CHƯƠNG 2. LỄ HẠ ĐIỀN

Vua Tịnh Phạn (Suddhodāna) chủ trì lễ Hạ điền và đảnh lễ Bồ tát lần thứ hai

Đến ngày vua Suddhodāna tổ chức lễ hạ điền, là lễ hội mùa được tổ chức hằng năm. Vào ngày hôm ấy, toàn thể kinh đô Kapilavatthu được trang hoàng xinh đẹp như cõi chư thiên. Tất cả dân chúng ở kinh đô kể cả những người làm công đều ăn mặc y phục đẹp nhất, tốt nhất; sau khi xức nước hoa và mang những tràng hoa, họ tập trung ở quảng trường của hoàng cung. Ở những đám ruộng, nơi lễ hạ điền được tổ chức, một ngàn chiếc cày được để sẵn, tám trăm cái trong số đó dành cho đức vua và các quan. Bảy trăm chín mươi cái cày của các quan được trang sức bằng bạc, có lưỡi cày, ách, bò và gậy hích. Cái cày do vua điều khiển được trang sức bằng vàng.

Vua Suddhodāna rời khỏi kinh đô với đông đảo tùy tùng gồm các quan, vệ binh và những người hầu khác và đem theo Bồ tát đến khu vực của lễ hội rồi đặt Ngài dưới bóng mát khả ái của cây táo hồng to lớn có cành lá sum xuê. Bồ tát an ngự trên những tấm thảm nhung được trải dưới cây. Chiếc lọng vải nhung đỏ sẩm có thêu những ngôi sao bằng vàng và bạc che bên trên Ngài; những tấm màng lớn che chung quanh và lính canh đứng bên ngoài để bảo vệ Bồ tát. Rồi đức vua với y phục nghi lễ chỉnh tề, cùng với các quan đi đến mảnh ruộng kiết tường, nơi lễ hạ điền được tổ chức.

Khi đến mảnh ruộng kiết tường, đức vua bước lên chiếc cày bằng vàng đặc biệt dành cho vua. Bảy trăm chín mươi chín vị quan cũng điều khiển những chiếc cày của họ. Hai trăm chiếc cày còn lại được những người làm công của hoàng gia điều khiển và họ cày hết phần còn lại của mảnh ruộng. Đức vua chỉ đi một đường cày để đem lại kiết tường cho bá tánh. Buổi lễ diễn ra một cách trang nghiêm và long trọng. Các vú nuôi và lính canh được chỉ định để bảo vệ Bồ tát, rời bỏ vị trí của họ để xem đức vua chủ trì lễ hạ điền, họ nói với nhau rằng: “ Chúng ta hãy đi xem đức vua của chúng ta chủ trì lễ hạ điền trọng đại này.”

Thái tử nhập vào Sơ thiền qua pháp Niệm hơi thở (Ānāpāna Jhāna)

Khi ấy, Thái tử sau khi nhìn quanh và không thấy ai, nhanh chóng ngồi dậy. Trong tư thế kiết già của bậc hành giả thiền tịnh, Ngài đi vào pháp niệm hơi thở, tập trung vào hơi thở vô ra, và Ngài chứng được Sơ định sắc giới (rūpavacara jhāna). (Về vấn đề này, cần hiểu rằng sở dĩ Bồ tát đắc thiền nhanh chóng như vậy vì Ngài đã từng thực hành pháp thiền đề mục hơi thở trải qua nhiều đại kiếp liên tục).

Những người hầu rời bỏ phận sự của họ đã kéo lại chỗ cung cấp vật thực để ăn uống một lát. Tất cả cây cối đều tỏa bóng mát phụ thuộc vào sự di chuyển của mặt trời, trừ cây táo hồng đang che mát cho Bồ tát. Khi xế trưa, bóng của tất cả cây cối đều ngã về phía đông. Tuy nhiên, bóng mát của cây táo hồng che cho Bồ tát vẫn không chuyển đổi theo sự chuyển động của mặt trời, ngay cả khi mặt trời đã xế bóng, vẫn tỏa bóng tròn đều như trước.

Các vú nuôi hầu hạ cuối cùng cũng nhớ ra rằng: “ Con trai của đức vua đã bị bỏ lại một mình”, họ vội vã trở về và khi đi vào bên trong, họ rất ngạc nhiên khi trông thấy Thái tử đang ngồi kiết già rất tôn nghiêm, và cũng thấy điều kỳ diệu là bóng của cây táo hồng vẫn ở yên vị trí cũ với bóng tròn đều như trước. Họ tức tốc đi đến đức vua và tâu rằng: “ Tâu bệ hạ, thái tử đang ngồi yên lặng và thanh tịnh với oai nghi thoát trần. Trời đã xế trưa, bóng của những cây khác đã di chuyển theo vị trí thay đổi của mặt trời, nhưng bóng của cây táo hồng che mát thái tử vẫn không thay đổi, vẫn giữ yên bóng tròn đều của nó.”

Đức vua lặng lẽ đi đến và quan sát. Khi tận mắt trông thấy hai điều kỳ diệu ấy, vị ấy thốt lên rằng: “ Ôi, đứa con trai cao quí của ta, đây là lần thứ hai mà bậc làm cha như ta phải đảnh lễ con.” Rồi đức vua đảnh lễ Bồ tát với lòng trìu mến và tôn kính.

Vị thiên Visukamma kiến tạo một cái hồ dành cho Thái tử

Khi Thái tử bảy tuổi, Ngài đã lớn lên trong đời sống xa hoa giống như đời sống của chư thiên, một ngày nọ đức vua Suddhodāna hỏi các quan rằng: “ Này các khanh, loại thú vui nào làm những đứa bé vui thích?” Các quan tâu rằng: “ Tâu bệ hạ, những cậu bé thường thích vui chơi trong nước.” Vua Suddhodāna bèn cho mời các nghệ nhân đến và bảo họ chọn một nơi thích hợp để đào một cái hồ thật lộng lẫy.

Nhân đó, Sakka, vua của chư thiên, qua sự quán xét đã biết được rằng người ta đang tiến hành xây dựng hồ, vị ấy tự nghĩ: “ Một cái hồ dành cho Bồ tát mà do con người tạo dựng thì không thích hợp, chỉ có hồ do chư thiên làm mới thích hợp.”

Thế nên, Sakka bèn gọi vị thiên Visukamma đến, nói rằng: “ Nào, hãy đi đến cõi nhân loại và tạo ra một cái hồ thích hợp để Bồ tát vui chơi.” Visukamma hỏi lại: “ Thưa thiên chủ, ngài muốn tôi làm hồ theo kiểu nào?” Sakka đáp lại: “ Cái hồ mà ngươi tạo ra phải đảm bảo là không có bùn và chất trơn. Trên bờ hồ được rải bằng hồng ngọc, san hô và ngọc trai; những bức thành bao quanh được làm bằng bảy loại đá quí. Những bậc cấp đi xuống hồ phải được làm bằng những tấm đan bằng vàng, bạc và hồng ngọc. Những tay vịn bằng hồng ngọc và đầu trụ lan can phải được nạm bằng san hô. Bên trong hồ để Bồ tát vui chơi khoác nước, ngươi nên tạo ra một chiếc thuyền bằng vàng có trang bị chiếc ghế bằng bạc, một chiếc thuyền bằng bạc có ghế ngồi bằng vàng, một chiếc thuyền bằng hồng ngọc có ghế ngồi bằng san hô và một chiếc thuyền bằng san hô có ghế ngồi bằng hồng ngọc. Trong những chiếc thuyền ấy  phải có những cái bát bằng vàng, bạc, hồng ngọc và san hô để múc nước. Cái hồ như vậy phải được tôn tạo cho xinh đẹp và duyên dáng bằng năm loại sen.”

Chư thiên Visukamma, sau khi vâng lời, đi xuống cõi nhân loại ngay trong đêm ấy và tạo ra một cái hồ với đầy đủ mọi chi tiết như Sakka đã chỉ dẫn ngay tại chỗ mà vua Suddhodāna đã chọn. ( Ở đây, người ta có thể hỏi là làm sao năm loại sen có thể mọc và ra hoa ở trong một cái hồ mà không có bùn. Câu trả lời là: vị thiên Visukamma đã tạo ra những chiếc thuyền nhỏ bằng vàng, bằng bạc, bằng hồng ngọc và bằng san hô trong cái hồ không có bùn như vậy và đã chú nguyện rằng: “ Xin cho những chiếc thuyền nhỏ này chứa đầy chất nhờn và bùn để năm loại sen mọc lên và nở đầy hoa.” Nhờ có sự chú nguyện như vậy, năm loại sen đã phát triển tốt và ra hoa trong hồ). Phấn của các loại sen bay khắp mặt hồ do bởi những cơn gió nhẹ và những con sóng gợn lăn tăn. Năm loại ong đủ năm màu phát ra tiếng kêu vo ve đầy vui vẻ khi chúng bay từ bông hoa này đến bông hoa khác. Sau khi đã kiến tạo cái hồ tuyệt đẹp đúng như lời chỉ dẫn của Sakka, Visukamma trở về cõi chư thiên.

Sáng hôm sau, hằng ngàn người dân kinh đô trông thấy cái hồ nguy nga, tráng lệ rất đỗi diệu kỳ, họ vui sướng thốt lên rằng: “ Chắc chắn cái hồ này do Sakka và chư thiên tạo ra dành cho Thái tử !” Và như vậy, đầy hân hoan và vui sướng, họ báo tin ấy lên đức vua Suddhodāna. Vua Suddhodāna với đông đảo tùy tùng đi đến xem hồ. Khi trông thấy sự nguy nga và tráng lệ của cái hồ, vị ấy vui mừng: “ Quả thật cái hồ này là sự kiến tạo của chư thiên do oai lực của con trai ta!” Sau đó, Thái tử đi đến vui chơi trong hồ này với đầy đủ các khoái lạc của chư thiên. (Đây là những lời nói được trích ra trong bài kinh Sukhumāla Sutta, Devadūta Vagga, Tikanipāta, Chú giải Aṅguttara, cuốn II).

Sự kiến tạo ba cung điện dành cho Thái tử Bồ tát

Thái tử, Bồ tát Siddhattha lớn lên trong tiện nghi và xa hoa vĩ đại, thọ hưởng các khoái lạc như vui chơi trong cái hồ chư thiên có đầy đủ năm loại sen, mặc y phục bằng vải mềm và mịn của xứ Kasi, luôn luôn được bảo vệ, che chở tránh khỏi nóng lạnh, bụi và sương  bởi những chiếc lọng trắng của chư thiên và nhân loại.

Năm Thái tử mười sáu tuổi, vua Suddhodāna suy nghĩ: “ Đã đến lúc xây dựng các cung điện cho con trai của ta.” Và vị ấy mời các kiến trúc sư đại tài và nổi tiếng, các thợ mộc, thợ nề, thợ điêu khắc và thợ vẽ, rồi truyền lịnh cho họ xây dựng ba cung điện, đó là cung vàng Ramma, cung Suramma và cung vàng Subha, đặc biệt ba cung điện này thích hợp với thời tiết của ba mùa. Ba cung điện này có kích  thước bằng nhau về chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Chúng chỉ khác nhau về số tầng trong các tháp nhọn.

(Ba cung điện này không được mô tả chi tiết trong các bộ Chú giải của bộ Buddhavaṃsa và bộ Jātaka. Chúng được mô tả chi tiết trong các bài trình bày của bài kinh Sukhumāla ở bộ Chú giải Aṅguttara; trong phần trình bày về bài kinh Māgandiya của bộ Chú giải Majjhimapaṇṇāsa và của chương Agarikasampatti trong bộ Phụ chú giải Jinālaṅkāra. Những gì được nêu ra ở đây là sự tổng hợp của các bài trình bày trong những bộ Chú giải và Phụ chú giải này).

(i)        Cung điện Ramma được xây dựng để ngụ trong mùa đông.

(ii)       Cung điện Suramma được xây dựng để ngụ trong mùa hè.

(iii)  Cung điện Subha được xây dựng để ngụ trong mùa mưa.

(i) Cung điện Ramma (Mùa đông)

Cung điện Ramma có chín tầng chóp. Cấu trúc và sự trang trí nội thất được thiết kế để các tầng hơi thấp giữ được độ ấm. Sự sắp xếp các cửa sổ có hình sư tử ở phía dưới và các cửa thông gió được thực hiện rất công phu để ngăn không cho hơi lạnh từ tuyết, sương, và gió vào bên trong. Các thợ vẽ cũng vẽ những bức hình về các ngọn lửa bốc cao và những đống lửa ở trên các vách tường, sàn nhà, v.v… để Thái tử thấy chúng sẽ có cảm giác ấm người. Những dãi hoa được kết bằng vật thơm, hoa, ngọc trai được treo rải rác ở những nơi thích hợp. Trên trần của cung điện được che bằng những tấm vải len và lụa có đính những ngôi sao bằng vàng, bạc và hồng ngọc tạo nên những màu sắc tươi sáng rực lửa. Ngoài ra, cũng có những vách chắn bằng vải len và những bức rèm bằng sợi rất mềm và mượt. Những chiếc áo khoác bằng vải nhung và y phục bằng vải len cũng được cất sẵn để thái tử mặc thay đổi. Vật thực dành cho mùa lạnh có vị cay, nóng cũng được chuẩn bị sẵn. Những cánh cửa sổ được mở ra vào ban ngày và đóng lại vào ban đêm để giữ căn phòng luôn luôn được ấm áp.

(ii)  Cung điện Suramma (Mùa hè)

Cung điện Suramma có năm tầng tháp. Kiến trúc và sự trang trí nội thất được thiết kế để gió thông vào phòng; các ô tầng được xây dựng cao hơn các cửa sổ và các lá chắn được bố trí để tạo ra sự thông thoáng và rộng rãi, và để cho gió từ bên ngoài thổi vào bên trong nhiều hơn và làm mát hơn, những cánh cửa lớn và cửa sổ thường xuyên được mở ra. Một số cánh cửa được trang trí xinh đẹp và những cánh cửa khác thì có lưới (bằng sắt, vàng và bạc). Những bức vách, những cột chính, các mái, v.v… được trang trí bằng những bức tranh về những hoa sen xanh, đỏ và trắng để tạo ra cảm giác êm dịu cho người xem. Những cái chậu mới đầy nước được đặt gần các cửa sổ, trong đó trồng những loại sen như sen xanh, sen đỏ, sen trắng và sen có trăm cánh. Các cột nước và vòi sen được bố trí ở những chỗ thích hợp để làm cho cây cối xanh tươi và người xem cảm thấy mát mẻ như đang sống trong mùa mưa. Bên trong cung điện có  những chậu hoa mà trong đó nước và bùn được trộn với bột thơm, được đặt ở những nơi thích hợp và năm loại sen ở trong đó luôn luôn nở hoa. Trần của cung điện được che bằng vải sợi bông, mềm, mượt và có khả năng tạo ra hơi mát. Ngoài ra, cũng có những khung chắn bằng vàng và những tấm rèm mỏng, mềm, xinh đẹp và được trang trí rực rỡ; những tấm thảm nền rất trắng có thể tạo ra khung cảnh mát mẻ. Những bộ y phục rất mỏng thích hợp cho mùa hè được treo sẵn để mặc. Đồ ăn mát và thơm ngon cũng được khéo sửa soạn.

Ở trên mái của cung điện Suramma có treo một mạng lưới những cái chuông gió nhỏ bằng vàng, tạo ra những âm thanh tươi vui và khả ái, vượt trội những âm thanh của năm loại nhạc khí. Trần của cung điện được làm bằng những tấm vàng có những lỗ rất nhỏ, được gắn ở dưới mái. Khi nước từ bốn cái hồ ở bốn phía của cung điện được bơm lên bên trên trần nhà, nó phát ra tiếng kêu tí tách và rỉ giọt qua những lỗ nhỏ giống như những giọt mưa rơi xuống khi trời đang mưa. Bên trên lớp trần bằng những tấm vàng ấy có một lớp trần khác bằng da khô của con trâu núi. Bên trên nữa là một lớp đá sỏi rất nhỏ mà từ đó chúng rơi xuống trên lớp da trâu tạo ra âm thanh đùng đùng của sấm trong mùa mưa.

Một trăm lẻ tám cái chum lớn bằng vàng và bằng bạc được đổ đầy nước hoa và đặt quanh giường của thái tử, bên ngoài các chum là khung màng có thêu hình những hoa sen. Để làm cho không khí được mát mẻ, dễ chịu, những loại sen xanh, đỏ và trắng được trồng trong những thùng tròn lớn bằng đồng đỏ chứa đầy bùn thơm đặt rải rác khắp nơi. Những bông sen nở rộ khi ánh nắng mặt trời chiếu vào. Tất cả những loại ong mật bay vào bên trong cung điện và vờn quanh những hoa sen để hút mật ngọt của chúng. Như vậy, cung điện Suramma, chỗ ngụ dành cho Thái tử trong mùa hè, ngày đêm luôn luôn tràn ngập hương thơm của các loại hoa.

Khi Thái tử sống trong cung điện này, và lúc vui chơi trong nước, những viên sỏi được ném xuống trên tấm da trâu như đã được mô tả ở trên để tạo ra những tiếng gầm của sấm, nước được bơm lên trần nhà chảy rỉ rả thành những giọt qua những lỗ nhỏ tựa như trời đang mưa. Vào lúc ấy, Thái tử mặc y phục màu xanh và mang đồ trang sức màu xanh, vui chơi trong nước, vui hưởng sự mát mẻ của nó suốt ngày giữa bốn chục ngàn tùy tùng cũng mặc y phục và trang sức màu xanh được xức nước hoa và bột thơm.

Ở bốn mặt bên ngoài cung điện Suramma, có bốn cái hồ mà trong đó nước có màu xanh lục bảo, trong mát và được phủ đầy năm loại sen. Những loài thủy cầm như thiên nga, vịt, cò, v.v… đủ các màu sắc, từ hồ ở phía đông bay ngang qua cung điện phát ra những âm thanh khả ái liên tục, rồi đáp xuống và nô đùa ở mặt hồ phía tây. Dường thế ấy, những con chim ở hồ phía tây tung cánh bay qua hồ phía đông, những con chim ở hồ phía bắc thì bay đến hồ phía nam và những con chim ở hồ phía nam thì bay đến hồ phía bắc, v.v… Cung điện mùa hè dù ở trong những tháng nóng nực vẫn mát mẻ, dễ chịu như trong mùa mưa.

 (iii)  Cung điện Subha (Mùa mưa)

Cung điện Subha có bảy tầng tháp. Cấu trúc phòng được thiết kế trung bình, không quá cao cũng không quá thấp, không quá rộng cũng không quá hẹp, để tạo ra cả hơi nóng lẫn hơi lạnh. Cửa lớn và các cửa sổ được thiết kế để thích hợp với các mùa nóng và lạnh, một số được bọc bằng những tấm vải dày, số khác thì có lỗ và lưới. Có những bức tranh về các ngọn lửa và những bức hình khác thì vẽ hình các ao hồ. Y phục và các tấm thảm thích hợp cho cả thời tiết nóng và lạnh luôn có sẵn khi sử dụng. Một số cửa lớn và cửa sổ được mở ra vào ban ngày và được đóng vào ban đêm; số khác thì được đóng vào ban ngày và mở ra vào ban đêm. (Vẻ đẹp và sự hoàn hảo của cung điện này giống như của cung điện mùa hè và cung điện mùa đông).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app