Phần 3

Lễ Mừng Lên Ngôi Báu Và Thành Hôn

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh tổ chức đại lễ mừng lên ngôi báu và thành hôn với Công-chúa Sīvalidevī. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka lên ngôi vua, ngự tại kinh-thành Mithilā trị vì đất nước Videharaṭṭha, thần dân thiên hạ được sống an-lạc trong cảnh thanh bình thịnh vượng.

Trong đất nước Videharaṭṭha, thần dân thiên hạ biết Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka vốn là Thái-tử của Đức-vua Ariṭṭhajanaka là Đức-vua đại phước, đại-thiện-trí không một ai sánh được, nên dân chúng trong kinh-thành Mithilā, ngoại thành và các tỉnh thành, các làng mạc đủ các thành phần giai cấp khắp mọi nơi trong nước mang các phẩm vật quý giá đến yết kiến Đức-vua, kính dâng các phẩm vật của xứ sở của họ lên Đức-vua.

Cho nên, Đức-vua có nhiều của cải lớn lao. Đức-vua ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng cao quý, như Đức-vua trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-vua Bồ-tát hồi tưởng lại cảnh chìm thuyền ở giữa đại dương:

“Pháp tinh-tấn là pháp-hạnh ba-la-mật nên hành, nếu ta không có sự cố gắng tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm trong đại dương thì ngày nay, ta không thể ngự trên ngai vàng, hưởng được mọi sự an-lạc như thế này!

Sở dĩ ngày hôm nay ta được ngự trên ngai vàng, hưởng được mọi sự an-lạc như thế này là nhờ pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật ấy.”

Hồi tưởng như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ mới tự thuyết những bài kệ có ý nghĩa rằng:

“Người là bậc thiện-trí nên có niềm tin và hy vọng, có sự tinh-tấn trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy điều mong muốn được lên ngôi vua đã thành tựu đối với ta.

Người là bậc thiện-trí nên có niềm tin và hy vọng, có sự tinh-tấn trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy sự tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương, rồi ta được vớt lên đặt nằm trên tảng đá an lành trong vườn thượng uyển.

Người là bậc thiện-trí nên có sự tinh-tấn không ngừng trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy điều mong muốn được lên ngôi vua đã thành tựu đối với ta.

Người là bậc thiện-trí nên có sự tinh-tấn không ngừng trong công việc của mình, không nên lười biếng, không nên chán nản. Ta đã thấy sự tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương, rồi ta được vớt lên đặt nằm trên tảng đá an lành trong vườn thượng uyển.

Người có trí-tuệ dù gặp hoàn cảnh khổ cùng cực vẫn có sự tinh-tấn không ngừng, có niềm tin và hy vọng, rồi sẽ được sự an-lạc.

Phần đông mọi người, khi sống trong cảnh an-lạc thì mới có sự tinh-tấn tạo được những điều lợi ích cho mình, nhưng khi gặp phải hoàn cảnh khổ cùng cực thì thoái chí nản lòng, không có tinh-tấn thực-hành đem lại điều lợi ích cho mình, bởi vì, những người ấy không biết suy xét.

Thực ra, dù sống trong cảnh an-lạc, hoặc gặp phải hoàn cảnh khổ cùng cực cũng đều có thể tinh-tấn thực-hành đem lại những điều lợi ích cho mình được.

Những người ấy không chịu khó suy nghĩ điều ấy, nên sự chết đến với họ. Vì vậy, pháp tinh-tấn không ngừng là pháp-hạnh nên thực-hành.

Ta lên ngôi vua mà không cần phải chiến đấu, tranh giành. Đó là điều mà ta không nghĩ, lại xảy đến với ta. Còn điều ta nghĩ phải chiến đấu để giành lại ngôi vua cha, thì điều đó không xảy ra đối với ta.

Những thứ của cải tài sản của người đàn ông hoặc người đàn bà được thành tựu không phải do suy nghĩ suông, mà thật ra, những thứ của cải tài sản ấy được thành tựu do sự tinh-tấn không ngừng trong công việc của mình. Cho nên, sự tinh-tấn không ngừng là pháp-hạnh cần phải thực-hành.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka trị vì đất nước Videha bằng 10 pháp-vương (10 pháp-hành của Đức-vua), thường hộ độ cúng dường đến chư Phật Độc-Giác.

Về sau, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī sinh hạ được Thái-tử, đặt tên là Dīghāvu. Khi Thái-tử Dīghāvu trưởng thành, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka tấn phong Thái-tử làm Đức Phó-vương.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka trị vì đất nước Videha được 7.000 năm, thần dân thiên hạ trong nước đều sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng.

Một hôm, người trông nom vườn thượng uyển đem những quả xoài có vị ngon ngọt thơm tho, những đoá hoa xinh đẹp đến kính dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka. Nhìn thấy những phẩm vật ấy, Đức-vua tán dương ca tụng người trông nom vườn thượng uyển, rồi truyền bảo rằng:

Này ngươi! Trẫm muốn du lãm vườn thượng uyển. Vậy, ngươi nên trang hoàng vườn thượng uyển.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, sau khi trang hoàng vườn thượng uyển xong, người trông nom vườn thượng uyển đến chầu Đức-vua, rồi tâu thỉnh Đức-vua ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Bài Học Về Hai Cây Xoài

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka cưỡi trên lưng con voi báu ngự đến vườn thượng uyển cùng với đoàn hộ giá đông đảo. Khi ngự đến cổng vườn thượng uyển, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nhìn thấy hai cây xoài gần cổng:

* Một cây xoài có quả chín trĩu các cành.

* Một cây xoài không có quả xanh tươi.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka ngự trên lưng con voi báu, đưa tay hái một quả xoài chín dùng thử, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt như hương vị trời.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nghĩ rằng:

“Khi hồi cung ngự trở về, ta sẽ dùng thêm đôi quả xoài ấy nữa.”

Đức-vua Bồ-tát tiếp tục ngự vào vườn thượng uyển để du lãm cảnh vật, những hoa quả trong vườn.

Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka đã hái quả xoài dùng trước rồi, phái đoàn hộ giá mới dám hái những quả xoài để dùng. Khi miếng xoài chạm vào lưỡi, họ thưởng thức được hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên để hái những quả xoài chín ở trên các cành cây cao, họ đã chặt những cành cây ấy, làm cho cây xoài có quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi. Còn cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên.

Sau khi du lãm vườn thượng uyển xong, khi Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka hồi cung, ngự ra cổng vườn thượng uyển, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nhìn thấy cây xoài vừa mới đây có quả chín trĩu các cành, nay nó bị chặt các cành, đứng trơ trụi, nên Đức-vua Bồ-tát bèn truyền hỏi các quan rằng:

Này các khanh! Vừa mới đây cây xoài này có quả chín trĩu các cành, tại sao nay như thế này?

Các quan tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, sau khi Bệ-hạ đã dùng quả xoài chín xong, những người trong đoàn hộ giá, mỗi người đều hái quả xoài chín để ăn, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên ai cũng muốn thưởng thức hương vị ấy. Để hái những quả xoài chín ở trên các cành cao, họ đã chặt những cành cây ấy, cho nên, làm cho cây xoài có quả ấy trụi các cành, đứng trơ trọi như vậy. Tâu Bệ-hạ.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka truyền hỏi rằng:

Này các khanh! Tại sao cây xoài này có quả thì lại bị chặt trụi các cành, đứng trơ trọi, còn cây xoài kia không có quả vẫn xanh tươi như thường?

Muôn tâu Bệ-hạ, bởi vì, cây xoài này có quả chín trĩu các cành, quả xoài chín có hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường, nên ai cũng muốn thưởng thức hương vị của quả xoài ấy. Vì vậy, nó bị chặt trụi các cành để hái quả chín. Còn cây xoài kia không có quả, thì không ai quan tâm đến nó. Vì vậy, cây xoài kia vẫn được xanh tươi tự nhiên. Tâu Bệ-hạ.

Đức-Bồ-Tát Phát Sinh Động Tâm

Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka phát sinh động tâm, nên suy nghĩ:

* Một cây xoài này có quả chín trĩu các cành, quả xoài chín có hương vị thơm tho ngon ngọt, nên nó bị chặt trụi các cành, để hái quả ấy.

* Một cây xoài kia không có quả, thì không ai quan tâm đến nó, nên nó vẫn xanh tươi như thường.

Cũng như vậy, nếu ta ngự trên ngai vàng có đầy đủ mọi sự an-lạc thì cũng giống như cây xoài này có quả chín thơm tho ngon ngọt. Nhưng nếu ta từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, sống trong rừng thì cũng giống như cây xoài không có quả kia.

Sự tai hại thường xảy đến đối với người có nhiều của cải tài sản lớn, sự tai hại ít xảy đến đối với người không có của cải tài sản.

Vậy, ta nên là người không giống như cây xoài có quả chín thơm tho ngon ngọt này, mà ta nên là người giống như cây xoài không có quả kia.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahājanaka phát nguyện:

“Ta nguyện chắc chắn sẽ từ bỏ ngôi vua, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.”

Sau khi hồi cung, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka một mình đi thẳng lên lâu đài, cho truyền gọi vị quan Thừa-tướng đến rồi truyền lệnh rằng:

Này khanh! Bắt đầu từ hôm nay, Trẫm chỉ cho phép một người đem vật thực, đồ dùng đến hầu Trẫm mà thôi. Ngoài ra, Trẫm không cho phép một ai đến quấy rầy sự yên tĩnh của Trẫm cả. Mọi công việc triều đình, các quan tự điều hành, còn Trẫm ở một mình trên lâu đài này, thực-hành theo pháp-hạnh của Sa-môn.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka tạo pháp-hạnh của Sa-môn ở trên lâu đài suốt 4 tháng, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka cảm thấy bị giam hãm trong lâu đài như ở trong địa-ngục. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nhận thức thấy rõ:

“Tất cả các cõi trong tam-giới này như bị thiêu, bị đốt.”

Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka hướng tâm đến sự xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka tự hỏi rằng:

“Khi nào ta mới được từ bỏ kinh-thành Mithilā to lớn này, đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ đây?”

Thời Đại Đức-Vua Bồ-Tát Mahājanaka

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka sinh ra trong thời đại con người có tuổi thọ khoảng 10.000 năm, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka đã lên ngôi báu làm vua được 7.000 năm. Sau khi Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka chứng kiến về hai cây xoài trước cổng vào vườn thượng uyển:

* Một cây xoài có nhiều quả chín ngon ngọt thơm tho, thì bị chặt trụi các cành, để hái quả xoài chín ấy.

* Một cây xoài không có quả thì vẫn xanh tươi như thường.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka suy ngẫm thấy rõ rằng:

“Đời sống Đế-vương dễ phát sinh nhiều điều phiền não, dễ bị tai hại. Còn đời sống của bậc xuất-gia khó phát sinh phiền não, được an toàn.”

Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka quyết định từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-vua Bồ-tát truyền bảo vị quan hầu cận thân tín rằng:

Này khanh! Khanh hãy đi tìm cho Trẫm một bộ y màu lõi mít và một cái bát đất, tuyệt đối giữ kín, không được cho ai biết cả.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, vị quan hầu đi tìm bộ y và một cái bát đất, đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh cho gọi người thợ cắt tóc đến, Đức-vua Bồ-tát truyền bảo người thợ cắt tóc và cạo râu sạch sẽ xong, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka ban thưởng cho người thợ cắt tóc xóm làng để lấy thuế nuôi mạng.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka cởi bộ triều phục và những đồ trang sức ra, mặc bộ y màu lõi mít, mang cái bát đất đi lại trên lâu đài, Đức Bồ-tát Mahājanaka cảm thấy vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

Ô! Đời sống của bậc xuất-gia thật là an-lạc quá! Thật là thanh cao quá!

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngự tại lâu đài suốt ngày hôm ấy. Sáng ngày hôm sau, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī truyền bảo 700 cung phi mỹ nữ rằng:

Này các em yêu quý! Suốt 4 tháng qua, chúng ta chưa đến chầu Hoàng-thượng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đến chầu Hoàng-thượng. Vậy, các em mỗi người hãy trang điểm cho đẹp duyên dáng đáng yêu, để làm cho Hoàng-thượng hài lòng.

Khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự từ trên lâu đài đang đi xuống, thì cũng là lúc Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī trang điểm đẹp đẽ lộng lẫy như thiên-nữ, dẫn đầu 700 cung phi mỹ nữ ngự lên lâu đài, gặp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka trong hình tướng đạo-sĩ với bộ y phục màu lõi mít ôm bát đất ngự từ trên lâu đài đi xuống mà Bà không nhận ra Đức-vua, Bà tưởng lầm là Đức-Phật Độc-Giác ngự đến khất thực trở về.

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ đảnh lễ Ngài rồi tiếp tục ngự bước lên lầu. Khi đến nơi, Bà không thấy Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, mà chỉ thấy bộ triều phục và các đồ trang sức của Đức-vua để trên long sàng, và nhìn thấy tóc râu của Đức-vua ở một nơi, Bà biết ngay và nói rằng:

Bậc xuất-gia mà chúng ta gặp từ trên lâu đài ngự đi xuống không phải là Đức-Phật Độc-Giác như chúng ta tưởng lầm. Sự thật, bậc xuất-gia ấy chính là Hoàng-thượng của chúng ta.

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ vội vàng ngự xuống lâu đài, đi theo Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka thì bắt kịp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tại trước cửa hoàng cung. Bà xõa tóc trước trán, chắp hai tay đặt sát mặt đất lạy Đức-vua, khóc than khẩn khoản kính thỉnh Đức-vua hồi cung. Không quan tâm đến lời tha thiết khẩn khoản cầu xin của Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn ngự đi một cách tự nhiên. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngự đi trước, còn Chánh-cung Hoàng-hậu cùng 700 cung phi mỹ nữ ngự theo sau.

Dân chúng trong kinh-thành Mithilā biết tin Đức-vua Mahājanaka từ bỏ ngôi vua đi xuất gia, họ đi theo sau khóc than rằng:

Đức-vua của chúng ta là bậc Minh-quân đức độ, nay đã từ bỏ chúng ta đi xuất gia rồi!

Dân chúng cùng kéo nhau đi theo sau Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, tất cả đều đi theo sau Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh các quan cận thần rằng:

Này các khanh! Các khanh trở về gom các xác nhà cũ, cỏ rác… đốt cháy trước cửa cung điện làm cho cột khói to bốc lên hư không cho ta.

Tuân lệnh của Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī, các quan đốt lửa thành cột khói to bốc lên hư không. Bà lạy tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, các kho vàng, kho ngọc, kho báu… của Hoàng-thượng đều bị cháy. Kính thỉnh Hoàng-thượng hồi cung, truyền lệnh các quan dập tắt lửa để bảo vệ của cải sản nghiệp của Hoàng-thượng.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī rằng:

Bần đạo không còn gì bị cháy cả.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tiếp tục ngự ra cửa thành hướng Bắc, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng ngự đi theo. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu bày ra nhiều mưu kế khác, nhưng cũng không thể nào làm cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ hồi cung được. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn cứ tiếp tục ngự đi trước, mọi người vẫn theo sau mà Ngài cũng không thể nào ngăn cản, hoặc làm cho họ chịu trở về cung điện, trở về nhà của họ được.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đứng lại, quay mặt về phía mọi người truyền hỏi các quan rằng:

Này các khanh! Phần đất này thuộc về ai vậy?

Các quan tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, phần đất này thuộc về Bệ-hạ.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dùng cây gậy gạch ngang phần đất rồi truyền lệnh rằng:

Này các khanh! Phần đất này thuộc về Trẫm, nếu người nào vượt qua đường gạch ngang này, người ấy sẽ bị phạm tội.

Truyền lệnh xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ quay mặt về phía trước tiếp tục ngự đi. Do oai lực của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, đoàn dân chúng không có một ai dám vượt qua đường vạch ngang trên mặt đất ấy. Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī khóc than nằm lăn xuống mặt đất, ngước nhìn theo Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngự đi phía trước, làm cho con đường vạch ngang trên mặt đất bị xoá mất, không còn thấy đường vạch ngang trên mặt đất nữa. Thế là Bà cùng các cung nữ và dân chúng lại tiếp tục đi theo Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.

Đạo-Sĩ Nārada

Khi ấy, vị đạo-sĩ Nārada nhập thiền hưởng sự an-lạc suốt 7 ngày tại động Suvaṇṇagūhā trong rừng núi Himavanta. Sau khi xả thiền rồi tự thốt lên rằng:

Ô! thiền định thật là an-lạc!

Sự an-lạc trong thiền định thật là thanh cao!

Với nhãn-thông, Vị đạo-sĩ Nārada xem xét chúng-sinh trong cõi Nam-thiện-bộ-châu, có ai mong ước sự an-lạc thanh cao ấy hay không?

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka có mầm mống sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, nên vị đạo-sĩ Nārada nghĩ rằng:

“Đức-vua Bồ-tát đã từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, thế mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ không ngăn cản được Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī cùng 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng đi theo sau, làm trở ngại việc hành đạo của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Ta nên hiện đến đàm đạo với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.”

Sau khi nghĩ xong, vị đạo-sĩ Nārada bay trên hư không đáp xuống đứng trước Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka, rồi đàm đạo với Ngài. Sau khi được gần gũi thân cận đàm đạo với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, vị đạo-sĩ Nārada vô cùng hoan hỷ cảm thấy đó là điều hạnh phúc cao thượng. Vị đạo-sĩ Nārada xin phép từ giã trở về chỗ ở của mình.

Đạo-Sĩ Migājina

Vị đạo-sĩ Migājina nhập thiền hưởng sự an-lạc trong rừng núi Himavanta, sau khi xả thiền rồi xem xét chúng-sinh với nhãn-thông nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahā-janaka, nên nghĩ rằng:

“Ta sẽ hiện đến gần gũi thân cận đàm đạo với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Đó là cơ hội tốt của ta.”

Sau khi nghĩ xong, vị đạo-sĩ Migājana bay trên hư không đáp xuống gần gũi thân cận với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka, bèn thưa rằng:

Kính thưa Đức Đạo-sĩ, Ngài nhận thức như thế nào mà từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ hoàng gia, từ bỏ đất nước thần dân thiên hạ, để đi xuất gia trở thành đạo-sĩ sống đời khất thực bằng cái bát đất này? Thưa Ngài.

Nghe vị đạo-sĩ Migājina hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka thưa rằng:

Thưa Đạo-sĩ Migājina, tôi nhận thức thấy rõ cuộc đời của hạng phàm nhân tại gia thường bị ràng buộc bởi phiền não. Nếu hạng phàm nhân tại gia nào phát sinh phiền não trong đối tượng nào, thì tâm của hạng phàm nhân ấy bị ô nhiễm, bị ràng buộc bởi phiền não, bị sa lầy đắm chìm trong đối tượng ấy. Đó là điều mà tôi tư duy tự dạy mình rằng:

“Nếu tôi phát sinh phiền não trong đối tượng nào thì tâm của tôi cũng bị ô nhiễm, bị ràng buộc bởi phiền não, bị sa lầy đắm chìm trong đối tượng ấy. Vì vậy, tôi quyết tâm-từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, hoan hỷ sống theo cách khất thực bằng cái bát đất này.”

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka giải đáp với lời lẽ rất hay, sâu sắc, vị đạo-sĩ Migājina muốn nghe lời dạy của của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nên thưa rằng:

Thưa Đức đạo-sĩ, lời dạy của Ngài thật là hay, vô cùng sâu sắc. Vậy, Ngài đã từng nghe lời giảng dạy từ bậc Sa-môn nào, mà Ngài chưa nói đến bậc Sa-môn ấy?

Thưa Đạo-sĩ Migājina, thật ra, tôi là người rất kính trọng các bậc Sa-môn, nhưng điều mà tôi đã thưa với Ngài, là do chính tôi đã mục kích sự việc xảy ra, rồi tư duy tự dạy mình.

Thưa Đạo-sĩ Migājina, tôi đang hưởng sự an-lạc trên ngai vàng. Một hôm, tôi ngồi trên con voi báu, ngự đi du lãm vườn thượng uyển cùng với đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo, có nhạc vang rền theo sau. Đến cổng vườn thượng uyển, tôi nhìn thấy hai cây xoài: Một cây xoài có quả chín trĩu các cành và một cây xoài không có quả xanh tươi. Tôi ngự trên lưng con voi báu, đưa tay hái một quả xoài chín dùng thử, quả xoài có hương vị thơm tho ngon ngọt như hương vị trời. Tôi nghĩ rằng:

“Khi hồi cung ngự trở về, ta sẽ dùng thêm đôi quả xoài này nữa.”

Tôi tiếp tục ngự đi vào vườn thượng uyển để du lãm cảnh vật những hoa quả trong vườn.

Nhìn thấy tôi đã hái quả xoài dùng trước rồi, phái đoàn tuỳ tùng hộ giá mới dám hái những quả xoài để dùng. Khi miếng xoài chạm vào lưỡi, họ thưởng thức được hương vị thơm tho ngon ngọt lạ thường. Muốn hái những quả xoài chín ở trên cành cây cao, họ đã chặt những cành cây, làm cho cây xoài có nhiều quả chín ấy trụi các cành, đứng trơ trọi.

Sau khi du lãm vườn thượng uyển xong, tôi hồi cung, ngự ra cổng, tôi nhìn thấy cây xoài có nhiều quả chín trĩu các cành vừa mới đây, nay trở thành cây xoài bị trụi các cành, đứng trơ trọi. Còn cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên.

Nhìn thấy hai cây xoài như vậy, nên tôi suy xét rằng:

“Những kẻ thù muốn chiếm ngai vàng, họ có thể sát hại ta, như những người muốn ăn quả xoài chín ngon ngọt thơm tho, họ chặt trụi các cành cây, để hái quả xoài chín trên cao.”

Như vậy, một cây xoài có quả chín trĩu các cành, quả có hương vị thơm tho ngon ngọt và một cây xoài không có quả vẫn xanh tươi tự nhiên. Đó là vị thầy dạy dỗ tôi, giúp tôi có nhận thức đúng đắn về cuộc đời, nên tôi đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, hoan hỷ sống đời khất thực bằng cái bát đất này.

Sau khi nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ giải đáp xong, vị đạo-sĩ Migājina rất hài lòng, vô cùng hoan hỷ lời dạy của Ngài, rồi xin phép trở về chỗ ở của mình.

Chuyện Miếng Thịt Nướng

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự vào thành Thūna-nagara đi khất thực, khi ấy, tại cửa thành có người nướng miếng thịt vừa chín, người ấy đem miếng thịt chín còn đang nóng đặt một nơi chờ cho nguội để ăn, thì một con chó đánh mùi thịt nướng, đi đến ngậm miếng thịt ấy chạy ra ngoài cửa thành. Người ấy đuổi theo con chó mà không kịp nên quay trở lại. Khi con chó đang ngậm cắm cúi chạy ra ngoài cửa thành thì gặp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka từ ngoài ngự vào thành đi khất thực, nó hoảng sợ bỏ lại miếng thịt để chạy trốn.

Nhìn thấy miếng thịt chín mà con chó bỏ lại, không có chủ, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cúi xuống lượm miếng thịt nướng ấy, phủi bụi dơ, bỏ vào bát đất, đi đến chỗ có nước, ngồi suy xét về vật thực chỉ là tứ đại mà thôi, rồi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dùng miếng thịt nướng ấy.

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī theo dõi mọi hành vi cử chỉ của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nên nghĩ rằng:

“Nếu khi Hoàng-thượng còn ngự trên ngai vàng, thì chắc chắn Hoàng-thượng không bao giờ dùng món thịt đã dính đất dơ bẩn của con chó bỏ lại. Món thịt thật đáng nhờm gớm làm sao!” Nghĩ xong Bà tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, tại sao Hoàng-thượng có thể dùng món thịt thật đáng nhờm gớm như vậy được?

Này Sīvalidevī! Bà không thể nào biết được tính chất đặc biệt của món ăn khất thực này đâu!

Muôn tâu Hoàng-thượng, người ta thà chịu chết đói, chứ không dùng món thịt dính đất dơ bẩn. Còn Đại-vương lại có thể dùng món thịt dính đất dơ bẩn của con chó bỏ lại. Miếng thịt ấy thật đáng nhờm gớm biết dường nào!

Này Sīvalidevī, miếng thịt nào của con chó hoặc của con người đã bị xả bỏ, vô chủ. Vậy, bần đạo có được miếng thịt ấy một cách hợp pháp. Món ăn nào mà người ta có được một cách hợp pháp thì chư bậc thiện-trí dạy rằng: “Người dùng món ăn ấy không có lỗi.”

Món ăn nào mà người ta có được một cách không hợp pháp, dù món ăn ấy có giá trị gấp trăm ngàn lần thì món ăn ấy vẫn là món ăn không sạch sẽ. Đó mới thật là món ăn đáng nhờm gớm!

Chuyện Hai Chiếc Vòng Đeo Tay

Khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự đi trước, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī ngự đi theo sau thường gợi hỏi chuyện với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, trên con đường vào thành Thūnanagara. Những đứa trẻ đang chơi trò chơi với nhau, đứa bé gái đeo một chiếc vòng trong cánh tay này thì không nghe tiếng kêu, còn đeo hai chiếc vòng trong cánh tay kia, khi cử động thì chiếc vòng này va chạm với chiếc vòng kia phát ra tiếng kêu.

Nhìn thấy vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nghĩ rằng:

“Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī đi theo đằng sau ta thường hay nói chuyện với ta. Bậc thiện-trí dạy rằng:

“Đàn bà thường làm ô nhiễm đến bậc hành phạm-hạnh.” Nhìn thấy Sīvalidevī đi theo sau ta, người ta sẽ chê trách rằng: “Vị đạo-sĩ là bậc xuất-gia, mà còn chưa từ bỏ được vợ.”

Nếu bé gái này là đứa bé thông minh, thì nó sẽ giải thích về một chiếc vòng và hai chiếc vòng đeo trong cánh tay của nó. Sau khi nghe lời giải thích của bé gái ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī sẽ ý thức được việc đi theo sau vị đạo-sĩ là điều không nên. Bà sẽ chịu hồi cung trở về kinh-thành Mithilā.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự đến gần cô bé hỏi rằng:

Này cô bé dễ thương! Hai cánh tay của con, một bên đeo một chiếc vòng, một bên kia đeo hai chiếc vòng. Khi con cử động cánh tay đeo một chiếc vòng thì không có tiếng kêu, và khi con cử động cánh tay đeo hai chiếc vòng thì phát ra tiếng kêu. Do nguyên nhân nào vậy con?

Kính thưa Ngài Sa-môn, cánh tay này của con đeo hai chiếc vòng, mỗi khi cánh tay con cử động thì chiếc vòng này va chạm với chiếc vòng kia, nên phát ra tiếng kêu. Còn cánh tay kia của con chỉ có một chiếc vòng mà thôi, dù cho con cử động nó cách nào, thì chiếc vòng cũng không thể phát ra tiếng kêu được, bởi nó không va chạm chiếc vòng khác.

Cũng giống như bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình, thì không chuyện trò, cãi cọ, tranh luận.

Kính thưa Ngài Sa-môn, nếu khi có hai người thì mới chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với nhau. Còn chỉ có một người thôi, thì chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với ai! Ngài là bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình là hơn.

Kính thưa Ngài Sa-môn, thông thường các bậc Sa-môn không dẫn theo em gái cùng đi chung một con đường. Ngài là bậc Sa-môn tại sao Ngài cho vợ đi theo Ngài như vậy. Người vợ này sẽ làm trở ngại cho việc tạo pháp-hạnh cao thượng của Ngài.

Vậy, xin Ngài nên từ bỏ người vợ này, đi một mình để thuận lợi cho việc thực-hành pháp Sa-môn của Ngài.

Sau khi nghe lời giải thích hai chiếc vòng đeo tay và lời khuyên của bé gái, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Māhajanaka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī ngự đến một con đường rẽ hai bên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đứng lại truyền bảo với Bà Sīvalidevī rằng:

Này Sīvalidevī! Bà đã nghe lời giải thích hai chiếc vòng đeo tay và lời khuyên của bé gái còn ngủ với mẹ, nó là đứa bé nhà quê, nó chê trách bần đạo đi chung với bà cùng một con đường.

Này Sīvalidevī! Con đường rẽ đôi này có hai bên. Ngay bây giờ, xin bà chọn trước một con đường, con đường còn lại thuộc về bần đạo. Bần đạo và bà phải chia tay nhau tại nơi này. Kể từ nay, xin bà không nên nghĩ bần đạo là phu quân của bà và bần đạo cũng không còn nghĩ bà là phu nhân của bần đạo nữa.

Nghe lời truyền bảo của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahā-janaka, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī vô cùng khổ tâm tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng là bậc cao thượng, Hoàng-thượng nên đi con đường bên phải, còn thần thiếp là kẻ thấp hèn sẽ chọn con đường bên trái.

Tâu xong, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī chắp hai tay đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, rồi chia tay mỗi người ngự đi một con đường. Nhưng Bà chỉ đi được một đoạn, thì nỗi khổ tâm cùng cực phát sinh không sao chịu được nữa, nên đành phải quay trở lại, đi theo sau chung con đường với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.

Chuyện Người Thợ Làm Mũi Tên

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự vào trong thành Thūnanagara đi khất thực, đến trước cửa nhà người làm mũi tên, có Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī đứng phía sau. Khi ấy, Ngài nhìn thấy người thợ làm mũi tên đang hơ mũi tên trên lò than cháy nóng, lấy nó ra, nheo mắt một bên ngắm mũi tên với con mắt bên kia, để thấy chỗ nào cong thì uốn lại cho thẳng.

Nhìn thấy người thợ làm mũi tên như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka nghĩ rằng:

“Nếu người thợ làm mũi tên này là người thông minh thì y sẽ giải thích về sự lợi ích về hành động của y, và sẽ làm cho Chánh-cung Hoàng-hậu thức tỉnh không theo sau ta nữa mà hồi cung trở về kinh-thành Mithilā.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đến gần người thợ làm mũi tên, hỏi rằng:

Này người thợ! Ngươi nheo mắt một bên, ngắm mũi tên với con mắt bên kia. Vậy, ngươi thấy sự lợi ích như thế nào mà hành động như vậy?

Người thợ làm mũi tên giải thích rằng:

Kính thưa Ngài Sa-môn, nếu tôi ngắm mũi tên với cả hai con mắt, mắt sẽ nhòa, không thể thấy chỗ cong của mũi tên ở phía trước, thì không thể uốn nó cho thẳng được. Khi tôi nheo mắt một bên, ngắm mũi tên với con mắt bên kia, thì tôi có thể thấy chỗ cong của mũi tên, để uốn nó thẳng được.

Cũng như vậy, nếu có hai người đi với nhau thì mới có chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với nhau, nếu chỉ một người thì chuyện trò, cãi cọ, tranh luận với ai được! Bậc Sa-môn nên sống vắng lặng một mình.

Thông thường các Sa-môn không dẫn em gái đi chung một đường, Ngài là Sa-môn tại sao Ngài lại cho vợ đi theo với Ngài như vậy? Người vợ này sẽ làm trở ngại việc thực-hành phạm hạnh cao thượng của Ngài.

Thật ra, Ngài nên từ bỏ người vợ này, Ngài nên đi một mình để thuận lợi cho việc thực-hành phạm hạnh cao thượng của Ngài.

Nghe người thợ làm mũi tên giải thích và khuyên như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka hoan hỷ xin từ giã để đi khất thực, khi được các món vật thực, trộn chung lẫn nhau đủ dùng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngự đi ra khỏi thành đến một nơi có nước, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngồi độ vật thực xong, súc miệng rửa bát, rồi tiếp tục ngự đi đến một con đường rẽ đôi hai bên. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahā-janaka dừng lại truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī rằng:

Này Sīvalidevī! Bà đã nghe người thợ làm mũi tên chê trách bần đạo đi chung với bà cùng một con đường rồi phải không?

Này Sīvalidevī! Tại đây con đường rẽ đôi có hai bên, bà nên chọn trước một con đường, con đường còn lại thuộc về bần đạo. Kể từ nay, xin bà không nên nghĩ bần đạo là phu-quân của bà, và bần đạo cũng không còn nghĩ bà là phu-nhân của bần đạo nữa.

Tuy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka truyền bảo như vậy, nhưng Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī không thể nào cách xa Đức-Bồ-tát đạo-sĩ được. Vì vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngự đi trước, còn Chánh-cung Hoàng-hậu vẫn ngự đi theo sau, mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ không thể nào ngăn cản hoặc khuyên bảo Bà chịu hồi cung trở lại kinh-thành Mithilā được.

Thật ra, không chỉ có Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvali-devī, mà còn có 700 cung phi mỹ nữ, dân chúng cùng đi theo sau Bà nữa.

Đến một khu rừng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka muốn Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī, 700 cung phi mỹ nữ và số đông dân chúng trở về kinh-thành Mithilā, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhổ một cây cỏ tranh bên đường, rồi đưa cây cỏ lên truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī rằng:

Này Sīvalidevī! Bà hãy nhìn cây cỏ tranh này, nó không thể sống lại chỗ đất cũ của nó được nữa. Cũng như vậy, kể từ nay, bần đạo cũng không thể nào sống chung với bà như trước được nữa. Bần đạo chỉ sống một mình mà thôi. Còn bà nên hồi cung dẫn đoàn người trở về kinh-thành Mithilā.

Nghe lời truyền bảo dứt khoát của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka:

“Kể từ nay, bần đạo cũng không thể nào sống chung với bà như trước được nữa.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī biết rõ rằng:

“Kể từ nay, ta không thể nào sống chung với Đức-vua Mahājanaka được nữa.”

Bà phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, úp mặt vào hai bàn tay khóc than thảm thiết, nằm lăn xuống đất chết ngất tại mặt đường ấy. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tuy thấy Chánh-cung Hoàng-hậu chết ngất tại nơi ấy như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn ngự đi vào rừng núi Himavanta.

Khi ấy, các người hầu cận cấp cứu Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī. Vừa tỉnh lại, Bà liền truyền hỏi rằng:

Này các ngươi! Hoàng-thượng ngự đi đâu rồi?

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī truyền lệnh đi tìm Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka, nhưng các quan không tìm thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ở chỗ nào cả. Bà truyền lệnh xây dựng một ngôi tháp kỷ niệm chỗ chia tay lần cuối cùng với Đức-vua Mahājanaka, cúng dường hoa, vật thơm, …

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī hồi cung cùng với 700 cung phi mỹ, các quan, dân chúng đông đảo dẫn nhau trở về kinh-thành Mithilā.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app