Nội Dung Chính
- CHƯƠNG 14. SỰ GIÁO HOÁ BA ANH EM ẨN SĨ VÀ MỘT NGÀN ĐẠO SĨ
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ nhất
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ hai
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ ba
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ tư
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ năm
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ sáu
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ bảy
- Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ tám, chín, mười và mười một
CHƯƠNG 14. SỰ GIÁO HOÁ BA ANH EM ẨN SĨ VÀ MỘT NGÀN ĐẠO SĨ
Sau khi đã an trú cho ba mươi vị hoàng tử Bhaddavaggī trong magga-phala bậc thấp và truyền phép xuất gia ehi-bhikkhu cho họ, Đức Phật tiếp tục lên đường và đến Uruvela.
Vào lúc ấy, ba anh em ẩn sĩ: (1) Uruvela-Kassapa (anh trưởng), (1) Nadī-Kassapa (em thứ) và (3) Gayā-Kassapa (em út), đang ngụ trong khu rừng Uruvela. Trong ba người này, Uruvela-Kassapa là vị lãnh đạo và có năm trăm đệ tử ẩn sĩ; Nadī-Kassapa có ba trăm và Gayā-Kassapa có hai trăm.
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ nhất
Đức Phật đi đến ẩn xá của đạo sĩ Uruvela-Kassapa và nói lời yêu cầu như vầy: “ Này đạo sĩ Kasspa, nếu không phiền hà cho ngươi, Như lai muốn ở lại qua đêm tại chỗ thờ lửa của ngươi.” “ Chẳng phiền hà gì,” Uruvela Kassapa đáp lại, “nhưng có điều tôi muốn báo cho Ngài là tại chỗ thờ lửa này có một vị rắn chúa rất hung dữ và hùng mạnh, có nọc độc cực mạnh gây tử vong tức thì. Tôi không muốn vị rắn chúa làm hại một vị Sa-môn như Ngài.” Đức Phật lại yêu cầu lần thứ hai rồi đến lần thứ ba. Đạo sĩ Uruvela-Kassapa cũng đáp lại như trước. ( Ông e sợ Đức Phật bị tổn hại). Đức Phật yêu cầu lần thứ tư như vầy: “ Này Kassapa, vị rắn chúa kia không thể làm hại được Như lai. Như lai yêu cầu ngươi cứ để Như lai ở lại qua đêm tại chỗ thờ lửa này.” Uruvela-Kassapa cuối cùng đồng ý: “Thưa Sa-môn, Ngài cứ an trú ở đó bao lâu tùy thích!”
Khi được sự đồng ý của Uruvela-Kassapa, Đức Phật đi vào chỗ thờ lửa, trải một tấm chiếu và ngồi kiết già trên đó, lưng thẳng và chánh niệm. Khi rồng chúa thấy Đức Phật đi vào chỗ thờ lửa, vị này giận dữ và phun khói mịt mù đến Đức Phật (với ý định hủy diệt Ngài và biến Ngài thành tro bụi).
Đức Phật suy nghĩ: “Ta sẽ vô hiệu hóa năng lực của rắn chúa bằng năng lực của ta mà không làm tổn thương đến da, thịt, gân, xương hay tủy của vị ấy!” và Ngài thổi ra những luồng khói mạnh hơn gấp bội so với những luồng khói của rắn chúa bằng cách vận dụng năng lực thần thông của Ngài, mà không làm hại hay gây tổn thương đến các bộ phận trên cơ thể của rắn chúa. Vì không thể kềm chế cơn giận dữ, rắn chúa lại thổi ra những khối lửa hung tợn. Bằng cách nhập thiền đề mục lửa (tejokasiṇa), Đức Phật cũng tạo ra những khối lửa dữ dội hơn. Khắp quanh chỗ thờ lửa rực sáng lên do những khối lửa khổng lồ được tạo ra bởi Đức Phật và rắn chúa.
Các vị đệ tử ẩn sĩ dẫn đầu do đạo sư Uruvela-Kassapa kéo đến quanh chỗ thờ lửa và sợ hãi nói rằng: “ Các huynh đệ! Vị đại Sa-môn tướng hảo rất xinh đẹp đã bị rắn chúa làm hại!” Khi đêm đã qua và ngày lại đến, Đức Phật đã nhiếp phục rắn chúa mà không làm tổn thương đến các bộ phận trên thân của nó, đã đặt nó vào trong bình bát khất thực của Ngài và cho đạo sĩ Uruvela-Kassapa xem rồi nói rằng : “ Này Kassapa! Đây là rắn chúa mà ngươi đã nói đến. Như lai đã nhiếp phục nó bằng năng lực của Như lai.” Nhân đó, Uruvela-Kassapa nghĩ rằng:
“ Vị Sa môn này quả thật có thần thông rất quảng đại vì vị ấy có khả năng nhiếp phục rắn chúa rất hung dữ và có nọc độc gây tử vong tức thì. Nhưng dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán như ta với các lậu hoặc đã diệt tận.”
Vì rất kính nể trước sự thị hiện thần thông (paṭihāriya) lần thứ nhất của Đức Phật có khả năng nhiếp phục rắn chúa, Uruvela-Kasspā nói lời thỉnh mời Đức Phật: “ Xin hãy ở lại đây, thưa ngài Đại Sa môn, tôi sẽ thường xuyên cúng dường vật thực đến ngài.”
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ hai
Sau đó, Đức Phật đến ngụ trong một rừng cây gần ẩn xá của đạo sĩ Uruvela-Kassapa. Khi canh đầu của đêm đã qua và canh giữa đến, bốn vị thiên vương (catumahārājika deva) với sắc tướng xinh đẹp, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của họ, bèn đến yết kiến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và đứng ở chỗ thích hợp như bốn đống lửa lớn ở bốn góc.
Khi đêm đã qua và trời hừng sáng, đạo sĩ Uruvela-Kassapa đi đến và hỏi Đức Phật : “ Đã đến giờ thọ thực, thưa Đại Sa môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Mời Ngài đến độ thực. Thưa Đại Sa môn ! Những vị có dung sắc rất khả ái là ai mà đến yết kiến Ngài, chiếu sáng toàn thể khu rừng vào lúc nửa đêm, sau khi đảnh lễ Ngài đứng như bốn đống lửa lớn ở bốn góc.” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa! Đó là bốn vị thiên vương cai quản bốn đại châu. Họ đến Như Lai để nghe Pháp.” Đạo sĩ Uruvela-Kassapa suy nghĩ:
“ Ngay cả bốn vị thiên vương mà cai quản bốn đại châu cũng phải đi đến vị Sa-môn này để nghe Pháp. Như vậy, vị Sa-môn này có uy lực rất dũng mãnh. Nhưng, dù vị ấy có uy lực dũng mãnh như vậy, vị ấy vẫn chưa phải bậc A-la-hán như ta với các lậu hoặc đã được diệt tận.”
Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì xảy ra trong tâm của Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền (indriya) của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của đạo sĩ đến hồi trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây, nhận lãnh vật thực do Uruvel-Kassapa dâng cúng.
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ ba
Đến đêm hôm sau khi canh đầu đã qua và canh giữa đến, Sakka, vua của chư thiên, với dung sắc khả ái, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và rực rỡ hơn cả hào quang của bốn vị thiên vương, đi đến trước mặt Đức Phật, kính cẩn đảnh lễ Ngài và đứng yên ở chỗ thích hợp như một khối lửa khổng lồ.
Khi đêm đã mãn, đến rạng sáng hôm sau, Uruvela-Kassapa đến và hỏi Đức Phật: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Thỉnh Ngài đến độ thực. Thưa ngài Đại Sa-môn ! Vị có mặt lúc nửa đêm là ai mà có dung sắc rất khả ái, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và sáng chói hơn cả hào quang của bốn vị thiên vương, và sau khi kính cẩn đảnh lễ Ngài, đứng yên ở chỗ thích hợp như khối lửa khổng lồ.” Khi Đức Phật đáp lại : “ Này Kassapa, vị ấy là Đế thích, vua của chư thiên, vị ấy đến để nghe Như Lai thuyết pháp.” Uruvela-Kassapa bèn suy nghĩ:
“ Ngay cả Sakka, vua của chư thiên, cũng đi đến vị Sa-môn này để nghe pháp. Như vậy, vị Sa-môn này quả thực có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông rất quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận giống như ta.”
Lúc bấy giờ, dầu Đức Phật biết rõ điều gì đã xảy ra trong tâm của Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ được trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây, thọ lãnh vật thực do Uruvela-Kassapa dâng cúng.
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ tư
Đến đêm sau, khi canh đầu đã qua và canh giữa đến, Phạm thiên Sahampati Brahmā, với dung sắc rất khả ái, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và rực rỡ hơn hào quang của bốn vị thiên vương và Đế Thích thiên vương, đi đến trước mặt Đức Phật, kính cẩn đảnh lễ Ngài rồi đứng yên ở chỗ thích hợp như khối lửa khổng lồ.
Khi đêm đã mãn và ngày lại đến, Uruvela-Kassapa đến và hỏi Đức Phật: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Xin thỉnh Ngài đến độ thực. Thưa ngài Đại Sa-môn ! Vị lúc nửa đêm là ai mà đến yết kiến ngài sau khi chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và rực rỡ hơn cả hào quang của Tứ đại thiên vương và Đế Thích thiên vương, và sau khi kính cẩn đảnh lễ Ngài, đứng yên ở chỗ thích hợp như một khối lửa khổng lồ.” Khi Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa! Đó là Phạm thiên Sahampati Brahmā. Vị ấy đi đến Như Lai để nghe pháp.” Uruvela Kassapa laị suy nghĩ: “ Ngay cả Phạm thiên Sahampati Brahmā phải đi đến vị Sa- môn này để nghe Pháp. Như vậy, vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông rất quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”
Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì đã xảy ra trong tâm của đại sĩ Uruvela Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ chưa đến hồi trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ được trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây, thọ lãnh vật thực do đạo sĩ Uruvela-Kassapa dâng cúng.
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ năm
Theo thông lệ của dân chúng ở hai nước Aṅga và Magadha là mỗi tháng có một ngày họ tổ chức lễ hội cúng dường vật thực đến đạo sĩ Uruvela Kassapa một cách dồi dào. Khi Đức Phật đang ngụ trong khu rừng Uruvela như vậy thì lễ hội ấy cũng sắp diễn ra. Vào buổi chiều hôm trước của lễ hội, dân chúng nấu nướng vật thực và sắm sửa những lễ vật khác để cúng dường. Rồi đạo sĩ Uruvela-Kassapa suy nghĩ: “ Lễ hội cúng dường long trọng đến ta, cũng sắp đến rồi. Khi trời rạng sáng, toàn thể dân chúng của hai nước Aṅga và Māgadha sẽ đi đến ẩn xá của ta; mang theo những lượng lớn vật thực loại cứng và loại mềm. Khi họ đến hội họp đông đủ, nếu vị Đại Sa-môn (có đại thần thông lực như vậy) mà thị hiện thần thông giữa những người ấy, thời họ sẽ tỏ sự sùng kính đến vị ấy nhiều hơn. Như vậy lợi lộc của vị ấy sẽ ngày một gia tăng. Còn ta (vì niềm tin của họ đối với ta sẽ trở nên ít hơn) nên những vật thí và lễ vật cúng dường khác sẽ ngày một giảm. Sẽ tốt thay nếu vị đại Sa-môn này đừng đến ẩn xá của ta để thọ thực vào ngày mai.”
Đức Phật biết tâm của Uruvela-Kassapa bằng tha tâm thông (cetopariya-abhiññā) của Ngài, bèn đi đến bắc, Uttarakuru và sau khi đã khất thực xong, Ngài đến ngồi độ thực ở gần hồ Anotatta trên dãy núi Hymalaya và nghỉ suốt ngày ở trong rừng cây chiên đàn gần bên bờ hồ.
(Theo bộ Mahāvaṃsa, Đức Phật tiếp tục đi đến Laṅkādīpa (Tích lan) một mình vào buổi chiều vì Ngài biết rằng đây là nơi giáo pháp (sāsana) phát triển hưng thịnh trong tương lai, và sau khi nhiếp phục các vị dạ-xoa thiên (devayakkha), Ngài trao cho vị chư thiên Sumana một nắm tóc của Ngài để tôn thờ).
Rồi vào ngày hôm sau trước khi mặt trời ló dạng, Ngài trở về khu rừng Uruvela và tiếp tục ở lại đó. Vào sáng hôm sau khi đến giờ thọ thực, Uruvela-Kassapa đi đến trước Đức Phật và nói lời tao nhã với Ngài: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng, xin mời Ngài đến thọ thực. Thưa Đại Sa-môn! Tại sao hôm qua Ngài không đến ? Chúng tôi tự hỏi không biết duyên cớ gì mà Ngài không đến. Một phần ăn đã được để dành cho Ngài.”
Đức Phật bèn nói rằng: “ Này Kassapa ! Không phải hôm qua ngươi đã nghĩ rằng: ‘ Lễ hội cúng dường long trọng đến ta cũng sắp đến rồi. Toàn thể dân chúng của hai nước Aṅga và Magadha sẽ đi đến ẩn xá của ta, mang theo những lượng lớn vật thực loại cứng và loại mềm. Khi họ đến hội họp đông đủ, nếu vị Đại Sa-môn (có đại thần thông lực như vậy) mà thị hiện thần thông giữa những người ấy, thời họ sẽ tỏ sự sùng kính đến vị ấy nhiều hơn. Như vậy lợi lộc của vị ấy sẽ ngày một gia tăng, còn ta (vì niềm tin của họ đối với ta sẽ trở nên ít hơn) nên những vật thí và lễ vật cúng dường khác sẽ ngày một giảm. Sẽ tốt thay nếu vị Đại Sa-môn này đừng đến ẩn xá của ta để thọ thực vào ngày mai.’ ”
“Này Kassapa! Như Lai biết rõ tâm của ngươi bằng tha tâm thông (cetopariya-abhiññā) của Như Lai, nên sáng hôm qua Như Lai đã đi đến cõi Bắc, Uttarakuru, và sau khi khất thực ở đó xong, Như Lai đến độ thực ở gần hồ Anotatta trên dãy núi Himalaya và ở suốt tại rừng cây chiên đàn ở bên cạnh bờ hồ.”
Uruvela Kassapa lại suy nghĩ như vầy: “ Vị Đại Sa-môn này quả thật có khả năng đọc được tư tưởng của ta. Như vậy vị ấy quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”
Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì xảy ra trong tâm của đạo sĩ Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ đến hồi trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây thọ lãnh vật thực do đạo sĩ Uruvela Kassapa dâng cúng.
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ sáu
Một ngày kia, khi cô gái nô lệ của thương gia Sena Nigāma, tên Paññā qua đời, thi thể (utujarūpa) cô được quàn trong tấm vải sợi gai và vứt trong bãi tha ma. Sau khi nhẹ nhàng vứt bỏ những sâu bọ trong tử thi, Đức Phật lấy tấm vải gai làm thành y từ tấm vải đầy bụi bặm (paṁsukūlika).
Đại địa rung chuyển dữ dội với âm thanh gầm thét như một cách hoan hỷ. Toàn bộ bầu trời cũng gầm thét với âm thanh chớp sáng và tất cả chư thiên cùng Phạm thiên tán thán ‘Sadhu!’ Đức Phật trở về nơi trú ở khu rừng Uruvela, nghĩ rằng: “Ta giặt tấm vải này ở đâu?” Sakka, vua trời Đế thích, nhận ra sự suy nghĩ của Đức Phật, tay chạm đất tạo ra (bằng thần thông của ông) một cái hồ bốn mặt, và thưa với Ngài: “Bạch Thế Tôn! Có lẽ Ngài giặt tấm vải paṁsukūlika trong cái hồ này.”
Đức Phật giặt tấm vải paṁsukūlika trong cái hồ do vua Sakka tạo nên. Vào lúc ấy, đại địa rung động, toàn thể bầu trời gầm thét và tất cả chư thiên và Phạm thiên tán thán ‘Sadhu!’ Sau khi Đức Phật giặt xong tấm vải, Ngài cân nhắc: “Ta nên nhuộm tấm vải này bằng cách trải nó lên đâu?” Sakka, hiểu Đức Phật nghĩ gì, nên thưa: “Bạch Thế Tôn! Có lẽ Ngài đặt tấm vải lên tảng đá này để nhuộm nó,” và Sakka dùng thần thông tạo ra phiến đá lớn và đặt nó cạnh hồ.
Sau khi Đức Phật nhuộm tấm vải bằng cách đặt nó lên phiến đá được Sakka tạo ra, Ngài suy xét: “Ta sẽ phơi khô tấm vải ở đâu?”Một vị thọ thần sống trên cây Kakudha, gần nơi ẩn sĩ nhận biết Đức Phật đang nghĩ gì, thưa: “Bạch Thế Tôn! Ngài hãy treo tấm vải paṁsukūlika trên cây Kakudha này” và khiến cho nhánh cây nghiêng xuống.
Sau khi tấm vải paṁsukūlika treo trên cây Kakudha đã khô, Đức Phật suy nghĩ “Ta sẽ trải tấm vải này ở đâu để làm cho nó phẳng?” Sakka, nhận được sự suy nghĩ của Đức Phật, thưa với Ngài: “Bạch Thế Tôn! Ngài có lẽ trải tấm vải lên tảng đá này làm cho nó phẳng,” và Ngài trải tấm vải lên tảng đá.
Vào lúc sáng sớm, Uruvela-Kassapa đến gặp Đức Phật và thỉnh Ngài: “Đã đến giờ ăn, thưa Ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Mời Ngài đến độ thực. Bằng cách nào, thưa Ngài? Nơi đây trước kia không có hồ bốn mặt này. Nhưng giờ nó nằm đây? Nơi đây không có hai phiến đá lớn thế này. Ai đã đem chúng đến và đặt nó ở đây? Nhánh cây Kakudha trước kia không nghiêng xuống, tại sao bây giờ nó nghiêng xuống?”
Nhân đấy, Đức Phật kể lại tất cả mọi việc từ lúc bắt đầu Ngài nhặt y paṁsukūlika, Uruvela Kassapasuy nghĩ như vầy: “Ngay cả Sakka, vua của chư thiên, đến đây và làm tất cả công việc lặt vặt cho vị Sa-môn này. Như vậy, vị Sa-môn này thật sự đầy quyền lực và thần thông. Nhưng, ngay cả Ngài đầy quyền lực và thần thông thì vẫn chưa là vị A-la-hán như ta, người mà tất cả lậu hoặc đã đoạn tận.”
Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì xảy ra trong tâm của đạo sĩ Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ đến hồi trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây thọ lãnh vật thực do đạo sĩ Uruvela-Kassapa dâng cúng.
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ bảy
Khi buổi sáng đến, Uruvela-Kassapa đi đến Đức Phật và thỉnh mời Ngài, nói rằng: “ Đã đến giờ ăn, thưa Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Mời Ngài đến độ thực!” Đức Phật nói rằng: “ Này Kassapa! Hãy đi trước, Như Lai sẽ theo sau”. Sau đó, Đức Phật đi đến cây táo hồng (jambu) ở chót đỉnh của đảo Jambudīpa, và đem theo trái táo hồng, Ngài trở về trước Uruvela-Kassapa và ngồi yên tại chỗ thờ lửa của Uruvela-Kassapa.
Uruvela-Kassapa trông thấy Đức Phật đi sau nhưng đã đến tại chỗ thờ lửa trước vị ấy, và đang ngồi ở đó, bèn hỏi Đức Phật: “ Thưa Ngài Đại Sa-môn, tôi đã đi trước Ngài, Ngài đi sau tôi, vậy mà Ngài đã đến tại chỗ thờ lửa trước tôi và đang ngồi ở đây. Thưa Ngài Đại Sa- môn, Ngài đã đến bằng con đường nào?” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa, sau khi Như Lai bảo ngươi đi trước, Ta đi đến cây táo hồng ở trên chót đỉnh của đảo Jambudīpa và đem theo trái táo hồng, Ta trở lại trước ngươi và đang ngồi yên tại chỗ thờ lửa. Này Kassapa, trái táo hồng này có màu sắc, mùi và vị ngon ngọt. Hãy ăn nó đi nếu người muốn.” Rồi Uruvela Kassapa đáp lại: “ Thưa Đại Sa-môn ! Được rồi ! Ngài là người xứng đáng dùng trái táo ấy. Ngài nên dùng nó.” Uruvela Kassapa lại suy nghĩ như vầy: “Sau khi bảo ta hãy đi trước, vị Sa-môn đi đến cây táo hồng ở trên chót đỉnh của đảo Jambudīpa và đem theo trái táo hồng vị ấy đã trở lại trước ta và ngồi yên ở chỗ thờ lửa. Như vậy, vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”
Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ tám, chín, mười và mười một
Vào sáng hôm sau, khi Uruvela-Kassapa đi đến Đức Phật và thỉnh mời Ngài: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn! Bữa ăn đã sẵn sàng. Xin mời ngài đến thọ thực!”. Đức Phật bảo vị ấy đi trước và nói rằng: “ Này Uruvela-Kassapa ! Ngươi hãy đi trước. Như Lai sẽ theo sau”, và rồi
a) Ngài đi đến cây xoài gần cây táo hồng ở trên chót đỉnh của Jambudīpa và mang về trái xoài…
b) Ngài đi đến cây amataka gần cây táo hồng trên chót đỉnh của Jambudīpa và mang về trái amataka…
c) Ngài đi đến cây haritaka vàng gần cây táo hồng trên chót đỉnh của Jambudīpa và đem về trái haritaka vàng …
d) Ngài đi đến cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) và sau khi mang về một bông hoa san hô, Đức Phật trở lại trước Uruvela-Kassapa và ngồi yên ở chỗ thờ lửa của Uruvela-Kassapa .
Khi thấy Đức Phật đi sau vị ấy nhưng đã đến chỗ thờ lửa trước vị ấy và đang ngồi ở đó, Uruvela Kassapa bèn hỏi Đức Phật: “ Thưa ngài Sa-môn ! Dù tôi đi trước ngài, Ngài đi sau tôi nhưng lại đến trước tôi và đang ngồi ở đây. Thưa ngài Sa-môn, Ngài đã đến bằng con đường nào?” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa, sau khi Như Lai bảo ngươi đi trước, Như Lai đã đến cõi Tāvatiṃsa và đem về một bông hoa san hô, Ta trở về trước ngươi và ngồi tại chỗ thờ lửa. Này Kassapa, hoa san hô này có sắc đẹp và hương thơm. Hãy lấy nó nếu người muốn.” Uruvela-Kassapa đáp lại: “Được rồi! Thưa Đại Sa- môn! Ngài là người đáng được bông hoa san hô ấy. Ngài hãy lấy nó.”
Lại nữa, Uruvela-Kassapa suy nghĩ như vầy: “Sau khi bảo ta hãy đi trước, vị Sa-môn này đã đi đến cõi Tāvatiṃsa và đem về bông hoa san hô, trở về trước ta và ngồi tại chỗ thờ lửa. Như vậy, vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”