Luận Giải Về Nghiệp Phần Ii: Đời Sống Bình Nhật – Chương Chúng Ta Có Thể Tránh Được Quả Của Nghiệp (kamma) Xấu Không?

Luận Giải Về Nghiệp Phần II

Đời Sống Bình Nhật

Chương Chúng Ta Có Thể Tránh Được Quả Của Nghiệp (Kamma) Xấu Không?

Khi nào mà chúng ta vẫn chưa giải thoát được khỏi sự u tối của vô minh (avijjā), tức là chưa chứng ngộ được Sự Thật, thì chúng ta vẫn có thể được gọi là đang mù quáng đi trên đường mà không có người chỉ dẫn. Đôi lúc, chúng ta có thể xoay xở đi đúng đường và đến đích. Nhưng đôi lúc, chúng ta có thể không đến đích được. Trên hành trình lang thang cùng vô minh trong vòng luân hồi (saṃsāra) với tư cách là phàm nhân (puthujjana), chúng ta không biết được nên hoặc không nên làm những cái gì. Cho nên, điều nên làm chúng ta lại nghĩ là không nên làm. Điều không nên làm chúng ta lại cho là nên làm.

Theo cách này, chúng ta hành động theo những gì chúng ta suy nghĩ: đôi lúc chúng ta thực hiện các việc thiện, đôi lúc chúng ta thực hiện những việc ác. Những hành động này sẽ cho quả và trả ngược lại chúng ta. Đây là quy luật tự nhiên của tác động và phản ứng.

Đã thực hiện những việc không nên làm

Nếu các việc bất thiện đã bị vi phạm, chẳng hạn như sát sanh, thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta có phải thất vọng, đầu hàng và đau khổ suốt cuộc đời của mình không? Chúng ta không nên tuyệt vọng vì Đức Phật đã có dạy phương pháp thoát khỏi nghiệp (kamma) xấu.

Trước hết, chúng ta phải ghi nhận hay nhận thức rằng những gì đã vi phạm là không tốt: tức là các việc bất thiện là không tốt. Chính Đức Phật đã dạy rằng: “Không nên làm những việc bất thiện. Nếu các người thực hiện những việc bất thiện, nghiệp bất thiện (akusala kamma) sẽ cho quả bất hạnh và đau khổ.”

Sau khi nhận ra được điều này, chúng ta nên hứa phải sửa đổi với chính mình, với vị thầy hay với một người bạn: “Tôi đã làm sai. Suy nghĩ về điều đó làm cho tôi cảm thấy ân hận. Mặc dầu tôi có thể vượt qua được cảm giác đó, nhưng tôi không thể thay đổi được gì vì việc đó đã được thực hiện. Tôi sẽ không bao giờ vi phạm việc sai trái đó nữa từ giờ này trở đi. Tôi sẽ chỉ thực hiện những việc thiện tốt.”

Chúng ta nên nghiêm trì lời hứa của mình, cố gắng không lặp lại việc bất thiện đó nữa. Đây là giải pháp. Bằng cách ngăn tránh những việc bất thiện (akusala), chúng ta hành trì các pháp thiện (kusala). Thực hiện các việc tốt, tránh xa các việc xấu: hành trì như vậy, chúng ta có thể chắc chắn giúp mình thoát được việc nghiệp (kamma) xấu này gây trở ngại cho chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta hủy hoại nó hoặc làm cho nó biến mất – điều đó không thể xảy ra. Đây chỉ là phương pháp thoát khỏi nó.

Không cần thiết và chẳng có ích lợi gì phải trở nên trầm cảm suy nghĩ về điều đã làm. Nó là việc mà không thể nào thay đổi được nữa. Cho nên, chúng ta không nên suy nghĩ về nó nữa.

Điều  quan  trọng  hơn  là  phải  đoan  chắc  rằng  việc làm bất thiện  đó  sẽ không được lặp lại trong tương lai. Đó   là   cách   duy   nhất.   Nếu   không   thì   làm   sao   ngài Aṅgulimāla có thể trở thành vị A-la-hán (Arahant) mặc dầu ngài đã sát hại rất nhiều người? Bằng cách tránh xa việc  ác  và  vun  bồi  việc  thiện,  nghiệp  (kamma)  sẽ  bị  cô lập1:  đây  là  lời  dạy  của  Đức Phật.  Vì  phiền  não  (kilesa) làm  cho  nghiệp  (kamma)  màu  mỡ,  cho  nên,  nghiệp  sẽ lớn mạnh lên. Nếu các phiền não được tẩy trừ, thì nghiệp (kamma) biến mất. Nhưng khi nào các phiền não còn tồn tại, thì nghiệp (kamma) sẽ vẫn còn tồn tại.

Lúc tôi (ND: tác giả) còn sống tại Hoa Kỳ, một lần nọ, tôi có giảng về cách làm sao thoát khỏi nghiệp (kamma) xấu. Một cư sĩ đã nói rằng: “Bạch ngài, trong bài giảng của mình, dường như ngài khuyến khích, động viên những người làm sai trái.”

Tôi đã trả lời rằng: “Đây chỉ là nói chuyện thực tế thôi. Nếu không thì ích lợi của Pháp bảo sẽ là gì? Phàm nhân (puthujjana) thường thực hiện những việc bất thiện. Sau khi đã làm như vậy, nếu không có cách thức hoặc phương pháp tránh thoát, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhưng dĩ nhiên là có giải pháp. Đây là điều Đức Phật đã chỉ dạy trong bài kinh Saṅkhadhamma Sutta.”

Đừng đầu hàng với nghiệp (kamma)

Như vậy, nghiệp (kamma) không phải là thứ mà các bạn trở nên bất lực. Thay vào đó, nghiệp có thể được chuyển đổi. Các bạn có thể thay thế cái xấu với cái tốt – bất thiện (akusala) được dứt bỏ bằng cách dùng điều thiện (kusala). Khi hiểu được bản chất của nghiệp (kamma) và nhận ra được những kết quả của nó, các bạn sẽ từ bỏ hoặc tránh xa việc thực hiện những nghiệp xấu. Thay vào đó, các bạn sẽ nỗ lực thực hiện những việc tốt. Nếu như vậy, các bạn có thể luôn hạnh phúc trong vòng luân hồi (saṃsāra) nếu các bạn muốn.

Tuy nhiên, nếu các bạn không còn muốn sự khổ đau (dukka) của lão, bệnh và tử nữa, các bạn phải tiếp tục vun bồi thiện trong khi nỗ lực thấu hiểu những gì Đức Phật đã giảng dạy về nghiệp (kamma). Sẽ đến lúc các bạn có thể hiểu được và phân biệt được giữa hai loại nghiệp (kamma) trong đời sống của mình – loại nên được tránh xa và loại nên được trì giữ. Nỗ lực thực hành các nghiệp (kamma) thiện, các bạn cũng nỗ lực thực hành để loại trừ các phiền não (kilesa). Điều này với mục đích cuối cùng để giải thoát chính mình khỏi cả những nghiệp (kamma) thiện và bất thiện. Tại thời điểm mà các bạn có thể loại bỏ được các phiền não (kilesa), thì nghiệp (kamma) sẽ không còn có khả năng cho quả nữa. Đó là lúc các bạn đã đạt được sự an lạc của Níp-bàn (Nibbāna).

–ooOoo–

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app