Viếng động Ajanta

Vào bữa 1-12-1952 lúc 12 giờ trưa chúng tôi đáp tàu hỏa sang xứ Jalgoan ở xa chừng 400 cây số và tới 10 giờ sáng hôm sau thì tới nơi. Phái đoàn phải mướn autobus đi thêm 60 cây số nữa mới tới động Ajanta, từ ga Jalgoan tới tỉnh thành Bombay còn xa chừng 420 cây số.

Động Ajanta là một kỳ quan vĩ đại hiếm có trên thế gian, tất cả có 31 cái động kiến trúc liên tiếp nhau dọc theo một dãy núi, do các vị quốc vương trước kia của Ấn Độ đã tạo ra để kỉ niệm Phật giáo, có động làm đến một hoặc hai đời vua mới xong. Mỗi cái bề cao lối 14 thước, bề cao 8 hay 10 thước, có cái làm đến hai tầng toàn là đục vào trong núi, chạm trổ rất công phu mỹ thuật không thể tưởng tượng đặng. Hiện nay có rất nhiều nhà khảo cổ Âu-Mỹ-Á đến tận nơi xem xét để kinh nghiệm về cách kiến trúc chạm trổ của động Ajanta.

Trong động phần nhiều tối đen lạnh lùng khiến cho du khách có cảm giác rằng mình đang ở trong một cảnh hết sức uy nghiêm huyền diệu. Chánh phủ có làm tạm một cái máy điện cho các người đến chiêm bái hoặc các nhà khảo cổ mướn để soi sáng bên trong, muốn xem rõ những hình tượng chạm trổ trên vách đá, người khách phải dùng đèn pile và phải có phép của Chánh phủ mới được vào nhiếp ảnh thâu thập tài liệu.

Có vài cái động đã sụp đổ về phía mặt tiền, có cái làm chưa xong còn bỏ dở, công cuộc tạo tác rất công phu tốn kém, vì phải đục vào trong núi rồi lấy đá vụn đem đổ một nơi xa, không biết bao nhiêu năm mới rồi.

Bấy nhiêu đó đủ chứng tỏ sự đúng đắn của câu phương ngôn Pháp “Muốn thì được”. Vì người đời mỗi khi có đức tin mạnh mẽ với một lý tưởng hoặc một chủ nghĩa nào rồi, thì dầu phải làm cho biển cạn non mòn họ cũng không nản chí.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app