Từ Rangoon sang Calcutta

Hôm ấy tôi từ giã Rangoon sang Calcutta lối 10 giờ rưỡi đêm.

Ban đêm biết trời ở trên hư không lạnh lắm, hãng máy bay có phát mền nỉ cho hành khách đắp, vì trời khuya gió lạnh phần thì mệt mỏi quá nên tôi ngủ quên mãi đến 4 giờ sáng mới thức dậy và nghe còi báo hiệu cho biết phi cơ sắp đáp xuống phi trường Calcutta. Bên trên nhìn xuống thì toàn là một vùng sáng trắng mênh mông lập lòe của đèn điện trong tỉnh thành xem rất ngoạn mục, đây là giờ phút im lặng nhứt tại một đô thị đông đảo trong khi người người đang yên giấc.

Các hành khách mới đến phải trình giấy thông hành và biên vào 4, 5 mảnh giấy theo luật Chánh phủ Ấn Độ, xong việc phải qua phòng y tế cho quan thầy khám xét giấy chủng đậu và giấy tiêm thuốc ngừa dịch tả, rồi qua phòng thương chánh cho khám hành lý và khai rõ các vật dụng mang theo mình, nhứt là vàng bạc. Ở đây sở thương chánh xét rất gắt gao để đánh thuế những món đồ ngoại quốc nhập cảng, vì phi trường ở xa tỉnh thành ngót 20 cây số nên hành khách phải chờ sáng ra mới có xe của hãng đưa về Calcutta. Hội Đại Bồ Đề được tin trước có cho người đến rước nhưng máy bay đến trễ nên phái đoàn đã trở về. Tôi hết sức lo âu, nhưng cũng may hội ấy lại ở cùng một đường với sở hàng không nên khi xe chạy ngang ngừng lại cho tôi xuống trước cửa chùa.

Theo luật Chánh phủ Ấn, người ngoại quốc chỉ được lưu mãn, nên 3, 4 ngày sau tôi phải rời khỏi Calcutta lúc 8 giờ sáng đặng qua Tích Lan, không được đi chiêm bái mấy nơi động tâm. Đến 1 giờ trưa thì máy bay đáp xuống phi trường Madras, cách tỉnh thành 25 cây số, tôi được người rước về nghỉ tại chi ngành hội Đại Bồ Đề ở đây, cũng đông không thua gì Calcutta, dân số thành Madras có tới 6 triệu, phần nhiều là người Tamil, còn ở Calcutta thì lối 8 triệu thuộc về giống Bengali.

Sáng hôm sau mới có phi cơ bay qua đảo Tích Lan, tối được nhân viên hội Đại Bồ Đề đưa vào một nhà hàng ăn điểm tâm. Tại đây, cách trình bày nơi phòng ăn, sự tiếp khách và các thực phẩm, mỗi mỗi đều khác xứ ta, khi khách ngồi xong thì người bồi đến đặt trên bàn một miếng lá chuối rồi sớt cơm và đồ ăn mỗi món chừng vài muỗng, ai nấy đều ăn theo lối cổ điển, nghĩa là dùng tay trộn cơm và các món ăn lộn chung nhau rồi bóc từng nhúm đút vào miệng nhai ngỗm ngoãm. Ăn xong người khách liếm cả tay rồi mới đi rửa sau, tôi rất bỡ ngỡ vì không quen, nhưng cũng phải ăn theo cách bình dân ấy đặng ra phi trường cho kịp giờ.

Tới 11 giờ rưỡi trưa máy bay mới cất cánh rời khỏi địa phận Ấn Độ, bay ngang qua Ấn Độ Dương để sang Tích Lan. Một giờ rưỡi sau phi cơ đáp xuống phi trường Jeffna, ở đây sự khám xét giấy tờ và hành lý còn gắt hơn ở Ấn Độ để đánh thuế các hàng hóa nhập cảng, hành khách phải đến bác sĩ khám bịnh 3 lần, ai được phép lưu trú lâu (entered visa) đều bị thâu giấy thông hành và nhận giấy tạm 1 tuần rồi sau sẽ đến sở Tân đáo xin nhứt định thời hạn cư ngụ trong xứ. Từ Jeffna tôi phải lên một chiếc phi cơ khác đi Colombo, thủ đô của xứ Tích Lan. Trên không dòm xuống thì toàn là rừng núi xanh um và đầy dẫy những vườn dừa sum suê bao la phủ tất cả xóm làng thành thị, phong cảnh Tích Lan cực đẹp khiến người trong nước tự hào rằng đó là cõi thiên đàng.

Phi cơ vừa đáp xuống thì có bác sĩ Jayavikrama thay mặt ông Malalasekara đến rước tôi về Chùa Vajirāma an nghỉ, chùa này lớn đứng vào bực nhứt ở Colombo thuộc về phái Amarapura Nikaya, có cả thư viện cho người tới xem Kinh hoặc các tạp chí về Phật học.

Tôi quyết sang Tích Lan để nghiên cứu và học hỏi thêm về PGNT, nhưng chùa này không có trường học, nên 4, 5 hôm sau lại sang ngụ tại chùa Dhammaduta Vidyalaya ở Dematagoda cách xa đó chừng 6 cây số, nhằm lúc gần nhập hạ. Tại đây có học đường và luôn cả giáo sư về anh văn nên rất tiện, trường Phật học này có dạy 6 thứ tiếng: Pāli, Tamil, Sanscrit, Hindi, Singalese và Anh ngữ cho nhà sư dễ bề khảo cứu và đi truyền đạo khắp nơi. Vị Sư trưởng tên là Vajirañāna là một tiến sĩ khoa triết học tại Luân Đôn rất cao hạ, kiêm luôn chức giám đốc các Phật học đường trong xứ Tích Lan nên được nhiều người sùng bái, yêu vì.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app