Nội Dung Chính
- SỰ RA ĐỜI CỦA BODHISATTA
- Chuyến đi của hoàng hậu Mahāmāyā đến thành phố Devadaha
- Vườn Lumbinī đầy những cây Sāla
- Sự cu hội của chư thiên (deva) và Phạm thiên (Brahma)
- Sự đản sanh của Bồ tát
- Phạm thiên, chư thiên và nhân loại lần lượt đón nhận Bồ tát
- Những điểm đặc biệt cần chú ý:
- Tiếng gầm vô úy
- Những hành động phi thường của Bồ tát và ý nghĩa của chúng
- Ba kiếp Bồ tát nói được ngay vào lúc ra đời
- Những hiện tượng kỳ diệu xảy ra vào lúc Bồ tát đản sanh và điềm báo của chúng
SỰ RA ĐỜI CỦA BODHISATTA
Tất cả những phụ nữ thường sanh con sau hoặc trước mười tháng mang thai, họ không biết chính xác thời gian mà đứa bé sẽ sanh ra. Việc sanh con của họ xảy ra bất chừng khi họ đang ở một trong bốn tư thế: một số sanh con khi đang nằm, số khác thì ngồi, đứng hoặc đang đi.
Tuy nhiên, mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài thì hoàn toàn khác. Bồ tát sanh ra khi mẹ đang trong tư thế đứng. Khi ra đời như vậy, thân của Ngài sạch sẽ tinh khiết, không một chút cấu uế, như viên hồng ngọc được đặt trên tấm vải lụa kāsi mới dệt.
Đứa bé bình thường khi ra đời phải trải qua nhiều đau đớn. Người mẹ khi bắt đầu chuyển bụng thì một số biến cố lần lượt xảy ra: đứa bé bị quay ngược lại, đầu trút xuống dưới và bị tống ra qua một đường khe hẹp, cứng, chịu nhiều đau đớn cùng cực, giống như một người đang rơi xuống hố thẳm hay một con voi bị kéo ra qua lỗ khóa.
Việc ra đời của Bồ tát thì không như vậy, Ngài sanh ra dễ dàng như nước chảy qua cái lọc nước; như vị pháp sư từ tốn và khoan thai đi xuống pháp tòa sau khi thuyết pháp xong; như người chầm chậm đi xuống bậc cấp của bảo tháp; như mặt trời với hàng ngàn tia sáng từ từ nhô lên khỏi ngọn núi vàng; Bồ tát ung dung, tự tại đi ra với chân duỗi thẳng, bàn tay mở ra, mắt mở rộng, chánh niệm và tỉnh giác, hoàn toàn không chút sợ hãi.
Chuyến đi của hoàng hậu Mahāmāyā đến thành phố Devadaha
Khi hoàng hậu Mahāmāyā mang thai đến giai đoạn cuối, cưu mang Bồ tát suốt mười tháng trong bào thai giống như hoa sen, tựa như bà đang mang một bát dầu, bà cảm thấy muốn đến thành phố Devadaha để viếng thăm quyến thuộc hoàng gia của bà. Bà thỉnh cầu vua Suddhodana rằng: “ Tâu bệ hạ, thiếp muốn về thăm quyến thuộc ở Devadaha.”
Đức vua Suddhodana chấp thuận và truyền lịnh sửa soạn mọi thứ cho chuyến đi của hoàng hậu. Toàn bộ con đường từ Kapilavatthu đến Devadaha được sửa sang bằng phẳng, những cây chuối, những cây cau rừng, những cái chum đựng đầy nước được đặt hai bên đường, cờ xí cũng được treo dọc theo đường. Sau khi đã trang hoàng con đường giống như cõi chư thiên, đức vua cho đặt hoàng hậu ngồi trên chiếc kiệu vàng có một ngàn người khiêng, những vệ sĩ và những nữ hầu cũng đi theo để làm các phận sự cần thiết. Trong sự lộng lẫy và huy hoàng như vậy, hoàng hậu được tiễn về Devadaha.
(Bài mô tả về chuyến đi của hoàng hậu Mahāmāyā từ Kapilavatthu đến Devadaha được nêu ra trong phần Anudīpanī).
Vườn Lumbinī đầy những cây Sāla
Giữa hai kinh đô Kapilavatthu và Devadaha có vườn cây sāla tên là vườn Lumbinī, là nơi thưởng lãm của dân chúng ở cả hai vương quốc. Khi hoàng hậu Mahāmāyā đến đó thì tất cả cây sāla trong vườn đều nở hoa từ gốc tới ngọn.
Giữa những bông hoa và những tán lá của cây sāla có những đàn ong đủ năm sắc màu kêu vo ve vui nhộn và đàn chim đủ loại cất tiếng hót tạo ra những âm thanh tưng bừng, rộn rã. Toàn thể rừng cây sāla khả ái, khả lạc bởi những nét riêng biệt, ví như khu vườn Cittalatā của Đế Thích thiên vương. Nó giống như nơi thường xuyên có những tiếng chào hỏi qua lại và những tiếng cười vui vẻ trong một buổi tiệc do một vị vua hùng mạnh tổ chức. (Đây là bài mô tả về khu vườn được nêu ra trong Chú giải Bổn sanh kinh).
Do những âm thanh rộn rã phát ra từ những cô ong cái đang lượn trên những chồi non và những bông hoa, những nhánh cây và những tán lá; chúng bị kích thích bởi chất mật say tiết ra từ những bông hoa sāla thơm ngát. Lumbinī quả thật giống như vườn Nandavana của chư thiên.
Đại đức Buddhadatta, tác giả của bộ Chú giải Buddhavaṃsa có bài kệ sau đây để tán dương khu vườn Lumbinī:
Vibhūsitā bālajanāticālinī,
Vibhūsitaṅgī vaniteva mālinī
Sadā janānaṃ nayanālimālinī
Vilumpinīvātiviroci lumbinī.
“Giống như một thiếu nữ có thể làm say đắm tất cả những người nam, người của nàng đầy những chuỗi ngọc, những chiếc vòng tai, và điểm xuyến với những bông hoa cực kỳ xinh đẹp. Khu vườn Lumbinī cũng vậy, với những nét tô điểm, nó là nơi lui tới ưa thích của mọi người, vui thích thưởng ngoạn bằng đôi mắt say mê của loài ong với những bông hoa hương sắc tựa như cô tiểu thư khuê các cực kỳ xinh đẹp.”
Trông thấy vườn Lumbinī rực rỡ, khả ái như vậy, hoàng hậu Mahā-māyā muốn vào vui chơi trong đó. Được sự cho phép của vua Suddhodana, các quan và tùy tùng đưa hoàng hậu đi vào khu vườn trên chiếc kiệu vàng.
Sự cu hội của chư thiên (deva) và Phạm thiên (Brahma)
Lúc hoàng hậu Mahāmāyā đi vào khu vườn Lumbinī, thì tất cả chư thiên công bố vang rền khắp mười ngàn thế giới: “ Ngày hôm nay Bồ tát sẽ ra đời.” Chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới cu hội lại, tập hợp toàn thể vũ trụ này. Họ đem theo nhiều loại châu báu làm quà cúng dường để tỏ sự tôn kính nhân ngày đản sanh của Bồ tát. Khắp bầu trời được che phủ bằng những cái lọng trắng của chư thiên và toàn thể thế giới vang dội những bài ca kiết tường, nhạc trời và những tiếng tù và.
Khi hoàng hậu Mahāmāyā vừa đi vào vườn Lumbinī, bà bỗng khởi lên ước muốn đầy thôi thúc là nắm lấy nhánh cây sāla đang ra hoa rực rỡ. Tựa như biết được ước muốn của bà, thân cây sāla tròn và thẳng đứng bỗng cong xuống như cây mía và từ từ hạ xuống ngang tầm tay của hoàng hậu. Quả là một hiện tượng phi thường, làm động tâm nhiều người.
Hoàng hậu Mahāmāyā nắm lấy cành cây sāla đang oằn xuống với cánh tay duỗi thẳng được trang sức những vòng tay bằng vàng óng ánh, ngón tay của bà thon nhỏ như cọng sen, móng tay đỏ óng ả như màu đỏ của mỏ của con chim két. Sắc đẹp kiều diễm của hoàng hậu Mahāmāyā lúc ấy như mặt trăng vừa ra khỏi đám mây đen hoặc như tia chớp chiếu sáng hay như nàng tiên nữ xinh đẹp xuất hiện ở vườn Nandavana.
Sự đản sanh của Bồ tát
Khi đang vịn vào nhánh cây sāla, hoàng hậu Mahāmāyā đứng uy nghi, trong chiếc áo gấm trắng phủ xuống gót chân, thêu những mẫu chỉ vàng rất xinh đẹp, giống như mắt con cá chép. Ngay khi ấy, bà cảm thấy có những dấu hiệu sắp sanh. Tùy tùng của bà vội vã dựng lên một hàng rào cách ly bằng những tấm màng và rồi họ rút lui.
Lập tức mười ngàn thế giới cùng đại dương gầm thét, chao đảo và rung chuyển giống như bánh xe của người thợ gốm. Chư thiên và Phạm thiên đồng thanh reo mừng và tung rải những nắm hoa trời; tất cả các loại nhạc khí đều tự nhiên phát ra những âm thanh kỳ diệu. Toàn thể thế giới trở nên thông suốt khắp các hướng, không bị ngăn che. Tất cả ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu đồng loạt xảy ra để báo hiệu sự đản sanh của Bồ tát. Như vật báu ra khỏi ngọn núi Vipulla và bay lượn trên không trung rồi từ từ đáp xuống nơi được đặt sẵn; Bồ tát cũng vậy, với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ trên người, Ngài ra khỏi bào thai hoa sen như bảo tháp của hoàng hậu Mahāmāyā với thân sạch sẽ và tinh khiết vào ngày rằm của tháng Vesākha – ngày mặt trăng giao hội với chòm sao Visākha.
Lúc Bồ tát đản sanh, hai cột nước thuần khiết ấm mát từ trên hư không chảy xuống, tưới lên cơ thể sạch sẽ và tinh khiết của Bồ tát và mẹ của Ngài như một dấu hiệu tôn kính. Do vậy Bồ tát và hoàng hậu có thể thích nghi với việc nóng và lạnh trong cơ thể.
Phạm thiên, chư thiên và nhân loại lần lượt đón nhận Bồ tát
Bốn vị đại Phạm thiên (Brahmā), những bậc đã xa lìa phiền não dục, đầu tiên đón nhận Bồ tát trong một tấm lưới vàng vào lúc Ngài sanh ra. Rồi họ đặt Ngài trước mặt người mẹ và nói rằng: “ Thưa hoàng hậu tôn kính, hãy vui sướng lên. Một đứa con trai có đại uy lực đã sanh đến cho bà!”
Tiếp theo, bốn vị đại Thiên vương đón nhận Bồ tát từ tay của bốn vị Phạm thiên bằng tấm da màu đen của con sơn dương, được xem là vật may mắn. Tiếp theo, loài người tiếp nhận Bồ tát từ tay của bốn vị Thiên vương bằng tấm vải trắng.
Sau khi rời khỏi tay của loài người, Bồ tát đứng vững chắc trên đôi bàn chân của Ngài, lòng bàn chân xinh đẹp như đế của đôi giày vàng. Khi đứng vững chải trên mặt đất như vậy, Ngài nhìn về hướng đông. Khi Bồ tát nhìn về hướng đông như vậy thì hàng ngàn thế giới ở hướng đông trở thành một khoảng không trải dài liên tục, không có sự ngăn che giữa thế giới này với thế giới khác. Chư thiên và nhân loại ở khu vực phía đông bày tỏ sự tôn kính tột bậc đến Bồ tát bằng những vật thơm, các loại hoa, v.v… và nói rằng: “ Thưa Bậc cao nhân hiền thánh, ở hướng đông này không một ai ngang bằng Ngài. Làm sao có thể có được bậc cao quí hơn Ngài ?”
Tương tự, Bồ tát nhìn về các hướng còn lại trong mười phương. Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, hướng trên và hướng dưới – lần lượt từng hướng một, Ngài thấy không một ai ngang bằng Ngài trong tất cả những hướng này. Ngài xoay mặt về hướng bắc và từ chỗ đứng, Ngài bước đi bảy bước về phía trước.
Khi Bồ tát bước đi, Đại phạm thiên (Mahā Brahmā), vua của các vị Phạm thiên theo hầu, tay cầm cái lọng trắng; một vị thiên là chúa tể cõi Suyāma theo hầu, tay cầm cái phất trần bằng lông đuôi của con bò Tây tạng. Những vị thiên khác tay cầm những biểu tượng của vua như đôi hia, bảo kiếm và vương miện cũng theo hầu Bồ tát. Loài người lúc ấy không thể trông thấy chư thiên này, họ chỉ có thể trông thấy các biểu tượng của vua mà thôi.
Những điểm đặc biệt cần chú ý:
Khi Bồ tát bước đi, Ngài thực sự bước đi trên đất, nhưng loài người thì trông thấy Ngài dường như lướt đi trên hư không. Bồ tát bước đi với thân ‘tự nhiên’ không y phục của một đứa bé mới sanh, nhưng đối với loài người thì Ngài bước đi với y phục đầy đủ. Bồ tát bước đi với hình hài của một đứa bé mới sanh, nhưng loài người lại trông thấy Ngài là một thanh niên tuấn tú ở tuổi mười sáu.
(Những điều được kể ra ở đây liên quan đến việc bước đi bảy bước về hướng bắc của Bồ tát theo các bài Chú giải về Buddhavaṃsa, Sutta Mahāvagga và bộ Jātaka. Ở chương Vijāta Maṅgala của bộ Jinālaṅkāra thì sự đản sanh của Bồ tát được kể lại có phần chi tiết hơn như sau)
Trong khi Bồ tát bước đi thì Đại phạm thiên theo hầu, tay cầm cái lọng trắng rộng ba do tuần để che cho Ngài, các vị Đại phạm thiên còn lại từ khắp mười ngàn thế giới cũng làm như vậy. Như vậy toàn thể thế giới được che phủ bằng những cái lọng trắng, giống như những tràng hoa được kết bằng những bông hoa màu trắng.
Mười ngàn vị thiên vương Dạ-ma (Suyāma) sống trong mười ngàn thế giới, cầm những cái phất trần bằng lông đuôi của con bò Tây tạng. Mười ngàn vị thiên vương Đâu-suất-đà (Santusita) của những thế giới ấy cầm những cái quạt tròn, có cẩn hồng ngọc. Tất cả đều phe phẩy những cái phất trần và những cái quạt trải dài đến những chân núi của tận cùng thế giới. Tương tự, mười ngàn vị Đế thích thiên vương (Sakka) sống trong mười ngàn thế giới đang đứng thổi những chiếc tù và.
Tất cả chư thiên khác cũng làm theo cách như thế, một số thì cầm những bông hoa bằng vàng; số khác thì cầm những bông hoa tự nhiên hoặc những bông hoa bằng pha lê lấp lánh (như thủy tinh); một số cầm những cái phất trần và cờ xí; số khác thì cầm những vật cúng dường có cẩn ngọc. Các tiên nữ tay cầm nhiều loại lễ vật khác nhau cũng đứng đầy cả thế gian.
Khi cảnh tượng tôn kính đang diễn ra, các nhạc khí của chư thiên và nhân loại đang được tấu lên và các tiên nữ đang vui mừng múa hát thì Bồ tát dừng lại sau khi đi bảy bước về hướng bắc.
Vào lúc ấy, tất cả Phạm thiên, chư thiên và nhân loại đều giữ yên lặng chờ đợi với ý nghĩ rằng: “ Bồ tát sắp nói ra điều gì đây ?”
Tiếng gầm vô úy
Bồ tát dừng lại sau khi đi bảy bước về hướng bắc, ngài thốt lên kệ ngôn vô uý vang khắp cả mười ngàn thế giới:
(a) “Aggo’ haṁ asmi lokassa !”
Ta là bậc Tối thượng trong chúng sanh khắp ba cõi !
(b) “Jeṭṭho’ haṁ asmi lokassa !”
Ta là bậc Vĩ đại nhất trong chúng sanh khắp ba cõi!
(c) “Seṭṭho’ haṁ asmi lokassa !”
Ta là bậc Tối thắng trong chúng sanh khắp ba cõi !
(d) “Ayaṁ antimā jāti !”
Kiếp này là kiếp chót của ta !
(e) “Natthi dāni punabbhavo !”
Sau kiếp này không còn kiếp nào khác nữa !
Khi Bồ tát nói lời vô úy này thì không ai có thể thách thức hay đối địch với Ngài, toàn thể Phạm thiên, chư thiên và nhân loại đều bày tỏ sự tôn kính tán dương.
Những hành động phi thường của Bồ tát và ý nghĩa của chúng
Những hành động phi thường diễn ra vào lúc Bồ tát đản sanh, mỗi hành động là một điềm tướng và ý nghĩa của các điềm tướng ấy được giải thích như sau:
(1) Bồ tát đứng vững chắc bằng đôi chân trên mặt đất là điềm tướng cho thấy tương lai Ngài sẽ chứng đắc Tứ thần túc (iddhipāda)
(2) Bồ tát quay mặt về hướng bắc là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ là bậc tối thượng hơn tất cả chúng sanh.
(3) Bồ tát đi bảy bước là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ chứng đắc Thất giác chi.
(4) Cái lọng trắng che mát cho Bồ tát là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ chứng đắc thánh quả A-la-hán.
(5) Bồ tát có được năm biểu tượng thuộc vương quyền là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ chứng đắc năm loại Giải thoát (Vimutti): Giải thoát qua sự thực hành các việc phước trong cõi dục – Nhất thời giải thoát (Tadaṅga vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc các tầng thiền – Trấn phục giải thoát (Vikkhambhana vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc các Đạo – Chánh đoạn giải thoát (Samuccheda vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc các quả – Chỉ diệt giải thoát (Paṭippassaddhi vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc Niết bàn – Xuất ly giải thoát (Nissaraṇa vimutti).
(6) Bồ tát nhìn thấu suốt khắp mười phương mà không bị ngăn ngại, là điềm tướng báo hiệu tương lai Ngài sẽ chứng đắc Vô chướng trí (Anāvaraṇa ñāṇa)
(7) Bồ tát nói lời vô úy “Ta là bậc Tối thượng, bậc Vĩ đại nhất và bậc Tối thắng!” là điềm tướng báo hiệu tương lai Ngài sẽ quay bánh xe chánh pháp mà không có vị Phạm thiên, chư thiên hay nhân loại nào có khả năng ngăn cản sự luân chuyển của nó.
(8) Vô úy ngôn của Bồ tát: “ Đây là kiếp cuối cùng của ta ! Đối với ta không còn kiếp nào khác nữa!” là điềm tướng báo hiệu tương lai Ngài sẽ chứng đắc vô dư Niết bàn (anupādisesa).
Ba kiếp Bồ tát nói được ngay vào lúc ra đời
Bồ tát đã từng nói được ngay sau khi ra đời, không chỉ trong kiếp chót làm thái tử Siddhattha, mà trong kiếp sanh làm Mahosadha bậc trí và kiếp sanh làm vua Vessantara. Do đó, có ba kiếp mà Bồ tát đã nói được ngay sau khi sanh ra.
Lượt giải :
(1) Trong kiếp sanh làm bậc trí Mahosadha, Bồ tát ra khỏi lòng mẹ tay cầm miếng gỗ đàn hương do Đế thích đặt vào. Người mẹ thấy miếng gỗ trong lòng bàn tay của đứa con mới sanh, bèn hỏi rằng: “ Này con yêu, con cầm cái gì trong tay vậy?” Bồ tát liền trả lời: “ Thưa mẹ, đây là thuốc chữa bệnh.”
Ngay tức thì đứa bé được đặt tên là Osadha Kumāra, nghĩa là “Cậu bé có thuốc trị bịnh.” Thuốc trị bịnh ấy được cất giữ cẩn thận trong một cái lọ. Các bệnh nhân với tất cả các loại bệnh, như mù, điếc, v.v… đều được chữa khỏi bằng thuốc ấy. Người đầu tiên được chữa khỏi là cha của Bồ tát, trưởng giả Sirivaddhana, ông bị chứng nhức đầu. Do thuốc chữa bệnh có tác dụng hiệu quả nên chàng trai trẻ được dân chúng tôn danh là Mahosadha, Dược vương Bồ tát.
(2) Trong kiếp sanh làm vua Vessantara; vào lúc mới ra đời Bồ tát mở rộng bàn tay phải và nói rằng: “ Thưa mẹ, trong cung vàng mẹ có gì cho con để con bố thí không?” Người mẹ trả lời: “ Này hoàng nhi yêu dấu, con đã sanh vào hoàng cung, nơi đây có nhiều của cải để con tha hồ bố thí.” Rồi người mẹ đặt một túi tiền đựng một ngàn đồng tiền vàng vào bàn tay con. Như vậy, Bồ tát cũng nói được ngay sau khi sanh ra trong kiếp làm vua Vessantara.
(3) Như đã kể trên, trong kiếp chót sanh làm thái tử Siddhattha, Bồ tát đã nói lời vô uý ngay khi Ngài vừa mới sanh ra.
Những hiện tượng kỳ diệu xảy ra vào lúc Bồ tát đản sanh và điềm báo của chúng
Vào lúc đản sanh của Bồ tát, những hiện tượng kỳ diệu đã xảy ra rõ ràng. Những hiện tượng này và điềm báo của chúng được giải thích dưới đây theo đúng với bài kinh Mahāpadāna và các bài Chú giải của bộ Buddhavaṃsa.
(1) Vào lúc đản sanh của Bồ tát, mười ngàn thế giới chấn động. Đây là điềm báo sự chứng đắc Nhất thiết trí của Ngài.
(2) Chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới cu hội lại trong vũ trụ này. Đây là điềm báo sự cu hội của chư thiên và Phạm thiên để nghe Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân.
(3) Phạm thiên và chư thiên đầu tiên tiếp nhận Bồ tát vào lúc Ngài mới đản sanh. Đây là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc bốn tầng thiền Sắc giới (Rūpāvacara-jhāna).
(4) Nhân loại đón nhận Bồ tát từ tay của Phạm thiên và chư thiên. Đây là điềm báo ngài sẽ chứng đắc bốn tầng thiền Vô sắc giới (Arūpāvacara-jhāna).
(5) Các loại đàn dây tự nhiên phát ra tiếng nhạc. Đây là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc Cửu thứ đệ định (Anupubba vihāra samāpatti) gồm có tứ thiền Hữu sắc (Rūpāvacara-samāpatti), tứ thiền Vô sắc ( Arūpāvacara-samāpatti), và Diệt thọ tưởng định (Nirodha-samāpatti).
(6) Những loại nhạc cụ bằng da, trống lớn và trống nhỏ cũng tự nhiên phát ra tiếng nhạc. Đây là điềm báo Đức Phật sẽ gióng lên tiếng trống bất tử để nhân loại và chư thiên cùng nghe.
(7) Nhà tù, trại giam và các gông xiềng trói buộc con người đều tự nhiên vỡ ra từng mảnh. Đây là điềm báo Ngài sẽ đoạn diệt hoàn toàn ngã kiến về ‘cái ta’.
(8) Tất cả các loại bệnh đều biến mất khỏi người bệnh, như bụi bám trên những vật bằng đồng được chùi rữa bằng acid. Đây là điềm báo nhân loại sẽ chứng đắc Tứ Thánh Đế, đoạn diệt luân hồi khổ.
(9) Người mù bẩm sinh có thể nhìn thấy mọi hình mọi sắc như người bình thường. Đây là điềm báo nhân loại sẽ được chứng đắc Thiên nhãn (Dibbacakkhu).
(10) Người điếc bẩm sanh nghe được mọi âm thanh như người bình thường. Đây là điềm báo nhân loại sẽ được chứng đắc Thiên nhĩ (Dibbasota).
(11) Người què có được đôi chân bình thường và có thể đi lại như mọi người. Đây là điềm báo sự chứng đắc Tứ thần túc (Iddhipāda).
(12) Người câm bẩm sinh có được sự ghi nhớ và có thể nói được. Đây là điềm báo sự hoạch đắc Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna).
(13) Những chiếc thuyền đang trôi dạt mất định hướng ngoài biển cả đều trở về cảng một cách an toàn. Đây là điềm báo sự chứng đắc Tứ Vô ngại giải trí (Patisaṃbhidā-ñāṇa).
(14) Tất cả các loại ngọc quí ở cõi chư thiên và nhân loại đều phát sáng lấp lánh. Đây là điềm báo sự hoạch đắc ánh sáng của chánh pháp, oai lực sáng chói của Đức Phật, Bậc tỏa chiếu ánh sáng của chánh pháp đến những ai muốn lãnh hội nó.
(15) Pháp bác ái tỏa rộng trong tất cả chúng sanh đang thù nghịch lẫn nhau. Đây là điềm báo sự chứng đắc Tứ Vô lượng tâm (Brahmavihāra).
(16) Những ngọn lửa địa ngục đều lịm tắt. Đây là điềm báo sự chấm dứt mười một loại lửa như tham, sân, v.v…
(17) Ánh sáng xuất hiện trong địa ngục Lokantarika, nơi thường xuyên tối tăm. Đây là điềm báo về khả năng diệt trừ bóng tối của vô minh và sự tỏa sáng của trí tuệ.
(18) Nước sông thường xuyên lưu chuyển bỗng ngưng chảy. Đây là điềm báo sự hoạch đắc Tứ Vô úy trí (Catuvesārajja ñāṇa).
(19) Tất cả các nước trong đại dương đều chuyển qua vị ngọt. Đây là điềm báo sự hoạch đắc hương vị ngọt ngào độc nhất của sự an lạc do chấm dứt các phiền não.
(20) Thay vào những cơn cuồng phong bảo táp, những luồng gió nhẹ thổi qua mát mẻ và dễ chịu. Đây là điềm báo sự biến mất sáu mươi hai loại tà kiến.
(21) Tất cả các loại chim đang bay trên không trung, hay đang đậu trên các ngọn cây hoặc ở trên núi đều bay xuống đậu dưới mặt đất. Đây là điềm báo nhân loại sẽ quy Tam bảo suốt đời sau khi nghe pháp của Đức Phật.
(22) Mặt trăng chiếu sáng hơn bình thường. Đây là điềm báo trạng thái hân hoan của nhân loại.
(23) Mặt trời có sức nóng vừa phải và hào quang tươi sáng tạo ra khí hậu ôn hòa. Đây là điềm báo nhân loại sẽ được an lạc về thân lẫn tâm.
(24) Chư thiên đứng ở ngưỡng cửa trước lâu đài của họ, vỗ tay, huýt sáo và vui mừng tung vẫy y áo của họ. Đây là điềm báo sự chứng đắc đạo quả Phật Chánh biến tri của Đức Phật và ngâm lên bài kệ khải hoàn.
(25) Mưa đổ xối xả xuống khắp bốn châu. Đây là điềm báo sẽ có cơn mưa của pháp bất tử rưới xuống chúng sanh do sức mạnh vĩ đại của trí tuệ.
(26) Tất cả chúng sanh đều không thấy đói. Đây là điềm báo họ sẽ chứng đắc pháp Bất tử bằng pháp Niệm thân (kāyagatāsati) mà trong đó thân là đề mục của niệm, hay sự thoát khỏi cơn đói các phiền não sau khi đã thọ hưởng món ăn bất tử của pháp Niệm thân.
(27) Tất cả chúng sanh đều không cảm thấy khát. Đây là điềm báo họ sẽ chứng đắc sự an lạc của thánh Quả A-la-hán.
(28) Những cánh cửa đã đóng tự nhiên mở tung. Đây là điềm báo những cánh cửa đi vào Niết bàn sẽ được mở ra, đó là Bát Thánh đạo.
(29) Cây ra hoa và cây ăn trái tự nhiên ra hoa và trái. Đây là điềm báo chúng sanh sẽ mang vào những bông hoa Giải thoát (Vimutti) và những quả của bốn tầng Thánh (Ariya-phala).
(30) Tất cả mười ngàn thế giới đều được che phủ bởi một lá cờ hoa duy nhất. Mười ngàn thế giới được che phủ bởi lá cờ chiến thắng. Đây là điềm báo về sự trải rộng của lá cờ hoa, tức Thánh đạo.
Hơn nữa, cơn mưa rơi xuống những bông hoa cực kỳ xinh đẹp và thơm ngát; sự rực sáng của những ngôi sao và những chòm sao ngay cả dưới ánh sáng của mặt trời; sự xuất hiện những dòng suối trong thuần khiết từ lòng đất; các con thú ra khỏi hang; không có tham, sân và si; không có những đám mây bụi; không có những mùi khó chịu; tràn ngập những mùi hương thơm ngát của cõi thiên giới; nhân loại trông thấy các vị Phạm thiên sắc giới (rūpa-brahmā); không có sự sanh và tử của nhân loại và các hiện tượng khác diễn ra một cách rõ ràng. Sự xuất hiện của những hiện tượng này báo hiệu sự chứng đắc những ân đức của Đức Phật.