Phần 12

8- Pháp-Hạnh Phát-Nguyện Ba-La-Mật (Adhiṭṭhānapāramī )

Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

8.1 – Pháp-Hạnh Phát-Nguyện Ba-La-Mật Bậc Hạ (Adhiṭṭhānapāramī )

Tích Nimijātaka (Ni-mi-cha-tá-ká)

Trong tích Nimijātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama là Đức-vua Nimi tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật (adhiṭṭhānapāramī).

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại vườn xoài thượng uyển của Đức-vua Maghadeva, gần kinh-thành Mithilā. Ngài thuyết về tích Nimijātaka này đề cập đến pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật bậc hạ. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một hôm, Đức-Thế-Tôn ngự đi cùng với chư tỳ-khưu đến vườn xoài thượng uyển ấy vào buổi chiều, đứng nhìn thấy phong cảnh hữu tình, muốn thuyết về tiền-kiếp của Ngài, nên Ngài mỉm cười.

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch hỏi rằng:

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nguyên nhân nào mà Ngài mỉm cười? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

Này Ānanda! Phong cảnh này, tiền-kiếp Như-Lai sinh làm Đức-vua Maghadevarāja, đã từng thực-hành pháp-hành thiền-định.

Truyền dạy xong như vậy, Đức-Thế-Tôn im lặng.

Khi ấy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Nimijātaka

Đức-Thế-Tôn ngồi trên tọa cụ đã trải sẵn, rồi Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Nimijātaka, tiền-kiếp của Ngài được tóm lược như sau:

Này chư tỳ-khưu! Trong thời quá-khứ, Đức-vua Bồ-tát tên là Maghadeva, tiền-kiếp của Như-Lai ngự tại kinh-thành Mithilā, đất nước Videha.

Khi còn là Thái-tử trong thời-kỳ thơ ấu vui chơi khoảng thời gian 84.000 năm.

Thời-kỳ làm Phó-vương khoảng thời gian 84.000 năm.

Thời-kỳ làm Đại-vương khoảng thời gian 84.000 năm.

Một hôm, Đức-vua Bồ-tát Maghadeva truyền bảo vị quan sửa tóc, râu rằng:

Này khanh! Nếu khi nào ngươi thấy trên đầu của Trẫm có một sợi tóc bạc thì ngươi hãy tâu cho Trẫm rõ ngay khi ấy.

Thời gian sau, vị quan sửa tóc thấy một sợi tóc bạc trên đầu của Đức-vua Bồ-tát Maghadeva, nên tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, kẻ hạ thần đã thấy một sợi tóc bạc trên đầu của Đại-vương rồi.

Đức-vua Bồ-tát Maghadeva truyền bảo vị quan nhổ sợi tóc bạc ấy. Vị quan ấy dùng cái nhíp vàng nhổ sợi tóc bạc ấy, rồi đặt trên bàn tay của Đức-vua.

Nhìn thấy sợi tóc bạc, Đức-vua Bồ-tát Maghadeva suy xét thấy sự già đã đến, rồi sự chết đang chờ phía trước, nên Đức-vua Bồ-tát Maghadeva quyết định rằng:

“Nay là thời-kỳ ta nên đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.”

Đức-vua ban một xóm nhà cho vị quan sửa tóc, để thu thuế nuôi mạng.

Đức-vua Bồ-tát Maghadeva cho truyền gọi Thái-tử đến, rồi truyền bảo rằng:

Này hoàng nhi yêu quý! Con hãy nên nối ngôi Phụ-vương. Còn Phụ-vương sẽ đi xuất gia.

Nghe Đức-Phụ-vương truyền bảo như vậy, vị Thái-tử tâu hỏi rằng:

Muôn tâu Đức-Phụ-vương, do nguyên nhân nào mà Đức-Phụ-vương đi xuất gia như vậy?

Đức-vua Bồ-tát Maghadeva truyền bảo rằng:

Này hoàng nhi yêu quý! Một sợi tóc bạc đã mọc trên đầu của Phụ-vương. Vậy, thời trẻ trung của Phụ-vương đã đi qua rồi, sự già và sự chết sẽ đến. Cho nên, ngay bây giờ, Phụ-vương phải xuất gia trở thành đạo-sĩ, để thực-hành pháp-hành thiền-định.

Sau đó Đức-vua Bồ-tát Maghadeva truyền lệnh hội triều, các quan văn võ tề tựu đông đủ, Đức-vua Bồ-tát Maghadeva làm đại lễ đăng quang cho Thái-tử lên nối ngôi vua cha.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Maghadeva truyền dạy Đức-vua Thái-tử rằng:

Này hoàng nhi yêu quý! Sau này, khi nào con thấy có sợi tóc bạc mọc trên đầu, ngay khi ấy, con nên truyền ngôi lại cho Thái-tử, rồi con cũng phải nên đi xuất gia như Phụ-vương vậy.

Đức-vua Bồ-tát Maghadeva phát nguyện rằng:

“Xin cho các Đức-vua sau này trong hoàng tộc của tôi, khi thấy có sợi tóc bạc mọc trên đầu, ngay khi ấy, truyền ngôi lại cho Thái-tử, rồi đi xuất gia trở thành đạo-sĩ như tôi vậy.”

Sau khi phát nguyện xong, Đức-vua Bồ-tát Magha-deva từ giã kinh-thành Mithilā, ngự đi đến vườn thượng uyển, rồi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục tứ vô-lượng-tâm: Niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh; niệm rải tâm-bi vô lượng đến tất cả chúng-sinh; niệm rải tâm-hỷ vô lượng đến tất cả chúng-sinh; niệm rải tâm-xả vô lượng đến tất cả chúng-sinh, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, duy trì tuổi thọ suốt 84.000 năm.

Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Maghadeva tịch (chết), đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận-sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời Quảng-quả thiên (Vehapphalabhūmi) sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh. Chư phạm-thiên ở trên tầng trời này có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.

Đức-Vua Sau Duy Trì Theo Truyền Thống Xuất Gia

Đức-vua Thái-tử của Đức-vua Maghadeva cũng theo truyền thống của Đức-Phụ-vương, đến khi nào thấy có sợi tóc bạc mọc trên đầu, ngay khi ấy cũng truyền ngôi báu lại cho Thái-tử, rồi từ giã kinh-thành Mithilā, ngự đi vào vườn thượng uyển, xuất gia trở thành đạo-sĩ, thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục tứ vô-lượng-tâm, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi vị đạo-sĩ ấy tịch (chết), đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-quả thiên (Vehapphalabhūmi)…

Để giữ gìn và duy trì theo truyền thống xuất gia trở thành đạo-sĩ theo dòng dõi của hoàng tộc mà Đức-vua Bồ-tát Maghadeva đã phát nguyện, cho nên, từ Đức-vua này kế tiếp đến Đức-vua kia, hễ khi nào thấy có một sợi tóc bạc mọc trên đầu, ngay khi ấy truyền ngôi báu lại cho Thái-tử, rồi từ giã kinh-thành Mithilā, ngự đi vào vườn thượng uyển xuất gia trở thành đạo-sĩ, thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục tứ vô-lượng-tâm dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi vị đạo-sĩ ấy tịch (chết), đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-quả-thiên (Vehapphalabhūmi)…

Để tiếp tục giữ gìn và duy trì theo truyền thống xuất gia trở thành đạo-sĩ theo dòng dõi của hoàng tộc mà Đức-vua Bồ-tát Maghadeva đã phát nguyện, cho nên, từ Đức-vua này đến Đức-vua kia trải qua các đời Đức-vua, còn thiếu hai Đức-vua nữa là đủ 84.000 Đức-vua.

Đức-Bồ-tát phạm-thiên Maghadeva trên cõi trời sắc giới phạm-thiên xem xét thấy rằng:

“Các đời Vua sau kế tiếp trong dòng dõi hoàng tộc của mình theo truyền thống xuất gia trở thành đạo-sĩ, còn thiếu hai đời nữa là đủ 84.000 Đức-vua.

Đức-Bồ-tát phạm-thiên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, rồi xem xét tiếp theo truyền thống xuất gia trở thành đạo-sĩ theo dòng dõi của hoàng tộc của mình này có còn tiếp tục được nữa hay không?

Đức-Bồ-tát phạm-thiên Maghadeva thấy rõ truyền thống này sẽ không có Đức-vua duy trì nữa, nên Đức-Bồ-tát phạm-thiên Maghadeva nghĩ rằng:

“Ta phải nên giữ gìn duy trì truyền thống xuất gia trở thành đạo-sĩ này của ta.”

Đức-Bồ-Tát Phạm-Thiên Maghadeva Tái-Sinh

Nghĩ vậy, Đức-Bồ-tát phạm-thiên Maghadeva chuyển kiếp (cuti) chết từ cõi trời sắc-giới phạm-thiên, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua ngự tại kinh-thành Mithilā.

Tròn đúng 10 tháng, Đức-Bồ-tát đản sinh ra khỏi lòng Mẫu-hậu. Đức-vua cho truyền gọi các bà-la-môn có tài xem tướng tốt vào cung điện, để xem tướng Thái-tử và làm lễ đặt tên Đức-Bồ-tát Thái-tử.

Các vị Bà-la-môn xem tướng Đức-Bồ-tát xong, tâu lên Đức-vua rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Thái-tử này sẽ tiếp nối dòng dõi duy trì truyền thống xuất gia trở thành đạo-sĩ của Bệ-hạ, bởi vì dòng dõi hoàng tộc của Bệ-hạ là dòng dõi xuất gia. Sau Thái-tử này, về sau không còn Đức-vua duy trì theo truyền thống xuất gia nữa.

Nghe các vị Bà-la-môn tâu như vậy, Đức-vua suy nghĩ rằng:

“Thái-tử này sẽ tiếp nối dòng dõi hoàng tộc duy trì truyền thống xuất gia của ta, nên Đức-vua đặt tên Thái-tử là Nimikumāra: Thái-tử Nimi.”

Khi Thái-tử Nimi còn thơ ấu thường giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng.

Một hôm, vị quan sửa tóc, râu tâu Đức-vua rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, nay, có một sợi tóc bạc trên đầu của Bệ-hạ.

Vị quan dùng cây nhíp bằng vàng nhổ sợi tóc bạc đặt trong lòng bàn tay, Đức-vua ban cho vị quan ấy xóm nhà để thâu thuế, nuôi sống gia đình.

Nhìn thấy sợi tóc bạc, Đức-Phụ-vương của Đức-Bồ-tát Thái-tử Nimi làm đại lễ đăng quang cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Nimi lên nối ngôi vua cha.

Còn Đức-Phụ-vương của Đức-Bồ-tát Thái-tử Nimi từ giã kinh-thành Mithilā, ngự đến vườn thượng uyển, xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề mục tứ vô-lượng-tâm, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi vị đạo-sĩ ấy tịch (chết), đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-quả thiên (Vehapphalabhūmi), …

Đức-Vua Bồ-Tát Nimi

Đức-vua Bồ-tát Nimi lên ngôi Vua cũng ngự tại kinh-thành Mithilā, trị vì đất nước Videha. Đức-vua Bồ-tát Nimi truyền lệnh xây dựng 5 trại làm phước-thiện bố-thí: 4 trại tại 4 cửa thành và 1 trại tại giữa kinh-thành Mithilā.

Mỗi ngày, Đức-vua Bồ-tát Nimi ban mỗi trại 100 ngàn kahāpaṇa, 5 trại gồm 500 ngàn kahāpaṇa, để các quan trong triều lo phận sự làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Sa-môn, Bà-la-môn, đến cho dân chúng nghèo khổ, người đi đường, v.v…

Đức-vua Bồ-tát Nimi giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng.

Đức-vua Bồ-tát Nimi thường thuyết pháp giảng dạy tất cả mọi người nên tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí đến những người khác, phước-thiện giữ-giới giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, … nên tránh xa mọi ác-nghiệp, nên tạo mọi phước-thiện.

Đức-vua Bồ-tát Nimi giảng dạy mọi người tạo mọi phước-thiện đó là đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới an hưởng mọi sự an-lạc, và diễn tả mọi cảnh khổ trong cõi địa-ngục đáng kinh sợ, để cho mọi người không dám tạo ác-nghiệp, mà chỉ tạo mọi đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý và tạo mọi phước-thiện mà thôi.

Phần đông thần dân thiên hạ đều vâng theo lời giáo huấn của Đức-vua Bồ-tát Nimi, tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng, tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tinh-tấn mọi phước-thiện, cho nên, sau khi những người dân ấy chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

Chư-Thiên Tụ Hội Tại Hội Trường Sudhammā

Khi tụ hội trong hội trường Sudhammā tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, các chư-thiên thường tán dương ca tụng ân-đức của Đức-vua Bồ-tát Nimi rằng:

Này quý vị! Tất cả chúng ta nương nhờ Đức-vua Nimi, nên chúng ta được an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời như thế này! Đức-vua Nimi là Vị Tôn-Sư khả kính của chúng ta. Ân-đức Vị Tôn-Sư thật là vô lượng!

Thuyết về tích Nimijātaka, Đức-vua Bồ-tát Nimi, tiền-kiếp của Ngài, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

Này chư tỳ-khưu! Đức-vua Bồ-tát Nimi là bậc đại-thiện-trí có ý nguyện tạo mọi thiện-pháp, để tạo các pháp-hạnh ba-la-mật của mình đem lại sự lợi ích cho mọi người, cho nên, chư-thiên và nhân loại đều tán dương ca tụng ân-đức của Đức-vua Bồ-tát Nimi rằng:

“Thật là phi thường! Đức-vua Bồ-tát Nimi là bậc đại-thiện-trí chưa phải là Đức-Phật mà đã thực-hành các phận sự đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lâu dài đến thần dân thiên hạ trong đất nước Videha như vậy.”

Đức-vua Bồ-tát Nimi thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng. Hàng đêm, đến canh chót tỉnh dậy, ngồi thực-hành pháp-hành thiền-định, khi xả thiền, tư duy rằng:

“Ta giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, đã làm phước-thiện bố-thí đến tất cả mọi người không giới hạn.

Vậy, quả-báu của phước-thiện bố-thí được nhiều hay quả-báu của pháp-hành phạm-hạnh được nhiều?”

Đức-vua Bồ-tát Nimi đang phân vân, chưa quyết định được. Khi ấy, trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên chỗ ngồi của Đức-vua trời Sakka phát nóng, nên Đức-vua trời Sakka xem xét biết nguyên nhân từ Đức-vua Bồ-tát Nimi tư duy như vậy, cho nên, Đức-vua trời Sakka nghĩ rằng:

“Ta sẽ hiện xuống cõi người để làm sáng tỏ vấn đề này của Đức-vua Bồ-tát Nimi.”

Nghĩ xong, Đức-vua trời Sakka hiện xuống cõi người, làm cho hào quang sáng ngời tỏa khắp nơi chốn của Đức-vua Bồ-tát Nimi, làm cho Đức-vua Bồ-tát có cảm giác sởn tóc gáy, nên truyền hỏi rằng:

Thưa Ngài, Ngài có phải là chư-thiên hay Đức-vua trời Sakka mà có hào quang rực rỡ đến như thế, Trẫm chưa từng thấy bao giờ ?

Nghe Đức-vua Bồ-tát Nimi thưa như vậy, Đức-vua trời Sakka tâu rằng:

Tâu Đại-vương Nimi, bổn vương là Đức-vua trời Sakka đến chầu Đại-vương.

Tâu Đại-vương Nimi, Đại-vương không nên có cảm giác sởn tóc gáy như vậy.

Kính thưa Đại-vương, vấn đề mà Đại-vương đang phân vân, chưa quyết định là thế nào? Thưa Ngài.

Có cơ hội tốt, nên Đức-vua Bồ-tát Nimi tâu rằng:

Tâu Đức-vua trời Sakka, bổn vương xin tâu hỏi Đức-vua rằng:

Phước-thiện bố-thí với pháp-hành phạm-hạnh, trong 2 pháp này, pháp nào có quả-báu nhiều hơn?

Nghe Đức-vua Bồ-tát Nimi tâu hỏi như vậy, Đức-vua trời Sakka thấy rõ, biết rõ quả-báu của pháp-hành phạm-hạnh, nên giải đáp rằng:

Tâu Đại-vương Nimi,

* Người nào có giới trong sạch, tạo phước-thiện bố-thí. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.

* Người nào thực-hành pháp-hành phạm-hạnh bậc hạ là tránh xa sự hành-dâm. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong dòng họ hoàng tộc.

* Hành-giả nào thực-hành pháp-hành phạm-hạnh bậc trung là thực-hành pháp-hành thiền-định đạt đến cận-định (upacārasamādhi). Sau khi hành-giả ấy chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chư-thiên trên các cõi trời dục-giới.

* Hành-giả nào thực-hành pháp-hành phạm-hạnh bậc thượng là thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm. Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên hoặc vô-sắc-giới phạm-thiên tuỳ theo sắc-giới quả-tâm hoặc vô-sắc-giới quả-tâm của hành-giả ấy.

Đức-vua trời Sakka tâu với Đức-vua Bồ-tát Nimi rằng:

Tâu Đức-vua Nimi, như vậy, pháp-hành phạm-hạnh có quả-báu nhiều hơn phước-thiện bố-thí gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần, gấp vô số lần.

Mặc dù vậy, kính xin Đại-vương vẫn nên thực-hành phước-thiện bố-thí và pháp-hành phạm-hạnh.

Sau khi tâu như vậy, Đức-vua trời Sakka xin phép cáo biệt Đức-vua Bồ-tát Nimi, ngự trở về cung trời Tam-thập-tam-thiên.

Trong Phật-giáo này,

* Nếu tỳ-khưu nào có giới hạnh trong sạch, mong muốn sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới nào thì vị tỳ-khưu ấy được gọi là thực-hành phạm-hạnh bậc hạ, bởi vì có tác-ý trong đại-thiện-tâm bậc hạ.

Sau khi vị tỳ-khưu ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trong cõi trời dục-giới ấy theo ý nguyện.

* Nếu tỳ-khưu hành-giả nào có giới hạnh trong sạch làm nơi nương nhờ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, thì vị tỳ-khưu ấy được gọi là thực-hành phạm-hạnh bậc trung, bởi vì có tác-ý bậc trung.

Sau khi vị tỳ-khưu ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên hoặc trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tuỳ theo sắc-giới quả-tâm hoặc vô-sắc-giới quả-tâm của hành-giả ấy.

* Nếu vị tỳ-khưu hành-giả nào có giới hạnh trong sạch làm nơi nương nhờ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, thì vị tỳ-khưu ấy được gọi là thực-hành phạm-hạnh bậc thượng.

Bậc Thánh A-ra-hán hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Vua Trời Sakka Tại Hội Trường Sudhammā

Đức-vua trời Sakka ngự đến hội trường Sudhammā, nơi có số đông chư-thiên đang tụ hội.

Nhìn thấy Đức-vua trời Sakka, chư-thiên tâu rằng:

Muôn tâu Đức Thiên-vương, Đức Thiên-vương từ đâu ngự trở về.

Đức-vua trời Sakka truyền bảo rằng:

Này chư vị! Điều phân vân phát sinh lên đối với Đức-vua Nimi ngự tại kinh-thành Mithilā, nên Trẫm đã xuất hiện ngự đến tại nơi ấy, đến chầu Đức-vua Nimi, để làm sáng tỏ vấn đề ấy xong, rồi Trẫm ngự trở về đây.

Nhân cơ hội ấy, Đức-vua trời Sakka truyền bảo toàn thể chư-thiên đang tụ hội tại hội trường rằng:

Này chư vị! Chư vị hãy lắng nghe Trẫm giảng giải thiện-pháp bậc thấp, thiện-pháp bậc cao trong cõi người như sau:

* Thiện-pháp bố-thí dù nhiều đến bao nhiêu cũng gọi là thiện-pháp bậc thấp.

* Thiện-pháp giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn gọi là thiện-pháp bậc trung, v.v…

Đức-vua Nimi ngự tại kinh-thành Mithilā, trị vì đất nước Videha, là bậc đại-thiện-trí. Hằng ngày, Đức-vua Nimi đã xuất ra một số tiền lớn để làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Sa-môn, Bà-la-môn, bố-thí đến cho mọi người nghèo khổ, v.v…

Khi Đức-vua Nimi đang tạo phước-thiện bố-thí như vậy, phát sinh điều phân vân rằng:

“Phước-thiện bố-thí và pháp-hành phạm-hạnh, trong 2 pháp này, pháp nào có quả báu nhiều hơn?”

Này chư vị! Trẫm đã tâu với Đức-vua Nimi, làm sáng tỏ điều phân vân ấy rằng:

“Tâu Đại-vương Nimi, pháp-hành phạm-hạnh có quả báu nhiều hơn phước-thiện bố-thí gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần, gấp vô số lần,…”

Đức-vua trời Sakka tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Nimi thật sự là bậc đại-thiện-trí trong thế gian này.

Nghe Đức-vua trời Sakka tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Nimi như vậy, nhóm chư-thiên mong muốn diện kiến Đức-vua Bồ-tát Nimi, nên tâu rằng:

Muôn tâu Đức Thiên-vương, Đức-vua Nimi là vị Tôn-Sư của chúng thần, tiền-kiếp của chúng thần là dân chúng của đất nước Videha, đã vâng lời giáo huấn và thực-hành theo lời khuyên dạy của Đức-vua, do nương nhờ nơi Đức-vua, nên chúng thần được sinh lên cõi trời này, được an hưởng mọi sự an-lạc như thế này. Cho nên, chúng thần mong ước được diện kiến Đức-vua Nimi.

Muôn tâu Đức Thiên-vương, chúng thần kính xin Đức Thiên-vương thỉnh Đức-vua Nimi ngự lên tại hội trường Sudhammā này, để chúng thần có được cơ hội tốt diện kiến vị Tôn-Sư của chúng thần.

Nghe lời tâu thỉnh cầu của nhóm chư-thiên đông đảo ấy, nên Đức-vua trời Sakka chuẩn tấu.

Đức-vua trời Sakka truyền lệnh vị thiên-nam đánh xe Mātali rằng:

Này Mātali! Ngươi hãy đem cỗ xe trời Vejayanta-ratha xuất hiện xuống kinh-thành Mithilā, đến cung điện kính thỉnh Đức-vua Nimi ngự lên hội trường Sudhammā.

Tuân theo lệnh của Đức-vua trời Sakka, vị thiên-nam Mātali đánh cỗ xe trời Vejayantaratha cài 1000 con ngựa báu Sindhava xuất hiện trên bầu trời nơi kinh-thành Mithilā nhằm vào ngày rằm ánh trăng sáng tỏ.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Nimi đang thọ trì bát-giới uposathasīla trong ngày rằm, ngự tại lâu đài tiếp khách cùng với các quan trong triều ngồi xung quanh suy xét về bát-giới uposathasīla.

Trên bầu trời, có một mặt trăng tròn chiếu sáng và có cỗ xe trời Vejayantaratha cũng tỏa sáng giữa không trung.

Trong kinh-thành Mithilā, dân chúng nhìn lên không trung, thấy hiện tượng lạ thường như vậy, nên bảo rằng:

“Hôm nay, trên không trung có 2 mặt trăng chiếu sáng”, nhưng khi cỗ xe trời Vejayantaratha hiện đến gần, thì mọi người bảo nhau rằng:

Này quý vị! Không phải mặt trăng thứ hai mà là một cỗ xe trời. Chắc chắn Đức-vua trời Sakka truyền đem cỗ xe trời này rước Đức-vua Nimi của chúng ta. Cỗ xe trời này thật là xứng đáng với Đức-vua của chúng ta, nên mọi người đều phát sinh tâm hoan hỷ.

Thỉnh Đức-Vua Bồ-Tát Nimi Ngự Lên Cõi Trời

Khi ấy, vị thiên-nam Mātali đánh cỗ xe trời Vejayantaratha dừng trước cửa lâu đài mà Đức-vua Bồ-tát Nimi đang ngự cùng với các quan trong triều, vị thiên-nam Mātali đến chầu Đức-vua Bồ-tát Nimi, tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương cao thượng, kính thỉnh Đại-vương ngự lên cỗ xe trời Vejayantaratha này, hạ thần sẽ đưa Đại-vương ngự lên giảng đường Sudhammā, trên cung trời Tam-thập-tam-thiên, bởi vì tại nơi ấy, Đức-vua trời Sakka cùng nhóm chư-thiên đông đảo đang ngồi chờ đợi mong muốn diện kiến Đại-vương.

Nghe vị thiên-nam Mātali tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Nimi nghĩ rằng: “Ta sẽ ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên mà ta chưa đến.”

Đức-vua Bồ-tát Nimi truyền bảo các quan cùng các người vương gia trong hoàng tộc rằng:

Này các khanh! Trẫm ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên trong thời gian không lâu. Các khanh không nên dể duôi, hãy nên cố gắng tinh-tấn thực-hành mọi thiện-pháp.

Sau khi truyền bảo xong, Đức-vua Bồ-tát Nimi ngự lên ngồi trên cỗ xe trời Vejayantaratha, vị thiên-nam Mātali tâu Đức-vua Bồ-tát Nimi rằng:

Muôn tâu Đại-vương cao thượng, có 2 con đường:

Một đường, Đại-vương có thể nhìn thấy các cõi địa-ngục là nơi mà các chúng-sinh đang phải chịu quả khổ của ác-nghiệp mà họ đã tạo trong tiền-kiếp.

Và một đường, Đại-vương có thể nhìn thấy các lâu đài là nơi mà các chư-thiên đang an hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp mà họ đã tạo trong tiền-kiếp.

Muôn tâu Đại-vương cao thượng, Đại-vương muốn cho hạ thần đưa Đại-vương ngự theo con đường nào?

Nghe vị thiên-nam Mātali tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Nimi nghĩ rằng:

“Ta muốn ngự đi cả 2 đường, để nhìn thấy các cõi địa-ngục và các lâu đài của 2 loại chúng-sinh ấy.”

Đức-vua Bồ-tát Nimi truyền bảo rằng:

Này thiên-nam Mātali! Trẫm muốn đi cả 2 đường: Một đường, để Trẫm nhìn thấy các cõi địa-ngục là nơi mà các chúng-sinh đang phải chịu quả khổ của ác-nghiệp mà họ đã tạo trong tiền-kiếp.

Và một đường, để Trẫm nhìn thấy các lâu đài là nơi mà các chư-thiên đang an hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp mà họ đã tạo trong tiền-kiếp.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Nimi truyền bảo như vậy, vị thiên-nam tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương cao thượng, trong 2 đường ấy, Đại-vương muốn ngự theo đi đường nào trước.

Này thiên-nam Mātali! Trước tiên, Trẫm muốn nhìn thấy các cõi địa-ngục là nơi mà các chúng-sinh đang chịu quả khổ của ác-nghiệp của họ.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Bồ-tát Nimi, vị thiên-nam Mātali đưa Đức-vua Bồ-tát Nimi ngự đi xem các cõi địa-ngục trước.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app