Nội Dung Chính
Bảy pháp Thanh tịnh của một vị Phật
Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị đưa vào bộ Phật sử này một bài trình bày tóm tắt về bảy Pháp Thanh tịnh (visuddhi) của một vị Phật.
(1) Giới Thanh tịnh (Sīla Visuddhi)
Vào lúc Bồ tát dừng chân ở trên bờ sông Anoma và mặc vào bộ y phục của vị Sa-môn, Ngài bắt đầu thọ trì Luật nghi giới (Saṃvara sīla)
Luật nghi giới: sự thực hành giới có sự khác nhau tùy thuộc vào người thọ trì là xuất gia hay tại gia. Các bài kinh trong các bộ Nikāya có giải thích về sự thực hành giới mà rất cần thiết cho người hành thiền. Bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhi-magga) giải thích về giới tu tập có bốn loại: (1) Biệt biệt giải thoát giới (Pāṭimokkha-saṃvara); (2) Lục căn thu thúc giới (Indriya-saṃvara), (3) Chánh mạng thanh tịnh giới (Ājivapārisuddhi), (4) Tư cụ y chỉ giới (Paccayāsannissita). Pāṭimokkha saṃvara là giới dành cho các vị tỳ khưu, đệ tử của Đức Phật. Do đó, nó không được nêu ra trong bài trình bày này về Giới thanh tịnh của Bồ tát.
Luật nghi giới (Saṃvara-sīla) là Chánh mạng đệ bát giới (Ājivaṭṭhamaka-sīla). Đó là kiên tránh sát sanh, kiên tránh trộm cắp hay cướp lấy những tài vật mà chủ nhân chưa cho bằng hành vi hoặc lời nói; kiên tránh thông dâm (kiên tránh những hành động tà hạnh lớn nhỏ); kiên tránh nói dối; kiên tránh đâm thọc; kiên tránh chửi mắng và lời nói thô lỗ, kiên tránh nói lời vô ích, phù phiếm; kiên tránh sự nuôi mạng không chân chánh. Bằng thọ trì loại giới này, Bồ tát cũng thành tựu sự thọ trì Hượt mạng biến tịnh giới (Ājivaparisuddhi-sīla).
Lục căn thu thúc giới (Indriya-saṃvara-sīla) là sự thực hành pháp phòng hộ sáu căn môn. Không giống như những kẻ phàm phu tầm thường, Đức Phật không cần một sự cố gắng đặc biệt để tu tập lại Indriya-saṃvara-sīla vì sự thu thúc lục căn đối với Ngài vốn là pháp tự nhiên bẩm sinh và đã được thành tựu rồi.
Ngài cũng không cần phải vận dụng một sự cố gắng đặc biệt nào trong việc thọ trì Tư cụ y chỉ giới (Paccyasannissita-sīla) để đoạn trừ các phiền não có thể khởi sanh do sự thọ dụng bốn món vật dụng.
Ngay vào lúc Ngài sắp từ bỏ thế gian, Ngài cũng đã đoạn trừ tạm thời một số phiền não dẫn đầu là tham luyến và ái dục. Những phiền não ngủ ngầm chỉ được đoạn trừ bởi arahatta-magga. Đây là Giới thanh tịnh (sīla-visuddhi) của Bồ tát.
(2) Tâm Thanh tịnh (Citta Visuddhi)
Bát thiền và ngũ thông (abhiññā) mà Bồ tát đã chứng đắc trong thời gian ở chung với hai vị giáo chủ Ālāra và Udaka đã trở nên bất tịnh và mờ nhạt tựa như bị lấm nhơ bởi những vật bất tịnh ( như những chiếc bình lớn bằng vàng mà không được dùng đến) do bị bỏ quên không tu tập và không trau dồi suốt sáu năm Ngài thực hành pháp khổ hạnh (dukkaracariya). Vào ngày Ngài sắp chứng đắc quả Phật, Ngài độ món cơm sữa do nàng Sujātā dâng cúng và trải qua cả ngày trong rừng cây sāla. Khi Ngài đang trú nơi đó, Ngài thanh lọc lại tám thiền chứng và ngũ thông bằng cách tu tập chúng lại một lần nữa (như chùi rửa lại cái bình bằng vàng bị lấm bụi). Tám thiền chứng và ngũ thông này hình thành tâm thanh tịnh (citta-visuddhi) của Bồ tát.
(3) Kiến Thanh tịnh (Diṭṭhi Visuddhi)
Sau đó, Đức Bồ tát đi đến chỗ đất cao nơi cây Đại bồ đề vào lúc chiều tối và ngồi trên Vô địch bảo tọa. Ngài đánh bại Devaputta Mara trước khi mặt trời lặn. Trong canh đầu của đêm, Ngài chứng đắc Túc Mạng minh. Ngài thông suốt các hiện tượng nāma-rūpa và đoạn diệt hai mươi thân kiến (sakkāya-diṭṭhi). Đây là Kiến thanh tịnh (diṭṭhi-visuddhi) của Bồ tát.
(4) Đoạn Nghi Thanh tịnh (Kaṅkhāvitaraṇa Visuddhi)
Vào canh giữa của đêm, bằng Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāṇa) sanh lên từ Thiên nhãn trí (dibbacakkhu- ñāṇa), Ngài trông thấy chúng sinh sanh đến các cõi khác nhau theo nghiệp của họ. Khi thấy như vậy, Ngài giác ngộ định luật Nghiệp báo (nghiệp và quả của nghiệp) và do sự giác ngộ này, Ngài thoát khỏi các hoài nghi. Đây là Đoạn nghi thanh tịnh của Bồ tát (Kaṅkhāvitaraṇa visuddhi).
(5) Đạo phi đạo Tri kiến Thanh tịnh (Maggāmaggañāṇadassana Visuddhi)
Vào canh cuối, Bồ tát trú trong mười hai Nhân duyên của Pháp Duyên khởi, và bắt đầu bằng pháp quán Danh sắc (Kalāpa- sammāsana) dựa vào bảy pháp quán như vô thường quán (anicca- nupassanā), khổ quán (dukkha-nupassanā), vô ngã quán (anatta- nupassanā), Ngài giác ngộ Sanh diệt tuệ (udayabbaya-ñāṇa) thấy rõ sự sanh và diệt của nāma-rūpa. Vào lúc ấy, trong Bồ tát khởi sanh những Quán tùy nhiễm (Vipassānupakkilesa) như hào quang, v.v…
Quán tùy nhiễm (Vipassānupakkilesa) – vị hành giả khi hành thiền Minh sát, đến một giai đoạn tiến bộ nào đó, quán liên tục sự sanh và diệt của Danh và sắc, đạt đến giai đoạn đầu của udayabbaya-ñāṇa. Ở giai đoạn này, vị hành giả thường trông thấy ánh sáng (obhāsa), cảm thọ trạng thái hỉ (pīti), tịnh (passaddhi), thắng giải (adhimokkha), tinh cần (paggaha),lạc (sukha), tri kiến (ñāṇa), niệm mạnh (upaṭṭhāna), xả (upekkha), và dục cầu đối với trạng thái này (nikanti). Vị hành giả khi đạt đến giai đoạn này có thể bị dính mắc trong các phiền não của tuệ minh sát và tâm bị dao động trong chúng. Ví dụ: khi hào quang khởi sanh, vị hành giả có thể cảm thấy rằng đây là kinh nghiệm của đạo và vì vậy, vị hành giả bị dừng lại, không thể tiến bộ cao hơn. Khi hào quang xuất hiện, vị hành giả nghĩ rằng : “ Quả thật trước đây ta chưa từng có hào quang như vậy. Chắc chắn ta đã chứng Đạo rồi, ta đã chứng Quả rồi. Như vậy vị hành giả cho rằng cái không phải Đạo là Đạo, và cái không phải là Quả lại cho là Quả. Do sự lầm lẫn này, sự tiến bộ về thiền minh sát của vị ấy bị dừng lại. Vị ấy cứ mãi vui thích trong hào quang ấy mà quên mất đề mục của thiền.”
Hào quang của Đức Phật không giống như hào quang của những kẻ khác, không bị giới hạn trong một chỗ hoặc một vùng. Thật vậy, khi Bồ tát qua Đại kim cang quán trí (Mahāvajjra Vipassanā- ñāṇa) Ngài quán xét các pháp (dhamma) trong dòng tâm của Ngài, cũng như các nhóm pháp trong dòng tâm của vô số chúng sanh suốt ba thời kỳ quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngài giản lược chúng thành mười hai nhân duyên của pháp Duyên khởi (Paṭiccasamuppāda) và lại chia chúng ra thành hai nhóm nāma-rūpa khi Ngài quán chúng bằng Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa). Tinh tấn mạnh mẽ, niệm vững chắc, tâm điềm tỉnh và vì vậy trí tuệ của Ngài rất sắc bén. Niềm tin của Ngài rất mạnh, thân tâm an lạc, và sự an tịnh phát triển không ngừng. Sở hữu xả (tataramajjhattā-cetasika) cũng được gọi là quán xả (vipassanupekkha) rất mạnh, làm công việc xem xét tất cả các trạng thái hữu vi bằng trạng thái tâm quân bình. Dòng tâm của Bồ tát được nâng đỡ và trợ giúp bởi lạc (sukha) và tịnh (passaddhi) như vậy tràn ngập năm loại hỉ, đó là : (1) hỉ làm lông tóc dựng đứng (tiểu hỉ – khuddaka pīti), (2) hỉ chợt hiện chợt tắt như tia chớp (sát na hỉ – khanika pīti), (3) hỉ ngập tràn cả thân rồi hạ xuống như những cơn sóng đổ vào bờ (kế khởi hỉ – okkantika pīti), (4) hỉ rất mạnh như muốn nhấc bổng hành giả lên không trung (dũng dược hỉ – ubbega pīti), (5) hỉ tràn ngập toàn thân như bông gòn được nhúng trong dầu. Máu, tim và các căn như mắt, tai, mũi, v.v… cũng rất trong sáng.
Do đó, hào quang xuất hiện từ thân của Bồ tát tràn ngập cả quả đất, khối không khí và khối nước ở địa ngục và khiến cho chúng thấm nhuần một màu vàng. Rồi hào quang đi xuyên qua khoảng không vô tận ở bên dưới lên đến cõi trời cao nhất là Hữu đảnh thiên (Bhavagga), mọi thứ đều mang sắc vàng. Hào quang liên tục xuyên thấu không gian vô tận ở bên trên. Hào quang ấy cũng xuyên thấu khắp mười ngàn thế giới, và nhanh chóng tỏa rộng khắp vô biên thế giới.
(Khi những quán tùy nhiễm ấy xuất hiện, các hành giả thường hiểu lầm chúng là Đạo và Quả. Họ từ bỏ đề mục ban đầu của thiền và vui thích dính mắc trong những trạng thái quán tùy nhiễm). Tuy nhiên, khi những quán tùy nhiễm này xuất hiện trong dòng tâm của Bồ tát thì Ngài quán xét rằng: “ Đây không phải là con đường dẫn đến A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), chúng chỉ làm ô nhiễm tuệ quán mà thôi. Chỉ có Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v… trong pháp thiền nguyên thủy của Ta mới là con đường đúng đắn dẫn đến A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa).” Ngài không cho tâm của Ngài trôi theo những tùy quán nhiễm này và luyến ái theo chúng. Ngài khiến cho tâm nghiêng về đối tượng của thiền quán.
Khi những tùy quán nhiễm như vậy xuất hiện trong dòng tâm của Bồ tát như trong trường hợp của những vị hành giả khác, Ngài không để cho trạng thái tham muốn, dục cầu sanh khởi dầu ở dạng vi tế nhất. Ngài có trí trong sáng siêu trần, thấy rõ rằng nhóm tùy quán nhiễm này không phải là con đường đúng đắn dẫn đến giác ngộ, nó chỉ dẫn đến sự ô nhiễm của tuệ quán. Chỉ có Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v… mới là con đường đúng đắn dẫn đến giác ngộ. Đây là Đạo phi đạo Tri kiến thanh tịnh (Maggāmaggañāṇadassana Visuddhi) của Bồ tát.
(6) Hành đạo Tri kiến Thanh tịnh (Paṭipadāñāṇadassana Viduddhi)
(7) Tri kiến Thanh tịnh (Ñāṇadassana Visuddhi)
Nhóm chín Tuệ Minh sát (Vipassanā-ñāṇa), từ Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), đến Tuỳ thuận trí (anuloma-ñāṇa) mà khởi sanh trong dòng tâm của Bồ tát, được gọi là Hành đạo tri kiến thanh tịnh. Bốn Thánh đạo (Ariyā magga) được gọi là Tri kiến thanh tịnh (Ñānadassana-visuddhi).
(Về mặt này, cần đặc biệt lưu ý rằng Dự lưu đạo (Sotapatti- magga) được Đức Phật chứng đắc là Sơ thiền đạo (jhāna-magga) với năm chi thiền là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỉ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggatā). Nhất lai đạo (Sakadāgāmi-magga) là nhị thiền đạo (jhāna-magga) với ba chi thiền là pīti, sukha và ekaggatā. Bất lai đạo (Anagāmi-magga) là Tam thiền đạo với hai chi thiền là sukha và ekaggatā. A-la-hán đạo (Arahatta-magga) là Tứ thiền đạo với hai chi thiền là sukha và ekaggatā). (Trích dẫn từ phần diễn giải của bài kinh Upakkilesa trong bộ Chú giải Uparipaṇṇāsa).
Như vậy, chuỗi bảy pháp Thanh tịnh, đã được mô tả ở trên, tạo thành con đường dẫn đến Niết bàn. Chư Phật, chư Độc giác Phật và chư Thinh văn đệ tử Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, giác ngộ Niết bàn chỉ qua bảy pháp Thanh tịnh này; và nói rằng ít nhất thì các bậc thánh chứng đắc Thánh đạo bằng cách tu tập tối thiểu là pháp thiền Tacapaṅcaka (năm thể trược) hoặc nghe một thời Pháp dưới dạng kệ do Đức Phật thuyết khi Ngài ngồi ở tịnh xá và phóng hình ảnh của Ngài đến trước mặt họ. Tất cả họ chứng đắc Thánh đạo (ariya-magga) chỉ nhờ trải qua lần lượt bảy pháp Thanh tịnh này.
Câu hỏi được đưa ra như vầy : Nếu tất cả chư Phật, chư Độc giác Phật (Paccekabuddha) và chư Thinh văn đệ tử Phật trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều giác ngộ Niết bàn chỉ nhờ trải qua bảy pháp Thanh tịnh, thì tại sao tất cả những bậc thánh này không giống nhau về mọi phương diện? Tại sao có những khác biệt như vị này là Đức Phật, vị kia là Độc giác Phật, vị nọ là Thượng thủ thinh văn (agga-sāvaka), vị khác là Đại thinh văn (mahā-sāvaka), và vị khác nữa là Thinh văn bình thường (pakati-sāvaka)?
Câu trả lời là : Dù Niết bàn được giác ngộ bởi tất cả chư Phật, chư Độc giác Phật và chư Thinh văn đệ tử của Phật chỉ nhờ trải qua bảy pháp Thanh tịnh, nhưng các ngài có nguồn gốc khác nhau về trí tuệ (pañña), sự thực hành (paṭipadā), niềm tin (saddhā) và căn tánh (ajjhāsaya-dhātu). Do đó, những vị thánh chứng đắc A-la-hán quả (arahatta-phala) nhờ trí tuệ có được do nghe pháp từ những vị khác (văn sở thành tuệ – sutamaya-ñāṇa), sau khi tu tập các pháp ba-la-mật theo sức mạnh của saddhā và pañña của vị ấy suốt một trăm ngàn đại kiếp, các ngài trở thành những Đại thinh văn (mahā-sāvaka) và những vị Thinh văn thường (pakati-sāvaka).
Những vị Thánh chứng đắc arahatta-phala nhờ sutamaya-ñāṇa sau khi đã tu tập các pháp ba-la-mật suốt thời gian một A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp hay ít hơn thì trở thành những vị Thượng thủ Thinh văn (agga-sāvaka). Các vị Thánh chứng đắc arahatta-phala nhờ trí tuệ của tự thân (sayambhu-ñāṇa – trí tự mình có được không nhờ người khác chỉ dạy) sau khi đã tu tập các pháp Ba-la-mật suốt thời gian hai asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp, nhưng không thể thuyết pháp tế độ kẻ khác chứng đắc magga, phala và Niết bàn thì trở thành những vị Độc giác Phật (Paccekabuddha).
Những bậc thánh vô song, sau khi đã anh dũng thực hành viên mãn các pháp ba-la-mật trong thời gian tối thiểu là bốn asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp và đã thực hành năm pháp Đại thí mà những vị Bích chi Bồ tát (Pacceka Bodhisatta) và Thinh văn bồ tát (Sāvaka Bodhisatta) không làm được. Các Ngài chứng đắc arahatta- magga và sabbaññuta-ñāṅa nhờ vào trí tuệ của tự thân. Do thiện xảo bậc nhất trong việc sử dụng ngôn từ, các Ngài thuyết pháp bằng tứ Vô ngại giải trí, dùng nhiều phương cách để thích ứng với căn tánh của mỗi chúng sanh. Các Ngài có thể dẫn dắt tất cả chúng sanh đáng được dẫn dắt đến Magga, Phala và Nibbāna, và như vậy các Ngài trở thành nơi nương tựa cho tất cả chúng sanh. Những bậc thánh vô song này là những bậc Chánh đẳng giác, những vị Phật Toàn giác, những đấng Thế tôn của ba cõi. Vì Đức Bồ tát của chúng ta cũng có bản tánh như vậy nên Ngài cũng là vị Phật Chánh Đẳng Giác, Thế tôn của ba cõi. ( Đây là câu trả lời).
Hiện tượng kỳ diệu xuất hiện vào lúc Bồ tát chứng đắc Phật quả
Khi Bồ tát chứng đắc Nhất thiết trí và trở thành một vị Phật trong ba cõi chúng sanh vào lúc rạng đông, khiến cho tất cả mười ngàn thế giới đều rung chuyển và vang lừng, đạt đến mức xinh đẹp cao nhất nhờ những hiện tượng kỳ diệu sau đây:
Những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng thế giới từ Đông sang Tây; cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng thế giới về hướng Tây và thấu đến tận cùng thế giới ở hướng Đông. Tương tự, những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng thế giới về hướng Nam và thấu đến tận cùng thế giới ở hướng Bắc; và những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng của thế giới về hướng Bắc và thấu đến tận cùng của thế giới ở hướng Nam. Những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên trên mặt đất và thấu đến cõi Phạm thiên và những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở cõi Phạm thiên và thấu xuống mặt đất.
Tất cả những loại cây ra hoa ở trong mười ngàn thế giới đều đồng loạt nở hoa. Tất cả những loại cây cho trái cùng đồng loạt ra trái trĩu cành. Các loại hoa cũng nở một cách khác thường trên thân, cành và trên những cây leo. Những chùm hoa hiện ra lơ lửng trong không trung. Các loại hoa sen nở hoa một cách kỳ diệu trên thân không lá, mỗi bông hoa có bảy tầng, xuyên qua những tảng đá lớn và mọc ra thành những dãi hoa. Đúng như vậy, mười ngàn thế giới của Sanh đản sát thổ (jātikkhetta – cõi đản sanh của Bồ tát) đều chuyển động nhẹ vào lúc ấy và trông như khối hoa khổng lồ được thổi tung lên hoặc như những luống hoa được khéo sắp đặt.
Ngoài những hiện tượng kỳ diệu này, ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu khác cũng hiện khởi, như đã được mô tả trong chương nói về sự đản sanh của Bồ tát.
Cảm hứng kệ ( Udāna)
Đức Phật sau khi chứng đắc Nhất thiết trí và thành tựu tất cả mọi ân đức và oai lực của một vị Phật, đã suy xét như vầy: “ Ta quả thật đã thoát khỏi nổi thống khổ to lớn của luân hồi. Quả thật ta đã đạt được địa vị đáng tôn kính nhất của một bậc Chánh biến tri, vị Đạo sư của ba cõi. Quả thật ta đã thành đạt thắng lợi to lớn. Ta là người có thể giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi những xiềng xích của tam giới bằng sự thuyết giảng chánh pháp.” Khi Ngài quán xét như vậy thì hỉ (pīti) ào ạt trào dâng trong dòng tâm của Ngài. Với sức trào dâng của pīti, Đức Phật thốt lên hai câu cảm hứng kệ sau đây đúng như thông lệ của chư Phật.
(1) Anekajātisaṁsarāṁ, sandhāvissaṁ anibbisaṁ
gahakāraṁ gavesanto, dukkhā jāti punappunnaṁ.
Không thể nhổ được gốc luân hồi (saṁsāra), phải tái sanh trở đi trở lại qua bốn hình thức thọ sanh: noãn, thai, thấp và hóa. Đã mang lấy tấm thân thời phải chịu già, bịnh và chết, chẳng có hạnh phúc chút nào chỉ có buồn khổ và chán ngán. Do đó, khi bước chân vào con đường của vị Bồ tát, Ta mãi đi tìm người thợ cần mẫn xây nên ngôi nhà ‘ngũ uẩn’ (khanda) này, nhưng vẫn không tìm thấy hắn vì bấy giờ Ta chưa có được Nhất thiết trí vĩ đại (sabbaññuta-ñāṇa) là trí thấy rõ được kẻ tội phạm đích thực xây nên ngôi nhà đau khổ này, đó là ái dục. Ta đã phải lang thang bất định, quay vòng theo bánh xe saṁsāra dầu chẳng ưa thích chút nào, lại thường xuyên sợ hãi kẻ sản sanh ra dukkha, bao gồm ngũ uẩn.
(2) Gahatāraka diṭṭhosi, puna gehaṁ na kāhasi
sabbā te phāsuka bhagga, gahakutaṁ visankhataṁ
visaṅkharamgataṁ citta, tanhanaṁ khayamajjhaga.
Ngươi! Kẻ ái dục xây dựng nên ngôi nhà này, nguyên nhân xấu xa của mọi dukkha! Giờ đây, sau khi trở thành một vị Phật và có được Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), Ta đã thấy rõ ngươi. Này ái dục, kẻ xây dựng ngôi nhà! Ngươi sẽ không còn xây dựng ngôi nhà ngũ uẩn này với đầy dẫy dukkha, bởi vì tay chân và cả mạng sống của ngươi đã bị chặt đứt bằng bốn nhát rìu Đạo trí (magga-ñāṇa) và ngươi giờ đây giống như gốc cây đã bị bứng lên khỏi mặt đất. Tất cả rui mè kèo cột của phiền não được gắn vững chắc trong ngôi nhà ngũ uẩn của ngươi đã bị phá sập tan tành, không để lại dù một dấu vết nhỏ. Vô minh (avijja), cái cột chính của ngôi nhà, đã từng che lấp Tứ Diệu đế và Nibbāna trong bóng tối sâu thẳm của nó, đã bị giật sập. Tâm của Ta đã thoát khỏi bụi bậm của phiền não, đã đạt đến Nibbāna, lâu đài của hạnh phúc, vượt ra ngoài tất cả pháp hữu vi và tất cả đau khổ của luân hồi. Ta, Đức Phật, Vô Thượng Tôn của tam giới, đã chứng ngộ Arahatta-magga-phala, đã diệt tắt một trăm lẻ tám loại ái dục khiến cho chư thiên và Phạm thiên khắp mười ngàn thế giới vui mừng tán dương.
Chú Thích: Có hai loại cảm hứng kệ (udāna) – manasā-udāna (ý cảm hứng kệ), là kệ chỉ khởi sanh trong tâm, và vacasā-udāna (ngữ cảm hứng kệ), là kệ được thốt ra bằng lời. Bài kệ udāna-gāthā bắt đầu bằng ‘Anekajātisaṁsāraṁ v.v…’ chỉ khởi lên trong tâm của Đức Phật nên được xem là manasā udāna. Những bài kệ udāna trong bộ kinh Udāna bằng tiếng Pāḷi, bắt đầu bằng câu ‘Yadā have pātu bhavanti dhammā v.v…’ được Đức Phật thốt ra bằng lời. Vì vậy, những bài udāna bằng tiếng Pāḷi được xem là vacasā-udāna.
( Những loại Pháp được nêu ra trong Chương Sự chứng đắc Phật quả này, đó là Paṭiccasamuppāda, bốn Paṭisambhidā-ñāṇa, sáu Āsādhārana-ñāṇa, Dasabala-ñāṇa, Cuddasabuddha-ñāṇa, mười tám Avenika-guna, và 4 Vesārajja-ñāṇa sẽ được mô tả, không quá tóm gọn cũng không quá chi tiết trong Chương về Pháp Bảo – Dhammaratanā).