Luận Giải Về Nghiệp Phần I – Tử Và Tục Sinh: Chương Kết Thúc Của Đời Sống 

Luận Giải Về Nghiệp

Phần I: Tử Và Tục Sinh

Chương Kết Thúc Của Đời Sống 

Bất kỳ ai có sanh thì sẽ không tránh khỏi được việc phải đối diện với tử. Đức Phật đã dạy rằng: “Sanh duyên lão tử” (Jāti paccayā jarā-maraṇa). Nếu đã có sanh, thì sẽ có lão và tử vì lão và tử là kết quả của sanh. Du khách luôn luôn có đích đến cho dầu họ lái xe hay đi bằng máy bay, bằng tàu hỏa hoặc bằng thuyền. Bất kỳ họ đi đâu, về đâu, luôn luôn có điểm cuối của cuộc hành trình. Cũng giống như vậy, cuộc du hành của chúng ta trong đời sống này đã bắt đầu từ lúc chúng ta còn là một thai bào trong bụng mẹ. Không ai khác nhau cả, chúng ta sẽ phải kết thúc cuộc hành trình của đời sống vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Hết kiếp sống này đến kiếp sống khác, mỗi kiếp sống chỉ là một tiến trình tạm bợ do bởi những nghiệp (kamma) khác nhau. Ngay trên đường đến đây, tôi có chứng kiến cảnh một cô bé bị xe đụng. Thật trớ trêu là ngay vào lúc tôi lại đang trên đường đến đây để giảng về sự chết. Cô bé đó còn sống sót hay đã chết? Tôi không rõ. Tại sao chết lại xảy ra? Cái gì là nguyên nhân và điều kiện của nó? Luận thư Abhidhammatthasaṅgaha1 có trình bày bốn nguyên nhân:

1. Chết do hết tuổi thọ: Loại thứ nhất là hết tuổi thọ (ayukkhaya). Nếu các bạn có đọc phần phân ưu trong các cột báo, các bạn sẽ tìm thấy rằng, thường trên 60 là hết tuổi thọ. Đó là lý do tại sao 75 năm được xem là tuổi thọ trung bình ngày nay. Tại sao như vậy? Vì khi đến 50 hoặc 60, người ta đã trở thành ông bà rồi. Nhiều người thử đủ các loại thuốc men, đủ các chế độ ăn uống và đủ các phương pháp trị liệu để kéo dài đời sống. Nhưng tôi chưa từng nghe được một trường hợp nào là thành công cả. Thậm chí đến Đức Phật cũng chỉ sống đến 80 tuổi vào thời mà tuổi thọ là 100 năm. Nếu nương theo nghiệp (kamma) của Ngài, Ngài đã có thể sống đến vô lượng năm. Tuy nhiên, do các điều kiện khí hậu (utu) và vật thực (āhāra) đương thời, tuổi thọ của Ngài đã không thể kéo dài như những vị khác. Cho nên, ở tuổi 80, Ngài đã nhập diệt (parinibbāna) do hết tuổi thọ. Không có nhiều người có thể sống mãn tuổi thọ của mình; họ thường chết trước khi tuổi thọ chấm dứt.

2. Chết do nghiệp (kamma) đã mãn: Trong một vài trường hợp, nghiệp (kamma) mà dẫn đến việc tái sanh làm người lại yếu đến mức nó không thể tiếp tục duy trì đời sống đó cho đến lúc mãn tuổi thọ. Chúng ta hãy giả sử rằng tuổi thọ tự nhiên của một người là 100 năm. Nhưng người đó lại chết vào lúc mới khoảng hai mươi mấy tuổi. Lý do của việc này là vì nghiệp (kamma) hỗ trợ hay duy trì mạng sống của người đó đã mãn rồi. Nói một cách khác là nghiệp thiện của người đó (ND: tức là nghiệp mà dẫn chúng sanh đó đi tái sanh làm người) chỉ cho phép người đó sống lâu chừng đó mà thôi, cho nên người đó phải chết yểu như vậy.

3. Chết do vừa hết tuổi thọ và vừa mãn nghiệp (kamma): Một loại khác là ubhayakkhaya, với ubhaya có nghĩa là cả hai. Có một câu nói rằng: tim đèn và dầu đều hết. Khi cả hai đều cạn kiệt, thì ngọn lửa bị tắt đi. Tương tự, một người chết đi khi cả hai nghiệp (kamma) và tuổi thọ của người đó cùng cạn kiệt.

4. Chết do đoạn nghiệp (upacchedaka kamma): Đoạn nghiệp (upacchedaka kamma) là nguyên nhân thứ tư, không cho phép đời sống được tiếp tục. Thay vào đó, nó cắt đi tuổi thọ trước khi đến thời, do bởi những nguyên nhân và điều kiện cụ thể nào đó. Nó có thể là chính nghiệp bất thiện của người đó đã tạo trong kiếp hiện tại này hoặc trong một kiếp quá khứ nào đó. Như vậy, do bởi đoạn nghiệp, chết có thể xảy đến cho người đó trong một tai nạn: bị tai nạn xe hoặc bị rơi máy bay, hoặc bị đắm tàu, hoặc bị cây đè trong cơn bão. Một người có thể tự kết liễu đời mình, tức là tự tử. Thông qua cách này hoặc cách khác, đoạn nghiệp cắt đứt đi sanh nghiệp (janaka kamma) mà vốn đã dẫn chúng sanh đó đi tái sanh làm người. Chúng ta hãy lấy trường hợp ngài Moggallāna làm ví dụ: một bà-la-môn học thức trong kiếp sống đương thời, đã trở thành một bậc A-la-hán (Arahant) với nhiều loại thần thông. Mặc dầu ngài rất là tốt, nhưng nghiệp (kamma) quá khứ của ngài lại không tốt, vì đã có một lần trong kiếp sống quá khứ, ngài đã cố gắng sát hại cha mẹ của mình. Do đó, ngài phải đối diện với quả của ác nghiệp đó trong đời sống hiện tại của mình. Nếu ngài đã không trở thành A-la-hán (Arahant), ngài đã phải tái sanh vào địa ngục trở lại. Bị đánh đập cho đến chết thay vì phải tái sanh vào địa ngục trở lại: Điều này giống như tội với án mười năm ở tù đã được giảm án xuống còn chỉ có một năm. Chúng ta có thể cho rằng đây là đoạn nghiệp. Nghiệp bất thiện (akusala kamma) này cắt đứt đi đời sống của ngài vốn đã được tạo ra do một nghiệp thiện (kusala kamma). Chúng ta cũng có thể phân tích hay nhìn nhận vấn đề này theo một cách khác: tuổi thọ của ngài đã gần mãn. Nếu những tên trộm không giết ngài, ngài vẫn sẽ phải chết vào ngày đó. Nếu trường hợp này là đúng thì đó không thể được gọi là đoạn nghiệp (upacchedaka kamma), mà chỉ là chướng nghiệp (upapīḷaka kamma), tạo nên sự đau khổ và những thương tích cho ngài. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết của riêng tôi. Rồi theo ngài Ledi Sayadaw, chết do bệnh tật cũng có thể được bao gồm trong loại chết do đoạn nghiệp (upacchedaka maraṇa). Trước khi tuổi thọ có thể được chấm dứt, một cơn bệnh nào đó1 tạo nên cái chết do bởi quả của nghiệp (kamma vipākaja). Trường hợp này được xem là chết do đoạn nghiệp vì tuổi thọ của người này chưa mãn hoàn toàn. Hơn nữa, nghiệp (kamma) của người đó chưa cạn kiệt. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ về loại chết như vậy. Vào lúc sự chết xảy ra Điều diễn ra lúc bấy giờ là tim trở nên yếu đi. Đổng lực cận tử (maraṇāsanna javana) sanh lên ngay trước khi chết bắt một cái gì đó làm đối tượng, chẳng hạn như cảnh sắc hoặc cảnh thinh. Hoặc một cảnh sắc xuất hiện tại ý môn như trong giấc mơ. Tâm chìm vào nó, hướng về nó với tham ái (taṇhā). Hoặc tâm trở nên bối rối hoặc lo âu với sợ hãi. Rồi tâm tử (cuti citta) sanh lên. Cùng lúc đó, sắc pháp do nghiệp tạo diệt đi, không còn sanh lên nữa. Khi điều này xảy ra thì một kiếp sống được xem là đã kết thúc. Hiện tượng tim ngừng đập không đủ để kết luận rằng người đó đã chết. Khi ngủ say, tâm thức vẫn còn đó vì hơi thở ra vào được nó điều khiển. Đối với những người bất tỉnh, hơi thở có thể rất là vi tế đến mức có thể không ghi nhận được. Như vậy làm sao có thể quyết định là một người thật sự đã chết? Các bạn không nên kết luận rằng chết xảy ra chỉ vì tim đã ngừng đập. Thậm chí khi không có nhịp tim hoặc không có hơi thở, chúng ta cũng không thể chắc rằng người đó chắc chắn là đã chết. Ông ta có thể là bất tỉnh. Theo kinh điển (Piṭaka), một người được xem là chết chỉ khi ba yếu tố sau có mặt đầy đủ:

  • Āyu: thân và tâm được bảo vệ bởi mạng quyền (jīvita). Tại lúc tử, mạng quyền diệt đi.
  • Usmā: Hỏa đại (tejo) do nghiệp tạo, tạo nên hơi ấm của cơ thể, không còn được tạo ra nữa vào lúc tử. Hỏa đại được tạo ra trước lúc tử thì vẫn có thể còn tồn tại.
  • Viññāṇa: Mọi tâm, kể cả tâm hữu phần (bhavaṅga1), tức là tâm duy trì sự diễn tiến của dòng tâm thức, đều ngừng lại.

Chỉ khi nào ba yếu tố này dừng lại hoàn toàn thì chết mới được xem là xảy ra. Giả định rằng một người đã chết chỉ vì ông ta ngừng thở có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Tôi có nhớ khi còn nhỏ, tôi có đọc trong báo về một người ở Bangladesh đã bị bác sĩ tuyên bố là chết sau khi dùng dụng cụ kiểm tra xem hơi thở của ông có còn không. Vì ông ta là người của một tôn giáo khác, điều đó có nghĩa là việc chôn cất phải được thực hiện trong ngày. Mộ của ông đã không được lấp kỹ. Nếu lúc đó thân xác của ông bị đem đi thiêu, thì chắc mọi việc đã an bài. Năm giờ sau khi bị chôn, ông đã tỉnh dậy. Vì ông còn trẻ, cho nên, ông đã có đủ sức mạnh đẩy hất hết lớp đất lấp trên mình và leo ra khỏi mộ. Khi ông bước vào nhà, gia đình đã hoảng sợ nhìn thấy ông. Họ đã thấy ông bị chôn cất như là một xác chết. Bây giờ ông quay lại, họ chỉ có thể nghĩ rằng ông là ma quỷ. Cuối cùng thì gia đình ông đã kiện vị bác sĩ, người mà đã tuyên bố rằng ông đã chết. Một sự kiện tương tự đã xảy ra tại Mandalay cách đây khoảng bốn hoặc năm năm. Một cô bé người Trung Quốc đã được tuyên bố là chết. Người ta cũng đã tiến hành việc mai táng cho cô. Khi xe tang vừa đến cửa nghĩa trang, cô đột nhiên tỉnh dậy. Tuy nhiên, do vì cô bị xem là mang lại xui xẻo, cô đã không được cho phép về lại nhà. Một ngôi lều nhỏ đã được dựng lên cho cô gần nghĩa trang. Vì lý do này, trong quá khứ người ta thường giữ xác chết lại trong bảy ngày. Ngày nay, nếu chết hôm nay thì việc mai táng hay thiêu xác sẽ được thực hiện vào ngày mai. Một người xui xẻo có thể bị đưa vào nhà xác. Rồi nếu tỉnh dậy và gây ra tiếng động, người đó có thể bị hiểu nhầm là ma quỷ và cuối cùng là bị đập đến chết. Một lần nọ, có một câu chuyện kể về một ông lão trong một ngôi làng. Ông đã chết và đang được chuẩn bị chôn cất. Ông được tạm thời đặt vào một cái huyệt: một vài cuốc đất đã được rải lên người ông. Tuy nhiên, ông đã tỉnh dậy và xin nước uống. Thay vì giúp ông, mọi người đã đánh ông cho đến chết và rồi chôn cất ông. Nếu chúng ta suy ngẫm rằng sự hiện hữu là do nghiệp (kamma), thì chúng ta có thể cảm giác được một chút an ủi nào đó khi nghe những câu chuyện như vậy. 

*Bài trích trong cuốn Luận Giải Về Nghiệp của Thiền Sư Nandamalabhivamsa - Pháp Triều dịch Việt. Nguồn Vietheravada.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app