Nội Dung Chính
- CHƯƠNG 5. HỌC HỎI VÀ LUẬN BÀN VỚI ĀḶĀRA VÀ UDAKA
- Giáo chủ Āḷāra đề nghị trao tặng phân nửa số đệ tử đến Bồ tát
- Bồ tát rời bỏ giáo chủ Āḷāra vì nhận ra những điều khiếm khuyết trong các thiền chứng hiệp thế
- Bồ tát đến gặp giáo chủ Udaka và sự nỗ lực của Ngài để chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna)
- Giáo chủ Udaka tôn vinh Bồ tát bằng cách giao phó toàn thể giáo phái đến Ngài và tôn Ngài làm đạo sư
- Bồ tát rời bỏ giáo chủ Udaka vì nhận thấy những khiếm khuyết trong các tầng thiền hiệp thế
CHƯƠNG 5. HỌC HỎI VÀ LUẬN BÀN VỚI ĀḶĀRA VÀ UDAKA
Bồ tát thọ giáo và đàm đạo với hai vị giáo chủ Āḷāra và Udaka, sau đó chứng đắc bát thiền.
Attha rājagahaṁ vararājagahaṁ
nararājavare nagaraṁ tu gate
girirājavaro munirājavaro
migirājagato sugato pi gato.
Vua Bimbisāra – bậc trị vì cao quý của dân tộc xứ Magadha, sau khi đã nói chuyện và đưa ra lời thỉnh cầu đến Bồ tát, bèn trở về kinh đô Rājagaha, một kinh đô được sáng lập bởi vị Chuyển luân vương danh tiếng Mahāgovinda, chúa tể của loài người và lãnh đạo của nhân loại, và những vị hoàng đế hùng mạnh khác. Đức Bồ tát – bậc có những đức tánh như Meru (Tu-di-sơn), vua của các núi đồi, Ngài là vua của các vị Sa-môn, có uy nghi diện mạo hùng dũng như sư tử, chúa tể của muôn thú, cũng đi vào nơi vắng vẻ của núi rừng để tầm cầu Niết bàn, hạnh phúc tối thượng.
Theo đúng với bài kệ này ở trong bộ Chú giải Buddhavaṃsa và bộ Phụ chú giải Jinālaṅkāra, khi vị minh quân Bimbisāra trở về kinh đô Rājagaha, thì Bồ tát lên đường tầm cầu Niết bàn, được gọi là Santivara (An lạc tối thượng). Trên đường đi, Ngài đến chỗ của vị đại giáo chủ, tên là Āḷāra, thuộc thị tộc Kālāma.
(Vì những cuộc gặp gỡ giữa Bồ tát và hai vị giáo chủ Āḷāra và Udaka được trình bày chi tiết trong bộ kinh Pāḷi, các bộ chú giải như Buddhavaṃsa và Jātaka chỉ đề cập một cách tóm tắt. Nhưng vì các độc giả khó tiếp cận với bộ kinh như vậy nên chương nói về sự kiện này sẽ được trình bày khá chi tiết hơn trong bộ Phật sử này.
Liên quan đến điều này, người ta có thể hỏi: “ Tại sao Bồ tát đến Āḷāra và Udaka mà không đến các ngoại đạo sư nổi tiếng khác như Pūraṇa Kassapa và những vị khác?” Lý do là đường lối thực hành của các vị ngoại đạo sư là những đường lối không có thực chất. Suốt chín mươi mốt đại kiếp, Bồ tát đã từng thực hành theo đường lối của họ chỉ để tìm hiểu xem chúng có giá trị thực hay không. Từ những kinh nghiệm cá nhân, Ngài đã biết rõ rằng chúng không có giá trị thực. Vì vậy Ngài không đi đến những ngoại đạo sư này mà chỉ đi đến vị đạo sư nổi tiếng Āḷāra, là vị giáo chủ có rất nhiều đồ đệ).
Khi gặp giáo chủ Āḷāra, Ngài nói lời thỉnh cầu như sau: “ Thưa hiền hữu, người của thị tộc Kālāma, tôi muốn sống cuộc đời phạm hạnh trong đường lối tu tập của hiền hữu.” Āḷāra chấp thuận và nói lời sách tấn một cách chân thành: “ Hỡi người bạn cao quý, hãy ở lại trong hệ thống tu hành này của chúng tôi! Đó là hệ thống tu tập giúp người thực hành sáng trí, nhanh chóng giác ngộ quan điểm của bậc đạo sư và trú trong an lạc.”
Được sự chấp thuận của giáo chủ Āḷāra, Bồ tát lập tức nghiên cứu học hỏi giáo pháp mới mẻ này. Là người có trí tuệ thông minh siêu việt, Bồ tát dễ dàng học giáo lý và cả pháp hành của Āḷāra. Những gì ông thầy vừa nói ra thì Bồ tát đã đạt đến trình độ hiểu biết để có thể nói rằng: “ Tôi đã hiểu rồi! Tôi đã thấy con đường thực hành rồi!” và vị giáo chủ cùng với các đệ tử của vị ấy cũng công nhận lời tuyên bố của Ngài.
Khi suy xét về con đường mà Āḷāra đã nói dựa vào pháp hành dẫn đến chứng ngộ tầng thiền Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana jhāna), Ngài nhận ra rằng: “ Xem ra không phải giáo chủ Āḷāra chỉ học thuộc lòng dựa vào đức tin và không có trí tuệ tự thân mà biết được lối thực hành dẫn đến tầng thiền Vô sở hữu xứ. Đúng ra, vị giáo chủ này là người tự thân đạt được bảy tầng thiền này.” Vì thế Ngài lại đi đến vị giáo chủ và hỏi vị ấy một cách thẳng thắng: “ Hỡi người bạn thuộc dòng họ Kāḷāma, bạn hãy nói sự tự thân giác ngộ giáo lý của bạn đã đến mức độ nào?” Vì Āḷāra đã tự thân giác ngộ nó nên đã trả lời theo cách của những người có trí tuệ thực chứng ( không phải sự hiểu biết về lý thuyết) bằng cách trình bày đầy đủ bảy pháp chứng cho đến tầng thiền Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana jhāna).
Nhân đó, Bồ tát khởi lên ý nghĩ như vầy: “ Không chỉ giáo chủ Āḷāra có đủ niềm tin vững chắc để chứng đạt các tầng thiền, ta cũng có niềm tin vững chắc để chứng đạt các tầng thiền. Không chỉ vị ấy tinh tấn, chánh niệm, định và trí tuệ đủ mạnh để đắc định, ta cũng có tinh tấn, niệm, định và tuệ đủ mạnh để đắc định. Āḷāra nói rằng vị ấy đã tự thân chứng ngộ bảy pháp chứng cho đến Vô sở hữu xứ định (ākiñcaññāyatana) kèm theo thắng trí (abhiññā), và trú an lạc trong đó. Thật tốt thay nếu ta cũng cố gắng để chứng ngộ bảy tầng thiền giống như vị ấy.” Với quyết định này, Ngài tinh tấn thực hành pháp thiền đề mục Kasiṇa, và chỉ trong hai hoặc ba ngày, Ngài đã tự mình chứng ngộ bảy tầng thiền đến Vô sở hữu xứ định (ākiñcaññāyatana) và trú an lạc trong đó.
Bồ tát đi đến giáo chủ Āḷāra và hỏi rằng: “ Này bạn Āḷāra, có phải bạn nói rằng qua lối thực hành bấy nhiêu đây mà bạn đã tự mình giác ngộ bảy tầng thiền này cùng với những thắng trí (abhiññā), và trú an lạc ở trong đó?” Khi Āḷāra đáp lại bằng sự khẳng định, Bồ tát cũng báo cho vị ấy biết như vầy: “ Này bạn, qua đường lối thực hành bấy nhiêu đây, tôi cũng đã tự mình giác ngộ bảy tầng thiền đến Vô sở hữu xứ định và trú an lạc ở trong đó.” Là người cao quý đã thoát khỏi các phiền não ganh tỵ (issā) và ích kỷ (micchariya) nên giáo chủ Āḷāra hoan hỉ nói lời chúc mừng: “ Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một Sa- môn đồng đạo có trí tuệ nhạy bén như hiền hữu. Điều đó quả thật là đại lợi cho chúng tôi!”
Issābhibhūta lokamhi
Āḷāro yo anissukī
vaṇṇavādī sudhīrassa aho
uḷārachandata.
“Tư tưởng bất thiện thống trị thế gian rộng lớn này là tâm ganh tỵ (issā) – cảm nghĩ đố kỵ với lợi lạc và may mắn của kẻ khác. Āḷāra, vị đạo sư là nhân vật thật sự cao quý, tâm không chút đố kỵ, đã cởi mở nói những lời tán dương Bồ tát – Bậc có trí tuệ vô song, mẫn tiệp và nhạy bén. Là người có tánh trung thực và ước vọng đáng kính nể như giáo chủ Āḷāra, bậc có trí tuệ hoàn thiện, quả thật là con người gương mẫu đáng được vỗ tay khen ngợi.”
Giáo chủ Āḷāra đề nghị trao tặng phân nửa số đệ tử đến Bồ tát
Giáo chủ Āḷāra không chỉ nói lời tán dương Bồ tát, vì vị ấy là người không ganh tỵ và ích kỷ, vị ấy còn nói thêm rằng: “ Hỡi con người cao cả, điều gì mà tôi tự thân đã giác ngộ bằng thắng trí (abhiññā) và đã giảng dạy, thì bạn cũng tự thân giác ngộ bằng thắng trí (abhiññā)! Điều gì bạn đã tự thân giác ngộ bằng thắng trí, tôi cũng tự thân giác ngộ bằng thắng trí và giảng dạy. Như vậy, giáo lý mà tôi đã thấy rõ, bậc cao cả như bạn cũng đã thấy rõ. Giáo lý mà bậc cao cả như bạn đã thấy rõ, tôi cũng đã thấy rõ. Như vậy, bạn giống như tôi, và tôi cũng giống như bạn. Này bạn, cả hai chúng ta hãy hòa hợp với nhau mà lãnh đạo giáo phái có nhiều môn đồ này.” Rồi Āḷāra ra hiệu tập họp đồ đệ và nói rằng: “ Này các đệ tử, ta đã chứng đạt bảy tầng thiền, con người cao cả này cũng đã chứng đạt y như ta. Vậy các đệ tử nên học hỏi dưới sự chỉ dẫn của bậc cao cả này, các đệ tử nên học hỏi dưới sự chỉ dạy của ta.” Khi nói vậy, giáo chủ Āḷāra bàn giao nửa số đệ tử cho Bồ tát.Giáo chủ Ālāra không chỉ chia đều số đệ tử của vị ấy mà còn gởi đến Bồ tát những người nam nữ hộ độ của vị ấy mang đến những bông hoa và vật thơm và bảo họ rằng: “ Hãy đến làm lễ bậc cao quý!” Nghe theo lời căn dặn của đạo sư, những người nam nữ hộ độ trước hết đến đảnh lễ và cúng dường Bồ tát, rồi sau đó cúng dường đến đạo sư của họ bằng những bông hoa và vật thơm còn lại. Khi họ đến dâng cúng những sàng tọa đắc giá, họ cũng được khuyên bảo nên dâng cúng đến Bồ tát trước và giáo chủ hoan hỉ nhận số còn lại với tâm rất cao thượng. Āḷāra đã đối xử với Bồ tát, vốn là đệ tử của vị ấy trong thời bấy giờ bằng sự kính trọng và ngưỡng mộ dù vị ấy ở địa vị của một đạo sư.
Bồ tát rời bỏ giáo chủ Āḷāra vì nhận ra những điều khiếm khuyết trong các thiền chứng hiệp thế
Vì Bồ tát đã từng chứng đắc bảy tầng thiền hiệp thế trong những kiếp quá khứ và là người có tri kiến nên sau khi nỗ lực cố gắng và chứng đắc, Bồ tát liền suy xét về bản chất, viễn cảnh của những pháp chứng này và những lợi ích của chúng trong kiếp sau. Ngài bắt đầu nhận biết thấu đáo bản chất và viễn cảnh của bảy pháp chứng kể trên đến tầng thiền Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana jhāna) trong kiếp hiện tại và sự tái sanh của Ngài sẽ xảy ra trong cõi Vô sở hữu xứ thiên ở kiếp sau. Nhân đó, Bồ tát kết luận rằng bảy tầng thiền hiệp thế này còn nằm trong vòng luân hồi khổ (vaṭṭa dukkha), Ngài cũng quán xét sâu sắc như vầy: “ Nhóm thiền chứng này không thể dẫn đến yểm ly luân hồi khổ, sự viễn ly, chấm dứt các phiền não như tham (rāga), v.v… chấm dứt tất cả những phiền não, liễu tri tất cả các pháp cần liễu tri, thành đạt bốn đạo tuệ, giác ngộ Niết bàn. Thực ra, bảy pháp chứng này chỉ cho kết quả cao nhất ở cõi Phạm thiên Vô sở hữu xứ; nơi đó thọ mạng của chúng sanh là sáu chục ngàn đại kiếp, nhưng chúng không tạo ra lợi ích nào cao hơn thế. Cõi Phạm thiên cao nhất của thiền Vô sở hữu xứ mà kết quả của tầng thiền ấy cũng chỉ là cõi không thoát ra được các điều khổ về sanh, già và chết. Thực ra, đó chỉ là cõi bị vây hãm bởi những cạm bẫy của tử thần.”
Như người đang đói bụng cồn cào, đầu tiên ăn một cách khoái khẩu đĩa thức ăn thượng vị, nhưng sau đó, anh ta chán và cảm thấy ngán vì sự rối loạn của mật hoặc đàm hoặc do nhận ra con ruồi rơi vào đĩa thức ăn và từ bỏ nó, không còn muốn ăn thêm một miếng nào. Bồ tát cũng vậy, sau khi nỗ lực cố gắng và thành đạt bảy thiền chứng trong hai hoặc ba ngày mà không gặp khó khăn gì, Ngài trú và thọ hưởng an lạc trong các thiền chứng ấy. Nhưng từ lúc Ngài thấy rõ các khuyết điểm trong đó, như thấy chúng vẫn còn ở trong luân hồi khổ, v.v… Ngài không còn ưa thích trong việc xuất nhập trong bảy tầng thiền ấy, ngay cả bằng một trong năm pháp tự tại. Ngài quyết định từ bỏ các thiền chứng bằng cách nói nhiều lần: “ Bảy thiền chứng này chẳng hữu dụng chút nào! Bảy thiền chứng này chẳng hữu dụng chút nào!” Vì đã nhàm chán chúng, nên Ngài rời bỏ giáo chủ Āḷāra.
Bồ tát đến gặp giáo chủ Udaka và sự nỗ lực của Ngài để chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna)
Sau khi rời bỏ giáo chủ Āḷāra, và ước muốn tầm cầu hạnh phúc Niết bàn – sự tịch tịnh tối thượng (santivara), Ngài đi mãi đến khi gặp giáo chủ của một giáo phái khác – Udaka là con trai của Rāma. Do đó, Ngài xin thọ giáo với giáo chủ Udaka: “ Này hiền hữu, tôi muốn sống cuộc đời phạm hạnh trong giáo lý này của hiền hữu.” Giáo chủ Udaka, con trai của Rāma, nói lời đồng ý: “ Này bạn, hãy ở lại đây trong hệ thống giáo lý này của chúng tôi! Nếu những người có trí tinh tấn thực hành giáo lý của chúng tôi thì trong một thời gian ngắn sẽ giúp họ có thể giác ngộ giáo lý của bậc đạo sư và sống hạnh phúc.” Bồ tát không mất nhiều thời gian để học giáo lý và đường lối thực hành của giáo chủ Udaka. Cũng như với Āḷāra, giáo chủ của giáo phái trước, Bồ tát vốn có tri kiến nên học giáo lý và phương pháp thực hành một cách dễ dàng. Những gì ông thầy chỉ cần nói ra bằng việc khẽ nhích môi, Bồ tát đã đạt đến trình độ có thể nói rằng: “ Tôi đã hiểu rồi!” Thực vậy, Ngài công bố: “ Tôi đã hiểu! Tôi đã hiểu!” và được giáo chủ Udaka cùng đệ tử của vị ấy công nhận như vậy.
Khi suy xét cách mà Udaka đã giảng giải theo phương pháp truyền thống của họ (phương pháp mà giáo chủ Udaka thọ giáo từ người cha của vị ấy là Rāma) về đường lối thực hành dẫn đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna), Bồ tát hiểu rằng: “ Xem ra Rāma, người cha quá cố của Udaka, không chỉ học thuộc lòng, tin những gì người khác nói về đường lối thực hành dẫn đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna). Thực ra, đạo sư Rāma, cha của Udaka, chắc chắn là người đã tự thân thành tựu và giác ngộ tám tầng thiền hiệp thế.
(Vào thời điểm giáo chủ Udaka đàm đạo với Bồ tát thì vị ấy chưa thành đạt tám thiền chứng. Khi đó vị ấy chỉ nói với Bồ tát những gì mà người cha Rāma đã truyền dạy cho vị ấy. Khi Bồ tát hiểu được giáo lý và đã chứng ngộ, trong hai hay ba ngày, từ tám tầng thiền đến tầng thiền cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā- nāsaññāyatana jhāna), thì Ngài rời bỏ Udaka và hội chúng của vị ấy. Chỉ khi Bồ tát ra đi thì Udaka mới giựt mình kinh cảm (saṁvega) và vận dụng hết khả năng tinh tấn để chứng đạt các tầng thiền. Là người đã từng có kinh nghiệm về thiền định trong những kiếp quá khứ, vị ấy đã giác ngộ được các tầng thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna). Bài mô tả trực tiếp về điều này được nêu ra trong bộ Mūlapaṇṇasa Ṭīkā, cuốn II. Bài trình bày ở đây nói về sự xuy xét của Bồ tát liên quan đến phụ thân Rāma của Udaka và sự thắc mắc của Ngài riêng về đại giáo chủ Rāma trong cuộc đàm đạo với Udaka).
Bồ tát đến giáo chủ Udaka và hỏi vị ấy: “ Này hiền hữu, đạo sư Rāma đã nói rằng vị ấy đã tự thân trú giác ngộ giáo lý của vị ấy đến mức độ nào?” Udaka đáp lại rằng phụ thân Rāma của vị ấy đã trú giác ngộ đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna). Bồ tát khởi lên ý nghĩ: “ Đạo sư Rāma, cha của Udaka, có niềm tin vững chắc để chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna), ta cũng có niềm tin như vậy dẫn đến tầng thiền ấy. Không chỉ vị ấy có tinh tấn, chánh niệm, định và tuệ đủ mạnh để đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā- nāsaññāyatana jhāna), ta đây cũng có tinh tấn, niệm, định và tuệ đủ mạnh để đạt đến tầng thiền ấy. Cha của Udaka, đạo sư Rāma, nói rằng vị ấy đã tự thân giác ngộ tám tầng thiền hiệp thế đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna) bằng thắng trí (abhiññā) và an trú an lạc trong đó. Thật tốt thay nếu ta cũng phấn đấu để giác ngộ như vị ấy chứng tám tầng thiền hiệp thế.” Với ý định này, Bồ tát đã tinh tấn thực hành pháp thiền đề mục Kasiṇa, và trong hai hoặc ba ngày, Ngài đã tự thân giác ngộ giống như cha của Udaka, đạo sư Rāma, từ tám thiền chứng hiệp thế đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna), và trú an lạc trong đó.
Bồ tát đến giáo chủ Udaka và nói rằng: “ Này hiền giả, phải chăng đạo sư Rāma, cha của hiền giả đã nói rằng qua đường lối thực hành bấy nhiêu đây ông đã giác ngộ tám tầng thiền bằng thắng trí và trú an lạc trong đó?” Khi Udaka đáp lại bằng sự khẳng định, Bồ tát nói cho vị ấy biết như sau: “ Này hiền giả, qua sự thực hành bấy nhiêu đây, ta cũng vậy, đã tự mình giác ngộ bằng thắng trí tám thiền chứng và trú an lạc trong đó.” Giáo chủ Udaka giống như Āḷāra – là người đã nhiếp phục hai pháp ô nhiễm là ganh tỵ và bỏn xẻn nên đã nói lời tùy hỉ như vầy: “ Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một người bạn đồng tu, có trí tuệ nhạy bén như hiền giả. Đó là đại lợi cho chúng tôi, thưa hiền giả.”
Giáo chủ Udaka tôn vinh Bồ tát bằng cách giao phó toàn thể giáo phái đến Ngài và tôn Ngài làm đạo sư
Là người không còn hai pháp cấu uế là ganh tỵ và bỏn xẻn, giáo chủ Udaka nói những lời tán dương Bồ tát, vị ấy nói thêm rằng: “ Hỡi con người cao cả, điều gì mà cha của tôi – đạo sư Rāma đã tự thân giác ngộ bằng thắng trí và giảng dạy, thì bậc cao cả như Ngài cũng đã tự thân giác ngộ bằng thắng trí. Điều gì mà bậc cao cả như Ngài đã tự thân giác ngộ bằng thắng trí, thì cha của tôi – đạo sư Rāma cũng đã tự thân giác ngộ bằng thắng trí và giảng dạy như vậy. Giáo lý mà cha tôi liễu ngộ như thế nào, thì bậc cao cả như Ngài cũng liễu ngộ như thế. Giáo lý mà bậc cao cả như Ngài liễu ngộ như thế nào thì đạo sư Rāma – cha tôi cũng liễu ngộ như thế ấy. Như vậy, Ngài giống như cha tôi và cha tôi cũng giống như Ngài. Nào, thưa hiền giả, xin hãy lãnh đạo giáo phái to lớn này.” Khi nói vậy, vị ấy bàn giao toàn thể giáo phái đến Bồ tát. Như vậy Udaka đã tôn Bồ tát, người bạn tinh thần và là Sa-môn đồng tu của vị ấy, lên địa vị đạo sư của chính vị ấy.
Như vậy, giáo chủ Udaka không chỉ giao phó toàn thể giáo phái đến Bồ tát, vị ấy còn tôn vinh Ngài bằng sự tôn kính giống như giáo chủ Āḷāra đã làm.
Bồ tát rời bỏ giáo chủ Udaka vì nhận thấy những khiếm khuyết trong các tầng thiền hiệp thế
Sau khi đã cố gắng và thành đạt tám thiền chứng hiệp thế, do đã từng trải qua các tầng thiền chứng trong những kiếp quá khứ và có trí tuệ cao siêu, Bồ tát quán ngay về bản chất và các viễn cảnh của tám thiền chứng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định trong kiếp hiện tại và những kết quả mà sẽ phát sanh trong kiếp tương lai, rồi Ngài thông suốt được bản chất và viễn cảnh của các thiền chứng này đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định trong kiếp hiện tại và sự tái sanh của Ngài mà sẽ xảy ra ở cõi Phạm thiên Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna) trong kiếp sau. Do đó, Ngài kết luận rằng tám tầng thiền hiệp thế này còn nằm trong cái vòng đau khổ, Ngài cũng quán xét sâu xa như vầy: “ Nhóm thiền chứng này không thể dẫn đến nhàm chán khổ luân hồi, xuất ly, chấm dứt những phiền não như tham (rāga) v.v… đoạn diệt tất cả phiền não, giác ngộ tất cả những gì cần giác ngộ, hoạch đắc tứ đạo tuệ và giác ngộ Niết bàn. Thực vậy, tám thiền chứng này cho kết quả cao nhất là sự tái sanh vào cõi Phạm thiên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nơi chúng sanh sống lâu đến tám mươi bốn ngàn đại kiếp, nhưng chúng không thể cho lợi ích nào cao hơn thế. Cõi Phạm thiên Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chỉ là cõi không thoát ra khỏi các hiểm họa sanh, già và chết. Thực ra, đó là cõi đã bị vây hãm bởi những chiếc bẫy của tử thần.”
Như người đang đói bụng cồn cào, đầu tiên ăn một cách khoái khẩu đĩa thức ăn thượng vị. Nhưng sau khi no bụng thì cảm thấy ngán vì sự rối loạn của mật hoặc đàm hoặc do khám phá có con ruồi rơi vào đĩa thức ăn, vị này từ bỏ nó, không còn muốn ăn thêm một miếng nào nữa. Bồ tát cũng vậy, sau khi cố gắng và thành đạt tám thiền chứng trong hai hoặc ba ngày mà không gặp khó khăn gì, đầu tiên Ngài trú và thọ hưởng an lạc trong các thiền chứng ấy; nhưng từ lúc Ngài thấy các khuyết điểm trong đó, như thấy chúng vẫn còn ở trong luân hồi khổ, v.v… Ngài không còn ưa thích vào việc xuất nhập tám thiền chứng ấy ngay cả bằng một trong năm pháp tự tại. Ngài quyết định từ bỏ các thiền chứng này, nói rằng: “Tám thiền chứng này chẳng hữu dụng chút nào! Tám thiền chứng này chẳng hữu dụng chút nào! Và vì nhàm chán chúng nên Ngài rời bỏ giáo chủ Udaka.