Video (19) Sự Hình Thành Sát Na Định – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (19) Sự Hình Thành Sát Na Định – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Sự hình thành Sát Na Định – Thiền Sư U Pandita – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

(Tại Như Lai Thiền Viện – California)

 

Hôm qua Sư Cả nói khi hành giả ngồi thiền phồng xẹp là đề mục chính, khi kinh hành thì sự chuyển động của chân trong sự dở, bước, đạp là đề mục chính, đây là điểm khác biệt giữa thiền ngồi và thiền đi.

Trong thiền ngồi khi không có đề mục nào khác ngoài sự phồng, xẹp thì hành giả hãy ghi nhận phồng xẹp bằng cách vận dụng tinh tấn đưa sự chú tâm đến sự phồng xẹp. Nhờ tâm được giữ trong sự phồng xẹp, tâm không còn phóng chạy đây đó. Khi có đề mục phụ xuất hiện làm ảnh hưởng tới sự chú tâm nơi đề mục chính phồng, xẹp – hành giả hãy niệm vào đề mục phụ và sau đó trở lại niệm đề mục phồng, xẹp.

Trong khi kinh hành, hành giả niệm vào chuyển động của chân trong lúc dở , bước, đạp. Nếu trong lúc theo dõi dở, bước, đạp hành giả thấy gì hay nghe gì, hay cảm thấy ngứa ngáy, hành giả đừng để tâm, hãy tiếp tục chú tâm theo dõi các chuyển động dở, bước, đạp. Thế nhưng trong lúc kinh hành nếu hành giả bị suy nghĩ quá nhiều hay bị ngứa ngáy quá đỗi, hãy đứng lại và niệm vào sự suy nghĩ hay cảm giác ngứa ngáy. Sau đó trở lại tiếp tục chú tâm vào sự dở, bước, đạp. Nếu trong khi kinh hành, hành giả niệm dở, bước, đạp đồng thời cũng niệm vào sự ngứa ngáy thì sự niệm của hành giả trở nên hời hợt, giả tạo. Trong lúc đi chỉ niệm vào dở, bước, đạp. Nếu muốn niệm vào sự ngứa, phải đứng lại và chú tâm niệm vào cảm giác ngứa. Trong kinh điển có chỉ dẫn cách đi kinh hành, trong khi đi chỉ có chân di chuyển, còn lại cả thân phải được giữ yên, hành giả phải nhìn xuống, không được nhìn đây đó, hành giả phải thu thúc mắt và tai, tai có nghe tiếng động hay âm thanh nhưng đừng để ý đến, hãy giả như là một người điếc, không nghe được gì hết, dù có là người thông minh hãy giả vờ như là người thật khờ khạo. Hành giả hãy tự tin nơi mình và tin vào pháp hành cũng như có sự tin tưởng nơi Thiền Sư, nếu Thiền Sư chỉ một đàng, hành giả làm một nẻo ,hành giả sẽ không tiến bộ, hành giả hãy lắng nghe một cách cẩn thận trong giờ giảng pháp hay trong lúc trình pháp. Dù hành giả có sự hiểu biết nhưng hãy làm theo sự hướng dẫn của Thiền Sư, vốn là người đáng để cho hành giả đặt hết sự tin tưởng vào.

Tu tập không có nghĩa là hành giả cho thấy khả năng tu tập của hành giả ra sao mà là cho thấy hành giả nghe lời chỉ dẫn của Thiền Sư ra sao. Dù là người mạnh khỏe nhưng hãy giả như người bệnh, hãy làm chậm lại trong lúc đứng lên, làm các cử động qua thân như đứng lên, ngồi xuống, co tay, duỗi tay, vân vân, hãy làm chậm tối đa sao cho hành giả có thể theo dõi được các chuyển động này. Trong thân hành giả, các hiện tượng danh sắc không ngừng sinh khởi, muốn theo dõi kịp với sự sinh khởi của các hiện tượng danh sắc, hành giả phải làm chậm lại trong khi làm các động tác về thân. Các hiện tượng danh sắc sinh khởi một cách mau lẹ, muốn ghi nhận kịp thời, hành giả phải làm chậm lại, nếu không sự ghi nhận của hành giả chỉ là hời hợt, giả tạo.

Sư Cả tiếp tục quan sát các hành giả và nhận thấy một vài hành giả có tác phong không thay đổi, hành giả còn nhìn đây nhìn đó, khi kinh hành giả nên chú tâm vào dở, bước, đạp, giữ mắt trông xuống. Trong khi kinh hành, khi muốn lấy vật gì, hãy dừng lại trước khi đưa tay lấy. Sư thấy có hành giả vừa đi kinh hành, vừa đưa tay ra lấy bóp, lấy viết hoặc vừa đi vừa ưỡn, giãn cổ, làm như vậy hành giả mất cơ hội niệm vào những gì đang sinh khởi trong hiện tại. Đây là sự thiệt thòi cho hành giả. Trong kinh điển có đưa ra thí dụ khi đẩy xe chở đầy nước, trên đường gồ ghề, phải đẩy xe chầm chậm, nếu đẩy nhanh sẽ làm đổ hết nước, cùng thế ấy, hành giả phải làm mọi chuyện chậm lại một cách cẩn thận sao cho tâm ghi nhận, bắt kịp thời đề mục vừa sinh khởi, đó là tại sao Sư Cả nhắc hành giả nhiều lần về việc hành giả phải nhìn xuống trong lúc hành giả đi kinh hành và hãy làm chậm lại giả như một người bệnh. Kinh hành là sự đi tới đi lui trên đường dành cho sự thực hành thiền đi. Kinh hành không phải là đi theo lối tập thể dục hay đi dạo, hành giả phải đi chậm trong chánh niệm. Kinh hành đem lại năm điều lợi ích:

Lợi ích thứ nhất: giúp cho hành giả có khả năng đi xa nhờ vào sức mạnh của chân.

Lợi ích thứ nhì: làm cho tinh tấn gia tăng, hành giả đòi hỏi nhiều tinh tấn khi quán sát chuyển động chân trong tiến trình dở, bước, đạp. Trong sự dở bước, đạp có hàng loạt tác ý và chuyển động của chân nối tiếp nhau sinh diệt theo từng cặp đôi trong tương quan nhân quả. Muốn thấy được hàng loạt tác ý và chuyển động của chân liên tục sinh diệt đòi hỏi hành giả phải có sự chú tâm bằng nổ lực tinh cần (Atapa), hành giả phải niệm một cách cẩn thận, kịp thời, do vậy đòi hỏi hành giả rất nhiều tinh tấn trong khi kinh hành. Nếu hành giả thiếu tinh tấn, phiền não sẽ chen vào tâm dưới hình thức như buồn ngủ, nhờ tinh tấn nên phiền não không thể xâm phập, do đó luồng tâm bất thiện bị chặn lại mở đường cho luồng tâm thiện tiếp tục tuôn chảy.

Lợi ích thứ ba: kinh hành giúp cho máu huyết lưu thông.

Lợi ích thứ tư: kinh hành giúp cho sự tiêu hóa được dễ dàng.

Và lợi ích thứ năm: kinh hành giúp cho hành giả có được sự định tâm mạnh, sâu và lâu dài.

Trong khi thiền hành, đòi hỏi hành giả vận dụng nhiều loại tinh tấn khác nhau, hành giả tiếp tục giữ tinh tấn liên tục cho đến khi trở lại thiền ngồi, hành giả tiếp tục tinh tấn giữ chánh niệm tới khi hạ người xuống để ngồi, nhờ tinh tấn và chánh niệm được giữ liên tục nên hành giả có sự định tâm liên tục, mạnh mẽ và duy trì được lâu dài.

Biết được năm điều lợi lạc của việc kinh hành, hành giả hãy cố gắng tu tập sao cho hành giả hưởng được các điều lợi lạc này.

Tu tập thiền Minh Sát có hai loại hành giả, hành giả dùng thiền chỉ làm chiếc xe để tiến đến Niết Bàn và loại hành giả dùng thiền Minh Sát trực tiếp làm cỗ xe để tiến đến Niết Bàn. Loại hành giả thứ nhất dùng thiền chỉ làm chiếc xe để tiến đến Niết Bàn gọi là Samatha Yanika Yogi, hành giả phát triển cận định, tiếp theo là toàn định sau đó dùng tầng thiền làm đề mục quán sát để phát triển tuệ minh sát. Khi tuệ minh sát chín muồi, hành giả chứng đắc đạo tuệ Niết Bàn. Loại hành giả thứ hai dùng thiền minh sát làm cỗ xe để tiến đến Niết Bàn gọi là Vipassana Yanika  Yogi, hành giả phát triển sát na Định bằng cách chú tâm vào đề mục đang sinh khởi và giữ tâm an trụ trên đề mục bằng nỗ lực tinh cần, với sự phát triển của sát na Định, minh sát Tuệ hình thành qua nhiều giai đoạn, cho đến khi chín muồi, hành giả chức đắc đạo tuệ Niết Bàn. Nếu không phát triển được sát na Định, hành giả không phát triển được minh sát Tuệ, hành giả không thể hiểu danh sắc, nhân quả, vô thường, khổ và vô ngã và chứng đắc Niết Bàn. Muốn phát triển sát na Định, hành giả phải liên tục niệm vào đề mục không bỏ một giây nào. Có như vậy, sát na Định càng lúc càng mạnh mẽ hơn nữa.

Để giúp hành giả thấy sự quan trọng của Sát na Định, Sư cả dùng thí dụ về sợi dây thừng, dây thừng được kết hợp bởi nhiều sợi dây nhỏ bện chặt lại với nhau, các sợi dây nhỏ này không bền, dễ đứt nhưng khi được bện chặt lại với nhau thành sợi dây thừng thì có độ bền rất cao, rất khó đứt. Tương tự như sợi dây thừng, nếu sát na Định không phát triển được liên tục mà rời rạc đứt quoãng  sẽ không có sức mạnh. Muốn sát na Định có được sức mạnh, hành giả phải giữ liên tục, chánh niệm liên tục, không gián đoạn ngoại trừ lúc ngủ. Nếu sát na Định yếu sẽ không phát triển được Tuệ giác. Đức Phật dạy rằng “tâm an trụ trên đề mục trong từng khoảnh khắc, sự định tâm chỉ kéo dài trong khoảnh khắc”. Sát na Định có công năng giữ tâm vững trụ, ổn cố, gom tụ định tĩnh trên đề mục giống như toàn Định appanā samādhi, làm thế nào sát na định có được phẩm ổn cố, gom tụ, kệ ngôn “tâm không bị áp đảo bởi các chướng ngại tâm”.

Trong thiền tập, hành giả gặp các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận, buồn ngủ, vân vân…nhưng khi sát na Định phát triển sẽ giúp chế ngự các chướng ngại tâm. Tâm được sát na Định bảo vệ không bị xâm nhập bởi phiền não, kết quả là tâm trở nên định tĩnh. Sát na Định phải được duy trì liên tục sao cho phiền não không chen được vào tâm. Kệ ngôn: “sát na Định phải được phát triển liên tục như một dòng chảy không gián đoạn, có nghĩa sát na Đinh phải được hình thành liên tục theo từng đề mục không một khoảng hở nối tiếp nhau một cách khít khao không để gián đoạn, sát na Định sau tiếp nối sát na Định trước một cách liên tục không gián đoạn.

Dù bất cứ đề mục gì sinh khởi: phồng, xẹp, ngồi, đụng, nóng, lạnh, cứng, mềm, vân vân… tâm luôn luôn ghi nhận đề mục, tâm định được giữ liên tục như một dòng chảy không ngừng nghỉ, tâm Định trở nên ổn cố và mạnh sâu. Đó là tại sao Sư Cả luôn luôn nhắc nhở hành giả hãy giữ chánh niệm liên tục để cho sát na Định được hình thành liên tục. Hành giả có thể nghĩ không thể nào niệm được liên tục vào mọi đề mục một cách chi tiết và sâu sắc, Hành giả có thể nghĩ Sư ép buộc hành giả phải giữ chánh niệm từng giây một, đây là điều không thế nào làm được. Sư Cả không bảo hành giả làm những điều không thể nào làm được, việc Sư kêu gọi hành giả hãy giữ chánh niệm liên tục trong từng giây một là điều có thể làm được. Khi sát na Định trở nên mạnh, hành giả phát triển được trí tuệ, sát na Định tiếp tục sinh khởi liên tục cho dù hành giả có muốn hủy bỏ cũng không thể nào làm được. Ở Tuệ giác cao hơn, sát na Định rất khó bị hư hoại dù cho hành giả có cố ý làm mất tâm Định bằng cách có những ý tưởng ái dục, sân hận, vân vân… tâm vẫn quay trở về tiếp tục bám theo đề mục chính giống như hiệu ứng phản hồi của thân boomerang khi được ném vào mục tiêu, thanh boomerang bay trở lại vào tay người ném. Ở tuệ giác cao hơn, dù hành giả có cố ý hướng tâm ra khỏi đề mục đang niệm, tâm chỉ lệch khỏi đề mục rồi lập tức quay trở về đề mục như cũ.

Sư Cả sẽ tiếp tục giảng về hiệu ứng này vào ngày mai, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app