Video (21) Chân Đế và Tục Đế – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Chân Đế và Tục Đế – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Ngày 26/5/2007 tại Như Lai Thiền Viện California

Hôm qua Sư cả đã giảng về các lĩnh vực quán sát đối với hành giả trực tiếp dùng Thiền minh sát làm cỗ xe đi đến Niết bàn, hành giả thể nghiệm ngay những đề mục sinh khởi. Hành giả phải ghi nhớ là thể nghiệm vào đề mục gì, lĩnh vực nào giữa các đề mục phải niệm. Hành giả còn phải ghi nhớ thế nào là danh, sắc. Hành giả học cách định danh thế nào là danh, sắc. Hành giả còn học cách hành thiền và thảo luận về giáo pháp với thiền sư trong lúc trình pháp. Hành giả phải theo đúng lời chỉ dẫn của thiền sư. Hành giả nghe sự hướng dẫn cách tu tập, hành giả phải hiểu thế nào là ghi nhận hay niệm vào đề mục. Niệm hay ghi nhận vào đề mục là sự hướng tâm đến đề mục bằng sự tinh tấn, nỗ lực đưa tâm đối diện với đề mục. Hành giả nên thực hành theo như được hướng dẫn, hành giả ghi nhớ và hiểu rõ sự chỉ dẫn bằng cách nhớ trong tâm, cũng như nhớ những gì thiền sư chỉ dẫn xa hơn nữa và cuối cùng áp dụng những sự chỉ dẫn vào sự thực hành. Và bây giờ hành giả áp dụng những gì được hướng dẫn vào trong thực hành. Hành giả sẽ hưởng được lợi ích của sự thực hành qua sự hiểu biết hay thấm nhập giáo pháp (paṭiveda). 

Sư sẽ giảng vấn đề này một cách chi tiết. Cá nhân sư cả đã hành thiền dưới sự hướng dẫn của Cố hoà thượng Mahasi Sayadaw. Sư cả bắt đầu hành thiền trước năm 30 tuổi, sư cả hành theo sự chỉ dẫn của ngài Mahasi – dựa đúng theo với lời đức Phật dạy. Do đó cá nhân sư cả có niềm tin chắc chắn rằng pháp hành này là pháp hành đúng đắn. Ngoài ra sư cả cũng dạy lại một cách chính xác cho những người khác 

Đối với hành giả dùng thiền chỉ trước khi qua thiền minh sát samatha janikayogi thì đề mục gì cần phải quan sát – sư cả sẽ nói về vấn đề này. Đề mục dùng để quan sát trong thiền minh sát là các hiện tượng danh, sắc sinh khởi theo tương quan nhân quả và mang đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Chỉ khi nào hành giả biết được lĩnh vực của đề mục và đề mục được niệm thì hành giả mới hành thiền một cách đúng đắn. 

Hôm nay sư cả sẽ giảng về lĩnh vực của đề mục và đề mục gì cần quan sát. Trong các bài giảng và sách của ngài hoà thượng Mahasi, ngài giảng giải về lĩnh vực của các đề mục và đề mục quán sát trong thiền minh sát. Trong các đối tượng thuộc chân đế và tục đế, hành giả phải quan sát đề mục thuộc chân đế – và đó là danh và sắc. Hành giả không quán vào các đề mục thuộc tục đế. Chân đế là gì? Tục đế là gì? Chân đế (parāmaṭṭha) có nghĩa sự thật tột cùng hay sự thật tuyệt đối. Nếu là một cái gì không đúng sẽ không thể coi là ý nghĩa tột cùng hay tuyệt đối. Chỉ có cái gì có ý nghĩa đúng mới được gọi là sự thật tột cùng hay tuyệt đối abhitajita có nghĩa không thay đổi, đúng đắn. Do đó parāmaṭṭha có nghĩa sự thật tuyệt đối hay chân đế

Có 4 thực tại tuyệt đối. Thứ nhất tâm vương là sự hay biết, tâm sở, sắc – vật chất luôn thay đổi và Niết bàn – sự diệt tận danh sắc. Bốn thực tại này không biến đổi là sự thật cao tột nên được gọi là chân đế – parāmaṭṭha. Có 2 loại hiểu biết: hiểu biết qua nghe hay đọc và hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng. Những gì được hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng là sự thật, còn những gì hiểu biết qua nghe và đọc thì có thể là có thật, có thể không. Nhưng những gì thực chứng qua kinh nghiệm cá nhân thì không thể sai, dù kinh nghiệm này có tốt hay xấu – vẫn là điều có thật, là chắc chắn. Do đó sự hiểu biết này có phẩm chất cao là sự thật tuyệt đối. Còn những gì biết qua sách, nghe hay suy nghĩ thì không chắc chắn, không thể coi là sự thật tuyệt đối. Phạn ngữ atapacakka là những gì cá nhân kinh nghiệm bằng thực chứng. Do đó các thực tại chân đế là những gì chắc chắn có thật có thể thực chứng qua kinh nghiệm cá nhân. Sư đưa một ví dụ về sự thật nắm chặt tay, cái gì là hiển nhiên. Khi nắm chặt tay lại hành giả sẽ cảm thấy sự căng, sự căng này là vật chất rūpa. Hành giả kinh nghiệm được và có thật hay chân đế. Tâm hay biết sự căng này là tâm cũng là chân đế. Trước khi nắm tay lại, có hàng loạt tác ý muốn nắm tay, tác ý thuộc về danh là chân đế. Chuyển động nắm lại là sắc cũng là chân đế. Khi nắm tay chặt lại, càng nắm lâu càng căng hơn nữa, cảm giác căng lúc đầu không giống cảm giác căng kế tiếp, cảm giác căng kế tiếp không giống cảm giác căng kế tiếp nữa… Nếu có sự chú tâm cẩn thận, hành giả sẽ thấy sự khác biệt theo từng cảm giác căng, cũng như thấy sự khó chịu rồi thấy nóng. Hành giả muốn thoát ra khỏi cảm giác khó chịu, vì lẽ đó hành giả muốn mở tay ra. Rồi có hàng loạt tác ý muốn mở tay, tác ý thuộc danh là chân đế. Nếu không có ý muốn mất sự khó chịu sẽ không có sự mở tay. Vì có sự mở tay nên cảm giác khó chịu do sự căng trở lên yếu đi. Do đó nếu hành giả có sự chú tâm cẩn thận lúc bắt đầu nắm tay và mở tay thì hành giả sẽ thấy các hiện tượng danh sắc. Sự hiểu biết này là atapacakka là những gì thực chứng bằng kinh nghiệm cá nhân. Sự hiểu biết này là sự thật chứ không phải tưởng tượng và vì là sự thật do kinh nghiệm là điều có thật là chân đế. Trong việc thực hành thiền minh sát, hành giả phải quan sát đề mục ngay lúc đề mục sinh khởi. Trong sự nắm tay nếu không quan sát kịp thời hành giả sẽ không biết được diễn tiến của sự nắm tay. Sự nắm tay co vào và sự mở tay ra. Nếu không chánh niệm hành giả sẽ không thấy hình tướng của sự mở tay hoặc tư thế của sự mở tay. Đừng nói đến thấy được bản chất của sự nắm mở tay hoặc đã nếu có thấy cũng chỉ thấy một cách lơ mơ. Hành giả chỉ thấy hình tướng của bàn tay trong khi nắm lại hoặc chỉ thấy lúc bàn tay mở ra. Hành giả không thể nào thấy được sự căng, cứng, khó chịu hay nóng. Nếu khái niệm về hình tướng của bàn tay che khuất bản chất thực sự của sự nắm tay thì hành giả không thể thấy được các đặc tướng căng, cứng, khó chịu nóng… Cũng vậy nếu khái niệm về tư thế bàn tay che khuất, hành giả sẽ không thể thấy các đối tượng căng, cứng, khó chịu nóng… Muốn thấy các đặc tướng căng, cứng, khó chịu nóng, hành giả phải quan sát xuyên thấu vào sự nắm tay mới thấy được bản chất thực sự của sự vật. Đa số khi nắm tay hay mở tay ra đều chỉ thấy khái niệm hình tướng của bàn tay hay chỉ thấy tư thế nắm hay mở của tay. Những hiểu biết này là tục đế không phải chân đế. Bàn tay là nāma-paññāti là khái niệm – tên cũng là tục đế. Cả ba loại đề mục thuộc tục đế là hình tướng santāna paññāti, tư thế akāra-paññāti, và tên gọi nāma-paññāti không được dùng làm đề mục quán sát trong thiền minh sát vì chúng không có thật. 

Khi hành giả niệm vào đề mục chẳng hạn như sự phồng xẹp, hành giả phải niệm bằng sự chú tâm với tinh tấn, nếu không niệm bằng sự chú tâm và tinh tấn thì việc niệm không hiệu quả vì tâm ghi nhận không bám chặt được đề mục. Chánh niệm sẽ không hình thành, tâm không an trụ trên đề mục, sát-na định không thể hình thành nên hành giả không thấy được bản chất thực sự của đề mục. Do đó khi niệm vào đề mục, hành giả phải vận dụng hết sức các sức mạnh của tâm, thiếu sức mạnh của tâm, hành giả chỉ thấy được hình tướng hay tư thế của đề mục mà không thể thấy được bản chất thực sự trong sự phồng xẹp hay dở bước đạp. Muốn thấy được bản chất thực sự của sự vật, hành giả hãy làm chậm lại. Khi dở hãy chú tâm theo dõi từ đầu sự dở đến cuối sự dở. Khi bước hãy chú tâm theo dõi từ đầu sự bước đến cuối sự bước. Và khi đạp hãy chú tâm theo dõi từ đầu sự đạp đến cuối sự đạp. 

Hôm qua sư nói về sampaccaya sampatike có ý nghĩa hành giả phải có sự hiểu biết bao trùm cả đề mục hay hành giả có chánh niệm bao trùm cả đề mục. Nếu niệm vào đề mục bằng tầm và tinh tấn hành giả sẽ hiểu được vượt ngoài hình tướng. Hành giả sẽ hiểu được thực tại chân đế, danh và sắc. Muốn vậy hành giả phải làm chậm lại, khi được bảo làm mọi việc chậm lại, vài hành giả không rõ như thế nào gọi là chậm, Sư cả dạy rằng chậm ở đây có nghĩa làm chậm tới số 0. Các hiện tượng danh sắc diễn ra quá nhanh, hành giả phải làm chậm mới thấy chúng kịp thời. Sư cả cho ví dụ về tục đế. Ở trước Thiền Viện có làn kiến bò màu đen, nếu trông từ đằng xa hành giả không thấy làn đen này, đến gần hơn nữa hành giả sẽ thấy một làn đen. Ý niệm làn đen là hình tướng thuộc santāna paññāti Danh ý niệm nāma paññāti. Trong làn đen này có từng đoàn kiến nối đuôi nhau. Từng đoàn kiến là ý niệm amoha paññāti, nhìn gần hơn nữa hành giả sẽ thấy từng con kiến một. Hành giả không còn thấy từng đoàn kiến. Ý niệm về từng đoàn kiến là ý niệm amoha paññāti đã biến mất. Cũng như khi chỉ thấy từng con kiến một thì ý niệm về làn đen do đoàn kiến tạo nên là ý niệm hình tướng santāna paññāti cũng không còn nữa. Đầu tiên thấy làn kiến đen rồi thấy đến từng đoàn kiến rồi kế tiếp chỉ thấy từng con kiến một. Cùng thế ấy nếu muốn thấy bản chất thực sự của sự phồng xẹp, hành giả phải hướng tâm đến đề mục bằng tinh tấn sao cho tâm ghi nhận gắn chặt với đề mục. Tâm ghi nhận phải chà xát được đề mục thì sự niệm mới có hiệu quả. Chánh niệm được thiết lập chặt chẽ trên đề mục hay theo phạn ngữ là sati  paṭhana. Khi tâm được giữ an trụ trên đề mục, tâm không còn phóng chạy đây đó, tâm không còn dao động bởi tham sân si. Khi tâm bám vào sự căng hành giả hiểu sự căng. Khi tâm bám vào sự giãn hành giả hiểu sự giãn. Khi tâm bám vào sự nặng hành giả hiểu sự nặng. Khi tâm bám vào sự nhẹ hành giả hiểu được sự nhẹ. Nếu niệm một cách đúng đắn, đúng phương pháp, tâm sẽ ghi nhận được các đặc tướng nặng, nhẹ, căng, giãn, nóng, lạnh, … Nếu niệm đúng phương pháp hành giả sẽ kinh nghiệm bản chất thực sự của đề mục trong một hoặc hai thời thiền ngồi. Nếu hành giả đã theo khoá thiền lâu nhưng chưa kinh nghiệm đặc tướng riêng của đề mục thì có thể hành giả gặp sai lầm. Nếu hành giả niệm một cách chính xác theo như được hướng dẫn, hành giả áp dụng sự chỉ dẫn vào thực hành thì hành giả sẽ kinh nghiệm được chân đế. Bằng cách niệm đúng cách hành giả sẽ phát triển được sát na định, hành giả sẽ kinh nghiệm được chân đế.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app