Viếng vườn Lumbini

Bữa 18-11-1952, lúc 7 giờ tối thì tàu hỏa rời khỏi ga Gurakhpur đi Nawatanwa cách xa đó lối 100 cây số. Lúc tới nơi, phái đoàn được vào nghỉ tại nhà trọ của hội Đại Bồ Đề, trong ấy có một vị sư người Tích Lan coi sóc.

Sáng hôm sau, cơm nước xong độ 10 giờ, chúng tôi đồng đi viếng vườn Lumbini ở xa ga Nawtanwa chừng 25 cây số. Đoạn đường này rất cam go vì không lưu thông đặng nên phải đi bộ hoặc cưỡi ngựa, hay là đi xe bò, mướn người võng tới giá rất mắc. Nhưng ai nấy đều thích đi bộ nên chỉ mướn theo vài người khiêng vác hành lý và vật thực thôi. Chỗ này đường sá quạnh hiu vắng vẻ nên vấn đề vật thực cần phải sắp đặt châu đáo hơn các nơi khác để phòng ngừa cơn bất trắc. Đi mãi hơn 6 giờ chiều mới tới nơi. Chúng tôi đi theo đường xe bò, lội theo bờ ruộng và băng qua ba con sông nước cạn tới bắp vế. Nhờ hết mùa mưa nên chúng tôi băng qua sông rất dễ, thỉnh thoảng lại trải qua mấy bãi cát trắng phau và những cánh đồng ruộng màu vàng ánh trong mùa lúa chín. Khi qua hết hai con sông thì ông trưởng phái đoàn cho biết rằng đã vào tới địa phận xứ Nepal (trước kia là xứ Ca-tì-la-vệ). Nhờ đồng trống nên khi còn 1 cây số thì đã thấy hai hòn núi rất cao, giữa có hai tòa tháp bằng gạch cách nhau chừng 300 thước. Đó là ranh giới giữa hai xứ bên nội và bên ngoại của đức Bồ tát mà trước kia gọi là vườn Lumbini. Gần đó có một nhà trọ rộng rãi do Chánh phủ Nepal tạo riêng cho những người đi chiêm bái nghỉ ngơi. Xứ này nằm dưới ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn nên khí hậu lạnh lắm.

Hôm ấy, phần thì đói và mệt mỏi nên ai nấy đều nghỉ sớm. Còn tôi, vì cảm thích được may mắn đến nơi thánh địa nên không ngủ, lần mò ra ngoài đến một nơi bằng thẳng gần thạch trụ kỷ niệm chỗ đức Bồ tát giáng sanh đặng ngồi niệm kinh. Mãi tới 11 giờ đêm, phần ở nơi trống trải tuyết lạnh thấu xương, phần tam y mỏng manh lại không chiếu không mền nên phải trở về nhà trọ, thân tâm khoan khoái lạ thường. Tôi nhớ lại câu của đức Bồ tát giáng sanh đi bảy bước rồi ứng thinh lên nói rằng: “Aggohamasmi lokassa jeṭṭhohamasmi lokassa seṭṭhomasmi lokassa. Ayamantimā jāti natthi dāni punabbhavo”. Nghĩa: “Ta đây là cao thượng, là đàn anh, là một bực quý cao hơn tất cả chúng sanh trên thế gian. Kiếp này là kiếp chót của ta luôn cả cảnh giới để luân hồi cũng không còn nữa”.

Sáng ra, chúng tôi lại đi xem xét tường tận thì gặp rất nhiều dấu vết của vô số tăng đường, trai đường hồi Phật giáo còn phồn thạnh mà nay chỉ là những đống gạch ngói ngổn ngang và chơn tường sụp đổ. Nơi giữa cảnh điêu tàn hiu quạnh ấy có một cây trụ đá lớn hơn một ôm, cao lối 5 thước do đức vua A Dục dựng lên cách đây hơn 2300 năm đặng kỷ niệm nơi đức Bồ tát giáng sanh.

Viếng xong, phái đoàn trở về nhà trọ lo sắp đặt cơm nước. Nhân dịp ấy, tôi trèo lên gác trên ngắm xem phong cảnh dãy Hy Mã Lạp Sơn có tiếng là hùng vĩ đẹp đẽ nhứt trên thế gian. Một lớp tuyết trắng dày luôn bao phủ vô số chót núi cao chọc trời, khiến người nhìn lâu có cảm giác rằng mình đang đứng trước một kỳ quan vĩ đại lạ thường không sao tưởng tượng đặng. Từ nhà trọ tới cánh rừng nằm dưới chơn núi cách xa 60 cây số và từ đây phải đi thêm 150 cây số nữa mới tới núi. Tuy còn xa núi như thế mà trời lạnh đến nứt cả da. Theo kinh chép lại thì trên dãy Hy Mã Lạp Sơn có bốn cái hồ rộng lớn vô cùng, chứa nhiều báu vật.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app