Nội Dung Chính
Phần 14
8.2- Pháp-Hạnh Phát-Nguyện Ba-La-Mật Bậc Trung (Adhiṭṭhāna Upapāramī)
Tích Kukkurajātaka (Kuc-ku-rá-cha-tá-ká)
Trong tích Kukkurajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con Khuyển chúa tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật bậc trung (adhiṭṭhāna upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi, khi ấy, đề cập đến sự tế độ bà con dòng họ, nên Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Kukkurajātaka, tiền-kiếp của Ngài được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con Khuyển chúa ở gần nghĩa địa, có bà con dòng họ rất đông.
Một hôm, Đức-vua Brahmadatta ngự lên chiếc long xa được trang hoàng lộng lẫy, có đôi bạch mã báu kéo đi du lãm trong vườn thượng uyển, Đức-vua vui chơi mãi đến chiều mặt trời sắp lặn mới hồi cung ngự trở về cung điện trong kinh-thành Bārāṇasī. Vị quan đánh xe để chiếc long xa trước sân cung điện.
Đêm hôm ấy trời mưa, chiếc long xa bị ướt, nên dây da và da bọc trong chiếc long xa nở ra, đàn chó được nuôi trong cung điện của Đức-vua Brahmadatta đánh mùi da, chúng chạy đến cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa ấy.
Sáng ngày hôm ấy, thấy dây da và da bọc trong chiếc long xa bị cắn ăn, vị quan tâu lên Đức-vua rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, đêm hôm qua, các con chó bên ngoài đi theo con đường thoát nước vào trong cung, cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa của Bệ-hạ.
Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh rằng:
– Này các khanh! Hễ các khanh thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.
Từ đó, một tai họa lớn xảy đến loài chó, có nhiều con chó bị lính triều đình giết chết, có các con chó hoảng sợ chạy vào khu nghĩa địa trốn, dẫn nhau đến chỗ ở của Đức-Bồ-tát khuyển chúa. Đức-Bồ-tát truyền hỏi rằng:
– Này các ngươi! Do nguyên nhân gì mà các ngươi tụ hội nơi này đông đảo như vậy?
Các con chó thưa với Đức-Bồ-tát khuyển chúa rằng:
– Kính thưa Ngài chúa loài chó, Đức-vua Brahma-datta nổi cơn thịnh nộ truyền lệnh rằng:
“Này các khanh! Hễ Các khanh hễ thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.”
Bởi vì các con chó cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa của Đức-vua. Vì vậy, nhiều con chó đã bị lính triều đình giết chết, chúng con hoảng sợ chạy vào nơi này ẩn náu.
– Kính thưa Ngài chúa loài chó, gặp đại họa diệt chủng này, chắc loài chó chúng con đều bị tiêu diệt.
Nghe thưa như vậy, Đức-Bồ-tát khuyển chúa nghĩ rằng:
“Tại trong cung điện có lính triều đình canh gác nghiêm ngặt, các con chó bên ngoài không thể nào đi vào trong cung được.
Vậy, chỉ có các con chó trong cung mới có thể cắn ăn dây da và da bọc trong chiếc long xa của Đức-vua mà thôi, nhưng không có tai họa nào xảy đến với đàn chó ăn trộm, mà thảm họa lại xảy đến với đàn chó không ăn trộm, bà con dòng họ của ta.”
Để an ủi đàn chó bà con thân quyến dòng họ an tâm, nên Đức-Bồ-tát khuyển chúa truyền bảo rằng:
– Này các bà con thân quyến! Các ngươi chớ nên hoảng sợ nữa! Ta sẽ đi vào cung điện, đến chầu Đức-vua Brahmadatta, tìm cách làm rõ sự việc này, để đem lại sự công bằng, sự an toàn sinh-mạng cho các ngươi.
Vậy, các ngươi nên ở tại đây cho đến khi ta trở về.
Đức-Bồ-Tát Phát-Nguyện Ba-La-Mật
Đức-Bồ-tát Khuyển chúa niệm tưởng đến các pháp-hạnh ba-la-mật của mình, thực-hành pháp-hành niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh muôn loài làm nền tảng, rồi Đức-Bồ-tát Khuyển chúa phát nguyện ba-la-mật bằng lời chân thật rằng:
“Không có một ai có thể hại tôi được, một mình tôi đi vào kinh-thành Bārāṇasī, đến chầu Đức-vua được an toàn, những đất đá, gậy gộc, v.v… mà người ta ném đều không thể đụng vào thân mình của tôi được.”
Do oai lực lời chân thật phát nguyện ấy, nên Đức-Bồ-tát Khuyển chúa đi tự nhiên vào kinh-thành Bārāṇasī, dù những người lính triều đình nhìn thấy Đức-Bồ-tát, nhưng họ cũng không thể gây tai hại cho Đức-Bồ-tát được.
Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta đang ngự trên ngai vàng giữa sân rồng có các quan văn võ tề tựu đầy đủ, Đức-Bồ-tát Khuyển chúa chạy vào ẩn núp dưới ngai vàng của Đức-vua. Lính triều đình xin phép vào bắt Đức-Bồ-tát, nhưng Đức-vua không cho phép, Đức-Bồ-tát Khuyển chúa đi ra trước đảnh lễ Đức-vua Brahma-datta, rồi tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, nghe tin rằng:
Hoàng-thượng truyền lệnh giết loài chó. Điều đó có thật hay không?
Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Thật vậy, chính Trẫm truyền lệnh giết loài chó.
– Muôn tâu Hoàng-thượng, loài chó phạm tội gì vậy?
– Loài chó ấy cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm, cho nên, Trẫm truyền lệnh giết loài chó.
– Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng biết rõ đàn chó ăn trộm cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Hoàng-thượng phải không?
– Trẫm không biết con chó nào ăn trộm cả.
– Muôn tâu Hoàng-thượng, khi Hoàng-thượng không biết rõ con chó nào ăn trộm cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa, mà Hoàng-thượng truyền lệnh giết loài chó. Đó là điều không hợp pháp.
Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
Bởi vì loài chó cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm, nên Trẫm truyền lệnh rằng:
“- Này các khanh! Hễ các khanh thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.”
– Muôn tâu Hoàng-thượng, các lính triều đình giết hết loài chó, hay còn một số con chó không bị giết có không?
– Một số con chó được nuôi trong cung điện của Trẫm đều không bị giết.
– Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng vừa truyền bảo rằng:
“Bởi vì loài chó cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm, nên Trẫm truyền lệnh rằng:
– Này các khanh! Hễ các khanh thấy con chó nào, thì hãy giết con chó ấy.”
Nhưng bây giờ Hoàng-thượng truyền bảo rằng:
“Một số con chó được nuôi trong cung điện của Trẫm đều không bị giết.”
Như vậy, Hoàng-thượng có tâm thiên vị vì thương. Đó là điều không hợp pháp.
Thông thường, Đức-vua cần phải suy xét kỹ, trước khi phán quyết một cách công bằng như bàn cân.
Nay, đàn chó được nuôi đầy đủ sung túc trong cung điện của Đức-vua thì không bị giết chết, chỉ có đàn chó bên ngoài cung, không ai nuôi, đói khát ốm yếu thì bị giết chết mà thôi. Thật là điều không công bằng.
Đúng ra, các Đức-vua trừng trị kẻ ăn trộm, nhưng tại nơi đây, đàn chó ăn trộm thì không bị giết, mà chỉ giết đàn chó không ăn trộm mà thôi.
Ôi! Trong đời này, điều bất công đang hiện hữu!
Điều phi pháp đang hiện hữu!
Nghe Đức-Bồ-tát Khuyển chúa tâu như vậy, Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này bậc thiện-trí! Ngài có biết các con chó nào ăn trộm, cắn ăn dây da và da bọc chiếc long xa của Trẫm hay không?
Đức-Bồ-tát Khuyển chúa tâu với Đức-vua Brahma-datta rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, kẻ tiện này biết rõ đàn chó ăn trộm ấy.
– Này bậc thiện-trí! Ngài biết đàn chó ăn trộm ấy đang ở đâu vậy?
– Muôn tâu Hoàng-thượng, đàn chó được nuôi trong cung điện của Hoàng-thượng.
– Này bậc thiện-trí! Ngài có thể chứng minh, có chứng cớ rõ ràng được hay không?
– Muôn tâu Hoàng-thượng, kẻ tiện này có thể chứng minh, có chứng cớ rõ ràng được.
Kính xin Hoàng-thượng truyền bắt đàn chó trong cung đến đây, và mang bơ lỏng và thứ cỏ dab3tiṇa đến cho kẻ tiện này.
Đức-vua Brahmadatta truyền bảo lính trong triều làm theo lời yêu cầu của Đức-Bồ-tát Khuyển chúa.
Đức-Bồ-tát Khuyển chúa truyền bảo lính triều đình giã nhỏ cỏ dab3tiṇa trộn chung với bơ lỏng, rồi cho đàn chó ấy uống vào.
Sau khi uống xong, một lát, đàn chó ấy ói mửa ra da mà chúng nó đã ăn ngày qua, trước sự chứng kiến của Đức-vua Brahmadatta và các quan trong triều.
Thấy rõ sự thật như vậy, nên Đức-vua vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Khuyển chúa rằng:
“Sabbaññubuddhassa byākaraṇaṃ viya.”
Giải đáp rõ ràng vấn đề ví như Đức-Phật Toàn-Giác.
Đức-vua Brahmadatta kính thỉnh Đức-Bồ-tát Khuyển chúa lên ngồi trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng, thuyết pháp tế độ Đức-vua cùng các quan trong triều.
Đức-Bồ-tát Khuyển chúa thuyết pháp dạy Đức-vua Brahmadatta thực-hành 10 pháp-vương mà các Đức-vua cần phải nghiêm chỉnh thực-hành, để trị vì đất nước bằng thiện-pháp.
Mười Pháp-Vương (Rājadhamma)
– Muôn tâu Hoàng-thượng,
1- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp phụng dưỡng Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
2- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ nuôi dưỡng hoàng hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
3- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ đối với các hoàng gia, các quan, các bạn hữu một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
4- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ đối với các bộ binh, các con voi, con ngựa một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
5- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ đối với dân chúng trong kinh-thành, các tỉnh thành một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
6- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ đối với dân chúng trong đất nước, các vùng biên giới một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
7- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ đối với chư Sa-môn, Bà-la-môn một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
8- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp tế độ đối với các loài thú, các loài chim một cách chu đáo. Khi Hoàng-thượng đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại này.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
9- Xin Hoàng-thượng nên thựờng hành mọi thiện-pháp trở thành thói quen đem lại sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.
Sau khi Hoàng-thượng băng hà, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
10- Xin Hoàng-thượng nên thực-hành mọi thiện-pháp, bởi vì các Đức-vua Trời, chư-thiên, chư phạm-thiên trên các tầng trời, tiền-kiếp của các Vị ấy đã từng thực-hành mọi thiện-pháp.
Vậy, xin Hoàng-thượng không nên dể duôi trong mọi thiện-pháp.
Đó là 10 pháp vương của các Đức-vua trị vì trong đất nước của mình bằng thiện-pháp..
Từ nay về sau, Hoàng-thượng không nên dể duôi trong mọi thiện-pháp, nên tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, nên giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, nên thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng,…
Kính xin Hoàng-thượng nên thực-hành nghiêm chỉnh 10 pháp-vương, để trị vì đất nước cho được phồn vinh, thần dân thiên hạ sống an cư lạc nghiệp.
Sau khi thuyết pháp xong, Đức-Bồ-tát Khuyển chúa dâng ngai vàng lại cho Đức-vua Brahmadatta, đảnh lễ Đức-vua, xin phép cáo từ, trở về chỗ ở của mình.
Sau khi nghe Đức-Bồ-tát Khuyển chúa thuyết pháp, từ đó về sau, Đức-vua Brahmadatta thực-hành đúng theo lời giáo huấn của Đức-Bồ-tát Khuyển chúa, ban sự an toàn sinh-mạng đến tất cả chúng-sinh muôn loài, đặc biệt Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh hằng ngày ban vật thực cho loài chó bên ngoài cung điện nữa.
Đức-vua Brahmadatta thực-hành mọi phước-thiện cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi Đức-vua Brahmadatta băng hà, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới.
Đức-Bồ-tát Khuyển chúa hết tuổi thọ, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau, hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục giới.
Sau khi thuyết tích Kukkurajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai thực-hành không những đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho các thân quyến trong kiếp hiện-tại này, mà còn những tiền-kiếp của Như-Lai cũng từng thực-hành đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho các thân quyến trong những kiếp quá-khứ.
Tích Kukkurajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
Trong tích Kukkurajātaka này, Đức-Bồ-tát Khuyển chúa là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật bậc trung trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của các nhân vật trong tích Kukkurajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Đức-vua Brahmadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.
– Đàn chó bà con thân quyến, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
– Đức-Bồ-tát Khuyển chúa, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật bậc trung)