Nội Dung Chính
Luận Giải Về Nghiệp Phần II
Đời Sống Bình Nhật
Giới Thiệu
Chúng ta thực hiện đủ loại nghiệp thông qua ba môn ngày này qua ngày khác không ngừng. Cho nên, như một cội cây cho quả không ngừng nghỉ, chúng ta đang tích trữ một lượng nghiệp (kamma) rất lớn. Thêm vào đó, lại còn một lượng tồn trữ vô cùng lớn từ vô vàn những kiếp sống trong quá khứ của chúng ta. Theo Đức Phật, điều này được gắn liền với tâm sở tư (cetanā) – cách thức nhiều nghiệp (kamma) được thu thập và được tích trữ như thế nào thông qua sự kích thích của nó. Chúng không thể biến mất. Những hành động này, tức là những hành động mà chúng ta thực hiện lúc này hoặc lúc khác, sẽ quay lại với chúng ta với tư cách là kết quả trong tiến trình nhân quả. Đây là quy luật hành động và phản ứng: nếu cái này tồn tại, thì cái kia sẽ tồn tại1.
Gặt hái cái được gieo
Do đó, tùy thuộc vào hành động được thực hiện, kết quả tương ứng với nó sẽ sanh lên. Hơn nữa, một loại nghiệp (kamma) nhất định nào đó sẽ chỉ cho quả liên quan với nó. Nói một cách khác, sau khi đã thực hiện một hành động, các bạn sẽ chỉ nhận quả của nó cùng loại cùng chất lượng trong kiếp sống này hoặc trong một kiếp sống khác. Ví dụ sau có liên quan đến Đức Phật khi Ngài đã cư trú tại Rājagaha một lần nọ.
Hoa dâng cúng đến Đức Phật Độc Giác (Pacceka Buddha)
Trong suốt thời gian đó, Ngài được đức vua của Vesālī thỉnh mời đến Vesālī để giúp giải quyết những vấn đề mang tính quốc gia. Đối với cuộc hành trình đi đến biên giới từ Rājagaha, vua Bimbisāra đã cho trang hoàng toàn bộ đoạn đường. Về bên phần của Vesālī, vị vua bên đó cũng cho trang hoàng những đường phố. (Điều này đã xảy ra mặc dầu hai vương quốc đang có những chủ trương chính trị khác biệt và đều cho quân đội canh gác đường biên giới một cách cẩn thận. Các bạn không thể vượt qua biên giới đó một cách dễ dàng giống như đi từ Đức sang Hà Lan đâu.)
Những buổi lễ vô cùng long trọng đã được tổ chức trong suốt cuộc hành trình đó. Đức Phật đã giải thích rằng, trong một kiếp quá khứ, Ngài đã cung kính và cúng dường hoa đến một vị Phật Độc Giác (Pacceka Buddha), rải hoa đầy khắp khu vực xung quanh ngôi mộ. Cho nên, bây giờ hoa cũng đã được rải đầy dọc đường để dâng cúng Ngài. Đây là do nghiệp thiện (kusala kamma) của Ngài trong quá khứ bây giờ cho quả.
Đây là quy luật của nghiệp (kamma niyama), tức là một đặc tính của tự nhiên: tốt cho ra tốt, và xấu cho ra xấu. Không bao giờ có trường hợp nghiệp (kamma) thiện lại cho quả xấu và ngược lại. Quy luật tự nhiên không bao giờ sai.
Sự chi trả được đảm bảo chắc chắn
Mặc dầu nó được gọi một cách đơn giản là nghiệp (kamma), nhưng không có hai nghiệp (kamma) nào lại giống nhau hoặc có cùng mức độ năng lượng. Cho nên, năng lực và phẩm chất của từng nghiệp (kamma) một là không giống nhau thông qua sự khác nhau về trạng thái, về chức năng, về thời điểm chín muồi cho quả, cũng như về tuổi thọ của chúng. Kết quả của chúng cũng khác nhau.
Do đó, một nghiệp (kamma) nào trong số những nghiệp (kamma) được tồn trữ này đang ở trong tư thế sẵn sàng tạo sinh ra quả của nó. Do đã tích trữ đầy đủ năng lượng, nó sẽ cho quả của mình. Trải nghiệm quả của nó là chuyện không thể tránh được. Chúng ta không thể loại trừ nó với ý muốn rằng để cho nó không thể cho quả. Khi nào vẫn còn sự sống trong thân xác, thì nó sẽ tiếp tục cho quả. Thật vậy, Đức Phật đã dạy rằng, bất kỳ hành động (kamma) nào đặt trên nền tảng của tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) cũng có thể cho quả của nó, thậm chí trong kiếp sống này, hoặc kiếp sống kế tiếp, hoặc cho đến khi nào vòng luân hồi (saṃsāra) còn tiếp diễn1. Chúng ta hãy lấy trường hợp của người đồ tể làm ví dụ, ông đã hành nghề giết bò và bán thịt bò trên 50 năm.
Sự đáp trả của nghiệp (kamma)
Một ngày nọ, sau khi xong công việc của ngày, ông quay về nhà và nói với vợ rằng thịt đã được bán hết sạch, chỉ còn một miếng mà ông thích. Phần đó ông đã để dành cho riêng mình. Sau khi dặn dò người vợ dùng miếng thịt đó nấu thức ăn cho mình, ông đã đi ra ngoài đến ven sông để tắm rửa.
Trong lúc ông vắng mặt, một người bạn thân của ông đã ghé nhà và hỏi người vợ: “Chị có còn miếng thịt nào không?”
Người vợ trả lời: “Dạ, đã bán hết rồi ạ. Chỉ còn lại một miếng ông xã của em để dành cho riêng ổng thôi ạ.”
Người bạn nói: “Làm ơn cho tôi xin miếng thịt đó đi. Tôi rất cần thịt để nấu thức ăn mời một người khách mới đến thăm nhà.” Sau khi nói xong, ông giựt lấy miếng thịt và đi khỏi.
Lúc người đồ tể quay về nhà, người vợ đã dọn sẵn bàn ăn cho ông.
Ông nhìn thức ăn và hỏi: “Thịt bò đâu?”
Người vợ trả lời: “Ồ, bạn của ông ghé sang. Ổng nói ổng có khách đến nhà và cần thịt bò để mời khách. Mặc dầu tôi đã nói với ổng rằng miếng thịt đó là để dành cho ông, không thể nhường cho ổng được, nhưng ổng không nghe và đã lấy nó đi mất rồi.”
Người đồ tể đã nói cái gì sau đó?
“Tôi không thể ăn được nếu không có thịt.” Sau khi nói xong, ông đã cầm dao và đi ra sau nhà, nơi giữ những con bò. Nắm đại lấy một con, ông banh miệng nó ra và cắt đứt lưỡi của nó. Quay lại vào nhà, ông bảo vợ mình hãy làm thức ăn với cái lưỡi bò đó.
Các bạn cứ hãy hình dung là hành động đó tàn bạo đến mức nào; con bò sẽ la rống lên vì đau đớn. Nó có thể là chết đi vì đau đớn.
Khi món ăn được làm xong, người đồ tể gắp một miếng cho vào miệng. Ngay lập tức, lưỡi của ông ta bị rớt ra khỏi miệng của mình. Đối với người đàn ông này, người mà đã làm nghề giết bò hơn 50 năm nay, ngày này hóa ra là ngày quả khổ xảy ra cho ông. La rống trong cơn đau đớn như con bò, ông cũng đối diện với cái chết tức thì. Đây là sự đáp trả của nghiệp (kamma) đúng với cách thức mà hành động tàn bạo đó được thực hiện.
Bây giờ ông phải đối diện với kết quả của việc mà ông đã thực hiện trong từng đó năm.
Nghiệp (kamma) là tài sản của chính chúng ta
Đức Phật cũng dạy chúng ta rằng chúng ta tồn tại hay hiện hữu trong kiếp sống này bây giờ là do nghiệp (kamma), nguyên nhân tạo sinh ra chúng ta. Nó quyết định việc chúng ta đẹp hay xấu, có mắt sáng hay bị khiếm thị. Thông qua nghiệp (kamma), chúng ta là độc nhất: khác với mọi người về tuổi thọ, nhan sắc, trí thông minh, tình trạng sức khỏe, tình trạng cuộc sống và vân vân, thậm chí là ngay trong gia đình. Theo Sớ Giải, những sự khác nhau trong xã hội đơn giản chứng minh những gì Đức Phật dạy về nghiệp (kamma) là đúng, tức là, kammassakatā sammādiṭṭhi. Điều này có ý muốn nói rằng nghiệp (kamma) chúng ta thực hiện chính là tài sản của chúng ta. Cho dầu nghiệp (kamma) đó là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala), chúng ta phải nhận quả của nó. Đó là tài sản duy nhất mà chúng ta có thể thừa hưởng. Cho nên, người thực hiện nó nên lưu tâm và chú ý đến nó, chứ không phải ai khác cả.
Nghiên cứu về vấn đề này là điều cần thiết
Đối với vấn đề về nghiệp (kamma), Đức Phật dạy rất nhiều không chỉ trong các bài kinh (sutta) mà còn trong cả Thắng Pháp (Abhidhamma) nữa. Những gì tôi đang trình bày hiện tại đây chỉ là một phần cốt lõi nhỏ mà thôi – chỉ để giúp cho các bạn có được một chút hiểu biết nào đó về vấn đề này. Chúng ta dĩ nhiên có thể bàn về nó một cách chi tiết và sâu rộng.
Vì nghiệp (kamma) xảy ra trong thân-tâm của chúng ta, cho nên, chúng ta nên nghiên cứu và tìm hiểu cách nó sanh khởi lên trong danh-sắc (nāma-rūpa) như thế nào, nó được tích trữ ở đâu, cách nó chín muồi và cho quả trong suốt đời sống của chúng ta cũng như trong vòng luân hồi (saṃsāra) như thế nào.
Bằng cách nghiên cứu và hiểu những giáo lý của Đức Phật về vấn đề này, chúng ta có thể cố gắng tạo chấm dứt nghiệp (kamma). Điều này trước hết là bằng việc ngăn tránh thực hiện nghiệp bất thiện (akusala kamma) và bằng cách thực hiện chỉ nghiệp thiện (kusala kamma) mà thôi. Đối với những nghiệp bất thiện đã được thực hiện, thay vì hối hận và ăn năn, chúng ta nên tìm cách tránh để không tái phạm nữa. Chúng ta làm việc này bằng cách thực hiện hay tạo ra nhiều nghiệp tốt. Hơn nữa, bằng cách cố gắng đoạn diệt những phiền não của mình, cuối cùng chúng ta sẽ có thể giải thoát chính mình khỏi nghiệp (kamma). Tức là chúng ta đạt được chính sự tận diệt của nghiệp (kammakkhaya).