Nội Dung Chính
Luận Giải Về Nghiệp
Phần I: Tử Và Tục Sinh
Chương Tâm Tục Sinh (Paṭisandhi): Mối Nối Trong Vòng Luân Hồi (Saṃsāra)
Đối với tất cả chúng sanh, nghiệp (kamma) cung cấp đời sống bằng cách tạo ra tâm tục sinh (paṭisandhi citta)1 cho từng mỗi người một tại lúc chết. Tâm tục sinh này, trong quá trình kết nối hai đời sống, cung cấp hay tạo nên sự liên tục để dòng tâm thức không bị gián đoạn.
Do bởi hành động kết nối hai đời sống khác nhau, hai tiến trình tâm thức khác nhau – ví dụ, một đời sống quá khứ làm người và một đời sống mới làm chó – chúng ta lang thang từ kiếp sống này đến kiếp sống khác ở những cõi khác nhau trong vòng luân hồi (saṃsāra), tùy thuộc vào những điều kiện và những sự tục sinh (paṭisandhi) khác nhau. Dựa vào tâm tục sinh này, 31 cõi hiện hữu có thể được phân loại ra, giống như cách những tâm này được phân chia ra trong việc tạo nên sự tục sinh.
Sự tục sinh (paṭisandhi) được tạo ra do bất thiện (akusala)
Chúng ta hãy lấy ví dụ tâm tục sinh được tạo ra do bất thiện (akusala): tức là tâm quan sát thọ xả (upekkhā santīraṇa)2. Mười một tâm bất thiện (akusala) có thể tạo ra tâm này, ngoại trừ tâm si hợp phóng dật (uddhacca) vì nó không đủ năng lực sản sinh ra đời sống mới. Tâm tục sinh bất thiện này (akusala paṭisandhi) là giống nhau cho tất cả những chúng sanh trong bốn đọa xứ (apāya). Tuy nhiên, đối với chúng sanh địa ngục, sự đau khổ là khốc liệt nhất. Súc sinh đỡ hơn một chút. Các ngạ quỷ (peta) thì lại đỡ hơn nhiều so với súc sanh. Mặc dầu tâm tục sinh (paṭisandhi citta) là như nhau, nhưng tại sao lại có sự khác nhau giữa những chúng sanh đi tục sanh với nó? Đó là vì còn có những điều kiện khác nữa.
Nghiệp bất thiện (akusala) được thực hiện bởi cá nhân này không giống với nghiệp bất thiện được thực hiện bởi cá nhân khác. Loại tệ hại nhất cho kết quả trong địa ngục. Nghiệp (kamma) bất thiện ít tệ hại hơn một chút cho quả tái sanh làm súc sinh. Tội lỗi ở mức độ nhẹ hơn đưa đến đời sống làm ngạ quỷ (peta). Như vậy, tại thời điểm nghiệp (kamma) thực hiện, nó có thể là với đủ sức mạnh hoặc được/bị giảm đi về năng lực. Bằng cách nhìn vào mức độ của bất thiện (akusala), chúng ta có thể đoán trước được kết quả của nó là như thế nào. Bất thiện ở mức độ cao sẽ mang lại sự tục sinh trong một môi trường khốc liệt ngang bằng hay giống như một núi lửa bốc cháy. Cho nên, liên quan đến các mức độ của bất thiện (akusala), có các môi trường (cảnh giới tái sanh) khác nhau: môi trường cực nóng, môi trường nóng và môi trường không nóng lắm.
Mặc dầu có cùng tâm tục sinh, những chúng sanh trong những đọa xứ đó không chia sẻ cùng sự trải nghiệm. Do đó, những nghiệp bất thiện (akusala) khác nhau được tạo ra có những năng lực khác nhau, mỗi trong số chúng có mức độ hoặc tầng cấp riêng.
Sự tục sinh (paṭisandhi) làm người
Đối với loài người, tâm tục sinh có thể là một trong chín tâm: quan sát thọ xả quả thiện (kusala vipāka upekkhā santīraṇa) và tám đại quả (mahāvipāka)1. Các thiên nhân cũng tục sinh với những tâm đại quả (mahāvipāka citta) này. Tuy nhiên, những tâm (citta) này có phải là cùng cấp bậc hay cùng đẳng cấp không? Cũng như trên, không có sự tương tự trong việc sản sinh ra quả. Một vài người thì nghèo khổ, một vài người khác thì giàu có. Một vài người thì thông minh trong khi những người khác thì lại không thông minh chút nào. Một vài người thì trường thọ, một vài người khác thì yểu thọ. Tại sao lại như vậy? Đó là vì những gì họ thực hiện trước đây không giống nhau.
Trong tám tâm đại quả (mahāvipāka), tâm đầu tiên là mạnh nhất và tốt nhất, có ba nhân vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). Nếu yếu tố trí tuệ không có mặt, thì việc tái sanh đó là nhị nhân (dvihetuka). Tức là chỉ có vô tham (alobha) và vô sân (adosa), không giống với tam nhân (tihetuka). Cho nên, trong một hành động phước thiện (ví dụ như trong việc bố thí – dāna), khi trí tuệ dẫn đầu thì phước lành đạt được đó được gọi là thiện hợp trí (ñāṇa-sampayutta kusala). Nếu không có vô si (amoha), nó sẽ là thiện ly trí (ñāṇa-vippayutta kusala), tức là loại yếu kém hơn.
Đối với những cấp độ thiện (kusala) khác nhau này tại thời điểm tục sinh, tâm sở tư (cetanā) của chúng sẽ cho ra những quả tục sinh (paṭisandhi) với những kết quả khác nhau. Đây là quy luật tự nhiên (niyāma) mà theo đó, nghiệp (kamma) sẽ sản sinh ra kết quả tương tự. Tức là, thiện tam nhân (tihetuka kusala) sẽ dẫn đến quả tục sinh tam nhân (tihetuka paṭisandhi). Thiện nhị nhân (dvihetuka kusala) sẽ sản sinh ra tâm tục sinh nhị nhân. Như vậy, nghiệp (kamma) của loại nào đó sẽ chỉ cho quả cùng loại mà thôi. Nói một cách khác, thông qua nghiệp (kamma) do tự mình tạo ra, các bạn sẽ nhận quả tương ứng.
Rồi cho dầu hợp trí hay ly trí, có một vài người luôn vui vẻ, hân hoan một cách tự nhiên. Đây là do tâm tục sinh được kết hợp với thọ hỷ (somanassa). Do đó, họ sanh ra vui vẻ, hạnh phúc. Những người với thọ xả (upekkhā) thì khó có khuynh hướng cười. Thái độ của họ thường nghiêm nghị. Hiếm khi có những nụ cười hạnh phúc. Như vậy, thông qua yếu tố cảm thọ, chúng ta có thể thấy sự khác nhau giữa mọi người. Các bạn là loại người nào?
Đức Phật (ND: Bồ-tát trong kiếp cuối) đã đi tục sinh với tâm đại quả thọ hỷ, hợp trí và vô trợ1. Tuy nhiên, một vài học giả Thắng Pháp (Abhidhamma) tại Sri Lanka cho rằng tâm tục sinh (paṭisandhi) của Đức Phật không thể đi kèm với thọ hỷ (somanassa) được vì Ngài luôn luôn điềm tĩnh và vững chãi trong mọi việc Ngài làm. Tâm tục sinh của Ngài chỉ có thể là có thọ xả (upekkhā). Tuy nhiên, nhiều vị khác lại không đồng quan điểm. Đó là lý do tại sao những thuật ngữ sau đây được dùng để tán dương và ca tụng Đức Phật: (1) piyamukha – tức là gương mặt của Đức Phật luôn luôn tỏa ra một nụ cười hạnh phúc. Thậm chí, trong lúc trò chuyện, Ngài cũng có thói quen mỉm cười trước khi nói; (2) sukha sambhāsa – luôn luôn dễ dàng và thú vị khi hầu chuyện với Ngài.
Đối với những người không có yếu tố trí tuệ, họ cần thời gian để hiểu hoặc suy nghiệm ra một vấn đề đơn giản và không có khả năng trả lời nhanh những câu hỏi bất ngờ. Những người có yếu tố trí tuệ thì sắc bén hơn. Chúng ta gọi những người này là thông minh hoặc có chỉ số thông minh (IQ) cao. Họ có khả năng hiểu nhanh, đầu óc lanh lợi do bởi sự hợp trí (ñāṇa-sampayutta) tại lúc tục sinh. Điều được ghi nhận là chỉ có những hành giả tam nhân (tihetuka) khi tu hành thiền mới có thể giác ngộ được Giáo Pháp sâu sắc và vi diệu. Những ai với tình trạng ly trí (ñāṇa-vippayutta) sẽ không có khả năng đạt đến được tầng mức đó. (Tuy nhiên, sự nỗ lực của họ sẽ không bị lãng phí. Sự tiến hóa có thể được thực hiện tới một mức độ nào đó.)
Bên cạnh những tâm đại quả (mahāvipāka), còn có tâm quan sát thọ xả (upekkhā santīraṇa citta) vô nhân. Những người đi tục sinh với tâm này thì khiếm khuyết về thân xác hoặc về tâm lý. Lúc còn là thai bào trong bụng mẹ, họ đã mù, điếc, tức là đã bị khuyết tật. Không giống như những tâm đại quả (mahāvipāka), tâm tục sinh (paṭisandhi) của họ được tạo sinh ra bởi nghiệp (kamma) có năng lực yếu. Do đó, mặc dầu đây là sự thuận lợi của việc tục sinh làm người, nhưng nó lại là loại thấp kém.
Cái gì nguyên thủy hay khởi nguồn do nghiệp (kamma) tạo ra thì không thể thay đổi được. Chẳng hạn, một người với sự tục sinh nhị nhân sẽ không thể nâng cấp lên mức cao hơn, tức là lên mức tam nhân (với yếu tố trí tuệ). Người đó cũng không thể thay đổi khuynh hướng hay tính khí của mình được. Do đó, tùy theo nghiệp (kamma) của người đó đã diễn bày ra như thế nào, người đó sẽ được nó dẫn đưa đến đích của mình trong đời sống. Những ai xuất hiện trong cõi nhân loại và các thiên giới là do họ đã thực hành những thiện pháp trong quá khứ như bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tham thiền (bhāvanā). Những ai đã phạm những bất thiện hạnh (duccarita) thì có đích đến là những đọa xứ.