VI-DIỆU-PHÁP HIỆN THỰC TRONG CUỘC SỐNG

Dhammapaṇṇākāra 

TỲ-KHƯU HỘ-PHÁP

(DHAMMARAKKHITA BHIKKHU) (AGGAMAHĀPAṆḌITA)

Món Quà Pháp

Thành Kính Tri Ân

Tất cả chúng con được biết Phật-giáo Nguyên-thuỷ Theravāda là nhờ ơn Ngài Sư Tổ Hộ-Tông cùng với chư Trưởng-lão khác đã dày công đem Phật-giáo Nguyên-thủy Theravāda về truyền bá trên đất nước Việt- Nam thân yêu này.

Tất cả chúng con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ngài Sư Tổ Hộ-Tông cùng quý Ngài Trưởng-lão với tấm lòng chân thành tôn kính và tri ân sâu sắc của tất cả chúng con.

NamoTassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, 

Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Buddhavandanā

Buddhaṃ dhammaṃ samghañceva,

Ācariyañca vandiya. 

Sabhāvadhammavaṇṇanaṃ, 

Dīpayāmi yathāsutaṃ.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ

Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, 

Cùng với các bậc Thầy Tổ khả kính.

Con xin giảng giải về thực-tánh-pháp,

 Tùy theo khả năng hiểu biết của con.

Namo tassa Bhagavato Arahato sammāsambuddhassa.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Lời Nói Đầu

“Vi-diệu-pháp hiện-thực trong cuộc sống” là quyển sách giảng giải về sự thật sinh hoạt hằng ngày đêm trong cuộc sống bình thường của mỗi người trong đời.

Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) là pháp vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc rất khó hiểu, bởi vì vi-diệu-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) gồm có 4 pháp là citta: tâm, cetasika: tâm-sở, rūpa: sắc-pháp, Nibbāna: Niết-bàn. Trong mỗi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng đều có đủ ba pháp là sắc-pháp (rūpa), tâm (citta), tâm-sở (cetasika).

Còn Niết-bàn (Nibbāna) là đối-tượng siêu-tam-giới ở bên ngoài thân của mỗi chúng-sinh.

Niết-bàn chỉ là đối-tượng của 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả mà thôi.

Mỗi người đều có 3 chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpa).

– Tâm (citta) gồm có 89 hoặc 121 tâm.

– Tâm-sở (cetasika) gồm có 52 tâm-sở.

– Sắc-pháp (rūpa) gồm có 28 sắc-pháp.

Mỗi người gồm có thân và tâm riêng biệt luôn luôn nương nhờ lẫn nhau, nếu khi tâm rời khỏi thân (chết) thì thân này liền trở thành tử thi.

* Thân của mỗi người bình thường chỉ có 27 sắc-pháp mà thôi.

– Nếu là người nam thì trừ sắc-nữ-tính.

– Nếu là người nữ thì trừ sắc-nam-tính.

Trường hợp nếu người nào bị đui mù, câm điếc thì người ấy bị giảm sắc-pháp theo bệnh tật.

* Tâm gồm có tâm (citta) và tâm-sở (cetasika).

– Tâm: citta gồm có 89 hoặc 121 tâm.

– Tâm-sở: cetasika gồm có 52 tâm-sở luôn luôn tuỳ thuộc vào tâm, có 4 trạng-thái.

– Đồng sinh với tâm (ekuppāda).

– Đồng diệt với tâm (ekanirodha).

– Đồng đối-tượng với tâm (ekālambana).

– Đồng nơi sinh với tâm (ekavatthuka).

Khi mỗi tâm phát sinh thì ắt có một số tâm-sở đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm.

Mỗi chúng-sinh có số lượng tâm nhiều hoặc ít không giống nhau, tùy theo mỗi loài chúng-sinh, mỗi hạng chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới với bốn loài là thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh, hóa-sinh.

Vi-diệu-pháp hiện thực trong cuộc sống như thế nào?

Để tìm hiểu về vấn đề này, cần phải nêu ra các câu hỏi vấn đáp như sau:

V- Thấy sư hay không?

Đ- Dạ, thấy ạ.

V- Vậy, ai thấy?

Đ- Dạ, con thấy ạ.

V- Nhắm đôi mắt lại, con có thấy hay không?

Đ- Nhắm đôi mắt lại, con không thấy ạ.

V- Vừa rồi nói: ‘con thấy’ sao bây giờ nói: ‘con không thấy’?

Đ- Vừa rồi mở mắt, nên con thấy, bây giờ nhắm mắt, nên con không thấy ạ.

V- Vậy, sự thấy đó là con thấy hay mắt thấy?

Đ- Dạ, mắt thấy, không phải con thấy ạ.

V- Khi mở đôi mắt nhưng tâm chăm chú suy nghĩ điều quan trọng nào đó, thì đôi mắt có thấy được đối-tượng trước mặt hay không?

Đ- Dạ, mắt không thấy ạ.

V- Tại sao mở đôi mắt mà không thấy?

Đ- Bởi vì tâm không chú ý tiếp nhận đối-tượng trước mắt, dù cho mở đôi mắt cũng không thấy ạ.

V- Nếu nhắm đôi mắt, rồi tâm chú ý đến đối-tượng thì có thấy được đối-tượng trước mặt hay không?

Đ- Tâm không thấy được ạ.

Tóm lại những câu trả lời:

* Con không thể thấy được, bởi vì con chỉ là danh từ chế định mà thôi, không có thật-tánh.

* Chỉ có mắt cũng không thấy được.

* Chỉ có tâm cũng không thấy được.

Thấy là sự thật hiển nhiên, vậy, do nhờ tâm nào mà thấy được?

Để hiểu rõ câu hỏi khó hình dung này, nên nêu ra thí dụ cụ thể bằng câu hỏi vấn đáp như sau:

V- Con có từng nghe tiếng chuông hay không?

Đ- Dạ, con đã từng nghe tiếng chuông ạ.

V- Trong dùi chuông có tiếng chuông hay không?

Đ- Trong dùi chuông không có tiếng chuông ạ.

V- Trong cái chuông có tiếng chuông hay không?

Đ- Trong cái chuông không có tiếng chuông ạ.

V- Vậy, tiếng chuông do đâu mà có?

Đ- Tiếng chuông phát sinh do cái dùi chuông đánh đụng vào cái chuông.

Cũng tương tự như vậy, đối-tượng sắc (rūpārammaṇa) bên ngoài tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (cakkhupasāda) (mắt) bên trong, do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh nhãn-thức-tâm (cakkhuviññāṇa) làm phận sự thấy đối-tượng sắc.

Vì vậy, chỉ có mắt tốt (cakkhupasāda) bên trong không thấy được và chỉ có tâm cũng không thấy được.

Nếu khi đối-tượng sắc (rūpārammaṇa) bên ngoài tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (cakkhu-pasāda) (mắt tốt) bên trong, do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh tâm ấy gọi là nhãn-thức-tâm là tâm phát sinh do đối-tượng sắc bên ngoài tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (mắt) bên trong, cho nên, chỉ có nhãn-thức-tâm này làm phận sự thấy đối-tượng sắc ấy được mà thôi.

Ngoài nhãn-thức-tâm ra, không có chúng-sinh nào thấy đối-tượng sắc ấy được.

Nếu nói đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) thì chỉ có nhãn-thức-tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc mà thôi, không phải ta thấy đối-tượng sắc, cũng không phải người thấy đối-tượng sắc, không phải chúng-sinh nào thấy đối-tượng sắc được.

* Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp-yếu-nghĩa, cakkhuviññāṇa: nhãn-thức-tâm phát sinh do hội đủ bốn nhân-duyên:

1- Nhãn-tịnh-sắc (mắt tốt) không bị mù.

2- Đối-tượng sắc rõ ràng tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc.

3- Ánh sáng đủ thấy được.

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng sắc.

Khi hội đủ bốn nhân-duyên ấy thì cakkhu-viññāṇa: nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự thấy đối-tượng sắc.

Nhãn-thức-tâm phát sinh do nhân-duyên, nên thuộc về pháp-vô-ngã (anattā).

Trong 89 tâm, chỉ có 2 nhãn-thức-tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc mà thôi, còn lại 87 tâm không có phận sự thấy đối-tượng sắc.

Nhãn-thức-tâm có 2 tâm thấy đối-tượng sắc tính chất khác nhau:

– 1 nhãn-thức-tâm thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp làm phận sự thấy đối-tượng sắc tốt đáng hài lòng.

– 1 nhãn-thức-tâm thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) làm phận sự thấy đối-tượng sắc xấu không đáng hài lòng.

– Tương tự như trên, đối-tượng âm-thanh (saddārammaṇa) bên ngoài tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (sotapasāda) (tai) bên trong, do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh nhĩ-thức-tâm (sotaviññāṇa) làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh.

Vì vậy, chỉ có tai tốt (sotapasāda) bên trong không nghe được và chỉ có tâm cũng không nghe được.

Nếu khi đối-tượng âm-thanh (saddārammaṇa) bên ngoài tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (sotapasāda) (tai tốt) bên trong, do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh tâm ấy gọi là nhĩ-thức-tâm là tâm phát sinh do đối-tượng âm-thanh bên ngoài tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (mắt) bên trong, cho nên, chỉ có nhĩ-thức-tâm này làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh ấy được mà thôi.

Ngoài nhĩ-thức-tâm ra, không có chúng-sinh nào nghe đối-tượng âm-thanh ấy được.

Nếu nói đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) thì chỉ có nhĩ-thức-tâm làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh mà thôi, không phải ta nghe đối-tượng âm-thanh, cũng không phải người nghe đối-tượng âm-thanh, không phải chúng-sinh nào nghe đối-tượng âm-thanh cả.

* Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp-yếu-nghĩa, khi sotaviññāṇa: nhĩ-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Nhĩ-tịnh-sắc (tai tốt) không bị điếc.

2- Đối-tượng âm-thanh rõ ràng tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc.

3- Không gian không bị vật cản bao kín.

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng âm-thanh.

Khi hội đủ 4 nhân-duyên ấy thì sotaviññāṇa, nhĩ-thức-tâm phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh.

Nhĩ-thức-tâm phát sinh do nhân-duyên, nên thuộc về pháp-vô-ngã (anattā).

Trong 89 tâm, chỉ có 2 nhĩ-thức-tâm làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh mà thôi, còn lại 87 tâm không có phận sự nghe đối-tượng âm-thanh.

Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm nghe đối-tượng âm-thanh tính chất khác nhau:

– 1 nhĩ-thức-tâm thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh hay đáng hài lòng.

– 1 nhĩ-thức-tâm thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh dở không đáng hài lòng.

Tương tự như trên:

– Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm làm phận sự ngửi đối-tượng mùi hương.

– Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm làm phận sự nếm đối-tượng vị.

– Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc.

Thật ra, 5 thức-tâm: Nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm này chỉ có khả năng biết đối-tượng chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà thôi, không thể biết đối-tượng chế-định-pháp (paññatti-dhamma).

– Manoviññāṇa: Ý-thức-tâm làm phận sự biết đối-tượng pháp gồm có đối-tượng chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) và đối-tượng chế-định-pháp (paññattidhamma).

Mỗi tâm phát sinh đều do nhân-duyên của mỗi tâm nên thuộc về pháp-vô-ngã (anattā).

Tuy nhiên, nói theo sự-thật chế-định-pháp (sammutisacca) là sự-thật do ngôn ngữ chế định, ví dụ: nếu tiếng Việt thì nói rằng:

– Ta thấy đối-tượng sắc ấy, …

– Ta nghe đối-tượng âm-thanh ấy, …

– Ta ngửi đối-tượng mùi hương ấy, …

– Ta nếm đối-tượng vị ấy, …

– Ta xúc-giác đối-tượng xúc ấy, …

– Ta biết đối-tượng pháp ấy, …

Nhưng nếu nói đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) không phải ta thấy đối-tượng sắc, mà sự-thật là cakkhuviññāṇa: nhãn-thức-tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc.

– Không phải ta nghe đối-tượng âm-thanh, mà sự-thật là sotaviññāṇa: nhĩ-thức-tâm làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh.

– Không phải ta ngửi đối-tượng mùi hương, mà sự-thật là ghānaviññāṇa: tỷ-thức-tâm làm phận sự ngửi đối-tượng mùi hương.

– Không phải ta nếm đối-tượng vị, mà sự-thật là jivhāviññāṇa: thiệt-thức-tâm làm phận sự nếm đối-tượng vị.

– Không phải ta xúc-giác đối-tượng xúc, mà sự-thật là kāyaviññāṇa: thân-thức-tâm làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc.

– Không phải ta biết đối-tượng pháp, mà sự-thật là manoviññāṇa: ý-thức-tâm làm phận sự biết đối-tượng pháp, …

Như vậy, trong cuộc sống hằng ngày đêm, đối với mỗi người nói riêng, đối với tất cả mọi chúng-sinh nói chung, đều sống với vi-diệu-pháp, chết cũng với vi-diệu-pháp mà không một ai biết cả, cho đến khi có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, thuyết pháp giảng giải dạy dỗ các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, khi ấy các chúng-sinh có duyên lành mới hiểu biết về vi-diệu-pháp này, nên mới hiểu biết về sự-thật chân-nghĩa-pháp này được.

Hiểu biết sự-thật chân-nghĩa-pháp

Trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, tất cả mọi chúng-sinh trong các cõi-giới chỉ có biết về sự-thật chế-định-pháp (paññattidhamma) gọi là sammutisacca là sự-thật do mỗi loại ngôn ngữ chế định mà thôi, hoàn toàn không có một vị đạo-sư nào có khả năng biết về sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) cả.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật có trí-tuệ siêu việt thuyết pháp giảng giải dạy dỗ các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, hiểu biết về sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) này.

Vậy, các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật hiểu biết sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) này được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc như thế nào?

Các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật hiểu biết về sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamdhamma) này, sẽ được sự lợi ích như sau:

– Nếu khi thấy đối-tượng sắc, thì có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ nhãn-thức-tâm thấy đối-tượng sắc, không phải là ta thấy đối-tượng sắc hình dáng, nên diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi chủ thể là nhãn-thức-tâm cho là ta thấy, đồng thời diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi đối-tượng cho là tốt hoặc xấu, nên diệt được tham-ái trong đối-tượng ấy, cũng đồng thời diệt được ngã-mạn cho là ta nữa.

– Nếu khi nghe đối-tượng âm-thanh, thì có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ nhĩ-thức-tâm nghe đối-tượng âm-thanh, không phải là ta nghe đối-tượng âm-thanh, nên diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi chủ thể là nhĩ-thức-tâm cho là ta nghe, đồng thời diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi đối-tượng cho là âm thanh hay hoặc dở, nên diệt được tham-ái trong đối-tượng ấy, cũng đồng thời diệt được ngã-mạn cho là ta nữa.

– Nếu khi ngửi đối-tượng mùi hương, thì có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ tỷ-thức-tâm ngửi đối-tượng mùi hương, không phải là ta ngửi đối-tượng mùi hương, nên diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi chủ thể là tỷ-thức-tâm cho là ta ngửi, đồng thời diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi đối-tượng cho là thơm tho hoặc hôi thối, nên diệt được tham-ái trong đối-tượng ấy, cũng đồng thời diệt được ngã-mạn cho là ta nữa.

– Nếu khi nếm đối-tượng vị, thì có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thiệt-thức-tâm nếm đối-tượng vị, không phải là ta nếm đối-tượng vị, nên diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi chủ thể là thiệt-thức-tâm cho là ta nếm, đồng thời diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi đối-tượng cho là vị ngon hoặc vị dở, nên diệt được tham-ái trong đối-tượng ấy, cũng đồng thời diệt được ngã-mạn cho là ta nữa.

– Nếu khi xúc-giác đối-tượng xúc, thì có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thân-thức-tâm xúc-giác đối-tượng xúc, không phải là ta xúc-giác đối-tượng xúc, nên diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi chủ thể là thân-thức-tâm cho là ta xúc-giác, đồng thời diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi đối-tượng cho là mềm mại hoặc thô cứng, nên diệt được tham-ái trong đối-tượng ấy, cũng đồng thời diệt được ngã-mạn cho là ta nữa.

– Nếu khi biết đối-tượng pháp, thì có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ý-thức-tâm biết đối-tượng pháp, không phải là ta biết đối-tượng pháp, nên diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi chủ thể là ý-thức-tâm cho là ta biết, đồng thời diệt được tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi đối-tượng cho là hài lòng hoan-hỷ hoặc khổ tâm sầu não, nên diệt được tham-ái trong đối-tượng ấy, cũng đồng thời diệt được ngã-mạn cho là ta nữa, v.v…

Tà-kiến, tham-ái, ngã-mạn ba pháp này gọi là papañcadhamma là pháp-trì-hoãn sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Đức-Phật thuyết-pháp giảng dạy các hàng thanh-văn đệ-tử nên cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ để diệt tận tà-kiến, tham-ái, ngã-mạn này.

Thực-hành pháp-hành thiền-tuệ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, điều trước tiên cần phải học hỏi hiểu biết rõ đối-tượng thiền-tuệ đó là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma).

– Nếu sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) thì không có thật-tánh không phải là đối-tượng thiền-tuệ, bởi vì không có sự sinh, sự diệt; không có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

– Nếu sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì có thật-tánh là đối-tượng thiền-tuệ, bởi vì có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.

– Sắc-pháp(rūpadhamma) gồm có 28 sắc-pháp.

– Danh-pháp (nāmadhamma) gồm có tâm (citta) và tâm-sở (cetasika).

Tâm (citta) gồm có 89 hoặc 121 tâm. Tâm-sở (cetasika) gồm có 52 tâm-sở luôn luôn tuỳ thuộc vào tâm, có 4 trạng-thái:

– Đồng sinh với tâm (ekuppāda).

– Đồng diệt với tâm (ekanirodha).

– Đồng đối-tượng với tâm (ekālambana).

– Đồng nơi sinh với tâm (ekavatthuka).

Khi mỗi tâm nào phát sinh thì chắc chắn có số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, số tâm-sở ít hoặc nhiều tùy theo năng lực của mỗi tâm ấy.

Mỗi tâm với tâm-sở có 3 sát-na-tâm:

– Uppādakkhaṇa: Sát-na-sinh.

– Ṭhitikhaṇa: Sát-na-trụ.

– Bhaṅgakhaṇa: Sát-na-diệt.

Đức-Phật dạy trong Chi-bộ-kinh, phần Ekaka-nipāta rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy pháp nào có sự sinh, sự diệt liên tục vô cùng mau lẹ như tâm.

Trong bộ Chú-giải giảng giải rằng:

“Chỉ một lần búng đầu ngón tay, tâm với tâm-sở sinh rồi diệt 1.000 tỷ lần.”

Tâm có 89 hoặc 121 được phân chia làm sáu loại tâm, biết 6 ārammaṇa: đối-tượng, phát sinh do nương nhờ 6 vatthurūpa: nơi sinh của tâm với tâm-sở. Tâm phân chia theo phận sự có 14 kicca: phận sự.

Có số tâm có 1 phận sự, có số tâm có 2 phận sự, có số tâm có 3 phận sự, có số tâm có 4 phận sự, có số tâm có nhiều nhất 5 phận sự.

Nếu có ai hỏi rằng: “tâm ở đâu?” đó là câu hỏi không chỉ định rõ ràng, nên khó trả lời chính xác được, mà nên đặt lại câu hỏi rằng:

“Muốn biết tâm nào trong 89 hoặc 121 tâm?”

Bởi vì mỗi tâm với tâm-sở phát sinh do nương nhờ 6 nơi sinh (vatthu) khác nhau, biết 6 đối-tượng (ārammaṇa) khác nhau, làm 14 phận sự (kicca) khác nhau, v.v…

Để hiểu biết về 6 loại tâm, 6 đối-tượng của tâm, sáu nơi sinh của tâm, 14 phận sự của tâm, v.v… và 52 tâm-sở, 28 sắc-pháp, … thì độc giả nên học hỏi nghiên cứu bộ Vi-diệu-pháp yếu nghĩa (Abhidhammatthasaṅgaha).

* Danh-pháp (nāmadhamma) gồm có 89 hoặc 121 tâm và 52 tâm-sở.

* Sắc-pháp (rūpadhamma) gồm có 28 sắc-pháp.

Sắc-pháp (rūpadhamma) phát sinh trong thân chúng-sinh do 4 nhân-duyên:

1- Kamma: Nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là 25 loại nghiệp (trừ 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp và 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp).

Nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là kammajarūpa: sắc-pháp phát sinh do nghiệp này trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm (khaṇacitta) kể từ khi tái-sinh, …

2- Citta: Tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, có 75 tâm.

Tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là cittajarūpa: sắc-pháp phát sinh do tâm trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-sinh (uppādakkhaṇa) của tâm kể từ hộ-kiếp-tâm đầu tiên sau tái-sinh-tâm, v.v…

3- Utu: Thời-tiết làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là sự nóng, sự lạnh bên trong và bên ngoài thân.

Thời-tiết nóng, lạnh làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là utujarūpa: sắc-pháp phát sinh do nóng, lạnh trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-trụ (ṭhitikhaṇa) của tâm kể từ tái-sinh-tâm, v.v…

4- Āhāra: Vật-thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là chất bổ trong các món vật-thực đã dùng vào trong thân của chúng-sinh.

Vật-thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, gọi là āhārajarūpa: sắc-pháp phát sinh do vật-thực trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm, v.v…

Sắc-pháp phát sinh do tâm

Tứ oai-nghi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

1- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đi

Oai-nghi đi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ đi.

– Do tâm nghĩ đi, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân chuyển động.

– Toàn thân chuyển bước đi mỗi tư thế đi, dáng đi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm.

Vì vậy, gọi là “thân đi” hoặc “sắc đi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

2- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đứng

Oai-nghi đứng phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ đứng.

– Do tâm nghĩ đứng, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân từ chân đến đầu đứng yên theo mỗi tư thế đứng, dáng đứng do năng lực của chất gió phát sinh do tâm.

Vì vậy, gọi là “thân đứng” hoặc “sắc đứng” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

3- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi ngồi

Oai-nghi ngồi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ ngồi.

– Do tâm nghĩ ngồi, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân, phần trên ngồi yên, phần dưới co theo mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm.

Vì vậy, gọi là “thân ngồi” hoặc “sắc ngồi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

4- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi nằm

Oai-nghi nằm phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ nằm.

– Do tâm nghĩ nằm, nên làm cho phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân nằm yên trên mặt phẳng theo mỗi tư thế nằm, dáng nằm do năng lực của chất gió phát sinh do tâm.

Vì vậy, gọi là “thân nằm” hoặc “sắc nằm” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Như vậy, đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) thì không có ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, không có người đi, người đứng, người ngồi, người nằm, mà sự-thật chỉ có thân đi, hoặc sắc đi, thân đứng, hoặc sắc đứng, thân ngồi, hoặc sắc ngồi, thân nằm, hoặc sắc nằm mà thôi, v.v…

* Ngoài 4 oai-nghi chính đi, đứng, ngồi, nằm ra, còn các oai-nghi phụ khác như co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… đều là sắc-pháp phát sinh do tâm cả (cittajarūpa).

Đức-Phật ví: “sắc thân” như “chiếc xe”; “tâm” như “tài xế xe”.

Thật vậy, sắc thân của mỗi người gồm có 27 sắc-pháp mà thôi, nếu là người nam thì trừ sắc-nữ-tính hoặc nếu là người nữ thì trừ sắc-nam-tính, hoặc nếu người nào bị mắt mù, tai điếc thì sắc-pháp giảm theo bệnh tật.

Sắc thân hoàn toàn không biết 6 đối-tượng, chỉ là nơi tiếp xúc 6 đối-tượng làm nhân-duyên phát sinh tâm mà thôi.

Ví như chiếc xe gồm có các bộ phận lớn nhỏ được ráp lại với nhau không thể chạy mau, chạy chậm, rẽ phải, rẽ trái, v.v… Sở dĩ chiếc xe chạy mau, chạy chậm, rẽ phải, rẽ trái, v.v… là do tài xế điều khiển.

Cũng như vậy, sắc thân này gồm có 27 sắc-pháp không thể đi, đứng, ngồi, nằm, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… Sở dĩ thân này có thể đi, đứng, ngồi, nằm, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… là do tâm điều khiển.

Nếu trường hợp thiếu nhân-duyên hỗ trợ nào thì thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm, v.v… không thể phát sinh được.

Ví dụ: Người bị bệnh tê liệt, dù tâm của họ muốn đi, đứng, ngồi, cử động, v.v… như người bình thường nhưng không thể được, bởi vì chất gió (vāyodhātu) trong thân của họ không đủ năng lực để cử động toàn thân được vì có chất đất (pathavīdhātu) và chất nước (āpodhātu) nặng nề trong thân.

* Hơi thở ra, hơi thở vào, sự nói năng, v.v… cũng là sắc-pháp đều phát sinh do tâm cả thảy.

Những điều đã trình bày đó là sự sinh hoạt hằng ngày bình thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người nói riêng, đối với tất cả chúng-sinh nói chung chỉ có tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpadhamma) đó là 3 chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà thôi thuộc về vi-diệu-pháp (abhidhamma). Cho nên, vi-diệu-pháp hiện thực trong cuộc sống hằng ngày đêm của mỗi chúng-sinh.

Tâm với tâm-sở gọi là danh-pháp (nāmadham-ma) là pháp không có hình dáng màu sắc rõ ràng, chỉ có khả năng biết bằng ý-thức-tâm mà thôi và sắc-pháp (rūpadhamma) là pháp rõ ràng có khả năng biết qua 6 loại tâm: nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm, ý-thức-tâm tùy theo mỗi đối-tượng, thuộc về pháp-vô-ngã (anattādhamma) không phải là ta, cũng không phải là người, không phải là đàn ông, không phải là đàn bà, không phải là chúng-sinh, mà chỉ có danh-pháp (nāmadhamma) và sắc-pháp (rūpadhamma) mà thôi, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma). Vì vậy, gọi là vi-diệu-pháp hiện thực trong cuộc sống.

Như vậy, trong mỗi người chúng ta hiện hữu có 3 sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là tâm, tâm-sở và sắc-pháp.

Trong quyển sách nhỏ “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” này, chỉ giảng giải về 12 bất-thiện-tâm và 8 đại-thiện-tâm gồm có 20 tâm và 52 tâm-sở đồng sinh với 20 tâm là chính, các dục-giới tâm còn lại chỉ là phụ mà thôi.

Đối với các hạng phàm-nhân trong đời có đủ 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm), nếu khi bất-thiện-tâm (ác-tâm) nào phát sinh, thì tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) và có 8 đại-thiện-tâm, nếu khi đại-thiện-tâm nào phát sinh, thì tạo đại-thiện-nghiệp bình thường trong cuộc sống hằng đêm ngày của mỗi người.

Ban đêm khi nằm ngủ say (không mộng mị) thì dòng hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) thuộc về quả-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có đối-tượng trong kiếp quá-khứ, nên không tạo ác-nghiệp hoặc đại-thiện-nghiệp nào cả, đến khi tỉnh giấc, thì có ác-tâm hoặc đại-thiện-tâm phát sinh biết đối-tượng kiếp hiện-tại theo các lộ-trình-tâm, nên mới tạo ác-nghiệp hoặc đại-thiện-nghiệp.

Mỗi người phàm-nhân trong cuộc sống hằng đêm ngày trong đời khi thì bất-thiện-tâm (ác-tâm) phát sinh tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), khi thì đại-thiện-tâm phát sinh tạo đại-thiện-nghiệp tuỳ theo nhân-duyên của mỗi tâm.

– Người nào có bất-thiện-tâm (ác-tâm) phát sinh tạo bất-thiện-nghiệp nào (ác-nghiệp nào) rồi, nếu bất-thiện-nghiệp ấy (ác-nghiệp ấy) có cơ hội cho quả thì người ấy phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại.

Sau khi người ấy chết, nếu bất-thiện-nghiệp ấy (ác-nghiệp ấy) trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 1 quả-tâm là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

– Người nào có đại-thiện-tâm phát sinh tạo đại-thiện-nghiệp nào rồi, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì người ấy được hưởng quả an-lạc trong kiếp hiện-tại. 

Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy trong 8 đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 9 quả-tâm là 8 đại-quả-tâm và 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp gọi là thiện-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, mới rời khỏi cõi thiện-dục-giới ấy, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

* Bất-thiện-tâm (ác-tâm) có 12 tâm.

* Đại-thiện-tâm có 8 tâm.

Mỗi tâm nào phát sinh đều do các nhân-sinh của tâm ấy, cho nên, độc giả nên tìm hiểu rõ các nhân-sinh của mỗi tâm ấy.

Ví dụ: Nếu không muốn ác-tâm nào phát sinh, nên tránh xa nhân-sinh của ác-tâm ấy, thì ác-tâm ấy không phát sinh, không tạo ác-nghiệp ấy.

Nếu muốn đại-thiện-tâm nào phát sinh, nên làm cho đủ nhân-sinh của đại-thiện-tâm ấy, thì đại-thiện-tâm ấy phát sinh, tạo đại-thiện-nghiệp theo khả năng của mình.

Thật ra, người thiện có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có quyền chủ động lựa chọn tránh xa mọi ác-nghiệp, và có quyền chủ động lựa chọn tạo đại-thiện-nghiệp nào theo khả năng của mình.

Trong quyển sách nhỏ “Vi-Diệu-Pháp Hiện-Thực Trong Cuộc Sống” này giảng giải về 12 bất-thiện-tâm, nhân-sinh của mỗi bất-thiện-tâm (ác-tâm), và nhân-diệt của mỗi bất-thiện-tâm (ác-tâm); giảng giải về 8 đại-thiện-tâm và nhân-sinh của mỗi đại-thiện-tâm; và giảng giải về 52 tâm-sở, số tâm-sở nào đồng sinh với mỗi bất-thiện-tâm và mỗi đại-thiện-tâm, còn giảng giải thêm các tâm liên quan như 23 dục-giới quả-tâm và 11 dục-giới duy-tác-tâm. Như vậy gồm có 54 dục-giới-tâm mà thôi, không đề cập đến 15 sắc-giới-tâm, 12 vô-sắc-giới-tâm và 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.

Độc giả là người thiện-trí hiểu biết nhân-sinh của mỗi ác-tâm và nhân-diệt của mỗi ác-tâm; hiểu biết nhân-sinh của mỗi đại-thiện-tâm, cho nên, người thiện-trí có 4 pháp tinh-tấn như sau:

– Tinh-tấn ngăn cản ác-tâm nào chưa phát sinh, thì không cho ác-tâm ấy phát sinh.

– Tinh-tấn diệt ác-tâm nào đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho đại-thiện-tâm phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng đại-thiện-tâm đã phát sinh.

Bần sư đã cố công sưu tầm gom nhặt từ nhiều nguồn tài liệu, để trình bày giúp cho độc giả hiểu biết về 12 bất-thiện-tâm tạo 10 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), và trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Và hiểu biết về 8 đại-thiện-tâm tạo 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, và tạo 10 phước-thiện puññakriyāvatthu có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) làm 3 hạng người: người tam-nhân, người nhị-nhân, người vô-nhân cõi thiện-giới trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-dục-giới ấy, chỉ được bấy nhiêu!

Tuy bần sư cố gắng hết sức mình giảng giải để cho độc giả hiểu về 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) và 8 đại-thiện-tâm, song vì khả năng có hạn, nên chắc chắn không tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng hiểu biết của bần sư.

Kính mong chư bậc thiện-trí có tâm-từ chỉ giáo, góp ý chân tình, để tái bản lần sau cho được hoàn hảo.

Kính xin quý bậc thiện-trí xem soạn phẩm này như là của chung mà mỗi người trong chúng ta, ai cũng có bổn phận đóng góp xây dựng, để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho phần đông chúng ta.

Bần sư kính cẩn đón nhận những lời đóng góp phê bình xây dựng ấy của chư bậc thiện-trí, và kính xin quý Ngài ghi nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu sắc của bần sư.

Quyển sách nhỏ “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” được tái bản lần thứ nhì này được hoàn thành do nhờ Dhammavara sāmaṇera xem kỹ bản thảo, Dhammanandā upāsikā đã tận tâm xem kỹ lại bản thảo, dàn trang, làm thành quyển sách, lo việc ấn hành và được Nhà xuất bản Tôn giáo cho phép ấn hành.

Bần sư vô cùng hoan hỷ biết ơn tất cả quý vị.

Nhân dịp này, con là Dhammarakkhita Bhikkhu (tỳ-khưu Hộ-Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ngài Đại-Trưởng-lão Hộ-Tông, Vaṃsarakkhitamahāthera là sư phụ của con, đồng thời đến Ngài Đại-Trưởng-lão Thiện-Luật, Ngài Đại-Trưởng-lão Bửu-Chơn, Ngài Đại-Trưởng-lão Giới-Nghiêm, Ngài Trưởng-lão Hộ-Giác (chùa Từ-Quang), Ngài Trưởng-lão Hộ-Nhẫn (chùa Thiền-Lâm, Huế) cùng chư Đại-Trưởng-lão, đã dày công đem Phật-giáo Nguyên-thủy (Theravāda) về truyền bá trên quê hương Việt Nam thân yêu, và xin kính dâng phần phước-thiện thanh cao này đến chư Đại-Trưởng-lão ở nước Thái-Lan, nước Myanmar (Miến-Điện), đã có công dạy dỗ con về pháp-học và pháp-hành.

Con kính mong quý Ngài hoan hỷ.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Phước-thiện pháp-thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả bà con thân quyến của chúng con, từ kiếp hiện-tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cầu mong quý vị hoan hỷ nhận phần phước-thiện thanh cao này để thoát khỏi cảnh khổ, được an-lạc lâu dài.

Imaṃ puññābhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.

Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng-sinh từ cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, nhân-loại, chư-thiên trong các cõi trời dục-giới, …

Xin tất cả quý vị hoan hỷ nhận phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát mọi cảnh khổ, hưởng được mọi sự an-lạc lâu dài trong khắp mọi nơi.

Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Phước-thiện pháp-thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não trầm-luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt tận được mọi phiền-não trầm-luân, chưa giải thoát khổ sinh, vẫn còn tử sinh luân-hồi, thì do năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này ngăn cản mọi ác-nghiệp không cho có cơ hội cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa ngục, a-su-ra, ngạ quỷ, súc sinh; và cũng do năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này chỉ hỗ trợ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong 7 cõi thiện-giới: cõi người và 6 cõi trời dục-giới mà thôi.

Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con đều là người có chánh-kiến, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, tinh-tấn bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, mong chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. 

Trong kiếp tử sinh luân-hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con cũng liền phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, hoặc chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, thực-hành theo chánh-pháp của Đức-Phật, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Nay, chúng con hết lòng thành kính thọ phép quy-y Tam-bảo và thành tâm hộ trì Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, cho đến trọn đời, trọn kiếp.

Do nhờ năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này, cầu mong cho mỗi người chúng con luôn luôn có duyên lành, tạo được nhân tốt sâu sắc trong Phật-giáo, có chánh-kiến đúng đắn, tin những bậc đáng tin, tôn kính những bậc đáng tôn kính, cúng-dường những bậc đáng được cúng-dường, …

Do nhờ năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này theo hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con trong mỗi kiếp, dù có được thành tựu quả-báu ở cõi người (manussasampatti), hưởng được mọi sự an-lạc như thế nào cũng không đắm say trong cõi người; hoặc dù có được thành tựu quả-báu ở cõi trời (devasampatti), hưởng được mọi an-lạc như thế nào cũng không đắm say trong cõi trời.

Thật ra, mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con chỉ có cầu mong sớm được thành tựu quả-báu chứng ngộ Niết-bàn (Nibbānasampatti) mà thôi, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ, 

khippameva samijjhatu.

Điều mong ước, ý nguyện của chúng con 

Cầu mong sớm được thành tựu như ý.

  1. 2563 / DL. 2019

Rừng Núi Viên-Không.

xã Tóc-Tiên, huyện Tân-Thành.

tỉnh Bà-Rịa – Vũng-Tàu.

Tỳ-khưu Hộ-Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ Cuốn Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – tác giả Hộ Pháp Tỳ Khưu    

Link cuốn Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống
Link tải sách ebook Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống
Link video cuốn Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống
Link audio cuốn Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống
Link thư mục tác giả Hộ Pháp Tỳ Khưu
Link thư mục ebook Hộ Pháp Tỳ Khưu
Link giới thiệu tác giả Hộ Pháp Tỳ Khưu
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app