Nội Dung Chính
Luận Giải Về Nghiệp Phần II
Đời Sống Bình Nhật
Nghiệp (Kamma) Trong Phật Giáo: Không Giống Với Những Quan Điểm Khác Về Nghiệp
Các bạn có thể hỏi rằng: “Vậy ý nghĩa thật sự của nghiệp (kamma) mà Đức Phật dạy trong kammassakatā sammādiṭṭhi là gì?” Vì thật ra, đây là một thuật ngữ phổ biến trong nhiều tôn giáo ở Ấn Độ. “Nghiệp” (kamma) không chỉ có hay không chỉ được dùng trong Đạo Phật, và những ai có niềm tin vào nó không nhất thiết phải là Phật tử. Vì những tôn giáo khác cũng dùng từ này, cho nên, những ai nghiên cứu các tôn giáo ở Ấn Độ sẽ trở nên nhầm lẫn và không hiểu rõ. Một vài người thừa nhận một cách sai lầm rằng Đức Phật đã tiếp nhận tư tưởng này từ Ấn Độ giáo. Cho nên, điều rất quan trọng là chúng ta phải phân biệt được ý nghĩa của “nghiệp” (kamma) trong Phật giáo và ý nghĩa của nó trong những tôn giáo khác. Mặc dầu Đức Phật đã dùng cùng thuật ngữ, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác.
Bản ngã (atta) được gắn kết với nghiệp (kamma)
Những tôn giáo khác chủ trương khái niệm về bản ngã (atta) trường tồn bất biến. Tức là một linh hồn thực hiện các nghiệp tốt và xấu. Do đó, nó bị bắt giữ làm nô lệ cho nghiệp (kamma). Vì nghiệp (kamma) trói buộc nó, nó không thể thoát khỏi khổ đau mà phải lang thang trong vòng luân hồi sanh tử (saṃsāra). Bản ngã (atta) có thể được giải phóng, được tự do khỏi nghiệp (kamma) nếu người đó có thể cắt bỏ được sự trói buộc của nó. Bằng cách làm như vậy, ông ta có thể chứng đạt được sự giải thoát.
Điểm khác biệt của Phật giáo đối với những tôn giáo khác là Đức Phật đã giải thích về nghiệp (kamma) mà không đụng gì đến bản ngã (atta). Đây là điểm rất quan trọng và khác biệt vì Ngài không chấp nhận, tức là loại bỏ quan điểm về linh hồn hoặc một thực thể trường tồn. Theo Ngài, không có “người” thực hiện hành động. Rồi các bạn có thể hỏi: “Nếu vậy, thì ai sẽ nhận quả của nghiệp (kamma)?” Chỉ có các hiện tượng thực hiện và các hiện tượng tiếp nhận. Không có người làm – không có người trải nghiệm – chỉ có các tiến trình danh và sắc hiện hữu. Trong các tiến trình tâm thức, các hiện tượng thực hiện các nghiệp (kamma) thiện và ác. Cho nên, quả của nghiệp xuất hiện trong tiến trình đó. Trong những tôn giáo khác, chính cái bản ngã thường hằng thực hiện (các nghiệp) và do đó, nó trải nghiệm kết quả. Như vậy, thuật ngữ thì giống nhưng ý nghĩa thì khác. Cho nên, chúng ta cần phải biết ý nghĩa của nó. Trong Pāḷi, “nghiệp” (kamma) có nghĩa đen là “hành động”.
Tìm kiếm nguyên nhân (của hành động)
Trong các Sớ Giải có dạy rằng nếu các bạn ném đá vào con chó rừng, nó sẽ cắn cục đá, chứ không phải người ném đá. Nhưng nếu các bạn ném đá vào con sư tử, nó sẽ quay lại cắn các bạn – chứ không phải cục đá. Cục đá chỉ là kết quả; yếu tố quan trọng hơn là người ném. Nếu một bác sĩ trị bệnh, ông sẽ tìm nguyên nhân của căn bệnh, chứ không phải chữa trị các triệu chứng. Đức Phật cũng giống như các bác sĩ: Ngài luôn tìm nguyên nhân.
Cho nên, trong Phật giáo – không giống như những tôn giáo khác – chỉ hành động đơn thuần thì không phải là nghiệp (kamma). Hành động xuất hiện do động lực. Các hành động thì rất nhiều: thậm chí trong khi ngủ, các bạn vẫn có thể nói, di chuyển hoặc thậm chí đánh một ai đó bên cạnh. Nguyên nhân tạo ra hành động thì quan trọng hơn để tìm hiểu. Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề này theo cách sau: nghiệp (kamma) là nguyên nhân của hành động. Hoặc chúng ta có thể nhìn nhận nó theo cách khác: nghiệp (kamma) khi là hành động thì lại là kết quả của một nguyên nhân, và nguyên nhân đó là động lực.
Hành động này được phân chia ra thành ba loại: ý, ngữ và thân. Loại thứ nhất thì chỉ xuất thiện trong tâm trí. Một hành động bằng ngữ hoặc bằng thân thì bắt đầu với tâm ý và rồi xuất hiện ra thành lời nói hoặc được thân xác thực hiện, một cách tương ứng.
Tâm ý là trước nhất
Điều này muốn nói rằng những lời nói và hoạt động thân xác đều xảy ra với tâm trí. Trong Giai-na đạo, chúng được cho là xảy ra mà không có sự can thiệp của tâm trí. Còn theo Phật giáo, hành động thuộc về tâm ý khởi đầu tất cả. Tuy nhiên, hành động mà không có chủ ý thì không phải là nghiệp (kamma). Điều này trái ngược với những gì Giai-na đạo chủ trương. Ví dụ, trong khi đi bộ trên đường, chúng ta giẫm đạp chết những côn trùng mà không hay biết. Nghiệp (kamma) không được thực hiện ở đây trừ phi chúng ta giẫm đạp lên chúng một cách có chủ ý. Như vậy, trong ba loại hành động này, hành động mang tính tâm ý là quan trọng nhất vì nó làm nhân cho hai loại còn lại.
Không giống như ý nghĩa về nghiệp (kamma) trong những tôn giáo khác, Đức Phật đã tuyên bố rằng nghiệp (kamma) là sự chủ ý hay động lực (cetanā1). Trạng thái tinh thần hay tâm sở này là nghiệp (kamma) vì nó khuyến khích chúng ta suy nghĩ, nói và thực hành. Như vậy, thông qua động lực, hành động được thực hiện bởi lời nói và thân xác. Thông qua nó, chúng ta thực hành tất cả những việc tốt và xấu.
Đối với loại nghiệp thứ ba, tức là ý nghiệp (mano- kamma), đó chỉ là ở trong tâm trí mà không được thể hiện ra bằng lời nói hoặc hành động thân xác. Có một vài loại ý nghiệp có thể rất mạnh mẽ, tức là có nhiều năng lực. Thật vậy, theo Đức Phật, ý nghiệp có năng lực mạnh nhất vì tâm trí tạo ra mọi thứ. Trong thiền chỉ tịnh (samatha), một người có thể thực hiện những hiện tượng siêu phàm chỉ thông qua năng lực của tâm ý mà thôi.
Nghiệp (kamma) trong suy nghĩ
Mặc dầu tâm sở tư (cetanā) được Đức Phật dạy là nghiệp (kamma), nhưng có những tâm sở khác kết hợp với nó cũng được xem là nghiệp (kamma). Các bạn hãy lưu ý rằng bất cứ nơi nào thân nghiệp (kāya-kamma) và ngữ nghiệp (vacī-kamma) có liên quan, thì tâm sở tư (cetanā) là lực đẩy chính yếu. Tuy nhiên, tại thời điểm ý nghiệp (mano-kamma) xảy ra, nó không còn động lực chỉ bởi một mình nó, mà còn những tâm sở khác có sức mạnh cùng tham gia. Mặc dầu hoạt động mang tính tinh thần này không được thể hiện qua thân và ngữ, nhưng nó vẫn là nghiệp (kamma). Tuy nhiên, theo Thắng Pháp (Abhidhamma), không phải tất cả mọi tâm sở (cetasika) sanh lên trong tâm ý đều có thể được gọi là ý nghiệp (mano-kamma) – ngoại trừ 21 tâm sở bao gồm luôn tâm sở tư (cetanā), tức là chỉ có 21 tâm sở này mới được gọi là ý nghiệp. Chúng ta hãy lấy tham lam (abhijjhā) làm ví dụ.
Tham lam là một khía cạnh của tâm sở tham (lobha). Tham lam là muốn sở hữu tài sản của những người khác. Đây không phải ham muốn đơn giản vì tham lam (abhijjhā) là thèm muốn hay khao khát tài sản của người khác. Nhiều người dính mắc vào tài sản của chính họ – đó là ham muốn thông thường. Nó không thể được gọi là tham lam (abhijjhā). Tham lam là một ý nghiệp theo kinh điển Phật giáo. Cho nên, chúng ta phải hiểu theo định nghĩa này rằng, không phải tất cả các loại tham muốn đều trở thành ý nghiệp (mano-kamma) – chỉ có loại khao khát được sở hữu cái gì đó của người khác mới được gọi là ý nghiệp.
Rồi tất cả các loại ác cảm (byāpāda) đều được xem là những ý nghiệp. Ác cảm hoặc oán hận (byāpāda) là ước muốn đánh đập hoặc sát hại người khác hoặc nguyền rủa người khác: “Người đó chết đi thì tốt” hoặc “Nguyện cho bà ta trở nên tệ mạt hơn.” Bất kỳ loại ác cảm nào như vậy sanh lên đều trở thành ý nghiệp (mano-kamma).
Một loại ý nghiệp khác là tà kiến (miccha diṭṭhi). Cái gì là tà kiến? Đó là quan điểm cho rằng không có Pháp (Dhamma), không theo Pháp (Dhamma), và trái ngược với Pháp. Có ba loại đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là bác bỏ quả của nghiệp (kamma) bằng cách cho rằng quả không có tồn tại1, ví dụ như không có quả của việc bố thí (dāna). Một loại khác là không chấp nhận cả nghiệp (kamma) và quả của nghiệp, cả tốt lẫn xấu2. Và loại thứ ba là quan điểm vô nhân3.
Khi sanh lên trong tâm trí, ba loại trạng thái bất thiện (akusala) này đều trở thành nghiệp (kamma).
Về bên khía cạnh tốt của nghiệp (kamma)
Về khía cạnh thiện (kusala), có ba loại đối nghịch với tham lam, oán hận và tà kiến: đó là vô tham (anabhijjhā), vô sân (abyāpāda) và chánh kiến (sammā diṭṭhi).
Bên cạnh những trạng thái tinh thần này, còn có thất giác chi (bojjhaṅga) và bát thánh đạo (maggaṅga). Tuy nhiên, trong những tôn giáo khác, chúng không được xem là nghiệp (kamma). Tại sao Đức Phật lại xem chúng là nghiệp (kamma) ? Đó là vì những yếu tố này có thể tiêu diệt phiền não (kilesa), dẫn đến sự đoạn diệt nghiệp (kamma). Với tư cách là những nghiệp (kamma) có năng lực rất mạnh, chúng không bao giờ tạo ra sự tái sinh. Thay vào đó, chúng dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna) thông qua việc chấm dứt nghiệp (kamma) trong vòng luân hồi (saṃsāra). Đây là tự nhiên đối trị tự nhiên: bản chất tốt nếu đủ mạnh, tức là nếu có đủ năng lực, sẽ chế ngự được hoặc sẽ tiêu diệt được bản chất xấu.
Các bạn nên lưu ý rằng những tâm sở (cetasika) này khi kết hợp với bất thiện thì lại không phải là nghiệp. Đức Phật chưa bao giờ thuyết giảng như vậy. Chỉ khi nào, chúng được kết hợp với thiện thành các giác chi (bojjhaṅga) và các chi đạo (maggaṅga) thì chúng mới là nghiệp (kamma). Ví dụ, không phải tất cả các loại hỷ (pīti) đều là nghiệp; hỷ (pīti) là nghiệp chỉ khi nó là hỷ giác chi. Điều này muốn nói rằng những trạng thái tinh thần này có thể đưa đến Níp-bàn (Nibbāna) chỉ khi ở tầng mức cao mà thôi.
Như vậy, để có được sự hiểu biết rõ ràng hơn về nghiệp (kamma), chúng ta cần phải biết về cách hoạt động và sự vận hành của tâm thức, nơi tạo sinh ra nghiệp (kamma).