Phần 2

Tích Mahājanakajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahājanaka-jātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Mahājanaka ngự tại kinh-thành Mithilā xứ Videha. Đức-vua có hai người con: thái-tử trưởng Ariṭṭhajanaka và hoàng-tử thứ Polajanaka. Khi hai Thái-tử trưởng thành, Đức-vua tấn phong Thái-tử trưởng Ariṭṭhajanaka làm Phó-vương và tấn phong hoàng-tử thứ Polajanaka làm quan thừa-tướng.

Khi Đức-vua Mahājanaka băng hà, Thái-tử trưởng Ariṭṭhajanaka lên ngôi Chánh-vương và hoàng-tử thứ Polajanaka làm Phó-vương.

Một quan nịnh thần tâu Đức-vua Ariṭṭhajanaka rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức Phó-vương Polajanaka có âm mưu làm phản, có ý định giết Bệ-hạ để lên ngôi làm vua.

Ban đầu, Đức-vua Ariṭṭhajanaka không tin, nhưng nghe tâu nhiều lần, nên làm cho Đức-vua nghi ngờ, ra lệnh bắt Phó-vương Polajanaka xiềng hai tay hai chân, đem giam trong nhà lao về tội âm mưu làm phản, có ý định giết Đức-vua để chiếm lấy ngôi. Đức Phó-vương Polajanaka phát nguyện với lời chân thật rằng:

Nếu tôi có âm mưu làm phản, có ý định giết hoàng-huynh của tôi, để chiếm đoạt ngôi vua thì những xiềng xích này vẫn dính chặt hai tay, hai chân của tôi, cửa nhà lao vẫn đóng chặt, giam hãm tôi suốt đời.

Nhưng nếu tôi không có âm mưu làm phản, không có tác-ý giết hoàng-huynh của tôi để chiếm đoạt ngôi vua, thì tất cả những xiềng xích này hãy rời khỏi hai tay và hai chân của tôi ngay tức thì, và cửa nhà lao hãy mở rộng ra, tôi được tự do đi ra khỏi nhà lao mà không một ai có thể ngăn cản.

Sau khi phát nguyện bằng lời chân thật xong, những xiềng xích đều bị đứt rơi xuống đất, cửa nhà lao được mở rộng ra, Đức Phó-vương Polajanaka ngự ra một cách tự nhiên mà không có một quân lính nào ngăn cản cả.

Đức Phó-vương Polajanaka ngự đến một vùng biên giới, dân chúng trong vùng nhận biết được, nên dân chúng hết lòng bảo vệ phụng sự Đức Phó-vương, cho nên lính triều đình của Đức-vua Ariṭṭhajanaka không thể bắt Đức Phó-vương đem trở lại kinh-thành Mithilā được.

Đức Phó-vương Polajanaka ngự tại vùng biên giới ấy được dân chúng tôn kính và ủng hộ, do đó, vùng biên giới ấy trở thành căn cứ địa an toàn của Đức Phó-vương.

Về sau, dân chúng các vùng khác cũng tôn kính và ủng hộ Đức Phó-vương Polajanaka ngày càng đông, và vùng đất đai ngày càng được mở rộng. Đức Phó-vương tổ chức thành các đội quân bảo vệ dân chúng và giữ gìn các vùng đất đai, cho nên, triều đình Đức-vua Ariṭṭhajanaka không còn chủ quyền nữa. Khi có các đội binh hùng mạnh trong tay, Đức Phó-vương Polajanaka nghĩ rằng:

“Ngày trước, ta không có tác-ý âm mưu chiếm đoạt ngôi vua của hoàng-huynh ta. Nhưng nay, ta sẽ đánh nhau để tranh giành ngôi vua của hoàng-huynh của ta.”

Đức Phó-vương Polajanaka thân chinh dẫn đầu các đội binh hùng mạnh, cùng với một số đông dân chúng kéo đến kinh-thành Mithilā. Đức Phó-vương Polajanaka truyền lệnh đóng trại các đội binh ở bên ngoài kinh-thành Mithilā. Nhìn thấy quân đội của Đức Phó-vương Polajanaka như vậy, lính canh gác bảo vệ kinh-thành Mithilā chạy vào chầu Đức-vua Ariṭṭhajanaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức Phó-vương Polajanaka thân chinh dẫn đầu các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, cùng với một số đông dân chúng kéo đến kinh-thành Mithilā. Tất cả đều đóng trại ở bên ngoài kinh-thành Mithilā.

Khi ấy, Đức Phó-vương Polajanaka truyền một phái đoàn đến chầu Đức-vua Ariṭṭhajanaka dâng tờ biểu rằng:

“Tâu Hoàng-huynh, ngày trước đệ không có tác-ý âm mưu làm phản Hoàng-huynh, để chiếm đoạt ngôi vua. Nhưng nay, đệ đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu giành ngôi vua của Hoàng-huynh.

Vậy, tâu Hoàng-huynh, xin Hoàng-huynh nhường ngôi vua lại cho đệ, nếu không thì cuộc chiến sẽ xảy ra giữa huynh đệ chúng ta.”

Nhận được tờ biểu, Đức-vua Ariṭṭhajanaka không chấp nhận nhường ngôi vua, mà phải chiến đấu để phân tranh thắng bại. Đức-vua cho truyền gọi Chánh-cung Hoàng-hậu đến rồi truyền bảo rằng:

Này ái-khanh! Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Phó-vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái-khanh nên trốn ra khỏi kinh-thành thận trọng giữ gìn bảo vệ thai nhi cho được an toàn.

Sau khi truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu xong, Đức-vua Ariṭṭhajanaka ngự trên con voi báu thân chinh dẫn đầu đoàn quân xuất trận.

Trong cuộc chiến đấu xảy ra giữa hai huynh và đệ, Đức-vua Ariṭṭhajanaka bị bại trận, rồi băng hà tại trận địa, còn Đức Phó-vương Polajanaka là người chiến thắng kéo quân vào kinh-thành Mithilā.

Nghe tin Đức-vua Ariṭṭhajanaka đã băng hà tại nơi trận địa, toàn dân chúng trong kinh-thành Mithilā đều ở trong tình trạng bất an, hỗn loạn.

Còn Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Ariṭṭha-janaka cảm thấy vô cùng khổ tâm khi nghe tin Hoàng-thượng của Bà băng hà. Nhớ lời truyền bảo của Đức-vua Ariṭṭhajanaka, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu lấy những viên ngọc quý giá, những báu vật quý giá gói gọn đặt trong một giỏ, mặc bộ đồ cũ giả dạng dân thường, đội giỏ trên đầu rời khỏi cung điện, ngự đi ra cửa thành phía bắc, mà không một ai nhận ra được. Bà vốn là người không từng đi ra khỏi kinh-thành một mình, nên không biết phải đi đâu. Bà nhớ lại đã có lần nghe đến tên thành phố Kālacampā, nhưng lại không biết đường đi, nên Bà ngồi nghỉ bên đường chờ người đi qua để hỏi thăm đường đi.

Thai nhi nằm trong bụng của Chánh-cung Hoàng-hậu là Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, do năng lực các pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát, khiến cho chỗ ngồi của Đức-vua trời Sakka nóng lên, cho nên, Đức-vua trời Sakka xem xét bằng thiên nhãn thấy rõ nguyên nhân làm nóng ấy, nên nghĩ:

“Thai nhi trong bụng Chánh-cung Hoàng-hậu là Đức-Bồ-tát có nhiều oai lực của pháp-hạnh ba-la-mật. Vậy, chính ta phải hiện xuống cõi người, để rước Chánh-cung Hoàng-hậu đến thành phố Kālacampā.”

Nghĩ xong, Đức-vua trời Sakka liền xuất hiện xuống cõi người, biến hóa ra một người đánh xe ngựa chở khách đi ngang qua chỗ Chánh-cung Hoàng-hậu đang ngồi bèn hỏi rằng:

Có ai đi thành phố Kālacampā hay không?

Nghe ông già đánh xe hỏi như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu truyền bảo rằng:

Thưa ông lão, con nhờ ông lão đưa con đến thành phố Kālacampā, con có thai đã già ngày già tháng rồi, khó bước lên xe được, xin ông lão hãy bỏ cái giỏ trên xe, còn con xin đi theo sau xe.

Ông già đánh xe (Đức-vua trời Sakka) bước xuống xe đến gần Chánh-cung Hoàng-hậu thưa rằng:

Thưa bà, lão là người đánh xe chuyên môn, xe chạy rất êm, xin bà an tâm.

Do oai lực của Đức-Bồ-tát thai nhi nằm trong bụng Chánh-cung Hoàng-hậu, khiến cho mặt đất nhô cao lên sát sàn xe ngựa, nên Bà bước lên xe một cách dễ dàng. Chiếc xe khởi hành, Bà nằm ngủ yên trên xe như nằm trên chỗ nằm sang trọng của một thiên-nữ. Đức-vua trời Sakka chở Chánh-cung Hoàng-hậu đến cửa thành phố Kālacampā vào buổi chiều. Xe dừng lại, Bà bèn hỏi Đức-vua trời Sakka rằng:

Thưa ông lão, nơi đây là nơi nào? Thưa ông.

Thưa Bà, nơi đây là cửa thành phố Kālacampā.

Thưa ông lão, con nghe nói từ kinh-thành Mithilā đến thành phố Kālacampā, cách xa 60 do tuần, sao mà ông lão đánh xe nhanh quá vậy?

Thưa Bà, đúng vậy, từ kinh-thành Mithilā đến thành phố Kālacampā khoảng cách 60 do tuần, nhưng lão biết con đường đi tắt, nên đến nhanh như vậy.

Đức-vua trời Sakka mời Chánh-cung Hoàng-hậu xuống xe trước cửa thành phố phía nam. Bà ngự đến ngồi tại nhà nghỉ bên đường. Đức-vua trời Sakka đánh xe đi tiếp một đoạn, rồi biến mất, ngự trở lại cung trời Tam-thập-tam-thiên. Khi ấy, vị giáo sư Bà-la-môn Udicca dẫn nhóm 500 đệ-tử đi tắm, nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu đang ngồi tại nhà nghỉ bên đường, vị Bà-la-môn đoán biết người đàn bà đang ngồi đó là hạng người cao quý. Do oai lực của Đức-Bồ-tát thai nhi nằm trong bụng Chánh-cung Hoàng-hậu, khiến vị giáo sư Bà-la-môn phát sinh thiện tâm thương mến như một người em gái của mình. Truyền bảo nhóm đệ-tử đứng bên ngoài, vị giáo sư Bà-la-môn một mình đến gặp Bà bèn hỏi rằng:

Này cô em gái thân thương! Cô em một mình từ đâu đến đây?

Chánh-cung Hoàng-hậu thưa thật rằng:

Kính thưa Ngài, con là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Ariṭṭhajanaka tại kinh-thành Mithilā nước Videha, Hoàng-thượng Ariṭṭhajanaka của con chiến đấu với Hoàng-đệ Polajanaka. Trong cuộc chiến đấu ấy, Hoàng-thượng Ariṭṭhajanaka bị thua, rồi băng hà tại trận địa.Trước khi thân chinh cầm quân xuất trận, Hoàng-thượng của con truyền bảo con rằng:

“Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Phó-vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái-khanh nên trốn ra khỏi kinh-thành thận trọng gìn giữ, bảo vệ thai nhi cho được an toàn.”

Vì vậy, con đã cải dạng trốn khỏi kinh-thành đi đến đây với hy vọng bảo vệ thai nhi được an toàn.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu thưa như vậy, vị giáo sư Bà-la-môn hỏi rằng:

Này cô em gái thân thương! Cô em có thân quyến trong thành phố này hay không?

Kính thưa Ngài, con không có thân quyến, người quen biết nào trong thành phố này cả. Thưa Ngài.

Này cô em gái thân thương! Xin cô em an tâm, tôi là giáo sư Bà-la-môn Udicca giàu có, khá giả trong thành phố này, tôi xem cô như người em gái của tôi, cô em sẽ được chăm nom săn sóc, nuôi dưỡng như một người em ruột. Từ nay, xin cô em hãy gọi tôi là anh trai.

Nghe lời dạy của giáo sư Bà-la-môn, Chánh-cung Hoàng-hậu vô cùng hoan hỷ cúi đầu xuống đưa hai bàn tay vuốt nhẹ trên hai bàn chân của vị Bà-la-môn Udicca để tỏ lòng kính trọng. Bà sung sướng gọi lên rằng:

Dạ vâng! Thưa anh trai kính yêu của em!

Vị giáo sư Bà-la-môn Udicca và Chánh-cung Hoàng-hậu cảm thấy vui mừng, thân thiết với nhau. Nhóm đệ-tử bên ngoài nhìn thấy như vậy, nên họ kéo nhau vào bèn thưa với vị giáo sư rằng:

Kính thưa Tôn sư, có sự việc gì vui mừng như vậy?

Này các con! Người em gái của thầy từ phương xa đến, cho nên, khi gặp lại nhau, thầy và người em gái cảm thấy vui mừng như vậy.

Nghe Tôn sư nói như vậy, nhóm đệ tử cũng đều phát sinh tâm hoan hỷ với ông.

Vị giáo sư truyền bảo rằng:

Này các con! Các con hãy đem chiếc xe của thầy đến, rồi mời người em gái của thầy lên xe, các con đưa về nhà thưa với phu nhân của thầy rằng:

“Cô gái này là em gái của thầy, xin bà lo chăm nom săn sóc cô cho chu đáo.”

Vâng lời Tôn sư, các đệ tử đưa Chánh-cung Hoàng-hậu về nhà giáo sư Bà-la-môn, thưa lại với phu nhân của Thầy những lời dặn dò ấy. Vâng lời vị phu quân, bà phu nhân tiếp đón Chánh-cung Hoàng-hậu rất đặc biệt, mời Bà nghỉ trong một căn phòng sang trọng lộng lẫy.

Sau khi tắm xong, vị giáo sư Bà-la-môn trở về nhà, cho người mời người em gái đến phòng dùng cơm chung với ông cùng phu nhân. Chánh-cung Hoàng-hậu được chăm sóc nuôi dưỡng tử tế trong gia đình của vị giáo sư Bà-la-môn. Sau đó không lâu, Bà hạ sinh một Thái-tử, chính là Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, có màu da như màu vàng ròng, Bà lấy tên của Thái-Thượng-hoàng đặt tên cho con là Thái-tử Mahājanaka.

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka còn nhỏ thường chơi với nhóm trẻ trong thành, hễ đứa trẻ nào chọc tức, thì Thái-tử bắt đánh đòn đứa trẻ ấy, bởi vì, Thái-tử có sức mạnh vô địch. Nhóm trẻ ấy khóc la rằng:

Đứa con không cha của bà góa chồng đánh tôi!

Thật ra, Chánh-cung Hoàng-hậu chưa muốn nói rõ về tông tích dòng dõi của con, cho nên, Thái-tử chưa biết cha của mình là ai. Nghe nhóm trẻ khóc la nói xấu mình là đứa con không cha của bà góa chồng, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka chạy về nhà sà vào lòng mẹ, hai tay ôm chặt mẹ, thưa rằng:

Kính thưa mẹ, xin mẹ hãy nói cho con biết rõ sự thật rằng: Cha của con là ai?

Chánh-cung Hoàng-hậu biết không thể giấu tông tích dòng dõi của Thái-tử Mahājanaka được nữa, cho nên, Bà nói thật cho Thái-tử biết rằng:

Này con yêu quý! Con vốn là Thái-tử của Đức-vua Ariṭṭhajanaka tại kinh-thành Mithilā, trị vì nước Videha. Trong khi Mẫu-hậu đang mang thai con, thì xảy ra cuộc chiến giữa Đức-Phụ-vương Ariṭṭhajanaka của con với Đức Phó-vương Polajanaka, Hoàng-thúc của con.

Trước khi thân chinh cầm quân ra trận, Đức-Phụ-vương của con truyền bảo Mẫu-hậu rằng:

“Trẫm thân chinh cầm quân ra trận đánh nhau với Đức Phó-vương Polajanaka lần này, cuộc chiến đấu thắng hay bại chưa có thể biết được. Nếu nghe tin Trẫm bị băng hà thì ái-khanh nên trốn ra khỏi kinh-thành, thận trọng giữ gìn bảo vệ thai nhi cho được an toàn.”

Trong cuộc chiến đấu ấy, Đức-Phụ-vương của con bị thua, rồi băng hà tại trận địa. Khi nghe tin ấy, vâng lời truyền bảo của Đức-Phụ-vương con, Mẫu-hậu phải giả làm thường dân trốn ra khỏi kinh-thành Mithilā, đi lánh nạn, đến thành phố Kālacampā này, để bảo vệ con.

Thật vô cùng diễm phúc, Mẫu-hậu gặp được vị giáo sư Bà-la-môn Udicca này. Ông đã nhận Mẫu-hậu như là người em gái của ông và gia đình ông đã cưu mang, nuôi dưỡng hai mẹ con ta. Gia đình ông Bà-la-môn này là vị ân nhân của chúng ta.

Bây giờ, con đã biết rõ thân thế dòng dõi hoàng tộc của con, con là Thái-tử của Đức-vua Ariṭṭhajanaka. Vậy, từ nay về sau, con không nên bực tức đánh đòn các bạn của con nữa.

Vâng lời dạy của Mẫu-hậu, từ đó về sau Thái-tử Mahājanaka đối xử tốt với bạn bè và cố gắng tinh-tấn học các bộ môn Bà-la-môn và các môn của Thái-tử.

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử trưởng thành, Ngài có thân hình khoẻ mạnh phi thường, có tài đức vẹn toàn không ai sánh bằng. Khi ấy, Thái-tử Mahājanaka nghĩ rằng:

“Ngôi vua của Đức-Phụ-vương ta đã mất, ta quyết tâm giành lại ngôi vua ấy.”

Thái-tử Mahājanaka vào tâu với Mẫu-hậu rằng:

– Tâu Mẫu-hậu, Mẫu-hậu có đem theo của cải quý giá nào không? Mẫu-hậu cho con làm vốn đi buôn bán kiếm được nhiều của cải, rồi chiêu mộ binh lính kéo đến kinh-thành Mithilā, chiến đấu, tranh giành lại ngôi vua của Đức-Phụ-vương con đã mất.

Chánh-cung Hoàng-hậu truyền bảo rằng:

Này Hoàng nhi yêu quý! Mẫu-hậu có mang theo ba viên ngọc quý của Đức-Phụ-vương con: ngọc Maṇi, ngọc Mutta và ngọc Vajira. Dù chỉ một viên ngọc cũng đủ cho con thực hiện ý nguyện chiêu mộ binh lính kéo đến kinh-thành Mithilā để chiến đấu, tranh giành lại ngôi vua của Đức-Phụ-vương con đã mất.

Này Hoàng nhi yêu quý! Con hãy nhận 3 viên ngọc quý này làm của cải, để gầy dựng lên cơ nghiệp đế vương của con. Con chớ nên đi buôn làm gì cho nguy hiểm.

Mặc dù Chánh-cung Hoàng-hậu khuyên bảo như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn muốn đi buôn bán nên tâu rằng:

Muôn tâu Mẫu-hậu, xin Mẫu-hậu ban cho con một nửa của cải, để con làm vốn đi buôn bán trong vùng Suvaṇṇabhūmi (vùng đất vàng).

Chánh-cung Hoàng-hậu truyền bảo rằng:

Này Hoàng nhi yêu quý! Trên đại dương có nhiều nguy hiểm, con chớ nên đi! Theo Mẫu-hậu nghĩ, với ba viên ngọc báu này có thừa cho con thực hiện ý nguyện chiêu mộ binh lính để đánh chiếm, tranh giành lại ngôi vua của Đức-Phụ-vương con.

Mặc dù Chánh-cung Hoàng-hậu đã truyền bảo như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka muốn cậy vào sức mạnh của mình là chính, nên Thái-tử thuê đóng một chiếc thuyền lớn, tuyển chọn thủy thủ, mua sắm các loại hàng hóa chất đầy thuyền. Mọi công việc đã chuẩn bị hoàn tất, sẵn sàng cho chiếc thuyền vượt đại dương đi buôn sang vùng đất Suvaṇṇabhūmi, Thái-tử đến chầu đảnh lễ Mẫu-hậu, xin phép ra đi.

* Thái-Tử Mahājanaka Khởi Hành

* Đức-Vua Polajanaka Bị Lâm Bệnh

Ngày hôm ấy, thái-tử Mahājanaka cùng với 700 thủy thủ lên thuyền, Thái-tử Mahājanaka ra lệnh cho thuyền khởi hành ra biển cả đại dương, hướng chiếc thuyền đến vùng đất Suvaṇṇabhūmi (vùng đất vàng). Và cũng ngày hôm ấy, tại kinh-thành Mithilā, Đức-vua Polajanaka bị lâm bệnh trầm trọng. Hai sự việc ấy xảy ra cùng một ngày hôm ấy.

Đức-Bồ-Tát Tạo Pháp-Hạnh Tinh-Tấn ba-la-mật

Chiếc thuyền lớn của Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vượt ra ngoài biển khơi được 7 ngày.

* Đến ngày thứ 7 chiếc thuyền ấy gặp cơn bão lớn làm cho chiếc thuyền bị vỡ rồi chìm giữa biển cả đại dương.

* Và cũng ngay trong ngày hôm ấy, tại kinh-thành Mithilā, Đức-vua Polajanaka băng hà.

Sau khi chiếc thuyền lớn bị chìm trong đại dương, 700 thuỷ thủ đều bị chết làm mồi cho cá, chỉ còn Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn đang còn cố gắng tinh-tấn bơi lội, với đôi tay và đôi chân của Đức-Bồ-tát, suốt 7 ngày đêm giữa đại dương mà thôi.

Nhìn lên hư không thấy vầng trăng tròn trong sáng, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka tính nhẩm hôm ấy nhằm vào ngày giới uposathasīla, nên Đức-Bồ-tát nguyện thọ trì bát giới Uposathasīla.

Vào thuở ấy, Đức-vua trời cõi Tứ-đại-Thiên-vương truyền lệnh cho vị thiên-nữ Maṇimekhalā làm phận sự bảo vệ những chúng-sinh có giới đức trong sạch, có các pháp-hạnh ba-la-mật cao thượng không được để chúng-sinh ấy chết trong biển đại dương.

Vị thiên-nữ Maṇimekhalā đã không làm tròn phận sự quan sát trên biển cả đại dương trong suốt 7 ngày qua, nên không biết sự việc gì xảy ra trên đại dương. Chợt nhớ đến phận sự của mình thì đã đến ngày thứ 7, vị thiên-nữ quan sát nhìn thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka đang cố gắng tinh-tấn bơi lội trên biển cả đại dương đã suốt 7 ngày qua. Vị thiên-nữ ấy nghĩ:

“Nếu ta để Thái-tử Mahājanaka này chết trên đại dương này, thì chắc chắn ta phải chịu tội với Đức Đại-Thiên-vương.”

Nghĩ như vậy xong vị thiên-nữ Maṇimekhalā vội vàng hiện đến đứng trên hư không gần Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka, hỏi Đức-Bồ-tát bằng bài kệ rằng:

Ai đó cứ cố gắng tinh-tấn bơi lội ở giữa biển đại dương, khi không nhìn thấy đâu là bờ bến.

Vậy, Ngài thấy sự lợi ích gì mà vẫn cố gắng tinh-tấn bơi lội như vậy?

Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka nghĩ:

“Ta đã cố gắng tinh-tấn bơi lội ở giữa đại dương suốt 7 ngày qua không thấy người bạn thứ hai nào. Vậy, ai đang hỏi ta như vậy?”

Ngẩng nhìn lên hư không, Đức-Bồ-tát nhìn thấy vị thiên-nữ, nên trả lời rằng:

Này thiên-nữ! Ta suy xét thấy sự lợi ích của pháp-hạnh tinh-tấn và quả-báu của pháp-hạnh tinh-tấn ấy. Cho nên, dù ta không thấy đâu là bờ bến, ta vẫn cố gắng bơi lội ở giữa đại dương này.

Vị thiên-nữ Maṇimekhalā muốn nghe pháp của Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka nên đọc cậu kệ rằng:

Thưa Ngài, bờ bến đại dương xa tít mù khơi không hiện rõ đối với Ngài, thì sự cố gắng của con người như Ngài chỉ là vô ích mà thôi. Ngài sẽ chết trước khi chưa đến bờ bến đại dương.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka bảo với thiên-nữ rằng:

Này thiên-nữ! Khi con người có sự cố gắng tinh-tấn, dẫu có chết cũng không bị mẹ cha, bà con, chư-thiên, phạm-thiên chê trách. Nếu con người có sự cố gắng tinh-tấn hết sức mình thì sẽ không hối hận về sau.

Vị thiên-nữ Maṇimekhalā thưa rằng:

Thưa Ngài, phàm công việc nào mà người cố gắng tinh-tấn, nhưng không thành tựu thì công việc ấy không có kết quả gì, chỉ làm khổ thân vất vả mà thôi. Sự cố gắng tinh-tấn trong công việc nào mà con người đang thực hiện chưa đạt đến kết quả, sự chết xảy ra đối với người ấy, thì sự cố gắng tinh-tấn ấy có lợi ích gì đâu?

Nghe vị thiên-nữ nói như vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka giảng giải, để làm cho vị thiên-nữ phải khâm phục bằng bài kệ rằng:

Này thiên-nữ! Nếu người nào biết rõ rằng sự cố gắng tinh-tấn trong công việc mà mình đang thực hiện chắc chắn sẽ không đem lại kết quả, rồi buông xuôi thì người ấy gọi là người không biết bảo vệ sinh-mạng của mình. Người ấy từ bỏ sự cố gắng tinh-tấn trong trường hợp như vậy, sẽ thấy hậu quả của sự lười biếng.

Này thiên-nữ! Nếu người nhận thấy rõ sự lợi ích công việc mà họ đang thực hiện, dù công việc ấy có được thành tựu, hoặc không thành tựu thì sự cố gắng tinh-tấn vẫn phải nên tiếp tục tiến hành.

Này thiên-nữ! Ngươi đã thấy rõ kết quả của pháp-hạnh tinh-tấn của tôi rồi phải không. Những người thủy thủ khác không có sự cố gắng tinh-tấn đều bị chết chìm trong đại dương làm mồi cho cá cả thảy rồi, chỉ còn một mình tôi đang bơi lội để đến bờ đại dương và tôi được nhìn thấy ngươi ở bên tôi. Tôi quyết tâm cố gắng tinh-tấn hết sức, để đạt đến mục đích của tôi. Cho nên, pháp-hạnh tinh-tấn là pháp-hạnh mà con người cần phải cố gắng thực-hành không nên ngừng nghỉ.

Nghe những lời nói khẳng khái quyết tâm của Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka, vị thiên-nữ rất cảm phục rồi tán dương ca tụng rằng:

Kính bạch bậc Đại-nhân, Ngài là người có pháp-hạnh tinh-tấn bậc thượng, có chánh tinh-tấn không ngừng bậc thượng.

Kính bạch bậc Đại-nhân, Ngài muốn đến nơi nào, tôi xin đưa Ngài đến nơi ấy. Bạch Ngài.

Nghe vị thiên-nữ hỏi, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka bảo rằng:

Này thiên-nữ! Tôi nhờ thiên-nữ đưa tôi đến kinh-thành Mithilā.

Vị thiên-nữ đáp xuống nước, nâng Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka như đón nhận một bó hoa xinh đẹp bay lên hư không, hai tay ôm Ngài vào lòng như bồng một đứa con yêu quý. Đức-Bồ-tát bơi lội suốt 7 ngày đêm trên biển đại dương, thân thể mệt mỏi rã rời, nay tiếp xúc với thân thể êm ái của vị thiên-nữ, nên Ngài nằm ngủ thiếp đi trong lòng vị thiên-nữ Maṇimekhalā.

Trong khoảng thời gian không lâu đã đến kinh-thành Mithilā, vị thiên-nữ Maṇimekhalā đặt Đức-Bồ-tát Thái-tử nằm nghiêng về bên phải trên tảng đá an lành trong khu vườn xoài thuộc vườn thượng uyển, bên ngoài kinh-thành Mithilā. Vị thiên-nữ Maṇimekhalā nhờ chư-thiên trong khu vườn xoài chăm nom săn sóc Ngài, rồi trở về chỗ ở của mình.

Chọn Người Có Tài Đức Lên Ngôi Vua

Trong khi Đức-vua Polajanaka đang bị lâm bệnh nặng, nằm trên long sàng sắp băng hà, các quan đến chầu Đức-vua tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ không có Thái-tử nối ngôi, chỉ có công-chúa Sīvalidevī mà thôi. Vậy, sau khi Bệ-hạ băng hà rồi, chúng hạ thần nên chọn người như thế nào lên ngôi vua trị vì đất nước này?

Đức-vua Polajanaka truyền bảo rằng:

Này các khanh! Các khanh nên chọn, suy tôn người nào có đủ tài đức song toàn như sau:

* Nếu người nào có khả năng làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

* Nếu người nào có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông (caturassapallaṅka) thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

* Nếu người nào có sức mạnh phi thường có khả năng nhấc nổi cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng (sahassathānadhanu) thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

* Nếu người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn (mahānidhi), rồi đem về đủ nộp vào kho triều đình, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.

Các quan tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ truyền cho biết mật hiệu của mỗi hầm báu vật cho chúng thần.

Đức-vua Polajanaka truyền bài kệ chỉ cho biết mật hiệu của 16 hầm báu rằng:

Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.

Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.

Hầm báu lớn ở bên trong.

Hầm báu lớn ở bên ngoài.

Hầm báu lớn không phải ở bên trong lẫn bên ngoài.

Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên.

Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.

4 hầm báu lớn ở 4 đại cội sālā (mahāsālā).

Hầm báu lớn ở chỗ xung quanh do tuần.

Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.

Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.

Hầm báu lớn ở chỗ dưới nước.

Hầm báu lớn ở chỗ đầu ngọn cây.

Sau khi Đức-vua Polajanaka băng hà, các quan tổ chức lễ hỏa táng. 7 ngày sau, các quan hội họp bàn luận về những điều mà Đức-vua đã truyền lại, để chọn người có tài đức xứng đáng suy tôn làm lễ đăng quang lên ngôi vua. Họ thảo luận từng điều một như sau:

Điều thứ nhất:

“Người nào có khả năng làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng.”

Công-chúa Sīvalidevī là người có trí-tuệ sáng suốt rất thông minh.

Vậy, ai là người có khả năng làm cho công-chúa hài lòng được?

Các quan xét thấy vị quan Thừa-tướng thân cận với Đức-vua có khả năng làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng nhất, nên mời vị quan Thừa-tướng vào chầu công-chúa

Mong muốn được lên ngôi vua, nên vị Thừa-tướng rất vui mừng vội vàng đến chầu, đứng chờ bên ngoài lâu đài của công-chúa Sīvalidevī.

Để thử cho biết vị Thừa-tướng có phải là người có đủ tài đức xứng đáng lên ngôi vua hay không, Công-chúa truyền rằng:

Cho phép Thừa-tướng hãy chạy nhanh vào chầu ta!

Vị Thừa-tướng nghĩ rằng: “Ta phải làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng”, nên chạy nhanh vào.

Công-chúa truyền bảo rằng:

Ngươi hãy mau đến gần ta.

Thấy vị Thừa-tướng mau lẹ đến gần, Công-chúa Sīvalidevī nhận xét thấy ông là người không có tài đức, không có trí-tuệ nên truyền bảo rằng:

Ngươi hãy xoa hai bàn chân của ta.

Vị Thừa-tướng rất hân hạnh được xoa hai bàn chân của Công-chúa Sīvalidevī, để làm cho công-chúa hài lòng. Ngay khi ấy, công-chúa đạp vào ngực của ông ta, vì bị bất ngờ nên ông ta ngã ngửa ra tại chỗ ấy. Công-chúa Sīvalidevī truyền lệnh các tỳ nữ đuổi con người kém tài đức ra khỏi nơi ấy.

Quan Thừa-tướng vừa ra khỏi lâu đài của Công-chúa Sīvalidevī thì các quan đến hỏi rằng:

Thưa quan Thừa-tướng, Ngài có làm cho công-chúa Sīvalidevī được hài lòng hay không?

Vị Thừa-tướng vừa mới bị công-chúa khinh thường, nên bực tức trả lời rằng:

Thưa quý vị! Xin quý vị đừng hỏi tôi về Công-chúa Sīvalidevī nữa. Công-chúa là người rất khó tính đáng sợ, không dễ làm cho cô ấy hài lòng được đâu!

Tiếp theo tuyển chọn vị quan lớn Thủ-kho-báu của triều đình vào chầu công-chúa Sīvalidevī, vị quan này cũng không có khả năng làm cho Công-chúa hài lòng. Tuần tự các vị quan lớn khác trong triều, nhưng cũng không có vị quan nào có khả năng làm cho Công-chúa hài lòng được. Khi ấy, các quan cùng dân chúng bàn bạc với nhau rằng:

“Nếu điều thứ nhất này không có vị nào có khả năng làm cho Công-chúa Sīvalidevī hài lòng, thì tiếp đến điều thứ nhì là:”

Điều thứ nhì:

“Người có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông.”

Điều thứ nhì này, cũng không có vị quan nào có khả năng biết đúng được đầu nằm của long sàng hình vuông, thì tiếp đến điều thứ 3 là:

Điều thứ 3:

“Người nào có sức mạnh phi thường nhấc nổi cây cung 1.000 người khiêng.”

Điều thứ 3 này, cũng không có một vị quan nào có khả năng nhấc nổi cây cung 1.000 người khiêng, thì tiếp đến các điều khác là:

16 hầm báu:

“Người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đem về đủ nộp vào kho triều đình.”

Điều này cũng không có một vị quan nào biết được chỗ 16 hầm báu lớn, dù chỉ là một hầm cũng không được. Các quan lại bàn bạc với nhau rằng:

Triều đình của chúng ta không thể không có một Đức-vua. Vậy, bây giờ chúng ta phải làm thế nào.

Khi ấy, vị quan lớn Purohita phát biểu ý kiến rằng:

Xin quý vị chớ nên lo lắng quá! Chúng ta nên sử dụng cỗ long xa Phussa đi tìm người có đủ tài đức vẹn toàn, để lên ngôi vua trị vì đất nước.

Nghe lời phát biểu của vị quan lớn Purohita, tất cả các quan cùng dân chúng đều đồng tâm nhất trí. Các quan cho người trang hoàng cỗ long xa Phussa lộng lẫy có 4 con ngựa báu, trên xe đặt năm thứ báu vật để làm lễ phong vương, hoàng cung trang hoàng đẹp đẽ, trong kinh-thành cũng trang hoàng đẹp đẽ. Mọi người đều đã chuẩn bị xong, vị quan lớn Purohita làm lễ phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

“Xin cho cỗ long xa Phussa này ngừng ngay chỗ người nào đại phước có tài đức vẹn toàn thì sẽ làm lễ đăng quang suy tôn người ấy lên ngôi vua, rồi thỉnh ngự lên cỗ long xa Phussa này hồi cung.”

Sau khi vị quan lớn Purohita phát nguyện xong, liền ra lệnh cho cỗ long xa Phussa dẫn đầu khởi hành, theo sau có đội nhạc triều đình trỗi lên, các đội binh chỉnh tề đi theo hộ tống.

Cỗ long xa Phussa dừng lại cung kính cung điện, rồi phi nhanh ra, các quan trong triều như quan Thừa-tướng đều hy vọng cỗ long xa Phussa sẽ dừng trước tư dinh của mình, nhưng cỗ long xa vượt qua các tư dinh của các quan, đi ra cửa hướng đông kinh-thành, thẳng đến vườn thượng uyển, vào vườn xoài, đi vòng quanh tấm đá an lành (maṅgalasilāpaṭṭa) tỏ vẻ cung kính, rồi đứng lại nghiêm trang, bởi vì trên tấm đá an lành ấy có Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka đang nằm ngủ say.

Nhìn thấy Ngài đang nằm ngủ trên tấm đá an lành ấy, vị quan lớn Purohita thưa với các quan rằng:

Nếu người đang nằm ngủ trên tấm đá an lành ấy là bậc đại phước có tài đức vẹn toàn xứng đáng lên ngôi vua thì sẽ không ngồi dậy.

Nếu người ấy là kẻ hèn thì thức dậy phát sinh tâm kinh sợ, hốt hoảng, thức giấc ngồi dậy chạy trốn.

Vậy, các ngươi hãy trỗi các loại nhạc lên vang rền khắp vùng không gian này!

Nghe tiếng nhạc, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka tỉnh giấc, mở mắt nhìn thấy cỗ long xa Phussa đứng trang nghiêm, các quan nghiêm chỉnh, đằng sau có các đội binh các loại nhạc triều đình vẫn trỗi lên. Đức-Bồ-tát Thái-tử suy nghĩ rằng:

“Ngai vàng Đức-vua đã đến với ta rồi!.”

Suy nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn nằm yên. Vị quan lớn Purohita nhìn đôi bàn chân của Ngài, xem tướng của Ngài rồi tuyên bố rằng:

“Người này là bậc đại phước có tài đức vẹn toàn, có khả năng làm vua không chỉ trị vì một châu này mà còn có khả năng trị vì 4 châu thiên hạ, có 4 biển làm ranh giới.”

Vị quan lớn Purohita ra lệnh trỗi nhạc lớn hơn nữa, khi ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka mở mắt nhìn xung quanh. Vị quan lớn ra lệnh các quan, dân chúng tránh ra xa, vị quan lớn cung kính chắp hai tay tâu rằng:

Muôn tâu bậc Đại-nhân, kính thỉnh Ngài ngồi dậy. Kính thỉnh Ngài lên ngôi vua, ngự tại kinh-thành Mithilā, trị vì đất nước Videha.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka vẫn nằm, truyền hỏi vị quan lớn Purohita rằng:

Này các ngươi! Đức-vua của các ngươi không có hay sao?

Muôn tâu bậc Đại-nhân, Đức-vua chúng thần đã băng hà rồi!

Này các ngươi! Đức Phó-vương hoặc vị Thái-tử của Đức-vua các ngươi không có hay sao?

Muôn tâu bậc Đại-nhân, Đức-vua của chúng thần không có Đức Phó-vương cũng không có Thái-tử nối ngôi, chỉ có một Công-chúa mà thôi.

Nghe vị quan lớn Purohita tâu trình như vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka truyền bảo rằng:

Này các ngươi! Nếu như vậy thì ta chấp thuận lời thỉnh cầu của các ngươi, lên ngôi vua.

Truyền bảo xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka ngồi dậy. Tại tấm đá an lành ấy, các quan đem nước uống, nước dùng vào kính dâng lên Đức-Bồ-tát. Sau khi Đức-Bồ-tát làm vệ sinh thân thể xong, các quan đem bộ vương phục và 5 thứ báu vật suy tôn vương (cái mũ miện báu, thanh kiếm báu, cây gậy báu, quạt báu và đôi hia báu) đến kính dâng lên Đức-Bồ-tát.

Nhận những vật báu ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahā-janaka mặc bộ vương phục, mang đôi hia, đội mũ, mang gươm báu. Tại tấm đá an lành ấy, các quan làm lễ đăng quang suy tôn Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka lên ngôi vua có tên là Đức-vua Mahājanaka, rồi các quan cung thỉnh Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka ngự lên cỗ long xa Phussa dẫn đầu hồi cung, theo sau là đoàn nhạc triều đình, các bộ binh hộ giá trở về kinh-thành Mithilā.

Khi đến kinh-thành Mithilā, Đức-vua Mahājanaka ngự xuống cỗ long xa Phussa, rồi ngự vào cung điện. Công-chúa Sīvalidevī truyền lệnh vị quan đến chầu Đức-vua tâu rằng:

Tâu Đại-vương, Công-chúa Sīvalidevī thỉnh Đại-vương ngự đến lâu đài gặp công-chúa.

Dù nghe lời tâu của vị quan ấy như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka không quan tâm vẫn ngự đi xem các lâu đài, cung điện một cách tự nhiên, như con sư tử chúa, bởi Đức-vua là bậc đại-thiện-trí. Vị quan ấy không thể làm cho Đức-vua quan tâm đến lời tâu của mình, nên trở về tâu với công-chúa rằng:

Muôn tâu Công-chúa, kẻ hạ thần đã cố gắng tâu lời truyền của Công-chúa, nhưng Đức-vua vẫn ngự đi xem các lâu đài, cung điện một cách tự nhiên, không hề quan tâm đến lời tâu của hạ thần.

Nghe lời tâu của vị quan, Công-chúa Sīvalidevī nghĩ rằng: “Đức-vua này là bậc đại-nhân, bậc đại-thiện-trí.”

Tuy nhận xét biết như vậy, nhưng Công-chúa Sīvalidevī vẫn truyền bảo vị quan ấy đến chầu Đức-vua Mahājanaka lần thứ nhì, lần thứ 3 tâu như các lần trước. Cũng như những lần trước, Đức-vua vẫn ngự đi tự nhiên, không hề quan tâm đến lời tâu của vị quan ấy. Vào cung điện, Đức-vua Mahājanaka ngự lên ngồi trên ngai vàng, các quan đứng chầu ở phía dưới.

Khi ấy, do oai lực của Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, công-chúa Sīvalidevī ngự đến làm lễ tôn kính Đức-vua, rồi kính dâng hatthālampaka (chiếc vòng đeo tay của công-chúa) lên Đức-vua. Nhận chiếc vòng ấy của công-chúa Sīvalidevī, Đức-vua Mahājanaka ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng truyền bảo các quan rằng:

Này các khanh, trước khi Đức-vua Polajanaka của các khanh băng hà có truyền bảo điều gì phải không?

Vị quan lớn trong triều tâu trình các điều mà Đức-vua Polajanaka truyền lại trước khi băng hà rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka của chúng thần trước khi băng hà có truyền lại rằng:

“Nếu người nào có khả năng làm cho công-chúa Sīvaladevī hài lòng, thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên làm vua.”

Đức-vua Bồ-tát truyền rằng:

Công-chúa Sīvalidevī đã ngự đến chầu Trẫm và đã dâng báu vật Hatthālampaka (chiếc vòng đeo tay của Công-chúa).

Như vậy, Trẫm đã làm cho công-chúa Sīvalidevī hài lòng rồi. Các khanh hãy tâu điều khác.

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka truyền lại rằng:

“Nếu người nào có khả năng biết được đầu nằm của long sàng hình vuông thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.”

Nghe vị quan tâu xong, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nghĩ rằng:

“Điều này ta nên dùng kế để biết.”

Đức-vua rút chiếc trâm vàng trên đầu truyền bảo Công-chúa Sīvalidevī đến, trao chiếc trâm vàng ấy tận tay của Công-chúa, rồi truyền bảo Công-chúa đặt lên trên long sàng hình vuông.

Tuân theo lệnh của Đức-vua Mahājanaka, Công-chúa Sīvalidevī cung kính đặt chiếc trâm vàng ấy lên trên đầu nằm của long sàng hình vuông.

Sau khi đã biết rõ đầu nằm của long sàng, nên Đức-vua Mahājanaka đưa tay phải ra chỉ bằng ngón trỏ về phía đầu nằm của long sàng, rồi truyền bảo rằng:

Các khanh hãy tâu điều khác.

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka truyền lại rằng:

“Nếu người nào có sức mạnh phi thường có khả năng nhấc nổi cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.”

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh các quân lính khiêng cây cung ấy ra. Từ trên ngai vàng Đức-vua ngự xuống đến chiếc cung ấy, Đức-vua Mahājanaka đứng tư thế vững vàng, tay phải nhấc bổng cây cung có sức nặng 1.000 người khiêng một cách dễ dàng, rồi Đức-vua truyền bảo tiếp rằng:

Các khanh hãy tâu điều khác.

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka truyền lại rằng:

“Nếu người nào có khả năng biết rõ chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đem về đủ nộp vào kho của triều đình thì các khanh hãy suy tôn người ấy lên ngôi vua.”

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

Đức-vua Polajanaka có truyền mật hiệu của mỗi hầm báu lớn cho các khanh hay không?

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka có truyền cho biết mật hiệu của mỗi của báu lớn cho chúng thần như sau:

1- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc.

2- Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn.

3- Hầm báu lớn ở bên trong.

4- Hầm báu lớn ở bên ngoài.

5- Hầm báu lớn không phải ở bên trong lẫn bên ngoài.

6- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên.

7- Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống.

8…11- 4 hầm báu lớn ở 4 đại cội Sālā (mahāsālā).

12- Hầm báu lớn ở chỗ xung quanh do tuần.

13- Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu.

14- Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu.

15- Hầm báu lớn ở dưới nước.

16- Hầm báu lớn ở đầu ngọn cây.

Nghe những lời tâu của các vị quan, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka hiểu biết, thấy rõ mỗi hầm báu lớn ấy liên quan đến mỗi mật hiệu, như nhìn thấy rõ vầng trăng trên hư không trong sáng. Khi ấy, Đức-vua truyền bảo rằng:

Hôm nay, Trẫm bãi triều, ngày mai Trẫm sẽ chỉ đủ 16 hầm báu lớn ấy.

Ngày hôm sau, các quan văn võ hội triều đầy đủ, Đức-vua Mahājanaka ngự trên ngai vàng có lọng trắng truyền bảo rằng:

Này các khanh! Đức-vua của các khanh có thỉnh Đức-Phật Độc-Giác đến cung điện làm phước bố-thí cúng dường vật thực hay không?

Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Polajanaka của chúng thần thường thỉnh Đức-Phật Độc-Giác đến cung điện làm phước bố-thí, cúng dường vật thực. Tâu Bệ-hạ.

Đức-vua Bồ-tát suy nghĩ rằng:

“Mặt trời ở đây không có nghĩa là mặt trời trên hư không, mà chínhh là Đức-Phật Độc-Giác.”

Vậy, hầm báu lớn ở tại chỗ đón rước Đức-Phật Độc-Giác và chỗ đưa tiễn Đức-Phật Độc-Giác.

  1. Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời mọc

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

Này các khanh! Khi Đức-Phật Độc-Giác ngự đến cung điện, Đức-vua Polajanaka ngự ra đón rước Đức-Phật Độc-Giác tại chỗ nào?

Nghe các quan tâu chỗ đứng đón rước Đức-Phật Độc-Giác, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ ấy. Quả nhiên, khi đào ngay tại chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ nhất.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho triều đình. Các quan cùng dân chúng đều tán dương ca tụng Đức-vua có trí-tuệ siêu-việt.

  1. Hầm báu lớn ở chỗ mặt trời lặn

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền hỏi rằng:

Này các khanh! Khi Đức-Phật Độc-Giác ngự trở về, Đức-vua Polajanaka đứng đưa tiễn Đức-Phật Độc-Giác tại chỗ nào?

Nghe các quan tâu chỗ đứng tiễn đưa Đức-Phật Độc-Giác. Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh cho đào ngay chỗ ấy. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 2.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở bên trong

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay bên trong cửa chính vào cung điện. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 3.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở bên ngoài

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay bên ngoài cửa chính vào cung điện. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 4.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn không phải bên trong lẫn bên ngoài

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay phía dưới cánh cửa chính vào cung điện. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 5.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở chỗ chân bước lên

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ Đức-vua Polajanaka bước ngự lên trên con voi báu. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 6.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở chỗ chân bước xuống

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ Đức-vua Polajanaka bước xuống con voi báu. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 7.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

8-9-10-11. 4 hầm báu lớn ở 4 đại cội sālā

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay 4 chỗ dưới đất từ 4 chân long sàng thẳng xuống đất. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 8-9-10-11.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở chỗ xunng quanh do tuần

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào dưới đất xung quanh khoảng cách bằng cái ách con bò từ long sàng thẳng xuống đất. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 12.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở giữa hai ngà của con voi báu

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay giữa hai ngà của con voi báu đứng. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 13.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở chỗ đuôi của con voi báu

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ đuôi của con voi báu đứng. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 14.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở dưới nước

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào xuống chỗ hồ nước lớn trước hoàng cung. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 15.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

  1. Hầm báu lớn ở đầu ngọn cây

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh đào ngay chỗ đỉnh bóng cây sālā trong vườn thượng uyển. Quả nhiên, khi đào ngay chỗ ấy thì gặp hầm báu lớn thứ 16.

Đức-vua truyền lệnh cho lính đem nộp vào kho của triều đình.

Như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka đã chỉ đúng chỗ 16 hầm báu lớn, rồi đào lấy đem nộp vào kho triều đình đầy đủ. Các quan cùng dân chúng ca tụng rằng:

Thật phi thường chưa từng có! Đức-vua Mahājanaka là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt xuất chúng.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nghĩ rằng:

“Ta sẽ làm phước bố-thí.”

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh xây dựng 6 trại bố-thí: một trại trước cung điện, 4 trại ở 4 cửa thành và một trại giữa kinh-thành Mithilā.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka truyền lệnh cho các quan đi đến thành phố Kālacampā, thỉnh mời Mẫu-hậu cùng ông bà giáo sư Bà-la-môn Udicca đến kinh-thành Mithilā để lo phụng dưỡng báo ân.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app