Luận Giải Về Nghiệp Phần I: Tử Và Tục Sinh – Chương Nghiệp (kamma) Gieo Hạt Tại Lúc Tử

Luận Giải Về Nghiệp

Phần I: Tử Và Tục Sinh

Chương Nghiệp (Kamma) Gieo Hạt Tại Lúc Tử

Chẳng khác gì quả chứa hạt, rất nhiều nghiệp (kamma) được tích lũy trong chúng ta. Tuy nhiên, nói chung, không phải tất cả các hạt đều có thể phát triển thành cây. Một phần lớn trở thành thực phẩm cho loài người. Súc vật cũng tiêu thụ đi một ít. Thậm chí có nước và đất tốt, nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, các hạt giống này vẫn không thể mọc lên được. Chỉ khi nào các điều kiện thuận lợi và đúng mực kết hợp lại với nhau, chúng mới có thể nảy mầm. Rất nhiều yếu tố cần phải có. Đối với nghiệp (kamma) cũng giống như vậy. Nghiệp (kamma) không thể tự hoạt động một mình để tạo sinh ra đời sống mới. Nghiệp (kamma) mới được tích lũy phải nằm tiềm ẩn trong dòng tâm thức, đợi đến lúc chín muồi theo thời gian giống như quả với hạt vậy. Chỉ khi nào được duyên bởi hai phiền não chính, tham ái (taṇhā) và vô minh (avijjā), thì nghiệp (kamma) mới chín muồi, tức là mới cho quả.

Đức Phật dạy rằng, chính tham ái (taṇhā) là thứ tạo sanh ra sự tái hiện hữu1. Do bởi tham ái hay sự dính mắc, sự sống lại xảy ra: taṇhā ponobbhavikā2. Giống như sức nóng là bản chất của lửa, bản chất của tham ái (taṇhā) là tận hưởng, là thỏa thích và là bị dính mắc. Nó thỏa thích trong ái dục (nandirāga). Bất kỳ nơi nào tham ái (taṇhā) tồn tại hay hiện hữu, nó tận hưởng tại đó. Trong một vài bài kinh (sutta), Đức Phật gọi nó là bhavanetti, tức là thứ dẫn đến sự phục hồi lại đời sống hay sự khôi phục lại đời sống hay sự tiếp tục của sự sống. Tuy nhiên, một mình tham ái (taṇhā) không thể làm được việc đó.

Nó  cần  vô  minh  (avijjā)  che  giấu  đi  bản  chất  thật của  đối  tượng  để  chúng  ta  không  thể  thấy  được  những khuyết tật của nó. Đức Phật đã giải thích rằng vô minh (avijjā) làm chướng ngại1, dẫn đến việc thay vì thấy bản chất  thật  của  đối  tượng,  chúng  ta  lại  thấy  theo  những cách khác. Điều này giống như nhìn một bức hình phong cảnh  chụp  toàn  cảnh  và  nghĩ  rằng  nó  là  thật.  Vô  minh (avijjā) có thể ngụy hình một đối tượng xấu xí thành đẹp, tốt hoặc an lành. Bằng cách che phủ đi khía cạnh xấu xa của  đối  tượng,  thứ  phiền  não (kilesa)  này  ngăn  không cho chúng ta thấy được những hiểm nguy của nó. Và kết quả là chúng ta sẽ thấy cái  xấu là tốt và ngược lại. Tuy nhiên,  vô  minh  (avijjā)  không  che  phủ  toàn  bộ  tất  cả những gì là sự thật. Vì lý do này, Đức Phật đã dạy rằng nó chỉ  che  phủ  một  phần  mà thôi và  làm  cho  việc nhìn  ra được sự thật vô cùng khó khăn2.

Cách thức vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā) hoạt động cùng nhau 

Cặp đôi này hoạt động cùng với nhau như thế nào? Cái nào chỉ đạo hay dẫn đầu? Đôi lúc, đó là tham ái (taṇhā); đôi lúc, đó là vô minh (avijjā). Như các bạn thấy đấy, có lúc chúng ta hành động do vô minh. Có lúc chúng ta hành động do tham ái. Một vài người biết về kết quả tội lỗi, nhưng họ không thể tránh được việc làm cái gì đó vì do tham ái. Một vài người không biết; cho nên họ hành động. Vào lúc đó, thì vô minh (avijjā) chỉ đạo. Chúng ta hãy lấy người nghiện ngập thuốc làm ví dụ. Lần đầu tiên, ông ta không biết về những tác hại của việc dùng thuốc nghiện. Cho nên, ông ta bắt đầu thử. Lúc đó, vô minh (avijjā) dẫn đầu. Sau khi trở thành một kẻ nghiện ngập, ông đã biết về các tác hại của việc sử dụng thuốc nghiện. Nhưng ông ta không thể đè nén được nữa vì sự ham muốn đã trở nên mạnh hơn rất nhiều. Lần này thì tham ái (taṇhā) dẫn đầu.

Rồi khi chúng ta bị mê hoặc bởi vô minh (avijjā) về một đối tượng nào đó, tham ái (taṇhā) sanh lên thể hiện sự ham muốn về nó. Nó hoạt động như là một kiết sử, gắn kết chúng ta vào đối tượng đó. Một vài loại côn trùng cho rằng ngọn lửa là đẹp do bởi màu sắc óng vàng của nó. Cho nên, chúng lao mình vào ngọn lửa. Nếu chúng biết rằng lửa sẽ đốt cháy, thì chúng chắc sẽ không lao mình vào đó làm gì.

Chúng ta cũng ở trong tình huống tương tự như những con côn trùng đó. Chúng ta lao mình vào sự khổ đau. Hầu hết mọi người trong chúng ta làm gì trong đời sống hằng ngày? Do không biết cách phân biệt giữa cái gì nên làm và cái gì không nên làm, chúng ta cho rằng cái nên làm là không nên làm và cái không nên làm là nên làm. Đây là do sự ảnh hưởng của vô minh (avijjā). Bị bao phủ trong vô minh, hầu hết mọi người trong chúng ta không biết bản chất thật của các đối tượng dục trần. Và kết quả là, sự dính mắc, sự bám víu và sự ham muốn xuất hiện. Vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā) trở nên mãnh liệt hơn, hùng mạnh hơn theo thời gian. Và kết quả là, có phải chúng ta sẽ cố gắng hết sức để đạt được thứ mà chúng ta khao khát không? Trong quá trình đó, chúng ta đã thực hiện thành công rất nhiều nghiệp  (kamma) thông qua ý môn, khẩu môn và thân môn. Như vậy, chúng ta tích lũy càng nhiều hơn nghiệp lực trong dòng chảy tâm thức của mình. Nghiệp (kamma) được gầy dựng và tồn trữ đó sẽ tạo sinh ra sự hiện hữu của chúng ta trong tương lai. Hiện tại, nó chờ đợi, nằm tiềm ẩn trong dòng tâm thức. Chỉ vào lúc gần cuối đời sống, nó sẽ trồi lên.

Như Đức Phật đã dạy, vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā) là hai trợ thủ đắc lực của nghiệp (kamma) trong việc tạo  sinh  ra  đời  sống  mới1:  ba  yếu  tố  này  là  những nguyên nhân chính hay những điều kiện chính cho sự tái sanh.

Nghiệp (kamma) là đất trồng trọt

Mọi người thực hiện cả việc tốt lẫn việc xấu. Đối với người thực hành phước thiện, do năng lực của nghiệp thiện (kusala kamma), một ấn tướng tốt sẽ xuất hiện lúc cận tử. Đối với những người đã thực hiện những việc bất thiện (akusala), năng lực của nghiệp (kamma) bất thiện sẽ tạo sinh ra một ấn tướng xấu.

Vô minh che giấu bản chất của đối tượng để cho sự dính  mắc  hoặc  sự  thù  ghét  sanh  lên  trong  người  trên giường bệnh. Nếu nó là sự dính mắc, tham ái (taṇhā) sẽ cột chặt tâm trí vào đối tượng đó. Ví dụ, người đó có thể nhìn thấy một ngạ quỷ là một thiên nhân xinh đẹp. Rồi sự  ham  muốn  sanh  lên.  Hoặc người  đó  có  thể mơ thấy lửa,  nhưng  lại  nghĩ  nó  là  vàng.  Người  đó  muốn  sở  hữu nó. Tâm thức lúc tử nắm bắt lấy nó làm đối tượng cuối cùng.2  Khi lộ tâm tử kết thúc, do nghiệp lực, tâm tục sinh sanh lên ngay lập tức để bắt đầu đời sống mới.

Đức Phật đã sử dụng những ẩn dụ để giải thích tiến trình  này:  nghiệp  (kamma)  là  đất  (kammaṃ  khettaṃ)1, tâm  thức  là  hạt  giống  (viññāṇaṃ  bījaṃ)  và  tham  ái (taṇhā) là độ ẩm (taṇhā sneho). Tuy nhiên, trong những bài  kinh  khác,  Ngài  luôn  luôn  xem  nghiệp  (kamma) giống với hạt giống. Tôi đã suy ngẫm nhiều lần về điểm này, cố gắng tìm hiểu xem tại sao Đức Phật lại so sánh nghiệp  (kamma)  với  đất  trồng  trọt,  tức  là  xem nghiệp (kamma) như là đất trồng trọt. Tôi hiểu về điều này như sau: lúc cận tử, đối tượng cuối cùng do nghiệp (kamma) tạo ra chiếm giữ hay chế ngự dòng tâm thức của chúng ta cho đến khi tâm tử sanh lên. Sau đó,  tâm tục sinh xuất hiện và bắt đối tượng cuối cùng này làm cảnh. Tại lúc bấy giờ, không có gì khác cho tâm (citta) này phụ thuộc vào cả ngoại trừ nghiệp lực. Không có đất gieo trồng nào khác để  cho  hạt  giống  tâm  thức  (viññāṇa) này nảy  mầm  cả. Chỉ  có  nghiệp  (kamma)  đã  tạo  ra  đối  tượng  cuối  cùng này. Cho nên, việc này giống như đất gieo trồng được làm ướt bởi hơi ẩm của tham ái, nơi mà hạt giống tâm thức (viññāṇa) có thể nảy mầm. Đây là cách đời sống (như là cây) mọc lên từ trong nghiệp  (như là  đất),  với vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā) cung cấp sự hỗ trợ.

Làm thế nào để vùng vẫy thoát khỏi đối tượng này được? Vào lúc bấy giờ – khi mà chúng ta đang nằm hôn mê, tức là lúc mà tâm trí của chúng ta bị đối tượng này chiếm giữ – nghiệp (kamma) thực hiện việc gieo trồng hạt giống của nó. Cho nên, đây là cách chúng ta chết đi từ kiếp sống hiện tại và tái sanh vào kiếp sống kế tiếp.

Sự dính mắc vào lúc khởi đầu của đời sống

Bất kỳ sanh thú đó là gì, chúng sanh mới vừa tái sanh vào đều yêu thích nó. Đó là vì những đổng lực đầu tiên đi theo sau tâm tục sinh là những tâm có nhân tham, dính  mắc vào  đời  sống  mới. Như vậy,  mỗi  chúng  sanh bắt đầu đời sống mới với tâm có nhân tham (lobha-mūla citta). Vì chưa có các cơ quan giác quan (và do đó, chưa có đối  tượng  dục  trần  mới),  những  đổng  lực  tham  đầu tiên này phụ thuộc vào đối tượng của tâm tục sinh. Thậm chí  đối  với  sự  tục  sinh  vào  địa  ngục:  trước  hết,  chúng sanh đó thấy lửa địa ngục như vàng do bởi màu vàng rực sáng của nó và do đó bị cuốn hút vào nó. Như vậy, thậm chí tái sanh vào  địa ngục cũng có tham. Chúng ta cũng giống như vậy thôi. Đôi lúc, chúng ta thấy và rồi bị cuốn hút vào một cái gì đó mà chúng ta cho là xinh đẹp. Sau này, mới vỡ lẽ ra nó là một cái gì đó cực kỳ nguy hiểm, đáng chết.

Đó là bản chất của sự hiện hữu: thích thú và dính mắc vào đời sống mới, mới vừa hiện ra. Thậm chí những con ong cũng có sự yêu thích đời sống mới (bhava nikanti). Giống như những con thiêu thân và những con côn trùng bị cuốn hút vào lửa do bởi màu sắc vàng rực của nó – chúng vô cùng hạnh phúc bay vào gần và rồi phải khổ đau vì việc đó. Cho nên, tất cả mọi chúng sinh đều dính mắc và bám chặt vào đời sống – kiến, chó và mèo – tất cả đều hân hoan trong đời sống của chúng. Nếu mèo và chó có thể nói, và rồi nếu các bạn hỏi chúng rằng chúng có thích đời sống của chúng không, chúng đều sẽ trả lời “Dĩ nhiên”.

Có một câu chuyện trong Túc Sanh Truyện (Jātaka) về một vị vua mà hoàng hậu trẻ của ông vừa mới qua đời. Quá thương yêu hoàng hậu, vị vua vô cùng đau lòng với sự mất mát và đã ra lệnh cho ướp xác của bà trong dầu. Rồi ông luôn than khóc bên cạnh xác của bà. Trong khi đó, vị hoàng hậu đã tái sanh làm một con bọ sống trong phân cùng với người bạn tình. Tuy nhiên, con bọ bây giờ yêu thích đời sống mới hơn, và yêu mến người bạn tình mới hơn là vị vua trong kiếp sống trước.

Như vậy, do bởi sự dính mắc, tất cả chúng sanh đều hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào họ sanh vào.

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app