, hành giả phải hành thiền. Nhờ hành thiền, đời hành giả sẽ được thăng tiến.

Đức Phật dạy: nhờ hành Thiền Minh Sát, hành giả biết tự kiểm soát thân, khẩu, ý, và do vậy tự động bảo vệ người khác không bị tổn thương. Do hành giả biết tự kiểm soát, nên không tạo lỗi lầm qua thân, khẩu, ý. Và như vậy, hành giả thật sự có văn hóa. Hành giả hãy tu tập cho đến khi có sự bảo đảm thân, khẩu, ý của hành giả luôn luôn trong sạch.

Có 5 yếu tố giúp hành giả tu tập tốt đẹp.

  • Yếu tố thứ nhất: sự tự tin nơi cá nhân và niềm tin nơi Pháp hành.
  • Yếu tố thứ hai: sức khỏe tốt.
  • Yếu tố thứ ba: chân thật.
  • Yếu tố thứ tư: nỗ lực, tinh cần.
  • Yếu tố thứ năm: ý ham muốn thấy pháp sanh diệt.

Yếu tố thứ nhất, hành giả phải có sự tự tin nơi chính mình và có niềm tin nơi Pháp Thiền Tứ Niệm Xứ. Hành giả thực hành đúng phương pháp, Thiền Sư không buộc hành giả phải có đức tin nhưng chính vì hành giả biết được phẩm tính của pháp tu qua kinh nghiệm thực hành, đức tin này không phải đức tin mù quáng.

Yếu tố thứ hai, hành giả phải có sức khỏe tốt. Thời nay, không ai có được sức khỏe tốt hoàn toàn. Nếu hành giả có sự tiêu hóa dễ dàng thì coi như hành giả có sức khỏe tốt.

Yếu tố thứ ba, hành giả phải là người chân thật. Hành giả biết nói yếu điểm của mình cho Thiền Sư biết. Thí dụ, khi trình pháp nếu được hỏi hành giả niệm phồng xẹp chính xác không, hành giả phải chân thật trả lời “vâng, tôi niệm được’ hay “không, tôi không niệm được”, hành giả hãy nói chính xác. Nếu hành giả nói “vâng” trong khi thực sự hành giả không niệm chính xác thì hành giả không chân thật, đừng trả lời những gì hành giả chưa làm được, hay không làm được. Nhờ trả lời bằng chân thật, Thiền Sư mới có thể giúp được hành giả tu tập tiến bộ. Do vậy hãy chân thật, hành giả đừng che dấu yếu điểm của mình. Tương tự, khi bác sĩ hỏi bệnh nhân “có uống thuốc thường xuyên không? Và cảm thấy thế nào?”. Nếu bệnh nhân khai bệnh một cách thành thật và chính xác thì bác sĩ mới có thể điều trị tốt đẹp.

Yếu tố thứ tư, hành giả phải có nỗ lực tinh cần trong sự tu tập. Hành giả phải tu tập một cách tinh cần, phải luôn sẵn sàng niệm kịp thời khi đề mục sinh khởi, hành giả tinh cần giữ chánh niệm liên tục, không để thất niệm.

Yếu tố thứ năm, hành giả phải có ý muốn thấy pháp sinh diệt. Một khi hành giả thấy được pháp sinh diệt, hành giả nếm được hương vị Pháp bảo, hành giả sẽ trở nên tinh tấn hơn trong sự tu tập và muốn tu tập cho đến khi thành đạt mục tiêu cuối cùng. Đến giai đoạn này, Thiền Sư không còn phải khuyến khích hành giả nữa. 

Hành giả hãy tự hỏi xem mình có tự tin nơi chính mình, và có niềm tin nơi pháp hành không? Sức khỏe có tốt không? Có chân thật không? Có tu tập tinh cần từng giây không? Và có giữ chánh niệm được liên tục, không gián đoạn không? 

Hành giả nên niệm liên tục vào những gì sinh khởi, không để chánh niệm gián đoạn, bằng cách niệm liên tục phiền não không sinh khởi. Nếu hành giả giữ chánh niệm một cách tin cần vào mọi đề mục, hành giả sẽ phát triển được sức mạnh cho tâm hay tâm lực. Do vậy, hành giả hãy giữ chánh niệm liên tục, giống như trong xe hơi, bình điện được nạp điện liên tục khi máy xe chạy liên tục, nhờ vậy bình điện mới có điện mạnh. Cùng thế ấy, nhờ giữ chánh niệm liên tục nên hành giả tạo sức mạnh cho tâm. Hành giả hãy niệm liên tục vào đề mục khi đề mục sinh khởi. Nhờ có chánh niệm liên tục, nên phiền não không xâm nhập tâm. Luồng tâm bất thiện bị cắt đứt, mở đường cho luồng tâm thiện lành. Tu tập như vậy sẽ giúp hành giả thành tựu mục tiêu trong thời gian ngắn. Hãy giữ chánh niệm liên tục, nhờ vậy hành giả phát triển được các sức mạnh cần thiết cho tâm. Giữ chánh niệm được lâu, các sức mạnh này càng mạnh. Do đó, hành giả hãy giữ chánh niệm liên tục, đừng có lúc tu, lúc nghỉ, hành giả không phát triển được sức mạnh cho tâm thì hành giả không hưởng được lợi lạc từ sự tu tập. Không hưởng được lợi lạc sau nhiều ngày, hành giả trở nên xuống tinh thần. Và hành giả tu tập với nhiều vị thầy khác nhau nhưng không tiến bộ, thầy có giỏi nhưng hành giả không đạt tiến bộ. Do đó, Sư Cả kêu gọi hành giả hãy cố gắng tu tập một cách tinh cần trong những ngày còn lại của khóa thiền.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app