Hành Trình Sang Xứ Phật – Khởi Hành Từ Nam-vang Qua Vọng Các.

Khởi hành từ Nam-Vang qua Vọng Các.

Lúc trưa ngày 13-6-1952 lên xe rời khỏi Chùa Mahamontrey, tôi rất thâm cảm tấm lòng từ bi khiêm tốn của các vị Đại đức Maha Sès, Achar Tích, Achar Sim, Hộ Tông và một số đông chư tăng Việt Nam không nệ mệt nhọc trong buổi nắng hè, vui lòng đưa tôi ra tận phi trường Pochengtong. Nối đuôi theo sau đoàn xe của chư tăng, có rất nhiều thiện tín ở phương xa như: Kratié, KG. Cham, KG. Chnang, Sài Gòn… đã tụ họp lại từ mấy hôm trước, vậy đoàn cùng các Phật tử Việt Nam tại Kim Thành tiễn chân tôi sang đất Ấn. Khi 2 giờ rưỡi trưa đoàn xe vào đến phi trường Pochengtong thì tôi thấy đã có nhiều người đang chực sẵn tại đó.

Phần chư tăng thì vị nào cũng tỏ vẻ hoan lạc thỏa thích vì rất hân hạnh được một bạn đồng đạo sang tận Tích Lan tu học, các Ngài cho cuộc hành trình của tôi là bước đầu tiên để khuyến khích nhiều vị Sư khác xuất dương. Bên phía thiện tín thì có người thản nhiên bình tĩnh và cũng có người lo âu về cuộc hành trình xa xôi, khó nhọc của tôi, không biết lúc nào trở về và bề độ nhựt của tôi tại đất khách ra sao? Thấy tấm lòng chiếu cố nhiệt thành của chư Đại đức và của thiện nam tín nữ, tôi cũng bâng khuâng ái ngại nửa mừng nửa lo. Mừng là được đạt kỳ sở nguyện sang tận đất Phật khảo cứu Kinh Luật Nguyên Thủy và chiêm bái mấy chỗ động tâm, còn lo là nỗi cô thân lạ cảnh lạ người, không biết cuộc xuất ngoại của tôi sẽ đem lại kết quả thế nào và có bổ ích chi cho đồng bào? Tôi chỉ biết nguyện thầm ân đức Tam bảo gia hộ tôi đến nơi được an vui khỏe mạnh, tu học dễ dàng, hầu đáp lại mối thạnh tình của một số đông Phật tử đã hy sanh công của lo lắng cho tôi.

Chúng tôi kẻ đứng người ngồi, chuyện trò chờ đợi, mãi tới 3 giờ rưỡi mới thấy dạng phi cơ của hãng Thái-Airways từ Sài Gòn trở lên và đáp xuống phi trường. Sau khi hành khách trình giấy tờ và hành lý cho nhà chức trách khám xong thì đúng 4 giờ chiều, con hạc sắt lại rồ máy cất cánh bay về Vọng Các. Trên phi cơ dòm xuống, trong giờ phút nắng bức này là một cảnh vật linh động đủ màu sắc thiên nhiên của các xứ của miền nhiệt đới. Ngoài mấy cơ sở tân thời của phi trường Pochengtong và những liều tranh lẻ tẻ của nhóm nông dân, thì toàn là đồng ruộng bao la bát ngát, lấp lánh những mảnh gương màn bạc chói ngời, điểm dấu các ao hồ, ngòi rạch, cảnh vật ấy lại thêm phần cảm động khi tôi nhìn về phía nhà ga thấy lố nhố nhóm người đến tiễn chân vẫy tay dở nón. Bay được một đoạn đường mây bắt đầu trở nên đen sẫm, dông mưa ào ạt tuôn xuống, phi công phải cẩn thận cho bớt máy và mãi gần 6 giờ chiều tới Vọng Các, lúc ấy mưa cũng vừa dứt. Bức màn u ám đã gieo rắc mối lo sợ cho hành khách lại nhường chỗ cho một bầu trời quang đãng trong tươi. Thoạt nghe tiếng còi báo động cho biết phi cơ sắp đáp xuống sân bay, phi trường này ở cách xa thủ đô Thái Lan ngót 28 cây số ngàn, lớn hơn phi trường Tân Sơn Nhứt nhiều và kiến trúc rất tối tân, những ghế ngồi trong phòng khách đều bọc toàn bằng da. Cũng như nơi các phi trường khác, ở đây số người đưa rước nhiều gấp bội số hành khách nên nghề buôn bán thực phẩm và nước giải khát rất phồn thạnh. Khi xuống phi cơ và vào đến nhà ga, ai nấy đều có người thân đến rước, riêng tôi chẳng được cái may mắn ấy và đang suy nghĩ không biết chùa nào đặng xin ngụ đỡ vài hôm. Mãi đến một giờ sau tôi mới gặp một người Việt Nam quen là thầy Tám X… cư ngụ tại xứ Thái đã lâu, cũng như đoàn thám hiểm gặp được giếng nước giữa bãi sa mạc, người xứ lạ gặp được bạn đồng hương là một chuyện may vô cùng.

Ở đây người thường nói tiếng Thái hoặc tiếng Anh, thành thử tiếng Pháp của tôi trở nên vô dụng, may thay trước khi xuất dương tôi cũng có học được đôi chút hai thứ tiếng ấy nên dễ bề trao đổi ngôn ngữ với người bổn xứ. Tôi được vào trọ nơi chùa Thep Serin trong ba hôm để chờ chuyến máy bay đưa sang Miến Điện, lúc tôi ở đây mọi việc đều nhờ thầy Tám X… hộ độ và có vài vị cư sĩ Cao Miên đến thăm để đưa tôi đi viếng kinh đô Vọng Các, xem các ngôi chùa, nhất là chùa Phật Ngọc (Wat Préah Keo).

Thái Lan là một nước hoàn toàn theo Phật giáo Nam Tông từ vua chí dân, thảy thảy đều giữ đạo Phật, dân số chừng 18 triệu, trong ấy có trên 5 triệu Hoa kiều cùng một số người Việt Nam và Cao Miên, chư tăng có tới 250.000 vị, Chùa chiền rất nhiều và kiến trúc tương tợ như ở xứ Cao Miên. Theo luật bổn xứ người ngoại quốc mới đến phải trình cho sở Tân đáo và đóng một thứ thuế vào xứ chừng 8 đồng bạc Thái (gần 30 đồng bạc Đông Dương). Những khách ghé tạm để chờ phi cơ đưa sang xứ khác được phép lưu trú đỡ (Visatransit) không quá một tuần lễ. Nước Thái Lan cũng có đầy đủ Kinh Luật như Miến Điện và Tích Lan, Pháp học ở đó được tấn triển khả quan, nhưng Pháp hành thì kém sút hơn hai xứ nói trên và Cao Miên.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app