Nội Dung Chính
Luận Giải Về Nghiệp
Phần I: Tử Và Tục Sinh
Chương U Ba Và Maung Hla: Cùng Là Một Người Hay Là Hai Người Khác Nhau?
Chúng ta hãy xem trường hợp của U Ba, người mà vào lúc chết đi đã tái sanh làm Maung Hla. Đứa bé này đã có thể nhớ lại kiếp sống quá khứ: “Tôi đã trở lại. Tôi nhớ rằng tôi đã là một người đàn ông có tên là U Ba trong kiếp sống đó.”
Việc tục sinh xảy ra như thế nào tại lúc tử của U Ba
Cụ ông này trở nên đau ốm lúc gần tử. Cái gì là những yếu tố chính quyết định cái chết ông sẽ trải qua lúc đang nằm trong cơn hôn mê? Đó là vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā) và nghiệp (kamma). Một trong số những nghiệp quá khứ của ông ta đã hiện ra làm đối tượng nổi trội trong tâm của ông ngay trước khi ông gần qua đời. Đối tượng này thống trị, chiếm lĩnh tâm trí của ông thậm chí vào lúc ông đang nằm bất tỉnh. Vô minh (avijjā) lúc đó che giấu đi bản chất của đối tượng cuối cùng này. Do bởi sự ảnh hưởng của tham ái (taṇhā), U Ba hân hoan với đối tượng đó và tâm trí của ông hướng về nó. Rồi tâm tử (cuti citta) sanh lên sau khi hướng tâm về đối tượng đó kết thúc. Sắc pháp do nghiệp tạo dừng lại vì nghiệp (kamma) tạo sinh ra kiếp sống này đã ngưng cho quả.
Tại giây phút này, do lực đẩy của nghiệp, tức là của hành (saṅkhāra), và các pháp hỗ trợ, tâm tục sinh xuất hiện trong một kiếp sống khác. Tâm (citta) này cũng bắt hành động quá khứ của U Ba làm đối tượng. (Các bạn nên ghi nhớ rằng tâm thức không thể sanh lên mà không có đối tượng.) Bằng cách này, khi đời sống kết thúc đối với U Ba, đối tượng cuối cùng mà ông bắt được trong lúc hôn mê đã xuất hiện lại trong đời sống mới – tức là đời sống của Maung Hla. Đây là cách sự liên hệ hay sự kết nối tồn tại giữa hai người này. Đối tượng cuối cùng được bắt trong kiếp sống của U Ba cùng với nghiệp (kamma) mới – hai yếu tố này kết hợp tạo nên sự tục sinh (paṭisandhi) của Maung Hla.
Khi tâm tử (cuti citta) của U Ba diệt đi, tâm tục sinh của Maung Hla bắt đầu. Nếu tâm tử của U Ba không diệt đi thì tâm tục sinh (paṭisandhi) của Maung Hla không thể xuất hiện. Sự diệt đi của tâm tử là điều kiện hay làm duyên cho sự sinh khởi của tâm tục sinh. Trong Duyên Hệ (Paṭṭhāna), cái này được gọi là năng lực vô gián duyên (anantarasatti): chỉ sau khi một tâm diệt đi thì tâm tiếp theo mới xuất hiện được1.
Tuy nhiên, trước khi cái chết của U Ba xảy ra, Maung Hla chưa có tồn tại. Cho nên, sự tồn tại của Maung Hla và U Ba có thể được xem là một trực tuyến. Tức là chỉ có một đường duy nhất theo ý nghĩa của tiến trình tâm thức.
Tâm tử có thể trở thành tâm tục sinh không?
Tâm tử (cuti citta) của U Ba có thể trở thành tâm tục sinh (paṭisandhi citta) của Maung Hla không? Điều này không thể xảy ra vì tâm tử của U Ba là kết quả của một trong những nghiệp (kamma) quá khứ của ông. Khi U Ba đi tục sinh (lúc thụ thai trong bụng mẹ), tâm tục sinh của ông sanh lên do bởi nghiệp (kamma) của kiếp sống quá khứ. Nghiệp (kamma) đó cho quả của nó trong kiếp sống của U Ba. Tâm tục sinh (paṭisandhi), tâm hữu phần (bhavaṅga) và tâm tử (cuti) của U Ba là kết quả của nghiệp đó1.
Giả sử rằng tâm tục sinh của U Ba là một tâm đại quả ly trí (mahāvipāka ñāṇa-vippayutta). Trong đời sống của mình, ông đã có nghe các pháp thoại, có hành thiền và có nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Ông cũng có thực hiện nhiều việc thiện khác nữa. Vì tâm tục sinh (paṭisandhi citta) của ông là ly trí, cho nên tâm tử (cuti) của ông cũng là như vậy. Tại lúc tử, tâm tử (cuti citta) diệt đi, tâm tục sinh (paṭisandhi) mới theo đó sanh lên, thọ hỷ (somanassa sahagata) và hợp trí (ñāṇa- sampayutta). Đây là do năng lực của nghiệp (kamma) tốt, tức là từ những việc phước thiện của ông ta, cho kết quả tại lúc tử. Như vậy, tâm tục sinh của Maung Hla là hợp trí trong khi tâm tử của U Ba là ly trí. Cho nên, chúng không thể là cùng một tâm hay cùng một loại. Chúng khác nhau vì nghiệp (kamma) dẫn đến sự sanh khởi của chúng là khác nhau. Tâm tử (cuti citta) của U Ba không thể nào tiếp diễn để trở thành tâm tục sinh (paṭisandhi) của Maung Hla được. Vì nếu điều đó xảy ra, thì cả hai tâm (tâm tử của U Ba và tâm tục sinh của Maung Hla) phải là giống y hệt nhau. Điều có thể xảy ra là những kết quả của các nghiệp (kamma) tốt và xấu do U Ba thực hiện thì sẽ được/bị trải nghiệm bởi Maung Hla.
Cùng một người hay là hai người khác nhau?
Trong kiếp sống này thì U Ba đã mất, tức là không còn tồn tại nữa. Nhưng trong kiếp sống này, Maung Hla lại tồn tại. Tất cả những nghiệp gì U Ba đã thực hiện sẽ được hướng chịu hay thọ nhận bởi Maung Hla – Maung Hla sẽ phải trải nghiệm các kết quả. Hai người này có thật sự là cùng một người không? Không, họ không phải là cùng một người. Vậy họ có phải là hai người khác nhau không? Không, họ cũng không phải là hai người khác biệt. Điều chúng ta có thể nói là họ được kết nối với nhau bởi nhân quả, được biểu hiện thông qua một chuỗi dài chung bao gồm những tâm sanh lên và diệt đi, và không bị gián đoạn
Tâm sanh lên do các điều kiện. Trước lúc sanh lên, nó chẳng ở đâu cả, chỉ là một tiềm năng. Sau khi sanh lên, nó diệt đi ngay khi các điều kiện chấm dứt. Như vậy, dòng tâm thức chỉ là một dòng chảy liên tục bao gồm các tâm (citta) sanh lên và diệt đi. Hiện tượng này Kinh Điển gọi là tiến trình (santati), tức là diễn tiến mọi lúc.
Các bạn hãy lắng nghe tiếng nói của tôi trong khi tôi đang nói. Điều hiển nhiên là các âm thanh đang liên tục biến mất. Âm thanh của từ trước biến mất và được theo sau bởi âm thanh của từ sau. Mỗi âm thanh xuất hiện dựa vào nguyên nhân riêng của nó. Giả sử chúng ta đọc “A, B, C, D, …” Sau khi “A” được đọc lên, âm thanh đó sẽ mất đi. Rồi âm thanh “B” xuất hiện, dựa trên nguyên nhân riêng của nó, chứ không phải do “A”. Tương tự như vậy, âm thanh “C” sanh lên không phải do âm thanh “B”, mà là do chính nguyên nhân riêng của nó. Cũng vậy, âm thanh “D” sanh lên không phải là kết quả của “C”, mà là do nguyên nhân và điều kiện riêng của nó.
Đây là cách tử và tái sanh xảy ra, tùy thuộc vào nguyên nhân và điều kiện của chúng giống như các âm thanh “A”, “B”, “C”, “D”, …
Chẳng hạn như trong lộ trình tâm thấy cảnh sắc, sau khi tâm hướng ngũ môn1 diệt đi, thì tâm nhãn thức (cakkhu-viññāṇa) mới hiện hữu. Tâm nhãn thức xuất hiện không phải do bởi tâm hướng ngũ môn. Rồi vào lúc tâm nhãn thức biến mất, tâm tiếp thâu xuất hiện. Cũng vậy, tâm tiếp thâu xuất hiện không phải vì tâm nhãn thức.
Đây là một tiến trình không đứt quãng theo cách này: tâm trước biến mất và được đi theo sau bởi sự sanh lên của tâm tiếp theo. Chúng ta có thể so sánh U Ba với tâm hướng ngũ môn và Maung Hla với tâm nhãn thức vì cả hai nằm kề nhau trên cùng một tiến trình. Chúng chia sẻ cùng những trải nghiệm và cùng tình huống trong tiến trình này. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể nói rằng chỉ có một cá nhân mà thôi. Sự khác nhau giữa hai cá nhân này là điều vốn có của tự nhiên.
Chẳng ngạc nhiên gì tại sao Đức Phật lại đã nói rằng không dễ gì hiểu được vấn đề này. Vì do không biết được bản chất sanh diệt vốn có trong tiến trình tâm thức, chúng ta, thậm chí là những Phật tử, đã có thể rất dễ dàng và sẵn sàng chấp nhận ý tưởng hay khái niệm về việc đi đầu thai.