Nội Dung Chính
- CHƯƠNG 12. YASA, CON TRAI VỊ ĐẠI THƯƠNG NHÂN TRỞ THÀNH TỲ KHƯU
- (1) Dāna-kathā (Bố thí thoại)
- (2) Sīla-kathā (Trì giới thoại)
- (3) Sagga-kathā (Sanh thiên thuyết)
- (4) Magga-kathā (Đạo luận)
- Kāmānaṃ Ādīnava-kathā & Nekkhamme Ānisaṁsa-kathā
- Yasa trở thành bậc Dự lưu (Sotāpanna)
- Cha của Yasa trở thành bậc Dự lưu – Sotāpanna
- Yasa trở thành bậc A-la-hán
- Cha của Yasa thỉnh Đức Phật cùng với Yasa về nhà thọ thực
- Yasa xuất gia tỳ khưu
- Mẹ và vợ cũ của Yasa trở thành những bậc Dự lưu (Sotāpanna)
- Năm mươi người bạn của Yasa xuất gia Sa-môn
- Những thiện nghiệp trong quá khứ của đại đức Yasa và năm mươi bốn người bạn
CHƯƠNG 12. YASA, CON TRAI VỊ ĐẠI THƯƠNG NHÂN TRỞ THÀNH TỲ KHƯU
Đức Phật an cư kiết hạ ở vườn Nai Isipatana gần Bārāṇasī sau khi Ngài thuyết giảng hai bài kinh Dhammacakka-pavattana và Anattala-kkhaṇa đến nhóm năm vị tỳ khưu và bài kinh Nālaka đến đại đức Nālaka, đem lại cho họ sự giải thoát. Nơi đó có một vị thiện nam tử tên là Yasa, con trai nàng Sujāta ở Sena Nigama, vợ của vị đại thương nhân của kinh thành Bārāṇasī (người đã dâng món cơm sữa đến Đức Phật khi Ngài sắp thành đạo). Yasa là người không những có bản tánh hiền lành, ăn nói nhã nhặn, khiêm tốn mà còn có của cải to lớn và đông đảo tùy tùng.
Chàng quí tử của vị đại thương nhân này có ba cung điện: một để ngụ trong mùa đông, một để ngụ trong mùa hè và cung điện thứ ba dùng để ngụ trong mùa mưa. Bấy giờ đang vào mùa mưa (khi ấy Đức Phật đang an cư kiết hạ ở khu vườn Nai), Yasa đang ngụ trong cung điện thích hợp với mùa ấy. Bốn tháng mùa mưa, vị ấy sống giữa những ca nữ chuyên về âm nhạc và múa hát. Vị ấy là người đàn ông duy nhất trong toàn thể cung điện ấy. Tất cả những người làm công, người gác cổng và người hầu đều là nữ nhân, Yasa chỉ ở trong cung điện ấy thọ hưởng vinh hoa phú quý rất sung mãn mà chẳng bước xuống khỏi cầu thang. (Vị đại thương nhân, cha của Yasa nuôi ý nghĩ rằng: “ Con trai của ta đang thọ hưởng vinh hoa, phú quý như thế sẽ không khởi tâm lo lắng vì trông thấy bất cứ người đàn ông nào.” Ông ta đã cắt cử toàn nữ nhân để làm tất cả mọi công việc bên trong cung điện này).
Một hôm, trong lúc thọ hưởng ngũ dục giữa những nữ nhân đang đàn ca múa hát, Yasa mơ màng ngủ thiếp đi. Vì thấy rằng chủ nhân đã ngủ, không cần thiết phải hầu hạ phục vụ, các ca nữ cũng lăn ra ngủ, một số nằm ôm ghì những nhạc cụ của họ, một số kê đầu lên chúng để làm gối. Bên trong cung điện, những ngọn đèn dầu thơm cháy sáng lung linh suốt đêm.
Rồi Yasa bỗng thức dậy trong khi mọi người vẫn còn ngủ say, vị ấy trông thấy cảnh tượng các nữ nhân đang nằm ngủ giống như bãi tha ma, một số ôm ghì những cây đàn hạc, một số còn mang trên vai những cái trống muyo, một số ôm vào những cái trống pharsi, một số nằm để tóc xoả rối bù, một số nằm miệng chảy đầy nước miếng và số còn lại người thì ngáy khò khò, kẻ thì mớ lảm nhảm. Trông thấy họ, bản chất nhờm gớm (ādīnava) của ngũ dục, hiện rõ trước mắt vị ấy. Như vậy, cảm giác nhàm chán và ghê sợ ngũ dục dần dần tăng lên trong Yasa.
Nhân đó, vì quá kinh cảm (saṁvega), Yasa bèn thốt lên cảm hứng kệ sau đây: “ Upaddhutaṁ vata bho ! Upassatthaṁ vata bho ! – Ôi, tất cả những phiền não đang làm tổn thương và đè nặng cái thân khốn khổ, khối đau khổ to lớn này bao gồm chính bản thân ta !”
Chàng Yasa (vì tâm đã trở nên nhàm chán các dục lạc), bèn rời khỏi giường ngủ (mà không cho một ai hay biết), mang vào đôi giày vàng và rời khỏi cung điện. Khi đến cửa chính, vị ấy ra khỏi nhà một cách dễ dàng vì chư thiên đã mở cửa sẵn rồi, ý muốn rằng: “ Không để bất cứ ai ngăn cản con đường xuất gia của Yasa.” Cũng thế, chư thiên giữ cổng thành phố cũng mở cửa để sẵn, do đó Yasa rời khỏi thành phố một cách dễ dàng mà chẳng gặp bất cứ chướng ngại nào và tiếp tục ra đi, cuối cùng vị ấy đến rừng Nai gần thành Bārāṇasī vào lúc sáng sớm.
Trông thấy Đức Phật từ xa, Yasa bèn đi đến và khi đến gần Đức Phật, vị ấy cũng thốt lên câu kệ mà vị ấy đã thốt ra trước đó.
Nhân đó, Đức Phật đón chào và sách tấn Yasa như vầy: “ Này Yasa con, Pháp về Niết bàn mà Như Lai biết không một loại phiền não nào làm tổn thương và áp lực được. Này Yasa con, hãy đến và ngồi xuống đây ! Như Lai sẽ dạy cho con giáo pháp dẫn đến Niết bàn.” Nhân đó, Yasa cảm thấy phấn chấn và hân hoan khi nghĩ rằng : “ Pháp Niết bàn này mà Đức Phật đã chứng đắc là pháp thoát khỏi các loại phiền não”. Sau khi cởi đôi giày vàng ra khỏi chân, Yasa đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở chỗ phải lẽ.
Nhân đó, Đức Phật dạy cho Yasa tuần tự các pháp hành dẫn đến Đạo Quả (magga-phala): (1) Pháp bố-thí – Bố thí thoại (dāna- kathā), (2) Giới pháp – Trì giới pháp (sīla-kathā), (3) Pháp nói về thiện thú như các cõi trời – Sanh thiên thuyết (saga-kathā), (4) Pháp dẫn đến chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn – Đạo luận (magga-kathā).
(1) Dāna-kathā (Bố thí thoại)
Dāna-kathā, Pháp liên quan đến bố thí: Dāna là nguyên nhân của hạnh phúc trong kiếp hiện lại, kiếp tương lai và Niết bàn. Dāna là nguyên nhân chính của tất cả các loại dục lạc trong cõi nhân loại và chư thiên. Dāna cũng là nguồn gốc của các vật dục (ārammaṇa- vatthu) và an lạc do những vật dục này đem lại. Vì có những rủi ro, bất hạnh thường xảy ra trong cuộc sống, nên dāna chính là vị thần hộ mạng, là chỗ nương náu an toàn. Trong kiếp sống hiện tại cũng như ở kiếp mai sau, không có cái gì bảo vệ, làm chỗ nương náu an toàn hơn dāna.
Thật vậy, Dāna giống như chiếc ghế có đầu sư tử được cẩn ngọc để ngồi, như đại địa để đứng, như sợi dây thừng để người mù nắm. Lại nữa, Dāna giống như chiếc thuyền để vượt qua bể khổ (apāyabhūmi-duggati), Dāna giống như vị nguyên soái dũng cảm giữa trận mạc có thể ngăn chặn hoặc làm bớt đi nguy hiểm của kẻ thù như tham (lobha), bỏn xẻn (macchariya), v.v… Dāna giống như một thành phố được canh phòng cẩn mật vì có thể bảo vệ tránh khỏi nghèo đói. Dāna cũng giống như hoa sen (paduma) không bị ô nhiễm bởi các bất thiện pháp (akusala) như ganh tỵ (issā), bỏn xẻn (macchariya). Dāna cũng giống như ngọn lửa thiêu đốt các bất thiện pháp như issā và macchariya. Dāna cũng giống như con rắn độc vì các kẻ thù bất thiện pháp khó có thể đến gần nó. Dāna cũng giống như sư tử chúa vì người bố thí không bị sợ hãi. (Người bố thí không cần phải sợ bất cứ loại kẻ thù nào trong kiếp hiện tại này, nói gì đến kiếp sau). Do có sức mạnh to lớn, nó giống như con voi lớn. (Người bố thí có được nhiều bạn tốt trong kiếp hiện tại này, người ấy cũng có sức mạnh của thân và tâm trong kiếp sau). Dāna cũng giống như con bò chúa (usabha) thuần trắng vì nó được những bậc trí xem là biểu tượng của kiết tường đem lại sự thịnh vượng đặc biệt và vô cùng trong kiếp hiện tại lẫn kiếp sau. Dāna cũng giống như vua của loài phi mã (valāhaka sindhava) vì nó có thể chở một người đi từ ác địa có bốn điều bất hạnh (vipatti) đến chỗ an lành có bốn điều hạnh phúc (saṁpatti).
Pháp bố thí này cũng là con đường thánh thiện và chân chánh mà Như Lai đã đi qua. Như Lai đã từng thực hành những pháp đại thí như trong những kiếp sanh làm Velama, Mahāgovinda, Mahāsudassana và Vessantara khi Như Lai thực hành và viên mãn các pháp Ba-la-mật. Trong kiếp Như Lai sanh làm con thỏ có giới đức, Như Lai đã hoàn toàn làm thỏa mãn người xin bằng cách cho cả thân mạng của mình trong đống lửa đang cháy. (Ở đây, Sakka, vua của chư thiên, luôn chú ý sự can đảm của con thỏ đầy trí tuệ, tức Bồ tát, nó hành động bố thí mà không chút nao núng. Do đó, Đức Phật mới nói rằng: “ Như Lai đã hoàn toàn làm thỏa mãn người xin.” Là cách nói gián tiếp (vaṅkavutti) ám chỉ sự suy xét của Sakka về hành động dũng cảm của Bồ tát trong dāna. Ở đây, câu nói: “ Bằng cách bố thí cả thân mạng của Như lai”, Đức Phật đã cho lời khuyến giáo như vầy: “ Chư Bồ tát đã cho đi cả thân mạng của họ, sau khi biết rất rõ về việc phước của sự bố thí. Như vậy, liệu các bậc trí tuệ có luyến ái vật ngoài thân (bāhira-vatthu) không ? Chắc chắn không.”)
“Hơn nữa, phước của sự bố thí có khả năng giúp thành tựu địa vị một Đế thích, địa vị một Ma vương, Phạm thiên và Chuyển luân vương trong cõi hiệp thế. Nó cũng có khả năng giúp chứng đắc Tuệ giác (Bodhiñāṇa) của vị Thinh văn (sāvaka), vị Phật Độc giác và của Đức Phật Toàn giác.”
Đức Phật đã giảng dạy pháp dāna đến Yasa, con trai vị đại thương nhân, theo cách như thế.
(2) Sīla-kathā (Trì giới thoại)
(Bởi vì chỉ những người thực hành dāna mới có thể trì giới, nên Đức Phật dạy Trì giới thoại (sīla-kathā) ngay sau Bố thí thoại (dāna- kathā). Giải rõ: Dāna là cho đi tài sản, của cải của chính mình vì lợi lạc của người thọ thí hoặc để tôn kính cúng dường họ. Đúng như vậy, người thực hành bố thí là con người cao quý thực sự mong mỏi lợi lạc của chúng sanh và không có lý do gì để người ấy giết hại kẻ khác hoặc trộm cắp tài sản của kẻ khác. Và vì vậy, chỉ có người thực hành dāna mới có thể thọ trì giới nên pháp thoại về sīla được giảng dạy ngay sau dāna-kathā).
Sīla-kathā, Pháp đến trì giới : “Sīla là thiện nghiệp để chúng sanh nương trú, gắn bó, để được bảo vệ, che chở, để tìm đến và nương tựa. Trì giới là pháp mà Như lai đã thực hành. Như lai đã thọ trì và gìn giữ nó không chút sứt mẻ và gián đoạn trong vô số kiếp như kiếp sanh làm Long vương Saṅkhapāla, Long vương Bhuridatta, Long vương Campeyya, Vua Sīlava, Tượng vương Mātuposaka, Tượng vương Chaddanta, v.v…
Thực vậy, vì lợi lạc của kiếp hiện tại và kiếp sau, không có pháp nào để nương tựa, gắn bó, để được bảo vệ, che chở như sīla. Không có vật trang sức nào sánh bằng vật trang sức của sīla; không có loại hoa nào sánh bằng hoa của sīla; không có hương thơm nào sánh bằng hương thơm của sīla. Hơn nữa, tất cả nhân loại và chư thiên đều không biết chán khi nhìn ngắm người có trang điểm hoa của sīla, có mùi hương của sīla và trang điểm những vật trang sức của sīla.
Như vậy, Đức Phật đã thuyết giảng đến Yasa, con trai vị đại thương nhân, về pháp liên quan đến sīla.
(3) Sagga-kathā (Sanh thiên thuyết)
(Để cho thấy rằng hạnh phúc ở cõi chư thiên là kết quả của sự trì giới, Đức Phật dạy Pháp liên quan đến cõi trời ngay sau bài pháp về sīla-kathā).
Sagga-kathā, pháp nói về cõi chư thiên. Cõi chư thiên được mọi người ưa thích và kính ngưỡng. Nó hấp dẫn và làm phấn chấn tất cả mọi người. Trong cõi chư thiên, người ta thường xuyên có hỉ là lạc. Chư thiên ở cõi Tứ Thiên vương (Catumahārājika) thọ hưởng khoái lạc trong chín triệu năm theo cách tính ở cõi người. Chư thiên ở cõi Ba-mươi-ba (Tāvatiṁsa) hưởng khoái lạc suốt ba mươi sáu triệu năm.
Theo cách này, Đức Phật đã thuyết giảng đến Yasa, con trai vị đại thương nhân, về pháp liên quan đến sự an lạc của cõi chư thiên. Thực ra, sự hỷ lạc thiên rất lớn đến nỗi Đức Phật không thể mô tả hết qua sự thuyết giảng.
(4) Magga-kathā (Đạo luận)
Sau khi thuyết giảng về sự an lạc của cõi trời, Đức Phật thuyết ngay về Đạo luận (magga-kathā), pháp liên quan đến thánh đạo – ariya-magga, để cho thấy rằng ngay cả hỷ lạc thiên cũng luôn luôn bị lấn áp bởi các phiền não (kilesa) như tham ái (rāga), và để cho thấy rằng vì thánh đạo (ariya-magga) hoàn toàn thoát khỏi kilesa. Bởi vậy, để giảng dạy về magga-kathā, trước hết Đức Phật dạy về những điều bất lợi của ngũ dục (kāmānaṁ ādīnava-kathā) bắt đầu bằng Sa-môn hạnh (nekkhamme ānisaṁsa-kathā) dẫn đến sự xuất ly ngũ dục (kāmaguna) và đến cứu cánh Niết bàn. Như vậy kāmānaṃ ādīnava- kathā và nekkhamme ānisaṁsa-kathā hình thành phương tiện để chứng đắc thánh đạo.
Đức Phật, sau khi làm phấn chấn tâm của Yasa, con trai vị đại thương nhân, bằng bài pháp liên quan đến thiên lạc (như một người trang sức cho một con voi lớn hết sức xinh đẹp, rồi thình lình cắt đứt cái vòi của nó), Ngài bèn dạy Yasa như sau: “ Cái gọi là hỷ lạc của chư thiên ở đây cũng có đặc tánh vô thường (anicca), có đặc tánh không bền vững (addhuva). Ngươi không nên ham muốn và luyến ái loại hạnh phúc như vậy. Các vật dục thực ra nhiều khổ ít lạc. Khoái lạc của ngũ dục ít oi như hạt cải, nhưng khuyết điểm của chúng thì to lớn như núi Meru (Tu di).”
(Như đã suy xét và thấy rõ vào lúc Ngài từ bỏ thế gian), Đức Phật đã giải thích cặn kẻ những khuyết điểm của dục lạc, về trạng thái thấp hèn của dục lạc mà những kẻ thiếu trí hằng bám chấp, nhưng bậc trí tuệ thì không; và bằng cách này chúng sanh khổ đau do dục đem lại.
Vì có nhiều khuyết điểm trong các dục lạc, Đức Phật cũng giải thích về phước báu do sự vắng mặt những khuyết điểm này và sự giảm thiểu đau khổ do sự xuất gia (nekkhamma) đem lại, bắt đầu bằng đời sống xuất gia và kết thúc trong Niết bàn giải thoát).
Yasa trở thành bậc Dự lưu (Sotāpanna)
Sau khi thuyết pháp về dāna và những đức tính khác đến Yasa, Đức Phật biết rằng tâm của Yasa đã trở nên vững chắc, nhu nhuyến, thích ứng, thoát khỏi năm triền cái, đầy hân hoan, vui sướng và trong sáng, thế nên Ngài thuyết bài Pháp đầu tiên mà Ngài khám phá (Samukkaṁsika dhamma) về Tứ Diệu Đế: Khổ đế (Dukkha-sacca), Tập đế (Samudaya-sacca), Diệt đế (Nirodha-sacca) và Đạo đế (Magga-sacca).
(Giải thích: Sau khi Đức Phật thuyết pháp tuần tự đến Yasa bắt đầu bằng Bố thí thoại (Dāna-kathā), thì dòng tâm của Yasa được vắng lặng các pháp ô nhiễm như bất tín, giải đãi, bất tỉnh giác, phóng dật và hoài nghi; và Yasa ở trong tâm trạng sẵn sàng lãnh hội giáo pháp thâm sâu về Tứ diệu đế. Nhờ thoát khỏi các pháp ô nhiễm như tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), v.v… tâm của vị ấy trở nên nhu nhuyến và dễ thích ứng như vàng ròng jambu-nada. Tâm ấy đã vắng lặng năm triền cái. Tâm ấy tràn đầy hoan hỉ thắng hỉ (pīti-pāmojja) trong Đạo dẫn đến Niết bàn. Do có niềm tin (saddhā), tâm của vị ấy rất trong sáng. Chỉ khi ấy Đức Phật mới dạy cho Yasa giáo pháp thâm sâu về Tứ diệu Đế theo phương pháp mà chỉ có chư Phật mới ứng dụng theo đúng sở thích và căn tánh của chúng sanh để giúp họ có khả năng chứng đắc Đạo Quả – magga-phala).
Sự giảng dạy như vậy, giống như một tấm vải giặt sạch sẽ thấm đều màu thuốc nhuộm như màu vàng, màu đỏ, v.v… và trở nên tươi sáng, cũng vậy Pháp Nhãn minh (Dhamma-cakkhu-vijja), tức là Dự lưu đạo tuệ (sotāpatti-magga), khởi sanh tức thì và rõ rệt trong dòng tâm của Yasa, vì vị ấy đã nhiếp tâm vào Diệt Đế (Nirodha-sacca), Niết bàn, và đã đoạn tận ô nhiễm như tham (rāga), v.v… vì vị ấy đã đoạn diệt hoàn toàn tà kiến (diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā) và phiền não (kilesa) dẫn đến các khổ cảnh, vì vị ấy đã biết chắc rằng “ Tất cả các pháp hữu vi đều phải hoại diệt và biến mất”, và vì vị ấy có Tuệ quán nhạy bén (Vipassanā-ñaṇa) và khả năng chứng ngộ nhanh chóng (Sukkha-paṭipadā-khippabhiññā). Tóm lại, Yasa đã trở thành bậc thánh Nhập lưu – Sotāpaññā.
(Ở đây, nếu người thợ nhuộm tấm vải dơ và lấm bụi trong nước nhuộm màu vàng, màu đỏ, v.v… thì không hiệu quả vì nước nhuộm sẽ không bám vào tấm vải như vậy. Cũng thế, nếu tâm của chúng sanh bị lấm dơ bởi các triền cái như dục ái, sân hận, v.v… mà được nhúng trong nước nhuộm Tứ Diệu Đế thì sẽ không có kết quả như mong muốn, không có kết quả bền lâu. Nếu người thợ sau khi tẩy sạch tấm vải dơ, bằng cách để nó trên một tảng đá, dội nước lên nó, và thoa xà phòng, phân bò và tro vào những chỗ bẩn rồi giặt sạch; sau đó nhuộm nó trong bất cứ nước màu nào mà anh ta muốn, kết quả là tấm vải được nhuộm sẽ có màu sắc mới tươi sáng. Như thế ấy, Đức Phật cũng làm cho dòng tâm của Yasa, trước kia bị lấm đầy bụi kilesa, được trong sạch và thoát khỏi các triền cái (nivārana-kilesa) bằng cách đặt nó trên tảng đá tuần tự Pháp (anupubbi-kathā) và tưới lên nó nước sạch của đức tin (saddhā) và giũ giặt nó bằng niệm (sati), định (samādhi) và tuệ (paññā) của vị ấy. Sau đó, khi tấm vải tâm của Yasa được nhuộm màu của Pháp Tứ đế, tức là khi Pháp Tứ đế được thuyết giảng thì Dự lưu đạo tuệ (sotāpatti-magga-ñāṇa) khởi sanh trong tâm của Yasa. Tức là nước nhuộm của Pháp Tứ đế thấm sâu vào tâm của Yasa mà không ai có thể tẩy được.
Cha của Yasa trở thành bậc Dự lưu – Sotāpanna
Khi trời vừa rạng sáng, mẹ của Yasa, bà Sujātā thức dậy ra khỏi giường và đi đến nơi ở của Yasa và nhìn quanh. Không nhìn thấy con trai, bà lo lắng và đi đến vị đại thương nhân, cha của Yasa và nói với chồng rằng : “ Ông ơi, tôi không nhìn thấy con trai Yasa của ông đâu cả.” Nhân đó, người cha vội vàng sai những người cỡi ngựa lão luyện tỏa đi khắp bốn hướng để tìm kiếm, còn ông ta thì đi về hướng khu rừng nai Isipatana và, trên đường đã tìm thấy dấu giày của Yasa, ông đi theo những dấu giày này.
Đức Phật trông thấy cha của Yasa từ xa và nghĩ rằng: “ Lành thay, Ta dùng thần thông che khuất Yasa để người cha không nhìn thấy cậu con trai” và Ngài đã khiến người cha không nhìn thấy đứa con trai.
Vị đại thương nhân đi đến trước mặt Đức Phật và nói với Ngài rằng : “ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có nhìn thấy đứa con trai Yasa của con ở đâu không?” Nhân đó, Đức Phật đáp lại rằng: “ Này ông đại thương nhân, nếu muốn gặp con trai thì hãy ngồi xuống nơi đây. Khi ông đang ngồi ở đây, ông có thể thấy con trai đang ngồi bên cạnh ông.”
Nhân đó, vị thương nhân vui sướng nghĩ rằng: “ Ta sắp gặp đứa con trai Yasa ngồi gần bên ta trong khi ta đang ngồi ở đây.” Và sau khi đảnh lễ Đức Phật, ông ta ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Trong khi ông ta ngồi như vậy thì Đức Phật dạy pháp tuần tự cho ông ta như đã dạy cho Yasa: (1) Bố thí thoại (dāna-kathā), (2) Trì giới thoại (sīla-kathā), (3) Sanh thiên thoại (sagga-kathā), (4) Đạo thuyết (magga-kathā). Khi Đức Phật biết tâm của vị đại thương nhân đã trở nên thích ứng, nhu nhuyến, không còn triền cái, được hưng phấn, hoan hỉ và trong sáng, Ngài thuyết pháp Tứ diệu đế mà Ngài đã khám phá, và vị đại thương nhân được an trú trong quả thánh sotāpanna. (Cha của Yasa, vị trưởng giả, là vị thiện nam đầu tiên chứng đắc quả thánh sotāpanna trong giáo pháp của Đức Phật).
Rồi cha của Yasa bạch với Đức Phật như vầy: “ Vui sướng thay, bạch Đức Thế Tôn ! Vui sướng thay, bạch Đức Thế Tôn ! Giống như một vật được đặt xuống sau khi đã lật ngược nó, như một vật được đóng lại từ lâu nay được mở ra, như người lạc đường được dắt ra khỏi khu rừng rậm, như ngọn đèn được thắp sáng trong bóng đêm với ý nghĩ rằng: ‘ những ai có mắt có thể nhìn thấy sự vật’, Đức Phật đã dạy cho con về pháp bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Xin Đức Thế Tôn hãy nhận con là thiện nam quy y Tam bảo từ nay cho đến trọn đời!” Sau đó vị ấy thực hiện sự quy y của bậc thánh.
Yasa trở thành bậc A-la-hán
Ngay khi Đức Phật đang thuyết pháp đến người cha, thì người con trai Yasa chứng đắc ba đạo bậc cao và trở thành vị A-la-hán qua sự thiền quán về Tứ diệu đế theo đúng trình tự của pháp hành mà vị ấy đã biết từ khi chứng Dự lưu đạo (sotāpatti-magga). Như vậy, Yasa đã hoàn toàn thoát khỏi ái luyến đối với tất cả các pháp vì đã đoạn trừ ái dục và tà kiến (taṇhā-diṭṭhi) như : ‘Ta’, ‘của ta’và hoàn toàn thoát khỏi các lậu hoặc (āsava) vì chúng đã không còn sanh khởi.
Cha của Yasa thỉnh Đức Phật cùng với Yasa về nhà thọ thực
Rồi Đức Phật thâu lại thần thông mà Ngài đã tạo ra để ngăn che hai cha con không nhìn thấy nhau, Ngài nghĩ rằng: “ Do các lậu hoặc (āsava) đã diệt tắt, thiện nam tử Yasa quả thật đã trở thành vị A-la- hán. Vị ấy sẽ không rơi trở lại cuộc đời của những gia chủ và không bao giờ đắm chìm trong dục lạc như trước kia. Quả thật vậy, lành thay nếu Ta thâu lại thần thông đã ngăn che hai cha con không nhìn thấy nhau”, Ngài chú nguyện để họ nhìn thấy nhau.
Bất chợt nhìn thấy đứa con trai ngồi cạnh mình, người cha rất vui sướng và nói với con trai như vầy: “ Này Yasa con ! Mẹ của con rất lo lắng, sầu khổ và đang khóc than. Hãy cứu lấy mạng sống của mẹ con!”
Nhân đó, Yasa (không đáp lại lời cha) mà nhìn lên Đức Phật, Đức Phật hỏi vị đại thương nhân như vầy: “ Này ông phú hộ, ông nghĩ như thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi ông bây giờ đây? Người đã chứng ngộ Tứ Diệu Đế bằng trí tuệ của bậc hữu học (sekha-ñāṇa), như ông đã tự mình chứng ngộ sotāpatti-magga, và sau khi quán xét và chứng ngộ Tứ Diệu Đế qua quá trình thực hành mà vị ấy đã biết từ khi chứng đắc sotāpatti-magga, vị ấy đã lần lượt chứng đắc ba đạo bậc cao và trở thành vị A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) đã diệt tắt. Người đã trở thành bậc A-la-hán liệu có rơi trở lại đời sống của vị gia chủ và đắm chìm trong dục lạc như trước kia nữa không?” Vị đại thương nhân đáp lại: “ Thưa không, bạch Thế Tôn.”
Lần nữa (để giải thích rõ hơn những lời của Ngài), Đức Phật nói với vị đại thương nhân như vầy: “ Này ông phú hộ, đứa con trai Yasa đã thông đạt Tứ Diệu Đế bằng hữu học trí (sekkhañāṇa), giống như ông đã tự mình chứng đắc sotāpatti-magga (ngay trước khi ông đến đây), và sau khi quán xét, chứng ngộ Tứ Diệu Đế qua quá trình thực hành mà vị ấy đã biết từ khi chứng đắc sotāpatti-magga, vị ấy đã lần lượt chứng đắc ba đạo bậc cao và trở thành vị A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) đã được đoạn tận. Này ông phú hộ, thiện nam tử Yasa sẽ không bao giờ rơi trở lại đời sống của vị gia chủ và đắm say trong dục lạc như trước kia nữa.” Nhân đó, vị đại thương nhân nói rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, vì tâm của Yasa đã hoàn toàn thoát khỏi luyến ái đối với tất cả các pháp do ái dục và tà kiến như ‘Ta’, ‘của Ta’ đã được đoạn tận, và đã thoát khỏi các lậu hoặc, Yasa đã đạt được hạnh phúc và lợi đắc và vị ấy cũng có đầy đủ lợi ích trong kiếp làm người của mình. Bạch Đức Thế Tôn! Để con có được phước báu và hoan hỉ, cầu xin Ngài bi mẫn đến nhà con thọ thực và cho phép Yasa theo cùng.” Khi được thỉnh mời như vậy, Đức Phật im lặng nhận lời.
Khi biết rõ Đức Phật đã nhận lời thỉnh mời, sau khi đảnh lễ Đức Phật và đi quanh Ngài ba vòng để tỏ sự tôn kính, vị đại thương nhân trở về nhà
Yasa xuất gia tỳ khưu
Sau khi vị đại thương nhân ra về, thì Yasa, đảnh lễ Đức Phật và xin phép xuất gia: “ Bạch Đức Thế Tôn, con xin thọ pháp xuất gia (pabajja) và cụ túc giới (upasaṁpadā) trước sự hiện diện của Ngài.” Đức Phật duỗi cánh tay của Ngài ra và gọi đến như vầy: “ Ehi Bhikkhu! Svākhāto Dhammo; cara Brahmacariya sammā dukkhassa, antarikiyāya – Hãy đến, này tỳ khưu! Hãy thọ pháp xuất gia và cụ túc giới mà con đã thỉnh cầu. Pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng. Hãy cố gắng thọ trì những pháp hành của bậc thánh trong giáo pháp của Như Lai cho đến khi đạt đến viên tịch tử tâm (parinibbāna- cuticitta).” Ngay khi Đức Phật vừa nói xong thì thiện nam tử Yasa bỗng trở thành vị tỳ khưu cụ túc như vị trưởng lão sáu mươi hạ với đầy đủ y phục và tám món vật dụng do thần thông (iddhimayaparikkharā) tạo ra, mỗi thứ đều ở đúng chỗ của nó. Khi ấy Yasa ở trong tư thế đang đảnh lễ Đức Phật (Câu nói “Ehi bhikkhu” của Đức Phật đã tác thành sự xuất gia của đại đức Yasa. Không cần thiết phải thực hiện những nghi thức xuất gia trong chỗ Tăng sự như bây giờ. Vào lúc đại đức Yasa trở thành tỳ khưu, trong cõi nhân loại có bảy vị A-la-hán. Đó là: Đức Phật, nhóm năm vị tỳ khưu (Pañcavaggī thera) và đại đức Yasa).
Mẹ và vợ cũ của Yasa trở thành những bậc Dự lưu (Sotāpanna)
Sau khi Đức Phật truyền phép xuất gia Thiện lai Tỷ kheo cho Yasa, vào sáng hôm sau, Ngài đắp y và mang bát cùng với đại đức Yasa đi đến nhà vị đại thương nhân, và ngồi kiết già trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Nhân đó, bà vợ Sujāta của vị đại thương nhân, tức mẹ của đại đức Yasa, và cô vợ cũ của đại đức Yasa đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi ở nơi phải lẽ.
Khi họ đã ngồi như vậy, Đức Phật thuyết pháp tuần tự đến họ: (1) Bố thí thoại (magga-kathā), (2) Trì giới thoại (sīla-kathā), (3) Sanh thiên thuyết (sagga-kathā), và (4) Đạo thuyết (magga-kathā), Ngài chỉ ra những bất thiện của dục lạc và những lợi ích của pháp xuất gia. Sau đó, khi Đức Phật biết rằng hai người này đã thích ứng, nhu nhuyến và thoát khỏi các triền cái, hoan hỉ, thanh tịnh và trong sáng, Ngài giảng Pháp mà Ngài đã chứng ngộ (Sāmukkaṁsika Dhamma Desanā) là pháp Tứ Diệu Đế. Khi ấy mẹ và vợ cũ của đại đức Yasa được an trú trong thánh quả Dự lưu –sotāpatti-phala.
Nhân đó, người mẹ và vợ cũ của Yasa thực hiện sự quy y của bậc Thánh (Lokuttarā saraṇagaṁana). Họ tác bạch với Đức Phật như vầy: “ Lành thay, bạch Đức Thế Tôn! Như một vật đã được lật úp nay được lật lên. Như một vật bị đậy kín nay được mở ra, như một người đã mất phương hướng nay được hướng dẫn đúng hướng, như cây đèn được thắp sáng trong đêm tối với ý nghĩ rằng: ‘ Những ai có mắt có thể nhìn thấy mọi vật’; cũng vậy Đức Phật đã thuyết pháp đến con một cách rõ ràng bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Xin Đức Thế Tôn hãy nhận chúng con là những cận sự nữ đã quy y Tam bảo từ nay cho đến trọn đời. (Bà Sujātā – vợ của vị đại thương nhân, và người vợ cũ của đại đức Yasa là hai vị thánh đệ tử (Ariya sāvaka) đầu tiên trong hàng cận sự nữ quy y Tam bảo, Tevācika saranagaṁana, trong thế gian này.
Rồi người mẹ, cha và vợ cũ của đại đức Yasa dâng cúng Đức Phật và đại đức Yasa những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm bằng chính tay của họ (sahatthika), và khi biết rằng Đức Phật đã thọ thực xong, họ ngồi vào chỗ thích hợp, không có sáu điều lỗi phạm. Nhân đó, Đức Phật rời khỏi chỗ ngồi sau khi ban lời phúc chúc đến họ và trở về khu vườn nai Isipatana, Migadāya.
(Ở đây, cần lưu ý rằng Đức Phật đầu tiên thuyết pháp đến mẹ và vợ cũ của đại đức Yasa trước khi Ngài thọ lãnh vật thực, vì nếu Ngài không làm như vậy thì họ không thể hoan hỉ bố thí vật thực do sầu khổ và đau đớn khi thấy đại đức Yasa đã trở thành vị tỳ khưu. Và nếu họ chưa chứng đắc đạo quả, họ cũng sẽ không hoan hỉ với Đức Phật. Do đó, Đức Phật chỉ thọ lãnh vật thực sau khi đã thuyết pháp tuần tự đến họ để diệt tắt nỗi sầu muộn của họ. Trích từ bộ Vajīrabuddhi Ṭīkā).
Bốn người bạn cũ của đại đức Yasa xuất gia tỳ khưu
Tại Bārāṇasī, có bốn vị thiện nam tử con trai của những vị đại thương nhân, tên là Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati, tất cả xuất thân trong những gia đình mà ông cha nhiều đời đều là những đại thương nhân giàu có. Bốn vị này là những người bạn cũ của đại đức Yasa khi còn ở thế tục. Khi hay tin người bạn Yasa đã xuất gia làm Sa-môn sau khi từ bỏ tài sản và của cải to lớn, bốn vị suy nghĩ: “ Bạn Yasa của chúng ta đã từ bỏ đời sống gia đình và trở thành Sa-môn, đã cạo bỏ râu tóc và mặc vào chiếc y vàng. Như vậy, Pháp và Luật (Dhamma-Vinaya) của Đức Phật không thể tầm thường (chắc chắn là cao siêu). Và đời sống Sa-môn cũng không thể tầm thường (mà chắc chắn là cao siêu).” Vì thế, họ tìm đến đại đức Yasa và sau khi đảnh lễ vị ấy với lòng kính trọng, họ đứng ở nơi phải lẽ.
Nhân đó, đại đức Yasa dẫn bốn người bạn cũ đến yết kiến Đức Phật và đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống ở nơi phải lẽ, ngài bạch với Đức Phật như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn! Bốn vị thiện nam tử này, con trai của những vị đại thương nhân, có tên là Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati, họ là con cháu của những gia đình có tổ tiên nhiều đời là những vị đại trưởng giả ở tại Bārāṇasī. Họ cũng là những bạn cũ của con khi con còn ở thế tục. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài mở lòng bi mẫn tiếp độ cho bốn người bạn cũ này của con.”
Đức Phật thuyết pháp tuần tự theo cách như trước, việc thực hành dẫn đến Đạo Quả (magga-phala) gồm có: (1) Bố thí thoại (dāna- kathā), (2) Trì giới thoại (sīla-kathā), (3) Sanh thiên thuyết (sagga- kathā), và (4) Đạo thuyết (magga-kathā). Khi Đức Phật biết rằng bốn vị thiện nam tử ấy tâm đã thích ứng, nhu nhuyến và thoát khỏi các triền cái, có nhiệt tâm, hoan hỉ, thanh tịnh và trong sáng, Ngài giảng Pháp mà Ngài đã giác ngộ đầu tiên (Sāmukkaṃsika dhamma desanā) về Tứ diệu Đế; bốn vị thiện nam tử, con trai của những vị đại thương nhân, cũng là những người bạn cũ của đại đức Yasa, đều được an trú trong quả thánh Dự lưu – sotāpatti-phala.
Sau khi bốn vị đã được an trú trong sotāpatti-phala, họ thỉnh cầu được xuất gia Sa-môn như vầy: “Bạch Đức Thế Tôn, xin cho phép chúng con được xuất gia (pabajja) và thọ cụ túc giới (upasampada) trước sự hiện diện của Thế Tôn.” Rồi Đức Phật duỗi ra cánh tay vàng óng của Ngài và gọi đến như vầy: “ Etha bhikkhave, v.v… – Này các tỳ khưu! Hãy thọ phép xuất gia và cụ túc giới mà các con đã thỉnh cầu, này các con! Giáo pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng. Này các con! Các con hãy cố gắng tu tập ba đạo bậc cao để chấm dứt vòng đau khổ.” Ngay khi Đức Phật vừa nói xong thì bốn vị con trai của những vị đại thương nhân, đều biến thành những vị tỳ khưu cụ túc giống như những vị trưởng lão sáu mươi hạ với y phục và tám món vật dụng (iddhimayaparikkharā) có sẵn trên người, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang tôn kính đảnh lễ Đức Phật. Tướng mạo cư sĩ của họ biến mất một cách kỳ diệu và thay vào đó là tướng mạo của những vị tỳ khưu.
Sau khi họ đã xuất gia làm những vị thiện lai tỳ khưu (ehi- bhikkhu), Đức Phật giáo huấn và sách tấn họ bằng Pháp thoại. Khi được giáo huấn và sách tấn bằng Pháp thoại như vậy, không bao lâu bốn vị tỳ khưu đều chứng đắc đạo quả A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) đã được đoạn tận. Vào thời điểm, bốn vị tỳ khưu trở thành những bậc A-la-hán thì trong cõi nhân loại có cả thảy mười một vị A- la-hán, đó là Đức Phật, nhóm năm vị trưởng lão, đại đức Yasa, đại đức Vimala, đại đức Subahu, đại đức Punnaji và đại đức Gavampati.
Năm mươi người bạn của Yasa xuất gia Sa-môn
Năm mươi người bạn của đại đức Yasa khi vị ấy còn là cư sĩ, là những thiện nam tử thuộc những gia đình có địa vị, đang sống ở những vùng nông thôn, khi hay tin người bạn Yasa của họ đã trở thành vị tỳ khưu sau khi từ bỏ của cải và tài sản to lớn, họ suy nghĩ như vầy: “ Bạn Yasa của chúng ta đã từ bỏ đời sống gia đình và thế tục để xuất gia làm Sa-môn bằng cách cạo bỏ râu tóc và mặc y vàng? Do đó, giáo pháp gồm Pháp và Luật của Đức Phật, không thể tầm thường, chắc chắn là cao siêu. Đời sống Sa-môn cũng không thể tầm thường, mà cao quý.” Vì thế, năm mươi người bạn đi đến đại đức Yasa và sau khi đảnh lễ vị ấy, họ đứng ở chỗ phải lẽ.
Nhân đó, đại đức Yasa dẫn năm mươi người bạn của những gia đình thượng lưu ở miền quê đến trước Đức Phật, và sau khi đảnh lễ Ngài, ngồi xuống ở nơi phải lẽ, vị ấy bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, năm mươi người ở miền quê này có tổ tiên là những đại trưởng giả. Họ cũng là những bạn cũ của con trong khi con còn làm cư sĩ. Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Thế Tôn mở lòng bi mẫn giáo huấn và sách tấn cho năm mươi thiện nam tử thuộc dòng dõi cao quí này.”
Đức Phật dạy cho họ theo cách như trước, về pháp tuần tự dẫn đến Đạo Quả (magga-phala): (1) Bố thí thoại (dāna-kathā), (2) Trì giới thoại (sīla-kathā), (3) Sanh thiên thuyết (sagga-kathā), và (4) Đạo thuyết (magga-kathā). Khi Đức Phật biết tâm của năm mươi vị thiện nam tử thuộc dòng dõi thượng lưu đã thích ứng, nhu nhuyến và thoát khỏi các triền cái, có nhiệt tâm, hoan hỉ, thanh tịnh và trong sáng, Ngài thuyết Pháp mà Ngài đã khám phá đầu tiên (Sāmukkaṃsika dhamma desanā) về Tứ Diệu Đế; và năm mươi người bạn cũ của đại đức Yasa, được an trú trong sotāpatti-phala.
Sau khi họ đã an trú trong sotāpatti-phala, họ thỉnh cầu Đức Phật cho phép họ được xuất gia Sa-môn như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin được xuất gia và thọ cụ túc giới trước mặt Đức Thế Tôn.” Và Đức Phật duỗi cánh tay vàng ánh của Ngài và gọi như vầy: “ Etha Bhikkhave, v.v… Này các tỳ khưu! Hãy đến! Hãy thọ phép xuất và cụ túc giới như các con đã thỉnh cầu! Pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng. Các con hãy cố gắng tu tập ba đạo bậc cao để chấm dứt vòng đau khổ.” Ngay khi Đức Phật vừa nói xong như vậy thì năm mươi thiện nam tử tức thì biến thành những vị tỳ khưu cụ túc giống như những vị tỳ khưu sáu mươi hạ với đầy đủ y phục và tám món vật dụng (iddhimayaparikkharā), mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang ở trong tư thế đảnh lễ Đức Phật. Tướng mạo cư sĩ của họ biến mất một cách diệu kỳ và thay vào đó là tướng mạo của những vị Sa-môn.
Sau khi họ đã xuất gia làm những vị thiện lai tỳ khưu (ehi bhikkhu), Đức Phật bèn giáo giới và sách tấn họ bằng những thời pháp thoại như vậy, chẳng bao lâu sau năm mươi vị tỳ khưu đều chứng đắc đạo quả A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) được đoạn trừ. Vào lúc năm mươi vị thiện nam tử trở thành những vị A-la-hán, thì thế gian có cả thảy sáu mươi mốt vị A-la-hán.
Những thiện nghiệp trong quá khứ của đại đức Yasa và năm mươi bốn người bạn
Một thuở nọ, có năm mươi lăm người bạn tổ chức thành một hội từ thiện, tình nguyện làm các việc phước. Họ thường đi hỏa táng cho những người chết có gia cảnh nghèo khó. Một hôm nọ, khi thấy thi thể của một thiếu phụ đang mang thai đã chết trong hoàn cảnh nghèo khổ, họ đem tử thi ấy đến bãi tha ma để hỏa táng.
Trong số năm mươi lăm người bạn này, có năm mươi người trở về làng sau khi giao phó công việc cho năm người còn lại với lời phó thác rằng: “ Các bạn hãy hỏa táng thi thể này.”
Nhân đó, chàng trai ( tức tiền thân của đại đức Yasa) là người dẫn đầu của nhóm năm người còn lại, làm công việc hỏa táng, dùng cây tre có đầu nhọn đâm xuyên xác chết và lật qua lật lại. Khi làm như vậy, vị này đạt được bất tịnh tướng về tử thi (asubha-saññā). Chàng trai khuyên bốn người bạn kia như vầy: “ Các bạn ơi, hãy nhìn vào tử thi xú uế, đáng nhờm gớm này.” Bốn người bạn kia làm theo lời khuyên của Yasa cũng đạt được bất tịnh tướng (asubha-saññā) nơi tử thi (utuja).
Sau khi làm xong công việc hỏa táng, năm người bạn trở về làng và kể lại điều họ đã khám phá và biết về bất tịnh tướng (asubha-saññā) đến năm mươi người bạn đã trở về làng trước, và năm mươi người bạn ấy cũng đạt được bất tịnh tướng.
Ngoài việc kể lại vấn đề cho các bạn, chàng trai tiền thân của đại đức Yasa cũng kể lại những chi tiết về asubha-saññā đến cha mẹ và vợ khi anh ta về đến nhà. Và cha mẹ cùng vợ của anh ta cũng đạt được asubha-saññā.
Năm mươi tám người, dẫn đầu là chàng trai tiền thân của đại đức Yasa tiếp tục thực hành và phát triển pháp thiền đề mục Bất tịnh (asubha-bhāvanā) dựa vào Bất tịnh tướng mà họ đã đạt được. Đây thực là những việc phước quá khứ của năm mươi tám người.
Do bởi những việc phước quá khứ này mà trong kiếp hiện tại khi sanh làm con trai của vị đại thương nhân ở thành Bārānasī, asubha-saññā về bãi tha ma lại xuất hiện trong tâm của chàng trai Yasa khi nhìn thấy cảnh tượng những ca nữ đang nằm ngủ ngả nghiêng, bừa bãi. Sự chứng đắc đạo quả của năm mươi tám người này là do kết quả của những việc phước từ asubha-saññā mà họ đã tu tập trong kiếp quá khứ.