I.4- Tiracchānabhūmi: Cõi Súc-Sinh

Tiracchānabhūmi: Cõi súc-sinh nương nhờ nơi cõi người rải rác mọi nơi trong rừng, núi, sông, suối, biển, xóm làng, trong nhà, v.v… loài súc-sinh có nhiều loài khác nhau tùy theo ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp của chúng.

Ác-nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh?

Người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, phạm điều-giới, tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Sau khi người ác ấy chết, nếu ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực thì có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi kiếp loài súc-sinh ấy.

Loài súc-sinh có nhiều loại như sau:

– Loài súc-sinh sinh ra từ trong bụng mẹ như con bò, con voi, con ngựa, v.v…

– Loài súc-sinh sinh ra từ trứng rồi từ trứng nở ra con như con gà, con chim, v.v…

– Loài súc-sinh sinh ra từ nơi ẩm thấp như con giun, v.v. …

– Loài súc-sinh là loài hóa-sinh như Đức-long-vương, các long nam, các long nữ, v.v…

Tiracchāna là loài chúng-sinh thường di chuyển với cột xương sống nằm ngang gọi là loài súc-sinh.

Loài súc-sinh có nghĩa rộng gồm tất cả các loài sinh vật lớn nhỏ có sự sống, sự chết, có tử sinh luân-hồi trong bốn loài. Loài súc-sinh có thân hình to lớn nhất và nhỏ bé nhất, không có cõi riêng biệt, phần đông sinh sống chung trong cõi người, được phân loại có bốn nhóm loài súc-sinh như sau:

1- Apadatiracchāna: Nhóm loài súc-sinh không có chân như con rắn, con lươn, con cá, con trùn, v.v…

2- Dvipadatiracchāna: Nhóm loài súc-sinh có 2 chân như con chim, con gà, con vịt, v.v…

3- Catupadatiracchāna: Nhóm loài súc-sinh có 4 chân như con bò, con trâu, con voi, v.v…

4- Bahupadatiracchāna: Nhóm loài súc-sinh có nhiều chân như con rít, con cuốn chiếu, v.v …

Tất cả các loài súc-sinh này có chỗ ở khác nhau, có nhóm loài súc-sinh nương nhờ sinh sống trên mặt đất, có nhóm loài súc-sinh nương nhờ sinh sống dưới nước.

Đặc biệt có loài súc-sinh như nāga, kinnara, sīha, garuḍa.

* Nāga: Rắn độc có 4 loài:

1- Kaṭṭhamukha: Loài rắn độc, nếu người nào bị nó cắn thì toàn thân người ấy bị cứng đờ không còn cử động được nữa, đau đớn vô cùng.

2- Pūtimukha: Loài rắn độc, nếu người nào bị nó cắn thì vết thương người ấy bị thối và nước mủ chảy ra.

3- Aggimukha: Loài rắn độc, nếu người nào bị nó cắn thì toàn thân người ấy bị nóng rực, chỗ vết thương bị cháy bỏng như bị phỏng lửa.

4- Satthamukha: Loài rắn độc, nếu người nào bị nó cắn thì người ấy như bị sét đánh.

* Sự sinh của loài Nāga có 4 cách:

1- Aṇḍaja: Loài Nāga sinh ra từ trứng.

2- Jalābuja: Loài Nāga sinh ra từ trong bụng.

3- Saṃsedaja: Loài Nāga sinh ra từ mồ hôi chảy ra.

4- Opapātika: Loài Nāga hóa-sinh ra to lớn ngay tức thì.

Đặc biệt loài Nāga gọi là loài long nam, long nữ ở cõi long cung, trong các lâu đài nguy nga tráng lệ toàn bằng vàng, bạc, các thứ ngọc, v.v… phát sinh do quả của đại-thiện-nghiệp.

Trong cõi long cung có Đức Long-vương trị vì các long nam, long nữ, tất cả loài long này đều có phép-thần-thông biến hóa ra thành loài người, chư-thiên, loài thú, v.v… do quả của đại-thiện-nghiệp gọi là (vipāka-iddhi) tùy theo khả năng của mỗi long nam, long nữ.

Mặc dù long nam, long nữ có khả năng biến hóa ra loài người già trẻ khác nhau như thế nào, khi có 1 trong 5 trường hợp xảy ra vẫn trở lại loài long như trước. 5 trường hợp  là:

1- Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, là loài long.

2- Trong khi lột da thay da mới, phải hoàn trở lại loài long.

3- Trong khi giao cấu với loài long khác phái, phải hoàn trở lại loài long.

4- Trong khi nằm ngủ say, tự nhiên hoàn trở lại loài long, bởi vì không có trí nhớ biết mình.

5- Trong thời-kỳ chuyển kiếp (chết), phải hoàn trở lại loài long.

Tuổi thọ của loài Nāga nhiều hoặc ít không có chắc chắn, tùy theo quả của nghiệp.

* Kinnara: Loài kinnara đực và kinnara cái là loài thú có phần giống như người, ngựa và có phần giống như chim như sau:

– Thân hình, đầu, mặt, hai con mắt, hai lỗ mũi giống như người.

– Cái miệng nhô ra phía trước giống như mỏ con ngựa.

– Hai bàn tay, hai bàn chân có móng dài giống như chân chim.

Loài kinnara có nhiều loại, thông thường rất sợ nước.

* Sīha: Sư tử có 4 loại:

1- Tiṇasīha là loài sư tử có thân hình bằng con bò trẻ màu đỏ, ở trong rừng sâu ăn cỏ.

2- Kāḷasīha là loài sư tử có thân hình bằng con bò trẻ màu đen, ở trong rừng sâu ăn cỏ.

3- Paṇḍusīha là loài sư tử có thân hình bằng con bò trẻ màu như lá cây vàng, ở trong rừng sâu, ăn thịt các loài thú khác.

4- Kesarasīha là loài sư tử chúa có thân hình bằng con trâu, môi, đuôi, chân có màu đỏ, từ đầu cho đến lưng có ba sọc màu đỏ bao quanh hai mông, vòng cổ có lông dài, từ hai vai đến toàn thân có màu vàng lẫn trắng, ở trong rừng Himavanta, ăn thịt các loài thú khác.

Sīha: Sư tử là chúa của các loài thú. 

* Garuḍa: Con garuḍa có thân hình giống như loài chim, nên ghép vào loài chim. Con garuḍa là con chim lớn nhất, là vua của các loài chim, sống trong rừng sâu, ăn các loài nāga rắn, rồng (long).

Loài súc-sinh thông thường có ba sự biết:

1- Gocarasaññā: Biết kiếm ăn, ngủ, nghỉ, …

2- Kāmasaññā: Biết giao cấu và truyền giống.

3- Maraṇasaññā: Biết sợ chết.

Nếu Đức-Bồ-tát sinh làm loài súc-sinh thì sinh làm giống đực không nhỏ hơn con chim sẻ cũng không lớn hơn con voi, Đức-Bồ-tát loài súc-sinh đực có sự hiểu biết rất phi thường.

Nhận xét về loài súc-sinh

Thời-kỳ paṭisandhikāla và thời-kỳ pavattikāla của các loài súc-sinh.

– Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla), có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh (tiracchāna).

– Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavatti-kāla) kiếp hiện-tại có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của ác-nghiệp tiếp xúc với các đối-tượng xấu là quả của ác-nghiệp, đối với các loài súc-sinh.

Tuy nhiên, đặc biệt có số loài súc-sinh, tuy trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) với suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, nhưng trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, số loài súc-sinh ấy trở thành con voi báu dành cho Đức-Chuyển-luân Thánh-vương, dành cho Đức-vua; ngựa báu dành cho vị anh-hùng, nên kiếp hiện-tại của số loài súc-sinh ấy được trọng dụng, được trọng đãi đặc biệt, … đó là quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp đặc biệt mà số loài súc-sinh ấy đã tạo trong tiền-kiếp của chúng. Thậm chí trong đời cũng thường thấy những con mèo, con chó, … tinh khôn cũng được các gia đình giàu sang phú quý nuôi nấng chăm sóc đặc biệt, đó là quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp đặc biệt mà những con mèo, con chó,… tinh khôn ấy đã tạo trong những tiền-kiếp của chúng.

Tuy Đức Long-vương, các long-nam, long-nữ thuộc về loài súc-sinh nhưng có khả năng đặc biệt biến hóa ra thành người, thành chư-thiên, v.v… có nhiều phép mầu được thành tựu do quả của nghiệp gọi là vipāka-iddhi.

Dù Đức Long-vương, các long-nam, các long-nữ ấy biến hóa ra thành người có cơ hội nghe chánh-pháp của chư bậc thiện-trí, cũng không có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới 

nào, cũng không có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào được, bởi vì Đức Long-vương, các long-nam, các long-nữ ấy thuộc về hạng chúng-sinh duggati-ahetuka vô-nhân cõi ác-giới với tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm.

Chỉ có những chúng-sinh thuộc về hạng tam-nhân mới có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân cao thượng trong Phật-giáo mà thôi.

Thật vậy, chỉ có hạng tam-nhân thuộc về loài người, chư vị thiên-nam hoặc chư vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, những hạng chúng-sinh tam-nhân ấy đã từng tích lũy đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật và có đủ 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ mới có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi. 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app