Phần 4

Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Mahājanaka Vào Rừng

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka ngự thẳng vào rừng Himavanta thực-hành pháp-hành thiền-định, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và 5 phép thần-thông: đa-dạng-thông, thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tiền-kiếp-thông và tha-tâm-thông trong vòng 7 ngày.

Từ đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka không trở ra tiếp xúc với mọi người nữa, mà trú trong rừng núi Himavanta suốt đời.

Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka tịch, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả hoá sinh làm vị phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Sīvalidevī

Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahājanaka đã ngự vào rừng sâu, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī truyền lệnh các quan xây dựng những ngôi tháp để kỷ niệm như sau:

Ngôi tháp tại nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ hỏi chuyện người làm mũi tên.

Ngôi tháp tại nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ hỏi chuyện với bé gái.

Ngôi tháp tại nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dùng miếng thịt nướng của con chó bỏ lại.

Ngôi tháp tại nơi gặp vị đạo-sĩ Migājina.

Ngôi tháp tại nơi gặp vị đạo-sĩ Nārada.

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī ngự về đến kinh-thành Mithilā liền tổ chức làm lễ đăng quang Thái-tử Dīghāvu lên ngôi vua, trị vì nước Videharaṭṭha.

Sau khi Thái-tử Dīghāvu lên ngôi vua, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ trú tại vườn xoài trong vườn thượng uyển, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi nữ đạo-sĩ Sīvalidevī tịch, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả hoá-sinh làm vị phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên.

Đức-Phật thuyết về tiền-kiếp của Ngài là Đức-Bồ-tát Mahājanaka thực-hạnh pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng với bài kệ rằng:

“Atīradassījalamajjihe, hatā sabbeva mānusā.

Cittassa aññathā natthi, esā me vīriyapāramī”

“Tiền-kiếp Như-Lai cùng với 700 thuỷ thủ bị chìm thuyền giữa đại dương, không nhìn thấy bờ bến. Tất cả thuỷ thủ đều chết chìm làm mồi cho cá, chỉ còn một mình tiền-kiếp Như-Lai có sự tinh-tấn không ngừng bơi lội giữa đại dương, không hề thoái chí nản lòng.

Đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng của tiền-kiếp Như-Lai.”

Sau khi thuyết về tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka xong, Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

Na bhikkhave idāneva, pubbepi Tathāgato mahābhi-nikkhamanaṃ nikkhantoyeva.

Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại này, Như-lai từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà tiền-kiếp của Như-lai cũng đã từng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ như vậy.

Tích Mahājanakajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Mahājanakajātaka này, Đức-vua Bồ-tát Mahā-janaka là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Mahājanakajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:

Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, nay kiếp hiện-tại là Đức-vua Suddhodana và Mẫu-hậu Mahāmayādevī.

Vị đạo-sĩ Nārada, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Vị đạo-sĩ Migājina, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

Bé gái, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Khemā.

Thiên-nữ Maṇimekhalā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

Người thợ làm mũi tên, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīvalidevī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharā.

Thái-tử Dīghāvu, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

10 Pháp-Hạnh ba-la-mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Mahājanaka tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng, ngoài ra còn có 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka lập 6 trại bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka thọ trì và giữ gìn ngũ-giới, bát-giới trong những ngày giới hằng tháng, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ, biết rõ những điều mà người khác không biết, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có đức tính nhẫn-nại trong mọi cảnh khổ, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka luôn luôn nói lời chân thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka nói lời phát-nguyện không thoái chí, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có tâm-từ đến tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka có tâm xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng.

Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Mahājanaka

Trong tích Mahājanakajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử Mahā-janaka tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng (Vīriyaparamatthapāramī) tinh-tấn không ngừng bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương dù không nhìn thấy đâu là bờ bến.

Đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng của Đức-Bồ-tát Thái-tử Mahājanaka.

Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Tinh-tấn ba-la-mật đó là tâm-sở tinh-tấn đồng sinh với các thiện-tâm cố gắng tinh-tấn, không thoái chí nản lòng trong mọi phận sự của mình.

Nhờ sức mạnh nào mà Đức-Bồ-tát Mahājanaka tinh-tấn bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa đại dương như vậy?

Sức mạnh có 2 loại:

1- Sức mạnh của thân: Nếu khi con người khoẻ mạnh, không có bệnh hoạn ốm đau thì thân này có sức mạnh. Sức mạnh của thân này tuỳ thuộc vào vật thực, nước uống, thuốc men trị bệnh, v.v… nếu thân này bị đói, bị khát, … thì thân này bị yếu đuối, mệt lử người có thể dẫn đến chết như chết đói, chết khát, …

Thân (kāya) thuộc về sắc-pháp (rūpadhamma) đó là tứ đại hoàn toàn vô tri vô giác. Con người còn sống, thân và tâm nương nhờ lẫn nhau, nếu khi tâm rời khỏi thân thì thân này trở thành tử thi.

Đức-Phật ví thân này như chiếc xe, còn tâm như người tài xế. Chiếc xe chạy tới, chạy lui, quẹo trái, quẹo phải, … do người tài xế điều khiển. Cũng như vậy, thân này có thể đi, đứng, ngồi, nằm, thở ra, hít vào, nói năng, … đều do tâm điều khiển, sai khiến.

Tâm (citta) thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) không có hình dáng, màu sắc. Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia làm 4 loại tâm:

1- Bất-thiện-tâm (ác-tâm) gồm có 12 tâm.

2- Thiện-tâm gồm có 21 hoặc 37 tâm.

3- Quả-tâm gồm có 36 hoặc 52 tâm.

4- Duy-tác-tâm gồm có 20 tâm.

Tâm có chức năng đặc biệt là tích luỹ đầy đủ tất cả mọi thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh.

2- Sức mạnh của tâm: Mỗi tâm có sức mạnh của nó.

Sức mạnh của ác-tâm:

Ví dụ: khi tâm-sân phát sinh khiến cho thân có sức mạnh phá hoại đối tượng không hài lòng, nhưng cũng có khi tâm-sân phát sinh làm cho khổ tâm sầu não, khóc than thảm thiết khiến cho thân trở nên yếu đuối, thoái chí nản lòng, tuyệt vọng.

Như trong tích Mahājanakajātaka, trường hợp khi chiếc thuyền lớn bị chìm đắm, 700 thuỷ thủ phát sinh tâm-sân sợ chết, mất bình tỉnh khiến thân yếu đuối, không thể bơi lội được, nên đều bị chết chìm.

Sức mạnh của thiện-tâm:

Khi đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt phát sinh, có đức-tin hy vọng, tinh-tấn không ngừng, có đức tính nhẫn-nại chịu đựng, khiến cho thân có sức mạnh phi thường bền bỉ kiên trì theo đuổi đến mục đích cuối cùng.

Như trong tích Mahājanakajātaka, trường hợp khi chiếc thuyền lớn bị chìm đắm, Đức-Bồ-tát Mahājanaka có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt, bình tĩnh, có sự tinh-tấn bơi lội không ngừng, có đức tính nhẫn-nại chịu đựng kiên trì, đặc biệt có niềm tin hy vọng sẽ đến nơi bến bờ đại dương, nên khiến cho thân có thêm sức mạnh phi thường.

Chính nhờ sức mạnh của thân và tâm như vậy, nên Đức-Bồ-tát Mahājanaka có sự tinh-tấn không ngừng bơi lội suốt 7 ngày đêm giữa biển đại dương.

Đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc-thượng của Đức-Bồ-tát Mahājanaka.

Phàm làm việc gì cũng nên có đức-tin, hy vọng trong công việc của mình, có sự tinh-tấn không ngừng và có đức tính nhẫn-nại chịu đựng chờ đợi.

Đức-Phật dạy: “Vīriyena dukkhamacceti.”

“Hành-giả giải thoát khỏi khổ sinh tử luân-hồi trong tam-giới do nhờ pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.”

Thật vậy, để thành-tựu mỗi pháp-hạnh ba-la-mật nào đều nhờ đến pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật kiên trì tinh-tấn không ngừng hỗ-trợ mới thành-tựu pháp-hạnh ba-la-mật ấy được như ý.

Ví dụ: Như người nào cần lửa, người ấy đem 2 que củi khô cọ vào nhau liên tục không ngừng để phát sinh sức nóng, rồi mới phát ra lửa được.

Nếu người ấy đem 2 que củi khô cọ vào nhau một lát rồi nghỉ, thì không phát sinh sức nóng, nên không thể phát ra lửa được.

Phàm người nào muốn đạt đến sự thành công về lĩnh vực nào trong đời, người ấy cần phải cố gắng tinh-tấn không ngừng trong suốt thời gian dài hoặc ngắn tuỳ theo lĩnh vực ấy.

Nếu người nào vốn có trí-tuệ, có đức tính nhẫn-nại, kiên trì tinh-tấn không ngừng học hành thì người ấy chắc chắn sẽ có sự hiểu biết nhiều, chắc chắn sẽ được thành-tựu những công việc lớn nhỏ.

Dù người nào vốn có trí-tuệ đặc biệt nhưng biếng nhát trong công việc, ham chơi bời không chịu học hành thì người ấy cũng không có sự hiểu biết rộng, không thành-tựu được những công việc lớn.

Trong tích Mahājanakajātaka này có những điều nên suy xét đó là 2 cây xoài:

* Một cây xoài không có quả được xanh tươi tự nhiên.

* Một cây xoài có quả chín trĩu các cành, quả có hương vị thơm tho ngon ngọt thì bị người ta chặt trụi cành, để hái quả.

Đó là điều mà Đức-vua Bồ-tát Mahājanaka suy gẫm sự thật thường xảy ra trong đời này, nên Đức-vua Bồ-tát từ bỏ ngai vàng điện ngọc, từ bỏ cuộc sống đế vương, mà chọn đời sống đạo-sĩ nuôi mạng bằng cách đi khất thực với cái bát đất, được an lành, để thực-hành pháp-hạnh của bậc Sa-môn.

Thật ra, mỗi người sinh ra trong đời này đều có tuổi thọ nhất định, nhưng đối với hạng người phàm-nhân chắc chắn không có một ai biết được mình còn sống được bao lâu nữa, vả lại sinh-mạng cũng không có gì chắc chắn, bởi vì trong thời đại này có nhiều loại bệnh nan y và nhiều tai nạn xảy ra dễ làm cho mất mạng.

Nếu người nào biết quý trọng sinh-mạng của mình, thì người ấy nên biết tranh thủ thời gian còn lại tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ làm nhân-duyên hỗ-trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

(Xong pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng)

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app