Luận Giải Về Nghiệp Phần I: Tử Và Tục Sinh – Chương Ai Đi Tục Sinh?

Luận Giải Về Nghiệp

Phần I: Tử Và Tục Sinh

Chương Ai Đi Tục Sinh?

Như những Phật tử nguyên thủy chúng ta thường nói: “Ai chết thì người đó đi tục sinh.” Nhưng thật sự đó là ai, ai di chuyển từ kiếp sống này đến kiếp sống kế tiếp?

Ai lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra)?

Trên bề mặt hoặc ở mức độ nông cạn, cả Phật giáo và Hindu giáo đều dùng chung các thuật ngữ như vòng luân hồi (saṃsāra), nghiệp (kamma) và nghiệp quả. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn trong quan điểm của hai tôn giáo này về việc cách chúng sanh luân chuyển trong vòng sanh tử như thế nào.

Trong Hindu giáo, bản ngã (atta) là cái lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra). Cái linh hồn này được gọi bởi một vài tên gọi khác nhau. Ví dụ, Hindu giáo dùng từ “atman”, có nghĩa là tiểu linh hồn hay tiểu ngã, vốn được tạo ra bởi Phạm thiên (Brahma) hay bởi đại linh hồn hay đại ngã. Trong tư tưởng hay trong quan điểm của họ, tất cả chúng sanh sở hữu một thực thể trường tồn, vốn là sản phẩm của đấng tạo hóa. (Sự giải thoát (mokkha) được giác ngộ khi tiểu ngã này hòa nhập với đại ngã.) Vòng luân hồi (saṃsāra) và nghiệp (kamma) được giải thích từ khía cạnh của linh hồn: những việc làm do linh hồn (atta) tạo ra là nghiệp (kamma). Cho nên, có một sự khác biệt lớn giữa thuyết về nghiệp (kamma) trong Hindu giáo với giáo lý về nghiệp trong Phật giáo.

Đức Phật giải thích về nghiệp (kamma) không có liên quan đến bản ngã (atta), tức là vô ngã (anatta), không giống với những tôn giáo khác. Điểm này rất quan trọng. Nếu không, các bạn có thể nhầm lẫn về thuật ngữ và  cho  rằng  Đức  Phật  đã  dựng  lên  giáo  lý  của  mình  từ Hindu  giáo,  như  một  vài  người  đạo  Hindu  chủ  trương. Trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda), không có đấng sáng tạo chủ, tức là người tạo ra các tiểu ngã (atta). Không có thực thể trường tồn lăn trôi trong vòng sanh tử (saṃsāra) và tạo nghiệp (kamma). Thay vì một linh hồn, chỉ có ngũ uẩn1, tức là tập hợp danh và sắc. Không có ai tạo  ra  chúng  cả.  Chúng  không  thể  tồn  tại  mãi  mãi  vì chúng luôn biến đổi trong một chuỗi sanh diệt liên tục.

Tuy nhiên, rất khó để nhận ra được điều này từ sự suy tư thông thường. Nhưng nếu không hiểu rõ vấn đề này, chúng ta sẽ chỉ trở nên rối mù với những giáo thuyết khác của Hindu giáo và những trường phái Phật giáo khác.

Tỳ-kheo Sāti

Vào một dịp nọ trong thời Đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ-kheo tên là Sāti tự xưng là đã hiểu những gì Đức Phật dạy về vòng luân hồi (saṃsāra) và nghiệp (kamma): “Theo như những gì tôi hiểu, đó là linh hồn trong thân tâm của một người, linh hồn này trải nghiệm và giao tiếp.” (Trong Hindu giáo, bản ngã sử dụng cả thân tâm để giao tiếp và hoạt động. Đây được gọi là attaniya, có nghĩa là bản thể trường tồn sở hữu cả thân và tâm.)

Lấy một chiếc xe làm ví dụ. Người chủ có thể lái xe và đi đến bất kỳ nơi nào ông ta muốn. Cũng theo cách này, linh hồn là chủ thể của thân xác. Nó là tác nhân thực hiện việc giao tiếp, cảm giác và trải nghiệm, tức là nó là người có vui buồn và là người tận hưởng. Đó là cách vị tỳ-kheo Sāti hiểu: linh hồn trải nghiệm cả hạnh phúc và bất hạnh, là chủ thể đi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Các bạn hãy hình dung rằng trong thời của Đức Phật mà lại có một tỳ-kheo có tư tưởng như vậy đấy.

“Tadeva viññāṇaṃ saṃsarati” là chính những lời của vị đó về cái được gọi là một linh hồn trường cửu lang thang trong vòng luân hồi bằng cách di chuyển từ thân xác này sang thân xác khác, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.

Sau khi nghe điều này, những vị tỳ-kheo khác đã nói rằng: “Đừng nói như vậy. Đó không phải là quan điểm của Phật giáo.” Họ đã vây quanh vị đó và cố gắng giải thích cho vị đó về quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên, tỳ-kheo Sāti đã không khuất phục. Các vị tỳ-kheo đã mang tỳ-kheo Sāti đến gặp Đức Phật và Ngài đã hỏi tỳ- kheo Sāti như sau: “Có phải ngươi đang nói về, đang bàn về tâm (viññāṇa). Nhà ngươi đang nói về tâm (viññāṇa) nào?”

“Vado vedeyyo. Đó là tâm mà nói, cảm giác và trải nghiệm quả của nghiệp (kamma) tốt và xấu.”

Tỳ-kheo Sāti chỉ trình bày quan điểm hay tư tưởng Hindu mặc dầu vị đó là một tu sĩ Phật giáo.

Rồi Đức Phật đã nói: “Làm sao mà ngươi có thể suy diễn từ những gì ta đã dạy ra được một sự hiểu biết như vậy? Ta đã giải thích rằng tâm sanh lên do các điều kiện1. Nó  không  phải  là  trường  cửu.  Nó  sanh  lên  do  nguyên nhân.  Nếu  không  có  nguyên  nhân,  nó  có  sẽ  sanh  lên không?”

“Dạ, thưa không, bạch Ngài!”

Đó là lý do tại sao trong “paṭiccasamuppanna”, “paṭicca” có nghĩa phụ thuộc vào hay nương tựa vào, và “samuppanna” có nghĩa là đưa đến việc sanh lên. Tâm xuất hiện dựa vào nguyên nhân. Nếu không có nguyên nhân, nó sẽ không xảy ra.

Đức Phật đã giải thích cách tâm nhãn thức sanh lên. Khi mắt và cảnh sắc tiếp xúc nhau, tâm nhãn thức sanh lên. Nếu hai yếu tố này không gặp nhau, tâm nhãn thức có sẽ sanh lên không? Không, nó sẽ không sanh lên. Tương tự, khi âm thanh xúc chạm vào tai, tại lúc đó, tâm nhĩ thức sanh lên. Khi lưỡi và vị gặp nhau, tâm tỷ thức sanh lên. Thân xác và cảnh xúc gặp nhau dẫn đến sự sanh lên của tâm thân thức. Rồi khi tâm tiếp xúc với cảnh pháp, tâm thức sanh lên.

Khi các bạn cẩn thận và nỗ lực quan sát những điều kiện này, các bạn sẽ thấy rằng đối tượng thì không thường hằng, bất biến: sau khi xuất hiện, nó sẽ diệt đi. Tiếp đến, thần kinh thị giác có thường hằng, bất biến không? Không. Tương tự như vậy đối với âm thanh, sau khi nó xuất hiện, nó biến mất một cách rõ ràng. Thần kinh thính giác ghi nhận âm thanh rồi cũng biến mất. Dựa trên những điều kiện không thường hằng này, làm sao tâm quả sanh lên có thể là thường hằng được?

Theo Đức Phật, đối với thứ mà sanh lên rồi chỉ là diệt đi, thì làm sao nó có thể di chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác? Bởi trước khi nó có thể thực hiện việc chuyển dời, nó đã diệt mất rồi.

Mặc dầu đã được Đức Phật giải thích như vậy, vị tỳ- kheo Sāti vẫn không từ bỏ được tà kiến của mình.

Chẳng có ai làm việc cả

Vị tỳ-kheo Sāti đã không thể hiểu được giáo thuyết về nghiệp (kamma) mà không có bản ngã (atta): ai là người thực hiện nghiệp (kamma) và ai trải nghiệm quả của nghiệp (kamma)? Theo những tôn giáo khác, bản ngã (atta)  là  người  thực  hiện  nghiệp  (kamma)  và  là  người nhận quả của nghiệp (kamma). Một vài tỳ-kheo vào thời của Đức Phật cũng suy nghĩ theo cách này: nếu không có bản  ngã  (atta),  thì  ai  sẽ  trải  nghiệm  quả  của  nghiệp (kamma)? Một tỳ-kheo đã đặt ra những câu hỏi như sau1: “Nếu không có bản ngã (atta), làm sao nghiệp (kamma) có thể cho quả? Nếu không có bản ngã (atta), thì ai nhận quả của nghiệp (kamma)? Ai chịu trách nhiệm về nghiệp (kamma)?”

Phật tử phải thấy rõ ràng rằng đây  chỉ là các hiện tượng. Các hiện tượng thực hiện và các hiện tượng tiếp nhận. Không có người làm2, không có người trải nghiệm và không có bản ngã (atta). Đây là chánh kiến. Ý nghĩa ở đây là trong một tiến trình, các hiện tượng thực hiện các nghiệp  (kamma)  tốt  và  xấu.  Cho  nên,  quả  của  nghiệp (kamma) xuất hiện cho tiến trình đó. Chúng ta là những tiến trình riêng lẻ. Nó có trách nhiệm cho bất kỳ những gì chúng ta thực hiện. Đức Phật đã hỏi rằng: “Làm sao có thể xem hoặc nhận dạng các hành động (saṅkhāra) diễn tiến và chuyển hóa liên tục này là bản ngã (atta) được?”

Tuy nhiên, giống như Sāti, đối với nhiều Phật tử theo trường phái Thượng Tọa Bộ (Theravāda), việc có được một tri kiến đúng đắn là một vấn đề khó khăn. Không phải chỉ vì chính vấn đề này là khó hiểu, mà còn vì nhiều người trong số họ đã bị ảnh hưởng bởi những giáo thuyết của những tôn giáo khác.

Đầu thai (reincarnation) hay tái sanh (rebirth)?

Nếu các bạn tra từ “reincarnation” (đầu thai) trong từ điển Cambridge, các bạn sẽ thấy rằng trong định nghĩa có liên quan đến từ “spirit” (linh hồn). Đây là chỉ cho cái bản ngã (atta) mà chúng ta đang nói đến. Theo định nghĩa này, những người theo Hindu giáo và Phật giáo (có lẽ ý họ muốn nói đến Phật giáo Tây Tạng) tin vào đầu thai: tức là tại lúc chết, linh hồn của một người, vốn là tồn tại vĩnh hằng, sẽ nhập vào một thân xác khác. Khi cơ thể trở nên hao mòn, linh hồn sẽ nhập vào một cơ thể khác. Tại thời điểm chuyển đổi, ai là người lựa chọn? Chính nghiệp (kamma) là yếu tố quyết định sự chuyển dời từ đời sống này sang đời sống khác. Yếu tố về nghiệp này thì đúng là theo Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda). Tuy nhiên, ai là người đi đến đời sống kế tiếp? Ở điểm này, chúng ta phải nhận ra được sự khác biệt mang tính nền tảng. Chẳng có ai có thể đi tái sanh cả. Không có cái linh hồn trường tồn bất biến di chuyển từ một thân xác này vào lúc chết đến một thân xác khác. Tuy nhiên, nhiều người có tư tưởng rằng tại lúc tử, linh hồn từ bỏ thân xác này để đến một thân xác khác. Tư tưởng này có chung trong nhiều trường phái Phật giáo và được nhiều người chủ trương giống như vị tỳ-kheo Sāti. Tư tưởng này được ví dụ như: một con chim con thay đổi lớn lên và rồi bay đi; một người thay áo cũ mặc áo mới; hoặc một người di chuyển từ ngôi nhà cũ sang ngôi nhà mới. Tương tự như vậy, bản ngã (atta) của người đó từ bỏ thân xác lúc chết để đi vào thân xác mới. Đó là cách được nhìn nhận trong Hindu giáo.

Các Phật tử Tây Tạng nắm chặt vào tư tưởng đầu thai mặc dầu họ chấp nhận Phật Pháp (Buddha Dhamma). Giáo lý của họ về vòng luân hồi (saṃsāra) và nghiệp (kamma) được trộn lẫn với những tư tưởng vốn mâu  thuẫn  với  những  giáo  lý  nguyên  thủy  được  thuyết giảng bởi Đức Phật. Nếu chúng ta, tức là những Phật tử Thượng Tọa Bộ (Theravāda), không thông suốt và không có hiểu biết vững chắc, chúng ta cũng chắc sẽ theo chân những Phật tử Tây Tạng trong việc thực hành: tức là học tụng  niệm  “Om  mani  padme  hum  (ở  trong  hoa  sen  là viên ngọc1)”. Câu chú này có liên quan đến việc đầu thai vì nó được xem là rất quan trọng và được chú trọng bậc nhất trong Phật giáo Tây Tạng.

Quan điểm đầu thai không có chỗ đứng trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda), vốn chỉ tin tưởng vào mối quan hệ nhân quả. Thay  vì  đầu thai,  thì điều được chấp nhận là tái sanh (punabhavo). Trong đời sống mới, người đó không phải là cùng một người, cũng không phải là người hoàn toàn khác2. Ý nghĩa ở đây là người qua đời đi  tái  sanh  làm  một  người  mới.  Mặc dầu  có  sự  nối liền giữa hai người, nhưng điều đó lại không phải là người đã chết sống lại trong một thân xác mới.

Theo Đức Phật, chỉ có thân và tâm. Cái khối ngũ uẩn mà được gọi là con người thì vô ngã (anatta). Bên cạnh những yếu tố này, còn có gì khác không? Không có yếu tố gì khác nữa. Đức Phật đã chỉ ra rằng những người có tà kiến là những người chủ trương rằng một trong số năm uẩn này là một thực thể trường tồn. Sự thật là nếu chúng ta suy nghiệm năm uẩn này, chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy được bất cứ cái gì có bản chất trường tồn bất biến. Cái bản ngã (atta) không thể được tìm thấy ở đâu cả: đây là điều mà Đức Phật đã tuyên thuyết thẳng thừng như vậy. Trong thế gian này, thậm chí không có một chút vật chất nào là trường tồn bất biến cả.

Tuy nhiên, những người chủ trương về bản ngã (atta) lại dễ dàng giải thích cho mọi người về vòng luân hồi (saṃsāra). Đó là vì họ có thể dùng ví dụ về việc thay thế một thân xác hao mòn, đổ nát với một thân xác mới khác. Tùy thuộc vào nghiệp (kamma), người đã thực hiện nhiều việc phước lành sẽ có được một thân xác tốt đẹp: như làm người hoặc làm thiên nhân. Nếu không, người đó sẽ nhận được một thân xác mới của một thú vật hay một ngạ quỷ chẳng hạn.

Đối với những vấn đề tái sanh như vậy, Đức Phật đã nói rằng thật vô cùng khó khăn để làm cho bất kỳ một người thông thường nào có thể hiểu được. Thậm chí nhiều Phật tử Thượng Tọa Bộ (Theravāda) cũng nhầm lẫn hay trộn lẫn những tư tưởng về đầu thai và thường kiến (sassata diṭṭhi) vào trong niềm tin của họ. Nhiều người thực hiện những việc phước lành với mục đích nhận lãnh lợi ích hay phúc lợi trong đời sống kế tiếp. Nếu không có quán tưởng, đặc biệt là nếu không có sự hiểu biết từ thiền minh sát (vipassanā), chúng ta rất dễ dàng có những quan điểm sai lầm này. Cho nên, giống như vị tỳ-kheo Sāti, nhiều người nghĩ rằng tâm thức là một thực thể trường tồn lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra).

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app