Phần 8

7.2- Pháp-Hạnh Chân-Thật Ba-La-Mật Bậc Trung (Sacca Upapāramī)

Tích Macchajātaka

Trong tích Macchajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Vua loài cá tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung (sacca upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, trong đất nước Kosala gặp lúc hạn hán kéo dài, không mưa làm cho mùa màng khô héo, không trồng trọt được, bởi vì các con sông, suối, hồ nước lớn đều khô cạn. Ngay cả hồ nước lớn ở trong khuôn viên của ngôi chùa Jetavana, gần cổng ra vào cũng bị khô cạn, các loài cá, rùa, v.v… đều tìm chui vào lớp bùn để lánh nạn.

Đức-Thế-Tôn nhìn thấy bầy quạ, bầy diều, v.v… bay đến hồ, dùng mỏ bới lớp bùn bắt các con cá đang vùng vẫy để ăn. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Đức-Thế-Tôn phát sinh tâm đại bi muốn cứu sống các loài cá, các sinh vật sống dưới nước được thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này, nên Đức-Thế-Tôn nghĩ rằng:

“Như-Lai nên khiến cho trời mưa xuống tràn đầy hồ nước này.”

Buổi sáng hôm ấy, Đức-Thế-Tôn ngự vào kinh-thành Sāvatthi khất thực cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Sau khi độ ngọ xong, Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Khi vào cổng chùa Jetavana, Đức-Thế-Tôn ngự đến đứng tại bậc cấp hồ nước lớn của ngôi chùa Jetavana, rồi truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

Này Ānanda! Con hãy đem tấm y tắm đến đây, Như-Lai sẽ tắm tại hồ nước này.

Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch rằng:

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nước trong hồ lớn này đều khô cạn, chỉ còn lại bùn mà thôi. Bạch ngài.

Này Ānanda! Thông thường, oai lực của Chư Phật thật là phi thường. Vậy, con hãy nên đem tấm y tắm đến cho Như-Lai.

Vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Ānanda đem tấm y tắm đến dâng lên Đức-Thế-Tôn.

Nhận tấm y tắm, Đức-Thế-Tôn thay bộ y, mặc tấm y tắm vào, một tấm trùm cái đầu, đứng tại bậc cấp hồ nước lớn, có ý định rằng: “Như-Lai sẽ tắm nước hồ Jetavana này.”

Ngay khi ấy, tảng đá quý của Đức-vua Trời Sakka phát nóng, Đức-vua Trời Sakka xem xét nguyên nhân, thì biết rõ ý định của Đức-Thế-Tôn. Cho nên Đức-vua Trời Sakka truyền gọi Đức Thiên-vương làm mưa (Vassavalahaka devarājā) đến, rồi truyền bảo rằng:

Này vị Thiên-vương, Đức-Thế-Tôn có ý định sẽ tắm nước hồ Jetavana.

Đức-Thế-Tôn đang đứng tại bậc cấp hồ nước Jetavana ấy. Vậy, ngươi hãy mau đến nơi ấy, làm cho trời mưa khắp mọi nơi trên toàn đất nước Kosala.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Trời Sakka, Đức Thiên-vương làm mưa hiện đến nơi ấy hóa ra từng đám mây, những tia chớp, … một lúc sau, mưa rơi như nước đổ xuống tràn khắp mọi nơi trên đất nước Kosala. Tại hồ nước lớn Jetavana nước đã lên đầy tràn bờ.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn tắm nước hồ Jetavana xong, thay tấm y tắm bằng bộ y, rồi Ngài ngự đến cốc Gandhakuṭi, cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Đức-Thế-Tôn đứng trên tảng đá truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng xong, Đức-Thế-Tôn ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, còn chư tỳ-khưu trở về chỗ ở của mình.

Vào buổi chiều, số đông tỳ-khưu đến tụ hội tại giảng đường, đàm đạo về chuyện Đức-Thế-Tôn khiến cho trời mưa rơi xuống khắp mọi nơi rằng:

Này các pháp-hữu! Quý vị thấy ân-đức của Đức-Thế-Tôn thật là phi thường! Tâm đại-từ, tâm đại-bi của Đức-Thế-Tôn đối với tất cả chúng-sinh.

Khi thấy đồng ruộng bị khô hạn, các con sông, suối, hồ nước lớn nhỏ đều bị khô hạn, dân chúng trong nước lâm vào cảnh khổ, các loài cá, rùa, những sinh vật sống dưới nước, v.v… đang chịu cảnh khổ phải chui xuống dưới bùn để lánh nạn, muốn cứu giúp tất cả chúng-sinh thoát khỏi cảnh khổ, Đức-Thế-Tôn mặc tấm y tắm đứng tại bậc cấp hồ nước Jetavana, với ý định tắm nước hồ này.

Ngay khi ấy, Đức Thiên-vương hiện đến làm mưa xuống khắp mọi nơi trên toàn đất nước Kosala. Trong chốc lát, hồ nước lớn Jetavana có nước lên tràn bờ, để cho Đức-Thế-Tôn tắm. Các loài sinh vật sống ở dưới nước đều được an toàn sinh-mạng, dân chúng trong đất nước Kosala có nước đầy đủ để cày cấy gieo trồng các loại hoa màu khác, để cuộc sống của người dân được no đủ.

Này các pháp-hữu! Oai lực của Đức-Thế-Tôn thật là phi thường quá!

Nghe bằng thiên nhĩ thông cuộc đàm đạo của chư tỳ-khưu, Đức-Thế-Tôn ra khỏi cốc Gandhakuṭi, ngự đến tại giảng đường, ngồi trên pháp toà truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:

Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện đang đàm đạo.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác khiến cho trời mưa rơi xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala, để cứu giúp mọi chúng-sinh trong cảnh khổ, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai sinh làm Vua loài cá, khi gặp lúc hạn hán kéo dài làm cho các sông, suối cạn nước. Các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, v.v… đều bị lâm vào cảnh khổ. Đức-Bồ-tát Vua cá ấy phát nguyện bằng lời chân-thật, khiến cho trời mưa rơi xuống khắp nơi trên đất nước Kosala, làm cho các con sông, suối, hồ lớn, nhỏ đều có nước đầy đủ, cứu sống các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước,… đều thoát khỏi cảnh khổ chết chóc.

Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Macchajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Macchajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, một suối nước lớn nằm ở giữa khu rừng, nay là hồ nước lớn trong chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvathi trong đất nước Kosala này. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá đông đảo tại suối nước lớn.

Thời gian hạn hán kéo dài, không có mưa như bây giờ, dân chúng gieo trồng đều bị khô héo, các con sông, suối, hồ nước lớn, nhỏ đều bị khô cạn, cho nên các loài cá, rùa, các sinh vật sống dưới nước, v.v… đều lâm vào cảnh khổ chết chóc.

Ngay dòng suối nước lớn nơi mà Đức-Bồ-tát Vua cá đang sống cũng bị khô cạn, các loài cá, rùa, v.v… đều chui xuống bùn nằm lánh nạn.

Khi ấy, bầy quạ, bầy diều,… bay đến dòng suối ấy, dùng mỏ bới lớp bùn bắt những con cá còn sống đang vẫy vùng, mổ để ăn thịt.

Nhìn thấy cảnh tượng bà con dòng họ cá bị bầy quạ, diều, v.v… sát hại ăn thịt như vậy, Đức-Bồ-tát Vua cá nghĩ rằng:

“Ngoài ta ra, không có ai có thể cứu sống các bà con loài cá của ta thoát khỏi cảnh khổ chết chóc này. Vậy, ta nên phát nguyện bằng lời chân-thật khiến cho trời mưa đổ xuống, nước tràn đầy bờ, để cứu sống bà con loài cá của ta, thoát khỏi mỏ của bầy quạ, diều, v.v… này.

Đức-Bồ-tát Vua cá ngoi đầu lên khỏi bùn, lộ ra thân hình xinh đẹp, có đôi mắt sáng như hai viên ngọc maṇi, nhìn lên hư không dõng dạc phát nguyện bằng lời chân-thật với Đức Thiên-vương Pajjuna làm mưa rằng:

Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, nhìn thấy cảnh tượng bà con loài cá của tôi bị bầy quạ, bầy diều, v.v… bắt ăn thịt, nên tôi phát sinh tâm đại-bi muốn cứu sống bà con loài cá của tôi.

Tôi có giới hạnh trong sạch đang bị khổ tâm như thế này, sao Đức Thiên-vương không cứu giúp làm mưa rơi xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, để cứu sinh-mạng của chúng tôi?

– Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, tuy tôi sinh làm loài cá, nhưng tôi chưa hề ăn thịt đồng loại cá dù chỉ là một con cá nhỏ bằng hột gạo, và tôi cũng không có tác ý sát-sinh giết hại một sinh vật nào cả.

Do lời phát nguyện chân-thật này, cầu xin Đức Thiên-vương Pajjunna hãy làm mưa rơi xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn nhỏ, để cứu sống bà con các loài cá chúng tôi thoát khỏi nạn diệt vong.

Đức-Bồ-tát vua cá truyền dạy các thuộc hạ loài cá đọc câu kệ rằng:

“Abhitthanaya Pajjunna, nidhiṃ kākassa nāsaya.

Kākaṃ sokāya randhehi, mañca sokā pamocaya.”

Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, cầu xin Đức Thiên-vương Pajjunna hãy phát ra những tiếng sấm sét vang rền, những tia chớp sáng ngời cả không gian, rồi làm mưa đổ xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ, làm cho kho vật thực của bầy quạ, diều, v.v… không còn nữa.

Cầu xin Đức Thiên-vương Pajjuna làm cho bầy quạ, diều, … nóng nảy sầu não, đồng thời giải cứu tôi và bà con dòng họ loài cá chúng tôi cùng với các loài sinh vật khác được thoát khỏi khổ sầu não bởi nạn chết chóc.

Đức-Bồ-tát Vua cá và các thuộc hạ đọc bài kệ này xong, trời mưa đổ xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước lớn, nhỏ không chỉ giải cứu các loài cá, rùa, các sinh vật sống trong nước, mà còn giúp cho dân chúng có nước để cày cấy, trồng trọt các loại cây hoa màu, được thoát khỏi nạn đói khát nữa.

Sau khi thuyết về tích Macchajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

Này Chư tỳ khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác khiến cho trời mưa đổ xuống, mà còn trong tiền-kiếp của Như-Lai, sinh làm Vua các loài cá cũng đã từng phát nguyện bằng lời chân-thật khiến cho trời mưa đổ xuống khắp mọi nơi trên đất nước Kosala này.

Tích Macchajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Macchajātaka này, Đức-Bồ-tát Vua các loài cá là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Macchajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

Bà con dòng họ loài cá, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

Đức Thiên-vương Pajjunna, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

Đức-Bồ-tát Vua cá, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

10 Pháp-Hạnh ba-la-mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Vua cá tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung, ngoài ra, còn có pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

Đức-Bồ-tát Vua cá giữ giới trong sạch, không giết hại chúng-sinh, là bố-thí sự an toàn sinh-mạng của chúng-sinh, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá giữ giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá có trí-tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá phát nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

Đức-Bồ-tát Vua cá có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 8 pháp-hạnh ba-la-mật khác đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Vua Cá

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật đó là lời nói chân-thật bằng đại-thiện-tâm trong sạch.

Tích Macchajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Vua các loài cá, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung.

Khi ấy, thời gian gặp nạn hạn hán kéo dài, trời không mưa, nước các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn đều bị khô cạn, nên các loài cá, rùa, các sinh vật, v.v… đều ẩn mình dưới lớp bùn lánh nạn.

Gặp lúc nước bị khô cạn, các bầy quạ, diều, v.v… bay đến bới lớp bùn bắt những con cá còn sống ăn thịt.

Nhìn thấy cảnh tượng bà con dòng họ các loài cá bị bầy quạ, diều, … ăn thịt, Đức-Bồ-tát Vua cá phát sinh tâm-đại-bi muốn cứu giúp bà con dòng họ các loài cá, rùa, các loài sinh vật sống trong nước được thoát khỏi cảnh khổ chết chóc thảm thương này. Cho nên, Đức-Bồ-tát Vua cá phát nguyện bằng lời chân-thật, rồi khuyên bảo các loài cá thuộc hạ cũng đọc bài kệ cầu Đức Thiên-vương Pajjunna làm cho mưa đổ xuống, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn, để cứu sinh-mạng các loài cá, rùa và các sinh vật sinh sống dưới nước, bằng bài kệ như sau:

“Abhitthanaya Pajjunna, nidhiṃ kākassa nāsaya.

Kākaṃ sokāya randhehi, mañca sokā pamocaya.”

Thật vậy, sau khi đọc bài kệ này xong, trời mưa từ trên hư không rơi xuống như nước đổ, chẳng mấy chốc, nước đầy tràn các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn, cứu sinh-mạng các loài cá, rùa và các sinh vật sinh sống dưới nước, đồng thời làm cho bầy quạ, diều, … phải khổ tâm sầu não, vì mất đi kho vật thực loài cá ở trong các hồ nước, sông suối,…

Làm Lễ Cầu Mưa

Về sau, bài kệ này trở thành bài kệ cầu mưa. Mỗi khi trời hạn hán kéo dài, mùa màng không canh tác được, người ta cùng nhau đọc bài kệ cầu mưa ấy.

Để lễ cầu mưa cho được thành tựu, trời mưa rơi xuống như ý, những người cận-sự-nam làm lễ cầu mưa cần phải làm theo nghi lễ đơn giản như sau:

Làm bàn thờ tượng Đức-Phật.

Thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới.

Đọc bài kính thỉnh chư-thiên.

Những người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, với đại-thiện-tâm trong sáng thành tâm cầu nguyện mưa thuận gió hoà bằng lời chân-thật mới linh ứng.

Tụng niệm đến 9 ân-Đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, cầu mong chư-thiên, nhất là Đức Thiên-vương Pajjunna tế độ, giúp làm cho trời mưa rơi xuống, có nước đầy đủ, để tất cả chúng-sinh thoát khỏi cảnh khổ thiếu nước, cuộc sống được an lành, rồi cùng nhau đọc bài kệ cầu mưa.

“Abhitthanaya Pajjunna, nidhiṃ kākassa nāsaya.

Kākaṃ sokāya randhehi, mañca sokā pamocaya.”

Muôn tâu Đức Thiên-vương Pajjuna, cầu xin Đức Thiên-vương Pajjunna hãy phát ra những tiếng sấm sét vang rền, những tia chớp sáng ngời cả không gian, rồi làm mưa đổ xuống, nước tràn đầy các dòng suối, các con sông, các hồ nước nhỏ lớn, làm cho hầm vật thực của bầy quạ, diều, v.v… không còn nữa.

Cầu xin Đức Thiên-vương Pajjuna làm cho bầy quạ, diều… nóng nảy sầu não, đồng thời giải cứu tôi và bà con dòng họ loài cá chúng tôi cùng với các loài sinh vật khác sinh sống trong nước được thoát khỏi khổ sầu não bởi nạn chết chóc.

Để cho lễ cầu mưa cho được thành-tựu, những người đọc bài kệ cầu mưa này cần phải hiểu ý nghĩa từng chữ, từng câu như sau:

Pajjunna: Đức Thiên-vương Pajjunna

Abhitthanaya: hãy làm cho phát ra tiếng sấm sét

nāsaya: hãy làm tiêu mất

nidhiṃ: hầm vật thực

kākassa: của loài quạ, diều

randhehi: hãy làm cho

Kākaṃ:loài quạ, diều

sokāya: sầu não

pamocaya: hãy cứu giúp giải thoát khỏi

mañca: tôi và dòng họ cá của tôi

sokā: sầu não (hãy cứu giúp giải thoát khỏi sầu não).

(Xong pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc trung)

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app