*. Ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp

Người ác không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm tạo 10 ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Ác-nghiệp phát sinh nương nhờ nơi ba môn

* Ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ thân-môn tạo thân ác-nghiệp, có 3 loại ác-nghiệp:

– Ác-nghiệp sát-sinh.

– Ác-nghiệp trộm-cắp.

– Ác-nghiệp tà-dâm.

Ba thân ác-nghiệp này phần nhiều phát sinh do nương nhờ nơi thân, còn gọi là thân hành-ác (kāyaduccarita).

*Ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ khẩu-môn tạo khẩu ác-nghiệp, có 4 loại ác-nghiệp:

– Ác-nghiệp nói-dối.

– Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

– Ác-nghiệp nói lời thô tục.

– Ác-nghiệp nói lời vô ích.

Bốn khẩu ác-nghiệp này phần nhiều phát sinh do nương nhờ nơi khẩu, còn gọi là khẩu hành-ác (vacīduccarita).

* Ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ ý-môn tạo ý-ác-nghiệp, có 3 loại ác-nghiệp:

– Ác-nghiệp tham-lam tài sản của người khác.

– Ác-nghiệp thù-hận người khác.

– Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Ba ý-ác-nghiệp này phần nhiều phát sinh do nương nhờ nơi ý, còn gọi là ý-hành-ác (mano-duccarita).

Ác-nghiệp phát sinh do gốc ác-tâm

Mười ác-nghiệp phát sinh do gốc ác-tâm:

– 3 ác-nghiệp là ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp nói lời thô tục, ác-nghiệp thù-hận cả 3 ác-nghiệp này phát sinh do gốc sân-tâm (dosamūlacitta).

– 3 ác-nghiệp là ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp tham-lam, ác-nghiệp tà-kiến, cả 3 ác-nghiệp này này phát sinh do gốc tham-tâm (lobhamūlacitta).

– 4 ác-nghiệp là ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp nói lời chia rẽ, ác-nghiệp nói lời vô ích cả 4 ác-nghiệp này phát sinh do gốc tham-tâm, hoặc phát sinh do gốc sân-tâm.

– Ác-nghiệp trộm-cắp phát sinh do gốc tham-tâm là muốn trộm-cắp của cải tài sản của người khác đem về làm của riêng mình, hoặc cho gia đình của mình.

– Ác-nghiệp trộm-cắp phát sinh do gốc sân-tâm là trộm-cắp của cải tài sản của người khác, không đem về làm của riêng mình mà chỉ phá hoại của cải tài sản của người khác để trả thù mà thôi.

– Ác-nghiệp nói-dối phát sinh do gốc tham-tâm là muốn lừa gạt người khác để có lợi cho mình.

– Ác-nghiệp nói-dối phát sinh do gốc sân-tâm là nói-dối, vu oan giá họa người ấy để trả thù, làm khổ người ấy hoặc làm cho người khác phát sinh nóng nảy khổ tâm.

– Ác-nghiệp nói lời chia rẽ phát sinh do gốc tham-tâm là muốn chia rẽ hai người ấy nghi kỵ, ghét bỏ lẫn nhau, để có lợi cho mình.

– Ác-nghiệp nói lời chia rẽ phát sinh do gốc sân-tâm là muốn chia rẽ hai người ấy nghi kỵ, ghét bỏ lẫn nhau, để trả thù. 

– Ác-nghiệp nói lời vô ích phát sinh do gốc tham-tâm là nói lời vô ích hài hước, nói chuyện khôi hài, hài kịch, … cho những người nghe, xem, để đem lại lợi cho mình.

– Ác-nghiệp nói lời vô ích phát sinh do gốc sân tâm là nói lời vô ích, chuyện hoang đường không có thật, làm cho người nghe nổi cơn bực tức, mất lợi ích, …

Mỗi ác-nghiệp riêng biệt phát sinh trực tiếp từ gốc tham-tâm, hoặc gốc sân-tâm. Còn mười ác-nghiệp chung phát sinh đều có gốc si-tâm trong mỗi ác-nghiệp.

Ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say

Vấn: Tại sao trong mười ác-nghiệp không có ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say?

Vậy, uống rượu, bia và chất say thuộc về ác-nghiệp nào trong mười ác-nghiệp?

Đáp: Uống rượu, bia và chất say là một điều-giới cấm trong ngũ-giới, trong bát-giới uposatha-sīla, v.v… của người tại-gia và cũng là một điều-giới cấm của bậc xuất-gia. Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say này thì chắc chắn người ấy đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, nhưng trong mười loại ác-nghiệp, uống rượu, bia và các chất say không quy định rõ một ác-nghiệp riêng biệt, bởi vì uống rượu, bia và các chất say là loại ác-nghiệp có tính chất bất định. Cho nên, uống rượu, bia và các chất say không được chế định ác-nghiệp nào riêng biệt một ác-nghiệp được.

Tuy nhiên, ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say này tùy thuộc vào ác-nghiệp nào mà nó liên quan, thì ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say có tên gọi chung với loại ác-nghiệp ấy.

Xét trong những trường hợp sau

* Trường hợp người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say để thỏa mãn cơn thèm muốn thưởng thức hương vị của rượu, bia hoặc chất say, rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết mình, nằm ngủ cho đến khi tỉnh say.

Nếu như vậy, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp này được ghép vào ác-nghiệp tà-dâm.

Trong điều-giới tà-dâm có danh từ kāmesu-micchācāra là hành bất chánh trong ngũ-dục nghĩa là hành-dâm bất chánh với người không phải là vợ, là chồng của mình.

Ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục.

Người phạm điều-giới tà-dâm để thỏa mãn tâm tham muốn thưởng thức ngũ-dục trong thân của người không phải là vợ, là chồng của mình.

Người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say để thỏa mãn cơn thèm muốn, thưởng thức hương, vị của chất rượu, bia hoặc chất say, đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, cũng như người phạm điều-giới tà-dâm để thỏa mãn tâm tham muốn thưởng thức ngũ-dục trong thân của người không phải là vợ, là chồng của mình, tạo ác-nghiệp tà-dâm. Cho nên, hai điều-giới này có đối-tượng tương tự với nhau.

Vì vậy, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, nên ác-nghiệp này được ghép chung vào ác-nghiệp tà-dâm.

* Trường hợp một người nào vốn có tính hay nhút nhát, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, không dám tạo mọi ác-nghiệp. Khi người ấy uống rượu, bia hoặc chất say vào, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say. Chất rượu, bia hoặc chất say kích thích tâm tham, sân, si, người ấy không còn biết tự chủ, trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh không còn biết hổ-thẹn tội-lỗi, không còn biết ghê-sợ tội-lỗi, nên dám tạo mười ác-nghiệp.

Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, rồi say mê không còn biết tự chủ, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, hung hăng, dám liều lĩnh tạo ác-nghiệp nào, thì người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say ấy được ghép chung với ác-nghiệp ấy như sau:

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người hung hăng dám liều lĩnh tạo ác-nghiệp sát-sinh, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp sát-sinh.

Tương tự như vậy:

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp trộm-cắp, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp trộm-cắp.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp tà-dâm, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp tà-dâm.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói-dối, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói-dối.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói lời thô tục.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói lời vô ích.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám nghĩ tham lam của cải của người khác, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp tham lam của cải của người khác.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám nghĩ thù oán người khác, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp thù oán người khác.

* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi phát sinh tà-kiến thấy sai chấp lầm, thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Như vậy, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân tạo 10 ác-nghiệp, nên ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say này thuộc về ác-nghiệp bất-định, vì vậy, không được chế định ra ác-nghiệp riêng biệt.

Thật vậy, Ngài Trưởng-lão Ānanda (lớp người hậu sinh) biên soạn bộ Mūlaṭīkā giải rằng:

“Tassa sabhāgattena micchācāre, upakāra-kattena dasasu pi kammapathesu anuppaveso hoti.”

Phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp này được ghép chung vào ác-nghiệp tà-dâm, bởi vì phạm điều-giới này có đối-tượng tương tự như phạm điều-giới tà-dâm. Và phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân tạo 10 ác-nghiệp, nên ác-nghiệp ấy cũng được ghép chung vào trong 10 ác-nghiệp.

Tính chất nghiêm trọng của người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say

Người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự chủ, trở thành người hung hăng dám liều lĩnh tạo mọi ác-nghiệp nghiêm trọng, mà lúc tỉnh không dám làm.

Khi người nào thường dùng các chất say như thuốc-phiện, ma-túy, cần-sa, v.v… trở thành bệnh nghiện nặng, đến khi người ấy lên cơn thèm khát các chất say ấy mà không có sẵn, khiến cho người ấy lên cơn điên loạn, hung hăng dám liều lĩnh tạo mọi ác-nghiệp nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm.

Như vậy, người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nguyên nhân dẫn đến tạo mọi ác-nghiệp nghiêm trọng, nên người ấy phải chịu những hậu quả tai hại trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Trong Chú-giải Suttanipātaṭṭhakathā, giải về tội-ác của sự uống rượu, bia và các chất say:

“Yasmā pana majjapāyī aṭṭhaṃ na jānāti, dhammaṃ na jānāti, mātu antarāyaṃ karoti, pitu Buddha paccekabuddha tathāgatasāvakānampi antarāyaṃ karoti, diṭṭheva dhamme garahaṃ, samparāye duggatiṃ, aparāpariye ummādañca pāpuṇāti.”

Người thường uống rượu, bia và các chất say, không biết nhân, không biết quả, gây ra sự tai hại đến sinh-mạng của mẹ cha, gây ra sự tai hại đến Đức-Phật, Đức-Phật Độc-Giác, các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Trong kiếp hiện-tại, người uống rượu, bia và các chất say thường bị chư thiện-trí chê trách.

Sau khi người uống rượu, bia và các chất say chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

Đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy trong cõi ác-giới, nếu có đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người mất trí, người điên cuồng.

Và Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa dạy về ngũ-giới, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện pháp tạo đại trọng tội (mahāsāvajja) mà hậu quả vô cùng nghiêm trọng hơn bốn điều-giới còn lại như sau:

“Apicettha surāmerayamajjappamādaṭṭhāna-meva mahāsāvajjaṃ na tathā pāṇātipātādayo. Kasmā manussabhūtassāpi ummattakabhāva-saṃvattanena ariyadhammantarāyakaraṇato’ti. Evamettha mahāsāvajjato pi viññatabbo vinicchayo.” 

Sự thật, trong ngũ-giới ấy, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp đại trọng tội (mahāsāvajja) hơn 4 điều-giới còn lại là phạm điều-giới sát-sinh, phạm điều-giới trộm-cắp, phạm điều-giới tà-dâm, phạm điều-giới nói-dối, bởi vì phạm 4 điều-giới này gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn phạm điều-giới uống rượu và các chất say. Tại sao?

Người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say này còn là nhân làm cho người ấy mắc phải chứng bệnh điên, mất trí, làm tai hại đến pháp của bậc Thánh-nhân (ariyadhamma) đó là Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.

Nên hiểu rõ ý nghĩa “mahāsāvajja: ác-nghiệp đại trọng tội” phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp này.

Thật vậy, trong ngũ-giới, dù người nào phạm điều-giới sát-sinh như giết cha, giết mẹ đã tạo ác-nghiệp trọng-tội (akusalagarukakamma) gọi là ānantariyakamma: ác-nghiệp vô-gián trọng-tội. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài nhiều đại-kiếp trái đất trong cõi đại-địa-ngục, cho đến khi mãn quả ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Sau khi thoát khỏi cõi địa-ngục, nếu có đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy có thể là hạng người tam-nhân có trí-tuệ sáng suốt, có khả năng thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn được.

Như trường hợp Đức-vua Ajātasattu giết Đức Phụ-vương là Đức-vua Bimbisāra (bậc Thánh Nhập-lưu).

Sau đó, Đức-vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi, ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, khi ấy, Đức-Phật thuyết giảng bài kinh Sāmaññaphalasutta tế độ Đức-vua, sau khi nghe bài kinh ấy xong, Đức-vua Ajātasattu phát sinh đức-tin vô cùng hoan-hỷ, phát sinh hỷ lạc chưa từng có, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo, kính xin Đức-Phật công nhận Đức-vua là người cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo đến trọn đời. Khi ấy, Đức-vua thành tâm sám hối tội lỗi giết Đức Phụ-vương Bimbisāra, kính xin Đức-Phật chứng minh.

Từ đó về sau, Đức-vua Ajātasattu là người cận-sự-nam có đức-tin đặc biệt trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, hết lòng hộ độ Tam-bảo đến trọn đời.

Sau khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, thời gian sau khoảng 3 tháng 4 ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, gồm có 500 vị Trưởng-lão đều là bậc Thánh A-ra-hán, tại động Sattapaṇṇi gần kinh-thành Rājagaha đất nước Māgadha.

Đức-vua Ajātasattu là người hộ độ 500 chư Đại-đức-Tăng toàn là bậc Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất ấy, suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.

Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp giết Đức Phụ-vương là ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội đáng lẽ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, nhưng nhờ đại-thiện-nghiệp quy-y Tam-bảo và các đại-thiện-nghiệp khác nhất là đại-thiện-nghiệp hộ độ 500 chư Đại-đức-Tăng toàn bậc Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất ấy, nên làm giảm tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy, nên chỉ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī chịu quả khổ suốt thời gian 60.000 (sáu mươi ngàn) năm mà thôi.

Như Đức-Phật Gotama đã thọ ký như sau:

Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô-gián giết Đức Phụ-vương chỉ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī nồi đồng sôi, từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi suốt 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi suốt 30.000 năm, mới mãn quả của ác-nghiệp ấy, rồi do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu sẽ xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Vijitāvi.

* Trong thời kỳ Đức-Phật Gotama, có Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão là một người con rất chí hiếu đối với mẹ cha già đui mù.

Về sau, người con vâng lời mẹ cha, chịu lấy vợ, nhưng người vợ không muốn sống chung với mẹ cha đui mù của chồng: vì chiều theo ý vợ, nên người con bày mưu đánh xe chở mẹ cha già đui mù đi thăm bà con: đến khu rừng, người con xuống xe, giả làm tên cướp đến đánh đập cha mẹ đui mù chết, rồi bỏ xác trong rừng, đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ cha.

Sau khi tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ cha ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ bị hành hạ trong suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi địa-ngục.

* Trong thời kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của người con giết mẹ cha đui mù trong kiếp quá-khứ, do nhờ đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai trong gia đình dòng dõi Bà-la-môn.

Khi sinh ra đời được đặt tên là Kolita, lúc trưởng thành xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật Gotama, có tên là tỳ-khưu Mahāmoggallāna. Tỳ-khưu Mahāmoggallāna thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, có phép-thần-thông xuất sắc đệ nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Hai tích dẫn chứng trên để chứng tỏ rằng:

Mặc dù người nào tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết cha, giết mẹ,… Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi địa-ngục.

Thế mà, sau khi thoát khỏi địa-ngục, do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm hạng người tam-nhân có khả năng thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Còn như người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp này có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới mong thoát khỏi cõi ác-giới ấy.

Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới rồi, nếu có đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người mắc bệnh điên cuồng, mất trí, không có khả năng thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc thực hành pháp-hành thiền-tuệ, không có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.

Người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, dám liều lĩnh tạo mọi ác-nghiệp, sẽ đem lại những hậu quả tai-hại vô cùng nghiêm trọng trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai như vậy.

Sự tai hại của sự uống rượu, bia và các chất say

Trong ngũ-giới có 5 điều-giới từ điều-giới thứ nhất đến điều-giới thứ tư, người nào lỡ phạm điều-giới thứ nhất tạo ác-nghiệp, thậm chí tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ, giết cha.

Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ lâu dài trong cõi đại-địa-ngục ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới được thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Nếu có đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người thuộc về hạng người tam-nhân, thì người tam-nhân ấy vẫn có khả năng tạo mọi thiện-nghiệp từ 8 dục-giới thiện-nghiệp, 5 sắc-giới thiện-nghiệp, 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho đến bốn siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Còn điều-giới thứ năm là điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say… Người nào đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp này rồi, đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì có hậu quả tai hại 

vô cùng nghiêm trọng, trong kiếp hiện-tại trở thành người nghiện rượu, bia, nghiện thuốc-phiện, nghiện ma-túy, nghiện cần-sa, nghiện thuốc lá, v.v… mắc nhiều chứng bệnh nan y, tự làm khổ mình và làm khổ những người thân yêu của mình, lại còn gây ra mọi tai họa khác nữa.

Sự tai hại của khói thuốc lá

* Ai ai cũng đều biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, gây ra các chứng bệnh nan y.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) , trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất có 70 chất có thể gây bệnh ung thư. Trong các chất độc ấy có chất nicotin là chất gây nghiện.

Khói thuốc lá không chỉ có hại cho người hút thuốc lá mà còn có hại đến những người thân yêu gần gũi của người hút thuốc lá nữa.

Thật ra, bỏ thuốc lá là việc rất dễ dàng, nhưng người hút thuốc lá là người quá nhu nhược, không tự chủ, không chế ngự được phiền-não tâm tham thèm muốn hút thuốc lá, nên trở thành người nghiện thuốc lá mà không bỏ được.

Trong đời, có không ít người nhận thức rõ được sự tai hại của khói thuốc lá, nên đã từ bỏ hẳn hút thuốc lá, bởi vì sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho mình và cho những người thân yêu gần gũi với mình nữa.

Vậy, những người còn hút thuốc lá hãy nên có tâm dũng cảm từ bỏ hút thuốc lá, đó không phải là việc khó khăn gì, để tránh khỏi sự tai hại không chỉ cho bản thân của mình, mà còn cho những người thân yêu gần gũi với mình nữa.

Vả lại, trên mỗi bao thuốc lá, các nhà sản xuất đều khuyến cáo hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, bởi vì khói thuốc lá có nhiều chất cực độc có thể gây bệnh ung thư, …

Đối với người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp rồi, đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì có hậu quả tai hại vô cùng nghiêm trọng, trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Sau khi người ác ấy chết, nếu ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Nếu có đại-thiện-nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người thì người ấy còn là người mắc phải chứng bệnh điên, mất trí, làm tai hại cho sự chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.

Cho nên, rượu, bia và các chất say có sự tai hại vô cùng nghiêm trọng như vậy, thế mà có một số người sử dụng rượu, bia và các chất say như là thức uống xã giao trong đời.

Khi hai người bạn cũ gặp lại nhau, dẫn nhau vào quán để uống rượu, bia; trong các buổi tiệc mừng không thể thiếu món rượu, bia để đãi các khách quý, v.v…

Một số người lạm dụng uống rượu, bia và sử dụng các chất say hằng ngày, nên trở thành người nghiện rượu, bia, nghiện thuốc-phiện, nghiện ma-túy, nghiện cần-sa, nghiện thuốc lá, v.v… thường xảy ra tai hại, mắc nhiều chứng bệnh nan y, tự làm khổ mình và làm khổ những người thân trong gia đình, bà con thân quyến trong kiếp hiện-tại.

Sau khi người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy chết, nếu ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới; hoặc nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người thì người ấy trở thành người điên cuồng, mất trí, si mê, thật là cuộc đời quá thê thảm biết dường nào!

Cho nên, người thiện-trí biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết tự trọng, biết thương yêu mình, biết thương yêu mọi người, mọi chúng-sinh khác như thương yêu chính mình, nên biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, nhất là điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, đó là người thiện-trí biết giữ gìn nhân-phẩm quý báu vốn có trong con người của mình từ khi đầu thai làm người, và người thiện-trí còn khuyên bảo người khác cũng biết giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn nữa.

Tội-ác từ say rượu

Đức-Phật đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, khi ấy, Đức-Phật thuyết về tích tiền-kiếp của Đức-Phật là Đức-Bồ-tát Dhammadhaja có một đoạn giảng giải về tội-ác khủng khiếp phát sinh từ say rượu, được tóm lược như sau:

Đức-Bồ-tát Dhammadhaja là quan cận thần của Đức-vua Yasapāni, có một người bạn thân tên Chattapāni.

Ông Chattapāni là người thợ cắt tóc, sửa râu của Đức-vua Yasapāni. Ông Chattapāni có bản tính tự nhiên do lời chân thật phát nguyện không bao giờ uống rượu trong suốt mỗi kiếp cho đến khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, bởi vì, ông nhận thức thấy rõ tội-ác khủng khiếp phát sinh do từ uống rượu, say rượu…

Một hôm, người thợ cắt tóc Chattapāni tâu với Đức-vua Yasapāni rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, trong tiền-kiếp kẻ hạ thần đã từng ăn thịt con yêu quý của mình, bởi vì say rượu. Sau khi tỉnh say rượu, kẻ hạ thần vô cùng sầu não, khổ tâm cùng cực, vì thương nhớ đến đứa con yêu quý nhất. Rồi hạ thần đã phát nguyện từ kiếp đó về sau, trong suốt mỗi kiếp không bao giờ uống rượu nữa.

Người thợ cắt tóc Chattapāni thuật lại câu chuyện xảy ra rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, tiền-kiếp của hạ thần cũng làm vua trị vì xứ Bārāṇasī, khi hạ thần là Đức-vua, hằng ngày không thể thiếu món rượu, và trong mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt.

Trong kinh-thành Bārāṇasī thời ấy, vào ngày giới hằng tháng người ta không sát-sinh, cho nên người đầu bếp phải mua thêm thịt vào trước ngày giớ, để dành phần cho ngày hôm sau. Do sơ suất, ông cất giữ món thịt ấy không cẩn thận nên bị con chó ăn mất hết.

Sáng hôm ấy, nhằm vào ngày giới, người đầu bếp đi tìm mua thịt khắp mọi nơi mà không có món thịt nào cả.

Ông đã cố gắng làm những món ăn thơm tho ngon lành xong, mà chưa dám đem dâng lên Đức-vua đang ở trên lâu đài. Ông vào tâu với bà chánh-cung hoàng-hậu rằng:

– Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, hôm nay, kẻ hạ thần đi tìm mua thịt khắp mọi nơi mà không có món thịt nào.

Bữa ăn hôm nay không có món thịt nên kẻ hạ thần chưa dám dâng lên Đức-vua. Bây giờ, kẻ hạ thần phải làm thế nào? Tâu lệnh bà.

– Này ngươi! Hoàng-tử của ta được Đức-vua thương yêu quý mến nhất, khi Đức-vua đang thương yêu, âu yếm ôm hoàng-tử vào lòng, chắc Đức-vua không còn quan tâm đến bữa ăn có món thịt hay không.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu trang điểm cho hoàng-tử thật đáng yêu, rồi bồng hoàng-tử đặt ngồi trên vế của Đức-vua. Đức-vua say mê vui đùa với hoàng-tử. Khi ấy, người đầu bếp đem vật thực vào dâng lên Đức-vua. Khi đang say rượu, Đức-vua nhìn trong mâm thức ăn không thấy món thịt, bèn phán rằng:

– Tại sao hôm nay không có món thịt?

Người đầu bếp hoảng sợ tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, hôm nay là ngày giới nên kẻ hạ thần đi tìm khắp mọi nơi mà cũng không mua được món thịt nào cả. 

Đức-vua đang trong lúc say mê ngất ngưởng truyền bảo rằng:

– Tìm thịt làm món ăn cho Trẫm khó đến như vậy sao?

Đức-vua bèn nắm đầu hoàng-tử vặn cổ chết tươi, rồi ném xuống trước mặt người đầu bếp mà phán tiếp rằng:

– Ngươi hãy mau đem đi làm món ăn cho Trẫm!

Người đầu bếp tuân theo lệnh của Đức-vua, làm món ăn bằng thịt của hoàng-tử, rồi đem lên dâng Đức-vua dùng trong bữa ăn tối hôm ấy.

Chánh-cung Hoàng-hậu và tất cả những người hầu chẳng có một ai dám khóc than, phản đối gì cả bởi vì họ rất sợ Đức-vua.

Đức-vua dùng bữa ăn tối xong, nằm ngủ cho đến sáng ngày hôm sau mới thức dậy. Đã tỉnh cơn say, Đức-vua truyền lệnh rằng:

– Hãy bồng hoàng-tử yêu quý của ta đến đây!

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu đến chầu, cúi lạy dưới chân Đức-vua mà than khóc.

Đức-vua bèn truyền hỏi rằng:

– Này ái-khanh! Ái-khanh khóc vì chuyện gì?

Tại sao ái-khanh không bồng hoàng-tử yêu quý của Trẫm đến đây?

Chánh-cung Hoàng-hậu tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, chiều hôm qua Hoàng-thượng đã vặn cổ hoàng-tử chết tươi, rồi trao cho người đầu bếp bảo làm món ăn dâng lên Hoàng-thượng. Hoàng-thượng đã dùng bữa ăn với món thịt của hoàng-tử từ tối hôm qua rồi. Lắng nghe Chánh-cung Hoàng-hậu tâu như vậy, Đức-vua vô cùng hối hận, khổ tâm sầu não, vì thương tiếc hoàng-tử yêu quý.

Khi đã nhận thức rõ tội-ác khủng khiếp phát sinh từ uống rượu, say rượu, Đức-vua bèn chắp chặt đôi tay đưa lên trán, rồi phát nguyện rằng:

“Kể từ kiếp này về sau, và những kiếp sau kế-tiếp cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Trẫm nguyện sẽ không bao giờ uống rượu nữa, để không còn thấy cảnh tự làm khổ mình và làm khổ những người thân yêu của trẫm nữa.”

Thật vậy, kể từ đó cho đến trọn kiếp và trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi, kiếp nào hạ thần cũng không bao giờ uống một chút rượu nào cả.

(Trích đoạn tiền-kiếp Đức-Bồ-tát Dhammadhaja)

Sự tai hại của rượu, bia và các chất say

Ai ai cũng đều biết rượu, bia và các chất say, chất nghiện như thuốc phiện, cần sa, thuốc lá,… đó là những thứ có hại cho sức khoẻ, gây ra nhiều chứng bệnh nan y. 

Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp thì người ấy bị gọi là người ác. Nếu người ác ấy mời mọc người khác cùng uống rượu, bia, hút thuốc phiện, … hút thuốc lá, thì người ác ấy bị gọi là người ác hơn cả người ác.

Vậy mà vẫn có người coi thường sự tai hại của rượu, bia, thuốc phiện, … thuốc lá trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai nữa.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app