Luận Giải Về Nghiệp Phần Ii: Đời Sống Bình Nhật – Chương Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Nghiệp (kamma)

Luận Giải Về Nghiệp Phần II

Đời Sống Bình Nhật

Chương Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Nghiệp (Kamma)

Không Có Sự Đối Đãi Công Bằng

Chúng ta hãy lấy ví dụ về một nhóm những Phật tử tập trung lại dâng cúng y Kathina và lắng nghe Pháp bảo. Các bạn có thể tự hỏi: “Nghiệp (kamma) có sẽ cho quả giống nhau đến mọi người do phước thiện tập thể này không?”

Mọi người có thể chia sẻ cùng kết quả của nghiệp không? Quả của nghiệp không thể giống hệt cho mọi người vì nghiệp (kamma) chín muồi hay cho quả dựa trên các điều kiện và đặc tính vốn khác nhau từ người này sang người khác. Mặc dầu đó là nghiệp thiện tập thể, nhưng chủ ý (cetanā) không thể giống hệt nhau. Các điều kiện và đặc tính cũng không thể như nhau. Do đó, kết quả cũng sẽ không thể là giống hệt nhau.

Hãy xem trường hợp những kẻ sát nhân. Vì hành động sát hại đó của họ, họ bị án tử hình hoặc tù chung thân. Nhưng người thực hiện việc treo cổ hoặc bắn chết những phạm nhân này lại không những không bị trừng phạt mà lại còn được các cấp chính quyền khen tặng và thăng chức. Cùng một hành động sát nhân, nhưng kết quả lại khác nhau. Tại sao?

Đó là vì các điều kiện là không giống nhau cho mọi người. Hơn nữa, vẫn còn có những yếu tố khác chi phối và ảnh hưởng, cho nên, nghiệp (kamma) không thể tạo ra quả cho tất cả và từng người một.

Phụ thuộc vào các điều kiện hỗ trợ, nghiệp (kamma) cho quả của nó. Đối với người được trợ giúp bởi các điều kiện tốt đẹp, nghiệp bất thiện (akusala kamma) không thể tạo sinh ra quả. Cũng vậy, nghiệp thiện (kusala kamma) không thể cho quả nếu các điều kiện xấu đang bao quanh người đó.

Theo Đức Phật thì nó giống như là bỏ một muỗng muối vào một ly nước1. Nó sẽ trở nên quá mặn để uống. Nhưng  nếu  muỗng  muối  này  được  thả  vào  một  dòng sông,  như  sông  Ganges  hoặc  sông  Ayeryarwady  chẳng hạn, thì vị mặn đó sẽ chẳng thấm vào đâu.

Cũng theo cách này, một vài người có đức hạnh không tốt. Thêm vào đó, họ lại không thực hiện việc phước thiện nào. Nếu họ phạm vào một việc sai quấy nhỏ nào đó, họ sẽ phải trải nghiệm đau khổ rất nhiều.

Ngược lại, chúng ta hãy lấy ví dụ một người có đức hạnh tốt đẹp và có một trái tim nhân hậu. Ông ta cũng thực hiện rất nhiều việc phước thiện. Tuy nhiên, vì còn là một phàm nhân (puthujjana), ông đôi lúc vẫn vi phạm những việc sai quấy. Nhưng chúng dường như chẳng để lại hậu quả gì cả và hầu như là biến mất hoàn toàn.

Như vậy, quả của nghiệp thì khác nhau tùy thuộc người này người kia. Không phải là nghiệp (kamma) có thiên vị, mà chỉ là vì còn có những yếu tố khác hỗ trợ.

Các điều kiện thế gian

Nếu một người nghèo đói trộm cắp một con cá từ một người buôn cá thì ông ta sẽ có vấn đề và gặp khó khăn. Nếu một người giàu sang ngồi trong xe có người lái riêng cũng làm điều đó, ông ta có lẽ còn được tặng thêm một con nữa. Sự ưu tiên luôn được dành cho những kẻ giàu sang, chứ không cho những kẻ bần cùng. Đây chỉ là phương cách của thế gian.

Chuyện thường xảy ra (ở những nơi cụ thể nào đó) là khi có tiền và thế lực thì người ta không phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật, đúng không? Tình  huống thì thường là khác giữa người giàu có và người nghèo khổ, mặc dầu người ta luôn nói rằng: “Mọi người là bình đẳng dưới luật pháp.” Người không có tiền sẽ bị giam tù vì phạm tội, nhưng người có tiền thì có lẽ là không. Đối với người có tiền, mặc dầu cũng vi phạm tội lỗi tương tự, nhưng vấn đề thường được bỏ qua. Thông qua hối lộ hoặc đút lót, ông ta có thể tránh được tội hình. Và cũng theo cách đó, đối với người có cấp bậc hoặc quyền lực, cũng thường không có sự trừng phạt. Một người khác không có những thế lực này phải chịu sự trừng phạt nặng nề hơn.

Các bạn có thể gọi việc này là bất công tùy theo cách nhìn của các bạn. Hoặc các bạn có thể nói rằng đây là chuyện thế gian. Trong trường hợp như vậy, tiền bạc (cũng như thế lực hoặc quyền lực) có thể được xem là một dạng điều kiện.

Điều này không có nghĩa nói rằng có tiền – hoặc không có tiền – tạo nên sự khác biệt đối với nghiệp (kamma). Khi bàn về nghiệp (kamma) hay liên quan đến nghiệp (kamma), vấn đề quan trọng là có sự vắng mặt hoặc sự thiếu vắng của những đặc tính. Đối với người có những đặc ân hoặc ân đức, hậu quả sẽ ít nghiêm trọng hơn, không giống như người không làm việc thiện gì cả. Người không làm việc thiện gì cả sẽ chịu đau khổ nhiều thậm chí đối với một việc sai trái nhỏ nhặt nào đó. Đây chỉ là quy luật tự nhiên.

Điều ám chỉ ở đây là nếu một người thực hiện một việc bất thiện (akusala) nào đó, để làm giảm nhẹ bớt nghiệp (kamma) xấu đó, ông ta phải nên thực hiện nhiều phước thiện.

Bản Chất Tạo Nên Sự Khác Biệt

Trong bất kỳ việc tốt hoặc xấu nào được thực hiện, tầng cấp hay mức độ, tức là bản chất, luôn luôn có liên quan. Khi thiện (kusala) hoặc bất thiện (akusala) được thực hiện, tốc lực tâm và bản chất có luôn giống nhau cho mọi người không?

Cho dầu đó là bố thí (dāna), trì giới (sīla) hoặc tham thiền, tâm lực của một người và bản chất của nó thì không giống với người khác. Hãy xem trường hợp của bố thí (dāna) chẳng hạn. Trước khi việc đó được thực hiện, các bạn có những ý nghĩ tốt về việc bố thí của mình. Thậm chí sau đó, tâm thiện (kusala) sanh lên khi các bạn nghĩ về sự bố thí (dāna) đó.

Điều đó sẽ khác đi cho người có sự ngờ vực và các ý tưởng  sai  lầm  trước  và  sau  khi  hành  động  bố  thí  được thực hiện. Do đó, do bởi việc thiện này được đi trước và theo sau bởi một tâm trí bất thiện, năng lượng tiềm tàng của  nghiệp  lực  bị  yếu  đi.  Nó  được  gọi  là  nghiệp  bình phàm1.

Trong trường hợp của các bạn, tức là không có tâm bất thiện (akusala) đi trước và theo sau hành động bố thí, thì  nó  được  gọi  là  nghiệp  ưu  thắng2    với  tâm  thiện (kusala) sanh lên cùng với trí tuệ, tức là ba nhân thiện có mặt: vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). (Nếu  không  có  trí  tuệ,  thì  điều  kiện  đó  là  nhị  nhân (dvihetuka).)  Như  vậy,  ưu  thắng  hay  bình  phàm  được phân biệt bởi trí tuệ3 và bởi việc hành động thiện đó có bị đi trước và theo sau bởi các chủ ý bất thiện (akusala cetanā) không.

Đối với trường hợp bất thiện (akusala), chúng ta hãy lấy ví dụ của cậu bé đang đói bụng và nhìn thấy một quả táo. Lòng tham sanh lên và cậu bé trộm lấy quả táo, nghĩ rằng việc đó là không sai trái gì cả vì cậu đang đói bụng. Một cậu bé khác cũng ở trong tình huống đó, biết rằng việc này là sai và ngập ngừng. Nhưng với sự thúc đẩy của bạn bè, cậu đã cắp trộm nó.

Như vậy, có sự khác biệt về tâm lực và bản chất trong những hành động của hai cậu bé.

Cho nên, thậm chí nếu hành động trộm cắp hoặc bố thí, trì giới hoặc hành thiền là giống nhau, nhưng tầng cấp hay mức độ lại không giống nhau cho tất cả mọi người. Điều này muốn nói rằng bản chất thì khác nhau. Mặc dầu hành động thì như nhau, nhưng bản chất hay tính chất của nghiệp (kamma) thì không giống  nhau, phải vậy không?

Những nhà sản xuất khác nhau thì tạo nên những sản phẩm khác nhau

Chúng ta hãy nhìn các mặt hàng tiêu dùng ngày nay với những sự khác biệt về chất lượng. Mẫu mã của mặt hàng – nó có giống nhau không? Chúng ta hãy lấy máy ghi âm làm ví dụ. Những công ty nào sản xuất máy ghi âm? Các bạn tìm kiếm và rồi kết luận: “Hãng này sản xuất máy ghi âm chất lượng tốt. Hãng kia sản xuất máy ghi âm chất lượng xấu.” Dầu chất lượng là tốt hay xấu, điều đó không có nghĩa là mặt hàng của nhà chế biến yếu kém thì lại không thể được gọi là máy ghi âm. Nó vẫn là máy ghi âm, giống như máy ghi âm có chất lượng cao.

Theo cách này, quả do nghiệp tạo ra khác nhau phụ thuộc vào chất lượng của nghiệp (kamma).

Các bạn hãy suy ngẫm khi trả lời câu hỏi trong tình huống sau: Tất cả chúng sanh trong đọa xứ (apāya) có cùng tâm tục sinh (upekkhā santīraṇa) cho dầu họ là chúng sanh địa ngục, thú vật, ma đói (peta) hoặc a-tu-la (asura). Vậy họ có cùng chia sẻ sự khổ đau như nhau không? Nếu không thì tại sao không?

Tâm  tục  sinh  thì  là  giống  nhau  cho  tất  cả  (những chúng  sanh  đó),  nhưng  những  gì  họ  phải  trải  nghiệm trong những địa phận khác nhau lại không giống nhau. Trong địa ngục (niraya), chỉ có sự đau khổ tột cùng mà không có một chút hạnh phúc nào. Cư dân tại đó có đời sống tệ hại nhất. Thú vật thì đỡ hơn một chút. Đức Phật so  sánh  địa  ngục  như  là  một  hố  lớn  với  than  cháy  đỏ1, trong khi đời sống của thú vật thì giống như trong một hố  phẩn.  Nếu  so  sánh,  thì  các  ma  đói  (peta)  và  a-tu-la (asura) lại đỡ hơn chút nữa mặc dầu Ngài so sánh tình huống  của  họ  với  việc  ở  tại  một  nơi  nắng  nóng  nhưng hầu như chẳng có một bóng mát nào và mặt đất thì toàn là đá với những cạnh sắc bén.

Tại sao chúng sanh trong địa ngục lại chịu nhiều khổ đau hơn những chúng sanh khác? Đó là vì tâm lực được dùng trong quá trình thực hiện việc bất thiện (akusala) – cùng với chất lượng hay tính chất của nghiệp là không giống nhau. Loại hành động cực ác cho quả trong địa ngục. Nó cũng có nghĩa rằng bản chất hay chất lượng của nghiệp (kamma) là ở mức độ cao nhất.

Hơn nữa, kết quả được xác định thông qua việc nhìn vào mức độ của bất thiện (akusala). Mức độ càng cao thì môi trường càng khắc nghiệt, như một núi lửa đang phun trào dữ dội. Như vậy, tùy thuộc vào mức độ, chúng ta có môi trường cực kỳ nóng, môi trường nóng và môi trường ít nóng hơn trong những tầng hiện hữu hay những cảnh giới hiện hữu khác nhau.

Do đó, sự đau khổ là cùng cực trong địa ngục A-tỳ (Avīci), nơi mà các chúng sanh phải ở sát nhau, không có khoảng cách giữa họ, giống như kim trong hộp. Đó là lý do tại sao tầng địa ngục thấp nhất này được gọi là Avīci. Hơn nữa, không có khoảng trống hay nơi nương náu giữa những đám lửa liên tục cháy rực.

Dạng bất thiện (akusala) ít nghiêm trọng hơn với bản chất nghiệp thấp hơn sẽ cho quả trong giới bàng sanh. Rồi một dạng kém hơn nữa sẽ cho tái sanh làm ma đói (peta).

Tương tự, hạnh phúc của nhân loại và thiên chúng cũng không giống nhau do bởi sự khác nhau về chất lượng mặc dầu tâm tục sinh là giống nhau. Tất cả những xe bốn bánh chuyên chở một số ít hành khách đều được gọi là xe hơi. Nhưng chúng không thể là có cùng giá trị do bởi sự khác nhau về loại xe và nhà sản xuất, phải không? Đúng vậy. Cũng theo cách này, điều này cũng giống như sự không đồng nhất giữa hạnh phúc của nhân loại và hạnh phúc của thiên chúng.

Đức Phật đã miêu tả cảnh giới nhân loại như thế nào? Nó giống như việc các bạn tìm thấy mình đang ngồi dưới một cội cây to với bóng mát. Các bạn sẽ nói rằng: “Ồ, ở đây mát mẻ quá!” Tuy nhiên, cho dầu có mát mẻ đến độ nào đi nữa, nhưng khi ngồi trên mặt đất, các bạn không thể tránh được các tia nắng mặt trời hoặc mưa.

Đối với đời sống của thiên chúng, Đức Phật so sánh với việc sống trong một căn nhà tiện nghi với ghế giường êm dịu, tránh được gió và mưa. Hai tình huống này có giống nhau không? Không, chúng không giống nhau. Sự khác nhau là do chất lượng của nghiệp thiện (kusala), như trong việc bố thí (dāna) và trì giới (sīla). Do đó, kết quả là khác nhau.

Thành Công Và Thất Bại

Mặc dầu nghiệp (kamma) là điều kiện cơ bản tất yếu, nhưng chúng ta không thể chỉ quy kết mọi thứ cho nghiệp. Chúng ta cần phải suy xét những điều kiện khác nữa, tức là toàn bộ tình huống. Các bạn hãy suy ngẫm theo cách này: cây cần các điều kiện trợ giúp như đất, nước, ánh sáng, nhiệt lượng, phân bón và vân vân nếu nó muốn mọc lên. Loại đất, hoặc nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp chẳng hạn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Cho nên, có nhiều điều kiện liên quan ở đây.

Điều này cũng giống cho nghiệp (kamma). Cho dầu nghiệp (kamma) đó có tốt (kusala) đến mức nào, nhưng nếu nó gặp phải những điều kiện bất lợi (vipatti1), nó sẽ không  thể  cho  quả  được.  Tương  tự,  nghiệp  bất  thiện (akusala  kamma)  –  dầu  là  to  lớn  đến  mức  nào  –  trong điều  kiện  hoàn  toàn  tốt  đẹp,  thuận  lợi  cho  sự  thịnh vượng  (sampatti),  không  thể  hoạt  động  để  mang  lại  sự đau khổ (dukkha). Bản chất hay tính chất này của nghiệp (kamma) phải nên được thấu hiểu.

Cõi hiện hữu và các thời kỳ

Một người có thể sanh vào một cõi không được tốt đẹp: như địa ngục, làm súc sanh, làm ma đói (peta) hoặc làm a-tu-la (asura). Một khi ông ta đã sanh vào một cõi bất hạnh (gati vipatti) như vậy, thì mặc dầu ông ta có nhiều nghiệp thiện (kusala kamma) đang muốn cho quả, nhưng chúng không thể trổ quả được. Điều tốt nhất chúng có thể làm là giúp cho ông có đủ ăn, không bị đói khát. Chúng không thể cung cấp cho ông cuộc sống của nhân loại hoặc thiên chúng được, cuộc sống mà không bị thoái hóa và bất mỹ.

Rồi trong suốt những thời kỳ đen tối, mọi người bị suy hoại tinh thần và có khuynh hướng vi phạm những tội lỗi. Trong thời kỳ đen tối của thất bại (kāla vipatti), các bất thiện nghiệp (akusala kamma) thường được thực hiện. Vào lúc đó, không ai sống trong hòa bình và tránh khỏi những hoạn nạn được. Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai là một thời kỳ như vậy, khi mà vô cùng khó khăn để đạt được  một  chút  phước  lộc  hay  lợi  ích  nào.  Tôi  (ND:  tác giả) sanh vào năm 1940, ngay trước khi chiến tranh xảy ra. Do bom đạn và bệnh tật lan tràn, nhiều người vô tội đã chết. Thậm chí trong làng của chúng tôi, một gia đình đã bị chết. Trên toàn quốc, nhiều người đã chết vì dịch bệnh, bao gồm cả những học giả nổi tiếng.

Mặc khác, thời kỳ mà mọi người có cơ hội thực hành các thiện pháp, tu tập tâm tánh thì được gọi là thời kỳ của hưng thịnh (kāla sampatti). Đây là thời kỳ mà sự tiến triển được thực hiện trong mọi lãnh vực, với kinh tế phát triển, giáo dục được cải thiện và vân vân.

Tướng mạo của một người

Hình dáng tướng mạo là quan trọng – thậm chí đối với một con chó. Nếu nó là dễ thương, mọi người sẽ nói: “Con chó này đẹp quá!” và cho nó thức ăn. Điều này được gọi là upadhi sampatti, tức là bản chất gắn liền với sự thuận lợi. Còn đối với upadhi vipatti, tức là bản chất gắn liền với sự thất bại, thì: nếu con chó đó là thú lai đói khát với ghẻ lở, mọi người chắc sẽ quăng đá vào nó.

Điều này cũng giống cho con người vậy. Cho dầu người đó có khỏe mạnh như thế nào, nhưng với tướng mạo xấu xí, xã hội cũng khó mà chấp nhận. Ví dụ, có một câu chuyện về một vị bộ trưởng tại Tích Lan có một người vợ tương đối xấu xí. Vào những buổi lễ hội, bà thường bị xem nhầm là một người giúp việc trong nhà. Không ai đón tiếp bà một cách tôn trọng cả. Do bởi upadhi vipatti, không ai nghĩ bà là phu nhân của vị bộ trưởng cả.

Với upadhi vipatti, thậm chí con của vua cũng khó có cơ hội kế thừa ngôi vị. Tại Tích Lan, một lần nọ, có một vị hoàng tử rất thích chơi trò đá gà lúc còn nhỏ. Trong một trận đấu gà, mắt của vị hoàng tử đã bị tổn thương do bị con gà đá nhầm. Kết quả là vị hoàng tử đã bị mù một mắt. Khi đến tuổi trưởng thành, mẹ của ông, tức là hoàng hậu, đã đến gặp vua và hỏi xin cho con mình được kế thừa ngôi vua. Vị vua đã trả lời như thế nào?

“Hoàng tử là kẻ tàn tật. Nó không thể làm vua được.

Đã từ lâu rồi, chẳng có vị vua nào lại có một mắt đâu.”

Cho nên, ngôi vua ở Tích Lan đã không được trao cho vị hoàng tử đó. Ông được ban cho một hòn đảo nhỏ để trị vì. Nếu ông không mất một con mắt – nếu không có upadhi vipatti – thì ông chắc chắn đã trở thành vua. Thậm chí nếu thiện nghiệp (kusala kamma) của ông muốn cho quả, nó cũng không thể thực hiện được vì mọi thứ đã đi sai đường.

Rồi có một vị đại tướng rất thiện xảo với cung tên, nhưng lại rất nhỏ con như người lùn. Nên nhà vua đã không thích để ông làm cận vệ bên mình vì nghĩ rằng mọi người sẽ nực cười khi thấy một người lùn xấu xí làm cận vệ. Cho nên, một vị đại tướng đã phải chọn một vị khác khôi ngô đứng vào chức vị đó, trong khi ông chỉ ở cương vị của người trợ giúp mà thôi. Nếu có việc gì đó cần đến sự phục vụ của ông, thì ông chỉ được phép làm việc trong sự kín đáo với cương vị của một người phụ trợ, tức là không được nhìn thấy.

Do đó, thậm chí chỉ để được bổ nhiệm vào một bộ phận nào đó, diện mạo của một người cũng rất quan trọng, đặc biệt là vào những ngày cổ xưa của thời còn nô lệ. Không quan trọng việc giai cấp của một người là thấp kém như thế nào hoặc người đó nghèo khó đến mức nào. Thân mẫu người đó có thể là một nô lệ. Nhưng nếu người đó có tướng mạo trẻ đẹp, thì người đó vẫn có thể có được cấp bậc và chức phận.

Như vậy, để tạo sinh ra quả của mình, nghiệp (kamma) chịu ảnh hưởng của các điều kiện của sự thành công (sampatti) và sự thất bại (vipatti). Nó không thể nương tựa vào chỉ một mình nó.

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app