Luận Giải Về Nghiệp Phần Ii: Đời Sống Bình Nhật – Chương Nghiệp (kamma) Là Nhân Của Hành Động

Luận Giải Về Nghiệp 

Phần II: Đời Sống Bình Nhật

Chương Nghiệp (Kamma) Là Nhân Của Hành Động

Nghiệp (Kamma) Sanh Lên Trong Tâm Như Thế Nào

Tâm diễn ra rất nhanh, làm việc giống như một máy phát điện. Theo Sớ Giải, hàng tỷ sát-na tâm sanh lên và diệt đi trong một giây do bởi sự ngắn ngủi cực kỳ của một sát-na tâm. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể xem truyền hình, nghe nhạc, ăn uống và cười nói cùng một lúc: giống như một nghệ sĩ xiếc bắt đầu chơi với hai quả bóng, rồi ba quả, rồi bốn quả và vân vân. Tuy nhiên, chỉ có một tâm (citta) tại từng mỗi thời điểm.

Ví dụ, chúng ta nghĩ rằng chúng ta thấy và nghe cùng một lúc, nhưng thật ra tâm thấy biến mất tạo cơ hội cho tâm nghe sanh lên. Nó giống như đốt nến vậy: bóng tối biến mất để cho ánh sáng xuất hiện.

Như vậy thì nghiệp (kamma) sanh lên trong tâm như thế nào? Nếu các bạn muốn biết, các bạn phải quen thuộc với cách thức tâm làm việc. Điều này có liên quan đến tiến trình tâm thức (citta-vīthi): tức là một chuỗi nhất định bao gồm những tâm (citta) sanh lên do sự tác động của cảnh vào môn giác quan.

Giả sử một cảnh sắc xuất hiện tại nhãn môn. Rồi điều gì xảy ra?

“Ai đang gõ cửa vậy?”

Để giúp các bạn theo dõi được tiến trình, chúng ta hãy giả sử rằng các bạn đang ở nhà. Rồi có một vị khách đến viếng thăm và gõ cửa. Sau khi nghe tiếng gõ cửa, các bạn đi ra mở cửa. Mở cửa ra, các bạn thấy là có một vị khách. Nhận ra rằng đó là một người bạn, các bạn mời anh ta vào nhà. Sau khi hỏi: “Bạn đến chơi có việc gì không?”, các bạn mời anh ta ngồi và mời anh ta dùng trà cùng với bánh kẹo. Sau khi cuộc trò chuyện kết thúc, người khách nói lời tạm biệt và ra về. Rồi các bạn đóng cửa lại. Cuộc viếng thăm này chỉ là một tiến trình.

Chúng ta có sáu môn trong thân xác này để cho “những vị khách” đến gõ cửa. Chúng ta hãy lấy nhãn môn làm ví dụ. Khi đối tượng được phản chiếu trên nhãn vật, mười bảy sát-na tâm trong một chuỗi tâm bắt đầu làm việc với nó (tạo nên một lộ trình).

Trước hết, chúng ta mở cửa bằng tâm hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana), tâm này chú ý đến cảnh sắc hiện tại, và rồi tâm nhãn thức (cakkhu-viññāṇa) nhìn thấy nó. Chúng ta tiếp nhận đối tượng viếng thăm bằng tâm tiếp thâu (sampaṭicchana), rồi sau đó, tâm quan sát (santīraṇa) tìm hiểu về nó.

Tiếp theo, chúng ta dùng tâm đoán định (voṭṭhabbana) xác định đối tượng là gì. Sau đó, chúng ta trải nghiệm nó bằng các tâm đổng lực (javana), thường thì sanh lên bảy lần kế tiếp nhau. Rồi với tâm na cảnh (tadārammaṇa), tức là tâm chiêm nghiệm hương vị dư tàn, chúng ta chia tay đối tượng.

Cửa  được  đóng  lại  khi  tâm  thụ  động  (bhavaṅga citta1) sanh lên ngay lúc đời sống của đối tượng vừa kết thúc2. Đời sống này kéo dài mười bảy sát-na tâm, cũng tạo nên lộ trình tâm nhãn môn (đối với cảnh rất lớn).

Tâm làm máy phát điện

Sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua các giác quan, chẳng hạn như mắt, sẽ được đi theo sau bởi suy nghĩ, tức là các lộ trình tâm ý môn. Đó là vì tiến trình ngũ môn khởi đầu (giai đoạn đầu tiên) chỉ ghi nhận hoặc tiếp nhận đối tượng.

Sau đó, suy nghĩ sẽ  diễn ra tại ý  môn, gợi nhớ lại đối tượng đã được nhìn thấy. Đây là giai đoạn thứ hai sau khi mắt nhìn thấy đối tượng. Chúng ta cần ít nhất ba lộ tâm ý môn1  liên tiếp nhau để nhận ra được đối tượng đó là gì (xin hãy xem bảng nêu phía dưới).

Bốn giai đoạn trong một hành động thấy

Cùng với lộ tâm nhãn môn, nhóm bốn giai đoạn này ám chỉ cho một hành động nhìn duy nhất với mười bảy sát-na tâm của nó, vốn cực kỳ ngắn ngủi.

Giả sử chúng ta nhìn thấy một cuốn sách. Đến lúc chúng ta chú ý đến nó thì ba sát-na hữu phần (bhavaṅga) đã trôi qua. Sau khi xuất hiện tại nhãn môn, tuổi thọ của nó sẽ chấm dứt sau mười bảy sát-na tâm. Rồi một tiến trình khác sanh lên tại con mắt (không phải là cùng lộ tâm như trước).

Nếu chúng ta nhìn cuốn sách trong vòng năm phút, thì hành động nhìn đó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong khoảng thời gian đó. Tiến trình tâm thức diễn tiến như một cuốn phim, mỗi bức hình một thời điểm, không bao giờ diễn ra cùng một lúc.

Khi nào nghiệp (kamma) bắt đầu tích lũy

Một máy phát điện cần phải quay nhiều vòng mới phát ra điện được. Điều này cũng đúng như vậy đối với tâm trí. Chỉ một vòng sẽ không đủ để cho chúng ta biết rằng cái mà chúng ta đang nhìn là một cuốn sách vì nó chỉ mới là sự khởi động. Chỉ khi đến lộ tâm ý môn thứ ba, chúng ta mới biết được rằng nó là một cuốn sách.

Tiến trình cũng tương tự cho việc nghe âm thanh. Đối với âm thanh có một âm tiết, thì phải cần ít nhất bốn giai đoạn. Rồi các âm tiết được kết hợp với nhau để nhận được  ý  nghĩa  đầy  đủ.  Trước  hết,  nhĩ  môn  bắt  lấy  âm thanh. Rồi ở giai đoạn thứ hai, ý môn gợi lại âm thanh đó. Tiếp theo, ý môn bắt lấy từ ngữ ở giai đoạn thứ ba. Chỉ  ở  giai  đoạn  thứ  tư,  chúng  ta  mới  nhận  ra  được  ý nghĩa.

Như vậy, chúng ta cần ít nhất là bốn lộ tâm để nhận ra rằng cái chúng ta nhìn thấy là một cuốn sách, hay âm thanh chúng nghe là từ “dog”. Cho nên, giai đoạn thứ tư là tiến trình mang tính quyết định khi chúng ta nhận ra đối tượng đó là gì hoặc nó có nghĩa là gì.

Bắt đầu từ điểm này và từ giai đoạn thứ năm trở đi, tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) xuất hiện,  nói rằng: “Tôi thích/ghét đối tượng đó.” Như vậy, đây là nơi mà nghiệp (kamma) bắt đầu tích lũy.

Nghiệp (Kamma) Được Tích Trữ Ở Đâu

Nghiệp (kamma) tích lũy ở đâu trong chúng ta? Có phải nó được giữ lại trong bộ não không? Hay nó được giữ trong trái tim? Nó được bảo quản trong một chỗ thôi phải không? Một vài người nghĩ rằng nó ở trong bộ não vì đó là nơi các thông tin và ký ức được cất giữ.

Chúng ta phải suy nghĩ xem tại sao nghiệp (kamma) lại không được cất giữ trong bộ não. Các bạn thấy đấy, âm thanh được ghi giữ trong băng hoặc đĩa. Nếu đĩa bị hủy đi hoặc làm cho hư đi, tất cả âm thanh sẽ mất đi. Tương tự như vậy, nếu chúng ta mất đi bộ não, nghiệp (kamma) sẽ mất đi. Nghiệp cũng sẽ mất đi trong trường hợp chúng ta chết đi, do bộ não cũng sẽ chết theo vì nó chỉ là vật chất thôi. Rồi có những trường hợp cụ thể nào đó, chúng ta có thể là vẫn còn sống nhưng bộ não của chúng ta được xem là chết. Còn nếu nghiệp (kamma) được cất giữ trong trái tim và nếu người đó phải cần thay tim, thì tình huống có lẽ không được tốt đẹp cho lắm. Cho nên, nếu nghiệp (kamma) được lưu trữ tại những nơi như vậy, thì chúng ta sẽ bị thất lạc.

Vì nghiệp (kamma) là thứ phi vật chất, tức là thứ không thể nhìn thấy được, cho nên thật không dễ chút nào để giải thích cách nghiệp (kamma) tích lũy. Nhưng nó có thể được nhận biết thông qua kiến thức hoặc sự hiểu biết. Như vậy, nó tích lũy ở đâu? Nó nằm trong tiến trình tâm thức. Các bạn có thể nghĩ rằng tâm là nhất thời, sanh lên rồi diệt đi – không bao giờ quay trở lại – và được theo sau bởi một tâm mới. Cho nên, các bạn sẽ hỏi: “Như vậy thì nghiệp (kamma) cũng biến mất phải không?” Chúng ta hãy suy nghĩ về ánh sáng của ngọn nến. Bằng cách dập tắt ngọn lửa đi, chúng ta có thể mang nó trở lại không? Không, nó đã biến mất mãi mãi, giống hệt như tâm thức vậy. Cho nên, nếu nghiệp (kamma) được tồn giữ trong tâm, thì nó cũng là nhất thời mà thôi. Nhưng nó lại không biết mất, tức là không bị mất đi.

Nghiệp (kamma) là trực tuyến

Tiến trình tâm thức không bao giờ duy trì lại, vì tâm sanh  lên  và  diệt  đi  không  ngừng  nghỉ1.  Tuy  là  như  vậy, nhưng  không  có  sự  thay  đổi,  không  có  sự  dịch  chuyển đến nơi nào khác: mỗi khi nghiệp (kamma) đã được thực hiện, đã được hoàn thành, thì nó được duy trì, được thiết lập một cách vững chắc. Thậm chí như vậy, nó vẫn không được giữ cố định hoặc duy trì dai dẳng. Năng lượng, từng đơn vị một, được truyền gửi liên tiếp từ một tâm (citta) này sang tâm khác1. Mỗi khi tâm (citta) đi trước diệt đi, nó truyền lại nguồn nghiệp lực của mình cho tâm (citta) đi theo sau. Khi đến lượt của mình, tâm theo sau này sẽ truyền nguồn năng lượng này đến tâm (citta) thứ ba, và vân  vân.  Theo  ngôn  ngữ  hiện  đại,  chúng  ta  chắc  sẽ  nói rằng  nghiệp  (kamma)  là  trực  tuyến,  duy  trì  trong  dòng tâm thức.

Tâm thứ nhất không trở thành tâm thứ hai. Sự thật là vì tâm thứ nhất biến mất, tâm thứ hai mới xuất hiện. Mặc dầu tâm thứ nhất và tâm thứ hai có liên quan với nhau, nhưng tâm thứ nhất không biến thành tâm thứ hai. Khi tâm thứ nhất còn tồn tại hay hiện hữu, tâm thứ hai không thể xuất hiện hoặc có mặt được.

Quả chưa chín muồi

Cũng giống như hạt giống và quả, theo Đức Phật thì có cả nghiệp lực chưa chín muồi và nghiệp lực chín muồi. Ngay sau khi nghiệp lực bắt đầu tích lũy, nó chưa chín muồi. Giống như hạt của quả chưa chín thì không thể nảy mầm được. Năng lượng của nó vẫn còn tiềm ẩn hay ngủ ngầm trong tiến trình tâm thức. Nó sẽ phát triển theo thời gian. Chúng ta nên hiểu tính tiềm ẩn này như thế nào?

Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta đến trường để học hỏi. Bắt đầu từ lúc đó, kiến thức của chúng ta không bị mất đi. Thay vào đó, nó tiếp tục phát triển hay tăng trưởng mặc dầu bộ não của chúng ta không lớn hơn nhiều chút nào. Bắt đầu với ABC mà chúng ta đã học tại lớp vỡ lòng, chất lượng của nó không bị giảm thiểu mà vẫn được duy trì. Nếu không, làm sao chúng ta có thể tiếp tục phát triển và tiến lên đến cấp đại học, rồi lấy bằng tiến sĩ? Mỗi một người trong chúng ta có đặc tính duy nhất, riêng biệt khác với những người còn lại. Nghiệp (kamma) cũng giống như vậy. Nó duy trì hay ở lại trong dòng tâm thức của chúng ta như là một phẩm chất, tạo ra những khuynh hướng mang tính thói quen.

Ví dụ, giả sử chúng ta thường hay giận dữ, đôi lúc với một người nào đó hoặc với một việc gì đó. Sự chủ ý này, tức là tâm sở tư (cetanā) này, trở thành một nghiệp lực được tích lũy trong chúng ta, nằm ẩn tàng trong chúng ta. Điều này trở thành một tập tục: tức là sự giận dữ sanh lên, diễn ra nhiều lần. Nó sẽ chuyển thành một khuynh hướng khi những suy nghĩ tức giận xuất hiện lặp đi lặp lại. Như vậy, bản chất hay phẩm chất của nó sẽ tăng lên thông qua sự lặp lại. Theo thời gian, nghiệp lực sẽ trưởng thành hay chín muồi với sự giúp đỡ của những điều kiện khác.

Vô lượng kiếp cho đến khi Ba-la-mật (Pāramī) tròn đủ

Về bên phía thiện lành, chúng ta hãy lấy Bồ-tát (Bodhisatta) trong kiếp sống của Sumedha làm ví dụ. Từ lúc Ngài nhận được sự thọ ký từ Đức Phật Dīpaṅkara rằng Ngài sẽ một ngày nào đó trở thành Phật, Ngài đã bắt đầu vun bồi những pháp Ba-la-mật (Pāramī) của mình. Nếu những pháp Ba-la-mật này không được “ghi nhận” hoặc “lưu trữ” lại, thì làm sao chúng có thể tích lũy để Ngài cuối cùng trở thành Phật? Những phước Ba-la- mật này được truyền lại hay được giữ lại trong dòng tâm thức cùng với nó như là một nghiệp lực, truyền từ tâm (citta) này sang tâm kế tiếp trong vố số những kiếp sống tiếp nối. Chúng đã được giữ trực tuyến từ đạo sĩ Sumedha cho đến Đức Phật Gotama, tức là cho đến khi các pháp Ba-la-mật được vun bồi tròn đủ. Năng lực mà được tích lũy trong suốt thời gian dài vô hạn này đã thể hiện ra, đưa đến việc thành tựu quả vị Phật.

Các bạn hãy tự suy nghiệm đi: nếu không học qua cơ sở và tiểu học, các bạn không thể nào hiểu được và tốt nghiệp được trung học. Nếu không có kiến thức từ tiểu học và trung học, các bạn sẽ chẳng thể nào tiếp thu được những gì được giảng dạy tại cấp đại học. Do đó, rõ ràng là những gì được tiếp nhận đã không bị mất đi. Cũng theo cách này, nghiệp (kamma) được duy trì trong dòng tâm thức của các bạn. Tại điểm cuối cùng đời sống này, nó sẽ được truyền gửi vào đời sống kế tiếp. Tại lúc tử của đời sống kế tiếp, quá trình này sẽ tiếp tục vào kiếp sống thứ ba. Với sự truyền gửi liên tục như vậy, tiến trình này không bao giờ biến mất trong vòng luân hồi (saṃsāra).

Động Lực Là Nghiệp (Kamma)

Đức Phật đã tuyên bố rằng tâm sở tư hay sự chủ ý (cetanā) là nghiệp (kamma)1. Tuy nhiên, nhiều người tại Miến Điện  vẫn  hiểu  lầm  về  ý  nghĩa  của  cetanā (tâm  sở tư). Nhiều người nghĩ rằng nó là thiện và nói: “Tôi luôn có cetanā  khi  có  liên  quan  đến  chuyện  làm  việc  thiện” hoặc “Tôi nói với cetanā”. Nhưng nó không hẳn đều là tốt mọi lúc.

Người Miến cho rằng trạng thái tinh thần này hoặc tâm sở này chỉ ở bên phía thiện có lẽ vì trong những dịp làm thiện pháp, họ thường nghe: “Sự dâng cúng này được thực hiện với sự chủ ý (cetanā) nhiệt tâm.” Khi tâm sở tư (cetanā) được kết hợp với thiện (kusala), thì nó là thiện. Khi đi cùng với bất thiện (akusala), thì nó trở thành bất thiện. Cho nên, tự chính nó không thể được gọi là tốt hoặc xấu.

Rồi khi mọi người nói về nghiệp (kamma) tốt hoặc xấu của mình, nhiều người có lẽ không nhận thức rằng họ đang nói về tâm sở tư (cetanā), vốn như đã được Đức Phật thuyết giảng.

Tâm sở tư (cetanā) thật ra có nghĩa là chủ ý, động lực hay sự thúc đẩy, chứ không phải ước muốn. Tại sao Đức Phật lại chỉ định cụ thể rằng tâm sở này là nghiệp (kamma)? Khi chúng ta suy nghĩ về một điều gì đó, việc làm này là thông qua sự kích hoạt của tâm sở tư (cetanā). Thông qua tác động hay sự kích hoạt của tâm sở tư (cetanā) mà chúng ta có thể nói được.

Đối với các hoạt động thân xác, cũng chính thông qua sự thúc đẩy của tâm sở tư (cetanā) mà chúng ta có thể thực hiện được những hoạt động đó. Các hoạt động thân và ngữ nếu không có sự chủ ý thì không phải là nghiệp (kamma). Chỉ có hành động có chủ ý mới có nghiệp (kamma) đi cùng với nó. Vì lý do này, tâm sở tư (cetanā) rất là quan trọng và chức năng của nó cần phải được hiểu rõ.

Tâm sở tư (cetanā) là người điều hành và là người cung cấp sinh lực

Tâm  sở  tư  (cetanā)  là  một  trong  bảy  tâm  sở  biến hành1  vốn được tìm thấy trong mọi tâm (citta). Bảy tâm sở này không thể tách rời được này tạo lập nên một đơn vị tâm trí cơ bản nhất (và yếu nhất) mà có thể bắt được một đối tượng giác quan2. Chức năng của phần tử tâm trí này là sự ghi nhận đối tượng một cách đơn thuần.

Những tâm sở (cetasika) khác trong nhóm này bao gồm xúc (phassa), tạo nên sự xúc chạm với cảnh; và thọ (vedanā), tận hưởng cảm giác của nó. Rồi có tưởng (saññā), đánh dấu đối tượng cho sự ghi nhận trong tương lai. Với tâm sở nhất tâm (ekaggatā), tâm chỉ có một đối tượng. Danh mạng quyền (jīvitindriya) bảo vệ nó, làm cho nhóm hay tập hợp này tiếp tục tồn tại. Tác ý (manasikāra) giữ cho tâm hướng trực tiếp đến đối tượng. Cho nên, mỗi tâm sở có một chức năng khác nhau mặc dầu chúng cùng nhau làm việc một cách hòa hợp như là tám trong một (bao gồm tâm (citta) nữa).

Đối với tâm sở tư (cetanā), thì nó đóng vai trò gấp đôi. Trước hết, nó có khả năng tập hợp những tâm sở khác lại cùng nhau. Ngày này, chúng ta có thể so sánh nó với người tổ chức hay người điều hành, tức là phải trông nom hay giám sát công việc của các nhân viên trong khi phải thực hiện chính công việc của mình. Bằng cách tập hợp những tâm sở khác lại với nhau và thông qua sự động viên, cổ vũ của nó, tâm sở tư (cetanā) giúp khiến cho nhiều việc được hoàn thành hơn. (Ví dụ, nó thúc đẩy tham (lobha) thành sự ham muốn, sân (dosa) thành sự giận dữ và si (moha) thành sự rối loạn.)

Chỉ lúc đó rồi mới có năng lượng toàn diện. Đó là do một khả năng khác của tâm sở tư (cetanā) trong việc cung cấp sinh lực và tích lũy năng lượng. Nó thu thập và gầy dựng năng lượng của tất cả những pháp (Dhamma) có liên quan trong khi gầy dựng năng lượng của chính mình. Đây là cách nó trở thành nghiệp (kamma)  khi năng lượng của nó đầy đủ. Do đó, nó có thể tạo sinh ra kết quả của mình. Khi nó làm việc đó, điều gì xảy ra? Ý nghiệp (mano-kamma), ngữ nghiệp (vacī-kamma) hoặc thân nghiệp (kāya-kamma) sanh lên.

Cho nên, nếu không có tâm sở tư (cetanā) tập hợp những tâm sở khác lại, thì sẽ không có năng lượng. Nhưng mỗi khi mà tất cả được tập trung lại, thì năng lực được tạo thành đó sẽ cho phép tiến trình và hành động diễn ra: thông qua ý, thông qua ngữ và thông qua thân xác. Đây là nghiệp (kamma).

Tuy nhiên, mặc dầu nghiệp (kamma) thật ra có nghĩa là hành động, nhưng nó không chỉ là hành động mà lại là sự thúc đẩy từ phía sau. Theo cách này, chúng ta có ý tưởng tham gia khóa hành thiền minh sát (vipassanā) tích cực mười ngày. Tên trộm có ý tưởng thực hiện một cuộc trộm cắp. Như vậy, tâm sở tư (cetanā) kích thích hay thúc đẩy hành động. Cho nên, nguyên nhân là nghiệp (kamma) và hành động là kết quả. Ai tạo ra nó? Chính tâm sở tư (cetanā). Đó là lý do tại sao Đức Phật tuyên bố rằng nó là nghiệp (kamma).

Tâm Sở Tư (Cetanā) Nào? Nghiệp (Kamma) Nào?

Hằng ngày, ai là người thúc đẩy chúng ta suy nghĩ, bàn thảo kế hoạch, nói chuyện và làm việc? Đó chính là tâm sở tư (cetanā) thông qua sự kích hoạt hay thúc đẩy của nó. Bằng cách thúc đẩy những tâm sở khác, năng lượng của chúng được gia tăng lên. Kết quả là chúng thực hành phận sự của chúng một cách tốt đẹp hơn. Tùy thuộc vào điều này, phước và tội sanh lên. Ví dụ, nếu tham (lobha), sân (dosa) hoặc si (moha) dẫn đầu, thì nghiệp (kamma) bất thiện sẽ hiện hữu. Nếu vô tham (alobha), vô sân (adosa) hoặc vô si (amoha) ở trong vai trò điều khiển, thì nghiệp (kamma) thiện sẽ sanh lên.

Như vậy, chúng ta có thể phân biệt hai loại nghiệp (kamma). Tương tự, có hai loại tâm sở tư (cetanā) có thể được nhận dạng tùy thuộc vào loại tâm mà nó có liên quan đến hoặc kết hợp với.

Tâm sở tư dị thời (nānākkhaṇika cetanā) và tâm sở tư đồng sanh (sahajāta cetanā)

Một   loại   là   tâm   sở   tư   dị   thời   (nānākkhaṇika cetanā1). “Dị thời” ở đây là chỉ cho thời điểm lúc tâm sở tư (cetanā), tức là nghiệp (kamma), xảy ra khác với thời điểm khi nghiệp (kamma) cho quả của nó. Hai thời điểm này không  phải  là  một  vì  quả  của  nghiệp  xuất  hiện  tại thời điểm khác. Đôi lúc, nó có thể là ngay sau đó, ví dụ như  trong trường  hợp  của  đạo  (magga)  và  quả  (phala): sát-na  đi  trước  là  đạo  (magga)  và  sát-na  đi  sau là  quả (phala).  Ở  những  trường  hợp  khác,  chúng  có  thể  cách nhau  a-tăng-kỳ  năm  hoặc  a-tăng-kỳ  kiếp. Giả  sử  trong vòng  luân  hồi  (saṃsāra),  cách  đây  mấy  a-tăng-kỳ  kiếp, chúng  ta  đã  phạm  tội  sát  sanh. Nghiệp  (kamma)  đó  đi theo chúng ta, tạo nên bệnh hoạn và thậm chí là cái chết bất đắc kỳ tử.

Giả sử nếu quả là tức thời thì sao? Nếu nghiệp bất thiện (akusala kamma) cho quả tức thời, chắc mọi người sẽ ghê sợ những việc làm sai trái. Đối với những nghiệp thiện, thì giả sử có một thí chủ mà việc thiện của ông sẽ cho quả sanh thiên. Vậy thì tại lúc thực hiện việc bố thí, ông sẽ không còn là người nữa vì ông sẽ thành thiên nhân ngay. Đó là giả sử tâm sở tư (cetanā) cho quả ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là trong khi các bạn trì giữ giới hạnh (sīla), thì ngay thời điểm đó, các bạn sẽ trở thành thiên nhân ngay tại chỗ.

Như vậy, nghiệp dị thời (nānākkhaṇika cetanā) cho quả ở một thời điểm khác. Đây là loại tâm sở tư (cetanā) kết hợp với thiện (kusala) hoặc bất thiện (akusala). Vì chúng là tâm sở tư (cetanā) thiện và bất thiện, cho nên, chúng tạo sinh ra quả của mình một khi năng lượng của chúng được gầy dựng đầy đủ hoặc trọn vẹn. Đây là loại nghiệp (kamma) mà chúng ta thường nói đến khi chúng ta bàn về nghiệp (kamma) tốt và nghiệp xấu chúng ta làm. Đây là loại nghiệp (kamma) dẫn đưa chúng ta từ kiếp sống quá khứ đến kiếp sống hiện tại.

Một  loại  nghiệp  (kamma)  khác  là  loại  tâm  sở  tư (cetanā) biến hành, được tìm thấy trong mọi tâm (citta). Không  giống  với  nghiệp  dị  thời  (nānākkhaṇika  cetanā), nó không phải là loại nghiệp mà mọi người muốn nói đến khi nói rằng: “Ồ, mọi thứ đều do nghiệp (kamma).” Đây là loại tâm sở tư (cetanā) sanh lên cùng với những tâm sở kết hợp và tập hợp chúng lại. Với năng lượng của mình, nó kích hoạt những tâm sở đó trong khi tiến hành nhiệm vụ riêng của mình, tức là tích lũy năng lượng. Được biết đến  với  tên  gọi  là  nghiệp  đồng  sanh  (sahajāta  cetanā hoặc sahajāta1  kamma), nó không phải là loại nghiệp tạo sinh ra quả của mình khi nó kết hợp với những loại tâm (citta) thông thường khác.

Loại tâm sở tư (cetanā) nào là nghiệp (kamma)?

Vậy  khi  giảng  về  nghiệp  (kamma)  trong  các  bài kinh, Đức Phật muốn nói về loại tâm sở tư (cetanā) nào? Khi  Ngài  tuyên  bố  rằng  tâm  sở  tư  (cetanā)  là  nghiệp (kamma)2, ý của Ngài là tâm sở tư dị thời (nānākkhaṇika cetanā). Trong những bài kinh (sutta) đó, chỉ có tâm sở tư (cetanā) kết hợp với các tâm thiện (kusala citta) và các tâm  bất  thiện  (akusala  citta)  mới  được  gọi  là  nghiệp (kamma). Cho nên, ví dụ khi Đức Phật dạy rằng nghiệp (kamma) là tài sản của chính mình hoặc là sự kế thừa duy nhất của chính mình, thì nghiệp (kamma) đó chỉ cho nghiệp dị thời (nānākkhaṇika kamma). Rồi nếu các bạn tra cứu Lý Duyên Khởi (Paṭicca Samuppāda) trong phần “Hành duyên cho thức” (Saṅkhārā paccayā viññāṇa), hành (saṅkhāra) ở đó là nghiệp dị thời (nānākkhaṇika kamma).

Tuy nhiên, trong bộ sách Duyên Hệ (Paṭṭhāna) của tạng Thắng Pháp (Abhidhamma), tất cả các loại tâm sở tư (cetanā) đều được xem là nghiệp (kamma), không quan trọng sự kết hợp của chúng với tâm (citta) nào – thậm chí cả với những tâm quả (vipāka citta) và những tâm duy tác (kiriya citta). Do đó, tâm sở tư đồng sanh (sahajāta cetanā) cũng được bao gồm. Lý do như vậy là vì cũng là cùng loại, tâm sở tư đồng sanh (sahajāta cetanā) cũng có tiềm năng cho quả như tâm sở tư dị thời (nānākkhaṇika cetanā).

Cây nghiệp (cetanā) cho quả không ngừng nghỉ

Như vậy, giống như một cội cây cứ mãi cho quả, chúng ta thực hiện vô số nghiệp thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động thân xác. Giống như quả với nhiều hạt, các hành động của chúng ta cho hạt của nghiệp. Với sự trợ giúp của các điều kiện, chúng có thể phát triển và nảy mầm.

Năng lượng tái tạo này ẩn chứa ở đâu trong cây? Nó chỉ được tìm thấy trong quả và hạt. Chúng ta nhận được nhiều bộ phận khác nhau phát triển từ hạt: như gốc rễ, thân, cành nhánh, lá, hoa và quả. Nhưng năng lượng tái tạo không nằm trong những phần này ngoại trừ trong quả và hạt.

Ngoại trừ những tâm đổng lực (javana), tất cả những tâm (citta) khác tham gia vào lộ trình tâm (citta vīthi) như tâm hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana), tâm nhãn thức (cakkhu viññāṇa) và tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) đều có thể được so sánh với những bộ phận khác nhau của cây, như lá, rễ, thân và vân vân. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo chỉ có thể được tìm thấy trong hạt, chứ không phải trong những bộ phận khác. Cũng giống như vậy, nghiệp lực tái sanh chỉ gom tập trong tâm sở tư (cetanā) của những đổng lực (javana). Tâm sở tư (cetanā) của những tâm (citta) khác thiếu vắng loại nghiệp lực tạo nên đời sống mới. Ví dụ, tâm sở tư (cetanā) trong tâm hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana) hoặc trong tâm nhãn thức (cakkhu viññāṇa) không thể tích lũy năng lượng, và nó chỉ là nghiệp đồng sanh (sahajāta kamma).

Theo  Sớ  Giải,  tâm  sở  tư  (cetanā)  thực  hiện  chức năng tích lũy chỉ khi nào nó đi cùng với những tâm thiện (kusala citta) và tâm bất thiện (akusala citta), chứ không phải những loại tâm khác, tức là quả (vipāka) và duy tác (kiriya).  Và  rồi  chỉ  lúc  đó  nó  mới  được  gọi  là  nghiệp (kamma)  vì  nó  có  khả  năng  gầy  dựng  năng  lượng một cách  đầy  đủ.  Với  tư  cách  là  nghiệp  (kamma),  nó  có thể tạo sinh ra quả của mình, ví dụ như sự tục sinh. Do đó, là tâm sở tư (cetanā) với lực đẩy mạnh tại lúc sanh lên của các  đổng  lực  (javana)  –  chính  tại  đây, nghiệp  (kamma) mới được hình thành.

Tâm Quyết Định Đời Sống Của Chúng Ta

Tại sao tâm sở tư (cetanā) chỉ gom tập năng lượng với những tâm thiện (kusala citta) và những tâm  bất thiện (akusala citta)? Sớ Giải không trình bày lý do nào cả. Vì các đổng lực (javana) hầu hết là thiện và bất thiện, cho nên, đó là nơi nghiệp (kamma) có thể tích lũy.

Mỗi khi chúng ta thấy một đối tượng, thì lộ tâm diễn ra. Điều này cũng giống như vậy đối với việc nghe, việc ngửi, việc nếm, việc đụng chạm hoặc việc suy nghĩ khi các đối tượng bao vây, tấn công chúng ta thông qua sáu môn. Trong lộ tâm diễn ra, tâm hữu phần (bhavaṅga) không bao giờ làm việc với bất kỳ đối tượng mới nào vì nó đã có đối tượng của riêng mình. Tâm hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana) làm người mở cổng thì không phải là nghiệp (kamma) và cũng không phải là quả của nghiệp. Nhìn xem khách viếng là ai, tâm nhãn thức (cakkhu viññāṇa) là quả của nghiệp (kamma). Tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) cũng là quả của thiện (kusala) và bất thiện (akusala), cũng giống như tâm quan sát (santīraṇa). Tâm đoán định (voṭṭhabbana) thì  không phải là thiện (kusala), không phải là bất thiện (akusala) cũng như không phải là quả của nghiệp (kamma). Sau khi nó diệt đi, thì tâm (citta) gì sanh lên? Đó là đổng lực (javana). Trong lộ trình tâm, đây là giai đoạn rất quan trọng.

Những tâm (citta) đi trước nó, tức là tâm hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana), tâm nhãn thức (cakkhu viññāṇa) và vân vân, sanh lên và diễn ra một cách tự nhiên theo nhân duyên và điều kiện – chúng ta chẳng thể làm gì khác được. Chỉ có những tâm đổng lực này mới trải nghiệm đối tượng. Có tính mạnh mẽ không giống như những tâm khác, tâm đổng lực (javana citta) cũng thực hiện quyết định cuối cùng về đối tượng: tức là nó đẹp hay xấu và vân vân. Nếu nó nhận thấy đối tượng là được khao khát, nó sẽ nói: “Cái này đẹp quá. Tôi muốn nó.”

Giống như tia sét

Với khả năng đạt được năng lực hay động lực, những tâm đổng lực (javana) này không giống như những tâm (citta) khác. Chúng ta có thể so sánh sự dâng trào về năng lượng của chúng với một tia sét. Điểm quan trọng không phải ở chỗ các đổng lực (javana) có nhanh hơn so với những tâm khác không. Nhanh hơn hay chậm hơn – yếu tố này thì giống nhau cho tất cả các tâm  (citta). Theo Ledi Sayadaw, chúng là những tâm (citta) mà có thể đạt được sức đẩy hay động lực liên quan đến đối tượng.

Chúng ta hãy nghĩ xem điều gì xảy ra khi con mắt nhìn thấy đối tượng nó thích. Sự dính mắc hoặc sự khao khát tăng vọt lên. Đây là sức đẩy của những đổng lực tham (lobha javana). Đối với đối tượng không được khao khát, sẽ có sự gia tăng đột ngột về sự bất mãn, tức là sự không hài lòng của các đổng lực sân (dosa javana). Phụ thuộc vào tác ý khéo hay không khéo, những đổng lực thiện hoặc bất thiện sẽ sanh lên.

Ví dụ, khi thấy một bông hoa, một người có thể nghĩ rằng: “Bông hoa đẹp quá! Tôi có thể cài lên tóc. Hoặc chưng trên bàn ăn cũng sẽ rất đẹp.” Loại suy nghĩ này là do sự sanh lên của các đổng lực tham (lobha javana). Đối với một người khác, thì suy nghĩ lại khác. Tức là chẳng hạn như: “Bông hoa đẹp quá! Tôi sẽ dâng cúng nó đến Đức Phật tại bàn thờ.” Suy nghĩ theo cách này là do sự trào dâng của những đổng lực thiện (kusala javana). Những tâm sở tư (cetanā) kết hợp với chúng có thể tạo sinh ra kết quả khi tập hợp đủ năng lượng.

Nhân duyên

Như vậy, với tác ý không khéo (ayoniso manasikara), đổng lực tham (lobha javana) có thể sanh lên  tạo  nên  sự ham  muốn,  hoặc  đổng  lực  sân  (dosa javana) có thể sanh lên tạo nên sự chán ghét. Cũng vậy, vì không biết bản chất thật của đối tượng, ảo tưởng của đổng  lực  si  (moha  javana)  cũng  có  mặt.  Ba  nhân  xấu (tham, sân và si) cũng như ba nhân tốt (vô tham, vô sân và vô si) cung cấp sự hỗ trợ, vì nếu chúng vắng mặt thì năng lượng không thể duy trì được. Điều này muốn nói rằng chúng là các nhân duyên1. Do những nguyên nhân như vậy, nghiệp lực có thể được gầy dựng lên chỉ trong những đổng lực thiện (kusala javana) và những đổng lực bất thiện (akusala javana).

Tuy nhiên, nó không tích lũy trong các đổng lực quả (vipāka javana) và đổng lực duy tác (kiriya javana), mặc dầu vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) cũng được tìm thấy trong những tâm đại quả (mahāvipāka citta) và những tâm đại duy tác (mahākiriya citta). Như vậy, tâm sở tư (cetanā) không thể duy trì nghiệp lực khi nó được kết hợp với những tâm (citta) như vậy.

Các nhân trong tâm quả (vipāka citta) cũng như trong tâm duy tác (kiriya citta) có khác không?

Các nhân vô tham, vô sân và vô si trong các tâm đại quả (mahāvipāka citta) và các tâm duy tác (kiriya citta) thì không giống các nhân trong các đổng lực thiện (kusala javana) và các đổng lực bất thiện (akusala javana). Tại sao như vậy? Đối với tâm đại quả (mahāvipāka citta), đó là vì nó chỉ là kết quả của tâm đại thiện (mahākusala). Cho nên, nó không thể là năng động, bởi vì nó chỉ là một hình ảnh mà thôi. Theo Sớ Giải, tâm đại quả (mahāvipāka) thì lặng im và thụ động. Giống như hình phản chiếu qua kính, nó không thể được làm thay đổi khác đi. Thậm chí tâm sở tư (cetanā) kết hợp với ba nhân thiện của tâm (citta) này cũng không thể tích lũy được nghiệp lực.

Rồi chúng ta hãy xem xét tâm đại thiện (mahākusala citta). Khi nó sanh lên trong chúng ta thì nó là đại thiện (mahākusala). Khi nó sanh lên trong các vị A- la-hán (Arahant) thì nó được xem là tâm đại duy tác (mahākiriya). Tại sao tâm sở tư (cetanā) không thể tích lũy nghiệp lực trong đổng lực đại duy tác (mahākiriya javana)? Sớ Giải so sánh tâm (citta) này với một cây có hoa nhưng đã bị cắt đứt gốc. Nếu như vậy, thì hoa có thể nở thành quả không? Dĩ nhiên là không. (Nếu gốc vẫn còn, thì chúng vẫn có khả năng.) Cũng theo cách này, đối với các vị A-la-hán (Arahant), gốc tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) đã bị cắt đứt. Các đổng lực đại duy tác (mahākiriya javana) giống như những bông hoa của cây mà rễ đã bị cắt rời. Do đó, các tâm sở tư (cetanā) của những tâm (citta) này không thể tập hợp được nghiệp lực.

Đây là những gì tôi nghĩ vì thật ra Sớ Giải không trình bày lý do nào ngoại trừ nói rằng tâm sở tư (cetanā) mà được kết hợp với thiện (kusala) và bất thiện (akusala) thì tích luỹ năng lượng. Chúng ta có gốc thiện và gốc tội lỗi trong dòng tâm thức của chính mình. Không giống với các bậc A-la-hán (Arahant), nghiệp lực tích trữ trong chúng ta thông qua những chuỗi liên tục không ngừng nghỉ của những đổng lực (javana).

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app