Hành Trình Sang Xứ Phật – Viếng Bồ Đề Đạo Tràng (bodh Gaya)

Viếng bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya)

Sáng hôm sau lúc 8 giờ phái đoàn lại từ giã thành Vương Xá để sang xứ Uruvela cách xa 130 cây số chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, chúng tôi tới tỉnh Gaya rồi phải đi thêm 13 cây số nữa mới tới nơi. Hội Đại Bồ Đề có xe hơi chực sẵn để rước chúng tôi về nhà trọ ở cách Bodh Gaya chừng 150 thước, nhà trọ này do hội Đại Bồ Đề sáng tạo coi rất rộng rãi mỹ thuật có thể chứa được nhiều du khách. Gần bên là một ngôi chùa Tây Tạng có 20 nhà sư Đại Thừa ở tu, tôi vào chùa thấy vô số cốt Phật, thánh thần, trống kèn, chuông mõ bề bộn như các chùa ở xứ ta, xa đó chừng 500 thước là một ngôi chùa Trung Huê với vài vị sư, và cách xa 2 cây số nữa mới đến một ngôi chùa Nguyên Thủy do các người ở Miến Điện ở để trông nom Bồ Đề tràng.

Nói về bốn chỗ động tâm thì chỉ có Bồ Đề tràng là quan trọng hơn hết, vì chính tại chỗ này Đức Thích Ca đã đắc quả Chánh đẳng Chánh giác và thường thuyết về Tứ niệm xứ kinh (Sati Pathna Sutta), theo kinh giảng thì thuở trước tại xứ này phần đông đều hành theo pháp Tứ niệm xứ nên khỏi bị sa đọa và được sanh về cõi trời sau khi thác. Nhưng hiện nay trái hẳn hầu hết người bổn xứ đều theo Hồi giáo hay Ấn Độ giáo, họ chặt cây bồ đề và đốt gốc rễ hết ba lần cốt ý làm tiêu diệt di tích của Phật giáo, tuy nhiên cây vẫn mọc như thường và bây giờ lớn khoảng hai ôm. Hơn nữa, họ tàn phá luôn cả một cái bảo tháp cao gần 50 thước do vua A Dục dựng lên hồi xưa và thỉnh thoảng lại tàn sát, đánh đập chư tăng ngoại quốc đến ở tu gần đó. Cách đây chừng mấy chục năm có 4 nhà sư Tích Lan đến ngụ trong một kiểng chùa gần đó, bị bọn Hồi giáo tuôn vào giết hết hai, ba vị, còn một vị bị trọng thương trốn thoát. Bồ Đề tràng là một di tích tinh thần cao cả của đấng Cha lành mà chẳng có một người Ấn Độ nào để ý tới.

Than ôi! Đã ngót 2.500 năm qua, xứ Ấn Độ bị thời gian thay đổi màu sắc nhiều lần, người trong xứ vì thời cuộc và hoàn cảnh nên phải chịu ảnh hưởng của ngoại đạo không nhỏ. Khởi đầu là một sự cưỡng bách tinh thần do bọn chinh phục đem vào, nhưng lần lần thành thói quen, các con cháu hiện nay đều giữ đạo của tổ tiên thuở trước như: Hồi giáo, Bà-la-môn giáo, Gia-tô giáo v.v… Rốt cuộc Phật giáo trên đất Ấn phải điêu vong, một phần lớn do sự tàn sát phá hoại của bọn xâm lăng Hồi giáo từ miền Trung Đông kéo sang từ lối thế kỷ thứ VIII sau Phật Niết-bàn. Hơn nữa, những kiểu mẫu chùa chiền và tổ chức Tăng già theo qui củ khiến cho giặc dễ nhận biết mà tàn sát phá hoại. Còn phái Bà-la-môn thì sống rời rạc không tổ chức nên dễ trà trộn với thường dân đặng lánh nạn. Trạng thái vô thường của đạo Phật trên đất Ấn hiện nay không khác gì tình cảnh đạo Gia-tô, hội thánh căn bản thì ở tại thành Rome nhưng các thánh tích về đức Christ lại còn ở Jérusalem thuộc xứ Palestine giữa các quốc độ theo Hồi giáo. Có một điều khác nhau là các tín đồ nhà Phật không hề dùng võ lực để đoạt lại những thánh tích của Đức Thế Tôn, còn nhóm Gia-tô Âu châu trong những thế kỷXIII, XIV, XV đã bao lần đem binh sang Palestine công phạt bọn Hồi giáo và Do Thái để đoạt các di tích của đức Christ, nhưng các cuộc viễn chinh đều thất bại và hao hơn 20 triệu sinh linh.

Cách đây độ 60 năm ông Dhammapala người Tích Lan tới chiêm bái Bồ Đề tràng phát tâm cảm động vì cảnh điêu vong của Phật giáo nên cố gắng sáng lập ra hội Đại Bồ Đề. Ông đã gặp biết bao trở ngại và phải nhờ tới sự can thiệp của Chánh phủ mãi tới ngày 28 Mai 1953 mới được thu hồi Bồ Đề tràng về cho các Phật tử thế giới và giao phó cho hội Đại Bồ Đề trông giữ.

Xa Đại Bồ Đề tràng chừng 200 thước thì tới sông Ni Liên (Nerañjara) nơi Đức Bồ tát xuống tắm trước khi thành đạo, trước kia nước dưới sông luôn luôn lưu thông tràn tới bờ vừa cho con quạ đậu trên đất chúi mỏ xuống uống được, nhưng hiện nay là một bãi cát trắng phau với vài dòng nước sâu tới đầu gối. Thật ra, luật vô thường đã làm cho biển cạn non mòn đến thế. Tôi cùng ít người trong phái đoàn lội qua sông rộng độ một cây số rưỡi, chỗ thì sâu, chỗ thì cạn, chỗ là bãi cát trồi lên, mới qua tới xóm của nàng Sujata đã dâng cơm trộn sữa dê cho đức Bồ tát trước khi thành đạo. Trước kia xóm này rất phồn thạnh nhưng nay chỉ còn có một trụ đá trơ trọi để làm dấu tích, lúc trở về vì trời nóng tôi liền thay y ra tắm thấy trong người khỏe khoắn lạ thường.

Chung quanh Bồ Đề tràng có nhiều tháp nhỏ thờ các vị đại A-la-hán, trước cội Bồ đề có một cái bảo tọa bằng đá chạm trổ khéo léo bề dài độ 2 thước rưỡi tây, bề ngang 1m50 do vua A Dục tạo ra để kỉ niệm nơi đức Thích Ca tĩnh tọa. Còn cái bảo tọa đầu tiên mà đức Chánh Biến Tri ngồi đắc đạo thì nay đã chìm sâu dưới quả địa cầu.

Mỗi đêm tôi đều ra một nơi thanh vắng gần đó để niệm kinh và cầu nguyện sự an vui cho tất cả chúng sanh, nhứt là các thiện tín có tâm trong sạch hộ độ tôi được đến chốn này. Vì gần tới tháng 11 nên tiết trời lạnh thấu xương, với bộ tam y mỏng manh tôi cũng ráng chống chọi với phong sương để làm tròn bổn phận.

Bỗng đâu tôi nhớ lại những lời đầu tiên của Đức Chánh Biến Tri khi vừa thành đạo như vầy: “Anekajāti saṃsāraṃ, sandhavissaṃ anibbissaṃ, gahakāraṃ gavesanto, dukkhā jāti punappunaṃ. Gahakāraka ditthosi, puna gehaṃ na kāhasi, sabbe te phāsukā bhaggā, gahakūtaṃ visaṅkhataṃ, visaṅkhāragataṃ cittaṃ, tanhānaṃ khayamajjhagāti”. Nghĩa: “Khi Như Lai chưa thành bực Đại giác và đang tìm thợ cất nhà là cái tâm ái dục mà chưa gặp đặng, thì Như Lai phải chịu sanh tử luân hồi khổ não trong vô số kiếp. Này anh thợ cất nhà, nhưng bây giờ Như Lai bắt được người rồi. Người không sao dựng lại cái nhà ngũ uẩn của Như Lai được nữa. Vì sườn nhà là phiền não ta đã bẻ gãy, cái nóc là vô minh ta cũng phá tan, Như Lai đã đắc pháp ‘Vô vi Niết-bàn’.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app