Ba hạng người trong đời

Trong đời hiện hữu có 3 hạng người là người tam-nhân (tihetukapuggala), người nhị-nhân (dvihetukapuggala), người vô-nhân cõi thiện-giới (sugati-ahetukapuggala) đều là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm đã tạo 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý hoặc 10 phước-thiện (puññakriyavatthu) trong kiếp quá-khứ của mỗi người.

1- Tihetukapuggala: Hạng người tam-nhân là người có tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) là đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ, nên có đủ 3 nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si từ khi tái-sinh đầu thai làm người trong bụng mẹ.

Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người tam-nhân vốn dĩ có trí-tuệ.

– Nếu người tam-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định thì có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc 5 phép-thần-thông thế-gian (lokiya abhiññā).

– Nếu người tam-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo

Tiền-kiếp của người tam-nhân

Tiền-kiếp của người tam-nhân ấy đã từng tạo đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ như thế nào mà kiếp hiện-tại này là người tam-nhân như vậy?

* Tiền-kiếp của người tam-nhân đã từng tạo đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, hoặc 10 phước-thiện đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như sau: 

– Trong thời-kỳ muñcacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đủ ba thiện nhân khi đang tạo phước-thiện nào, thì phước-thiện ấy trở thành tihetukakusalakamma: tam-nhân đại-thiện-nghiệp. Và hai thời-kỳ tác-ý còn lại:

– Trong thời-kỳ pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch trước khi tạo phước-thiện nào, không có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến phát sinh xen lẫn. Và nhất là trong thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch sau khi đã tạo phước-thiện ấy với thời gian sau nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mỗi khi niệm tưởng đến phước-thiện ấy, đại-thiện-tâm trong sạch phát sinh, không có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến xen lẫn, nên phước-thiện ấy trở thành ukkaṭṭha-kusalakamma: đại-thiện-nghiệp bậc cao.

Tiền-kiếp của người tam-nhân ấy đã từng tạo phước-thiện nào đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như vậy, nên phước-thiện ấy trở thành tihetuka-ukkaṭṭhakusalakamma: tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao.

Sau khi tiền-kiếp của người tam-nhân ấy chết, nếu tihetuka-ukkaṭṭhakusalakamma: tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) cùng với ba sắc-pháp là thân (kāyarūpa), sắc-nam-tính hoặc sắc-nữ-tính (bhāvarūpa), hadayavatthurūpa: sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm, làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người tam-nhân (tihetukapuggala) từ khi đầu thai vào lòng mẹ.

2- Dvihetukapuggala: Hạng người nhị-nhân là người có tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) là đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ, nên chỉ có 2 thiện-nhân là vô-tham và vô-sân không có vô-si từ khi tái-sinh đầu thai làm người trong bụng mẹ.

Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người nhị-nhân vốn dĩ không có trí-tuệ.

– Nếu người nhị-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định thì không có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cả.

– Nếu người nhị-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì không có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế được.

Tiền-kiếp của người nhị-nhân

Tiền-kiếp của người nhị-nhân ấy đã từng tạo đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ như thế nào mà kiếp hiện-tại này là người nhị-nhân như vậy?

* Tiền-kiếp của người nhị-nhân đã từng tạo đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, hoặc 10 phước-thiện đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như sau:

– Trong thời-kỳ muñcacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đủ 3 thiện nhân khi đang tạo phước-thiện nào, thì phước-thiện ấy trở thành tihetukakusalakamma: tam-nhân đại-thiện-nghiệp. Và hai thời-kỳ tác-ý còn lại:

– Trong thời-kỳ pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không trong sạch trước khi tạo phước-thiện nào, bởi vì có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến phát sinh xen lẫn. Và nhất là trong thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không trong sạch sau khi đã tạo phước-thiện ấy với thời gian sau nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mỗi khi niệm tưởng đến phước-thiện ấy, đại-thiện-tâm không trong sạch phát sinh, bởi vì có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến xen lẫn, nên phước-thiện ấy trở thành omakakusalakamma: đại-thiện-nghiệp bậc thấp.

Tiền-kiếp của người nhị-nhân ấy đã từng tạo phước-thiện nào đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như vậy, nên phước-thiện ấy trở thành tihetuka-omakakusalakamma: tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc thấp.

* Và tiền-kiếp của người nhị-nhân đã từng tạo đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, hoặc 10 phước-thiện đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như sau:

– Trong thời-kỳ muñcacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ chỉ có 2 thiện-nhân (vô-tham và vô-sân) khi đang tạo phước-thiện nào, thì phước-thiện ấy trở thành dvihetukakusalakamma: nhị-nhân đại-thiện-nghiệp. Và hai thời-kỳ tác-ý còn lại:

– Trong thời-kỳ pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch trước khi tạo phước-thiện nào, không có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến phát sinh xen lẫn. Và nhất là trong thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch sau khi đã tạo phước-thiện ấy với thời gian sau nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mỗi khi nhớ tưởng đến phước-thiện ấy, đại-thiện-tâm trong sạch phát sinh, không có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến xen lẫn, nên phước-thiện ấy trở thành ukkaṭṭha-kusalakamma: đại-thiện-nghiệp bậc cao.

* Tiền-kiếp của người nhị-nhân ấy đã từng tạo phước-thiện nào đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như vậy, nên phước-thiện ấy trở thành dvihetuka-ukkaṭṭhakusalakamma: nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao.

Sau khi tiền-kiếp của người nhị-nhân ấy chết, nếu tihetuka-omakakusalakamma: tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc thấp, hoặc dvihetuka-ukkaṭṭha-kusalakamma: nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) cùng với 3 sắc-pháp là thân (kāyarūpa), sắc-nam-tính hoặc sắc-nữ-tính (bhāvarūpa), hadayavatthurūpa: sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm, làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người nhị-nhân (dvihetukapuggala) từ khi đầu thai vào lòng mẹ.

3- Sugati ahetukapuggala: Hạng người vô-nhân cõi dục-giới là người có tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) là suy-xét-tâm hợp với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm từ khi tái-sinh đầu thai làm người đui mù, câm điếc, tật nguyền, … trong bụng mẹ.

Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người vô-nhân cõi thiện-giới là người đui mù, câm điếc, tật nguyền, … biết tầm thường trong cuộc sống.

Tiền-kiếp của người vô-nhân cõi thiện-giới

Tiền-kiếp của người vô-nhân cõi thiện-giới ấy đã từng tạo đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ như thế nào mà kiếp hiện-tại này là người vô-nhân cõi thiện-giới như vậy?

* Tiền-kiếp của người vô-nhân cõi thiện-giới đã từng tạo đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, hoặc phước-thiện đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như sau: 

– Trong thời-kỳ muñcacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ chỉ có 2 thiện-nhân (vô-tham và vô-sân) khi đang tạo phước-thiện nào, thì phước-thiện ấy trở thành dvihetukakusalakamma: nhị-nhân đại-thiện-nghiệp. Và hai thời-kỳ tác-ý còn lại:

– Trong thời-kỳ pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không trong sạch trước khi tạo phước-thiện nào, bởi vì có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến phát sinh xen lẫn. Và nhất là trong thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không trong sạch sau khi đã tạo phước-thiện ấy với thời gian sau nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mỗi khi niệm tưởng đến phước-thiện ấy, đại-thiện-tâm không trong sạch phát sinh, bởi vì có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến xen lẫn, nên phước-thiện ấy trở thành omakakusalakamma: đại-thiện-nghiệp bậc thấp.

Tiền-kiếp của người vô-nhân cõi thiện-giới ấy đã từng tạo phước-thiện nào đã trải qua ba thời-kỳ tác-ý như vậy, nên phước-thiện ấy trở thành dvihetuka-omakakusalakamma: nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bậc thấp. 

Sau khi tiền-kiếp của người vô-nhân cõi thiện-giới ấy chết, nếu dvihetuka-omakakusalakamma: nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bậc thấp cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm cùng với 3 sắc-pháp là thân (kāyarūpa), sắc-nam-tính hoặc sắc-nữ-tính (bhāvarūpa), hadayavatthurūpa: sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm, làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người vô-nhân cõi thiện-giới (sugati ahetukapuggala) đui mù, câm điếc, tật nguyền, … từ trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, nếu đứa trẻ ấy bị đui mù, câm điếc, tật nguyền trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại, do ác-nghiệp nào cho quả thì không thể gọi là người vô-nhân cõi thiện-giới được, bởi vì, có số đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt.

Kiếp-hiện-tại của hạng người tam-nhân

Kiếp hiện-tại của hạng người tam-nhân nào còn là hạng phàm-nhân (chưa phải bậc Thánh-nhân), sau khi tam-nhân phàm-nhân ấy chết, nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau như sau:

– Nếu có sắc-giới thiện-nghiệp trong sắc-giới thiện-tâm, thì chắc chắn cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có sắc-giới quả-tâm tương xứng gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với sắc-giới quả-tâm ấy, hưởng quả an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy.

– Nếu có vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong vô-sắc-giới thiện-tâm, thì chắc chắn cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có vô-sắc-giới quả-tâm tương xứng gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tương xứng với vô-sắc-giới quả-tâm ấy, hưởng quả an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy.

– Nếu có tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ thì cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người tam-nhân hoặc vị thiên-nam tam-nhân hoặc vị thiên-nữ tam-nhân trên cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời dục-giới ấy.

– Nếu có nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao trong đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ thì cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người nhị-nhân hoặc vị thiên-nam nhị-nhân hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân trên cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi ấy.

– Nếu người tam-nhân nào là người dể duôi phạm điều-giới, tạo ác-nghiệp, thì sau khi người tam-nhân ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu khổ trong cõi ác-giới ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi cõi ác-giới.

Ví dụ: * Trường-hợp tỳ-khưu Devadatta vốn là người tam-nhân đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc các phép-thần-thông, nhưng về sau tỳ-khưu Devadatta đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma) đó là ác-nghiệp chia rẽ chư tỳ-khưu-tăng và làm bầm máu ngón chân cái của Đức-Phật.

Sau khi tỳ-khưu Devadatta chết, chính ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, bị hành hạ thiêu đốt suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất mới mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Đức-Phật thọ ký được tóm lược như sau:

Từ kiếp trái đất này rồi trải qua 100 ngàn kiếp trái đất nữa, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới. Sau khi hậu-kiếp của tỳ-khưu Devadatta thoát ra khỏi cõi ác-giới, có tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai kiếp chót làm người tam-nhân.

Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành đi xuất gia, rồi sẽ trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Aṭṭhissara.

* Trường-hợp Đức-vua Ajātasattu vốn là hạng người tam-nhân, nhưng đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết Đức-phụ-vương Bimbisāra.

Về sau, Đức-vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi, đến hầu đảnh lễ Đức-Phật. Khi ấy, Đức-Phật thuyết bài kinh Sāmaññaphalasutta để tế độ Đức-vua, sau khi nghe xong, Đức-vua phát sinh hỷ lạc chưa từng có, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, rồi Đức-vua kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo, kính xin Đức-Phật công nhận Đức-vua là người cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo trọn đời trọn kiếp. Khi ấy, Đức-vua thành tâm sám hối tội lỗi giết Đức Phụ-vương của mình, kính xin Đức-Phật chứng minh.

Từ đó về sau, Đức-vua Ajātasattu có đức-tin trong sạch đặc biệt nơi Tam-bảo, hết lòng phụng sự cúng dường Tam-bảo.

Thật vậy, sau khi Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn, khoảng 3 tháng 4 ngày, Ngài Đại-trưởng-lão Mahākassapa chủ trì cùng với 500 vị Thánh A-ra-hán tổ chức kỳ kết tập Tam-tạng và Chú-giải lần thứ nhất tại động Sattapaṇṇi gần kinh-thành Rājagaha.

Đức-vua Ajātasattu đã hộ độ 500 vị Thánh A-ra-hán có Ngài Đại-trưởng-lão Mahākassapa chủ trì trong suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.

Đức-vua Ajātasattu là cận-sự-nam phàm-nhân có đức-tin trong sạch đặc biệt nơi Tam-bảo, hết lòng phụng sự Tam-bảo cho đến trọn đời.

Cho nên, sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, lẽ ra ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (giết vua cha) cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci chịu khổ suốt nhiều đại-kiếp trái đất, nhưng nhờ đại-thiện-nghiệp quy-y Tam-bảo và các đại-thiện-nghiệp khác nhất là đại-thiện-nghiệp hộ độ 500 vị Thánh A-ra-hán có Ngài Đại-trưởng-lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội, nên chỉ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục nồi đồng sôi Lohakumbhī, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong cõi tiểu-địa-ngục nồi đồng sôi suốt 60.000 năm, mới mãn quả của ác-nghiệp ấy. 

Đức-Phật truyền dạy được tóm lược như sau:

Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma) giết Đức Phụ-vương chỉ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (nồi đồng sôi) từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi khoảng thời gian 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi khoảng thời gian 30.000 năm mới mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu do nhờ đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người tam-nhân.

Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành đi xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Vịjitāvī.

Kiếp hiện-tại của người nhị-nhân

Kiếp hiện-tại người nhị-nhân nào có khả năng tạo tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

Sau khi người nhị-nhân ấy chết, nếu tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người tam-nhân trong lòng mẹ.

Nếu người nhị-nhân nào dể-duôi (thất-niệm) phạm điều-giới, tạo ác-nghiệp. Sau khi người nhị-nhân ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu khổ trong cõi ác-giới ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác-giới.

Kiếp hiện-tại của người vô-nhân

* Tuy kiếp hiện-tại của người vô-nhân cõi thiện-giới không tạo được đại-thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp nào đặc biệt, nhưng trong tiền-kiếp trải qua vô số kiếp quá-khứ đã từng tạo mọi đại-thiện-nghiệp hoặc mọi ác-nghiệp được lưu trữ ở trong tâm.

Cho nên, sau khi người vô-nhân cõi thiện-giới ấy chết, nếu có nghiệp nào có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) thì có quả-tâm của nghiệp ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau như sau:

– Nếu có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm trong kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người hoặc hóa-sinh làm chư-thiên trên cõi trời dục-giới

– Nếu có ác-nghiệp nào trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm đồng sinh với phóng-tâm) trong kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, loài ngạ-quỷ, loài súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

Ba hạng người là người tam-nhân, người nhị-nhân, người vô-nhân cõi thiện-giới hiện hữu trong đời đều là quả của đại-thiện-nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá-khứ, và những kiếp vị-lai như thế nào, tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi người.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app