Video (24) Cách Trình Pháp Đúng Và Hiệu Quả – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (24) Cách Trình Pháp Đúng và Hiệu Quả – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Cách Trình pháp Đúng và Hiệu Quả – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Bài giảng ngày 28/05/2007 tại Như Lai Thiền Viện, California.

Trước đây, Sư Cả đã giảng về phương pháp nuôi dưỡng chánh kiến Minh Sát trong khi tu tập. Hành Thiền Minh Sát cũng giống như trồng cây xoài, từ lúc gieo hạt Minh Sát trở thành cây con đến khi trưởng thành cho ra hoa trái cần phải được bảo vệ chăm sóc. 

Bài Pháp trích từ Tăng Chi Bộ kinh, kinh Anuggahita, có 5 pháp bảo vệ. Thứ nhất: giữ giới sīlānuggahita. Hành giả bảo vệ hạt giống Minh Sát Tuệ bằng cách giữ giới cho tròn đầy, không bị lấm nhơ. Giới giống như hàng rào bảo vệ khi cây xoài còn nhỏ không bị các thú lớn nhỏ làm hại. Pháp bảo vệ thứ hai : nghe Pháp sutānuggahita. Nghe sự hướng dẫn về phương pháp hành thiền. Hành giả biết được thế nào là danh, sắc, đề mục hành thiền, và phải niệm như thế nào cho đúng phương pháp. Khi nghe Pháp, hành giả nên nghe một cách cẩn thận, nghe Pháp, học hỏi phương pháp hành thiền sẽ giúp cho Minh Sát Tuệ phát triển, tương tự như sự tưới nước đúng lúc trong việc trồng xoài. Pháp bảo vệ thứ ba: trình pháp và thảo luận kinh nghiệm với thiền sư sākacchānuggahita. Trình pháp và thảo luận kinh nghiệm với thiền sư sẽ giúp cho việc hành thiền được tốt đẹp. Điều này, giống như sự bón phân giúp cây xoài phát triển. Pháp bảo vệ thứ tư: giữ tâm được an tịnh samathanuggahita. Khi hành giả đạt tuệ giác thấy sự sinh diệt udayabbayañāna. Tâm định và sự hiểu biết của hành giả phát triển một cách kì diệu. Ở tuệ giác này, hành giả kinh nghiệm được loại hạnh phúc đặc biệt, không thể buông bỏ. Hành giả có khuynh hướng dính mắc vào các kinh nghiệm. Hành giả có thể hay biết hay không biết mình đang dính mắc. Hành giả nên tránh đừng để bị dính mắc dù là sự dính mắc rất nhỏ. Khi có sự dính mắc, dù là dính mắc rất nhỏ, hành giả phải lập tức niệm vào sự dính mắc. Làm được như vậy sẽ giúp hành giả phát triển được Tuệ Minh Sát ngày thêm lớn mạnh. Điều này giống như việc bắt sâu, làm cỏ trong việc chăm sóc cây xoài. Pháp bảo vệ thứ năm: nếu có được 4 yếu tố đầu thì cây Minh Sát Tuệ sẽ cho ra hoa trái vipassanānuggahita. Nhờ niệm kịp thời vào đề mục hành giả không bị dính mắc, Tuệ Minh Sát ngày càng phát triển mạnh hơn và cuối cùng trở nên thuần thục, hành giả thực chứng Đạo, Quả, Niết-bàn.

Sư cũng đã giảng chi tiết về phương pháp hành thiền, hành giả cần phải niệm vào đề mục khi đề mục vừa sinh khởi bằng sự hướng tâm và tinh tấn. Hành giả cũng đã biết qua thế nào là các đối tượng quán sát trong Thiền Minh Sát, hành giả hiểu được 2 loại trí tuệ, trí tuệ trực giác và trí tuệ suy tư. Khi ngồi thiền, hành giả niệm vào đề mục chính là phồng xẹp, ngoài ra, hành giả cũng niệm vào các đề mục phụ khác khi đề mục phụ biểu hiện rõ hơn đề mục chính.

Khi kinh hành, hành giả chú tâm vào sự dở, bước, đạp. Hành giả cần phải trình với thiền sư về kinh nghiệm hành thiền trong lúc ngồi và đi. Hành giả phải nói được hành giả quán sát đề mục như thế nào, và biết được gì trong lúc quán sát đề mục. Nhờ trình pháp, hành giả bảo vệ được chánh kiến. Trình pháp, không phải là báo cáo về sự nghiên cứu, tìm tòi, hành giả hãy trình một cách thật đơn giản, rõ ràng. Trình cho thiền sư biết về đề mục chính và các đề mục phụ, trình cho thiền sư về kinh nghiệm trong kinh hành. Hành giả nên trình pháp theo thứ tự: thứ nhất, hành giả thấy đề mục như thế nào, thứ hai, hành giả niệm như thế nào, thứ ba, hành giả biết được gì. Chẳng hạn, khi thấy bụng bắt đầu phồng, tôi niệm “phồng, phồng”, tôi kinh nghiệm sự phồng như thế này, thế này, hay khi dở chân, tôi niệm “dở, dở”, tôi kinh nghiệm sự dở như thế này, thế này. Hành giả phải trình cho thiền sư theo thứ tự 3 bước như vậy. Hành giả chỉ nên trình về những gì kinh nghiệm về đề mục nhưng đừng nói lại những gì hành giả làm. Có nghĩa, hành giả đừng nói lại cách hành thiền. Khi đề mục sinh khởi, hành giả phải niệm, hay ghi nhận một cách kỹ lưỡng. Giống như khi nhìn một vật phải nhìn chăm chú mới biết được vật ấy như thế nào. Khi niệm phồng xẹp một cách chăm chú, kỹ lưỡng hành giả mới thấy sự phồng xẹp ra sao, sự phồng ra sao, sự xẹp ra sao. Khi niệm, hành giả phải hướng tâm đến đề mục với sự tinh tấn để đưa tâm giáp mặt với đề mục. Nhờ tinh tấn nên tâm mới được đưa đến đề mục. Hành giả phải luôn luôn niệm bằng sự hướng tâm và tinh tấn, và giữ sự niệm được liên tục như một dòng chảy. Nhờ niệm liên tục, tâm được giữ an trụ trên đề mục. Do vậy giúp hành giả hiểu rõ được đề mục.

Hành giả khi trình pháp cần phải cho thiền sư biết hành giả quán sát như thế nào, hành giả có niệm kịp thời và có theo dõi được đề mục được liên tục, chặt chẽ hay không? Hành giả có hướng tâm về đề mục và cố gắng với tinh tấn đưa tâm đến đề mục được không? Khi hành giả có khả năng ghi nhận được đề mục một cách chặt chẽ và liên tục, có nghĩa sự chánh niệm sinh khởi liên tục, chánh niệm này theo sau chánh niệm kế, chánh niệm sau theo sau chánh niệm trước một cách liên tục không khoảng hở. Nếu hành giả ghi nhận được đề mục một cách chặt chẽ, liên tục thì hành giả sẽ diễn tả được những gì hành giả thấy nơi đề mục. Hành giả có thể cho biết hành giả thấy hình tướng hay tư thế hay bản chất của đề mục. Chẳng hạn như khi quán sát phồng xẹp một cách kỹ lưỡng và liên tục, hành giả có thể cho thiền sư biết hành giả thấy hình dáng phồng của bụng, hay thấy tư thế phồng của sự phồng, có nghĩa bụng đang phồng, đang xẹp, hay đứng yên, và hành giả thấy bản chất của sự phồng là sự căng, cứng hay chuyển động hay nóng lạnh. Nếu hành giả không thấy được phồng xẹp thì lúc ấy hành giả ghi nhận đề mục gì, tâm đang ở đâu, tâm đang phóng chạy theo suy nghĩ, hay tâm đang ở với cơn đau, khi trình pháp, hành giả hãy cho biết hành giả tại sao tâm không ở trên đề mục phồng xẹp, hành giả cho biết tại sao không niệm được phồng xẹp, và nếu như vậy thì hành giả niệm vào đề mục gì. Trình pháp như vậy, có nghĩa hành giả áp dụng phương pháp bảo vệ qua sự trình pháp sākacchānuggahita giúp cho Tuệ Minh Sát phát triển.

Tóm lại, khi trình pháp hành giả cho thiền sư biết hành giả niệm vào đề mục gì, khi ngồi niệm vào phồng xẹp, khi đi niệm vào sự dở bước đạp, hành giả nên trình về đề mục chính phồng xẹp trước tiên, sau đó là đề mục phụ hay kinh hành dở bước đạp. Nếu hành giả không theo thứ tự như vậy, hoặc hành giả không nói đến phồng xẹp mà nói những chuyện gì khác, thiền sư sẽ không chấp nhận. Khi hành giả không niệm vào đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn, hành giả niệm một cách lơ là, thì hành giả sẽ gặp 1 loại hạnh phúc si mê (12:23) mekkasukha. Đó là lúc hành giả cảm thấy thỏa thích trong sự mơ màng, buồn ngủ, tâm hành giả bị ro rút, thụ động. Nếu hành giả niệm với sự hướng tâm và tinh tấn sẽ làm cho tâm trở nên năng động, tươi mát do ảnh hưởng của tinh tấn. Cũng nhờ tinh tấn, nên hành giả chế ngự được sự dễ duôi, biếng nhác. Khi thiếu tinh tấn, hành giả không giữ được tâm an trụ trên đề mục nên không có sự định tâm, tâm phóng chạy đây đó, gặp đối tượng ưa thích, tham ái phát sinh, nếu gặp đối tượng không ưa thích, sân hận phát sinh. Do đó, nếu hành giả niệm vào đề mục bằng sự hướng tâm cùng với tinh tấn, tâm sẽ gắn chặt với đề mục, tâm an trụ trên đề mục, nên hành giả không còn phóng tâm. Và nếu có phóng tâm, hành giả có sự hay biết ngay lập tức. Hành giả biết tâm đang an trụ trên đề mục hay sắp phóng đi, và nếu tâm phóng đi, hành giả cũng hay biết và nhanh chóng đưa tâm trở lại đề mục mà không để bị phóng tâm quá lâu.

Sư cho thí dụ về so sánh sự chăm sóc người con và sự luyện tâm. Nếu cha mẹ không chăm sóc để người con muốn đi đâu thì đi, nếu gặp bạn xấu thì đứa con sẽ hư hỏng, nếu cha mẹ chăm sóc đàng hoàng, người con sẽ ở nhà thường xuyên, sẽ không đi chơi nên không có cơ hội gặp bạn xấu. Cùng thế ấy, nếu hành giả chăm sóc tâm một cách đúng đắn, có nghĩa hành giả niệm vào bằng sự hướng tâm và tinh tấn, tâm sẽ ở trên đề mục thường xuyên không còn phóng đi đây đó. Lúc còn sơ cơ, hành giả chưa thực hành thuần thục, tâm dễ phóng đi khỏi đề mục, dần dà, hành giả giữ được tâm trên đề mục thường xuyên hơn nên ít bị phóng tâm hơn, và nếu tâm muốn phóng đi, hành giả hay biết lập tức, hoặc cho dù tâm đã rời khỏi đề mục chạy theo đối tượng ngũ dục, hành giả có sự ưa thích, hành giả cũng hay biết và niệm kịp thời khi ái dục phát sinh, hành giả loại trừ được ái dục. Hoặc có khi tâm chạy theo đối tượng không ưa thích, sân hận phát sinh, hành giả hay biết lập tức và ghi nhận kịp thời, hành giả loại trừ được sân hận. Niệm như vậy là niệm tâm cittānupassanā. Theo kinh điển, hành giả hãy niệm vào những gì đang sinh khởi trong tâm, niệm theo sự vật như nó là vậy, do đó nếu hành giả không niệm với sự hướng tâm và tinh tấn, tâm sẽ không an trụ trên đề mục, tâm chạy đây đó và bị lấm nhơ. Nếu thực hành đúng đắn, hành giả niệm một cách cẩn thận với sự hướng tâm và tinh tấn, hành giả sẽ có khả năng hay biết kịp thời lúc tâm phóng đi hay lúc tâm bị lấm nhơ. Nhờ hay biết kịp thời, hành giả đem được tâm trở lại với đề mục quán sát, hoặc hành giả loại trừ kịp thời bất thiện tâm đang sinh khởi trong tâm hành giả. Nhờ với khả năng ghi nhận kịp thời, hành giả bảo vệ tâm được trong sạch. Hành giả thực hành được như vậy là hành giả quán tâm. Hành giả có khả năng này, có khả năng hay biết lúc nào tâm trong sạch hay không trong sạch, hành giả biết phóng tâm hành giả niệm “phóng tâm, phóng tâm” là hành giả niệm tâm. 

Có khi đang niệm vào đề mục, hành giả cảm thấy ngứa ngáy, hành giả niệm “ngứa, ngứa” là hành giả niệm thọ vedanānuspassanā. Khi đang niệm phồng xẹp có những hiện tượng khác sinh khởi qua thân vượt trội hơn đề mục phồng xẹp, hành giả rời đề mục phồng xẹp và ghi nhận hiện tượng là hành giả quán pháp dhammānupassanā. Trong các hiện tượng sinh khởi thì hành giả nên niệm vào đề mục nào? Hành giả nên niệm vào đề mục nào nổi bật nhất, dễ thấy nhất, sắc hay vật chất là đề mục rõ nhất, dễ thấy nhất. Theo kinh điển chỉ dạy, hành giả nên chú tâm quán sát hiện tượng rõ nhất, nổi bật nhất. Hành giả quán sát phồng xẹp là đề mục chính, khi có phóng tâm hành giả niệm “phóng tâm”; hay khi đau nhức, hành giả niệm “đau, đau”, hành giả hiểu được sự phồng xẹp cũng như hiểu các đề mục khác theo như sự vật như là. 

Khi trình pháp, hành giả hãy nói cụ thể, khi phóng tâm hành giả niệm “phóng tâm, phóng tâm” và hành giả thấy sự phóng tâm ấy ra sao, sự phóng tâm biến mất ngay lập tức hay biến mất sau nhiều lần niệm, hay vẫn tiếp tục sinh khởi. Khi niệm “đau, đau” hành giả thấy sự đau ấy ra sao, cơn đau biến mất ngay lập tức hay trở nên đau hơn nữa, hay hành giả thấy cơn đau hết tăng rồi giảm hay cơn đau yếu dần và biến mất…  

Hành giả hãy trình với thiền sư một cách cụ thể, rõ ràng. Trình pháp như vậy sẽ vun bồi được cho Tuệ Minh Sát lớn mạnh theo như pháp bảo vệ thứ ba trong 5 pháp giúp bảo vệ và vun bồi làm cho Thiền Minh Sát lớn mạnh, đó là pháp sākacchānuggahita. Tương tự như sự bón phân giúp cho cây xoài phát triển tốt đẹp, nhờ trình pháp rõ ràng và với chi tiết cụ thể giúp cho thiền sư hướng dẫn hành giả một cách đúng đắn và hiệu quả. Thiền sư chỉ dẫn hành giả phải làm gì thêm hay giúp hành giả sửa sai hay bảo hành giả tiếp tục tu tập như vậy. Thiền sư không phải là người bức bách hành giả hay nghiêm khắc quá với hành giả trong khi hành giả trình pháp, mà thiền sư chỉ muốn giúp đỡ hành giả, chăm lo bảo vệ cho hành giả, giúp hành giả phát triển được Tuệ Minh Sát lớn mạnh, để cuối cùng cho ra hoa, trái. Giống như người giữ vườn chăm lo săn sóc cây, bảo vệ tưới nước, bón phân, bắt sâu để giúp cây phát triển cho ra hoa, trái.

Tóm lại, để giúp cho thiền sư hướng dẫn hành giả một cách hữu hiệu. Khi trình pháp, hành giả cần phải cho thiền sư biết 3 điều: thứ nhất, đề mục gì xuất hiện; thứ hai, hành giả niệm như thế nào; thứ ba, hành giả biết được gì nơi đề mục. Hành giả thật sự kinh nghiệm gì nơi đề mục chớ không phải hành giả biết qua suy nghĩ. Nếu hành giả trình pháp bằng sự suy nghĩ hay tưởng tượng, thì sự trình pháp của hành giả không rõ ràng và rành mạch. Nếu hành giả thật sự có kinh nghiệm rõ ràng về đề mục, hành giả sẽ có khả năng trình bày ngắn, gọn, đầy đủ, rõ ràng. 

Để chấm dứt thời pháp, Sư khuyên hành giả hãy giúp thiền sư bằng cách trình pháp một cách cụ thể, rõ ràng, bằng kinh nghiệm thực chứng, sao cho thiền sư có thể giúp hành giả bằng sự chỉ dẫn thích nghi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app