Luận Giải Về Nghiệp Phần I: Tử Và Tục Sinh – Chương Du Hành Với Nghiệp (kamma) Là Tấm Vé

Luận Giải Về Nghiệp

Phần I: Tử Và Tục Sinh

Chương Du Hành Với Nghiệp (Kamma) Là Tấm Vé

Nếu các bạn quan sát bất kỳ người nào, các bạn sẽ thấy được rằng tình huống của người đó không giống với ai khác cả. Nó không chỉ là về cuộc sống mưu sinh; nó còn về những hoạt động, khuynh hướng và tâm tánh, vốn làm cho người đó khác biệt. Chuyện đó là như thế nào? Một vài cá nhân sát hại sinh mạng của những người khác; trong khi một số khác thì cố tránh xa việc đó. Một vài trộm cướp tài vật của những người khác. Một vài thì không bao giờ dám đụng chạm vào những gì người khác sở hữu. Có những người dính líu vào những mối quan hệ tình dục không ngay thẳng. Nhưng lại có những người không bao giờ nghĩ về chuyện đó. Như vậy, không phải là có sự khác nhau về đạo đức sao? Các bạn có thể dễ dàng thấy được những sự khác biệt về phẩm cách như vậy xung quanh mình.

Cũng theo cách đó đối với những lời nói, có vài người giả dối trong lời nói, trong khi có những người chỉ nói sự thật. Rồi có những người gây tổn hại bằng cách chia rẽ người này với người kia, trong khi lại có những người cố gắng hòa giải hai bên. Vài người lại thích bêu xấu, sỉ nhục người khác, không giống với những người khác. Hoặc họ thích nói vớ vẩn hoặc nói về những chuyện vô ích. Ngược lại, lại có những người không thích làm như vậy. Cho nên, về lời nói, cũng rõ ràng là không có hai cá nhân nào giống nhau cả.

Điều để suy ngẫm tiếp theo là về tâm tánh của con người. Một vài người luôn luôn bị chế ngự bởi lòng tham (abhijjhā) bằng cách ao ước, ham muốn những vật sở hữu của người khác. Trong khi đó, có những người khác chẳng hề màng đến chuyện nhìn đến tài sản của người khác, nói gì đến việc tìm cách chiếm giữ. Rồi một vài cá nhân ước ao nhìn thấy những người khác bị hại hoặc bị đau khổ, trái ngược với những người khác chỉ ước muốn mọi người được mạnh khỏe và hạnh phúc. Có những người không tin vào nghiệp (kamma) và quả của nghiệp trong khi lại có những người có đức tin đầy đủ.

Như vậy, có những người làm việc sai trái và cũng có những người làm việc tốt. Các bạn hãy nhìn vào cộng đồng, vào làng xóm, vào tập thể mà mình hay thân cận. Các bạn có thấy những sự khác biệt trong tính cách của hai hạng người này không? Sau khi họ chết đi, hai hạng người này có thể có cùng một kiếp sống mới không? Dĩ nhiên là không, phải  không? Điều này chỉ để thấy  rằng đích  đến  tương  ứng  của  họ  sẽ  tùy  thuộc  vào  nghiệp (kamma).1   Cho  nên,  cảnh  giới  hiện  hữu  là  nơi  nghiệp (kamma) sản sinh ra quả của nó. Do bởi nghiệp (kamma) có nhiều loại khác nhau, cho nên, có nhiều hạng chúng sanh và có nhiều cảnh giới hiện hữu tương ứng dành cho họ. Không thể chỉ có một cảnh giới được. Do bởi những diễn biến khác nhau của những người khác nhau, không thể nào đích đến của  mọi người sẽ là giống  nhau trong kiếp sống kế tiếp. Nó giống như đón tàu đi từ Yangon đến Mandalay vậy. Trên đường đi sẽ có nhiều trạm dừng. Một vài hành khách sẽ thích dừng lại ở những trạm này, chứ không  phải  những  trạm  đến  Mandalay.  Cũng  theo  cách đó, do bởi sự khác nhau của nghiệp (kamma) mọi người thực  hiện,  họ  sẽ  có  những  đích  đến  khác  nhau  khi  đời sống trong kiếp sống này của họ kết thúc. Nói chung thì có năm loại sanh thú (gati).

Nếu các bạn nhìn xung quanh, các bạn sẽ thấy mọi người đi nhiều nơi khác nhau, đến bất kỳ nơi nào họ dự tính hoặc ước muốn. Để tìm xem đó là nơi nào, các bạn chỉ cần nhìn vào tấm vé trên tay của họ. Có hành khách đi tàu, đi xe buýt, đi xe và đi cả máy bay. Nếu các bạn quan sát tại các nơi khởi hành và hạ cánh của những sân bay lớn tại bất kỳ quốc gia nào, các bạn sẽ thấy rằng hầu như từng phút một lại có một chuyến bay hạ cánh hoặc cất cánh. Như vậy, mọi người đến và đi từng phút một. Tất cả lại không có chung đích đến. Họ đi đến nơi được ghi trên tấm vé của họ.

Một  số  sẽ đến  cõi  nhân  loại  để  bắt  đầu  cuộc  sống làm người. Với nghiệp (kamma) đã được thực hiện như là chiếc vé, họ phải hướng đến nơi mà nghiệp đó cho quả. Điều này không phải được Đức Phật dạy thông qua suy luận hoặc tự biện. Về vấn đề này, Ngài đã dạy như sau: “Không  phải  thông  qua  tin  đồn  từ  người  khác  mà  Như Lai  thuyết  giảng  Giáo  Pháp  này.  Tự  chính  mình  nhìn thấy, cho nên, Như Lai đã tự giác ngộ.” Thông qua trí tuệ1 của Ngài với thiên nhãn minh (dibbacakkhu), Ngài có thể thấy toàn bộ thế giới: “Đúng vậy, chúng sanh này đang vi phạm tội lỗi.” Đức Phật có thể thấy được điểm đến của con đường mà người đó đang du hành. Trong những bài giảng pháp của mình, Ngài trình bày những ví dụ2  để chỉ rõ những đích đến khác nhau của mọi người.

Năm sanh thú

Có năm hướng đi dẫn đến năm sinh thú khác nhau. Một trong số chúng kết thúc tại một cái hố to chứa đầy than cháy rực. Như vậy, Đức Phật có thể thấy rằng: người này đang đi trên con đường dẫn đến cái hố than này. Khi đến nơi, ông sẽ rơi xuống đó. Và đó là khi ông sẽ bắt đầu hứng chịu khổ đau. Điều này muốn nói rằng ông là người sẽ sanh vào địa ngục. Như vậy, bất kỳ ai đang thực hành những nghiệp bất thiện thì đang hướng đến hố than nóng đỏ thông qua con đường đi địa ngục (niraya gati).

“Đúng vậy, người đó đang đi trên con đường đó. Tại cuối con đường đó là một cái hố sâu đầy phẩn.” Đức Phật đã biết như vậy thông qua thiên nhãn thông (dibbacakkhu abhiññā) của mình. Bằng việc thực hành những hoạt động cụ thể nào đó, người này cuối cùng sẽ rơi vào bên trong hố phẩn này. Đây là loại chúng sanh sẽ tái sanh làm thú vật.

Hướng đi tiếp theo là gì? Nó sẽ kết thúc tại một vùng đất hoang vắng chỉ với một vài cội cây trụi lá. Không có chỗ nào để tìm được bóng mát nghỉ chân trong cái nóng thiêu đốt. Từ loại hành động được thực hiện bởi một cá nhân cụ thể nào đó, Đức Phật có thể nói rõ rằng người đó đang đi trên con đường đến nơi này, nơi mà không có một chỗ nghỉ chân dưới cái nóng thiêu đốt. Nơi khô hạn và cằn cỗi này là trú xứ của các ngạ quỷ (peta). Theo như những gì Ngài thấy, những ai đến đây sẽ phải gánh chịu sự kiệt sức và những điều kiện sống cực kỳ khó khăn.

Về hướng đi tiếp theo: giả sử rằng một ai đó đang nhìn xuống từ đỉnh của một ngọn đồi. Ông ta thấy một người đang đi dọc theo một con đường dẫn đến một hồ nước có nhiều cây to lớn mọc xung quanh. Như vậy, người này cuối cùng sẽ đến được một khu rừng có nhiều bóng cây. Cũng theo cách đó, Đức Phật có thể nhìn vào những hành động của một người và biết rằng ông ta sẽ đến được trú xứ an vui và mát mẻ này để sinh sống: đây là cõi nhân loại.

Rồi một con đường khác dẫn đến một tòa nhà nguy nga tráng lệ với mái hình tháp và được trang trí tuyệt đẹp bên trong. Chỉ bằng cách thấy một người đang đi dọc theo con đường này, chúng ta sẽ biết rằng ông ta cuối cùng sẽ đến ngôi biệt thự xinh đẹp này. Cũng vậy, Đức Phật sẽ biết thông qua những hành động của một người rằng đường nào ông ta đang đi và đích đến của nó là gì. Trong trường hợp này, Ngài có thể thấy được người này sẽ đến thiên giới, sẽ sống an vui và hạnh phúc trong tòa nhà cao đẹp này và tránh được những nguy hại.

Như vậy, Đức Phật đã sử dụng những ví dụ này trong các bài giảng của Ngài về những cảnh giới hiện hữu khác nhau để chỉ ra rằng tùy theo nghiệp (kamma) mà chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ đi đến cảnh giới tồn tại tương ứng. Bằng cách đi theo một hướng đi cụ thể nào đó, nó sẽ dẫn chúng ta đến một trú xứ cụ thể nào đó. Cho nên, với sự hiểu biết về nghiệp (kamma), chúng ta sẽ hiểu những loại nghiệp (kamma) khác nhau được thực hiện và nơi mà chúng sẽ mang người thực hiện đến.

Kết quả là chúng sanh lang thang trong 31 cõi hiện hữu  tùy  theo  nghiệp  (kamma)  của  họ.  Cho  nên,  nghiệp (kamma) là chính yếu, là quan trọng. Thông qua nó, tâm tục  sinh  (paṭisandhi)  được  tạo  ra  một  cách  tương  ứng: chúng ta sẽ hiện hữu trong cõi này hoặc cõi kia. Sau đó, nếu  chúng  ta  không  thể thực  hiện  những  việc lành,  mà thay vào đó, lại làm những việc bất thiện (akusala), thì sẽ chẳng  có  nhiều  an  lành  và  ổn  định  trong  vòng  sanh  tử này đâu. Cho nên, có một câu nói trong ngôn ngữ Miến Điện như sau: Bừng sáng trong cõi Phạm thiên, và rồi ụt ịt  trong  máng  lợn.  Dĩ  nhiên,  tái  sanh  làm  lợn  trực  tiếp ngay sau khi chết đi từ cõi Phạm thiên là điều không thể xảy  ra.  Do  bởi  năng  lực  chỉ  tịnh  (samatha)  trong  các Phạm thiên quá lớn, họ không thể trực tiếp tái sanh làm thú vật sau khi chết từ cõi Phạm thiên. Họ có thể tái sanh làm người hoặc thiên  nhân. Chỉ vào kiếp thứ ba (tức là sau kiếp làm người hoặc thiên nhân), họ mới có cơ hội tái sanh làm lợn. Và điều đó chỉ vì họ vẫn chưa thoát được viễn cảnh tái sanh vào đọa xứ (apāya). Lý do là vì họ chưa thanh lọc chính mình bên trong.

Chúng  ta  trước  hết  phải  thanh  lọc  bên  trong,  vốn vẫn rất dơ bẩn và hỗn tạp. Đây là nhiệm vụ chính. Vấn đề nằm ở tham (lobha), sân (dosa), si (moha) và các phiền não  (kilesa)  khác  nữa.  Ngày  nào  chúng  vẫn  còn  trong chúng  ta,  thì chúng  ta vẫn  sẽ tiếp  tục thực hiện  nghiệp bất thiện (akusala kamma). Ngày nào chúng ta vẫn còn thực  thiện  nghiệp  bất  thiện  (akusala),  chúng  ta  vẫn  sẽ còn tiếp tục lăn trôi trong 31 cõi. Nếu chúng ta may mắn thực hành việc tốt, chúng ta sẽ đi đến được nơi an vui. Nếu chúng ta không may mắn thực hành việc xấu, chúng ta sẽ đi đến nơi bất hạnh. Theo cách này, chúng ta trôi dạt –  lúc ngược dòng,  lúc xuôi dòng  –  trong vòng luân hồi (saṃsāra). Chúng ta dấn thân vào những cuộc hành trình một cách lung tung, bừa bãi.

Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy về các cõi hiện hữu dựa trên nghiệp (kamma). Vì nghiệp (kamma) là nền tảng, là căn cứ, cho nên, nhân tố quyết định thật sự nằm trong tay của chúng ta.

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app