Video (4) Tại sao phải giữ giới – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Năm 2007, tại Như Lai Thiền viện California. 

Những gì Sư Cả giảng dựa vào những gì Đức Phật dạy trực tiếp, được ghi lại trong kinh điển chứ không dựa từ sự tưởng tượng. 

 

Năm 2007, tại Như Lai Thiền viện California. 

Những gì Sư Cả giảng dựa vào những gì Đức Phật dạy trực tiếp, được ghi lại trong kinh điển chứ không dựa từ sự tưởng tượng. 

Nếu hành giả được nghe những lời dạy từ Đức Phật đã ghi lại trong Kinh điển, hành giả sẽ có sự hiểu biết. Từ sự hiểu biết phát triển được tín tâm và sự tự tin, đặc biệt khi hành giả tu tập Giới theo Giới Đạo. Hiểu được lợi ích của sự giữ Giới, hành giả sẽ có tự tin và niềm tin nhiều hơn nữa. Tin chắc rằng đây là đúng đường, do đó từ sự hiểu biết phát sinh niềm tin vững chắc và sẽ tiếp tục có trớn mạnh. Hôm nay Sư Cả giảng về bài kinh Vera Sutta thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, Phẩm Upasakavagga (Nam cư sỹ) (chỗ này có lẽ tác giả đọc nhầm tên Phẩm tiếng Pali). Trong bài Kinh, Đức Phật dạy về 5 loại kẻ thù đáng sợ hãi Bhaya vera. Bhaya là sợ hãi, vera là kẻ thù. Bhaya là sợ hãi, có nhiều loại sợ hãi. Thứ nhất, sợ hãi phát sinh từ trí tuệ. Thứ hai, sợ hãi phát sinh từ sự vật đáng sợ, gọi là arammāna-bhaya. Và thứ ba, sợ hãi kẻ thù sattu bhaya.  

Trước nhất, sợ hãi phát sinh từ trí tuệ.  

Nếu một người thấy hiểm nguy trong luân hồi, sẽ cảm thấy sợ hãi. Sự sợ hãi này phát sinh từ hiểu biết, có liên quan đến trí tuệ. Loại sợ hãi thứ nhì, sợ hãi sự vật đáng sợ phát sinh từ sân hận, như: sợ hãi chánh quyền, sợ hãi độc tài, sợ gặp các sự vật đáng sợ trong hiện tại hay tương lai, là sự sợ hãi có liên quan đến sân hận, đến tâm bất thiện. Loại sợ hãi thứ ba là sự sợ hãi kẻ thù sattu bhaya. Có 2 loại kẻ thù: kẻ thù là bất thiện tâm akusala vera, và kẻ thù là người puggala vera. Bất thiện tâm thuộc loại kẻ thù bên trong, là kẻ thù gần. Người thù thuộc loại kẻ thù bên ngoài, là loại kẻ thù xa. Cả 2 loại kẻ thù này tạo nên sự sợ hãi có gốc sân hận. Hành giả phải giữ chánh niệm để phiền não không thể phát sinh nơi tâm. Khi thất niệm, tâm sẽ không còn trong sạch. Phiền não phát sinh là tâm bất thiện phát sinh. Khi gặp vật ưa thích tham phát sinh. Khi gặp vật không ưa thích, sân hận phát sinh. Tham sân là bất thiện tâm. Bất thiện tâm có khi liên hệ với tà kiến, tà kiến tin vào hồn, tin có hồn trong các vật lớn nhỏ, mỗi cá nhân có linh hồn riêng với phẩm chất và khả năng khác nhau. Thấy, nghe, nếm, đụng, chạm v.v… được làm do hồn. Nếu không có hồn thì thể xác này vô dụng, sẽ không có sự thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm v.v…

Tin rằng khi chết rồi thể xác hư hoại, hồn sẽ đi qua kiếp khác trong thể xác khác, đây là tà kiến tin vào tiểu hồn jīva attā. Ngoài ra còn có tà kiến tin vào đại hồn parama attā, tin rằng đại hồn kiểm soát và chỉ huy các hồn nhỏ. Đại hồn hiểu biết mọi chuyện, không buồn vui, không hình tướng, đại hồn là đấng độc nhất. Tà kiến về đại hồn, tiểu hồn là bất thiện tâm. Bất thiện tâm liên hệ với tà kiến, được xem là kẻ thù bên trong. Không hiểu biết, hay hiểu biết sai về hậu quả của tham và sân, là si mê. Có sự hoài nghi về đúng sai, cũng là kẻ thù bên trong. Nếu không kiểm soát tâm, tâm sẽ phóng chạy tự do, hối hận phát sinh, cũng là bất thiện tâm, cũng là kẻ thù bên trong. Do đó các bất thiện tâm thường sinh khởi nơi tâm của những người không tu tập. Các bất thiện tâm này là đáng sợ nhất, là kẻ thù bên trong, và là kẻ thù gần.

Đó là tại sao bất thiện tâm được gọi là kẻ thù (vera). Đặc biệt đối với loại tham sân si quá độ sẽ làm cho con người ích kỷ, mất từ bi. Si mê quá độ đưa đến giết chóc, trộm cắp, tà hạnh, dối trá và say sưa. Si mê quá độ làm cho con người thất bại trong việc nên làm những gì cần phải làm và thu thúc những gì cần phải thu thúc. Do đó các bất thiện tâm là kẻ thù, người chấp nhận các bất thiện tâm là chấp nhận cho mình có kẻ thù. Những ai không chế ngự được kẻ thù bên trong, sẽ trở thành kẻ thù cho chính người ấy. Người hành hạ, giết chóc người khác là người thiếu tâm từ ái, thiếu sự mong muốn cho kẻ khác được an vui, hạnh phúc. Vì lẽ đó nên không có nhẫn nại, tha thứ và hy sinh khi giao tiếp với người khác. Ngoài ra còn thiếu tâm bi nên trở thành độc ác. Do đó thiếu tâm từ, sẽ có sự ghét bỏ phát sinh từ sân hận, thiếu tâm bi, sẽ có sự độc ác phát sinh từ sân hận. Tâm liên hệ đến sân hận là bất thiện tâm. Một phút bất thiện tâm sinh khởi, tâm bị bất thiện 60 lần. Năm phút bất thiện tâm sinh khởi, tâm bị bất thiện 300 lần. Một giờ bất thiện tâm sinh khởi, tâm bị bất thiện 3600 lần. Nếu một người có bất thiện tâm sinh khởi trong nhiều giờ, tâm bị bất thiện suốt nhiều ngàn lần. Do đó nếu không khắc phục được kẻ thù bên trong tâm, sẽ có nhiều nguy hiểm phát sinh. Nuông chiều theo sân hận làm cho cá nhân hành hạ, hãm hại người khác. Thấy có vẻ như cá nhân thắng thế, nhưng thật ra người làm hại kẻ khác sẽ sống trong sợ hãi, người này sẽ bị hối hận giày vò. Khi làm điều tội lỗi, người này sẽ bị sợ hãi do tự mình chê trách, do người khác chê trách, sợ bị luật pháp trừng phạt và sợ bị tái sinh về khổ cảnh. Người phạm nhiều tội lỗi không những đời này khổ, mà còn chịu khổ ở đời sau vì thiếu các nghiệp thiện, do đó ảnh hưởng của quả xấu càng tạo điều kiện cho cá nhân tiếp tục tạo thêm bất thiện nghiệp. Thất bại trong sự giữ gìn không làm 5 điều sai trái, cá nhân sống một cuộc đời trong sợ hãi và hiểm nguy. Không thoát khỏi kẻ nội thù, sẽ có sự sợ hãi ??? (phút 10:58).

Còn kẻ thù thì còn sợ hãi hiểm nguy, người phạm tội lỗi còn chịu sợ hãi và hiểm nguy do người thù puggala vera. Khi hãm hại giết chóc người khác nên sẽ có nhiều người sinh lòng thù hận với người này, họ luôn luôn mong muốn trả thù. Khi có cơ hội, họ sẽ trả thù, và như vậy cá nhân tự tạo cho mình bị người thù. Ngày nay, có nhiều sự tranh cãi, đánh nhau giữa phe nhóm, hay quốc gia. Cho dù có khuất phục được người khác nhưng trong tâm họ vẫn mang sự hận thù. Do đó người có sự cư xử sai trái tạo nhiều người thù cho chính mình. Với kẻ thù bên trong là phiền não, cá nhân phải chịu nhiều hậu quả xấu không những ngay đời này mà còn tiếp tục đời sau. Đời người này hiện tại không an vui hạnh phúc. Nếu sống mà không an vui hạnh phúc, thì cuộc đời của cá nhân coi như sụp đổ, chỉ có buồn rầu và bất mãn. Đó là tại sao phiền não là kẻ thù đáng sợ. Ngoài ra còn kể đến các sự cư xử sai trái khác như tà hạnh, dối trá và say sưa. Say sưa đưa đến sự lơ đãng, cẩu thả làm cho cá nhân thất bại không giữ gìn được những điều phải giữ gìn, và thất bại không làm được những gì nên làm. Pamāda là cẩu thả, lơ đãng, dễ duôi. Do không giữ gìn được những gì phải giữ gìn nên cá nhân gặp nguy hiểm. Do không làm những điều phải làm, nên cá nhân không hưởng được lợi lạc. Say sưa đưa đến hậu quả xấu, nếu cá nhân không thu thúc để không có sự cư xử sai trái, cá nhân tự làm hỏng đời mình. Tham lam trong sự say sưa, kẻ thù sẽ dùng tâm của người này để ẩn náu, và do vậy sẽ có hiểm nguy và sợ hãi. Say sưa làm cho hôn nhân đổ vỡ, mất việc, mất sở, mất sự kính trọng trong xã hội.

Do đó say sưa dẫn đến kẻ nội thù và các hiểm nguy. Do vậy nếu cá nhân không thể kiểm soát các tâm tham sân si quá độ, sẽ dẫn đến sự cư xử sai trái và quá đáng, đạo đức cá nhân sẽ giảm bớt và không được xem là một con người thật sự. Khi cá nhân có sự cư xử sai trái, người khác sẽ bị hại hay sẽ bị thương tổn cả hai: vật chất lẫn tinh thần, cũng như tự làm cho cá nhân đau khổ. Vì thế, cư xử sai trái sẽ làm hại cho cả hai: cá nhân và người khác. Thiếu tâm Bi, nên có sự cư xử quá đáng, làm tổn thương người khác về vật chất và tinh thần. Không tự kiểm soát được mình, không thể coi là một con người thật sự, do đó hãy tự kiểm soát mình và bảo vệ người khác. Cùng thế ấy, hãy nghĩ đến những người khác, biết nghĩ đến người khác với lòng bi mẫn, cá nhân tự động kiểm soát được mình. Đây là điều mọi người nên làm, cũng là kỷ cương cho mọi người. Tự kiểm soát mình để bảo vệ người khác, và với tâm Bi cá nhân bảo vệ người khác nên tự động cá nhân có sự tự kiểm soát. Do đó, giữ 5 Giới là điều mà mọi người không phân biệt chủng tộc, hay tôn giáo đều nên làm.

Nếu giữ được Ngũ Giới, phẩm giá cá nhân trở nên sáng ngời và thăng tiến, đây là chuyện bình thường. Địa vị con người nên được đo lường bằng sự giữ Ngũ Giới. Nếu giữ được tròn đủ, cá nhân được xem là người có địa vị rất cao. Sư Cả cho thí dụ về các loại máu, người giữ Ngũ Giới tương tự như người có máu O. Trong 4 loại máu: A, B, AB và O, người có máu O có thể cho máu mình đến với người có loại máu A, B và AB. Do vậy máu O là loại máu thích nghi đối với 3 loại kia. Tương tự, Ngũ Giới thích nghi cho tất cả mọi người. Tóm lại, Sư Cả giải thích nếu một người thất bại trong việc giữ gìn không phạm lỗi lầm trong sự cư xử, thì người này sẽ là người không có giới hạnh, người thiếu đạo đức. Sư cũng đã giải thích sự sợ hãi, nguy hiểm cùng với sự hận thù gia tăng, và người này sẽ bị tổn thương cả tinh thần lẫn vật chất. Ngày mai Sư Cả sẽ giải thích về lợi lạc của sự tu Giới. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

(Bài Giảng ngày 09 tháng 05 năm 2007 – Đạo hữu Xuân Cường đã đánh máy text, đạo hữu Chu Quang đã checked, quý vị check thêm giúp mục còn đánh số, chưa gõ chữ)

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app