II.2- Devabhūmi: Cõi trời dục-giới

Cõi trời dục-giới là nơi tạm trú của chư vị thiên-nam và chư vị thiên-nữ, có 6 cõi:

1- Cātumahārājikābhūmi: Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương.

2- Tāvatiṃsābhūmi: Cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

3- Yāmābhūmi: Cõi trời Dạ-ma-thiên.

4- Tusitābhūmi: Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên.

5- Nimmānaratībhūmi: Cõi trời Hóa-lạc-thiên.

6- Paranimmitavasavattībhūmi: Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên.

II.2.1- Cātumahārājikābhūmi: Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương

Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương là cõi thứ nhất trong 6 cõi trời dục-giới có vị trí từ khoảng giữa núi Sineru ngang bằng đỉnh núi Yugandhara xuống đến mặt đất tiếp xúc cõi người.

Cõi trời này có 4 Đức-thiên-vương trị vì tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời này, nên gọi cātumahārājikābhūmi: cõi trời Tứ-đại-thiên-vương có 4 Đức-thiên-vương trị vì:

1- Đức-thiên-vương Dhataraṭṭha trụ ở hướng Đông của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Gandhabba.

2- Đức-thiên-vương Viruḷhaka trụ ở hướng Nam của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Kumbhaṇḍa.

3- Đức-thiên-vương Virūpakkha trụ ở hướng Tây của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Nāga.

4- Đức-thiên-vương Kuvera hoặc Vessavaṇa trụ ở hướng Bắc của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Yakkha.

Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tứ-đại-thiên-vương đều là thuộc hạ của 4 Đức-thiên-vương, có nhiều nhóm:

– Pabbataṭṭhadevatā: Chư-thiên trú ở núi.

– Ākāsaṭṭhadevatā: Chư-thiên ở trên hư không.

– Khiḍḍāpadosikadevatā: Chư-thiên ham chơi quên ăn chết.

– Manopadosikadevatā: Chư-thiên chết vì sân.

– Sītavalāhakadevatā: Chư-thiên làm khí lạnh.

– Uṇhavalāhakadevatā: Chư-thiên làm khí nóng.

– Candimādevaputtadevatā: Chư-thiên ở trên mặt trăng.

– Suriyadevaputtadevatā: Chư-thiên ở trên mặt trời …

Chư-thiên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương nương nhờ ba nơi gọi là:

– Bhummaṭṭhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên mặt đất.

– Rukkhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên cây. 

– Ākāsaṭṭhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên hư không.

* Bhummaṭṭhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên mặt đất như thế nào?

Chư-thiên là chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ nương nhờ ở trên mặt đất như núi, sông, biển, xung quanh chùa, ngôi tháp, cội đại-Bồ-đề, nhà nghỉ mát, nhà ở, v.v… nếu chư-thiên nương nhờ ở nơi nào thì nơi ấy là chỗ ở của mình.

* Rukkhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên cây như thế nào?

Chư-thiên nương nhờ ở trên cây có hai nhóm:

– Nhóm chư-thiên có lâu đài đặt trên ngọn cây.

– Nhóm chư-thiên có lâu đài đặt trên các cành cây xung quanh.

* Ākāsaṭṭhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên hư không như thế nào?

Chư-thiên là chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ nương nhờ ở trên hư không, lâu đài lớn hoặc nhỏ của mỗi vị phát sinh bằng bảy loại báu do năng lực quả-báu của đại-thiện-nghiệp của mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ.

Tuy nhiên, có những lâu đài phát sinh bằng 6 loại báu, hoặc 5 loại báu, thậm chí chỉ có 1 hoặc 2 loại báu, tất cả lâu đài ấy đều phát sinh do năng lực quả-báu của đại-thiện-nghiệp của mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ.

Bốn Đức-thiên-vương mỗi vị có mỗi lâu đài to lớn bằng thất báu nguy nga lộng lẫy.

Tứ-đại-thiên-vương là 4 Đức-vua-trời hộ trì cõi người, nên gọi là Catulokapāla.

Chư-thiên ác cõi Tứ-đại-thiên-vương

Chư-thiên ác cõi Tứ-đại-thiên-vương có 4 nhóm:

– Yakkha, yakkhinī là nam dạ-xoa, nữ dạ-xoa.

– Gandhabba, gandhabbī là nam gandhabba, nữ gandhabbī.

– Kumbhaṇḍa, kumbhaṇḍī là nam kumbhaṇḍa, nữ kumbhaṇḍī.

– Nāga, nāgī là long-nam, long-nữ.

1- Yakkhadevatā: Chư-thiên yakkha (dạ-xoa) có hai nhóm:

– Yakkhadevatā là loài dạ-xoa có thân hình xinh đẹp có hào quang như chư-thiên.

– Yakkhatiracchāna là loài dạ-xoa có thân hình xấu xí không có hào quang như loài súc-sinh.

Chư-thiên yakkha này nếu khi phát sinh ác-tâm muốn hành hạ chúng-sinh địa-ngục thì hóa ra chúa địa-ngục hiện xuống cõi địa-ngục, hành hạ chúng-sinh địa-ngục, nếu muốn ăn thịt chúng-sinh địa-ngục thì hóa ra con kên kên, con quạ, con chó bắt chúng-sinh địa-ngục để ăn thịt. 

Yakkha (dạ-xoa) thích dùng xác chết làm vật thực.

Nhóm yakkha (nam dạ-xoa), yakkhinī (nữ dạ-xoa) này ở trong sự cai quản của Đức-vua-trời Kuvera hoặc Vessavaṇa.

2- Gandhabbadevatā: Chư-thiên gandhabba, có hai nhóm:

– Nhóm chư-thiên gandhabba nương nhờ sinh trên cây có mùi thơm, rồi vĩnh viễn trú tại nơi cây ấy mãi mãi, dù cho cây ấy bị ngã hoặc bị chết vẫn không dời sang cây khác. Nếu người nào chặt cây ấy đem về làm nhà, đóng tủ, bàn ghế, v.v… làm bất cứ dụng cụ nào thì vị chư-thiên gandhabba ấy vẫn đi theo nương nhờ nơi vật dụng ấy.

Vì vậy, đôi khi chư-thiên gandhabba ấy hiện hình ra để chủ nhân nhìn thấy; đôi khi chư-thiên gandhabba ấy không hài lòng làm quấy nhiễu trong gia đình với nhiều cách như làm cho người trong nhà bị bệnh hoạn ốm đau, làm cho của cải tài sản hư hao không rõ nguyên-nhân, v.v…

Chư-thiên gandhabba có tính chất khác với vị chư-thiên rukkhadevatā là vị chư-thiên cũng nương nhờ sinh trên cây, nhưng khi cây ấy chết hoặc bị người ta chặt cây ấy, vị chư-thiên rukkha-devatā sẽ dời sang nương nhờ nơi cây khác.

– Nhóm chư-thiên gandhabba nương nhờ nơi thân người, người ta thường gọi là người bị phi nhân nhập, hoặc người có người âm nhập.

Người nào khi bị chư-thiên gandhabba nhập vào rồi, người ấy không còn tự chủ nữa, không biết mình, cho đến khi chư-thiên gandhabba xuất ra thì người ấy mới trở lại bình thường như trước.

Nhóm chư-thiên nam gandhabba, nữ gandhabbī này ở trong sự cai quản của Đức-vua-trời Dhataraṭṭha.

3- Kumbhaṇḍadevatā: Chư-thiên kumbhaṇḍa có thân hình to lớn, mắt lồi màu đỏ, có hai nhóm:

– Nhóm chư-thiên kumbhaṇḍa ở trong cõi người có phận sự giữ gìn các kho báu, những viên ngọc quý báu, ngọc maṇi trên núi cao, ngôi bảo tháp, rừng rậm, cây cao to lớn, hồ nước lớn tự nhiên, các con sông sâu, v.v… những nơi nào mà Đức-thiên-vương truyền lệnh cho vị chư-thiên kumbhaṇḍa nào có phận sự giữ gìn, nếu người nào xâm nhập vào nơi ấy thì vị chư-thiên kumbhaṇḍa ấy trừng phạt người ấy.

– Nhóm chư-thiên kumbhaṇḍa ở trong cõi địa-ngục, làm phận sự chúa địa-ngục, chư-thiên kumbhaṇḍa hóa ra kên kên kumbhaṇḍa, quạ kumbhaṇḍa, chó kumbhaṇḍa hành hạ chúng-sinh địa-ngục, hoặc bắt chúng-sinh địa-ngục để ăn thịt.

– Nhóm chư-thiên nam kumbhaṇḍa, nữ kum-bhaṇḍī này ở trong sự cai quản của Đức-vua trời Viruḷhaka.

4- Nāgadevatā: Chư-thiên nāga: long ở dưới mặt đất và ở dưới núi gọi là paṭhavīdevatā.

Nāgadevatā có phép biến hóa do quả của nghiệp (vipāka-iddhi) có khả năng hóa ra thành người, chư-thiên, con cọp, sư tử, v.v… Nāgadevatā phát sinh ác-tâm thích hành hạ chúng-sinh địa-ngục giống như yakkhadevatā, kumbhaṇḍadevatā.

Nhóm chư-thiên nam nāga (long nam), nữ nāgī (long nữ) này ở trong sự cai quản của Đức-vua-trời Virūpakkha.

Chư-thiên trong cõi Tứ-đại-thiên-vương có ác-tâm hung dữ, 4 nhóm này không những thích hành hạ các chúng-sinh khác, mà còn hành hạ đồng loại với nhau nữa.

Vì vậy, mỗi Đức-thiên-vương cai quản, trừng phạt mỗi nhóm.

Tóm lại chư-thiên trong cõi Tứ-đại-thiên-vương có nhiều nhóm, có nhóm chư-thiên thiện, có nhóm chư-thiên ác, có nhóm có chánh-kiến, có nhóm có tà-kiến, có nhóm có đức-tin nơi Tam-bảo, có nhóm không có đức-tin nơi Tam-bảo, có nhóm hộ trì loài người, có nhóm quấy nhiễu loài người, v.v… 

* Chư-thiên trong cõi Tứ-đại-thiên-vương có tuổi thọ 500 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 9 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 50 năm cõi người.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app