Nghiệp Báo Và Tái Sanh
Không có linh hồn để đầu thai thì làm sao có sự tái sanh
Theo Phật Giáo, sự sanh là sự biến đổi của ngũ uẩn (Khandha) ra chúng sanh (Khandhānampātubhavo).
Một vật nào được tạo ra phải do một nhân trước; hiện tượng về danh sắc cũng tùy thuộc nơi các nhân quá khứ. Sự tiến triển của nhân sanh hiện tại là kết quả của nhân ham muốn tiến triển trong kiếp quá khứ. Ý muốn hiện tại của lương năng là điều kiện của đời sống trong kiếp vị lai.
Sự tiến triển của một chập sống, không cần thiết phải có một linh hồn bất diệt, chuyển sang từ một chút tư tưởng này qua chút tư tưởng khác; nhiều tư tưởng liên tiếp cố bám muốn sống, thì kiếp sanh đâu cần phải có hồn phách chi chuyển sang từ đời này qua đời nọ.
Trong kinh Thanh tịnh đạo (Visuddhi magga) và Mi-Lan-Đà (Milinda panhā) ĐĐ. Buddhaghosa và vị trưởng lão Nāgasena có dùng nhiều thí dụ để chỉ rõ không có linh hồn nào đi đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác.
Ví dụ, về ngọn lửa rất rõ ràng. Đời sống ví như một ngọn lửa. Sự tái sanh chính là cách cháy lan tràn của ngọn lửa, từ chỗ này qua chỗ khác. Đời sống là đám lửa liên tiếp, không đứt đoạn, mặc dầu bề ngoài thấy như nó tắt, lúc con người chết.
Xác thân tiêu hoại, nhưng nghiệp lực tái diễn trong một chỗ khác. Chỉ có một nguồn sanh liên tiếp giản dị đặc biệt, chỉ có thế thôi, ngoài ra không còn chi nữa.
Có người nào tạo tác trong đời này, và một người khác phải gặt hái những kết quả tạo tác của người trước, trong một kiếp sống khác chăng?
Nói rằng người nào gieo thì người đó gặt, là một điều cực đoan. Nói rằng người này gieo mà người khác gặt, là một cực đoan khác.
Vượt khỏi hai cực đoan ấy, Đức Phật dạy giáo lý trung đạo, từ nhân đi tới quả: không phải người khác (Nacasonaca anno), y theo lời của ĐĐ. Buddhaghosa trong quyển Thanh Tịnh đạo. Sự sanh sản của loài bướm có thể làm thí dụ rõ rệt. Khởi đầu từ trong một cái trứng nó sanh ra. Rồi nó trở thành con sâu, sau lại nó thành con nhộng và ngẫu nhiên thành con bướm. Sự tiến triển của một chúng sanh, trong đời sống cũng như mường tượng như thế ấy. Con bướm không phải là con bướm, mà nó cũng không phải hoàn toàn là con sâu. Kiếp sanh của người hay của bướm vẫn là một sự tiến triển hay sự liên tiếp của một đời sống.
Nếu không có linh hồn, hỏi vậy có một trách nhiệm nào về tinh thần đạo đức chăng?
Có, bởi đây là sự liên tiếp, giống như một, trong một cơ cấu tiến triển, có thể xem như một cá tính đồng nhất.
Ví dụ một đứa trẻ trở nên người. Người này không phải tuyệt đối là anh chàng mà ta muốn nói, trong khi tế bào của anh ta đã hoàn toàn thay đổi, mà cũng không thể nói là người khác, bởi chỉ có một triều lưu sinh tồn duy nhất. Song le, cá nhân là gì nếu không phải chính người ấy, thì tất nhiên nó phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của nó trong thời kỳ ấu xuân. Dầu nguồn sinh lực có tắt nơi đây cùng sanh lại nơi kia, nó cũng vẫn liên tiếp tồn tại trong đời; cái nguyên tố chủ yếu chính là cái mối liên tục ấy.
Ví như người nọ trước kia tên A; bây giờ sanh lại tên B, tên A chết thì xác thân của nó, là biểu hiện bề ngoài của nghiệp lực, đã bỏ rồi; tên B sanh với xác thân mới khác. Dầu có những thay đổi về thể xác bên ngoài, nguồn tâm thức đi thọ sanh (citta santati) vô hình, vẫn liên tiếp chảy hoài, không gián đoạn bởi cái chết, và đem theo với nó tất cả những ấn tượng của ngũ quan đã cung cấp cho nó. Thế ấy, muốn nói cho đúng lý, nên xét coi tên B phải chịu cùng không chịu trách nhiệm về hành vi của tên A chăng? Có người biện rằng, không ai nhớ được dĩ vãng của mình vì tại có cái chết xen vào.
Hỏi vậy sự liên tục (đồng nhất) hoặc là trí nhớ có cần thiết để bắt buộc phải chịu trách nhiệm về tinh thần không?
Có kẻ nói: Hành phạt nó làm chi, bởi nó không biết được rằng nó đang đền tội của nó? Thế thì đâu là công bình trong trường hợp này?
Lẽ dĩ nhiên không có công bình, nếu chúng ta bị khép dưới quyền thống trị của một vị Trời, độc tài thưởng phạt. Trái lại Đức Phật chẳng hề nói đến sự đền tội.
Theo Phật Giáo, thế gian chẳng phải thiết định như vậy. Người Phật tử tin nơi luật công bình hợp lý của cái Nghiệp, ngấm dần tự nhiên từ nhân ra quả, chẳng có chi gọi là thưởng và phạt. ĐĐ Sīlācāra có thuyết rằng: Nếu có người kia hành động trong giấc ngủ, ra khỏi giường, đi dựa vào hành lang, rồi té xuống đường, có thể gãy tay, gãy chân hoặc bị tai hại gì hơn nữa. Tai nạn này xảy ra chẳng phải vì một sự đền tội của người đi trong giấc ngủ, mà chỉ là kết quả của sự đi trong giấc ngủ thôi. Lý do không nhớ đã có đi trên hành lang, không sửa đổi được kết quả của sự té xuống đất.
Bởi thế người Phật tử cần phải dự bị để tránh đừng đi ra ngoài hành lang cùng nơi nào nguy khốn khác, dầu ngủ hay thức. Có vậy mới khỏi gây thương tích cho mình và cho kẻ khác.
Lý do của một người không nhớ đến dĩ vãng của họ không phải là sự trở ngại cho sự hiểu biết khôn ngoan của chúng ta về sự phát triển của cái Nghiệp.
Nhờ nhận thức được rằng không thể trốn tránh kết quả của cái nghiệp trong triều lưu sanh tử luân hồi, nên người Phật tử biết trau dồi ít nhiều tâm tánh của họ.
Có thể nào một người kia sẽ tái sanh lại làm thú vật không?
Mọi người không thể thừa nhận câu trả lời của Phật giáo. Nhưng chẳng ai bị ép buộc phải mù quáng tin theo.
Phật Giáo quả quyết nhìn nhận có sự thoái hóa của nghiệp.
Hình thức vật chất, làm trung gian cho nguồn sanh lực liên tiếp phát triển, chỉ là những biểu hiện tạm thời của Nghiệp lực mà ai ai cũng thấy được. Xác thân hiện tại chẳng phải trực tiếp do nơi thể xác vật chất quá khứ mà sanh ra, nhưng chắc chắn nó liên quan với một nguồn sanh lực của cái nghiệp.
Cũng như năng lực điển khí có thể phát hiện liên tiếp dưới hình thức ánh sáng, sức nóng hoặc vận hành, hình thức này không cần phải phát sanh do hình thức kia; năng lực của nghiệp, cũng như thế ấy, có thể biểu hiện dưới hình thức của một vị trời, một người, một thú, v.v…; hình thức này không có liên quan đến hình thức khác về mặt vật chất. Nghiệp của mọi người tạo ra hình thể vật chất, tùy theo hành vi khôn khéo đó thôi. Rồi từ đó nó tùy thuộc hoàn toàn nơi sự tiến hóa theo trình độ hiểu biết của mỗi người về thực tế của sự vật.
Thay vì nói người kia trở thành con thú, hay trái lại thú kia trở thành người, đúng hơn là nói rằng nghiệp lực phát hiện dưới hình thể một người hay dưới hình thể một thú.
Thuở nọ có hai thầy đạo sĩ tên Punna và Seniya, một thầy thì tu khổ hạnh theo lối của loại bò; thầy kia tu khổ hạnh như con chó, đến hỏi Đức Phật về kiếp vị lai của họ. Đức Phật trả lời.
“Trong đời này, một gã kia thực hành trọn vẹn không thoái chuyển những thói quen, những tâm trạng, những tư cách của chó. Gã ấy đã sống theo thói thường của chó, sau khi chết nó sẽ tái sanh lại trong loại chó”. Đức Phật cũng giải thích như trên rằng kẻ nào khổ hạnh theo bò, cũng sẽ tái sanh trong loại bò”.
Câu chuyện tình cờ này giải rõ cách nào một con người có thể sanh lại làm thú, y theo luật thân thuộc.
Theo Phật Giáo, nghiệp tiến hóa lên cùng nghiệp thoái hóa xuống đều có thể có cả.
Đây là tánh cách nội dung của giáo lý về cái nghiệp và sự tái sanh.