HÀNH TRÌNH SANG XỨ PHẬT – Phi Lộ

Người Trung Huê và Việt Nam, mỗi năm đến tiết thanh minh thường bày ra lễ tảo mộ để tỏ lòng nhớ đến ân đức ông bà, cha mẹ đã quá cố. Cũng như người Pháp thường đến viếng thư viện của văn hào Victor Hugo, hay phòng thí nghiệm của nhà thông thái Pasteur, vì ái mộ sự nghiệp văn chương khoa học của các Ngài. Còn người tu Phật thì lại được hy vọng viếng những nơi thánh tích về Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Hồi xưa đường giao thông bất tiện đã có biết bao nhiêu nhà mộ đạo như thầy Huyền Trang chẳng hạn dám hy sanh mạng sống trải qua bãi sa mạc và nhiều quốc độ dã man rừng rú để sang tận Trung Ấn Độ để chiêm bái mấy chỗ động tâm.

Về phần tôi từ khi xuất gia nương theo chánh Pháp và hấp thụ được chút ít chơn lý giải thoát thì hằng nhớ đến ân đức của đấng Cha lành. Những nhà sư muốn cúng dường Đức Thế Tôn thì chỉ có cách là ráng hành theo lời dạy của Ngài hầu mau dứt khổ, với một di sản vỏn vẹn với tam y và quả bát, giống như loài chim có cái mỏ và cặp cánh, thì mong gì được sang tận xứ Ấn Độ để chiêm bái mấy nơi thánh tích. Đó là không nói đến thời cuộc quốc tế khó khăn hiện nay đã làm trở ngại cho việc xuất dương không nhỏ.

Nhưng bỗng đâu nhóm thiện tín Sài Gòn rất trong sạch với ngôi Tam bảo yêu cầu tôi sang Tích Lan và Ấn Độ để nghiên cứu và học hỏi thêm Phật giáo Nguyên Thủy. Lúc đầu tôi còn do dự vì nghĩ rằng tại Cao Miên cũng có đầy đủ Kinh Luật Pāli, nếu hành giả nào hết lòng tu tập thì cũng được kết quả theo sở nguyện, hơn nữa trong thời buổi vật chất này, cuộc viễn du của một nhà sư thật là cam go bất tiện, nhứt là giới luật cấm nhặt sự mang tiền bạc theo mình. Nhưng tôi sực nhớ lại lúc gần nhập Niết-bàn, Đức Phật có thuyết cho tôn giả Ānanda nghe như vầy: “Này Ānanda, sau khi Như Lai nhập diệt và trong buổi Như Lai nếu có người muốn thấy Như Lai thì nên đi viếng bốn chỗ động tâm sau đây: Chỗ Như Lai giáng sanh tại vườn Lumbini, chỗ Như Lai thành đạo tại Bồ Đề Tràng (Bodhigaya), chỗ Như Lai quay bánh xe Pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc Giả (Isipatana) và chỗ Như Lai diệt độ tại rừng Kusinara dưới hai hàng cây song long thọ.

“Những ai có duyên lành đi tới bốn chỗ động tâm ấy để chiêm nghiệm về ân đức của đấng Chánh đẳng Chánh giác và sự vô thường của đời Ngài, rồi phát tâm chán nản thế sự, thì có khi cũng được đắc đạo quả Niết-bàn hay ít ra cũng thoát khỏi bốn đường dữ trong kiếp vị lai”. Vì nhớ đến câu Phật ngôn ấy nên tôi mới quyết dạ hy sinh, không nài khó nhọc, nguyện xông pha đất lạ quê người, nơi mà khí hậu, phong hóa, ngôn ngữ và cách sinh hoạt mỗi mỗi đều khác hẳn xứ ta.

Còn nói qua chuyện xin giấy tờ xuất dương cho một Việt kiều ngụ tại đất Miên, thì đó là một việc hết sức cam go. Người đương sự phải trải qua nhiều cơ sở chuyên trách Pháp-Miên và các lãnh sự quán ngoại quốc: Xiêm, Ấn Độ, Miến Điện. Tích Lan .v.v…Hơn nữa, cuộc xuất ngoại của một nhà sư cần phải được hội Tăng già bổn xứ ưng thuận sau khi biết rõ hạnh kiểm và trình độ học thức về Kinh Luật. Trải qua một thời gian hơn 3 tháng nhứt là nhờ ngài Đốc Phủ Như đã tận tâm lo giấy tờ và thiện tín các nơi hộ độ chi phí mà cuộc xuất dương của tôi mới được thực hiện và buổi khởi hành nhứt định vào lúc 4 giờ chiều ngày 13-6-1952 tại phi trường Pochengtong (Pnom-Penh).

Trước ngày xuất dương có nhiều thiện tín nhứt là thầy Huỳnh-V-Niệm yêu cầu tôi để làm một cuộc lễ tiễn hành, nhưng tôi nghĩ rằng mình tài hèn đức kém không dám nhận lãnh, túng thế nên chư thiện tín mời thỉnh tôi bố thí một thời Pháp tại nhà ông Đốc Phủ Như để nhắc nhở tấm lòng mộ đạo của chư thiện tín trước khi tôi từ giã thủ đô Kim Biên.

Trong hôm ấy thầy H.V.N có đọc một bài diễn văn để tiễn hành tôi như vầy:

Bạch Đại đức,

Trong cơ hội này, chúng tôi được hay tin Ngài sắp đắc kỳ sở nguyện trong cuộc viễn du qua Ấn Độ và Tích Lan để tìm đường tu học, tôi xin thay mặt cho tất cả chư thiện nam tín nữ đang cu hội nơi đây có đôi lời kính xin Ngài hoan hỷ tha thứ cho.

Bạch Đại đức,

Thuở trước kia, vừa được 29 tuổi xuân Ngài còn là một công chức đang sống trong cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc, no cơm, ấm áo có nhiều hy vọng tương lai tốt đẹp của đời. Bỗng đâu duyên kỳ đã đến nhờ trí huệ xét đoán cao siêu về nỗi vô thường khổ não của vạn vật, nên Ngài đã can đảm chặt đứt các sợi dây trói buộc, từ giã chốn đô thành huyên náo đầy dẫy những điều tội lỗi dấn thân vào chốn rừng sâu núi thẳm quyết dạ hy sinh để nối gót đấng Cha lành. Rồi từ đó trở đi, trải qua nhiều năm, nhiều tháng chúng tôi không có dịp hội kiến cùng Ngài. Có lẽ trong thời kỳ cố gắng trên đường phạm hạnh, Ngài đã có dịp hưởng hương vị thiêng liêng cho đến nỗi không còn màng chi đến việc tế thế độ nhân. Nhưng rất may! Trong mấy năm gần đây chúng tôi rất vui mừng được thấy chí hướng của Ngài có bề thay đổi, chẳng dành thọ hưởng kho tàng Pháp bảo một mình, nên Ngài đã có nhiều cơ hội đem cả tấm lòng bác ái, đứng ra hoằng pháp độ sanh, đúng theo chánh giáo để nhắc nhở, dìu dắt chúng tôi trên đường giải thoát.

Bạch Đại đức,

Đúng lẽ thì chúng tôi phải tạo ra một cuộc lễ long trọng để tiễn hành Ngài vì trong ít hôm nữa Ngài sẽ từ biệt chúng tôi, lên đường sang Ấn Độ và Tích Lan du học, Tích Lan là một căn cứ của Hội Phật giáo Thế giới và nơi mà mùi vị của Phật giáo Nguyên Thủy còn đương nồng hậu, sẽ có dịp được nhận thêm một bực hành giả có đầy đủ nghị lực như Ngài.

Bạch Đại đức,

Nhưng chúng tôi không thể thực hành sự tiễn đưa Ngài y theo ý nguyện, vì hoàn cảnh trái ngược đời và đạo, nên khiến cho Ngài không ưng thuận cho phép chúng tôi làm tròn phận sự của hàng môn đệ. Tuy nhiên, chúng tôi không đành thờ ơ lãnh đạm với một đấng ân nhân cao cả như Ngài, bởi cớ ấy chúng tôi xin kính mấy lời cảm tạ công ơn vô lượng của Ngài đã dạy dỗ chúng tôi từ bấy lâu nay.

Chúng tôi xin cầu nguyện cho Ngài được luôn luôn khỏe mạnh và mau đạt thành đạo quả Niết-bàn, và rất trông mong rằng trong một ngày vị lai Ngài sẽ trở về xứ sở mang theo nhiều tài liệu để chấn hưng Phật giáo, hầu tế độ quần sanh mau được thoát khỏi chốn sông mê bể khổ. Đó là một công trình vĩ đại tương đương với chí khí của Ngài Huyền Trang thuở trước (đọc ngày 1-6-1952).

Thật là:

Trong buổi chia phôi luống chạnh lòng,

Tiễn người tầm đạo, tách rời đông.

Đem theo chánh kiến, y cùng bát,

Coi rẻ kim ngân nhẹ tợ lông.

Ý trước nhận hành gương cứu khổ,

Duyên sau gắng độ giống nòi hồng.

Quay về Phật giáo thời nguyên thủy,

Đức cả công dày rạng núi sông.

Huỳnh Văn Niệm

Sở kiểm soát tài chánh

P.Penh

Đại đức Bửu Chơn họa nguyên văn:

Theo dấu người xưa nguyện dốc lòng,

Một hình một bóng giã miền Đông.

Tung mây bay thẳng sang Tây-Trước,

Lướt sóng thuyền đưa tới Xây-Lông (Ceyion)1 No đói chỉ nhờ nơi quả bát,

Ấm thân sở cậy lá y hồng.

Mài gươm trí tuệ vào nguyên thủy, Tam tạng thỉnh về rạng núi sông.

Để đáp lại tâm nhiệt thành của một số đông Phật tử đã hy sinh công của trong cơ hội ấy, và nhứt là muốn bày tỏ sự lợi ích từ cuộc xuất dương, tôi xin cho xuất bản quyển “Hành trình sang xứ Phật” này để cống hiến đến chư độc giả.

Những ký ức được chép trong quyển sách đều do sự nghe thấy của tôi tại mấy nơi mà tôi đã hân hạnh được đặt chơn đến. Ngoài ra, lại có nhiều hình ảnh về những chỗ động tâm và thánh tích trong mấy xứ: Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Xiêm v.v… được in nơi mỗi bài tường thuật cho người đọc dễ lãnh hội và phát tâm cảm thích.

Nhà sư tu hành còn kém khuyết, học hỏi ít oi, ngôn ngữ văn chương không trôi chảy, nếu có điều chi sơ thất trong quyển sách này, xin chư cao Tăng, Đại đức và quý độc giả vui lòng chỉ dạy.

Tác giả

Tỳ khưu Bửu Chơn.

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Hành Trình Sang Xứ Phật, tác giả Tỳ Khưu Bửu Chơn

Link  cuốn Hành Trình Sang Xứ Phật
Link  tải sách ebook Hành Trình Sang Xứ Phật
Link  video cuốn Hành Trình Sang Xứ Phật
Link  audio cuốn Hành Trình Sang Xứ Phật
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Bửu Chơn
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Bửu Chơn
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Bửu Chơn
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app