Nội Dung Chính
Phần 11
Bốn Ân Huệ
1- Ân Huệ Thứ Nhất
– Này Porisāda, bạn thân mến! Tình bằng hữu của bậc Thánh này sánh được với tình bằng hữu của bậc Thánh kia. Sự hiểu biết của bậc thiện-trí này sánh được với sự hiểu biết của bậc thiện-trí kia.
Vậy, tôi mong muốn nhìn thấy bạn khoẻ mạnh sống lâu 100 tuổi.
Đó là ân-huệ thứ nhất mà tôi mong muốn được.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xin ân-huệ thứ nhất như vậy, Porisāda hiểu rằng Đại-vương Sutasoma mong muốn ta được khoẻ mạnh, sống lâu, nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đại-vương mong muốn nhìn thấy tôi được khoẻ mạnh sống lâu 100 năm. Tôi thành kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ nhất này.
2- Ân Huệ Thứ Nhì
– Này Porisāda, bạn thân mến! Những Đức-vua nào thuộc dòng dõi hoàng tộc được làm lễ đăng quang lên ngôi vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu.
Vậy, tôi xin bạn đừng giết những Đức-vua ấy để ăn thịt.
Đó là ân huệ thứ nhì mà tôi mong muốn được.
Porisāda tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Những Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này đều sẽ không bị tôi giết, để ăn thịt.
Tôi thành kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ nhì này.
3- Ân Huệ Thứ 3
– Này Porisāda, bạn thân mến! 101 Đức-vua bị bạn bắt, xâu 2 bàn tay treo trên cây da, họ chịu khổ thân, khổ tâm cùng cực.
Vậy, tôi xin bạn thả 101 Đức-vua ấy, để họ ngự trở về đất nước họ.
Đó là ân-huệ thứ 3 mà tôi mong muốn được.
Porisāda tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Tôi chắc chắn sẽ thả 101 Đức-vua ấy.
Tôi thành kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ 3 này.
4- Ân Huệ Thứ Tư
– Này Porisāda, bạn thân mến! Đất nước của bạn có nhiều nơi hoang tàn, bởi dân chúng bỏ nhà kéo nhau đi lánh nạn, vì sợ bạn giết họ để ăn thịt.
Vậy, tôi xin bạn không nên dùng món thịt người nữa.
Đó là ân huệ thứ tư mà tôi mong muốn được
Khi nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền xin ân-huệ thứ tư này, Porisāda vỗ tay cười khanh khách, rồi tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đại-vương đề cập đến điều này được hay sao?
Ân-huệ này cũng như sinh-mạng của tôi, tôi làm sao có thể dâng đến Đại-vương được. Thịt người là món ăn ưa thích nhất của tôi từ lâu.
Sở dĩ tôi bị đuổi ra khỏi kinh-thành Bāraṇasī, bị lưu đày ở trong rừng này, là vì món thịt người này, tôi không dùng món thịt người làm sao được!
Kính xin Đại-vương chọn ân-huệ khác vậy!
Nghe Porisāda tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn là Đức-vua trị vì một nước lớn, mà say mê, nghiện dùng thịt người, với ý nghĩ rằng:
“Thịt người là món ăn ưa thích nhất của ta.”
Vì vậy, bạn đã lún sâu vào mọi tội-ác mà xa lánh mọi phước-thiện. Cho nên, bạn phải chịu khổ trong kiếp hiện-tại này. Sau khi bạn chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục thì lại càng phải chịu quả khổ của ác-nghiệp suốt thời gian lâu dài trong cõi địa-ngục ấy nữa.
– Này Porisāda, bạn thân mến! Ta là nơi yêu quý nhất trong đời, khi tâm của ta đã tập luyện trú trong thiện-pháp, thì sẽ hưởng mọi sự an-lạc và mọi điều đáng ưa thích nhất hơn thế nữa.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda vô cùng kinh sợ nghĩ rằng:
Ta chắc chắn không thể nào thuyết phục được Đại-vương Sutasoma, bạn của ta thay đổi ân-huệ thứ tư ấy, còn ta cũng không thể không dùng thịt người được.
Vậy, ta phải làm sao bây giờ?
Nếu Đại-vương Sutasoma, bạn của ta xin ân-huệ thứ tư khác thì ta sẽ dâng ngay tức thì.”
Porisāda vô cùng khổ tâm, trào đôi dòng nước mắt mà tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Kính xin bạn thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Thịt người là món ăn ưa thích nhất của đời tôi, tôi không thể nào không dùng thịt người được. Kính xin bạn thương xót tôi mà chọn ân-huệ thứ tư khác vậy!
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Nếu bạn còn có tâm tham muốn chấp thủ trong thịt người là món ăn ưa thích nhất của bạn, nên tạo ác-nghiệp giết người ăn thịt.
Sau khi bạn chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì phải sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, phải chịu quả khổ của ác-nghiệp mà bạn đã tạo.
Cũng như người nào nghiện rượu, uống rượu có chất độc, người ấy tự làm khổ mình trong kiếp hiện-tại.
Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nghiện rượu ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì phải sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh lại càng khổ nhiều hơn nữa.
– Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn nên có trí nhớ, trí-tuệ biết mình, từ bỏ dùng món thịt người mà bạn ưa thích nhất, cố gắng tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng thực-hành theo lời dạy của bậc thiện-trí, tạo mọi đại-thiện-nghiệp.
Sau khi bạn chết, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời dục-giới, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy trong cõi thiện-giới ấy.
Cũng ví như người mắc bệnh, muốn được khỏi bệnh, bất đắc dĩ bệnh nhân phải ráng cố gắng uống thuốc có vị đắng. Khi khỏi bệnh, người ấy được khỏe mạnh, an-lạc trong kiếp hiện-tại.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda vô cùng khổ tâm, khóc than rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Tôi đã từ bỏ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, từ bỏ Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, từ bỏ ngai vàng điện ngọc, v.v… Tôi bị lưu đày vào ở trong rừng này chỉ vì nguyên nhân tôi thích dùng món thịt người.
Bây giờ, làm sao tôi có thể dâng ân-huệ thứ tư này đến Đại-vương được!
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Chư bậc thiện-trí không bao giờ nói hai lời, nói như thế nào thì hành như thế ấy. Bạn đã nói với tôi rằng:
“Kính xin Đại-vương an tâm mà tin chắc chắn rằng:
“Tôi hứa chắc chắn cúng dường đủ 4 ân-huệ và Đại-vương cũng sẽ nhận đủ 4 ân-huệ ấy.”
Vừa rồi bạn đã nói như vậy, bây giờ bạn lại nói khác. Vậy, lời nói trước khác với lời nói sau.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Porisāda khóc, tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Tôi đã trở thành con người tàn ác, mất hết tính người. Hằng ngày, tôi sống bằng cách giết người để ăn thịt.
Vì vậy, tôi không thể nào dâng ân-huệ thứ tư này đến Đại-vương được.
Kính xin Đại-vương thông cảm nỗi khổ của tôi mà đừng bắt buột tôi phải từ bỏ món thịt người.
Kính xin Đại-vương chọn ân huệ thứ tư khác.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền nhắc lại lời nói của Porisāda rằng:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Bạn cũng đã tâu với tôi rằng:
“Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Người nào đã hứa cúng dường 4 ân-huệ, rồi không chịu cúng dường đủ 4 ân-huệ thì tốt hơn người ấy không nên hứa cúng dường gì cả!
– Kính xin Đại-vương an tâm tin chắc rằng:
“Tôi hứa chắc chắn cúng dường đủ 4 ân-huệ và Đại-vương cũng sẽ nhận đủ 4 ân-huệ, “dù cho phải hy sinh sinh-mạng, thì tôi cũng dám hy sinh sinh-mạng, để hiến dâng, để cúng dường đến Đại-vương.”
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma nhắc lại lời nói của Porisāda vừa qua để động viên khuyến khích Porisāda phát sinh tâm dũng cảm quyết tâm dâng ân-huệ thứ tư này rằng:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Sự hiến dâng sinh-mạng để đem lại sự lợi ích lớn lao cho mình và cho tất cả mọi người, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của chư Đức-Bồ-tát. Chư thiện-trí chỉ thực-hành, giữ gìn lời chân-thật mà thôi. 4 ân-huệ mà bạn đã hứa với lời chân-thật, thì bạn hãy nên thực hiện lời hứa chân-thật ấy ngay tức khắc. Bạn hãy nên dũng cảm lên!
– Này Porisāda, bạn thân mến! Người dám hy sinh của cải để bảo vệ giữ gìn các bộ phận trong thân thể, bởi vì các bộ phận như mắt, tai, v.v… là quý hơn của cải; người dám hy sinh bộ phận trong thân thể như tay, chân, v.v… để bảo vệ, giữ gìn duy trì sinh-mạng, bởi vì sinh-mạng là quý hơn bộ phận trong thân thể. Để bảo vệ, giữ gìn thiện-pháp, chánh-pháp của bậc thiện-trí như Đức-Phật… thì người ấy dám hy sinh của cải tài sản, các bộ phận trong thân thể, thậm chí cả đến sinh-mạng của mình nữa, bởi vì thiện-pháp, chánh-pháp của bậc thiện-trí như Đức-Phật, v.v… là cao thượng hơn tất cả mọi thứ trong đời.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo động viên khuyến khích Porisāda thực hiện lời hứa chân-thật, có lòng tri ân và đền đáp công ơn thầy tiếp như sau:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Người nào có được sự hiểu biết là nhờ đến vị thầy, người ấy cần phải biết ơn thầy và biết đền đáp công ơn thầy. Đó là đức tính tốt của bậc thiện-trí.
– Này Porisāda, bạn thân mến! Tôi cũng từng là vị thầy giúp đỡ, hướng dẫn, dạy dỗ bạn lúc bạn còn trẻ, cùng sống chung với nhau tại kinh-thành Takkasilā.
Nay, tôi cũng đã thuyết lại 4 bài kệ của Đức-Phật Kassapa cho bạn nghe. Như vậy, tôi là thầy, cũng là bạn của bạn.
Vậy, bạn nên nghe lời khuyên dạy của tôi, không nên làm cho tôi thất vọng về bạn.
Nghe lời khuyên dạy chí tình của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Porisāda có nhận thức đúng đắn rằng:
“Thật vậy, Đại-vương Sutasoma là vị thầy khả kính của ta, ta phải nên vâng lời khuyên dạy của thầy. 4 ân-huệ mà ta đã hứa bằng lời chân-thật với thầy, ta phải nên thực hiện đúng theo lời hứa chân-thật ấy.
Vậy, ta phải nên cúng dường đến thầy đầy đủ 4 ân-huệ ấy.
Sự thật, trong đời này, ai sinh ra rồi cũng có ngày phải chết cả. Đó là điều chắc chắn không ai tránh khỏi. Nếu ta không dùng được thịt người thì ta có chết cũng là việc thường thôi.
Vậy, ta sẽ dâng đến Đại-vương Sutasoma ân-huệ thứ tư là không dùng món thịt người nữa.”
Quyết định xong, nước mắt chảy dài trên đôi má, Porisāda đứng dậy đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma rồi tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, bạn thân mến! Đã từ lâu, thịt người là món ăn ưa thích nhất trong cuộc sống của tôi. Sở dĩ, tôi bị đày ở trong rừng này là vì nguyên nhân món thịt người ấy.
Nay, Đại-vương đã xin ân-huệ thứ tư là “Xin bạn không nên dùng món thịt người nữa.”
Tôi xin chấp thuận rằng: Tôi xin kính dâng đến Đại-vương ân-huệ thứ tư này.
Nghe Porisāda quyết định sáng suốt như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này Porisāda, bạn thân mến! Lành thay! Bạn là người đã biết thức tỉnh, quyết định sáng suốt dâng đến tôi ân-huệ thứ tư. Tôi rất hoan hỷ nhận ân-huệ thứ tư của bạn.
Tôi cầu mong cho bạn thực-hành theo con đường của bậc thiện-trí, kể từ nay cho đến trọn đời, trọn kiếp.
– Này Porisāda, bạn thân mến! Nếu bạn còn biết thương yêu mình, thì tôi xin yêu cầu bạn nên thọ trì ngũ-giới. Bạn nghĩ thế nào?
Porisāda tâu rằng:
– Lành thay! Tâu Đại-vương Sutasoma, vị thầy khả kính! Con vô cùng hoan hỷ vâng theo lời dạy của thầy.
Con xin thọ-trì ngũ-giới. Con kính thỉnh thầy hướng dẫn thọ-trì ngũ-giới cho con.
Biết Porisāda đã biết phục-thiện, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma công nhận trở lại là Đức-vua Brahmadatta như trước, rồi Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Vậy xin mời Đại-vương thọ trì ngũ-giới.
Đức-vua Brahmadatta đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma với đầy đủ 5 chi (cái trán, hai cùi tay, hai đầu gối chân sát mặt đất), rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức-vua Bồ-tát hướng dẫn thọ-trì ngũ-giới cho Đức-vua Brahmadatta vừa chấm dứt, vị chư-thiên ở cội cây cùng toàn thể chư-thiên trên địa cầu vô cùng hoan hỷ đồng tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát rằng:
– Tất cả chúng-sinh từ cõi đại-địa-ngục Avīci cho đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, không có một ai có khả năng ngăn cấm Porisāda dùng món thịt người được, duy nhất chỉ có Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có khả năng đặc biệt thuyết phục Porisāda từ bỏ dùng món thịt người được mà thôi. Đó là việc làm mà người khác khó có thể làm được. Thật là điều phi thường!
Toàn thể chư-thiên cõi trời tứ-Đại-Thiên-vương nghe lời tán dương ca tụng của chư-thiên trên địa cầu, rồi cũng tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma như vậy. Toàn thể chư-thiên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nghe lời tán dương ca tụng của chư-thiên cõi trời tứ-Đại-Thiên-vương rồi cũng tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma như vậy.
Và cứ như vậy, từ các tầng trời dục-giới cho đến tầng trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vang rền khắp các tầng trời.
101 Đức-vua bị xâu 2 bàn tay treo trên cây da cũng đều nghe tiếng tán dương ca tụng của chư-thiên trên địa cầu. Các Đức-vua đều nghĩ rằng:
“Chúng ta chắc chắn được thoát nạn chết, do nhờ Đại-vương Sutasoma thuyết phục được tên sát nhân Porisāda từ bỏ ác-nghiệp làm thiện-nghiệp.”
Nghĩ như vậy xong, họ đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma.
Đức-vua Brahmadatta đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xong, rồi đứng một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Brahmadatta rằng:
– Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn nên thả 101 Đức-vua kia ngay bây giờ.
Đức-vua Brahmadatta suy xét rằng:
“Ta là kẻ thù của 101 Đức-vua này, nếu khi ta thả 101 Đức-vua ấy ra thì họ sẽ hợp lại với nhau hành hạ ta đến chết để trả thù. Còn ta đã thọ trì ngũ-giới rồi, ta không thể làm khổ ai được nữa.”
Suy xét như vậy, nên Đức-vua Brahmadatta tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, Đại-vương là bậc thầy khả kính và là bạn thân của con. Con đã vâng lời khuyên của thầy, nay con kính thỉnh thầy cùng con đến thả 101 Đức-vua ấy ra.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đồng ý cùng ngự đi với Đức-vua Brahmadatta đến gặp 101 Đức-vua đang bị xâu 2 tay treo quanh cây da, 2 chân chạm đất, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này quý Đức-vua thân mến! Tất cả quý Đức-vua đều được Đức-vua Brahmadatta thả ra, tôi cầu xin tất cả quý Đức-vua không nên hành hạ Đức-vua Brahmadatta để trả thù.
Xin quý Đức-vua hứa chắc chắn với tôi như vậy.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xin như vậy, tất cả các Đức-vua tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, tất cả chúng tôi xin hứa với Đại-vương rằng:
“Tất cả Đức-vua chúng tôi sẽ không hành hạ Đức-vua Brahmadatta để trả thù. Chúng tôi xin hứa chắc chắn với Đại-vương như vậy.”
Nhìn thấy cảnh tượng 101 Đức-vua bị xâu 2 bàn tay treo trên cây da như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma nghĩ rằng:
“Nếu để Đức-vua Brahmadatta cầm gươm đến cắt đứt sợi dây thì họ sẽ bị rơi xuống đất, làm cho chết ngất, bởi vì suốt 7 ngày qua bị treo trên cây.”
Vì nghĩ như vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đến gần mỗi Đức-vua, ôm choàng thân hình của họ, rồi truyền bảo Đức-vua Brahmadatta cắt đứt sợi dây, Đức-vua Bồ-tát ẵm từng mỗi Đức-vua đặt nằm xuống đất, nhẹ tay rút sợi dây xâu 2 tay ra, lau sạch vết thương, Đức-vua Bồ-tát phát nguyện bằng lời chân-thật, rồi thoa thuốc vào vết thương của mỗi Đức-vua ấy.
Thật phi thường thay! Vết thương được lành ngay.
Sau đó, Đức-vua Brahmadatta nấu cháo lỏng, lấy nước đem đến cho mỗi vị Vua dùng.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma và Đức-vua Brahmadatta lo phục vụ chăm sóc 101 Đức-vua sáng, trưa, chiều qua một thời gian ngắn, họ được hồi phục sức khoẻ. Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta tâu xin lỗi Đức-vua Bồ-tát Suta-soma cùng 101 Đức-vua rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma cùng 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu kính mến! Bởi vì tâm tham muốn dùng món thịt người, tâm tà-kiến thấy sai, nên tôi đã trở thành người tàn ác đã gây ra đau khổ cho nhiều người, nhất là đã làm khổ Đại-vương Sutasoma cùng 101 Đức-vua. Chính nhờ nghe Đại-vương Sutasoma thuyết pháp tế độ cho tôi được thức tỉnh, nên tôi đã từ bỏ ác-nghiệp, tạo thiện-nghiệp.
Nay, tôi đã nhận thức được lỗi lầm, tôi thành tâm sám hối những tội-lỗi của tôi. Kính xin quý Đức-vua tha thứ lỗi cho tôi.
Các Đức-vua đều có tâm-từ hoan hỷ tha thứ lỗi cho Đức-vua Brahmadatta. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền hỏi quý Đức-vua rằng:
– Này quý vị thân mến! Quý vị có thể ngự trở về kinh-thành của mình được chưa?
Các Đức-vua đều tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, mỗi Đức-vua chúng tôi có thể ngự trở về kinh-thành của mình được rồi.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Brahmadatta rằng:
– Này Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn cũng ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī của bạn.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo như vậy, Đức-vua Brahmadatta khóc, quỳ xuống ôm 2 bàn chân của Đức-vua Bồ-tát mà tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, vị thầy khả kính! Đại-vương cùng với 101 Đức-vua ngự trở về kinh-thành của mình, còn tôi ở lại trong rừng này tìm trái cây và rễ cây, để nuôi sống qua ngày.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn ở lại trong rừng này có ích lợi gì đâu?
Bạn nên ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, lên ngôi vua trị vì đất nước Kāsi rộng lớn ấy.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo vậy, Đức-vua Brahmadatta tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Thầy truyền bảo như vậy được hay sao? Tôi không dám ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, bởi vì tôi đã từng là kẻ thù của dân chúng trong kinh-thành Bāraṇasī. Khi họ nhìn thấy tôi, họ sẽ mắng nhiếc tôi là kẻ sát nhân ăn thịt mẹ cha, bà con của họ, họ sẽ đánh đập tôi, thậm chí giết chết tôi nữa. Còn tôi đã thọ trì ngũ-giới từ nơi Thầy rồi, để giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, tôi không thể nào chống cự lại họ được, dù để bảo vệ sinh-mạng. Vì vậy, tôi không thể ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī được. Vả lại, không dùng thịt người, liệu tôi còn sống được bao nhiêu ngày nữa. Chắc tôi không còn có cơ hội gặp lại Đại-vương, Đức Thầy khả kính của đời tôi nữa đâu.
Đức-vua Brahmadatta khóc nức nở, tâu tiếp rằng:
– Kính thỉnh Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính ngự trở về kinh-thành Indapatta.
– Kính xin Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính để một mình tôi ở lại trong khu rừng này.
Nghe lời than vãn của Đức-vua Brahmadatta, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cảm động đưa bàn tay vuốt nhẹ lưng của Đức-vua, rồi truyền bảo rằng:
– Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Tôi là vua Sutasoma đã khuất phục người tàn nhẫn, độc ác như bạn còn được, huống gì dân chúng kinh-thành Bāraṇasī sao lại không được? Tôi sẽ đưa bạn ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, lên ngôi vua trị vì đất nước Kāsi.
Nếu không được thì tôi sẽ chia đất nước của tôi làm hai phần, ban cho bạn một phần, rồi làm lễ đăng quang suy tôn bạn lên làm vua.
Nghe lời truyền bảo chí tình của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức-vua Brahmadatta tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Tôi cũng từng là kẻ thù của dân chúng kinh-thành Indapatta.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma suy nghĩ tìm cách khác để thuyết phục Đức-vua Brahmadatta tin tưởng mà chịu trở về kinh-thành Bāraṇasī. Cho nên, Đức-vua Bồ-tát khéo diễn tả cuộc sống của Đức-vua Brahmadatta trước kia trong cung điện, hưởng mọi sự an-lạc, làm cho Đức-vua hồi tưởng lại cuộc sống ấy và nghĩ đến cuộc sống cô đơn vất vả trong rừng một mình. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Brahmadatta rằng:
– Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Xin mời bạn cùng đi với tôi. Tôi sẽ đưa bạn ngự trở về kinh-thành Bāraṇasī, làm lễ đăng quang suy tôn bạn lên làm vua xong, tôi mới ngự trở về kinh-thành Indapatta.
Nếu bạn không lên ngôi làm vua tại kinh-thành Bāraṇasī được, thì tôi sẽ đưa bạn trở về kinh-thành Indapatta. Tôi sẽ ban cho bạn một nửa phần đất nước, rồi làm lễ đăng quang suy tôn bạn lên làm vua. Bạn sống trong rừng cô đơn vất vả một mình có ích lợi gì đâu. Xin bạn hãy nên nghe theo lời khuyên của tôi.
Nghe lời khuyên bảo chí tình, lời khẩn khoản của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức-vua Brahmadatta vô cùng cảm kích trước tấm lòng tốt thuỷ chung của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức thầy khả kính, người bạn thân thiết nhất đời, nên suy nghĩ rằng:
“Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính, có tâm đại-bi cứu vớt ta khỏi vũng bùn tội ác, nâng đỡ ta trở nên người có giới-hạnh trong sạch. Bây giờ, Đại-vương Sutasoma lại muốn ta trở lại kinh-thành Bāraṇasī, làm lễ đăng quang lên ngôi vua như xưa, được hưởng mọi sự an-lạc. Ta ở lại sống trong rừng này có ích lợi gì đâu.
Vậy, ta nên tin và vâng lời khuyên bảo của Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính của ta.”
Sau khi suy nghĩ như vậy, Đức-vua Brahmadatta kính tâu rằng:
– Kính tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng thương yêu chân-thật của thầy đối với tôi.
Vậy, tôi xin vâng lời thầy, đi theo thầy trở về kinh-thành Bāraṇasī.
– Kính tâu Đại-vương Sutasoma, Đức thầy khả kính! Sự gần gũi thân cận với bậc thiện-trí đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai. Còn sự gần gũi thân cận với kẻ ác chỉ đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ đau trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.
Đức-vua Brahmadatta tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đủ điều. Sau đó, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma dẫn Đức-vua Brahmadatta cùng 101 Đức-vua ngự ra khỏi rừng đến vùng biên giới.
Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, dân chúng đi đến kinh-thành Indapatta báo cho các quan trong triều đình biết. Các quan văn võ, các tướng lĩnh dẫn các đội binh đến đón rước. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự cùng với các quan, các đội binh đông đảo đi đến kinh-thành Bāraṇasī.
Khi ấy, Thái-tử của Đức-vua Brahmadatta lên ngôi làm vua, vị quan Kāḷahatthi cũng là vị Thừa-tướng trong triều như xưa. Dân chúng ngoại thành đi vào trong kinh-thành Bāraṇasī đến chầu Đức-vua, rồi tâu rằng:
– Tâu Bệ-hạ, Đại-vương Sutasoma đã thuyết phục được Đức-vua Brahmadatta, và đang cùng các quan, các đội binh hùng hậu ngự đến kinh-thành Bāraṇasī này.
Nghe tâu như vậy, Đức-vua liền truyền lệnh đóng cửa thành, và các đoàn binh cầm khí giới sẵn sàng. Khi đoàn quân của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã đến kinh-thành Bāraṇasī, các quan đến tâu rằng:
– Tâu Đại-vương Sutasoma, cửa thành Bāraṇasī đã bị đóng chặt rồi!
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma liền truyền lệnh cho Đức-vua Brahmadatta và 101 Đức-vua cùng các đội binh dừng lại bên ngoài kinh-thành, Đức-vua Bồ-tát Suta-soma ngự đến cửa thành cùng với 2-3 vị quan, truyền lệnh rằng:
– Ta là Đức-vua Sutasoma, các ngươi hãy mở cửa thành!
Các quan giữ cửa thành vào tâu, Đức-vua Bāraṇasī liền truyền lệnh rằng:
– Đại-vương Sutasoma là bậc đại-thiện-trí, có giới đức đáng kính, là Đức Pháp-vương, chắc chắn không có tai hoạ nào xảy đến với chúng ta.
Vậy, các khanh hãy mở cửa thành ngay!
Đức-vua Bāraṇasī cùng Thừa-tướng Kāḷahatthi ra cửa thành đón rước Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự vào cung điện, cung thỉnh Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự trên ngai vàng, còn Đức-vua Bāraṇasī ngự chỗ thấp hơn. Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền lệnh cho mời Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta cùng các quan đến hội triều đông đủ. Đức-vua Sutasoma truyền hỏi rằng:
– Này quan Thừa-tướng Kāḷahatthi! Tại sao các ngươi không cho Đức-vua Brahmadatta ngự vào kinh-thành?
Vị Thừa-tướng Kāḷahatthi tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, khi trị vì đất nước, Đức-vua Brahmadatta là người tàn nhẫn, ăn thịt người. Đức-vua đã truyền lệnh cho người đầu bếp giết nhiều người trong kinh-thành này, lấy thịt làm món ăn dâng lên Đức-vua. Tuy chúng thần đã khuyên can, nhưng Đức-vua vẫn không chịu nghe, không chịu từ bỏ ăn món thịt người trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Cho nên, chúng thần đành phải mời Đức-vua rời khỏi cung điện, ra khỏi kinh-thành này, ra khỏi đất nước này, để cho dân chúng được sống an lành.
Nay, nghe tin Đức-vua Brahmadatta ngự trở lại kinh-thành, chúng thần lo sợ. Cho nên, Đức-vua hiện-tại truyền lệnh đóng cửa thành lại. Kính tâu Đại-vương.
Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo rằng:
– Này các quan! Nay, các ngươi không còn phải lo sợ Đức-vua Brahmadatta sẽ tạo ác-nghiệp giết người ăn thịt như vậy nữa, bởi vì Trẫm đã thuyết phục được Đức-vua Brahmadatta từ bỏ ăn món thịt người rồi. Bây giờ, Đức-vua Brahmadatta đã thức tỉnh, biết phục thiện, trở thành Đức-vua thiện-trí có giới hạnh trong sạch.
Từ nay về sau, Đức-vua Brahmadatta chắc chắn sẽ không bao giờ gây tai hoạ đến cho bất cứ một ai nữa.
Vậy, các ngươi hãy nên tôn kính Đức-vua Brahmadatta.
Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Đức-vua Bāraṇasī là Thái-tử con của Đức-vua Brahmadatta rằng:
– Này Thái-tử! Bổn phận làm con phải biết tôn kính, biết lo phụng dưỡng mẹ cha. Nếu những người con nào không biết tôn kính, không biết lo phụng dưỡng mẹ cha thì sau khi những người con ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp ấy sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Nếu những người con nào biết tôn kính, biết lo phụng dưỡng mẹ cha, thì sau khi những người con ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy sẽ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.
– Này Thái-tử! Ngươi là con của Đức-vua Brahma-datta, ngươi phải có bổn phận biết tôn kính, biết lo phụng dưỡng Đức-Phụ-vương của ngươi một cách cung kính. Ngươi hãy nên cố gắng làm tròn bổn phận người con đối với Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ngươi.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi rằng:
– Này Kāḷahatthi! Khanh là bạn của Đức-vua Brahma-datta, Đức-vua Brahmadatta đã phong cho khanh địa vị quan Thừa-tướng trong triều.
Vậy, khanh phải nên phục vụ đem lại sự lợi ích, sự an-lạc đến Đức-vua Brahmadatta và đất nước Kāsi này.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta rằng:
– Này Chánh-cung Hoàng-hậu! Bà xuất thân từ hoàng tộc, và được phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta, đã sinh hạ Thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa.
Vậy, Bà cũng phải nên có bổn phận phục vụ, đem lại sự lợi ích, sự an-lạc đến Đức-vua Brahmadatta.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền dạy bài kệ rằng:
Đức-vua thắng người không nên thắng (chiếm ngôi của Đức-Phụ-vương), thì không xứng danh là Vua.
Bạn thắng bạn của mình (lừa bạn), thì không gọi là người bạn tốt.
Vợ không biết tôn trọng chồng (coi thường chồng), thì không gọi là vợ hiền.
Con không lo phụng dưỡng mẹ cha, thì không gọi là người con chí hiếu.
Trong cuộc hội họp, nếu không có bậc thiện-trí, thì không gọi là cuộc hội họp hợp pháp.
Người nào không nói đúng chánh-pháp, thì không gọi là bậc thiện-trí.
Bậc nào diệt được tham, sân, si, rồi thuyết dạy đúng theo chánh-pháp, thì bậc ấy được gọi là bậc thiện-trí.
Bậc thiện-trí nào ngồi chung với các hàng thiểu trí, nếu bậc thiện-trí ấy không phát biểu, thì không biết bậc ấy là bậc thiện-trí.
Bậc thiện-trí ấy thuyết pháp Niết Bàn bất tử, thì mới biết bậc ấy là bậc Đại-thiện-trí.
Bậc thiện-trí thuyết dạy chánh-pháp rõ ràng.
Bậc thiện-trí thường tán dương ca tụng chánh-pháp của bậc Đại-thiện-trí.
Chư Đại-thiện-trí nói lời thiện ngôn là lá cờ chánh-pháp của chư Đại-thiện-trí.
Lắng nghe Đức-vua Bồ-tát Sutasoma thuyết pháp xong, Đức-vua Bāraṇasī, Thừa-tướng Kāḷahatthi, Chánh-cung Hoàng-hậu, các quan trong triều, … đều phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, rồi bàn bạc với nhau tổ chức đại lễ đón rước Đức-vua Brahmadatta ngự vào cung điện.
Đức-vua Bāraṇasī liền truyền lệnh các quan văn võ, các tướng lĩnh chuẩn bị các đoàn binh, truyền lệnh dân chúng trong kinh-thành không nên lo sợ nữa. Vì hiện-tại Đức-vua Brahmadatta là Đức-vua có giới hạnh tốt, thực-hành thiện-pháp. Vì vậy, các bá quan văn võ, các tướng sĩ, các đoàn binh, toàn thể dân chúng trong kinh-thành và ngoại thành cùng nhau hội họp làm đại lễ đón rước Đức-vua Brahmadatta ngự vào cung điện.
Ngay khi ấy, đại lễ đón rước bắt đầu, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự đi dẫn đầu, Đức-vua Bāraṇasī, bá quan văn võ, các khanh tướng sĩ, các đoàn binh cùng dân chúng theo sau đến đón rước Đức-vua Brahmadatta tại ngoài kinh-thành.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền gọi người thợ sửa râu tóc cho Đức-vua Brahmadatta, mặc vương phục, rồi thỉnh Đức-vua ngự lên voi báu, rước vào kinh-thành Bāraṇasī.
Đến cung điện, thỉnh Đức-vua Brahmadatta ngự lên ngai vàng. Đại lễ đăng quang trọng thể suy tôn Đức-vua Brahmadatta lên ngôi vua trở lại, có sự hiện diện chứng minh chủ trì của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma và 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu. Mọi người đều tán dương ca tụng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma rằng:
– Đại-vương Sutasoma đã thuyết phục được tên sát nhân Porisāda biết phục thiện, từ bỏ mọi ác-nghiệp, tạo mọi đại-thiện-nghiệp, trở lại Đức-vua Brahmadatta có giới hạnh trong sạch, hành thiện-pháp, rồi làm lễ đăng quang lên ngôi vua như xưa.
Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh làm lễ thiết đãi Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cùng 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu trong tình bằng hữu thân thiện. Các nước trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu đều gửi sứ giả đến tham dự lễ đăng quang của Đức-vua Brahma-datta lên ngôi vua trở lại, đồng thời thỉnh 101 Đức-vua của họ ngự trở về cố quốc.
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cùng Đức-vua Brahmadatta làm lễ tiễn đưa 101 Đức-vua. Riêng Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vẫn còn ở lại kinh-thành Bāraṇasī thêm 1 tháng nữa, để thuyết pháp tế độ các quan trong triều, những người trong hoàng gia, toàn thể dân chúng trong kinh-thành và ngoài kinh-thành, đặc biệt với Đức-vua Brahmadatta rằng:
– Này Đại-vương Brahmadatta, bạn thân mến! Bạn không nên dể duôi, nên cố gắng tạo mọi phước-thiện, nên lập 5 trại để bố-thí: 4 trại bố-thí tại 4 cửa thành và 1 trại tại trước cung điện. Hằng ngày, bạn nên làm phước bố-thí đến mọi người nghèo khổ, thiếu thốn đói khổ, nên thực-hành nghiêm chỉnh 10 pháp-hành của Đức-vua. Bạn không nên có tâm thiên vị đối với các người trong hoàng tộc, các quan, các quân lính, và toàn thể dân chúng trong nước.
Một tháng sau, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma từ giã Đức-vua Brahmadatta ngự trở về kinh-thành Indapatta. Đức-vua Brahmadatta tiễn đưa Đức-vua Bồ-tát Sutasoma với lòng tôn kính và tri ân sâu sắc.
Đức-Vua Bồ-Tát Ngự Trở Về Kinh-Thành Indapatta
Kinh-thành Indapatta được trang hoàng lộng lẫy, các quan văn võ, các đoàn binh, toàn thể dân chúng làm lễ đón rước Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự trở về. Khi về đến hoàng cung, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự đến đảnh lễ vấn an Đức Thái-Thượng-hoàng và Hoàng-Thái-hậu trước. Sau đó, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự trở về cung điện, ngồi trên ngai vàng, các quan tề tựu đến chầu Đức-vua Sutasoma. Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền bảo các quan trong triều không nên dể duôi, cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho mình và cho mọi chúng-sinh khác.
Đức-Vua Brahmadatta Thiện-Trí
Vâng lời khuyên dạy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, Đức-vua Brahmadatta trị vì đất nước bằng thiện-pháp, hồi tưởng lại sự việc đã xảy ra:
“Vị chư-thiên cội cây có nhiều ân-đức đối với ta, ta phải nên làm lễ cúng dường đến vị chư-thiên ấy.”
Nghĩ như vậy xong, để cúng dường vị chư-thiên cội cây, Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh cho san bằng vùng xung quanh gốc cây da, đào một hồ nước lớn, làm đường sá đi lại thuận tiện, lập ra một khu dân cư, có nhiều dân chúng đến lập nghiệp đông đúc, mọi người sinh sống phồn thịnh, an-lạc.
Hằng ngày dân chúng cúng dường đến vị chư-thiên cội cây ấy. Đức-vua Brahmadatta thực-hành theo lời khuyên dạy của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma trị vì đất nước hợp theo thiện-pháp, không dể duôi, cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện cho đến suốt đời.
Sau khi Đức-vua Brahmadatta băng hà, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh lên cõi trời dục-giới hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Sau khi thuyết về tích Mahāsutasomajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết bài kệ rằng:
“Saccavācaṃ anurakkhanto, cajitvā mama jīvitaṃ.
Mocesiṃ ekasataṃ khatthiye, esā me saccapāramī.”
Tiền-kiếp Như-Lai là Đức-vua Bồ-tát Sutasoma
Dám hy sinh thân mạng của mình, để giữ gìn lời hứa chân-thật.
Cứu sống được 101 Đức-vua thoát khỏi chết.
Đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng
Của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tiền-kiếp Như-Lai.
Thuyết về tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-vua Bồ-tát Sutasoma xong, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy pháp chân-lý tứ Thánh-đế, thì một số tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi tỳ-khưu.
Đức-Thế-Tôn truyền rằng:
– Này chư tỳ-khưu, Như-Lai không chỉ tế độ được Aṅgulimāla, kẻ cướp sát nhân trong kiếp hiện-tại này, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai là Đức-vua Bồ-tát Sutasoma đã từng tế độ, thuyết phục được tiền-kiếp của Aṅgulimāla là kẻ sát nhân Porisāda ăn thịt người, biết thức tỉnh, biết phục thiện, rồi trở lại thành Đức-vua Brahmadatta có giới hạnh trong sạch, thực-hành các thiện-pháp cho đến trọn đời.
Tích Mahāsutasomajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
Tích Mahāsutasomajātaka này, Đức-vua Bồ-tát Mahā-sutasoma là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Mahā-sutasomajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
– Vị thiên-nam cội cây, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa.
– Đức-vua trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.
– Vị Bà-la-môn Nanda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.
– Tên sát nhân Porisāda, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.
– 101 Đức-vua, nay kiếp hiện-tại là các hàng Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
– Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phụ-vương Suddhodana và Mẫu-hậu Mahāmayādevī.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
10 Pháp-Hạnh Ba-La-Mật
Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Mahāsutasoma, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh chân-thật Ba-La-Mật bậc thượng, ngoài ra còn có chín pháp-hạnh Ba-La-Mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma quyết định hy sinh thân mạng để giữ gìn lời hứa hẹn chân thật, đó là pháp-hạnh bố-thí Ba-La-Mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới Ba-La-Mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma từ bỏ ngai vàng, từ bỏ mọi sự an-lạc của Đức-vua, đó là pháp-hạnh xuất-gia Ba-La-Mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma suy xét đúng đắn sự lợi ích của sự giữ gìn lời chân-thật, đó là pháp-hạnh trí-tuệ Ba-La-Mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có sự tinh-tấn luôn luôn giữ gìn lời chân thật, đó là pháp-hạnh tinh-tấn Ba-La-Mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma có đức tính nhẫn-nại chịu đựng không phát sinh tâm-sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại Ba-La-Mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma phát nguyện: “Dù hư không bị vỡ, nước biển bị khô cạn,…” đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma phát sinh tâm-từ đối với tên sát nhân Porisāda, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Sutasoma giữ tâm bình thản trước sự chết, … đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.
Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng.
Nhận Xét Về Tích Đức-Vua Bồ-Tát Mahāsutasoma
Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng (Saccaparamatthapāramī).
Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).
Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật đó là lời nói chân-thật (saccavācā), Đức-Bồ-tát nói như thế nào thì hành như thế ấy, hành như thế nào thì nói như thế ấy.
Đức-Bồ-tát tôn trọng giữ gìn lời nói chân-thật hơn cả sinh-mạng của mình. Nếu Đức-Bồ-tát dám hy sinh thân mạng để giữ gìn lời nói chân-thật của mình thì gọi là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng.
Vậy,lời nói chân-thật có tầm quan trọng như thế nào?
Lời nói chân-thật được phát sinh từ đại-thiện-tâm trong sạch thì lời nói chân-thật ấy có năng lực tiềm tàng rất phi thường. Bậc thiện-trí nói lời chân-thật khiến cho người nghe phát sinh đức-tin trong sạch nơi bậc thiện-trí ấy, khiến cho kẻ thù phải run sợ, biết thức tỉnh, rồi bỏ ác-nghiệp, tạo đại-thiện-nghiệp, từ bỏ tà-kiến theo chánh-kiến như trường hợp tên sát nhân Porisāda.
Lời nói chân-thật còn có khả năng đặc biệt khác như:
– Làm tan biến chất độc của mũi tên: như trường hợp Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma.
– Làm tan biến nọc rắn độc: như trường hợp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpayana.
– Dập tắt được ngọn lửa rừng: như trường hợp Đức-Bồ-tát chim cút con chưa đi, chưa bay được.
Cho nên, lời nói chân-thật có năng lực rất phi thường.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsutasoma truyền bảo rằng:
“Saccaṃ tesaṃ sādutaraṃ rasānaṃ…”
Lời nói chân-thật là vị cao thượng hơn các thứ vị trong đời.
Sinh-mạng của mình là quý hơn tất cả mọi thứ trong đời. Cho nên, người ta dám hy sinh của cải tài sản, dám hy sinh bộ phận trong thân thể để bảo vệ sinh-mạng.
Đối với chư Đức-Bồ-tát, nếu khi giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn, hoặc giữ gìn lời chân-thật, v.v…hoặc tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, thì chư Đức-Bồ-tát ấy dám hy sinh thân mạng của mình, để cho thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy, bởi vì, sinh-mạng của mình tuy là quý nhất, nhưng chỉ quý trong một kiếp ấy mà thôi.
Đến khi chết, sinh-mạng này không còn nữa. Còn giữ gìn giới của mình trong sạch đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật hoặc giữ gìn lời nói chân-thật đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, v.v… là các pháp-hạnh ba-la-mật làm nhân duyên hỗ trợ để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc thánh thanh-văn-giác thì cao thượng hơn biết dường nào!
Vấn: Tại sao Đức-vua Brahmadatta ưa thích dùng món thịt người nhất, để trở thành tên sát nhân Porisāda ăn thịt người?
Đáp: Bởi vì tiền-kiếp vừa qua của Đức-vua Brahma-datta đã từng sinh làm kiếp Dạ-xoa (yakkha) thường ăn thịt người. Kiếp Dạ-xoa đã trải qua thời gian lâu dài ăn thịt người như vậy, nên vị của thịt người đã tích luỹ in sâu trong tâm tưởng gọi rasasaññā: vị tưởng. Cho nên trong kiếp hiện-tại, lần đầu tiên Đức-vua Brahmadatta khi vừa nếm đến vị của món thịt người, liền có cảm giác vị ngon quen thuộc đáng ưa thích nhất của mình.
Từ đó về sau, trong mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt người được.
Trong vòng tử sinh luân-hồi của mỗi chúng-sinh đều đã tích luỹ vô số ác-nghiệp và vô số đại-thiện-nghiệp.
– Nếu ác-nghiệp nào có cơ hội, gặp nghịch-duyên (vipatti) thì ác-nghiệp ấy cho quả khổ trực tiếp đến cho chúng-sinh ấy, và quả khổ ấy cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến các chúng-sinh khác gần gũi với chúng-sinh ấy.
– Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội, gặp thuận-duyên (sampatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy cho quả an-lạc trực tiếp đến cho chúng-sinh ấy, và quả an-lạc ấy cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến chúng-sinh khác gần gũi với chúng-sinh ấy.
Vậy, chúng ta không nên gần gũi thân cận với kẻ ác, để tránh khỏi ảnh hưởng quả khổ của kẻ ác, và chúng ta nên gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, để được ảnh hưởng quả an-lạc của bậc thiện-trí.
(Xong pháp-hạnh chân thật ba-la-mật bậc thượng)