Luận Giải Về Nghiệp Phần Ii: Đời Sống Bình Nhật – Chương Nghiệp (kamma) Là Hành Động Do Bởi Sự Thúc Đẩy

Luận Giải Về Nghiệp Phần II

Đời Sống Bình Nhật

Chương Nghiệp (Kamma) Là Hành Động Do Bởi Sự Thúc Đẩy

Nói Dối Được Thành Tựu Như Thế Nào

Khẩu  và  thân  là  nguyên  nhân  của  ngữ  nghiệp  và thân nghiệp một cách tương ứng. Hai bộ phận này được xem là hai môn để nghiệp (kamma) xuất hiện. Như vậy, nghiệp  (kamma)  sanh  lên  từ  thân  biểu  tri  và  ngữ  biểu tri. Khi chúng ta thể hiện một hành động thuộc về thân xác  hoặc  khi  chúng  ta  nói  một  cách  có  chủ  ý,  thì  đó  là thân nghiệp (kāya kamma) và ngữ nghiệp (vacī kamma).

Mặc dầu khẩu hay cái miệng được bao gồm trong thân, nhưng nó lại đặc biệt. Thậm chí có thể được thực hiện thông qua các cử chỉ bằng thân, nhưng việc nói dối chủ yếu được thực hiện bằng khẩu. Vì nói dối hầu hết là bằng ngôn từ, cho nên, nó được tính riêng là một phương tiện bên ngoài thân xác.

Mặc dầu có bốn loại ngữ nghiệp bất thiện, nhưng chúng ta sẽ chỉ bàn luận về việc nói những điều không thật.

Một nghiệp (kamma) hoàn chỉnh

Thông qua động lực mà chúng ta nói dối. Giả sử rằng sự ham muốn sanh lên trong chúng ta và chúng ta nói dối. Như vậy, nói dối (musāvādā) là một ngữ nghiệp

do bởi động lực. Cho nên, có hai hiện tượng ở đây: thứ nhất là động lực hay sự chủ ý (cetanā), và theo sau là một ngữ nghiệp. Như Đức Phật đã thuyết giảng, chính sự chủ ý đó là ngữ nghiệp (vacī kamma). Lý do nó là như vậy là vì do sự chủ ý, hành động nói dối đó xảy ra.

Cho nên, theo Phật giáo, ở đây muốn chỉ cho nguyên nhân, chứ không phải kết quả. Chúng ta cần phải nhìn thấy nó theo cách này: sự chủ ý hay động lực là nguyên nhân; việc nói dối là kết quả. Nếu không có chủ ý hay động lực, thì việc nói dối sẽ không xảy ra.

Do đó, ngữ nghiệp (vacī kamma) chỉ cho nguyên nhân. Nếu sự chủ ý muốn nói dối thì có, nhưng việc nói dối thì không xảy ra : trường này thì như thế nào? Trong trường hợp này, nó không phải là ngữ nghiệp (vacī kamma). Các bạn có thể có động lực muốn nói một điều gì đó không phải là sự thật, nhưng các bạn lại không thực hiện việc đó. Với chỉ động lực nhưng lời nói không được thực hiện, thì đó không thể được gọi là ngữ nghiệp (vacī kamma). Không có hành động nói dối hoàn chỉnh.

Chỉ trong trường hợp sự chủ ý đưa đến việc nói lời không thật – đây mới là ngữ nghiệp (vacī kamma). Như vậy, cái chủ ý mà dẫn đến lời nói dối thì được gọi là ngữ nghiệp   (vacī   kamma).   Trong   kinh   điển,   loại   nghiệp (kamma)  này  được  gọi  là  kamma-patha1,  tức  là  nghiệp (kamma)  được  phát  triển  một  cách  hoàn  toàn  hay  một cách trọn vẹn.

Hai bước trong việc nói dối

Ngay tại thời điểm của động lực hay sự thúc đẩy, nó có thể được gọi là nghiệp (kamma). Nhưng vì nó còn phải tạo ra lời nói dối nữa, cho nên, nó chưa phải là kamma-patha, tức là chưa phải là nghiệp hoàn chỉnh. Cho nên, động lực là ở một thời điểm. Nói lên lời nói dối là ở một thời điểm khác. Chúng ta có thể có động lực (mà có thể được gọi là nghiệp (kamma)). Nhưng nếu sự dối trá không được thực hiện, thì nó không thể được gọi là kamma-patha, tức là chưa phải là nghiệp hoàn chỉnh.

Hầu hết mọi người không phân biệt được nghiệp (kamma) và nghiệp được phát triển một cách đầy đủ; chỉ có những ai có nghiên cứu học hỏi kinh điển, chẳng hạn như Thắng Pháp (Abhidhamma) mới phân biệt rõ được hai loại này. Khi động lực dẫn đến việc nói lên lời nói dối, thì điều đó có nghĩa là nghiệp (kamma) đang diễn tiến thành việc nói dối (musāvādā).

Cần ba bước để không nói dối

Hành động đối ngược là kiêng tránh việc nói dối (musāvādā). Trong trường hợp này, nó là thiện (kusala). Tương tự, động lực sanh lên trước – không nói dối. Kiêng tránh việc nói dối: ngay sự vắng mặt của hành động đó đã là kamma-patha, tức là nghiệp hoàn chỉnh. Kiêng tránh việc nói dối là một ngữ nghiệp và là thiện nghiệp (kusala kamma). Nhưng không có hành động nào liên quan cả, mà chỉ là việc giữ lại lời nói không thật, tức là không nói ra. Vì nó liên quan đến khẩu, cho nên, nó được gọi là ngữ nghiệp (vacī kamma). Đây là vì việc giữ im lặng là hành động không dùng đến khẩu.

Rồi giai đoạn thứ ba là nói sự thật, một thiện  nghiệp (kamma). Trước hết, động lực không nói dối là ở một thời điểm. Sự kiêng tránh việc nói điều không thật là ở một thời điểm khác. Rồi nói sự thật là nghiệp thiện (kusala kamma) được phát triển.

Như vậy, động lực hay sự chủ ý là chìa khóa vì nó dẫn đến không chỉ việc nói dối mà là tất cả các dạng thiếu hạnh kiểm khác. Ví dụ, khi sân sanh lên, sẽ có lời nói chửi rủa, sĩ nhục. Sau đó, người ta sẽ muốn thực hiện hành động có tính thân xác: đánh đập hoặc giết hại.

Trong Việc Gây Ra Án Mạng: Ai Là Người Có Tội?

Trong chuyến viếng thăm Mã-lai vào năm 1991, một tín nữ có kể cho tôi nghe rằng bà đã cảm thấy rất ân hận về việc mẹ của bà chết trong bệnh viện vì do lỗi của bà. Mẹ của bà lúc đó muốn uống nước. Cho nên, bà đã rót nước vào  ly  và  đưa  cho  bà cụ.  Bà  cụ  đã  bị  sặc  do  uống nước trong ly và đã chết vì không thở được. Cho nên, bà đã cảm thấy có trách nhiệm gây ra cái chết cho bà cụ.

Và tôi đã hỏi chủ ý của bà lúc đó là như thế nào. Bà không muốn mẹ của bà chết: tâm của bà là trong sạch.

Sự chủ ý là quan trọng hơn là hành động. Nếu không có động cơ sát hại, thì không có tội. Đức Phật đã trình bày một sự tương tự như sau: nếu tay của các bạn không có vết thương, thì thậm chí nếu các bạn có đụng vào chất độc, nó cũng sẽ không bị nhiễm độc. Ý nghĩa ở đây là nếu tâm trong sạch, thì mặc dầu một người có làm cho người khác chết đi, người đó vẫn không bị khiển trách.

Trở lại với sự tình của cô tín nữ trên, mẹ của bà đã chết. Nhưng bà không có ước muốn gây ra chuyện đó. Cho nên, bà không có trách nhiệm ở đây. Trong một hành động không có chủ ý khi không có động lực sát hại, thì không có nghiệp (kamma).

Sát sanh là một hành động nghiệp tròn đủ

Chủ ý muốn sát hại là thời điểm trước nhất. Sau đó, hành động sát hại được thực hiện bằng thân xác trở thành kamma-patha, tức là nghiệp được phát triển tròn đủ. Tuy nhiên, để cho nghiệp tích lũy trong người thực hiện việc sát hại, năm yếu tố sau phải được thỏa mãn đầy đủ. Thứ nhất, phải có chúng sanh có thức tánh. Thứ hai, người đó phải biết chúng sanh đó còn sống. Thứ ba, phải có động lực hay chủ ý sát hại. Thứ tư, phải có hành động sát hại. Thứ năm, cái chết phải xảy ra.

Nếu năm điều kiện này được hoàn thành, thì nghiệp (kamma) sẽ tích lũy trong người chịu trách nhiệm. Nhưng nếu nạn nhân không chết, thì đó không phải là nghiệp trọn vẹn. Đối với hành động không có chủ ý gây ra cái chết, thì đó không phải là nghiệp (kamma). Để kiểm tra hành động có phải là nghiệp không, năm điểm này phải được xem xét từng điều một. Ví dụ, có một người ở trong rừng. Ông ta nhìn nhầm một thân cây là một con người và cố gắng giết chết nó. Sân hận có thể sanh lên trong ông ta. Tuy nhiên, đó không phải hành động của nghiệp sát sanh (pāṇātipātā kamma), đơn giản là vì yếu tố thứ nhất không có mặt ở đó.

Đối với chi phần thứ hai: mặc dầu chúng sanh đó còn sống, nhưng người đó lại nghĩ rằng đó không phải là chúng sanh có thức tánh. Cho nên, mặc dầu ông ta cố gắng tiêu diệt đối tượng đó, đó cũng không phải là hành động sát sanh. Cho nên, để cho việc sát sanh (pāṇātipātā) xảy ra, năm yếu tố trên phải có mặt.

Ra lệnh sát sanh hoặc thi hành lệnh sát sanh

Nếu năm chi phần đều có mặt, thì người ra lệnh hoặc xúi giục việc sát sanh sẽ tạo nghiệp. Người đứng đầu chính quyền ra lệnh cho quân đội đi đánh trận và sát hại có thể là vô tội tính theo luật thế gian. Nhưng theo quy luật tự nhiên, ông ta không thể vô tội được. Trong trường hợp của việc làm cho chết một cách không đau đớn (mercy killing), bệnh nhân yêu cầu được tiêm một liều thuốc độc vì không muốn phải chịu đau đớn nữa. Nếu bác sĩ đồng ý trợ giúp, thì ông ta cũng có trách nhiệm như bệnh nhân. Còn nếu bác sĩ cho thuốc bệnh nhân với ý muốn cứu sống ông ta, nhưng lại gây ra cái chết thì sao? Trong trường hợp này, vị bác sĩ không có tội.

Rồi còn trường hợp những người thi hành lệnh sát sanh thì sao? Chúng ta hãy xem trường hợp của người đao phủ của một vị vua trong thời của Đức Phật.

Tambadāṭhika, người đao phủ

Trong suốt 50 năm, ông đã giết tất cả những tội nhân mà nhà vua phán cho tội tử hình. Bây giờ vào lúc tuổi già, ông tình cờ gặp được ngài Sāriputta. Hình ảnh vị tỳ-khưu đã mang lại cho Tambadāṭhika rất nhiều niềm tịnh tín (saddhā); cho nên, ông đã dâng cúng đến ngài phần cơm sữa mà ông chuẩn bị ăn. Sau đó, ngài Sāriputta đã thuyết giảng Pháp đến cho ông.

Lúc bấy giờ điều gì đang xảy ra trong tâm trí của Tambadāṭhika? Những người giết chết nhiều người như ông thường thì không thể theo dõi bài Pháp được. Cho nên, tâm trí của ông bất an và nặng nề với suy nghĩ: “Ta đã trải qua phần đời với công việc tội lỗi.”

Ngài Sāriputta đã suy ngẫm về tình huống đó, ngừng bài giảng Pháp lại và hỏi: “Này thiện nam (dāyaka), ngươi đang suy nghĩ về điều gì mà làm cho ngươi có vẻ lo lắng như vậy?”

“Bạch ngài, trong nhiều năm, tôi đã xử tử nhiều người. Nghe Pháp bây giờ chẳng có lợi ích gì cho tôi đâu ạ.”

Ngài Sāriputta liền hỏi: “Những người đó bị xử tử có phải là do ông muốn như vậy không?”

“Dạ không, tôi chỉ thực hành theo lệnh của nhà vua thôi ạ.”

“Trong trường hợp đó, nếu ông thừa lệnh của người khác, thì ông có chịu trách nhiệm không?”

Nghe như vậy, Tambadāṭhika cảm thấy dường như vừa trút được một gánh nặng. Với cảm giác nhẹ nhàng, ông nghĩ: “Đúng rồi. Ta xử tử những người đó vì ta bị nhà vua ra lệnh, chứ đâu phải ta muốn đâu.”

Ông cho rằng hay đoán chừng rằng sẽ không có tội khi sát sanh theo lệnh của người khác. Thật ra, thậm chí là theo lệnh của người khác, hành động sát sanh là đáng bị chỉ trích. Dầu các bạn sát hại do tự mình ước muốn hoặc do người khác đề nghị hay xúi giục, nó đều giống nhau.

Vào  lúc  đó,  ngài  Sāriputta  tiếp  tục  bài  giảng  của mình. Xin lưu ý rằng, ngài đã không nói rằng việc ông đã làm  là  không  có  tội.  Tuy  nhiên,  bằng  cách  đặt  câu  hỏi như vậy, sự phỏng đoán là vô tội sanh lên trong tâm của Tambadāṭhika, làm cho ông lắng dịu xuống. Bây giờ, với một tâm trí an bình, ông đã có thể theo dõi và nắm bắt được Pháp bảo, nhiều đến mức ông đã đạt đến minh sát chánh kiến (vipassanā sammā diṭṭhi), tức là đế thuận thứ chánh kiến (saccānulomika sammā diṭṭhi)1.

Người ăn mặn có phạm tội sát sanh (pānāṭipātā) không?

Nếu một người ăn cá thịt, thì đó có được xem là sát sanh (pānāṭipātā) không? Trong đạo Giai-na, người ăn mặn được cho là cũng có trách nhiệm. Điều này muốn nói rằng người sát hại và người tiêu thụ (ăn mặn) phải chia đều tội với nhau. Các bạn nghĩ sao?

Nếu các bạn nghĩ rằng những ai không ăn chay là có tội sát sanh, thì chúng ta cũng cần phải xem lại trường hợp của những người chế tạo vũ khí. Những vũ khí họ chế tạo ra làm cho người khác có thể phạm tội giết hại. Trong khi đó, ngày nay, chỉ có những kẻ giết người mới

đối diện với tội tử hình, còn những người chế tạo vũ khí thì lại không. Họ cũng có trách nhiệm như những người giết hại mà phải không? Luật pháp không quy đổ trách nhiệm cho họ, không giống như những người sử dụng những sản phẩm của họ chế tạo ra để giết người. Trong trường hợp đó, thì tại sao những người không ăn chay lại bị quy đổ trách nhiệm về những cái chết của những con cá và những con thú mà họ tiêu thụ?

Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét xem tâm trí là thiện hay bất thiện. Nếu những người chỉ dùng cá (chết) và thịt làm thực phẩm, thì họ không nên bị quy đỗ trách nhiệm. Trong trường hợp của những người săn bắt thú vật để giết lấy thịt, thì họ có trách nhiệm rõ ràng. Một người muốn giết một sinh vật để ăn có tâm ý ô nhiễm, không trong sạch. Nếu người đó giết sinh vật đó, thì ông ta phạm vào tội sát sanh (pāṇātipātā).

Điều này cũng áp dụng cho, hay cũng đúng đối với những người lấy săn bắn làm thú vui, làm tiêu khiển. Khi tôi còn trẻ, tôi có nghe kể lại rằng các sĩ quan Anh quốc đã từng bắn chim để tiêu khiển, chứ không phải để ăn thịt. Điều này cũng chẳng khác gì đối với những người ăn chay: họ không ăn thịt nhưng giày dép, túi xách hoặc áo khoác của họ thì được làm bằng da hoặc lông.

Như vậy, làm sao chúng ta có thể tránh được việc phạm tội? Trong Phật Pháp (Buddha-Dhamma), chỉ có sự cố ý sát hại mới là quan trọng, mới là đáng lưu ý. Ngoài chuyện đó ra thì không ai có thể tránh được việc phải chịu phần trách nhiệm cả. Các bạn biết là, khi chúng ta đi tới đi lui, chúng ta cũng giết chết rất nhiều côn trùng. Chỉ là vì chúng ta không thấy và không biết mà thôi. Mặc dầu chúng ta không có chủ tâm (sát hại), nhưng cái chết đang xảy ra vào lúc đó. Sự chủ ý – và lòng sân hận muốn giết – thì quan trọng hơn.

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app